Đêm đã khuya. Dãy rừng cao su vắng ngắt, tĩnh lặng. Ánh đèn đường hắt ra một vệt sáng phía bìa rừng. Còn phía trong thì tối thăm thẳm. Hoàn toàn vắng bóng người.
Bỗng từ phía đường quốc lộ, một bóng người lặng lẽ tiến vào phía rừng cao su. Anh ta đi giữa hai hàng cây, dáng hơi khệnh khạng. Có lẽ đó là một thanh niên đi nhậu về lúc nửa đêm.
Thật ra anh ta không say, cái dáng khệnh khạng đó là do đường đi tối, đất lại nhấp nhô, có lúc anh ta vấp dúi sắp ngã. Nhưng rồi anh ta lại đứng dậy đi tiếp.
Đi gần hết con đường, anh ta thấy phía trước có một phụ nữ đi dạo. Bà ta mặc bộ đồ trắng, tóc buông dài chấm gót. Đúng là một người không bình thường, nửa đêm thế này mà đi tha thẩn giữa rừng vắng, lại còn xõa tóc như con gái. Chắc là một người thất tình.
Người thanh niên nhìn kỹ bà ta. Càng nhìn anh càng thấy rờn rợn. Dáng bà ta đi rất lạ, nó liêu xiêu như chực ngã trước gió, mà có cơn gió nào đâu. Chỉ có làn gió nhẹ thoảng qua, làm rừng lá thoáng lào xào, vậy mà bà ta chới với như sắp bay theo gió.
Người thanh niên gọi lớn:
– Khuya rồi mà đi đâu vậy chị?
Cái bóng phía trước vẫn tiếp tục đi, như không nghe. Người thanh niên gọi lớn hơn:
– Nhà chị ở đâu vậy, khuya thế này chị đi một mình không sợ sao?
Bóng trắng vẫn không ngoảnh lại. Thật không bình thường chút nào. Anh ta đã gọi lớn như vậy, làm sao mà không nghe. Vậy mà cái bóng vẫn cứ đi bập bềnh như bơi trong không khí, giống như một người mộng du vậy.
“Chắc là một người bị bệnh mộng du”. Người thanh niên nghĩ thầm, thế là anh ta bước nhanh về phía cái bóng.
– Chị ơi !
Vừa gọi, anh vừa kéo tay người phụ nữ lại. Nhưng tay anh như chụp vào khoảng không. Người phụ nữ không phải là người thường, mà là một cái bóng, một thể khói hư hư thực thực. Người thanh niên còn đang đứng ngẩn người, thì bóng trắng vụt bay về phía gốc cao su phía bìa rừng. Sau đò anh ta nghe vẳng lên tiếng khóc nỉ non. Trong đêm vắng, tiếng khóc đó làm anh ta rợn cả người, và anh chúng tôi giò bỏ chạy.
Anh ta chạy gần đến khu vực của ngôi biệt thự, thì nghe tiếng một người quát lớn:
– Ai đó? Đứng lại !
người đang chạy bỗng sững lại, miệng lắp bắp:
– Dạ tôi ! Tôi đây ! Tôi là Chiến…
Trong bóng đêm lờ mờ Chiến nhận ra người đứng đối diện với mình, cậu kêu lên:
– Trời ơi ! Ông Thìn, ông làm tôi muốn đứng tim.
Ông Thìn khề khà:
– Thế cậu làm gì mà như ma rượt như thế?
Chiến vẫn chưa hoàn hồn, anh ta ngồi phịch xuống tựa lưng vào gốc cây vừa thở vừa nói:
– Tôi vừa gặp ma.
Ông Thìn dõng tai hỏi:
– Cậu nói gì? Ma hả?
Chiến nó to:
– Phải.
Ông Thìn trợn mắt:
– Ở đâu?
Chiến đưa tay chỉ về phía trước:
– Đằng kia, cuối hàng cây này.
Ông Thìn hơi ngạc nhiên, hỏi lại:
– Con ma nó ra làm sao?
Chiến rùng mình:
– Tôi không nhìn rõ, nhưng lúc nãy mới rẽ vô con đường này, tôi thấy phía trước có một người đàn bà, bà ta mặc bộ đồ trắng, tóc xõa chấm gót chân, ban đầu tôi nghĩ “đang đêm thế này, đàn bà con gái nào mà đi giữa đêm một mình, không sợ ma sao, nếu không ma thì cũng là cướp”.
– Rồi sao nữa?
– Tôi nghĩ hay là ba ta bị mộng du, nên tôi định kéo bà ta lại, nhưng tự nhiên bà ta biến mất, rồi hiện lên ở chỗ khác.
Ông Thìn lẩm bẩm một mình:
– Hổng lẽ bà ta lai linh đến như vậy? Bà thành tinh rồi ư?
Chiến nghe được lời ông Thìn nói, cậu trợn mắt:
– này, ông nói ai thành tinh vậy?
Ông Thìn lắc đầu:
– Ồ, không… không có gì đâu.
Chiến nhăn nhó:
– Ông làm ơn nói rành một chút cho tôi nghe đi.
Ông thờ dài lắc đầu:
– Dã nói không có gì rồi ma. Ở đây làm gì có ma chứ.
Chiến cãi lại:
– Tôi thấy rõ ràng mà. Con ma ấy nhát tôi đấy.
Ông Thìn chợt hỏi:
– Ban đêm cậu đến đó làm gì?
Chiến hơi ấp úng:
– Thì…thì tôi đến rũ thằng Sói Đen đi chơi.
Ông Thìn lắc đầu ngó Chiến:
– Cậu có gì đó giấu tôi.
Chiến chối quanh:
– Thật tình mà.
Ông Thìn thở dài, chép miệng:
– Chuyện đó có những chuyện không nên hiểu biết làm gì.
Chiến nắm tay ông Thìn:
– Ông này, tôi nghe người ta kể là Ông Trạch ngày xưa giàu có lắm.
Ông Thìn gật đầu:
– Thế mới có nghịch cảnh ngày hôm nay.
Câu nói của ông Thìn đã gây sự tò mò trong đầu Chiến:
– Nghịch cảnh gì vậy ông?
Ông Thìn thở dài:
– Chuyện dài dòng lắm. Nhưng mà chuyện của người ta, cậu hỏi để làm gì?
– Vì tôi nghĩ chuyện gia đình đó có liên quan tới cái bóng trằng lúc nãy.
Chiến cố hỏi tiếp:
– Nhưng chuyện ấy có liên quan gì đến con ma kia?
Ông Thìn gạt phăng:
– Thôi về nhà ngủ đi.
Chiến dùng dằng:
– Ông thật là khó hiểu. Tự tôi, tôi sẽ đi tìm hiểu.
Ông Thìn lắc đầu nhìn theo cài dáng của Chiến lẫn khuất trong màn đêm.
Bóng đêm phủ xuống, rừng cao su tối mịt mù. Những hàng cao su thẳng tắp gầy gò, những tàn là thì xòe rộng, thỉnh thoảng gió lào xào làm hàng cây lay động.
Chiến dẫn đám bạn đi luồn giữa hàng cao su. Ánh đuốc sáng trưng. Ánh lửa hắt lên vòm lá lung linh như những bóng người.
Chiến đứng lại trước một cây cao su có đánh dấu thập, thận trọng nói:
– Đây ! Tại cái cây này. Tôi đã thấy bóng ma ở cây này.
Mọi người sợ hãi, đứng khựng lại, Sinh lên tiếng:
– Có thật anh thấy con ma ở đây không?
Chiến gật đầu xác nhận:
– Đúng.
Mọi người xì xầm bàn tán:
– Ghê quá !
– Ma tóc dài ư?
Chiến lại nói:
– Nhành cây có chút xíu vầy mà con ma nó trèo lên, đu đưa mà không gãy.
Sinh níu tay Chiến:
– Con ma cái hả anh?
Chiến gật đầu:
– Phải, đó là một người đàn bà, có lẽ bà ta chết oan khuất, nên hồn cứ lẫn quẩn trên trần gian.
Cả đám nhớn nhác:
– Rùng rợn quá !
Cô gái có mái tóc vàng ré lên:
– Ôi ! Về thôi ! Hu… hu… em sợ con ma lắm.
Sinh dỗ dành em gái:
– Mỵ à ! Em nín đi. Có anh đây, con ma không dám làm gì em đâu.
Mỵ vẫn mếu máo:
– Không, về thôi anh, kẻo nó lại xuất hiện.
Chiến vội bịt miệng Mỵ:
– Này ! Đừng có nói bậy như thế chứ !
Mọi người dáo dác tìm. Hôm nay chủ nhật đám công nhân cạo mủ cao su đã nghỉ việc, khu rừng thêm vắng vẻ. Dãy nhà lớn của ông Cả Trạch vẫn đóng im ỉm.
Mỵ nói to:
– Anh ơi ! Khu nhà đằng kia sao mà hoang vắng quá vậy?
Sinh bảo em:
– Vẫn có người ở đấy chứ.
Cô bé Mỵ vẫn nói tiếp:
– Em sợ lại có mấy công chúa lại ngủ quên trong căn nhà ấy.
Cả nhóm phỉ cười. Chiến liếc nhìn cô bé:
– Con nhỏ giàu trí tưởng tượng ghê.
Mọi người còn đang cười Mỵ thì bỗng từ xa xa xuất hiện một bóng trắng.
Cái bóng ấy chậm rãi tiến về phía gốc cây. Trong màn đêm dày đặc, chiếc bón nổi lên như sương khói, mờ mờ ảo ảo, âm u xa vắng. Mỵ rú lên:
– Ma… kìa !
Cả nhóm run lên vì sợ hãi. Nhìn theo hướng của Mỵ. Mấy người xúm chùm lại, Chiến rên rỉ:
– Đúng là ma rồi.
Sinh kéo Mỵ gọi to:
– Chạy thôi !
Cả đám nhắm mắt nhắm mũi chạy. Tiếng kêu la í ới, làm vang động cả núi rừng. Không một ai dám ngoái đầu nhìn lại. Chạy được một đoạn khá xa, chứng như đã an tâm cả nhóm mới dừng lại mà thở. Mỵ phụng phịu:
– Đi chơi với anh Hai chẳng vui gì hết. Gặp toàn là ma không.
Sinh vỗ đầu em gái:
– Thấy ma như vậy mới thú vị chứ.
Mỵ lè lưỡi:
– Thôi, em hổng dám nhìn ma nữa đâu, ghê lắm.
Vũ, người bạn cùng đi chung nói xen vào:
– Đi như thế này mà dẫn các cô theo có mà hỏng bét.
Chiến đã nghĩ ra cách hay nhất trong đầu. Nhưng chưa tiện nói ra với mọi người. Phải, rồi thì anh cũng sẽ tìm cách phanh phui bí mật của nhà ông Cả Trạch, xem nó có liên quan gì với bóng ma giữa rừng cao su lạnh lẽo này.
Hôm sau, khi trời nhập nhoạng tối, anh đem vài con khô và xị rượu đến nhà ông Thìn.
– Ông Thìn ơi, tối nay làm vài ly cho ấm bụng dễ ngủ.
Ông Thìn có vẻ khoái lắm, bèn bảo cô cháu gái nhóm lửa nướng khô, rồi hai người ngồi ngoài sân khề khà đến khuya.
Thấy ông Thìn có vẻ ngà ngà, Chiến bèn khơi chuyện:
– Ông Thìn à, chuyện ông Trạch là sao vậy ông? Nó liên quan gì tới bóng ma hôm qua vậy?
– À, chú mày vẫn còn tò mò à? Chú mày tới đây để hỏi chuyện đó phải không?
Chiến gãi gãi đầu:
– Ừ thì… gặp ma mà, làm sao không tò mò cho được.
Ông Thìn gật gù:
– Thấy chú mày tò mò quá, thôi để tao kể cho mà nghe.
Ông Thìn bắt đầu kể về gia đình ông Trạch. Câu chuyện như tái hiện lại một thời vang bón của một gia đình giàu có, tiếng tăm lẫy lừng.
Trong phòng ngủ sang trọng, một người đàn ông gầy gò nắm bẹp dí trên giường. Đôi mắt trũng sâu lờ đờ, thân hình gầy đét dưới lớp mền. Toàn thân ông ta gần như bất động, hơi thở yếu ớt khó khăn. Ông ta đang mấp mé bên bờ cái chết.
Bên cạnh giường, hai người con gái ông Trạch, Thảo Linh và Thảo Lan, đang ngồi quỳ dưới đất. Bà Thảo Linh có vẻ nghiêm trang. Nhưng Thảo Lan thì đôi mắt đỏ mọng, có vẻ rất đau đớn trước phút hấp hối của người cha.
Bên cạnh bà Thảo Lan, Thảo Sương cũng ngồi quỳ dưới đất, vẻ mặt buồn rầu. Cô rất yêu quý ông ngoại, bây giờ ông đang hấp hối, có lẽ qua đêm nay, cô sẽ không còn được thấy ông nữa. Nghị như vậy, cô thấy vô cùng đau đớn, và nước mắt rơi lã chã.
Ông Trạch đưa mắt nhìn hai người con gái, ánh mắt như ra hiệu. Thảo Lan hiểu ý, vội đứng dậy, cúi xuống sát ông.
– Ba muốn nói gì với chị em con phải không?
Đôi môi ông Trạch mấp máy:
– Chị …. em … thương nhau … đừng bỏ … nhau.
Thảo Lan gật nhanh đầu:
– Ba yên tâm, con không bao giờ bỏ chị con đâu.
Bà quay qua bà Thảo Linh:
– Chị hứa với ba đi chị, cho ba yên tâm nhắm mắt.
Thảo Linh nghiêm trang:
– Ba đừng lo, con với nó là chị em cơ mà.
Ông Trạch nhìn hai người thật lâu. Đôi mắt dại đờ mờ dần, rồi khép lại. hai tay ông buông xuôi trên nệm.
Thảo Lan và Thảo Sương gào lên:
– Ba ơi !
– Ông ngoại ơi.
Hai mẹ con gục đầu xuống giường khóc ngất. Vũ Hoàng bước tới vỗ nhẹ vai Thảo Lan:
– Đừng khóc nữa em à, dù gì ba cũng chết rồi, em khóc như vậy ba không yên tâm đi.
Vú Trần cũng khuyên lơn:
– Phải đó cô Ba, người ta nói người chết mà thấy con cái khóc lóc, họ sẽ không nỡ đi, cô để ông đi cho nhẹ nhàng đi cô.
Hai người thay nhau an ủi khá lâu, Thảo Lan mới nguôi ngoai. Bà gạt nước mắt đứng dậy. Đau đớn nhìn cha lần cuối, rồi bình tĩnh cùng mọi người lo tẩn liệm cha.
Sau đám tang ông Trạch, không khí trong nhà thật buồn thảm. Hai chị em bà Thảo Lan vốn ít hòa thuận, bây giờ cha mất,cả hai chẳng những không gần nhau được, mà còn có khoảng cách xa hơn, nó bắt nguồn từ phía bà Thảo Linh.
Và bà ta không ngờ được rằng mình còn phải gánh chịu một tai họa lớn hơn.
Buổi sáng tinh mơ, sương còn mờ mờ, cảnh vật trong khuôn viên khu biệt thự thật tĩnh lặng, yên ổn.
Vũ Hoàng đi dạo một mình bên bờ suối, buổi sáng ông thương ra suối hít thở không khí trong lành. Thương ông chỉ đi một mình, vì bà Thảo Lan giờ này vẫn còn đang ngủ say.
Vũ Hoàng đang đi dạo thì thấy Thảo Linh từ phía biệt thự đi về phía mình.
Trên tay bà xách một chiếc giỏ, như sắp đi xa. Ông hơi ngạc nhiên, vì từ đó giờ bà chị vợ này có bao giờ dậy sớm thế đâu.
Thảo Linh đi về phía Vũ Hoàng, cười ra vẻ thân mật:
– Dượng Ba nó đi dạo sớm thế à?
– Vâng, hôm nay chị cũng thức sớm quá. Chị định đi đâu vậy?
– Tôi muốn ra đây để gặp dượng đó.
Vũ Hoàng hơi ngạc nhiên:
– Có chuyện gì vậy chị?
– Có một chuyện quan trọng, dượng ngồi xuống đó đi.
Vừa nói, bà vừa chỉ tay về phiến đá to gần đó. Rồi tự mình cũng ngồi xuống tảng đá kế bên. Vẻ mặt bà có vẻ nghiêm trọng và nham hiểm. Bà hắng giọng:
– Chuyện này nói ra tôi biết dượng không vui, nhưng tôi phải nói, tôi chờ lâu rồi.
Vũ Hoàng rất lạ, vì từ đó giờ tuy ở chung một nhà, nhưng có bao giờ bà chị khó chịu này nói chuyện với ông. Vì vậy ông thấy đâu có chuyện gì mà nói.
Bà Thảo Linh hắng giọng:
– Dượng cũng biết là ba tôi không tán thành cuộc hôn nhân giữa dượng với Thảo Lan, nhưng vì nó thương dượng nên ba tôi phải chiều nó.
Nét mặt Vũ Hoàng buồn hẳn đi, ông gật đầu:
– Tôi biết ba chị chê tôi nghèo, không xứng với Thảo Lan, tôi cũng biết thân phận mình lắm.
– Biết rồi thì tôi không nói nữa, tại dượng mà lúc còn sống, ba tôi lúc nào cũng buồn rầu, so buồn hoài nên ba tôi chết sớm đó.
– Chị nói vậy là không đúng rồi, ba bị bệnh ung thư mà chết, chứ không phải do buồn tôi.
– Nếu không buồn cậu thì ba tôi không bệnh như vậy.
Vũ Hoàng thấy bà chị vợ nói chuyện rất vô lý, nhưng từ khi sống với Thảo Lan, ông đã quen nhẫn nhịn, nên ông không nói gì.
Bà Thảo Linh nói tiếp:
– Tại dượng mà gia đình tôi mất danh dự, đáng lẽ em tôi phải có chồng giàu sang danh giá, vậy là nó lấy một người trắng tay như dượng. Bây giờ tôi muốn em tôi có người chồng tương xứng với nó.
Ông Vũ Hoàng đứng bật dậy:
– Chị muốn nói cái gì?
– Tôi nói dượng nghe rõ rồi, tôi muốn cậu đừng có sống với em tôi nữa. Cậu hãy đi thật xa, đừng bao giờ trở về, để em tôi có chồng khác xứng với địa vị của nó.
Ông Vũ Hoàng kêu lên:
– Nhưng chúng tôi đã có con rồi, Thảo Sương con gái tôi đâu có gì mà phải chịu cảnh mất cha.
– Nó đã lớn rồi, nó phải biết tự lập, dượng đừng có vịn cớ đó để sống bám gia đình vợ. Lúc ba tôi còn sống, tôi ráng nhịn, bây giờ ba tôi chết rồi, dượng đi ngay đi. Vĩnh viễn đừng bao giờ trở lại tìm Thảo Sương nữa.
Ông Vũ Hoàng suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Tôi muốn nói chuyện với vợ tôi, tôi không thể bỏ đi mà không nói gì, vợ tôi sẽ buồn khổ không biết tôi đi đâu.
BàLinh cười nham hiểm:
– Dượng muốn gặp nó để xin xỏ chứ gì? Đừng hòng, tôi đã quyết định rồi, dượng không đi cũng không được.
bà đưa chiếc giỏ cho ông Hoàng:
– Trong này có quần áo và tiền bạc tôi cho dượng, dượng đi ngay đi.
Ông Hoàng đứng dùng dằng không muốn nhận, th2i chợt bà Linh phẩy tay một cái. Từ trong mấy bụi cây, có bốn gã thanh niên đi ra. Người nào mặt mày dữ tợn du côn, khiến ông thấy lo sợ.
Bà Linh cười đắc thắng; – Dượng không đi cũng không được đâu.
Bà hất hàm ra hiệu cho mấy gã thanh niên:
– Đưa hắn ra khỏi tỉnh này, đứa nào để hắn trở về, tao sẽ xử đức đó, nhớ chưa?
– Dạ.
Bà quay sang ông Hoàng:
– Với số tiền này, dượng có thể kiếm cái gì đó buôn bán, nếu dượng trở về, hoặc tìm cách liên lạc với Thảo Lan, tôi sẽ cho tụi nó xử cậu. Mà con Sương cũng không được yên ổn, cậu nhớ chưa?
Vũ Hoàng chưa kịp nói gì thì bị mấy thanh niên đẩy đi. Ông biết mình không chống cự nỗi, nên đàng gạt nước mắt ra đi ra khỏi khu biệt thự tráng lệ. Và biết mình sẽ mãi mãi không trở về đây nữa.
Bà Thảo Linh đứng nhìn theo để kiểm tra. Cho đến lúc họ khuất bóng ngoài đường lớn, bà Thảo Lan mới yên tâm trở về.
Đến trưa, bà nghe tiếng gõ cửa phòng, rồi Thảo Lan thò đấu vào hỏi:
– Chị Linh ! Chị có thấy anh Hoàng đâu không?
Thảo Linh nói tỉnh bơ:
– Tao không biết, chồng mày đi đâu sao lại hỏi tao?
– Sao kỳ quá, từ sáng giờ không ai biết ảnh đi đâu, bình thường ảnh đâu có như vậy.
– Vậy thì mày đi tìm thử coi.
Bà Thảo Lan và con gái lo lắng chờ ông Hoàng đến tối mà vẫn không về.
Suốt đêm, hai mẹ con trằn trọc không ngủ được. Cứ mong ngóng chờ tới sáng để tìm ông Hoàng.
Nhưng ngày qua ngày, cuộc tìm kiếm càng trở nên vô vọng. Ông hoàng vẫn mất tích một cách khó hiểu.
Bà Thảo Lan ngày đêm trông ngóng, thương nhớ. Cái chết của cha chưa làm bà bình tĩnh, sự mất tích của chồng khiến bà dần dần rơi vào trạng thái tâm lý mất quân bình.
Bà bây giờ như một thân cây khô héo chứ không phải là một người phụ nữ xinh đẹp, có sức hấp dẫn như ngày trước. Bà thường ngồi hàng giờ trước thềm nhà một cách ngây dại. Đôi lúc lại cười ngặt nghẽo một mình và gọi tên ông Hoàng một cách thống thiết.
– Anh Hoàng ơi ! Anh đâu rồi?
Không nghe tiếng trả lời, thế là Thảo Lan lại gào lên, lại khóc kể lể.
Vú Trần rất lo lắng khi thấy Thảo Lan bị tâm thần như vậy. Mỗi lần Thảo Lan lên đến, bà lại an ủi dịu dàng:
– Cô Ba à ! Cô hãy bình tĩnh lại đi.
Thảo Lan ngó vú Trần bằng đôi mắt ngây dại:
– Bà là ai? Có phải bà đã cướp mất chồng tôi không?
Vú Trần phân bua:
– Không, không, tôi là người ở đây mà.
Thảo Lan lại khóc:
– Bà là người ở đây hả? Vậy chồng tôi đâu?
Vú trần lúng túng, chưa biết trả lời ra sao thì Thảo Sương chạy đến:
– Mẹ, con nè mẹ. Để con đưa mẹ ra suối chơi nghe.
Thảo Lan ngước mắt nhìn con bằng cặp mắt xa lạ:
– Mày là ai?
Thảo Sương ôm mẹ mình mà nước mắt chảy dài xuống má:
– Mẹ ơi ! Mẹ hãy bình tĩnh lại đi. Con là Thảo Sương, con của mẹ đây.
Thảo Lan lắc đầu:
– Không, tao muốn tìm Vũ Hoàng chồng của tao thôi mà.
Thảo Sương ôm mặt khóc:
– Trời ơi ! Làm sao bây giờ hả vú? Mẹ cứ thế này hoài, con sợ mẹ chết lắm.
Vú Trần an ủi:
– Thảo Sương này, con nên bình tĩnh, mẹ con bị thần kinh một chút thôi, không chết đâu con.
Thảo Sương ôm chầm lấy vú Trần:
– Nhưng vú ơi ! Con không nỡ để mẹ con như vậy mãi được.
Thảo Linh xuất hiện nơi ngưỡng cửa, vẻ mặt lạnh lùng nhìn đứa cháu gái gọi mình bằng dì:
– Mày còn khóc lóc làm gì, một mình mẹ mày trù ẻo chưa đủ sao? Tối ngày hết mẹ điên tới con khóc, cái nhà này giống nhà mồ quá.
Thảo Sương ôm tay dì khóc ngất:
– Dì ơi ! Dì hãy cứu mẹ con !
Thảo Linh hất tay Thảo Sương ra:
– Cứu à? Cứu bằng cách nào đây? Mẹ mày mang chứng bệnh thất tình, không có loại thuốc nào chữa được cả.
Thảo Sương mím chặt môi, cô đâu ngờ bà dì độc ác đến như vậy. Ông ngoại Thảo Sương trước khi mất đã dặn hai chị em dì đùm bọc lẫn nhau, vậy mà lúc nào dì cũng coi mẹ như cái gai trước mặt. Mẹ bệnh như vậy mà dì chẳng hề lo lắng. Cô ghét dì vô cùng.
Thảo Sương gạt nước mắt, cô dìu bà Thảo Lan đứng dậy:
– Mình ra suối chơi đi mẹ.
– Đi ra đó tìm ba con phải không?
– Dạ.
– Ba con chờ mẹ ngoài đó hả?
Thảo Sương không biết nói sao, đành gật đầu:
– Dạ.
Rồi cô dìu bà Lan đi ra khỏi khu biệt thự. Hai mẹ con bước chậm chạp, không thấy ánh mắt bực bội của bà Thảo Linh nhìn theo. Như nhìn một cái gai trong mắt.
Bà Thảo Linh đi tản bộ dọc theo con suối. Bà có thói quen đi ra ngoài buổi sáng vì suốt ngày chỉ ở trong nhà. Từ sau lúc ông Hoàng đi, tự nhiên bà có ý thích đi dạo ngoài suốt vào buổi sáng.
Đang đi, bà chợt nghe có tiếng ngựa chạy phía sau. Con ngựa đó chạy vụt qua bà, làm bà giật minh nhảy qua một bên tránh.
Bà Thảo Linh mím chặt môi vì tức giận, bà hét lên:
– Này ông kia ! Sao vô ý đến như thế?
Người cưỡi ngựa nở nụ cười thật quyến rũ.
– Xin chào bà !
Vừa nói, hắn vừa nhảy từ trên lưng ngựa xuống. Bà Thảo Linh vẫn chưa nguôi cơn giận.
– Ông là ai mà ngang nhiên đến đây và giẫm nát mấy cây hoa tôi vừa trồng.
Hắn tự giới thiệu:
– Tôi tên là Cảnh Hào từ phương xa mới tới đây.
Thảo Linh trừng mắt nhìn hắn...