sợi ruy băng vàng mà Nấm tặng tôi!
Chap 24.
Tôi trở về Hà Nội khi hoàng hôn đã tắt. Gần một tiếng ngồi trên taxi từ sân bay về nhà, tôi im lặng ngồi nhìn ra phía cửa sổ, Phương lại cắm cúi vào màn hình laptop với những thư từ, báo cáo. Hà Nội mùa này có vẻ gì thật lạ, hay là do lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi trên con đường đi vào nội thành và ngồi trầm tư vô lo vô nghĩ như thế này.
- Tháng Mười rồi, đông chưa nhỉ?
- Chưa. vẫn thu! – Phương trả lời tôi ngắn gọn.
Nguyên đã ở bên tôi gần hai tháng – bắt đầu khi thu mới chớm sang. Một khoảng thời gian không phải là quá ngắn nhưng cũng chẳng quá dài. Đủ để cho chúng tôi hiểu về nhau tận sâu trái tim mỗi người. Buổi sáng của ngày thứ bảy Nguyên đến, tôi đã biết tự ý thức rằng mình phải dậy sớm để giúp em nấu bữa sáng nhanh hơn. Cũng ngày hôm đó, khi tan làm buổi chiều, tôi thấy mình vội vã hơn mọi ngày, không đủng đỉnh lấy xe chậm chạp mà nhanh chóng phi về nhà một cách nhanh nhất. Trái tim tôi không nhận ra từ sớm, rằng tôi đã yêu Nguyên từ trước khi tôi phát hiện được tình cảm của mình dành cho em. Và không những thế, còn yêu rất nhiều! Như một ngọn lửa đang âm ỉ cháy, khi gặp gió bỗng nhiên bùng lên dữ dội.
Giờ đây mỗi khi nhắc đến tên em, tôi bỗng chợt giật mình, cái tên Trần Thiên Vy lại thoáng qua suy nghĩ. Lại là hình ảnh mái tóc, đôi mắt, nụ cười, giọng nói quen thuộc như đã gặp từ rất lâu. Phải chăng chúng tôi đang cùng nhau quay vòng trong một đường tròn duyên số?
Có tin nhắn. Tim tôi đập mạnh khi nhìn thấy số điện thoại của Nguyên nhấp nháy trên màn hình. Dồn dập trong tôi là bao nhiêu câu hỏi: “Nguyên đang ở đâu?”, “Nguyên gọi cho tôi có việc gì?”, “Sao bây giờ Nguyên mới chịu liên lạc lại”?. Lúng túng đến mức Phương nhắc tôi: “Điện thoại kìa Nhật!”, tôi mới đủ bình tĩnh nhấc máy:
- A lô ai đấy? [Một câu hỏi rất vô duyên]
- Anh đã xóa số em rồi à?
- Không, em đang ở đâu vậy?
- Em ở Việt
Nam!
- Em đang đùa anh đấy à?
- Anh có uống thuốc đúng giờ không?
- Không. Mấy ngày rồi anh chưa uống một viên nào cả.
- Anh không về nhà nữa đúng không? Em thấy bàn ăn bụi quá.
- Gì cơ? Em đang ở nhà à?
- …
- Đợi anh về! Phải đợi anh đấy!
Tiếng im lặng kéo dài bên kia điện thoại. Tim tôi đập lộn xộn không theo nhịp bình thường của nó. Chưa bao giờ tôi muốn tài xế taxi phóng 200km/h như lúc này. Rõ ràng là Nguyên đã gửi trả lại chìa khóa nhà cho tôi, tôi không nghĩ được cách cô ấy có thể vào nhà. Phương tròn mắt nhìn khi thấy tôi cứ nhấp nhổm trong taxi. Phải làm gì? Phải làm gì?
- Cô ấy đang ở nhà tôi?
- Ai? Phương Anh á?
- Anh cái đầu cậu. Cô gái của tôi!
- Ở nhà cậu thì cậu còn sợ gì nữa?
- Cậu đã để tuột mất một điều quan trọng nhất với cậu bao giờ chưa? Chỉ khi nào cô ấy hiện hữu trước mắt tôi, tôi có thể chạm vào cô ấy, ôm cô ấy trong lòng, tôi mới tin cô ấy vẫn còn tồn tại.
Tôi sợ cơn gió của tôi sẽ bay đi mất. Sẽ không còn những buổi tối lặng thinh nhìn Nguyên ngồi tắm cho từng con vật. Sẽ không còn bước cùng nhau trên một con đường khi Hà Nội đã lên đèn. Sẽ không còn được chọc phá, đuổi đánh nhau xung quanh căn nhà nhỏ ở một góc Hà thành. Tất cả đối với tôi quá quan trọng, tại sao khi mất đi rồi tôi mới nhận ra những điều đó có ý nghĩa trong tôi như thế nào?
Phải mất 40 phút sau xe mới về đến nơi. Tôi mở vội cửa xe rồi ngoái lại dặn Phương: “Cho tôi gửi đồ đạc mai lấy”. Phương gọi với theo: “Đồ khỉ, tôi mang về cho mẹ tôi lót ổ chó mèo”. Chẳng còn tâm trí mà phản pháo lại nữa. Tôi chạy nhanh về nhà. Chỉ mong em còn đợi tôi, chỉ mong em còn ở đó. Từ đường lớn chạy về nhà hơn một cây số, tôi vòng tắt qua bãi cỏ xung quanh tấm lưới B40. Tiện thể ngó vào xem. Quái lạ, không thấy bóng dáng một em kiki nào. Bình thường chỉ cần nghe tiếng động là các em đã ùa ra vì biết có người tới cho ăn. Tôi chạy chậm lại rồi dừng hằn, dí sát mắt vào xem xét thật kĩ. Không thấy các em đâu. Những sợi dây xích cũng được thu gọn lại. Khu nhà dựng tạm cho công nhân xây dựng ở cũng đang tháo dỡ vì tòa nhà gần đây đã xây xong. Tôi có linh cảm chẳng tốt lành gì trước những gì đang thấy trước mắt. Vòng ra đường, bãi cỏ dại đã được xén hơn một nửa để chuẩn bị xây dựng thêm một toà nhà nữa ở đây. Đi chậm hơn để quan sát lại khung cảnh đã quen thuộc suốt thời gian qua một lần nữa vì tôi biết chỉ ngày mai thôi mọi thứ sẽ hoàn toàn khác. Nghề xây dựng người ta xử lý mặt bằng nhanh lắm. Có thể vài tháng sau, một tòa nhà mới sẽ xuất hiện. Số phận của các em kiki sẽ ra sao? Cũng không rõ. Tôi chỉ mong bình yên sẽ đến với các em. Các em sẽ được một người chủ mới nhận nuôi chẳng hạn.
Vù một cái trước mắt tôi, một bóng nhỏ con quen thuộc chạy vút qua. Vừa chạy vừa gào khóc. Trong ngõ nhỏ, tiếng người chửi ầm ỹ. Tôi chạy nhanh hơn để túm lấy bóng nhỏ ấy ôm vào lòng.
- Tí Tách! Con sao thế?
Tí Tách vẫn giãy giụa gào khóc trong tay tôi. Tôi giữ chặt bé trong lòng, nép vào vỉa hè vì sợ bé đang bị ai đó đuổi đánh
- Tí Tách, chú là lính cứu hỏa đây, chú là lính cứu hỏa của con mà!
Tách thôi cào cấu, ngước lên nhìn rõ tôi rồi òa lên nức nở:
- Tại sao bây giờ chú mới tới? Sao bây giờ chú mới tới?
- Có chuyện gì nói chú nghe
- Người ta giết bạn con… giết bạn con.
Tí Tách chúi mặt vào ngực tôi, ấm ức, đau khổ, uất hận. Tôi cố gạt tất cả những tình cảm đang hỗn độn trong mình để nghĩ ra cách an ủi Tí Tách cho bé bình tâm một cách nhanh nhất. Tay tôi xoa xoa đầu Tí Tách mà cứ như đang vò. Bàn tay thô ráp của tôi chẳng thể lau bớt giọt nước mắt nào. Bé vẫn khóc, nước mắt thấm một mảng áo trước ngực tôi. Bốn em kiki đã chết rồi. Con chó lông đen hay bới rác ở cột điện có lẽ cũng chết rồi. Bạn của Tí Tách chết hết rồi.
- Cứ khóc đi con, chú ở đây, con đừng sợ gì cả.
- Đêm nay con không về nhà được rồi. Người ta đến đòi nợ, đập phá nhà, còn đòi giết bố con nữa.
- Có chú ở đây, mọi chuyện sẽ ổn. Còn bạn con bị sao?
- Có ba bác rất cao, râu rất rậm, thòng cổ Hi và Sa lôi đi. Một lát sau thì Mi và Su bị các chú thợ xây ở đó trói lại và đánh ngay tại chỗ. Mi bị trói trước, chú ấy lấy một cây gậy dài và đập vào đầu Mi. Sa sợ lắm, chạy chúi vào trong bánh xe. Sa khóc rất nhiều, nhưng cũng bị lôi ra và đập vào đầu như thế. Rồi hai bạn bị lôi lên một cái bàn và đánh đến khi mềm nhũn.
Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè. Tí Tách bám chặt trong lòng tôi như sợ rằng nếu con buông tay ra thì người ta sẽ lôi con đi hành quyết ngay lập tức. Tí Tách kể trong tiếng nấc. Từng lời nói giúp tôi tưởng tượng và một khung cảnh đẫm máu, tàn bạo và man rợ. Các em bị đánh, bị đập nhừ tử để thịt được ngon hơn. Họ giết chó một cách rất chuyên nghiệp. Từ ngày mai, tôi sẽ phải bỏ thói quen để dành một phần cơm tối và chạy ra đây chăn các em. Các em đi rồi, một cái chết tuy tức tưởi, nhưng cũng là chấm dứt những chuỗi ngày bị xiềng xích, bỏ đói, ốm yếu dài dằng dặc suốt bao năm qua. Chưa bao giờ được chơi đùa, cưng nựng, yêu thương. Chưa bao giờ được tháo xích, được bước ra ngoài tấm lưới bao quanh bốn phía. Sống thê thảm, chết đau thương, âu cũng là số phận, là ông trời ban cho một người chủ không tốt, nào trách được ai? Tí Tách bắt đầu ngưng khóc, tay vẫn bám chặt lấy tôi. Tôi nắm lấy bàn tay bé nhỏ ấy bằng tất cả sự chở che của người lớn.
Ngơ ngác như trẻ con đến tận phút cuối cùng
…
Bạn có nhìn thấy?
- Sao con lại nhìn những cảnh ấy hả Tí Tách? Sao con không chạy đi?
- Con muốn chạy lắm. Nhưng không thể được. Mắt không muốn nhìn nhưng chân con cứ đứng nguyên ở đó.
- Lúc đó con ra đấy làm gì?
- Vì nhà có cỗ nên con có rất nhiều cơm và xương. Con có cả thịt bò xào hành tây nữa. Con đã giấu mẹ gói gém rất cẩn thận phần các bạn rồi. Khi con chạy ra thì thấy các bạn đang bị hành hạ như vậy. Con không biết làm gì. Bây giờ con chỉ ước giá như con ra sớm hơn một chút, để các bạn được ăn một bữa cơm thật ngon trước khi chết.
Đến lúc này thì nước mắt tôi cứ tràn ra. Tí Tách đáng thương của tôi. Ai đã sinh ra một thiên thần như con vậy? Con làm chú cảm thấy hạnh phúc biết bao nhiêu khi chú đang ôm trong lòng một món quà của Thượng đế. Chẳng có điều gì thánh thiện hơn một đứa trẻ biết yêu thương và sẻ chia vô điều kiện. Gió tối nay thổi mạnh. Những cơn gió cuối thu, lạnh và buồn hơn. Lá đã rụng vơi đi một nửa. Tôi ôm Tí Tách ngồi dưới những cơn mưa lá. Người đi đường nhìn vào tò mò, nghĩ chúng tôi là bố con hành khất. Tí Tách khóc mệt nên bắt đầu lả người, dựa vào vai tôi ngủ. Không biết con đã ăn tối chưa.
Tôi đứng dậy bế Tí Tách về nhà. Bé nhắm nghiền mắt ngủ ngon lành. Mặt vẫn lem nhem nước mắt và bụi bẩn. Ánh đèn đướng sáng hắt xuống cho tôi nhìn rõ những vết xước và bầm tím trên tay bé. Cố giữ yên tay trái ôm Tí Tách, tay phải tôi rút điện thoại gọi Phương Anh, nhờ em sang mua giúp tôi vài bộ quần áo trẻ con và một ít đồ ăn. Tí Tách gầy và bé xíu như một con mèo lạc mẹ, tóc con dài quá vai chưa được ai cắt tỉa, chiếc áo đang mặc đã rách một đường ở vai, gấu áo bê bết đất. Duy chỉ có khuôn mặt dù bám bụi bặm vẫn tươi sáng lạ thường
Trong những giây phút bị câu chuyện của Tí Tách cuốn đi, tôi đã lỡ quên đi rằng có một người đang đợi tôi ở nhà.
Căn nhà trống không, tay nắm cửa vẫn còn hơi ấm, như có một ai đó mới vừa rời đi. Tôi vội ôm Tí Tách đặt nhẹ lên ghế sô pha rồi chạy xuống sân, nhìn quanh khắp các ngả đường. Không có ai cả. Nguyên đã đi rồi. Tôi không thể gọi tên được thứ cảm xúc trong lòng tôi lúc này. Có một chút đau, một chút thất vọng, một chút buông xuôi. Khi bạn không thể đưa tay nắm giữ một điều gì đó, tự nhiên trống rỗng. Một khoảng tối đen đột nhiên ùa đến. Tình cảm, cũng như cát trong lòng bàn tay, cố níu giữ, cố nắm chặt, nó lại càng trôi tuột đi mà thôi.
Tôi quay trở về nhà. Phương Anh đã tới. Em đứng ngoài cửa ngóng tôi.
- Anh đi đâu thế? Bé nào trong nhà thế?
- Tí Tách anh đã kể với em.
- Chiều nay chị Nguyên đến đây…
- Anh biết rồi…
Tôi đi thẳng vào nhà, không muốn nói với Phương Anh điều gì. Tí Tách nằm quằn quài trên ghế, tay đã kịp vơ cái gối gần đó ôm chặt. Dáng ngủ y hệt mèo Nusi. Phương Anh thỏ thẻ sau lưng tôi:
- Anh không thấy gì khác à?
- Gì cơ?
Tôi đi vòng qua bếp, mở cửa ban công, há hốc mồm vì bất ngờ. Ban công nhỏ nhà tôi ngập tràn màu trắng của xốp và nâu của đất. Có ai đó đã tự tay dựng một giàn gỗ ba tầng để trồng rau. Thùng xốp nào cũng đã được tra hạt mầm và tưới nước. Tầng trên cùng còn có ba chậu hoa lan treo rất khéo léo.
- Chị ấy tự làm hết. Em đòi làm cùng nhưng chị không cho. Cũng không cho em gọi anh về. Em chỉ được ngồi cạnh nhìn chị làm, khi tra hạt mầm xong thì xách nước để chị ấy tưới thôi.
Tôi bỗng nhớ một lần đến thăm trạm cứu hộ của Vy Đoan, khi chơi ở sau vườn, Nguyên có nói với tôi: “Nếu sau này em yêu một chàng trai, em chẳng thích những gì cao xa quá, không thích đi ăn ở những nơi đắt tiền, không thích đi chơi ở những nơi sang trọng, không thích phô trương hào nhoáng… Chỉ là những buổi tối nắm tay nhau đi đâu đó khi Hà Nội đã lên đèn, ăn vài miếng bánh giò lề đường, ngồi bệt trên vỉa hè uống vài ngụm trà đá, ở bên cạnh nhau cho trôi qua tháng qua ngày. Em sẽ độc chiếm ngôi nhà của anh ấy, tự tay giặt rũ nấu ăn. Và nhất là sẽ trồng cho anh ấy một vườn rau, treo cho anh ấy vài giỏ hoa lan, cấy một vài loại thảo mộc… để ngày ngày sau khi chen chúc qua những khói bụi mù mịt ầm ỹ còi xe, anh ấy trở về đó với một khoảng không xanh mát, thơm mùi cỏ hoa và đất, thơm mùi tay em…”
Tôi bất chợt mỉm cười.
Ở ngoài kia, những cơn gió cuối thu vẫn thổi bay từng lớp lá.
Dù em không ở đây, không bên tôi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được, một tình yêu đang hiện hữu.
Chap 25.
Tôi đang có một mối tình, một tình yêu lạ lùng hơn hết thảy những gì tôi từng thấy. Hoặc là do trái tim tôi cảm thấy mối quan hệ này đặc biệt nên nó hóa lạ lùng. Sau ngày hôm ấy, Nguyên sang Tokyo học kỳ cuối của chuyên ngành Biến đổi khí hậu. Em không hé lộ bất cứ kế hoạch gì cho tôi và Vy Đoan biết, nhưng tôi tình cờ xem trên website của Đại học Quốc gia Hà Nội và biết được quá trình đào tạo của lớp Nguyên. Chúng tôi cách nhau 2 múi giờ và gần 6h bay. Nguyên là một cô gái mạnh mẽ. Mạnh mẽ tới mức khó có thể lo lắng rằng em sẽ không ổn chuyện này hay chuyện kia. Tôi biết em sẽ xoay sở được mọi thứ.
Khi tôi chưa trưởng thành, đã từng có lúc tự nhuộm cuộc sống của mình thành một màu xám xịt khi mà mất đi mọi thứ thân thuộc cả vật chất và tinh thần. Chẳng hạn như khi bị cho thôi việc vì không có bằng Đại học, khi phát hiện ra Ly phản bội lại tình yêu mà tôi luôn tôn thờ và gìn giữ, khi tranh cãi nảy lửa với mẹ rồi chuyển ra ở riêng, khi mất đi một khoảng ký ức để rồi ngày ngày đắm chìm vào những giấc mơ tăm tối. Nhưng, sau những ngày tháng ấy mới thấy, người ta vốn rất mạnh mẽ, tôi cũng vậy. Tất cả mọi điều tồi tệ rồi sẽ trôi qua mà thôi, không theo cách này thì theo cách khác.
Nguyên đi rồi sẽ trở về. Và tôi sẽ đợi. Tôi muốn hẹn em đến một nơi nào đó thân thuộc mà tôi từng đến. Chúng tôi sẽ một tay ăn kem ốc quế, một tay cầm bản đồ, cùng nhìn những con người đi giữa thành phố và thấy mặt trời lặn khuất ở xa tít sau những dãy nhà lúp xúp bóng cây, giữa một mảng trời xanh cam. Chúng tôi sẽ đi trên những con đường xa lạ, và nắm tay nhau.
Tôi luôn thích những chuyến bay hay là những chuyến tàu có điểm dừng là lưng chừng chiều tà, chúng tôi sẽ đáp xuống lúc 6 giờ chiều để vẫn kịp làm những điều ở trên, vẫn kịp nhìn toàn cảnh thành phố lúc ánh sáng nhập nhằng tàn và những đốm đèn đường lên ngôi. Chúng tôi sẽ ghé vào hàng ăn bởi vì lúc này bụng đã râm ran vì đói, và em với tôi sẽ uống thêm 2 cốc Coke.
Tôi ghĩ đó chắc chắn là một buổi tối tuyệt vời.
Có nhiều điều sẽ khiến chúng ta không còn là những kẻ xa lạ, và cũng có nhiều điều có thể khiến chúng ta bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời lại trở thành người dưng. Như tôi với người cũ của tôi, hoặc như em với người cũ của em [Mặc dù tôi không chắc em đã trải qua một mối tình nào chưa]. Nhưng điều sẽ luôn lưu lại trong tâm trí của chúng ta sẽ không phải là những tháng ngày mình đều đặn bên nhau như những kẻ luôn nhận thừa thãi tình cảm, mà là những ngày ngắn ngủi ở bên nhau như những kẻ cô đơn nhất giữa một nơi lạ lẫm, hàng ngàn dặm xa rời khỏi những mảng đời quen thuộc.
Nên tôi mong rằng, chúng tôi rồi sẽ chia sẻ những giấc mơ, dự định như vậy. Để cuối cùng đi qua nhau cũng không phải chỉ là một cái duyên vội…
***
- Lính cứu hỏa ơi, sao nhà chú lại có mùi mèo nhỉ?
- Sao cơ? Mùi ở đâu?
- Ở đây ạ!
Tí Tách tỉnh dậy khi tôi đang loay hoay nấu bữa sáng. Bé lom khom chỉ chỉ xuống chân tủ. Tôi ngúi xuống, quỳ gối rồi thò tay vào gầm tủ lôi ra. Con búp bê bằng vải của Nusi. Nusi vẫn thường ôm nó khi đi ngủ. Chắc con đem vào đây giấu và mẹ Nguyên không biết nên bỏ lại. Những ngày qua Nusi ngủ như thế nào nhỉ? Chắc là con buồn lắm!
- Chú ơi, áo ai đây?
- Áo của chú hồi bé. Mẹ chú giữ lại.
- Thảo nào, có mùi tủ, có cả mùi viên đuổi gián. Nhưng đẹp quá!
- Để chú xem nào!
Tôi bế Tí Tách lên cao, xoay xoay người bé để ngắm nghía. Tí Tách cũng uốn éo cho tôi xem. Cái áo màu xanh dương mẹ tôi gìn giữ trong một góc tủ riêng của bà. Bỗng dưng tôi nhớ thiết tha một thời nhỏ dại. Sáng tỉnh dậy chưa kịp rửa mặt, chạy ngay xuống dưới bếp rồi rón rén rón rén, với tay giấu đĩa cơm mẹ rang xuống gầm bàn. Sau đó chạy ra ngõ, cùng lũ bạn bẻ gậy trêu chó trêu mèo nhà hàng xóm. Thời gian ấy mẹ mới sinh Phương Anh nên chẳng có thời gian quản thúc tôi. Em gái nghiễm nhiên là lý do giúp tôi được thoải mái đùa nghịch quậy phá. Đó là điều đầu tiên khiến tôi yêu quý em gái mình. Cho đến lúc Phương Anh gần một tuổi và tập đi, mẹ luôn khóa chặt cửa nhốt tôi ở nhà trông em. Tôi phụng phịu chống đối. Ở tuổi ấy, tôi chỉ quan tâm đến những trò đùa vui của bè bạn ngoài khung cổng sắt, coi việc chăm em là một điều thừa thãi và vô nghĩa vô cùng. Mặc cho Phương Anh líu ríu bên cạnh, tôi diễn khuôn mặt cau có như con chó từ sáng đến tối. Em gái cứ bò đến là tôi lại hất đi. Chỉ khi mẹ vào xem tôi mới vờ lại gần và ôm Phương Anh vào lòng nựng nịu. Mẹ đi rồi thì lại đâu vào đấy, mặc xác Phương Anh lần mò bám cạnh bàn dò dẫm từng bước, tôi ngồi im lìm ở góc nhà với trò xếp hình.
Ký ức bất chợt ùa về, tôi nhớ mãi hình ảnh thương tâm của Phương Anh, khi em mở được hộc bàn và lôi phích nước sôi mẹ cất trong đó ra. Chỉ sau một tiếng “CHOANG!”, tôi giật mình làm rơi mảnh xếp hình trên tay, quay ra đã thấy Phương Anh đứng khóc giữa vũng nước nóng. Bàn tay bé nhỏ của em cố bám vào cạnh bàn đứng yên vì trong tiềm thức trẻ thơ, em đã đủ thông minh để hiểu nếu ngồi bệt xuống lúc ấy, em sẽ đau thêm rất nhiều chỗ. Tôi vụt đứng dậy chạy về phía em gái, nhìn những vòng nước nóng ngấm vào chiếc tất len chân em đang đeo. Phương Anh khóc gào lên khi bỏng rát, đau đớn ngày một tăng. Em với tay về phía tôi, ngã ập vào lòng tôi. Khi ấy tôi mới cảm nhận được tình yêu thương của một người anh thiêng liêng tới mức nào. Trái tim tôi như bị tiếng khóc của em gái cào xé ra từng mảnh. Tôi ôm em, cố nâng chân em lên khỏi mặt đất và bế ra chỗ khác. Mẹ cũng đã chạy lên rồi. Mẹ nhanh chóng múc nước mát dội mạnh vào bàn chân trái của Phương Anh và lột tất của cả hai chân ra. Tôi nhìn thấy rõ mảng da đỏ ửng, phồng rộp ở chân trái em gái.
Tôi bị bố đánh một trận nhớ đời bở thói vô tâm, vô trách nhiệm. Nắm chịu đòn trên phản, tôi cắn răng chịu đựng, không khóc một chút nào. Tiếp theo sau đó là những đêm cả nhà không ngủ được vì Phương Anh khóc. Thuốc thang cũng không thể làm em bớt đau. Tôi nằm vùi trong chăn, tự hỏi tôi đã làm được gì ngoài việc khiến em tôi phải đau đớn như thế? Nước sôi đã phá hủy một mảng da lớn ở chân trái của em tôi, không có cách nào chữa lành được. Cho đến bây giờ Phương Anh vẫn luôn có thói quen đeo giày, dù mùa hè hay mùa đông, vì không muốn cho người ta nhìn thấy sự xấu xí của cơ thể mình.
Kể từ lần ấy, tôi yêu em gái mình hơn rất nhiều, sau tất thảy những đau thương nước mắt em tôi phải chịu khi quá bé bỏng.
- Anh ơi,...