lọc những cái hay, cái đúng, cái đẹp của dân gian...xuất phát từ cội nguồn dân gian\" [11,tr.111]. Khi đã tạo cho mình một truyền thống riêng, Hồ Xuân Hương nói riêng và văn học viết nói chung đều kế thừa, vận dụng, phát huy kho tàng văn học dân gian, làm cho tác phẩm càng thêm phong phú và mang đậm chiều sâu nhân văn nhân bản hơn. Tìm hiểu nét tương đồng và khác biệt giữa văn học dân gian với thơ Hồ Xuân Hương nói riêng trong cách sử dụng từ ngữ, ta càng có cơ hội đi sâu về với cội nguồn dân tộc, với những truyền thống đạo lý, tập tục tốt đẹp của ông cha để qua đó có thái độ đúng đắn, phát huy những tinh hoa văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc mình.
Có một câu chuyện kể rằng, một lần nhà thơ Tế Hanh về làng Tiên Điền quê hương của Nguyễn Du. Ông hỏi thăm một bà cụ có biết Nguyễn Du tác giả của Truyện Kiều là ai không, bà cụ trả lời rằng không biết ông Nguyễn Du là ai mà chỉ biết cô Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thôi. Tế Hanh đã kết luận một câu rằng: “Thơ văn trở thành của quần chúng đến mức quần chúng quên cả người làm ra nó. Đó mới là loại thơ văn chân chính”. Qua câu chuyện trên bài học để lại cho chúng ta, theo chúng tôi dù thời gian có bào mòn đi tất cả cùng với những biến cố, thăng trầm của cuộc đời thì các tác phẩm văn học có giá trị và tác giả của nó sẽ sống mãi với nhân loại. Tâm hồn và lòng người vẫn sẽ là nơi cô đọng và lưu giữ lại được những sản phẩm chân chính, giàu giá trị nhân văn. Thơ Hồ Xuân Hương đã làm được điều đó. Nó đi vào quần chúng và lưu truyền như một tác phẩm dân gian theo quy luật của sáng tác dân gian. Những sáng tác đó đáp ứng được nỗi mong mỏi của quần chúng nhân dân, nói được tiếng nói của nhân dân và mang phong cách sáng tác của nhân dân thì được nhân dân xem như sản phẩm của họ. Thơ Hồ Xuân Hương cũng hòa chung vào mạch nguồn đó. Dân gian có kiểu nói tục, nói lái (Truyện Trạng), các trò chơi truyền thống dân gian thì trong thơ Hồ Xuân Hương cũng có. Hay những ngôn ngữ bình dân, những lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân:
- Này của Xuân Hương đã quyệt rồi.
- Lại đây cho chị dạy làm thơ.
- Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
- Này chị em ơi chớ vội cười...
Tất cả đều là mạch nguồn của dân gian mà ra cả, điều đó chứng tỏ rằng Hồ Xuân Hương đã tiếp nhận một cách sâu sắc nguồn mạch dân gian. Thơ Hồ Xuân Hương đã hòa chung vào dòng chảy của văn hóa dân gian. Có người nhận định thơ Hồ Xuân Hương dâm và tục, có người cho rằng thơ bà chỉ có tục thôi không có dâm, có người nhận xét nặng nề hơn một chút là thơ Hồ Xuân Hương bị \"khủng hoảng về tình dục\"... Chúng tôi không nghĩ như vậy, thiết nghĩ rằng đó là cái tục trần thế, rất đỗi đời thường. Vả chăng chính vì sống trong một xã hội bị bóp nghẹt mọi quyền sống của người phụ nữ nên Hồ Xuân Hương đã dám đứng lên phản kháng lại. Thơ bà viết ra những lời nói tục mà thanh, cười mà đau đớn giàn giụa trong nước mắt và tủi nhục cho số phận nổi trôi của mình.
Trong dân gian có nhiều truyện cười mang yếu tố tục như \"Trời sinh ra thế\", \"Trạng dâng chúa cây cải\"...Còn nói về nghệ thuật dân gian thì những bức tranh như \"Hứng dừa\", \"Đánh ghen\" hoặc các biểu tượng được khắc trên đá, trên gỗ ở chùa chiền, những nơi rất thiêng liêng cũng mạnh dạn phô bày nét tinh tế của người phụ nữ. Vậy ta có sự lý giải thế nào về điều này? Theo chúng tôi, những truyện như tiếu lâm, truyện cười, truyện trạng đến những bức tranh dân gian bên cạnh những yếu tố gây cười còn có một ý nghĩa cao hơn là phê phán, đả kích những thói hư tật xấu, những bất công của xã hội đương thời. Đến với thơ Hồ Xuân Hương cũng thế, có thể bà thấy được phần nào nỗi bất hạnh, thân phận bạc bẽo bởi tâm địa xảo trá \"xanh như lá bạc như vôi\" của các đấng mày râu, quân tử khiến bà có một thái độ gay gắt mà thốt ra những lời \"tục\" như vậy chăng ?!
Vào dịp lễ hội, các trò chơi dân gian là nét sinh hoạt phổ biến của nhân dân ta từ rất xưa và là một nét văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân ta. Người ta tổ chức các lễ hội một mặt với tinh thần là giải trí, lấy tiếng cười để biểu hiện cho niềm vui, quên đi những lo toan, bon chen trong chuyện cơm áo đời thường, mặt khác nó là cách chống lại mọi thứ ràng buộc của xã hội đối với con người. Người ta đã mạnh dạn tìm đến với cuộc sống phàm tục để lôi tất cả những cái gì mà nho giáo gọi là \"thiêng liêng\" không một chút ngại ngần. Thơ Hồ Xuân Hương phần nào thể hiện được điều đó.
Tiểu Kết:
Hồ Xuân Hương là một tác giả đặc biệt trong văn học Việt Nam Trung đại. Đặc biệt bởi xã hội mà bà sinh ra, đặc biệt bởi thân phận của bà và đặc biệt bởi tài năng của bà về thơ Nôm. Thơ Nôm của bà sáng tác theo thể Đường thi nhưng lại sử dụng lối nói dân gian, ngôn liệu dân gian nên kết hợp được chất bác học và chất dân dã. Mục đích sáng tác văn học của bà là để khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội và phản kháng lại chế độ phong kiến thối nát nên dùng chất liệu dân gian là phương thức hữu hiệu nhất. Vì thế thơ bà đã hòa vào mạch nguồn dân gian hay nói cách khác là lấy từ nguồn nguyên liệu dân gian để sáng tác. Chính vì sự hòa quyện đó mà có những tác phẩm khó phân biệt đâu là thơ bà và đâu là thơ dân gian mà người đời sau gán cho bà. Hơn nữa, trong xã hội thời Lê Trịnh suy tàn, hiện tượng thay ngôi đổi chủ, lộn sòng trắng đen tốt xấu, mọi giá trị phải được định giá lại thì ý thức vùng lên của chị em phụ nữ lại càng mạnh mẽ và vì vậy, hiện tượng phản kháng xã hội bằng thơ kiểu như Hồ Xuân Hương không phải hiếm gặp. Đó cũng là lý do có nhiều giả thuyết về Hồ Xuân Hương. Nhưng dù sao thì điều cuối cùng mà nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận là có một bà chúa thơ Nôm với danh hiệu Hồ Xuân Hương.
Chương 2
ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
2.1. Các dạng thức sử dụng từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương
2.1.1. Sử dụng từ láy
Ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương bình dị như chính cuộc sống đời thường vậy. Ngôn ngữ trong thơ bà phần lớn dùng ngôn ngữ bình dân, rất hạn chế sử dụng từ ngữ Hán Việt. Sở dĩ như vậy bởi vì bản thân Hồ Xuân Hương chất chứa những tố chất thuần Việt của con người Việt Nam chất phác, mộc mạc; không khoa trương, không xa lạ với thứ ngôn ngữ của quần chúng nhân dân đa nghĩa, điêu luyện. Thật là tài tình, dân gian mà cổ điển, điêu luyện mà rất đỗi hồn nhiên. Thực thực, hư hư, đùa mà như thật, thật mà như đùa...Tất cả đã kiến tạo nên một hồn thơ Hồ Xuân Hương mang đậm phong vị quê hương, mang nhiều âm hưởng của ngôn ngữ dân gian truyền thống.
Từ láy là từ loại được sử dụng rộng rãi trong dân gian nói chung và trong thơ Hồ Xuân Hương nói riêng. Theo thống kê của Lã Nhân Thìn trong tổng số 268 câu thơ có 79 từ láy (chiếm 29,4%). Từ láy trong thơ có nhiều tác dụng, nó có chức năng hạn chế tính công thức ước lệ, làm cho câu thơ trở nên biểu cảm hơn, đậm tính dân tộc hơn và góp phần thể hiện phong cách tác giả. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của sức sống của chân đạp, tay vung, thơ của nhịp điệu cơ thể và cuộc sống con người, thơ của tâm trạng. Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương thường có tác dụng biểu lộ tình cảm, thể hiện con người tác giả.
2.1.1.1. Đặc điểm cấu tạo
a. Từ láy hai âm tiết hay láy đôi
a1. Từ láy phụ âm đầu:
- Da nó xù xì, múi nó dày
- Xin đừng mân mó nhựa ra tay
- Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
- Dắt díu nhau lên đến cửa chiền
- Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
- Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
- Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
- Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
- Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
- Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
- Cha kiếp đường tu sao lắt léo
- Giọt nước hữutình rơi thánh thót
- Luồng gió thông reo vỗ phập phòm
- Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm
- Đường đi thiên thẹo quán cheo leo
- Đầm đìa lá liễu giọt sương reo
- Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
- Giếng tốt thảnh thơi, giếng lạ lùng
- Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác
- Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo
- Khiến người quân tử hiền nhân ngại ngùng
- Con cò mấp máy suốt đêm thâu
- Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
a2. Từ láy phần vần:
- Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
- Ai về nhắn bảo phường lòi tói
- Con thuyền vô trạo cúi lom khom
- Lách khe nước rỉ mó lam nham
- Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
- Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo
- Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
- Cửu son đỏ loét tùm hum nóc
- Một dòng nước biếc cảnh leo teo
- Cỏ gà lún phún leo quanh mép
- Cá diếc le te lách giữa dòng
a3. Từ láy phần vần và phụ âm đầu:
- Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi!
- Thương chồng nên mới khóc tỉ ti
- Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
- Sau giận vì duyên để mõm mòm
- Nước trong leo lẻo một dòng thông
a4. Từ láy hoàn toàn, chủ yếu là láy từ:
- Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
- Con đường vô ngạn tối om om
- Lâng lâng chẳng bợn chút lòng ai
- Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
- Đố ai thả nạ dòng dòng
- Trai đu gối hạc khom khom cật
- Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
- Hai hàng chân ngọc duỗi song song
- Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
- Một suốt đâm ngang thích thích mau
- Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
- Mảnh tình san sẻ tý con con
- Thương chồng nên nỗi khóc ti ti
- Trống mang dùi cắp đã phanh phanh
b. Từ láy ba âm tiết trở lên
- Vị gì một tý tẻo tèo teo
- Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
2.1.1.2. Phương diện biểu hiện
a. Từ láy tạo thanh
- Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
- Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
- Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
- Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
- Thương chồng nên mới khóc tỉ ti
- Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
b. Từ láy tạo hình
b1. Màu sắc:
- Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
- Con đường vô ngạn tối om om
- Nước trong leo lẻo một dòng thông
b2. Hình dáng:
- Da nó xù xì, múi nó dày
- Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
- Đố ai thả nạ dòng dòng
- Trai đu gối hạc khom khom cật
- Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
- Hai hàng chân ngọc duỗi song song
- Sau giận vì duyên để mõm mòm
- Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi!
- Cửu son đỏ loét tùm hum nóc
- Cỏ gà lún phún leo quanh mép
- Lách khe nước rỉ mó lam nham
- Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
- Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo
- Con thuyền vô trạo cúi lom khom
- Vị gì một tý tẻo tèo teo
- Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
c. Từ láy thể hiện hành động, trạng thái tính chất
c1. Từ láy thể hiện trạng thái, tính chất:
- Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
- Một suốt đâm ngang thích thích mau
- Lâng lâng chẳng bợn chút lòng ai
- Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
- Cá diếc le te lách giữa dòng
- Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
- Giếng tốt thảnh thơi, giếng lạ lùng
- Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác
- Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo
- Khiến người quân tử hiền nhân ngại ngùng
- Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả,
- Đầm đìa lá liễu giọt sương reo
- Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
- Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
- Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
- Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
- Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
- Của em bưng bít vẫn bùi ngùi
C2. Từ láy thể hiện hành động:
- Xin đừng mân mó nhựa ra tay
- Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
- Dắt díu nhau lên đến cửa chiền
- Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
- Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
- Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Qua các dạng và phương diện biểu hiện của từ láy, chúng tôi nhận thấy rằng Hồ Xuân Hương chủ yếu sử dụng phương diện từ láy thể hiện hình dáng và trạng thái tính chất sự vật. Đây là các bộ phận từ láy thể hiện được đặc điểm sự vật, có giá trị biểu cảm cao. Các từ láy mà Hồ Xuân Hương dùng thường rất “đắc địa”, nó sắc thái riêng, rất Xuân Hương vì đặt đúng vào hoàn cảnh, được kết hợp trong ngữ biểu đạt đắc dụng.
2.1.1.3. Giá trị biểu đạt của từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Có bao giờ ta tự đặt câu hỏi tại sao trong thơ Hồ Xuân Hương lại sử dụng nhiều từ láy đến vậy? Một phần đó là thứ ngôn ngữ được sử dụng khá phổ biến trong thơ ca dân tộc, hơn nữa từ láy bản thân nó còn mang lại giá trị biểu đạt rất cao. Nghĩa của từ láy khá phong phú, lấp lửng rất phù hợp với lối thơ nghịch ngợm, bông đùa. Điều đó đã góp phần làm cho câu thơ mang nhiều tầng nghĩa : Biểu lộ tình cảm, khắc họa hình tượng, đường nét, hình ảnh một cách rõ nét và phong phú hơn. Nó làm cho người đọc vừa dễ thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều đó phần nào đã tạo nên một phong cách thơ Hồ Xuân Hương khó trộn lẫn với bất cứ nhà thơ đương thời nào.
Đọc thơ Hồ Xuân Hương, tôi có cảm giác đó như là thứ khẩu ngữ được thoát ra từ cửa miệng của những người nông dân sau lũy tre làng. Sao mà mộc mạc, dung dị, thiết tha đến vậy! Chúng ta thử đọc kỹ những từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã sử dụng, đặc biệt chú ý đến những từ láy, ta thấy có nhiều sự trùng hợp trong cách sử dụng từ ngữ, cách gieo vần. Phải chăng sự ngạc nhiên của bạn đọc chính là dụng ý của tác giả? Nếu quả thật đúng như vậy thì Hồ Xuân Hương quả thật là nhà thơ rất tài tình. Trong số các từ láy mà chúng tôi đã khảo sát trong tuyển tập thơ Nôm Hồ Xuân Hương do Ngô Lăng Vân biên soạn. Chúng tôi thấy rằng có rất nhiều từ láy mà Hồ Xuân Hương đã gieo cùng một khuôn vần. Điều đó tạo nên một giá trị biểu đạt rất cao trong việc sử dụng từ ngữ với những dụng ý riêng của mình.
Về phương diện biểu hiện, Hồ Xuân Hương chú ý đến các từ láy tạo hình và trạng thái, tính chất của sự vật, hiện tượng. Những từ láy mà Hồ Xuân Hương sử dụng thường gây ấn tượng mạnh. Một số từ do tác giả sáng tạo ra như mõm mòm, hắt heo, hỏm hòm hom, nhưng phần lớn là sử dụng trong kho tàng từ láy tiếng Việt. Tuy nhiên, do biết kết hợp trong một ngữ cảnh hay ngôn cảnh điển hình nên có giá trị biểu cảm lớn. Tiếng \"văng vẳng\" trong đêm khuya thật ai oán, làm ta liên tưởng đến một không gian thanh vắng, tĩnh mịch gợi trong lòng một nỗi buồn, cô đơn. Nó liên kết với các âm thanh \"om om\", \"phập phòm\", \"thăm thẳm\", \"cheo leo\", \"leo teo\" biểu đạt không khí \"sầu\", \"thảm\" bao trùm vũ trụ và nặng nỗi đắng cay. Một sự cô đơn rờn rợn, những tiếng ca \"rầu rĩ\" ấy luôn bị chôn chặt bởi những âm thanh trái ngược tạo nên sự xung đột trong nhạc điệu của bài thơ. Những từ láy \"mõm mòm\", \"long bong\", \"hắt heo\", \"leo teo\"...thể hiện sự mòn mỏi, hiu hắt, buồn bã cũng giống như thân phận người đàn bà lỡ làng, đau khổ, bấp bênh.
Các từ \"nho nhỏ\", \"xù xì\", \"mân mó\", \"tỉ ti\", \"phì phạch\", ...là những từ láy mang phong cách rất riêng, nó làm cho những câu thơ của Hồ Xuân Hương vốn tinh quái lại càng trở nên kì lạ hơn. Những âm thanh độc đáo, mọi vật như đang chuyển động, sinh sôi, nảy nở...
Khuôn vần \"eo\" dùng để cấu tạo một số từ láy miêu tả tâm trạng buồn rầu, nhỏ bé, hiu quạnh, hàm ý chỉ sự khó khăn cách trở: Cheo leo, hắt heo, khéo khéo, leo teo, leo léo, tẻo tèo teo, lộn lèo, lắt lẻo...Trong bài thơ \"Quán nước bên đường\" Khuôn vần \"eo\" đã được bà sử dụng đến bốn lần :\"hắt heo, leo teo, cheo leo, lộn lèo\". Bài thơ là một loạt những cảnh tượng thật buồn, vắng lặng, heo hắt, con đường làng thì quanh co, nhà cửa thì tiêu điều, xơ xác, con người thì \"leo teo\", thưa thớt ...Tất cả hiện lên là một bức tranh thôn quê thật nghèo nàn, xác xơ. Chỉ bằng một khuôn vần \"eo\" với sự thông minh, khéo léo Hồ Xuân Hương đã tạo nên một loạt từ láy mang nhiều cung bậc của cảm xúc đem lại giá trị biểu đạt cao, nhằm đưa đến cho người đọc có một cảm giác man mác buồn, cô đơn, vắng lặng. Bên cạnh đó khuôn vần \"om\" cũng đã được Hồ Xuân Hương sử dụng khá nhiều trong các sáng tác của mình. Nếu như khuôn vần \"eo\", biểu hiện cảm giác buồn thì khuôn vần \"om\" lại biểu thị một ý nghĩa khác, nó thể hiện sự dở dang \"Sau giận vì duyên để mõm mòm\" (Ngẫu cảm), không vững vàng, yếu ớt \"Đứng lom khom\" (Trăng thu). Ở đây ta thấy nghĩa của từ láy biểu thị ở một mức độ mạnh hơn so với hình vị gốc : “Hỏm hòm hom, lõm bõm, om om, mõm mòm, phập phòm”...Điều đó cho thấy mức độ ngữ nghĩa cứ tăng dần lên, biểu thị sự gấp gáp, cuống quýt, dồn nén, một cảm giác như muốn nổ tung ra, bung ra, phơi bày ra tất cả để người đọc có thể hình dung một cách bao quát nhất. Phải chăng đó là con người Hồ Xuân Hương, một người không bao giờ tự bó hẹp mình trong một khuôn khổ, phạm vi nào cả mà lúc nào bà cũng tự đặt mình ngang hàng với các đấng mày râu để nói lên tiếng nói phê phán đả kích, châm biến xã hội bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng cho những người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, khổ đau. Đó mới chính là bản ngã Hồ Xuân Hương.
Khuôn vần \"un\" \"um\" dùng để cấu tạo một số từ mang nghĩa tập hợp nhiều sự vật, nhiều biểu hiện ở cả dáng vẻ và hành vi : Tùm hum, lún phún, um tùm, khúm núm. \"Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, hòn đá xanh rì lún phún rêu\" (Đèo Ba Dội). Câu thơ thể hiện rõ gam màu \"đỏ tùm hum\", với hàng loạt những rêu xanh đang mọc \"lún phún\" trên đỉnh đèo. Bên cạnh lớp nghĩa đen là miêu tả cảnh vật hoang sơ, thanh tịnh, cảnh núi non hiểm trở của đèo của hang. Nhà thơ còn ngầm sử dụng một lớp nghĩa bóng đó là những hình ảnh biểu hiện tính phồn thực. Hình ảnh đèo, hang, giếng nước...đó chính là những bộ phận trên cơ thể người...