tới.
Nguyên đứng dậy đi qua tôi, tôi vội nắm lấy tay em kéo lại.
- Nguyên… Em đừng đi!
Nguyên gạt tay tôi ra, không trả lời. Một cách dứt khoát. Như một đồ vật đã bỏ đi thì không bao giờ nhặt lại. Bằng tất cả những cảm xúc đang ngập trong tim, tôi kéo mạnh Nguyên vào lòng. Ôm chặt lấy em như thể em sẽ tan biến ngay tức khắc.
- Em đừng đi! Vì …anh …yêu . . em! Thế nên em đừng đi!
Ngoài cửa sổ, mưa lại bắt đầu rơi…
Chap 19.
Sáng hôm sau Nguyên dậy trước tôi. Từ sớm khi ánh sáng bên ngoài tấm rèm cửa sổ còn mờ, tôi đã nghe thấy tiếng động ở ngoài phòng khách. Hình như Nguyên đang nấu bữa sáng. Tôi dò dẫm trong phòng, hé cửa nhìn… Bóng dáng Nguyên cứ lấp ló sau tủ lạnh. Tôi sợ chẳng dám bước ra. Nghĩ đến những gì xảy ra hôm qua, mặt tôi lại nóng ran, tim đập loạn xạ. Tại sao tôi có thể nói với em rằng tôi yêu em chứ? Lát nhìn nhau, biết nói với nhau điều gì đây?
Tôi ngồi xuống ghế và chờ đợi. Đồ đạc của Nguyên hình như đã dọn dẹp xong và có thể chuyển đi hết trong hôm nay. Lại nghĩ đến những ngày tháng sống một mình trước kia và sau này, lòng tôi trùng xuống.
Tôi nghe thấy tiếng thở nhẹ đằng sau cánh cửa. Biết rõ là Nguyên đang đứng đó. Sao em không nói gì?
- Em nấu xong bữa sáng rồi…
…
Em đi nhé!
…
Chào anh!
Cửa phòng tôi mở ngay lập tức. Tôi tưởng Nguyên đã quay người bước đi nên lao vội ra, không ngờ em vẫn đứng yên đó, làm tôi lao ập vào người em rồi cả hai ngã lăn quay ra sàn nhà.
- Anh làm cái quỷ gì vậy?
- Anh tưởng em đi rồi
- Em đi chứ có phải bay đâu, anh phi nhanh như thế làm gì?
- Em định đi đâu?
- Đi đâu kệ em
- Để anh đưa em đi.
- Không!
Nguyên nhăn trán và cau mày lại như cái cách em vẫn làm mỗi khi cáu một việc gì đó. Ngoài cửa, Mèo Mướp, Nusi đã được đặt vào hộp bìa các tông, Su và Nô Đen đã được đeo xích. Chẳng biết chúng nó có hiểu chuyện
không, mà mắt đứa nào cũng buồn mặc dù vẫn meo meo ắng ắng chào tôi. Tôi bước tới nhấc Nô Đen lên. Em vẫy mạnh đuôi và quấn quýt lấy tôi. Tôi ôm Nô Đen trong tay và bảo Nguyên:
- Để nó ở đây với anh được không?
- Không!
Nguyên trả lời rất nhanh không suy nghĩ, bước tới bế Nô Đen từ tay tôi và đặt xuống đất. Chuông cửa reo, Nguyên ra mở cửa. Là Minh!
- Để anh và Minh chuyển đồ xuống xe cho em.
- Không cần đâu, em đã nói không cần mà! – Nguyên nhắc lại một cách chậm rãi
- Ừ, vậy thôi!
- Em đi nhé!
- Ừ…
- Tôi đi nhé Nhật! – Minh chào tôi.
- Ừ, chào Minh! Cậu giúp tôi nha!
- Ok! Trách nhiệm của tôi mà.
Nhìn Nguyên, lòng tôi đau thắt. Trước em đến đây với một vali to và một ba lô. Khi em đi mọi thứ hầu như không thay đổi. Vẫn là chiếc vali quần áo, ba lô đồ đạc. Chỉ khác là thêm bốn sinh mạng nhỏ bé kia. Nghĩ đến đây tôi mới nhận ra, bộ đồ em đang mặc chính là bộ đồ hôm đầu tiên tôi gặp em, quần jean, áo sơ mi trắng và giày vải, kể cả chiếc vòng tay vintage màu nâu to bản. Hình như em đã có chủ ý khi bận đồ như thế. Nguyên gầy đi nhiều quá. Vì lí do gì vậy Nguyên?
- Em đi nhé! – Nguyên đứng ở cửa, nói với tôi lần nữa.
- Ừ…
- Anh ăn sáng đi. Chìa khóa và tiền ăn tháng này còn thừa em để ở bàn bếp!
Nguyên bước ra và tự đóng cửa lại. Tôi dựa vào tường rồi từ từ trượt xuống, ngồi bệt ra sàn nhà. Nhìn vào tủ giày dép, các ngăn giày được sắp xếp và lau chùi ngăn nắp. Lúc ấy, tôi mới lại nhận ra, Nguyên chỉ có một đôi giày. Em đi giày vải, dễ hoạt động, chạy nhảy. Và hình như, em luôn mang giày vào phòng chứ không bao giờ để giày lên kệ tủ cùng với đồ của tôi. Bước vào nhà vệ sinh, những miếng đề can hình mèo kitty màu xanh màu hồng dán trên bàn chải làm tôi nhoẻn miệng cười.
Đánh răng xong, tôi ra ghế sô pha nằm vật xuống, định bụng bỏ bữa sáng thì điện thoại tôi vang lên tiếng báo thức nhắc nhở. “7h, Ăn sáng!”. Quái lạ. Tôi đâu có đặt báo thức kì cục vậy? Chắc chắn là Nguyên. Tôi tắt báo thức rồi đi ra bàn. Nguyên rang cơm và pha sữa để sẵn cho tôi. Dưới đĩa cơm còn có một mảnh giấy ghi chú: “Nhớ đổ cơm thừa vào hộp trong tủ lạnh”. Hic, chưa ăn mà đã tính nước đổ cơm thừa. Tôi ngồi xuống và từ từ ăn. Bữa sáng cuối cùng Nguyên nấu cho tôi, không nhạt, không mặn, vị sữa ngọt lịm. Tôi chỉ ăn hết một nửa đĩa cơm, còn lại đổ vào hộp cơm thừa riêng Nguyên để dưới góc trong cùng của tủ lạnh.
Em đã đi rồi, mà sao vẫn thấy em ở gần lắm!
Em là gió, chờn vờn trên vai và khiến người ta cảm thấy lạnh.
***
Nguyên rời xa tôi theo cách ấy. Bình thản và nhẹ nhàng như khi em đến. Đơn giản như một cơn gió thổi đến rồi bay đi, nhưng cũng đủ khiến trái tim tôi rung động.
Tôi viết đơn xin nghỉ việc ở công ty, một phần vì sức khỏe đang cần được để ý, cơ thể phải nghỉ ngơi, một phần tôi muốn tránh mặt Ly. Tôi nhận dịch và biên tập sách ở nhà. Buổi chiều hàng ngày, tôi đến trạm thú y phụ giúp bác sĩ chăm sóc những bé chó mèo chữa trị tại đó. Không còn thấy Minh đến làm việc. Có lẽ sau đợt thực tập, cậu ấy đã tìm được một nơi làm việc khác.
Tối, quay trở về nhà. Ban công trống hơ trống hoác, tôi lại lặng đi. Nhớ những trò quậy phá của hai bé mèo, cái cách nũng nịu của Nô Đen, cách mặt tủi thân của Su kinh khủng. Đứng thần người một lúc thì chuông điện thoại lại reo lên báo thức. “19h, ăn tối”. Cái gì vậy Nguyên? Tôi mở mục báo thức ra xem, thấy Nguyên đánh dấu rất nhiều ghi chú vào từng thời điểm khác nhau. Hư thật, không biết em lấy điện thoại tôi làm thế này từ bao giờ. Từ thứ 2 đến thứ 7, đều đặn, “6h30, dậy”. “7h, ăn sáng”. “19h. Ăn tối”. “20h. Đi chăn mấy em kiki. 22h”. Ngủ. Riêng ngày chủ nhật Nguyên bỏ hai mục “dậy” và “ăn sáng” đi để tôi có thể ngủ nướng vào ngày nghỉ.
Bước đến gần tủ lạnh, tôi mở ra xem kĩ hơn. Nguyên đã mua rất nhiều đồ ăn và sắp xếp vào từng hộp cho từng ngày. Ngày lẻ ăn thường, ngày chẵn ăn chay. Có một hộp xương sườn Nguyên còn dán giấy đánh dấu ghi: “nhớ để xương cho chó”. Nếu Nguyên không nhắc, có lẽ tôi cũng quên luôn bốn em chó kiki bị nhốt trong tấm lưới sắt khu xây dựng gần nhà. Tôi chọn một hộp thức ăn và lấy nồi nấu. Trên mặt hộp Nguyên còn dán mảnh giấy gạch đầu dòng mấy cái hướng dẫn cách chế biến. Tôi cứ thế làm theo. Vừa làm vừa nhớ cách nấu để lần sau không phải lúng túng xem hướng dẫn. Đến khi nấu xong xuôi thức ăn, quay ra thì mới nhớ mình chưa cắm cơm. Thật nản hết sức. Lại phải ngồi chờ cơm chín rồi mới có thể ăn và ra ngoài chăn mấy em ki. Nấu được bữa cơm mà mệt như chạy bộ mười cây số, không hiểu sao Nguyên có thể cả ngày đi học, tối về lo bữa tối, sáng dậy sớm nấu ăn rồi lại đi học như thế.
Bất chợt tôi thấy nhớ nụ cười của Nguyên, nhớ cả giọng quát tháo mấy con thú nhỏ. Căn nhà tôi giờ yên tĩnh đến nao lòng. Ngồi lặng thinh có thể nghe thấy tiếng gió nhẹ bên ngoài. Tôi bấm điện thoại, nhấn số Nguyên và gọi. Thuê bao không liên lạc được. Tôi thấy buồn. Chẳng lẽ đi thôi chưa đủ, Nguyên còn cắt đứt hết mọi liên lạc sao? Lủi thủi ra bếp lấy cơm ăn. Nhai cơm mà như bò nhai rơm, không cảm thấy một vị gì đặc biệt. Âm thanh của Tivi cũng không thể nào giúp tôi xua đi khoảng trống đang hiện hữu trong lòng. Tôi di di tay lên mấy mảnh giấy ghi chú, nét chữ mềm mại của Nguyên càng khiến tôi nhớ đến em. Ước gì ngày hôm nay, là ngày hôm kia, hôm kia nữa, khi em vẫn đứng chống tay ở bếp và quát: “Anh Nhật, anh có ăn nhanh cho em rửa bát không? Còn thằng Nô nữa, đừng cắn thùng bìa không chị cho ra ngoài ngủ bây giờ! Con Mướp kêu gì mà lắm thế? Ăn phải sâu róm à? Nusi, đi ra ngoài này ngay, đừng có tha xương cá vào gầm tủ cho thối um lên!”. Mỗi lần Nguyên nổi cáu quát tháo ầm ỹ, tôi đều nhăn nũi bịt tai lại, thế mà giờ đây muốn được nghe thêm một lần nữa, muốn ngày nào cũng được chịu đựng âm thanh chói tai ấy. Tại sao khi cơn gió đã bay đi, ta mới cảm thấy lạnh?
Hơn 8h tối, tôi lấy hộp cơm thừa bỏ vào túi rồi đi ra ngoài. Sang tháng Mười, Hà Nội bắt đầu chớm đông, gió mát và khô hơn. Tôi đi bộ lững thững trên con đường mà tôi và Nguyên đã cùng đi bên nhau trong suốt những ngày tháng vừa qua. Bờ cỏ bên đường đã được xén cho đỡ rậm rạp. Những tòa nhà ở đây đang trong công đoạn hoàn thành. Bỗng nhiên tôi thấy lo, nếu giải tỏa khu ở của công nhân, thì số mệnh bốn em kiki sẽ ra sao? Sẽ theo chủ sống tiếp những ngày lang bạt hay sẽ lên bàn nhậu?
Mấy con chó sủa nhẹ lên khi nhìn thấy bóng tôi. Hôm nay lạ thật, chúng nó không bị xích như mọi ngày mà được thả cho chạy tự do trong không gian sau tấm lưới. Tôi mở hộp rồi lấy một thanh tre bẹt gần đó xúc cơm vào cho chúng ăn. Dù đói nhưng các em ăn rất từ tốn, không tranh giành, không sủa nhặng lên. Vì đứng gần nên lúc này tôi mới có thể ngắm kĩ từng con một. Ve chó bám dày đặc từ tai xuống đuôi, có chỗ ve nhiều quá nên da bị lộ hẳn một mảng thịt đỏ hỏn. Nếu cứ thế này thì chúng nó sẽ chết vì nhiễm khuẩn trong môi trường sống tệ hại thế này.
- Chú đang chăn các bạn ấy à?
Tiếng hỏi nhỏ và yếu thôi nhưng đủ làm tôi giật bắn mình. Một đứa bé trai khoảng 6 tuổi. Mắt to và tròn nhìn tôi chờ đợi.
- Ừ. Chú đang cho chó ăn
- Chú cho các bạn ăn gì thế?
- Cơm và xương…
- Hay quá, hôm nay cháu không có thịt, cháu chỉ có rau và bánh Bông Lan
Cậu bé xòe tay ra cho tôi xem. Hai mẩu bánh bé xíu và một túi cơm trắng nhỏ ở tay bên kia. Như thế này nếu là bình thường sẽ không đủ cho bốn con chó. Cậu bé ngồi bệt xuống cỏ, loay hoay mở nút túi cơm ra. Tôi cúi xuống mở giúp, thế là cậu bé đưa cho tôi luôn rồi quay vào phía tấm lưới sắt.
- Hôm qua Hi và Sa ăn rồi, hôm nay tớ cho Mi với Su ăn thôi.
- Gì cơ?
- À không không ạ, cháu đang nói với các bạn ấy!
- Hi Sa Mi Su?
- Cháu đặt đó, chú thấy có hay không?
- Ừ hay! Smile
Nói xong cậu bé chìa hai miếng bánh về phía hai con chó lông đậm màu hơn. Tôi thì thấy con nào cũng như con nào, không thể phân biệt được đâu là Hi, đâu là Sa, đâu là Mi, đâu là Su. Vậy là cậu bé này mỗi ngày chỉ để dành được hai miếng bánh và chỉ cho được hai con chó ăn.
- Cháu để dành bánh cho chúng nó, thế cháu không ăn à?
- Có chứ ạ, hôm nào thèm quá cháu sẽ cắn của các bạn ý một miếng, nhỏ từng này! – Cậu bé giơ ngón tay cái cho tôi nhìn. Tôi cười.
…
- Chú ơi, thế cái cô tóc dài đeo kính đâu hả chú?
- Cô nào?
- Cô ấy vẫn hay ra đây cho các bạn ấy ăn mà
- À, chú …không biết! – Tim tôi hơi thắt lại khi cậu bé nhắc đến Nguyên
- Thế sao chú biết chỗ này ạ?
- Chú biết lâu rồi bé ạ!
- Thế sao cháu không thấy chú bao giờ?
- Dạo này chú ốm nên không ra đây nhiều được
- Thế chú khỏi ốm rồi đúng không?
- Chú khỏi rồi
- Thế thì có nghĩa là chú và cháu sẽ gặp nhau nữa nhỉ
- Hì, ừ!
- Chết, cháu cho các bạn ấy ăn hết bánh rồi, không còn cho chú rồi.
- Ơ chú không ăn bánh đâu.
- Nhưng kết bạn thì phải cho bạn bánh để tò lòng hào hiệp
- Ha ha, ai dạy cháu thế?
- Mẹ cháu!
- Thế thì chú có kẹo này. Cho cháu – Tôi lôi cái kẹo trong túi quần ra. Phương Anh cho tôi hôm qua, chắc vẫn ăn được. Cậu bé con đưa hai tay đón kẹo và cười tít mắt.
- Mai cháu sẽ phần bánh Bông Lan cho chú. Hôm nay cháu sẽ đưa chú về để tỏ tấm lòng.
- Ơ… Đồng ý! – Tôi buột miệng trả lời dù không biết cậu bé sẽ đưa tôi về kiểu gì.
Đường vào đây có vài hố nước. Cậu bé đi trước tôi thì quá nhỏ. Không kịp hỏi ý kiến, tôi bế cậu bé đặt lên vai.
- A, chú làm cháu sợ quá!
- Gì cơ?
- Chú xách cháu lên làm cháu giật thót tim.
- Chú xin lỗi!
- Chú cao hơn bố cháu!
- Thế à!
- Nhưng béo hơn!
- Ừm…
Cậu bé này dễ thương quá. Nói liên hồi không cần đợi đối phương trả lời. Có lẽ được nuôi dạy tử tế và nghiêm khắc nên cháu ngoan và chững chạc hơn tuổi nhiều.
- Mưa rồi chú ơi
- Chú thấy rồi
- Cô ấy gọi cháu là Tí Tách, vì cháu và cô gặp nhau một buổi tối trời mưa
- Ai cơ?
- Chú ơi, cô ấy không đến à?
- Cô nào cơ?
- Gió ấy ạ, cô ấy bảo cô ấy tên là Gió
Nguyên sao? Cậu bé đang nói Nguyên?
- Cô ấy không đến, cháu phải làm gì bây giờ?
- Cháu làm sao? – Giọng tôi hỏi gấp gáp vì lo lắng.
- Bạn cháu bị ốm sắp chết rồi.
- Cái gì? Ở đâu cơ?
- Đằng kia chú ạ!
Tôi đi theo hướng chỉ tay của cậu bé Tí Tách. Tí Tách ngồi trên vai, bám chặt vào tóc tôi vì sợ ngã. Tí Tách nhẹ quá! Cậu bé rất gầy.
- Đây, ở đây chú ơi!
Tôi đặt Tí Tách xuống, vén cỏ và bật đèn pin điện thoại nhìn cho rõ. Là một chú chó!
- Nó ở đây lâu chưa?
- Hai ngày chú ạ.
- Sao cháu không gọi ai đến cứu
- Đừng! Đừng gọi người. Chú đừng gọi người bình thường đến đây. Họ sẽ giết bạn cháu.
Tôi nhìn Tí Tách, rồi nhìn chú chó nhỏ. Buồn đến thắt lòng. Đối với Tí Tách, khái niệm “người bình thường” mang ý nghĩa khủng khiếp như thế sao? Vậy tôi, Nguyên, Tí Tách là người gì? Bất thường chăng?
Chú chó nhỏ nằm bẹp giữa cỏ. Bốn chân hình như đều bị liệt. Miệng nó rên ư ư khi nhìn thấy bóng người. Tôi chạm thử vào chân, thấy im lìm. Con chó lông trắng, nhưng bụi bẩn bùn đất đã nhuộm nó đen đúa. Tí Tách cúi xuống xoa xoa đầu con chó, rồi ngẩng lên cầu cứu tôi:
- Nếu cô ấy ở đây, nhất định cô ấy sẽ mang bạn cháu về!
- Chú sẽ làm vậy, cháu đừng lo!
- Thật nhé chú hứa nhé! – Cậu bé reo lên
- Chú hứa!
- Chú đừng nói dối cháu nhé. Có lần bố cháu bảo mang bạn cháu đi tiêm phòng cho khỏi ốm, vậy mà hôm sau cháu nhìn thấy bố cháu đập đầu bạn cháu sau nhà rồi cùng các bác hàng xóm thịt ăn.
Tim tôi nhói lại. Ánh mắt cậu bé khiến tôi nhớ đến rất nhiều ký ức trong quá khứ. Bất chợt đổ ập về. Như những mảnh thủy tinh rơi vương vãi trên sàn nhà. Tất cả va vào nhau leng keng, leng keng…
Tôi nhấc chú chó nhỏ đang nằm bệt dưới bãi cỏ lên ủ vào lòng. Mùi hôi sộc lên mũi, vậy mà cậu bé con vẫn cố gắng đừng gần và vuốt ve bạn mình.
- Chúng mình gọi bạn là Tí Tách nhé!
- Sao lại thế?
- Vì bạn ấy cũng đến với cháu vào một buổi tối trời mưa
- Nhưng Tí Tách là tên cháu cơ mà
- Cháu sẽ là Tí Tách 1, còn bạn ấy là Tí Tách 2, chú có chịu không?
- Chịu!
- Thế là đồng ý nhé!
- Đồng ý!
Tí Tách cười. Trong trẻo như giọt sương đọng trên cỏ. Hai Tí Tách đã đến với tôi trong một buổi tối mưa rả rích. Thời tiết năm nay thật kì quặc.
Phải chăng, Gió đã khiến mọi thứ trở nên lạ lùng như thế?
Những cơn mưa khiến tôi nhớ Gió, nhớ rất nhiều!
***
Trong góc phong thư
Nơi kẻ mơ mộng kêu tên suy tư
Tôi chẳng giấu gì nhiều
Ngoài gió
Có tiếng em cười
lấp lánh
xa xa
Bản tình ca viết vội
trong mơ
Em có thấy?
Trên hộp đàn tiếng lá rơi đầy
Chap 20:
“Con tên là Tí Tách, con còn bé lắm, chỉ mới vài tháng tuổi thôi. Con bị viêm da nặng, theo lời bác sĩ sáng nay nói thì “trầm trọng”, 4 chân của con gần như không còn vận động được nữa, đặt con trên mặt đường con chỉ bơi bơi được thôi. Bác sĩ nói nhiều khả năng con đã hoặc đang bị ca-rê.
Chủ con bỏ con tại một bãi rác gần bờ kênh. Chân con không đi được nên con không cách nào thoát khỏi được chỗ đó. Chỗ đó hôi và bẩn. Con bất lực nằm đó, con sợ lắm. Con sợ xe xúc rác không thấy con rồi xúc luôn con. Con rất là sợ. Con buồn nữa. Có mấy cái con gì nhỏ nhỏ trong bãi rác cứ bay vòng vòng rồi bu khắp người con.
Con được 1 chị ở gần đó phát hiện, nhưng chị ấy cũng không thể đưa con vào nhà mà chỉ có thể lót miếng giấy cho con nằm ở nơi sạch sẽ hơn và cho con ăn cơm thôi.
Khuya qua các anh chị YDV đã đến đón con và chuyển con qua Trạm cứu hộ với má mì Vy Doan. 12h khuya các anh chị biết tin về con, và đến gần 3h sáng con mới đến được nơi.
Con mừng lắm. Khuya như vậy mà có tới 6 anh chị cùng đi đón con, bế con rất nhẹ nhàng và còn ôm con, nói chuyện với con nữa.
Sáng nay con sủa vài tiếng, má mì phù thủy bảo con im, làm con sợ quá bơi bơi đi trốn. Thiệt là phù thủy hết sức đó mà. ”
Mới tỉnh giấc đọc được stt của Vy Đoan mà bật cười. Đêm qua mải lo cho Tí Tách, quên cảm ơn Vy Đoan và các bạn tình nguyện đã nhiệt tình đến đem em về khám bệnh và điều trị dù trời đã khuya. Nhiều khi tôi ngồi nghĩ, những người như Nguyên, Vy Đoan, các bạn tình nguyện viên của trạm cứu hộ chó mèo, họ đang làm gì và mục đích từ đâu? Hay chỉ đơn giản là họ mang trong mình một trái tim biết cảm thông và sẻ chia? Ngày ngày lượn qua fanpage của Yêu Động Vật, tôi cũng quen dần với những thành phần phản đối và dè bỉu việc chúng tôi đi nhặt những bé chó bé mèo bị bỏ rơi về chăm sóc và tìm chủ nuôi mới. Cái điệp khúc “ngoài kia còn nhiều người cần giúp đỡ hơn những con chó mèo này” lặp đi lặp lại rất nhiều. Nhưng Vy Đoan và mọi người đều lơ đi. Họ vẫn làm công việc mà họ thích mặc xác ai nói vào nói ra. Tôi biết những người như vậy họ chỉ giỏi ngồi gõ bàn phím chứ thực tâm họ cũng chẳng bao giờ từ thiện hay cho ăn xin lấy một đồng. Ở đời mỗi người đều có một con đường riêng, hà cớ gì chỉ vì người khác cầm gậy chọc chọc mình vài cái mà mình đã ngã?
7h, chuông báo thức kêu. “Ăn sáng!”. Nghe đâu đó giọng của Nguyên. Dường như vì quá nhớ em nên luôn bị ảo giác như thế. Ra tủ lạnh lấy đồ nấu bữa sáng, tiếng chuông cửa reo lên vội vã. Nghe tiếng chuông quen quá. Là Phương Anh. Con bé lao vào nhà khi tôi vừa hé cửa.
- Em không thể đi đứng cho nó bình thường được à?
- Không!
- Có chuyện gì thế? Mặt mũi nhăn nheo chảy sệ như chó mặt phệ.
- Em không thể chịu được anh ta nữa rồi.
- Anh ta là ai?
- Lão Phương mẹ giới thiệu cho em ấy.
Tôi đi tới, cầm tay em gái lên xem những thương tích hôm trước đánh nhau với Ly. Những vết đánh hôm nay vẫn còn tím bầm từng mảng.
- Đau không? Anh xoa cao cho nhé!
- Không! – Nói xong Phương Anh khóc luôn. Lại bắt đầu ăn vạ…
- Thôi nào, em ăn sáng chưa?
- Ăn ăn ăn, lúc nào cũng ăn. Cái lão Phương ấy không biết có phải óc lợn không nữa. Hôm nào cũng mang gà hầm đến bắt em ăn, ngán đến tận cổ rồi đây. Mẹ với hắn cứ ríu rít suốt ngày mặc kệ cảm giác của em.
- Phương thích em thật lòng mà.
- Lòng lợn. Anh im đi.
- Em chẳng lớn thêm được tí nào nhỉ. Mồm lúc nào cũng quang quác được.
- Anh!!!!!!!!!! Hu hu, làm thế nào để em thoát được hắn bây giờ. Em thích mẫu đàn ông khác cơ.
- Anh chịu!
- Anh cho em chuyển đến đây ở nhé!
- Làm gì, thời gian nữa bố mẹ chuyển đến đây mà.
- Mẹ không chuyển nữa đâu, mẹ nói vậy mà anh cũng tin à. Chỉ là mẹ không thích chó mèo nên nói với anh thế thôi.
Tôi lặng đi…
- Ơ, chó mèo đâu hết rồi. Chị Nguyên đâu? – Phương Anh chạy khắp nhà tìm
- Đi rồi…
- Cái gì? Đi đâu?
- Đi rất xa…
Tôi cắm cúi nấu ăn để...