gói em vào đó rồi mang đến đây. Tôi hiểu, Lucky tìm thấy ở những đồ vật này một hơi ấm quen thuộc, và chỉ cảm thấy nó, em mới yên tâm ngủ ngoan. Tôi nhẹ nhàng sờ vết thương trên đầu em, tay thì chọc chọc vào sườn gọi em thức dậy. Đồ khỉ! Ngủ gì mà say thế không biết! Lucky giật thót, bật người lên núp rúm ró vào góc thùng. Trông em sợ hãi tội nghiệp quá. Tôi vội đưa tay trước mũi Lucky cho em ngửi để nhận biết người quen. 1, 2 giây sau, em cuống quýt vồ lấy tay tôi mà gặm, mà liếm, lưỡi thè lè, miệng há ra như đang cười, đuôi vẫy tít làm cho người em nghoẹo bên này nghoẹo bên kia. Tôi cũng vui, cứ để nguyên tay như thế cho Lucky muốn làm gì thì làm.
- Trời đất, bố Nhật ơi bố đi ra ngoài ngay giúp con!
Minh từ đâu phi vào phòng, kéo tôi ra rồi thò tay vào nắm chặt hông Lucky, giữ yên không cho Lucky cử động.
- Sao thế con? – Tôi lợi dụng lúc Minh gọi tôi là bố nên trêu Minh luôn
- Tớ đập cho cậu trận giờ. Vết thương mới, vẫn còn nghiêm trọng. Ngoáy tít đuôi thế này, vặn vẹo hết người là bé ấy đau lắm đấy!
- Nhưng mà tại thấy Lucky vui quá nên…
- Ừ, thì ngày nào nó cũng ngóng cậu và Nguyên đến mà. Giờ vui quá nên quên cả đau luôn.
Tôi trùng lòng xuống. Khổ thân em. Không biết bao giờ mới khỏi để đưa em về nhà. Lucky vẫn đưa mắt về hướng tôi tìm kiếm. Đôi mắt em không còn nhìn thấy mọi thứ nhưng vẫn trong veo, phản chiếu trong đó một khao khát sống mãnh liệt. Tôi không dám đứng đó vì sợ làm em đau nên đi ra ngoài. Minh ở lại trong phòng cho Lucky ăn và uống nước. Còn tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào.
Thi thoảng, tôi thấy tôi giống như một đứa trẻ! À không, chỉ là cảm thấy tâm hồn tôi giống như của một đứa trẻ mới lớn. Như một trang giấy trắng tinh
chưa bị lem nhem vài ba màu mực. Nguyên vẽ lên đó những cơn gió mát lành, những nụ cười, những màu sắc nhẹ nhàng của một buổi chiều nắng dát vàng trên đồng cỏ rộng. Tôi ngồi nghĩ, nếu hai tháng trước, người giúp việc đến nhà tôi là một cô gái đã từng làm nghề mổ lợn hoặc bán gà vịt ngoài chợ thì sao nhỉ? Có thể là ngày ngày tôi sẽ bị nhồi nhét vào tâm thức những cách chọn thịt lợn thịt gà làm sao cho tươi ngon, nấu như thế nào cho vừa miệng, giết thịt, chặt xương thế nào cho đẹp mắt… Có thể lắm. Và rồi tờ giấy trắng của tôi sẽ biến thành một tờ giấy than! Không hơn!
- Anh lại thế rồi đấy!
- Giật cả mình! Em đến lúc nào mà anh không biết? Em cứ như con ma ý vậy?
- Ma gì mà ma. Anh cứ suy nghĩ là bay tên mây, có để ý đến xung quanh đâu.
- Sao bây giờ em mới đến? Em có biết anh bị đánh suýt chết không?
- Đâu quay đầu đây em xem nào. Ăn hại! To lù lù mà để đàn bà đánh!
- Em…
Nguyên không để cho tôi phản kháng, em xoay người tôi lại để xem vết thương trên đầu. Tay Nguyên lướt nhẹ đan vào tóc tôi. Mồ hôi tôi lại túa ra ướt lưng và hai lòng bàn tay. Vội quay lại!
Trước mắt tôi, chỉ cách một bàn tay, đôi mắt Nguyên mở to sững sờ. Do tôi quay lại bất ngờ, Nguyên như bị đứng hình một vài giây. Em nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi cảm giác có hàng ngàn con kiến lửa đang bò khắp lưng tôi mà đốt. Nóng quá! Tôi đang cháy! Đôi mắt long lanh như chứa cả hồ nước trước mắt tôi mà đủ sức đốt tôi cháy khét!
Chẳng biết làm gì, tôi vội quay đi trước khi quá muộn! Hic. Nguyên cũng giật mình rồi trấn tĩnh lại. Cả hai chúng tôi đều im lặng sau đó. Không ai nghĩ ra điều gì để nói với người kia. Tôi thì cố sức đuổi đàn kiến lửa đang đốt bỏng lưng tôi đi một cách nhanh nhất. Hít sâu thở đều… Giữ bình tĩnh nào. Có gì đáng sợ đâu. Nguyên chỉ là một cô gái giúp việc… Chỉ là một cô gái!
- Em đi đâu mà giờ mới tới?
- Em về qua nhà, xem lũ nhỏ có an toàn không.
- Ừ nhỉ, tình hình ở nhà sao rồi?
- Hai người đó đưa nhau lên công an phường rồi…
- Cái gì? Em thật hay đùa đấy?
- Thật, cả Phương Anh và Ly đều kiên quyết kiện nhau.
- Thôi chết anh rồi. Mẹ anh giết anh mất.
- Anh làm gì đâu mà giết anh? Anh là người bị hại cơ mà.
Tôi đơ người. Mà bực thật, tôi không biết phải làm sao để tình hình đỡ rối tung lên. Tôi không muốn mẹ phải bận lòng, rồi kéo theo sau đó những phiền nhiễu không đáng có. Lúc ấy, tâm trí tôi không hề nhớ rằng, tôi là một người đàn ông trưởng thành, đã 25 tuổi, chứ không phải là cậu thanh niên 20. Sự sai lệch của trí nhớ đã phần nào làm ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của tôi. Có lẽ phải tập cho mình làm quen dần với việc bớt phụ thuộc vào những phán xét của mẹ mà nên tự mình quyết định mọi thứ. Mệt thật, chỉ cần hơi suy nghĩ một chút mà đầu tôi cứ đau nhói.
- Anh có ổn không đấy?
- Ổn!
- Để em đưa anh về. Khi khác mình đến thăm Lucky.
- Ừ!
- Anh Minh ơi, Nguyên về nha!
Về thì về luôn, còn phải gọi Minh làm gì? Tôi cầm tay Nguyên kéo đi thẳng, mặc kệ Minh có ra chào hay không. Nguyên bị bất ngờ, vừa đi vừa chúi vào tay tôi vì bị kéo nhanh quá em bước không kịp. Tôi cứ dắt em đi, như con đường này là của riêng tôi, và tôi có đặc quyền làm mọi thứ.
- Này! Bỏ tay ra! Em tự đi được.
- Kệ em!
Kéo Nguyên ra đến nhà xe, lấy mũ bảo hiểm đội lên cho em rồi dắt xe ra ngoài cổng bệnh viện. Em ngoan ngoãn đi theo, tay phải xoa xoa cổ tay trái hơi đỏ. Chắc là tôi nắm hơi chặt thật. Chở Nguyên về, đường Hà Nội chưa đến giờ tan tầm nên vẫn thoáng, nhưng tôi cứ đi chậm, muốn đèo Nguyên lang thang khắp các ngõ ngách của Hà thành cho đến khi nào hết xăng thì về.
- Anh Nhật, anh có sao không vậy?
- Sao là sao?
- Anh bịnh nặng tới mức quên cả đường về nhà mình rồi à?
Tôi không trả lời Nguyên, cứ cười tủm tỉm đằng trước. Chỉ là rẽ thêm một đoạn đường để được đi bên em một chút nữa thôi. Trong lòng tôi thấy vui vui vì câu em vừa nói. Không phải ‘nhà anh’, không phải ‘nhà em’, mà là ‘nhà mình’. Đột nhiên thấy có gì đó thân thương đến lạ. Căn hộ chung cư nhỏ lọt thỏm trong lòng thành phố, mùa đông lạnh tới mức phải đắp đến hai cái chăn, chủ nhà như một thằng người lớn tự kỉ lủi thủi một mình ngày này qua ngày khác suốt bốn năm trời, giờ đây nghiễm nhiên trở thành một tổ ấm chung cho rất nhiều số phận. Tôi chợt nhận ra kể từ khi Nguyên đến, ban đêm trong giấc ngủ tôi không còn giật mình tỉnh giấc do bóng đè hay những cơn ác mộng. Những giấc mơ mới lạ vẫn đến với tôi hằng ngày, khi là nụ cười của một cô gái, khi là quang cảnh ấm áp khi ngắm nhìn lũ mèo con, khi đơn giản chỉ là thấy mình đi lạc giữa một cánh đồng hoa lưu ly, những cánh hoa nhỏ xíu, màu xanh lam… Gió từ đâu thổi sâu vào lòng tôi những cảm xúc mát dịu, trong trẻo. Nguyên ngồi sau lưng tôi, im lặng. Không biết em nghĩ gì mà lặng yên như thế, nhưng tim tôi ấm áp, vì có em ở bên.
Vừa mở cửa bước vào nhà, Phương Anh đã lao tới, ùa vào lòng tôi, rồi em xoay xoay người tôi kiểm tra kĩ lưỡng:
- Anh có bị thương nặng không? Có để lại di chứng gì không? Bác sĩ dặn thế nào? Liệu có bị đau về đêm không? Phải ăn gì bồi bổ? Có phải kiêng gì không? …
Con bé nói liền một tràng… Đến mức tôi phát hoảng cả lên, còn Nguyên thì cứ đứng cười khúc khích.
- Chị Nguyên! Anh em liệu có bị di chứng gì không chị?
- Không em! Chỉ bị xước ngoài da chút thôi. Ăn nhiều bồi bổ chút là khỏe lại.
- Òa, may quá! – Nói xong Phương Anh quay ngoắt về phía tôi – Anh yên tâm, em đã trả thù cho anh rồi!
- Em lại gây ra hậu quả gì nữa?
- Em đánh cho cô ta bầm rập thân thể luôn!
- Em gây thương tích cho người ta là có tội đấy, phải đi tù nếu mức sát thương nặng quá đấy!
- Gì? Em chẳng sợ, công an phân xử hết rồi!
Phương Anh quay người đi vào phòng khách, ngồi phịch xuống ghế, rót nước uống. Nguyên mở cửa phòng đón lũ nhỏ. Chúng nó nhìn thấy Nguyên vội vã ùa tới vẫy đuôi rối rít, meo meo ẳng ẳng nhặng lên như đang hỏi Nguyên xem chuyện gì vừa xảy ra. Tôi giục Phương Anh kể chuyện tiếp:
- Em có phải đền bù thiệt hại gì không?
- Tại sao em lại phải đền? Người sai là cô ta cơ mà. Cô ta thích đi kiện, em đưa cô ta ra công an phường, chú công an hỏi tại sao em đánh người? Em trả lời tại con điên đó vào nhà cháu chửi bới, còn đánh anh cháu phải đi viện, thế nên cháu phải tự vệ. Còn có bác bảo vệ làm chứng nữa. Anh thấy em có sai gì không?
- Rồi Ly để yên?
- Cô ta gào lên, còn cởi cả áo ngoài ra cho người ta xem các vết bầm tím trên người. Đúng là đứt hết dây thần kinh xấu hổ.
- Em đánh Ly có nặng lắm không?
- Sao anh cứ lo cho con dở người đó thế? Anh nhìn em này!
Lúc ấy Phương Anh mới tháo cúc tay áo và lật lên cho tôi xem. Tôi vội chạy tới bên em, cánh tay em cũng bầm tím và xước xát do bị quật bằng chổi lau nhà. Trời đất, hai đứa con gái chân yếu tay mềm mà choảng nhau đến mức đứa nào đứa nấy trông như quả cà tím. Tôi bực quá quát ầm nhà lên:
- Em gây chuyện rồi để bị như thế này hả? Em lớn hay bé rồi mà đánh nhau như thế này? Có biết suy nghĩ không? Rồi bị như này đã mở mắt ra chưa?
- Sao… Sao…
- Sao trăng con khỉ. Cư xử trẻ trâu!
Mặc kệ Phương Anh khóc, tôi lôi em vào phòng, bắt em lên giường nằm. Nguyên biết ý lấy cho tôi hộp thuốc. Tôi nhờ Nguyên nấu nhiều cơm thêm vì Phương Anh ăn rất khỏe, rồi vào phòng xử lý cái của nợ em gái tôi vừa gây ra.
Ngoài trời lại mưa…
Mưa tháng Chín, cứ bất chợt đến, bất chợt đi…
Phương Anh nằm úp mặt vào gối, rấm rứt khóc. Con bé này mỗi khi bị người lớn mắng là đều khóc rầm rề ăn vạ cho đến khi nào được xin lỗi thì mới chịu thôi. Tôi cởi áo ngoài của em ra, lật lớp áo phông bên trong, cẩn thận nhẹ nhàng bôi thuốc lên từng vết tím. Ly mạnh tay quá! Những vết cán chổi sưng hằn lên da chứng tỏ lực đánh hết sức và không kiêng nể gì. Tôi vừa xoa thuốc, vừa… ngượng! Do tức giận, tôi quên mất rằng em gái tôi đã lớn, cơ thể em là của một thiếu nữ, chẳng còn là đứa trẻ quậy tung nhà như ngày xưa, để mỗi khi mẹ đánh lại lết lên phòng nhờ tôi xoa thuốc vào mông nữa.
- Anh ơi! – Con bé vừa sụt sịt vừa gọi. .
- Gì?
- Em đau quá!
- Ai bảo đánh nhau?
- Nhưng nó đánh anh em! Hức…
Nói xong Phương Anh lại úp mặt vào gối khóc. Tôi nửa buồn cười nửa thương. Em tôi mỗi khi khóc thì khó mà dừng được. Thêm nữa lại có tật ăn vạ dai dẳng. Nếu giờ tôi đi ra ngoài, nó có thể nín ngay tắp lự, bật Tivi lên xem hài, cười một mình như rồ. Nhưng khi tôi bước vào, nó lại phi ra giường ôm gối khóc. Thế đấy!
Bôi thuốc xong, tôi ngồi thu lu trên ghế nhìn Phương Anh chằm chằm. Để xem con bé định giở trò gì. Nó khóc một lúc, thấy im im, nghển cổ lên nhìn xem tôi ở đâu. Khi quay sang nhìn thấy tôi vẫn ngồi đó, mặt Phương Anh đơ ra một lúc, rồi nhe răng cười. Tôi nhìn cái mặt lem nhem nước mắt ấy mà phì cười theo. Bao nhiêu cảm xúc từ hồi bé xíu, bao nhiêu kỉ niệm khi hai anh em còn sống bên nhau ùa về. Em gái chọc chọc vào tay tôi thỏ thẻ:
- Biết lỗi rồi. Đừng mắng em nữa nha. Lần sau không đánh nhau nữa!
Ngoài cửa sổ mưa vẫn rơi. Những giọt mưa đập vào cửa kính, chảy trôi bất định. Nguyên từ phòng khách gọi vọng vào, nhắc hai anh em tôi ra ăn cơm. Trong phòng, tôi và Phương Anh vẫn ngồi đó, kể cho nhau nghe những câu chuyện của ngày xưa. Tôi thấy bớt lo lắng hơn, vì tôi biết dù những tháng ngày sắp tới bão có ập đến, thì bên tôi và Nguyên sẽ có thêm một điểm tựa. Đó là em gái tôi!
Chap 16.
Mưa lại dội về sâu trong tôi những miền kí ức hoang hoải. Mưa, nhiều lắm! Nhạt nhòa, trắng xóa. Tôi ngồi thu lu ở bến xe bus, nhưng lạ một điều là từng chuyến xe đi qua, cho dù tôi cố vẫy đến lạnh buốt cánh tay, cho dù trên xe không có lấy một hành khách nào ngoài lái xe và phụ xe, họ cũng chẳng dừng lại cho tôi lên. Từng chuyến một, lao vút đi, bỏ bến! Tôi lại ngồi xuống chờ đợi. Lâu lắm!
Mon đi đến, miệng gặm một chiếc ô nhỏ, chúi vào tay tôi nhè nhẹ. Tôi ngẩng lên đón lấy chiếc ô từ miệng Mon. Mon lè lưỡi, cười! Mưa làm bộ lông của Mon ướt đẫm nước. Tôi bật chiếc ô lên, kéo Mon đứng lại gần về phía tôi. Mưa vẫn rơi, xe bus vẫn bỏ bến. Tôi và Mon, gục vào nhau dưới chiếc ô nhỏ trú mưa.
Mưa rơi mãi, vẫn cứ dội về sâu trong tôi những miền kí ức hoang hoải, nhạt nhòa, trắng xóa…
***
- Anh tỉnh rồi à?
- Anh có ổn không? Có thấy đau đầu không?
Nguyên và Phương Anh nhìn tôi chằm chằm, lo lắng. Tôi gắng gượng ngồi dậy. Sao lại nằm bẹp ở đây như thế này?
- Mấy giờ rồi? Anh ngủ từ khi nào?
- Trưa hôm qua, ăn cơm xong là anh cứ lịm đi!
- Ai lại thay quần áo cho anh thế?
Tôi gần như gào lên khi thấy mình mặc bộ quần áo ngủ có hình con lợn. Nguyên chỉ thẳng vào Phương Anh, Phương Anh lại chỉ thẳng vào Nguyên.
- Hai đứa định đem anh ra làm trò cười đấy hả? Để anh mặc đồ cũ đi cứ lột ra thay làm gì?
- Anh ngất đổ người xuống bàn, quần áo dính hết thức ăn thì làm sao để được?
- Anh ngất á?
- Anh không nhớ gì à?
- Không?
- Bệnh nặng thế này mà bác sĩ nói tình trạng sức khỏe đang có dấu hiệu tích cực. Hứ!
Nói xong Phương Anh kéo tôi dậy lôi ra phòng khách. Đầu tôi đau khủng khiếp. Những cơn đau kéo đến dữ dội đến mức tôi đi cũng không vững. Nô Đen nhìn thấy tôi là chạy tới quấn lấy chân. Đang định cúi xuống bế nó lên nựng vài câu thì Nguyên lại quát:
- Đã bảo chú Nhật đang ốm vẫn không hiểu à? Đi ra ban công ngay!
Nô Đen nghe xong cụp đuôi đi ra ổ nằm gục mõm lên thành bìa, mặt đần ra nhìn về phía tôi. Nhìn tội quá. Chẳng làm gì tự nhiên bị chị Nguyên mắng. Phương Anh lầy ghế rồi bắt tôi ngồi xuống bàn. Trước mặt tôi là đủ các món, hầu hết là chế biến từ bí đỏ. Ăn hết đống này chắc ngộ bí đỏ mất. Tôi nghoảnh lên nhìn Nguyên:
- Em nói là làm thật à?
- Đâu có. Phương Anh nấu chứ em không có nấu!
- Anh ghét nhất là bí đỏ!
- Ghét cũng phải ăn! – Phương Anh gay gắt!
Em gái đơm cho tôi một bát tô cơm, gắp vào bát nào là bí đỏ xào, bí đỏ luộc, bí đỏ ninh… Cả một bát cơm có mỗi hai màu, màu trắng tinh của cơm và màu da cam của bí. Ăn một hai miếng đã muốn ứ ra hết rồi huống chi cả một bàn. Trí nhớ là điều gì đó quan trọng tới mức khiến mình phải khổ như thế này sao?
Hết giấc mơ này đến giấc mơ khác, tôi vẫn chỉ nhớ được kỉ niệm ám ảnh về chú chó tên Mon, thêm một thoáng kí ức về Minh. Còn lại vẫn chỉ là một khoảng tối đen u ám. Tại sao? Những gì đã xảy ra trong quá khứ? Tại sao không quên luôn? Tại sao lại ùa về? Tại sao chỉ nhớ được có từng đó? Trêu ngươi tôi sao?
- Không ngon hả anh?
Phương Anh ngồi đối diện, nhìn tôi chăm chú. Tôi nhai nhậm nhuội miếng cơm trong miệng. Cũng may là đang đói nên thấy ăn cơm với bí đỏ cũng ngọt ngọt.
- Em nấu hả?
- Sao anh biết?
- Nguyên nấu đã khác!
Nguyên đang say sinh tố, nghe thấy tôi nói thế ngó ra hỏi:
- Em nấu thì sao?
- Ngon hơn!
Phương Anh cười, tôi cười, Nguyên cũng cười… Nhưng mỗi người cười với một lý do khác nhau. Nguyên vẫn chăm chú say cho tôi một cốc sinh tố hoa quả. Sao tôi thấy mình giống con trẻ thế này. Phải chăm chút từng li từng tí. Đi ngủ có người thay đồ, thức dậy có người lo ăn lo uống. Đàn ông 25 sức dài vài rộng, còn tôi vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy giữa quá khứ và hiện thực mà chẳng thể tìm lối thoát ra.
- Anh ăn đi ăn nhiều đi rồi em lại kể chuyện con mụ Ly cho nghe! – Phương Anh lại nhí nhắng dỗ dành
- Cái gì nữa? Em lại đi gây chuyện à?
- Không! Nó đến đây. Chứ em thần kinh đâu mà đến cái ổn lợn của nó?
- Đến đây rồi sao?
- Bấm chuông, đập cửa, la hét… bla bla
- Tiếp theo?
- Em bê xô nước lau nhà của chị Nguyên rồi mở cửa, dội cho nó một xô!
- Trời ơi. Em cư xử kiểu gì vậy? Hôm qua đã hứa với anh là không gây chuyện cơ mà?
- Nhưng mà nó đập cửa cả tiếng đồng hồ luôn. Đau hết cả đầu.
Đáng sợ thật. Cuối cùng thì Ly muốn gì? Nhất định muốn đòi Nô Đen về? Trả thù Nguyên cho bõ tức? Hay sẽ khiến tôi phải hối hận vì đã đối xử vô tâm với cô ta?
Chuông cửa reo! Cách bấm chuông chậm rãi, chờ đợi. Không phải Ly. Nguyên bước chậm ra mở cửa. Tôi và Phương Anh lộ rõ vẻ căng thẳng. Vì nghe cách bấm chuông quen quen. Không sai! Mẹ bước vào. Tay mẹ cầm một túi hoa quả to. Tôi và em gái miễn cưỡng đứng dậy đón mẹ. Chợt thấy trùng lòng xuống. Ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ. Mỗi khi mẹ đi làm về, cả hai đứa đều ùa ra hào hứng, lấy dép, lấy khăn, đỡ đồ cho mẹ. Rồi hai anh em tíu tít pha nước chanh đường, bật quạt vù vù cho mẹ đỡ mệt. Chúng tôi lớn lên bằng những giọt mồ hôi của mẹ. Còn mẹ già đi theo từng nụ cười của con. Chẳng biết từ bao giờ, mà tôi và Phương Anh đã quên lấy nước, bật quạt cho mẹ mỗi khi mẹ về nhà?
Mẹ đặt túi hoa quả lên bàn ăn rồi ngồi xuống nghỉ. Nguyên lặng lẽ làm cho mẹ tôi một cốc sinh tố. Tôi và Phương Anh vẫn căng thẳng như khi mới nghe tiếng chuông cửa. Hai đứa lấy ghế ngồi đối diện chờ đợi.
- Sao Nhật? Đã làm xong việc mẹ dặn chưa?
- Dạ?
- Bố mẹ sẽ chuyển đến ở với con. Để Phương Anh ở nhà cũ.
- Tại sao? Tại sao không phải bố mẹ ở với con mà ở với anh? – Phương Anh giãy nảy.
- Con sắp lấy chồng rồi. Ở với chồng chứ ở gì với bố mẹ?
- Chồng nào? – Phương Anh ngơ ngác. Mẹ tôi lờ đi, quay về phía tôi.
- Tuần sau bố mẹ sẽ chuyển đồ tới. Nên con dọn dẹp những gì không hợp lý trong nhà đi nhé!
Tôi im lặng. Nguyên đã vào phòng từ lúc nào. Chỉ còn ba mẹ con tôi ngoài này. Phương Anh vẫn nhì nhằng đòi mẹ tôi giải thích. Nhưng mẹ chỉ nghiêm nghị lắc đầu. Mẹ tôi là vậy. Không bao giờ dài dòng. Nói xong, mẹ đứng dậy xếp hoa quả vào tủ lạnh rồi về. Không quên nhắc Phương Anh tối phải về nhà ăn cơm.
- Anh! Em mới 23 tuổi. Sao lại chồng con ở đây?
- Anh làm sao biết được.
- Hợ. Sao mẹ chúng mình phong kiến thế? Em chưa muốn lấy chồng!
- Anh cũng không muốn yêu Ly!
- Mẹ bắt anh thân với nó à?
- Ừ… Đại loại thế?
- Vì sao? Tell me why?
- Mẹ với mẹ Ly là bạn thân. Chắc vậy.
- Mẹ mình đi lạc từ thời cổ về đây rồi. Em đả đảo!
- Anh ủng hộ em!
- Thì anh phải làm gì đi chứ?
- Anh chưa biết làm gì!
- Anh… Anh làm em tức chết mất. Anh đi chết đi!
Phương Anh chạy ra phòng khách lấy gối ôm rồi vào đập lia lịa lên mặt tôi. Hả giận, em ngúng nguẩy chạy vào phòng Nguyên ăn vạ tiếp, bỏ mặc tôi với bát ô tô cơm đầy bí đỏ.
Những người phụ nữ của cuộc đời tôi. Tại sao không thể đứng chung một bầu trời?
…
Chiều đến, mưa tạnh…
Tôi ngồi ở phòng khách nhìn ra cửa sổ trong một khoảng thời gian khá lâu. Mông lung. Vô định. Chỉ muốn mưa ngoài kia rửa trôi đi hết những phiền muộn trong lòng. Tôi muốn sống trong căn nhà này cùng Nguyên, cùng Nô Đen, Su,...