phẩm trữ tình lại thiên về bộc lộ cảm xúc của nhà thơ, nhà văn. Ví dụ tinh thần lạc quan, yêu đời của Tố Hữu trong những năm 1960 :
Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Cũng là tinh thần hăng say, quên mình của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ gian khổ nhưng hào hùng.
Nhân vật trữ tình thường là hiện thân của tác giả nhưng cũng có khi là nhân vật được tác giả mượn để thể hiện tâm trạng. Nhân vật trữ tình tuy không được miêu tả đầy đủ diện mạo mà chỉ được biểu hiện qua cảm xúc cá nhân, nhưng thông qua ngôn ngữ ta có thể tưởng tượng ra chân dung tác giả. Lời thơ trong tác phẩm trữ tình đầy cảm xúc, tình cảm. Vì vậy khi phân tích tác phẩm trữ tình người ta không thể không phân tích tính nhạc – một trong những đặc trưng của thơ trữ tình. Nhạc tính trong thơ gồm các yếu tố vần, thanh điệu, nhịp điệu…Tính nhạc là một yếu tố quan trọng được coi là sinh mệnh của thơ. Xuân Diệu đã thật tài tình khi miêu tả cái lâng lâng trong cảm xúc của những người đang yêu bằng những thanh bằng liên tiếp:
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.
Tác phẩm trữ tình thường ngắn gọn do mỗi tác phẩm chỉ thể hiện một cảm xúc chủ đạo, một tâm trạng gắn liền với một thời điểm. Như Nguyễn Khuyến trong bài thơ Khóc Dương Khuê, ông thể hiện lòng thương xót, tiếc nuối trước cái chết của người bạn cố tri. Do tính ngắn gọn nên tác phẩm trữ tình coi trọng sự cô đọng, hàm xúc. Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi chi tiết, hình ảnh đều có vai trò quan trọng nhằm thể hiện nội dung sâu sắc ẩn chứa bên trong.
Do trực tiếp bộc lộ cảm xúc nên lời văn trong tác phẩm trữ tình tràn đầy tính biểu cảm. Trong tác phẩm trữ tình, do chủ thể trực tiếp bộc lộ cảm xúc nên giọng điệu giàu sắc thái biểu cảm. Hồ Xuân Hương cũng đã uất ức với thân phận lẽ mọn mà đã thốt lên:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
Có thể nói, văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung tồn tại thông qua tác phẩm. Không thể nói đến âm nhạc, hội họa, điêu khắc…nếu không có những bản nhạc, bức tranh, pho tượng…Cũng như vậy, không thể nói đến văn học nếu không có những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…Tác phẩm văn học trước hết là những sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ, trong đó chứa đựng những nội dung, tình cảm nhất định. Dung lượng có thể hàng ngàn trang nhưng cũng có thể chỉ một vài câu. Nó có thể được sáng tác bởi một cá nhân hoặc là sản phẩm tinh thần của một tập thể. Điểm cơ bản để phân biệt tác phẩm văn học với tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật khác là nó được sáng tạo nên bằng nghệ thuật ngôn từ.
1.1.3. Ngôn từ trong thơ Hồ Xuân Hương
Về ngôn ngữ, có thể nói \"văn học cổ không ai giản dị dễ hiểu và mộc mạc như Xuân Hương. Ngôn ngữ của Xuân Hương không khác gì ngôn ngữ của ca dao, tục ngữ. Thỉnh thoảng trong thơ bà có một đôi từ Hán Việt, thì hầu hết đã được Việt hóa, đã đi vào kho từ vựng phổ biến của Tiếng Việt\" [18, tr.187]. Cá biệt như trong bài Bỡn bà lang khóc chồng, nhà thơ dùng nhiều từ Hán Việt, thì đó là một dụng ý. Bởi vì đây là một bài thơ \"bỡn\", Xuân Hương có ý dùng rất nhiều tên thuốc bắc thì cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn gọi bằng từ Hán Việt như thế...
Thơ Hồ Xuân Hương là một lối thơ rất tự nhiên, thật gần gũi với đời sống thường nhật, với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân lao động. Lời thơ không cầu kỳ, gọt dũa mà vẫn thiết tha, nhẹ nhàng rót vào lòng người những cung bậc rất thánh thót, ngân vang. Thơ bà đã thoát ra ngoài khuôn sáo, ít dùng điển cố Hán văn, lời thơ thường dùng theo lối ca dao, tục ngữ.
Trong ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương, bên cạnh tiếng cười giòn giã, lạc quan, thách thức, còn có cả tiếng thở dài ngậm ngùi, xót xa giữa đêm khuya thanh vắng vềthân phận long đong chìm nổi, cho số kiếp hẩm hiu, bạc bẽo của người phụ nữ. Cái \"tục\" trong thơ bà nhiều khi là con dao hai lưỡi, nó vừa phản ánh cái tục của cuộc đời trần tục vừa cái “tục” theo ý nghĩa phồn thực. Trong quá trình phát triển của lịch sử, Hồ Xuân Hương đã có cống hiến lớn lao trong việc nêu lên vấn đề về quyền sống và nhân phẩm của người phụ nữ, chống lại những tập tục, những quan điểm bất công vô nhân đạo của lễ giáo phong kiến. Tiếng nói mạnh bạo, thống thiết của Hồ Xuân Hương sẽ mãi mãi vang vọng nhờ giá trị lịch sử và nhân văn của nó.
Nhìn chung, có thể nói \"ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương phần lớn là một ngôn ngữ thuần túy Việt Nam. Xuân Hương có tài khai thác vốn ngôn ngữ súc tích, cô đọng của ca dao, tục ngữ. Trong cấu trúc chung của câu thơ Xuân Hương, những yếu tố ca dao, tục ngữ được đặt đúng chỗ nên rất tự nhiên, nó nhuyễn vào những từ, trong những cấu trúc câu thơ tạo thành một thể hữu cơ thống nhất\" [18, tr. 187], mang lại giá trị biểu đạt cao.
1.2. Hồ Xuân Hương- Thời đại và cuộc đời
1.2.1. Thời đại Hồ Xuân Hương
Lịch sử Việt Nam có lẽ không có thời nào tồi tệ cho bằng những năm cuối đời Lê. Năm 1767, Trịnh Sâm lên ngôi chúa mê tửu sắc, bị bệnh kỳ quái, sợ nắng gió, ngày đêm cứ phải ở trong cung kín như bưng. Yêu Thị Huệ, Trịnh bỏ con trưởng là Trịnh Khải lập con thứ là Trịnh Cán, gây ra bè đảng trong cuộc tranh giành quyền lực. Đàng trong quận chúa Nguyễn cứ lăm le ra đánh phá, quấy nhiễu. Trước hỗn cảnh đó, quan lại chỉ còn biết lấy nịnh hót, luồn cúi làm lẽ sống. Nhân dân sống trong cảnh loạn ly, các giá trị đạo đức bị băng hoại. Bao nhiêu nghĩa quân thần, tình gia quyến, bao nhiêu ước thúc luân lý…bị lật nhào. Bởi thế bao nhiêu cặn bã xã hội đều nổi trên mặt. Những bậc già cả, những vị có học nhìn thời cuộc đâm chán nản, trái lại những kẻ cơ hội thoả mãn những mưu đồ vô đạo, bất chính. Đây là giai đoạn suy tàn của những luân lý giáo điều Nho giáo và sự trỗi dậy của những tư tưởng cá nhân tự do, muốn đả phá và giải phóng khỏi những ràng buộc của những định kiến Nho giáo.
Hồ Xuân Hương đã sống trong một giai đoạn sóng gió nhất với nhiều biến cố kinh thiên động địa nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Khi nói về thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến đã có câu:
Thơ thánh thơ tiên đời vẫn có,
Tung hoành thơ quỷ hiếm hoi thay.
Vì sao gọi thơ Hồ Xuân Hương là thơ quỷ? Phải chăng tính chất quỷ đó được sinh ra từ một xã hội quỷ sứ? Hay là tính chất ngông nghênh, quậy chọc như quỷ sứ trong thơ bà! Tìm hiểu đôi nét về thời đại, sự nghiệp thơ để hiểu hơn về cuộc đời người đàn bà tài hoa mà bạc mệnh này. Hồ Xuân Hương sống vào thời vua Lê chúa Trịnh. Chế độ phong kiến đã trải qua một cuộc khủng hoảng cực kì trầm trọng.
1.2.2. Cuộc đời Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ kỳ tài, điều đó có lẽ không cần phải bàn cãi gì nhiều. Nhưng xét đến tiểu sử của bà thì thật là mờ mịt. Xung quanh vấn đề này còn rất nhiều giả thuyết khác nhau. Người ta biến những câu chuyện kể về bà thành những huyền thoại, mỗi người nói một cách khác nhau khiến cho giới nghiên cứu đau đầu, lúng túng bởi đứng trước tình cảnh không thể biết đích xác về cuộc đời của một nữ sĩ như Hồ Xuân Hương, nghi vấn cả một số bài thơ không biết có phải là của Hồ Xuân Hương hay không nữa. Đi tìm dấu tích văn tài này, chúng ta chỉ có thể dõi theo dòng lịch sử, dõi theo những dấu ấn được khắc hoạ trong chính thơ ca của bà.
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không biết đích xác nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh và mất vào đúng năm nào. Trước nhiều giả thuyết khác nhau, thì đã có nhiều tác giả đã đi đến cùng một kết luận. Nguyễn Hữu Tiến trong cuốn Giai nhân di mặc (in năm 1915), Song An trong bài Thân thế và văn chương cô Hồ Xuân Hương (in trên báo Đông Tây số 12/1929), Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư (in năm 1940) đều thống nhất ở một số điểm sau: Hồ Xuân Hương là con gái của Hồ Phi Diễn, một thầy đồ xứ nghệ, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Dạy học ở Hải Dương rồi kết bạn với một cô gái xứ Đông, sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình này sau lên Thăng Long, khi thì ở vùng Khán Xuân bên Hồ Tây, khi thì ở phường Tiên Thị bên bờ Hoàn Kiếm. Hồ Xuân Hương đã từng lấy lẽ một cai tổng (Tổng Cóc) và một tri phủ (Vĩnh Tường). Bà còn là bạn thơ của Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ (1768 – 1839). Như vậy Hồ Xuân Hương sống khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Nhưng đến năm 1957, trên Tạp chí văn học, Hồ Tuấn Niêm căn cứ vào sáu bộ gia phả của các chi họ Hồ ở Nghệ An rút ra một thông tin cực kỳ hấp dẫn: Xuân Hương là cùng một họ và bằng vai với Quang Trung – Nguyễn Huệ. Với việc công bố tài liệu này, gốc gác Xuân Hương xem ra sáng tỏ hơn. Rồi đến năm 1963, tình hình có khác. Trên Tạp chí Văn học số 4 – 1963, Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ chữ Hán với nhan đề Lưu hương ký mà tên tác giả lại cũng là Hồ Xuân Hương. Tập thơ này còn cho biết Hồ Xuân Hương còn lại bạn tình của tác giả Truyện Kiều. Nhưng sách này lại cho hay rằng Hồ Xuân Hương là em gái ruột của Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785 ) tức con gái Hồ Sĩ Danh. Vấn đề thành ra rắc rối !
Càng rắc rối thêm là tới năm 1974, một tài liệu mới được công bố nêu thêm một nghi vấn về lai lịch của bậc tài tử này: Trên Tạp chí Văn học số 3/1974 có đăng bản dịch Xuân Hương đàm thoại của Tam nguyên Trần Bích San (1840 – 1878 ) một danh nhân của Nam Định. Bài này cho biết vào năm Tự Đức 22 (1870) một nhóm văn nhân họp bạn cuối năm. Một người đến chậm, cáo lỗi vì phải đi dự đám tang của “ tài nữ quê Nghệ An, hiệu là Cổ Nguyệt Đường, nàng ở Từ Sơn, mộ mai táng bên núi Nguyệt Hằng”.
Như vậy, có một Hồ Xuân Hương mất vào năm 1870 và mộ bên núi Nguyệt Hằng tức núi Chè, nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh. Bà cũng là người Nghệ An, cũng là tài nữ có kiếp sống long đong. Lại cũng nhắc đến một bài thơ của hoàng tử Tùng Thiện Vương: theo bài thơ này thì có một Hồ Xuân Hương mà phần mộ ngay ở Hà Nội và nàng mất trước 1842 là năm Tùng Thiện Vương ra thăm Hà Nội.
Vậy ai là Xuân Hương Bà chúa thơ Nôm? Vấn đề đang treo ở đấy thì đến năm 1985, ông Hoàng Xuân Hãn Trên tạp chí Khoa học xã hội in ở Pháp, với nhiều thư tịch, tư liệu mới tìm ra đã chứng minh rằng Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm và Hồ Xuân Hương - tác giả Lưu hương ký (bạn tình của Nguyễn Du) cùng với Hồ Xuân Hương có phần mộ ở Hà Nội chỉ là một người. Và ông Hoàng còn cho biết rằng khoảng năm 1818 Hồ Xuân Hương đang làm vợ lẽ của viên quan tham hiệp trấn Yên Quảng (nay tỉnh Quảng Ninh), tên là Trần Phúc Hiển. Năm 1819, Phúc Hiển bị triều đình khép án tử hình.
Như vậy tiểu sử của Xuân Hương vẫn còn phải nghiên cứu thêm. Nhưng một vấn đề có thể khẳng định rằng bậc tài nữ này đã cất cao tiếng nói đòi nữ quyền bằng thơ ca rất sắc sảo và một số bài đã lấy đề tài là cảnh và người Hà Nội: Chùa Quán Sứ, núi Khán Sứ, mấy ông đồ ở phường Tiên Thị…
Hồ Xuân Hương là con của Hồ Phi Diễn nhưng lại là con của một người thiếp. Như thế ta thấy nàng không hề có một địa vị may mắn nào. Cái cảnh vợ lớn, vợ bé xưa nay chắc ai cũng có thể hình dung là nó kinh khủng đến mức nào! Tránh sự thù ghen tuông thù ghét, người cha dù thương con đến mấy cũng không dám bênh vực, chỉ biết yên lặng cho “trong ấm ngoài êm”. Nhưng một khi cái sợi dây liên lạc đó mất đi, người cha mất đi thì ôi thôi! cảnh địa ngục trần gian diễn ra như một tất yếu vậy! Hồ Xuân Hương đã sống trong cảnh ngộ đó. Khi cha nàng mất đi, hẳn nàng đã phải sống những tháng ngày đen tối, tủi nhục nhất. Cái đen tối ấy theo đuổi nàng mãi: Sinh làm con một người thiếp, sống cuộc đời làm kiếp vợ lẽ. Cả cuộc đời nàng không có lấy một ngày hạnh phúc, chưa bao giờ thấy nàng cười, nàng có cười vả chăng chỉ là cái cười mỉa mai, chua xót cho thân phận của mình. Như thế đời nàng vui sao được, như thế bảo nàng không hận đời sao được.
Đã thế nàng lại sinh ra vào cái thời xã hội rối loạn, nhố nhăng ấy nữa. Con người Hồ Xuân Hương bị ném vào cái xã hội đó và rồi ta thấy đời nàng đã phải giãy giụa trong truỵ lạc lụt ngập của xã hội. Người ta nói: tất cả các yếu đuối của xã hội đương thời đã kết tinh lại ở nàng, nhào nặn với cá tính nàng mà làm nên một thi sĩ độc đáo. Xã hội Việt Nam thời ấy không hề chờ đợi có một người như Hồ Xuân Hương đến, nhưng nàng đã đến trong cái xã hội ấy ngay giữa lúc bọn đồ gàn ít chờ đợi nhất. Nàng đã đến với một trái tim và một đầu óc trọn vẹn nhất, với tất cả mọi giác quan còn tinh khôi, và đặc biệt là với đôi mắt tinh đời ấy, ta cứ tưởng tượng như chỉ cần một cái nhìn nàng đã thấy được tận gan ruột. Nữ sĩ đã vạch rõ cái chân tướng của cả những kẻ hiền nhân quân tử, những bậc trượng phu, anh hùng và đã đặt họ lại những chỗ ngồi đúng với giá trị thực của họ giữa lúc cả bọn đang múa máy quay cuồng, tâng bốc bợ đỡ nhau.
1.3. Thơ Hồ Xuân Hương
1.3.1. Sự nghiệp thơ Hồ Xuân Hương
Tác phẩm của Hồ Xuân Hương không có di cảo, những tác phẩm được coi là của bà đều do người sau ghi chép lại bởi thế tình trạng dị bản rất phổ biến. Về thơ, có khoảng một trăm bài được sáng tác chủ yếu bằng thể tứ tuyệt và thất ngôn bát cú trong đó bốn mươi bài có sự thống nhất về phong cách nghệ thuật. Ngoài ra còn có tập Lưu hương kí, tập thơ gồm hai mươi bốn bài thơ chữ Hán và hai tám bài thơ chữ Nôm.
Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX. Bởi những sáng tác của bà đã nêu bật được những vấn đề riêng tư, những nỗi bất công mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng và tin tưởng đấu tranh để bênh vực quyền lợi phụ nữ. Thơ Hồ Xuân Hương có một số bài viết về cảnh ngộ riêng tư. Đó là nỗi niềm của một người phụ nữ giàu sức sống và hết sức tài hoa nhưng cuộc đời đầy bất hạnh. Những đề tài trong cuộc sống bình thường giản dị hàng ngày nhưng khi đi vào thơ Hồ Xuân Hương lại rất mới mẻ, sinh động, có tính chất úp mở hai nghĩa, một nghĩa đen phô ra, nói trực tiếp về đối tượng nhà thơ miêu tả, và một nghĩa ngầm nói về chuyện thầm kín trai gái. Song không phải như thế mà thơ của bà nhả nhớp, khêu gợi những dục vọng kín đáo của con người. Một mặt thông cảm, bênh vực và đề cao người phụ nữ, Hồ Xuân Hương còn lớn tiếng đả kích tất cả những nhân vật tiêu biểu của xã hội phong kiến, bà vạch trần lối sống đạo đức giả, trái đạo đức của chúng. Hồ Xuân Hương kế thừa truyền thống của truyện tiếu lâm dân gian thường dùng cái tục làm phương tiện đả kích. Được sáng tác theo thểđường luật nhưng thơ Hồ Xuân Hương được dân tộc hóa cao độ. Bà đã gặt hái được không ít thành công trong việc đưa cuộc sống trần tục hàng ngày vào một thể thơ vốn đài các, quí phái. Hồ Xuân Hương lợi dụng triệt để kết cấu chặt chẽ của bài thơ đường luật với những câu đối nhau để tạo những mâu thuẫn có tính chất trào phúng trong những bài thơ châm biếm, đả kích. Về phương diện ngôn ngữ, Hồ Xuân Hương cũng có những sáng tạo và thành công đáng kể trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, trong việc học tập ca dao, tục ngữ, thành ngữ để sáng tác thơ. Nữ thi sĩ tài hoa đã khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của ngôn ngữ dân tộc và đã mài sắc ngôn ngữ dân tộc của thời đại mình.
1.3.2. Chất liệu trong thơ Hồ Xuân Hương
\"Thơ Hồ Xuân Hương mang đậm sắc thái của dân gian\" [11, tr. 98]. Ở đây không chỉ bó hẹp ở phạm vi văn học dân gian mà còn mở rộng sang cả nghệ thuật dân gian, sinh hoạt văn hóa dân gian, lời ăn tiếng nói trong thơ Hồ Xuân Hương cũng rất dân gian. Vậy ta cần tìm hiểu thế nào là chất liệu. Theo như Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học thì chất liệu là cái dùng làm vật liệu, tư liệu để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.
Trên đây là cách hiểu của chúng tôi về chất liệu trong tác phẩm nghệ thuật, song điều mà chúng tôi muốn đề cập sâu hơn ở đây là chất liệu dân gian trong văn học. Từ xưa, mặc dầu sống trong một trạng thái văn hóa thấp kém, con người luôn có khát vọng thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật tất cả những tư tưởng, sinh hoạt, tình cảm của mình, đồng thời phản ánh tất cả những phong tục, tập quán, quan niệm hình thành dân tộc, những cuộc chiến đấu với thiên nhiên hay cả những ước mơ của mình. Dù bị áp bức bóc lột thế nào đi nữa thì quần chúng lao động vẫn sản sinh được một nền văn hóa trong đó có dòng văn học dân gian. Bắt nguồn từ quá trình lâu đời trong sản xuất và chiến đấu. Từ khi xã hội chưa có giai cấp cho đến khi xã hội có giai cấp, dòng văn học dân gian được khơi gợi, lan truyền và phát triển để phục vụ sản xuất và chiến đấu, sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động. Trong văn học dân gian, ngôn ngữ được sử dụng là lời ăn tiếng nói trong cách sinh hoạt hàng ngày của người dân. Sản phẩm dân gian được đưa vào tác phẩm dân gian rất phong phú. Có khi là những món ăn dân dã như: bánh chưng, bánh giày, bánh trôi nước. Có khi là những phong tục tập quán: tục ăn trầu, tục thờ cúng thần linh cầu cho mùa màng bội thu, có khi nó là những trò chơi dân gian đã có rất lâu đời: Đấu vật, đánh đu, bịt mắt bắt dê, nặn tò he... Tổng hợp lại là phong cách dân gian, cái hồn dân gian. Nó chân chất mộc mạc, chân tình, thực tế nhưng giàu hình tượng. Nó tạo thành một giọng điệu riêng khác hẳn với văn học viết. Tất cả đều là sản phẩm của dân gian, đều thông qua con đường ngôn ngữ và chuyển tải đến người nghe, người đọc bao thế hệ. Đến với thơ Hồ Xuân Hương một lần nữa ta lại bắt gặp những hình ảnh đó trong thơ của bà nhưng dưới góc độ khác. \"Đó là bà tiếp thu văn học dân gian chứ không lặp lại dân gian, bà chắt...