Phương Anh không hỏi gì nữa. Đêm qua ngỏ ý hỏi Vy Đoan, nhưng Đoan nói không thấy Nguyên nhắn gì cả. Nguyên chỉ bảo có chuyện phải về nhà. Có nghĩa là Nguyên đã về thành phố Hồ Chí Minh. Em gửi các bé ở đâu nhỉ? Không lẽ em mang theo các bé về nhà?
- Anh đuổi chị ấy à?
- Ai đuổi, hỏi vớ vẩn gì đấy?
- Em hỏi thật, anh thích chị Nguyên đúng không?
- Linh tinh.
- À không, anh yêu con mẹ Ly cơ mà.
- Em còn nói nhăng cuội là anh đuổi em về đấy.
- Ngứa chân ngứa tay quá, anh gọi nó đến đây cho em đánh nhau tiếp đi.
- Em có biết mỗi khi nhìn thấy em là anh thấy đau đầu không? Em mà không phải em gái anh thì anh túm gáy quẳng ra cửa sổ.
- Hiu hiu, chán quá. Tuần sau em phải đi làm. Bắt đầu công việc mới không biết sẽ ra sao.
- Công ty nào nhận em đấy? Tội nghiệp họ.
Phương Anh đang định nhào đến đánh tôi thì chuông cửa lại reo. Tiếng chuông ngắt quãng, chậm chậm chờ đợi. Cách bấm chuông cửa đôi khi cũng giúp tôi đoán được con người đứng sau cánh cửa. Tôi đi ra mở khóa. Là Phương.
- Chào Nhật!
- Chào Phương!
- Lại là anh? Sao anh cứ bám theo tôi như đỉa đói thế?
- Phương Anh! Em nói năng kì cục vậy? – Tôi gắt
- Kia kìa, anh ta lại mang theo gà hầm, hu hu
Phương lúng túng đứng ngoài cửa. Tôi lôi cậu ấy vào nhà. Với Phương Anh thì không việc gì phải ngại cả. Tôi ghé tai Phương thì thầm: “Con bé không thích ăn gà đâu, nó thích ăn đậu phụ sốt cà chua”. Phương trả lời kiểu hốt hoảng: “Thế thì làm sao mà có chất được?”. Tôi cười lớn. Anh chàng này ngô nghê khó tả. Phương Anh dùng dằng ra phòng khách ngồi. Trước mắt tôi, một cặp đôi đang trong thời gian tìm hiểu, một anh chàng già dặn nhưng ngố, một con bé mới lớn vẫn còn mơ mộng những điều lãng mạn xa vời. Tôi không biết họ sẽ bước tiếp như thế nào trên cùng một
con đường. Tôi cảm thấy mến Phương qua một vài hành động bột phát của cậu ấy. Phương quan tâm đến em gái tôi theo cách riêng của mình. Chân thật, không hào nhoáng phô trương.
- Tay em còn đau không?
- Mặc xác tôi! – Phương Anh ngồi dán mắt vào Ti vi
Tôi đưa lọ cao cho Phương rồi nấu tiếp bữa sáng. Đứng quan sát Phương lúi húi xoa cao lên tay Phương Anh. Cũng may là con bé không phản kháng mà ngồi im kệ cho Phương làm. Ngoài cửa sổ, nắng bắt đầu lên, những cơn gió buổi sáng thổi nhẹ hơn. Tôi tách những mảnh giấy ghi chú Nguyên dán mọi nơi và cất vào túi áo. “Anh nhớ nhai chậm không hại dạ dày”, “Nêm muối vừa phải và đừng ăn mặn quá nhé”, “Ăn một quả táo mỗi sáng”, “Uống nước cam đều đặn nha anh”, “Ăn xong phải rửa bát ngay”… Gần hai tháng qua, em chăm lo cho tôi từng chút một. Còn tôi, thậm chí chẳng thèm để ý em đi gì, mặc gì, ăn gì mỗi ngày. Em gầy hơn, đôi mắt nhiều mệt mỏi chán chường. Nguyên giấu điều gì sau khuôn mặt luôn luôn bình thản ấy? Những trăn trở lo lắng, hay mơ ước về một bức tranh tươi sáng hơn hiện thực vẫn diễn ra mọi ngày? Chiếc thìa trên bàn ăn rơi xuống đất do tay tôi sơ ý gạt phải. Tôi cúi xuống, bắt gặp ngay một cuốn sổ tay nhỏ màu hồng đặt dưới chỗ cất những bát ăn nhỏ của mèo. Tò mò giở ra xem…
“- 15/8. Bắt đầu!
- 20. 8. Nô Đen
- 21/8. Lem
- 22/8. Mèo Mướp, Nusi.
- 25/8. Lucky, Su
- Những ngày âm u
- Giải cứu
- Gió và bão
- 7/9. Mèo Bum sinh, Hướng Dương và Loa Kèn chào đời, Heo May mất.
- Anh vẫn mê sảng và gọi những tên lạ khi ngủ. Mon là ai?
- 8/9. Anh bị ốm
- Anh hay sốt ban đêm.
- Đi chợ nhớ mua ngải cứu và bí đỏ nấu cho anh.
- Những ngày không nắng, không mưa.
- Anh cao 1m78. Mình đứng đến cổ anh!
- Anh hay ngất lịm đi bất chợt.
- Anh thích ăn chay
- Thế giới thật bình yên mỗi khi nhìn anh ngủ ngon…”
Tim tôi rung lên từng nhịp một, mạnh mẽ như mưa rào ập đến bất chợt. Tôi vô tâm tới mức không nhận ra tình cảm của Nguyên bấy lâu nay. Dòng ghi chú rất ngắn mỗi lần viết, nét chữ khi vội vã, khi chậm chạp nắn nót nghĩ suy. Những ngày đầu tiên tới đây, mối quan tâm của Nguyên vẫn chỉ xoay quanh mấy bé chó mèo, nhưng rồi sau đó thì khác. Mỗi khi đọc đến chữ “anh”, tôi lại có cảm giác nhẹ nhàng như nghe Nguyên gọi bên cạnh: “Anh Nhật, anh dậy đi!”, “Anh Nhật, anh tỉnh chưa?”, “Nhật à anh có sao không?”. Nguyên à! Chúng mình cứ mãi là hai cơn gió vu vơ ngược chiều nhau như vậy sao? Tình cảm em dành cho tôi rõ ràng như thế, mà tôi lại không thể khiến em tin tưởng, không thể là chỗ dựa vững chắc để em tựa vào. Gập cuốn sổ lại, cố gắng xua đi những suy nghĩ lòng vòng quanh đầu, tôi nấu nốt cho Phương Anh bữa sáng rồi vào phòng làm việc. Ở phòng khách, Phương Anh vẫn ra sức phản kháng chửi rủa, còn Phương thì vẫn ngồi ủ ê dỗ dành:
- Vậy thì thế nào bây giờ? Tôi đi mua đậu cho em ăn nhé! Nhưng em ăn nửa con gà đi!
- Tôi không ăn gà, tôi đã nói với anh rồi, anh điếc hả?
- Thế ăn cái còng thôi rồi tôi đi chợ.
- Sao anh khùng thế nhỉ. Nay thứ 4 mà anh không phải đi làm à?
- Em ăn đi để tôi còn đi làm!
- Việc tôi ăn hay không liên quan gì đến việc anh đi làm? Anh biến đi!
- Vậy tôi đi mua đậu nha!
- Trời ơi tôi điên mất. Anh sinh ra để ám tôi à?
- Tôi đi chợ mua đậu đây, em có muốn đi với tôi không?
- Hu hu hu…
Phương Anh gào lên khóc thật. Tôi cứ đứng trong phòng cười khúc khích. Khổ thân con bé! Lần đầu tiên bị khủng bố tình cảm như vậy. Khổ thân cả Phương, có lẽ cũng lần đầu tiên cậu ấy biết yêu và quan tâm đến một người con gái. Tình yêu, như một bức tranh 3D, phải nhìn thật lâu, thật tập trung và dành thời gian quan sát mới có thể thấy hết được các góc cạnh của nó. Tôi không hiểu lí do gì đã khiến một anh chàng doanh nhân giàu có như Phương lại bỏ mặc công việc để lẽo đẽo chạy theo chăm sóc đứa trẻ chưa lớn như em gái tôi. Nhưng ít ra thì Phương hơn tôi, cậu ấy dám thể hiện tình cảm của mình mà không sợ xấu hổ hay tổn thương. Tôi, quẩn quanh với những nghĩ suy không đầu không cuối, lan man với những mảng trí nhớ bất định mà chẳng xác minh được mình đang ở đâu và cần làm gì. Chợt nhận ra ngay lúc này, cuộc sống của tôi thật nhảm nhí. Khi một người trưởng thành tự thấy mình thừa thãi, thật không gì đau khổ bằng.
***
Tháng Mười thi thoảng kéo về Hà Nội những đợt gió lạnh đầu mùa đông. Lá vàng rơi rụng nhiều trên khắp các ngả đường. Số điện thoại của Nguyên vẫn chẳng thể liên lạc được. Cũng chẳng có một thông tin nào về em từ phía Vy Đoan. Mọi thứ như làm tôi trống trải hơn. Tôi vẫn qua với cậu bé con Tí Tách và mấy em chó kiki hằng ngày, vẫn nhận dịch bản thảo, đến trạm cứu hộ chăm sóc chó mèo cùng các bạn tình nguyện viên. Ly nhắn tin gọi điện cho tôi luôn luôn, nhưng tôi không đáp lại. Đâu đó trên facebook sáng nay, tôi vô tình đọc được: “Đừng bao giờ cố gắng yêu lại người cũ. Vì yêu một người mình từng yêu cũng giống như việc đọc lại một quyển sách mình đã từng đọc. Bạn đã biết trước nó sẽ kết thúc như thế nào. Và cái kết thúc ấy sẽ không bao giờ thay đổi!”.
…
- Chú ơi, chú tên là gì nhỉ? – Tí Tách giật giật ống quần tôi
- Chú tên là Lính Cứu Hỏa.
- Thật á? Chú tên là Lính Cứu Hỏa?
- Ừ thật mà!
- Hôm nay bốn bạn ấy đã hết ve rồi chú ạ. Chú chữa bệnh hay quá!
Tôi vừa xúc cơm cho bốn chú kiki vừa trả lời Tí Tách. Tí Tách cứ lũn cũn bên cạnh tôi cười đùa và liến thoắng. Cậu bé rất vui. Tôi nhìn thấy những tia lấp lánh trong đôi mắt đen láy kia.
- Hôm nay chú có bánh Bông Lan cho cháu này. Cháu không phải ăn ké của các bạn nữa đâu! – Tôi chìa tay, chiếc bánh còn nguyên vẹn trong giấy gói. Tí Tách khẽ reo lên:
- Cháu cảm ơn chú, mấy ngày nay cháu thèm quá!
Nói xong Tí Tách nhận bánh, bóc ra ăn ngon lành, vệt kem hồng dính lem nhem trên má. Thật trong trẻo! Tôi thấy như mình đang nhìn ngắm một thiên thần, trắng tinh khiết như một tờ giấy chưa hề bị lem một vệt mực nào. Bạn biết không? Khi bạn mệt mỏi và mất niềm tin trong cuộc đời này, xin bạn hãy tìm một đứa trẻ và nhìn ngắm nó chơi đùa. Chỉ cần vậy thôi, biết bao nhiêu điều thánh thiện sẽ tràn ngập tâm hồn bạn. Tôi bế Tí Tách lên và ôm cậu bé đi men theo con đường nhỏ giữa bãi cỏ để ra đường lớn. Tôi hỏi vu vơ:
- Sau này cháu muốn làm nghề gì?
- Lính cứu hỏa ạ!
- Tại sao?
- Vì cháu thích!
- Chú và cháu chơi trò “Nếu như” được không?
- Cháu không biết chơi ạ. Unhappy
- Chú nói “Nếu như Tí Tách là giáo viên”. Cháu sẽ phải trả lời “Tí Tách sẽ như thế nào”.
- Dạ đồng ý!
- Vậy nếu như Tí Tách là giáo viên?
- Cháu sẽ đi dạy học.
- Nếu Tí Tách là bác sĩ?
- Cháu sẽ chữa bệnh cho mọi người.
- Nếu Tí Tách là Công nhân?
- Cháu sẽ sản xuất thật nhiều bánh Bông Lan
- Nếu Tí Tách là thợ xây?
- Cháu sẽ không xích và bỏ đói các em kiki như ở đằng kia
Tí Tách dễ thương quá. Cậu bé khiến lòng tôi ấm áp giữa những cơn gió lạnh cuối tháng Mười. Nhưng rồi tôi chợt lặng lại ngay khi Tí Tách trả lời một câu hỏi:
- Nếu Tí Tách làm bố?
- Cháu sẽ …đi cai nghiện!
Sau câu hỏi đó, tim tôi như bị hàng vạn mũi đâm xuyên qua. Tôi ôm Tí Tách chặt hơn. Thương Tí Tách nhiều hơn. Còn Tí Tách thì vẫn mỉm cười, háo hức chờ đợi câu hỏi tiếp theo. Mãi sau không thấy tôi nói gì, Tí Tách thỏ thẻ:
- Sắp đến ngõ nhà cháu rồi.
- Ừ chú biết mà.
- Vậy đến lượt cháu được hỏi chú chưa?
- À ừ nhỉ, Tí Tách hỏi đi.
- Nếu bạn chú đột ngột biến mất, chú có đi tìm không? – Câu hỏi này khiến tôi chột dạ.
- Sao cháu lại hỏi thế?
- Cháu có một người bạn, bạn ấy lông màu đen, vẫn hay kiếm ăn ở bãi rác gần cột điện đằng kia. Mấy hôm nay bạn ấy không đến nữa.
- Thế Tí Tách có định đi tìm không?
- Mẹ cháu nói, làm thế sẽ rất nguy hiểm cho cháu. Những việc quá sức thì không nên làm.
- Ừ, mẹ Tí Tách nói đúng.
- Nhưng nếu chú có thể?
- Thì chú sẽ đi tìm người bạn đột nhiên biến mất của chú! – Tôi nói chậm, một cách chắc chắn.
- Chú nhớ nhé!
Những câu hỏi của Tí Tách khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Những ngày qua, tôi đã làm gì để tìm lại tình yêu của mình? Hay chỉ bị động ngồi một chỗ chờ đợi. Muốn tìm một người, đâu chỉ có thể ngồi mong mỏi vài cuộc điện thoại, vài ba tin nhắn? Tôi thả Tí Tách ở ngõ. Cậu bé chào tôi rồi chạy sâu vào bóng tối. Tôi đi lững thững trên vỉa hè. Con đường này đã có gì khác? Thu kéo mùi hoa sữa nồng cả một góc phố, những chậu hoa nhỏ mới được trồng, những viên gạch hình thoi vừa được thay ngày hôm qua, hay khác vì cơn gió lạ ngày nào nay đã không còn?
Tí Tách! Tôi sẽ mãi biết ơn câu hỏi vu vơ của cậu bé lạ lùng ấy. Một đứa trẻ nghèo có người bố nghiện ngập, mà luôn mỉm cười yêu đời, đôi mắt ánh lên niềm tin và lạc quan về cuộc sống xung quanh. Ngay lúc này, tôi hiểu ra rằng, nếu tôi không chịu bước chân đi tìm, thì sẽ chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc.
Việc đầu tiên khi tôi trở về nhà, là nhắn tin nhờ Vy Đoan để ý đến mấy em kiki, thông báo rằng tôi đã gửi chút hỗ trợ chi phí chăm sóc cho Tí Tách 2. Xong xuôi, tôi check web đặt vé máy bay ngay vào thành phố HCM ngay ngày hôm sau.
Định tắt máy đi ngủ, Vy Đoan inbox gửi cho tôi link tấm hình mới nhất của bé Tí Tách 2. Tấm ảnh khiến tôi dựa lưng vào ghế và mỉm cười một cách hạnh phúc.
“Con là Tí Tách. Anh chị thấy con có đẹp trai hông? Con là đứa bé bị bỏ rơi ở cạnh bãi rác. Sau một thời gian được bác sĩ và các anh chị Yêu Động Vật chăm sóc, con đã đứng dậy được rồi, may quá con không bị liệt, con chỉ bị ngược đãi và đuối sức nêm sụm bà chè luôn thôi. Con vừa được bác sĩ cạo lông để đợi ra lông mới. Hứa hẹn con sẽ là một thằng bé đẹp trai lắm luôn.
Các anh chị thương con thì đón con về với nha, con muốn được ôm ấp và yêu thương lắm.
Thế nhưng các anh chị muốn đón con về phải hứa là yêu thương con suốt đời nhé, đừng quăng con cù bất cù bơ nữa con sợ lắm:’(
Chap 21.
Những tưởng sẽ ngủ rất ngon đêm hôm đó, nhưng tôi đã nhầm. Một vài mảng ký ức lại lần lượt ập về trong giấc mơ. Tôi không thể nào kiểm soát và sắp xếp chúng vào một trình tự hay logic nào đó. Hỗn độn và đảo lộn. Điều gì đã xảy ra trong quá khứ vậy? Nhất định có những việc đã khiến tôi hoang mang sợ hãi. Những tấm ga trắng, những đôi mắt chó, những vệt máu loang, vạt nắng chiều vàng vọt, đêm tối… Tất cả trộn với nhau thành một bức tranh chứa bao mảng màu phức tạp. Tôi đứng ở đâu, phải đi đâu, phải làm gì giữa vô vàn ngả đường sâu hun hút?
Tỉnh giấc, nhận ra mồ hôi đã ướt rượt dưới lưng. Tôi lật chăn, lao ra bàn và điên cuồng bấm điện thoại. Mẹ tôi nghe máy sau bốn hồi chuông:
- Mẹ ơi!
- Ừ!
- Ngày trước, mẹ tìm thấy xác con ở Sài Gòn đúng không? – Tôi có thể tưởng tượng được đôi mắt ngỡ ngàng hoảng hốt của mẹ khi nghe tôi hỏi.
- Con…
- Con chỉ cần mẹ trả lời đúng hay không thôi.
- Con đã nhớ ra được gì vậy? Mẹ không biết đã xảy ra chuyện gì. .
- Vậy là đúng phải không mẹ?
- Tối hôm đó khi đang ăn tối, bố con nhận được điện thoại từ thành phố Hồ Chí Minh của một cô gái, cô ấy nói vô tình thấy con nằm bất động ở một góc giữa đồng cỏ, cạnh bãi rác gần nhà cô ấy.
- Một cô gái? Vậy khi vào đó đón con thì sao?
- Bố mẹ bay vào ngay đêm hôm ấy, đến địa chỉ bệnh viện cô gái cung cấp. Con lúc ấy thê thảm tới mức bố mẹ không thể nhận ra nữa. Một bên tay đầy vết rách và xước do bị đánh bằng vật cứng, mặt bầm tím, mũi bị rập, quần áo nhận lại từ bác sĩ thì lấm lem máu và rách nát. Bố mẹ không biết xã hội đen có đánh nhầm con không mà đến mức ra nông nỗi thế. Con hôn mê năm ngày thì tỉnh lại. Không hề nhớ gì trong khoảng vài năm trước đó. Bố mẹ sợ con hỗn loạn nên nói con bị tai nạn. Bác sĩ bảo con sẽ hồi phục trí nhớ dần dần. Nhưng mấy năm nay mẹ không hề thấy tiến triền. Bố mẹ cũng đã tìm đủ mọi cách, nghe lời bác sỹ tâm lý mua nhà cho con sống thoải mái mà mọi thứ không tích cực lên.
- Mẹ còn nhớ địa chỉ bệnh viện đó không?
- Nếu con đã nhớ lại được hết, thì kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra với con vậy?
- Con cũng không biết mẹ à. Nhưng có lẽ con phải vào đó một chuyến.
- Không được!
- Mẹ!
- Mẹ đã nói không được là không được.
Tôi nghe thấy tiếng Phương Anh nói vọng lại: “Mẹ, anh ấy lớn rồi, mẹ kệ đi. ”
Dù sao thì vé cũng đã đặt. Mẹ có ngăn cản sao cũng không được. Giữa buổi sáng hôm ấy mẹ đến nhà tôi cùng Phương Anh và Phương. Thái độ mẹ phản đối vô cùng gay gắt. Tôi cũng hiểu lí do vì sao mẹ làm vậy. Bạn cứ thử làm mẹ, nhìn con mình bị đánh thừa sống thiếu chết ở một nơi xa lạ, chắc chắn bạn không dám để con mình quay lại nơi ấy. Mẹ tôi, với bản năng bảo vệ của một người mẹ, phản ứng như vậy là không thể tránh khỏi. Nhưng tôi cũng có lí do của mình. Những ngày qua, sống chênh vênh mơ hồ, hẫng hẳn một khoảng ký ức, đôi khi tôi cảm nhận được có một bóng dáng khác ẩn hiện trong chính bản thân tôi. Từ hành động, suy nghĩ, cảm xúc, tôi đều bị ảnh hưởng bởi một linh hồn khác.
…
“Con bà có dấu hiệu tâm thần phân liệt, sống trong ký ức ảo giác của một người khác”
Tâm thần phân liệt…
Ký ức ảo giác…
Lời nói câu được câu mất của bác sĩ nói với mẹ tôi trong lúc tôi vẫn còn mê man lại vang lên. Nhưng người khác là ai? Ký ức của họ là gì? Tại sao họ chọn tôi để gửi gắm?
Tôi vào nhà vệ sinh, vốc nước lên mặt cho tỉnh táo. Mỗi khi nhắm mắt lại, nụ cười của Nguyên lại ẩn hiện trong trí nhớ. Nếu lúc này em ở đây, chắc chắn em sẽ mở cửa và mắng tôi: “Anh không được rửa mặt bằng nước lạnh lâu, bị cảm đấy”. Nếu tôi bước ra khỏi phòng mà quên không đi dép, Nguyên sẽ quở: “Mới dậy mà đi trên nền đá hoa lạnh sẽ bị thấp khớp”. Bữa ăn nếu ngâm nghê vừa ăn vừa xem phim, Nguyễn sẽ nhắc: “Đau dạ dày đấy”. Tôi vẫn thường cau có bảo Nguyên: “Em nhìn đâu cũng ra bệnh nhỉ?”, để nghe Nguyên đáp lại: “Đúng rồi, nhìn thấy anh là nghĩ đến bệnh điên!”. Bên ngoài phòng khách, mẹ tôi và Phương Anh vẫn tranh luận việc có nên để cho tôi đi hay không. Tôi đứng trong này, nhìn mấy hình mèo Kitty dán trên bàn chải đánh răng mà tủm tỉm cười. Tôi sẽ đi, để tìm lại ký ức cho tôi, tìm lại tình yêu của em nữa.
***
Sau mấy tiếng đồng hồ tranh cãi kịch liệt mà tôi cứ ngỡ mình sẽ lỡ mất chuyến bay đã đặt vé đêm qua, thì kết quả vẫn như tôi mong muốn. Mẹ tôi đồng ý cho tôi đi sau khi Phương đề nghị: “Mai cháu có việc bay vào HCM, để cháu đi cùng Nhật. ”
***
Chuyến đi này sẽ trả lại cho tôi những gì, tôi cũng không biết nữa. Nhưng linh cảm giúp tôi biết rằng, đang có rất nhiều thứ chờ đợi tôi phía trước.
Phương rất ít nói, anh luôn cắm cúi vào laptop làm việc, không để ý gì đến xung quanh. Thi thoảng tôi hỏi Phương một vài câu, Phương trả lời xong lại tập trung làm việc, khác hẳn những khi ngồi cạnh Phương Anh, cố nhẹ nhàng dỗ dành để làm em tôi vui. Taxi đi đến nội bài, một vài người cấp dưới của Phương giúp tôi chuyển đồ vào phòng chờ. Tôi và Phương chọn hàng ghế cuối cùng ngồi đợi thông báo về chuyến bay. Lúc này Phương mới cất lap và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Còn tôi ngả người ra thành ghế nghỉ ngơi.
- Lần đầu tiên tôi gặp Phương Anh ở đây đấy Nhật!
- Hả? – Tôi bật người dậy khi nghe Phương thủ thỉ.
- Ừ, chính xác là ở chỗ kia! – Phương chỉ về phía lối vào.
- Em gái tôi á?
- Thế cậu nghĩ tôi đang nói ai?
- Tôi tưởng mẹ tôi giới thiệu cậu cho Phương Anh
- Đó là chuyện sau này.
- Hai người gặp nhau trước rồi, sao Phương Anh không kể gì với tôi nhỉ?
- Có lẽ Phương Anh đã quên, tôi chẳng là gì trong trí nhớ của cô ấy cả.
- Con bé vô tâm mà…
- Cũng không biết nữa, lần đầu tiên gặp cô ấy, tôi như bị chuột rút vậy. Chúng tôi va nhau ở đoạn kia, khi Phương Anh mải nói chuyện điện thoại còn tôi mải tháo chiếc đồng hồ trên tay. Chúng tôi chạy nhanh lắm, nên sau khi va chạm, điện thoại của Phương Anh, đồng hồ của tôi, mỗi thứ văng đi một hướng. Tôi bất ngờ quá không kịp xử lý. Cậu nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đối với tôi, tôi đoán một cô gái bình thường sẽ lao đến nhặt điện thoại, vuỗi vuỗi phủi phủi xem có xước không, sau đó quay ra quát: “Anh đi cái kiểu gì vậy hả? Mắt để sau gáy à?… bla bla”. Nhưng em gái cậu lại khác, cô ấy không cần biết điện thoại cô ấy đã bay đi đâu, không cần biết người bên kia đầu dây đang chờ đợi lo lắng khi nghe thấy tiếng va đập, cô ấy nhìn khắp người tôi rồi rối rít hỏi: “Anh có sao không? Tôi xin lỗi, tôi không để ý”. Rồi cô ấy cố nắn nắn hai cánh tay tôi để xem có gãy không đến khi tôi nói: “Tôi không sao, xin lỗi!”. Lúc ấy Phương Anh mới tránh ra, cúi...