mình trước đây:
- Khoảng mười ngày nữa, ba sẽ cho phá khu vườn để chuẩn bị xây nhà.
Trong khi mẹ tôi và anh Khánh lộ vẻ hân hoan trước viễn ảnh xây dựng đó thì tôi ngồi sững sờ như bị đóng đinh vô ghế.
Mãi một lúc lâu, tôi mới cất nên lời, giọng cố giữ để không run rẩy:
- Xây nhà làm gì nữa, ba? Mình có thừa chỗ ở rồi mà!
Ba tôi đáp với vẻ phấn khởi:
- Con ngốc quá! Đâu phải xây nhà là để ở! Đây là khu vực sản xuất. Mình sẽ làm tăm nhang xuất khẩu. – Rồi ba tôi gật gù, tiếp – Ba sẽ cho lát gạch toàn bộ khu vườn để làm chổ phơi phóng.
Trước một kế hoạch làm ăn lớn lao như vậy thì những niềm vui nhỏ nhoi của tôi và Hồng Hoa ắt sẽ chẳng có nghĩa lý gì dưới mắt ba mẹ tôi. Tôi chán chường nhủ bụng và từ lúc đó tôi không còn hy vọng gì vào việc làm thay đổi ý định của ba tôi.
Tôi rời khỏi bàn với những bước chân nặng nề như đeo đá, lòng ngổn ngang trăm mối buồn rầu. Lâu nay, tôi cứ ngỡ ba tôi nói ra cái điều khủng khiếp đó chỉ là do vui miệng và hẳn ông quên mất ý nghĩ đó rồi. Nào ngờ mọi chuyện lại xảy ra đột ngột như thể một trận động đất khiến lòng tôi tê dại hẳn đi.
Cũng như tôi, Hồng Hoa đón nhận tin đó với một sự đau khổ thẫn thờ. Nó ngồi lặng lẽ bên tôi, nước mắt chảy dài trên má. Những tiếng thút thít của nó khiến tôi như đứt từng khúc ruột. Nhưng tôi không biết phải an ủi nó như thế nào trong khi lòng tôi cũng đang rầu rĩ vô bờ. Thôi thì cứ để nó khóc. Tiếng khóc sẽ giúp nó nguôi ngoai và nỗi đau sẽ tuôn theo nước mắt để lòng nó vơi đi phần nào phiền muộn.
Suốt buổi chiều, tôi và Hồng Hoa không chạy nhảy nô đùa như mọi ngày. Những cuốn sách nằm buồn thiu trên bãi cỏ và trên cây
khế sắp bị đốn kia, con sáo đứng lẻ loi và lặng thầm trong bóng hoàng hôn.
Trước khi chia tay, Hồng Hoa sụt sịt nói:
- Chiều mai em lại đến.
Tôi nheo mắt: – Mày quên rồi! Chiều mai là chiều tao đi học kia mà!
Hồng Hoa cắn môi:
- Em đâu có quên! Nhưng từ nay cho đến lúc khu vườn bị đốn, chiều nào em cũng đến. Hôm nào không có anh thì em chơi một mình.
Tôi gật đầu, giọng ngậm ngùi:
- Ừ, khi nào mày muốn đến thì đến. Mày cứ coi như đây là khu vườn của mày.
Khi Hồng Hoa đã ra về, tôi không vào nhà ngay như thường lệ mà lại nằm lăn ra trên cỏ. Cho đến khi những tia nắng cuối cùng đã thôi nấn ná trên ngọn cây và trên bầu trời đen thẳm những vì sao ẩm ướt bắt đầu lấp lánh, tôi cũng chẳng buồn nhúc nhích.
Tôi cứ nằm như vậy, im lìm, bất động, như những ngày xa xưa ở quê ngoại, tôi vẫn thường nằm mơ màng giữa một đồng cỏ xanh rì và nhấp nhô những gò đống, đầu gối lên khúc gỗ mục, chung quanh là đám bạn chăn bò cũng đang đắm mình trong cỏ như tôi. Những lúc ấy, bầu trời trước mắt tôi bao giờ cũng giống như một tấm màn đen trên đó đính muôn nghìn ngôi sao lóng lánh và đôi khi tôi có cảm giác tấm màn rực rỡ và bí mật đó đột ngột sà thấp xuống, gần kề đến nỗi suýt chạm vào người tôi và tôi tưởng như có thể nghe đầy mùi vị lành lạnh của các vì ngôi sao, nhưng khi tôi đưa tay ra rụt rè chạm vào đôi cánh mỏng của ngôi sao gần nhất thì tôi ngẩn ngơ thấy những ngón tay bé nhỏ và dính đầy đất cát của mình chỉ chạm vào những giọt sương khuya lạnh lẽo. Bây giờ, trước mắt tôi, tấm màn kỳ bí của bầu trời đã bị các tàng cây che khuất và chỉ có một vài ngôi sao lọt qua những kẽ lá trên cao. Nhưng lúc này tôi không buồn ngắm bầu trời và các vì sao. Tôi áp người vào đất chỉ để say mê hít thở lần cuối cùng hương vị thân thuộc của khu vườn, trong đó trộn lẫn mùi đất nồng và mùi cỏ ướt, mùi lá non và mùi rêu ẩm, ngay cả gió cũng có mùi, và có lúc dường như tôi đã nghe phảng phất đâu đây mùi phân bò đang nghi ngút cháy trong mùa bắt bọ rầy của một thời đã mất.
***
Bây giờ thì ngày nào Hồng Hoa cũng đến chơi với khu vườn, kể cả những buổi chiều tôi đi học. Những hôm đó, tôi cứ ngồi nhấp nha nhấp nhổm trong lớp, lòng cứ mong cho chóng hết giờ để ù té chạy về nhà, ra vườn chơi với nó.
Gọi là chơi nhưng thật ra trong những ngày này chúng tôi chỉ đi tha thẩn quanh các gốc cây với những bước chân nặng trĩu. Chúng tôi sờ tay lên gốc mít xù xì và áp mặt vào lớp da trơn láng của cây ổi, thì thầm với chúng những lời từ biệt. Đã nhiều lần tôi bắt gặp Hồng Hoa chân quì chân ngồi cạnh hàng rào, tay nâng niu những cọng cỏ gà lẻ loi còn sọt lại của khu vườn và lặng lẽ nhìn ngắm hàng giờ như muốn thu vào ký ức lần cuối cùng những hình ảnh thân thiết của tuổi thơ. Những buổi chiều ảm đạm này thường kết thúc bằng cảnh tôi và Hồng Hoa ngồi im lặng bên nhau trên thành giếng ướt rêu. Chúng tôi cứ ngồi bất động như thế, mỗi đứa đều mải mê theo đuổi những ý nghĩ buồn tẻ và lan man trong đầu, không hay chung quanh sương đã xuống dày trên tóc. Thỉnh thoảng một chiếc lá vàng hay một bông khế rơi xuống đậu hững hờ trên thành giếng và Hồng Hoa bâng khuâng nhặt lên thả vào lòng giếng để xem chúng dập dềnh trên mặt nước bằng một vẻ mặt ngất ngây, tiếc nuối.
Con sáo trên cây khế dường như cảm nhận được không khí khác thường trong khu vườn nên chốc chốc lại nôn nao buột miệng “cười đi! cười đi!” khiến tôi và Hồng Hoa vô cùng cảm động mặc dù chúng tôi không làm sao cười nổi.
Lâu thật lâu, Hồng Hoa mới khẽ nói:
- Tiếc quá anh hén?
- Ừ! – Tôi đáp, giọng xuôi xị.
Im lặng một lát, nó lại nói:
- Buồn quá hén?
Tôi lại “ừ” như cái máy.
Hồng Hoa chép miệng, bùi ngùi:
- Nếu khu vườn là của em, chẳng bao giờ em đốn nó.
Tôi cắn môi:
- Thì tao cũng vậy thôi! Nhưng đây là quyết định của ba tao!
Hồng Hoa lặng lẽ thở dài. Nó đưa mắt nhìn lên tàng khế một hồi rồi ngẩn ngơ nói:
- Khi nào lớn, có một mảnh vườn em sẽ trồng khế.
- Ừ.
- Và em sẽ trồng ổi, mận. Cả cỏ gà nữa. Hệt như khu vườn này.
- Giếng đá nữa chi! – Tôi khẽ nhắc.
Hồng Hoa chớp mắt:
- Ừ, em sẽ xây một cái giếng đá cạnh gốc khế. Anh với em sẽ lại nhặt hoa thả xuống giếng. Hệt như hôm nay.
Tôi mỉm cười:
- Biết lúc đó tao có còn ở cạnh mày nữa không!
- Ừ hén! – Hồng Hoa ngẩn người ra, rồi nó cười buồn, giọng xa vắng – Nếu không có anh chắc em buồn lắm!
Nghe nó nói, lòng tôi bỗng mềm hẳn đi. Và tôi khụt khịt mũi:
- Tao cũng vậy thôi! Tao sẽ nhớ mày ghê gớm!
Viễn ảnh của sự cách xa khiến tôi đâm ra hoảng hốt.
Tôi vội vã hỏi:
- Còn mấy ngày nữa hả mày?
Hồng Hoa ngơ ngác:
- Mấy ngày nữa sao?
Tôi chớp mắt:
- Mấy ngày nữa là hết hạn mười ngày? Tự dưng tao quên mất!
- Còn năm ngày nữa! – Hồng Hoa thẩn thờ đáp – Từ hôm đó đến nay đã năm ngày rồi.
Câu trả lời của Hồng Hoa làm tôi chết điếng người. Tôi cứ ngỡ chỉ mới ba ngày trôi qua. Hóa ra thời gian đi nhanh hơn tôi nghĩ. Hóa ra trong mấy ngày qua, nó cứ lạnh lùng trôi, chẳng thèm thương tôi và Hồng Hoa chút nào.
Sau một thoáng đờ đẫn, tôi nắm lấy tay mềm mại của Hồng Hoa, ân cần dặn:
- Ngày mai mày đến sớm một chút đi! Khoảng ba giờ, tao sẽ về chơi với mày.
Hồng Hoa tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Mọi khi anh vẫn học đến năm giờ kia mà!
Tôi gật đầu:
- Ừ. Nhưng ngày mai tao về sớm.
Hồng Hoa nheo mắt, giọng trách móc:
- Anh bỏ học nửa chừng phải không?
- Không có đâu! – Tôi ấp úng – Ngày mai thầy tao bận việc, cả lớp được nghỉ hai tiết sau.
Hồng Hoa có lẽ không tin lời nói dối của tôi nhưng nó không hỏi tới mà chỉ ngước nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng và thăm thẳm đến lạ lùng. Ánh mắt đó sao giống hệt ánh mắt ngoại tôi nhìn tôi trong những ngày cuối cùng trước khi tôi rời bỏ quê ngoại để về ở hẳn với ba mẹ tôi. Sự liên tưởng xốn xang đó khiến tôi thao thức suốt đêm và tôi định chiều hôm sau sẽ kể cho Hồng Hoa nghe.
Nhưng rồi tôi không thực hiện được ý định của mình. Ba giờ chiều hôm sau, nhân lúc nghỉ giảo lao, tôi len lén ôm cặp chuồn ra khỏi lớp. Trên đường về nhà, tôi thấp thỏm đoán xem giờ này Hồng Hoa đang làm gì trong vườn, nó đang ngồi thủ thỉ trò chuyện với đám cỏ gà hay đang đu mình trên cây mận để ngắm nghía cái hình vẽ xấu xí kia.
Lòng nôn nao, tôi bước chân qua khỏi cổng nhưng rồi tôi bỗng giật mình khi thấy cửa hàng của mẹ tôi đóng cửa im ỉm, còn mẹ tôi thì chẳng thấy đâu.
Tôi chạy vọt vào nhà và đụng ngay khuôn mặt rầu rĩ của anh Khánh.
- Mẹ đâu? – Tôi lo lắng hỏi.
Anh Khánh thở dài:
- Mẹ đi bệnh viện rồi!
Tôi tái mặt:
- Mẹ bị sao vậy?
- Mẹ có bị gì đâu! – Anh Khánh nhún vai – Chó nhà mình cắn người, mẹ phải đến đó.
Tôi trố mắt:
- Chó nào? Nhà mình làm gì có chó! Anh Khánh nuốt nước bọt: – Chó béc- giê ba mới đem về hồi nãy. Tao thử dắt nó ra vườn đi lòng vòng cho nó quen. Nào ngờ nó thấy có người sục sạo, liền bứt ra khỏi tay tao nhào tới cắn.
Trong thoáng mắt, đầu tôi choáng váng như bị ai đánh và tôi bỗng rùng mình khi hình dung ra cảnh cô bạn bé nhỏ của tôi đang nằm giãy giụa và kêu thét lên đau đớn dưới nanh vuốt của con vật hung dữ kia. Tôi hấp tấp hỏi, tim thót lại:
- Hồng Hoa có bị sao không?
Anh Khánh tặc lưỡi:
- Hơi nặng. Bị cắn nát một bên vai. Nhưng dù sao cũng còn may, chứ nếu bị cắn ngay cổ hay ngay mặt thì con nhỏ tiêu đời.
Đang nói, đột nhiên anh ngó sững vào mặt tôi:
- Ủa, sao mày biết con nhỏ đó tên Hồng Hoa?
Tôi lí nhí:
- Hồng Hoa là bạn em.
- Xạo đi mày! Bạn mày sao nó vào vườn lúc không có mày ở nhà?
Tôi gãi đầu:
- Em bảo Hồng Hoa vào trước đợi em về chơi.
Như sực nhớ ra điều gì, anh Khánh nghiêm mặt:
- Nó vào bằng ngả nào?
- Thì…chui hàng rào! – Tôi bối rối đáp.
- À, – anh Khánh gục gặc đầu – thì ra cái lỗ hổng hôm trước mẹ bảo mày bịt lại, mày chưa chịu bịt phải không?
Tôi không đáp, thực ra là tôi không buồn đáp bởi đầu óc còn đang loay hoay nghĩ đến Hồng Hoa, đang lo lắng không biết giờ này nó ra sao.
Thái độ thờ ơ của tôi có lẽ khiến anh Khánh bực dọc. Anh hừ giọng:
- Tao sẽ méc mẹ! Thế nào mày cũng bị ăn đòn!
Lòng đang rối như tơ vò, tôi nổi khùng sẵng giọng:
- Cho anh méc!
Nói xong, tôi quay lưng bước ra khỏi cửa trước cặp mắt mở to vì kinh ngạc của ông anh.
Tôi tới thẳng bệnh viện nơi Hồng Hoa đang nằm. Sau một hồi dọ dẫm hỏi thăm, tôi cũng đến được phòng nó.
Vừa bước vào phòng, tôi nhìn quanh nhưng không thấy mẹ tôi đâu. Chắc mẹ đã về rồi.
Hồng Hoa nằm thiêm thiếp trên giường, áo quần trắng toát, cánh tay phải chôn dưới một lớp băng dày, trên đầu treo lủng lẳng chai nước biển. Ngồi cạnh giường là một cặp vợ chồng lớn tuổi, chắc là ba mẹ Hồng Hoa, tôi đoán vậy vì tôi nhận ra người đàn bà bán cháo lòng ngoài chợ hôm nào. Ngoài ra trong phòng còn có một thằng nhỏ trạc tuổi tôi đang ngồi lơ đễnh trên chiếc ghế đẩu cạnh cửa ra vào.
Vừa thấy tôi xuất hiện, mẹ Hồng Hoa đã nhận ra ngay. Bà khẽ mỉm cười, một nụ cười buồn:
- Chào cháu.
Tôi cũng gật đầu chào lại ba mẹ Hồng Hoa rồi im lặng đứng sát cạnh giường. Hồng Hoa nằm đó, ngay trước mặt tôi, xanh xao và mệt mỏi, mắt nhắm nghiền. Không hiểu trong cơn mê thiếp nhọc nhằn kia, nó có cảm thấy đau đớn không! Tôi xót xa tự hỏi và bỗng thấy cay cay trên mắt.
Mẹ Hồng Hoa bỗng nói, giọng rưng rưng:
- Em nó bị chó béc- giê cắn, cháu ạ!
Tôi khẽ gật đầu, môi mím chặt. Dĩ nhiên tôi biết điều đó. Và mẹ Hồng Hoa cũng biết tôi biết điều đó. Nhưng bà vẫn cứ muốn nói ra, như để mượn tiếng nói đứt quãng kia trút bớt phần nào nỗi nặng nề phiền não trong lòng.
Hồng Hoa bỗng mở mắt. Có lẽ tiếng nói thương cảm của người mẹ đã đánh thức người con dậy. Nhìn thấy tôi, đôi môi héo hắt của Hồng Hoa liền nở một nụ cười và trên đôi má nhợt nhạt kia những lúm đồng tiền quen thuộc lại thấp thoáng. Nó khẽ giơ cánh tay lành lặn về phía tôi, miệng mấp máy:
- Anh Kha!
Tôi liền mừng rỡ nắm lấy tay nó, lòng xúc động vô cùng. Nhưng tôi chưa kịp nói với nó một lời, nó đã khép mắt lại và lại chìm vào cơn mê, bàn tay vẫn còn nắm chặt lấy tay tôi. Tôi chỉ biết nói thầm và hy vọng trong giấc mơ Hồng Hoa sẽ nghe thấy: “Hồng Hoa, em cứ yên tâm ngủ đi, chỉ qua một đêm nay thôi, ngày mai thức dậy em sẽ thấy cuộc sống xinh đẹp và hạnh phúc sẽ trở lại với em, hệt như câu chuyện về nàng công chúa Hồng Hoa mà anh đã kể cho em nghe dạo nào”. Khi thầm thì với Hồng Hoa như vậy, tôi ngạc nhiên nhận ra, dù là trong lời nói thầm, cách xưng hô của tôi đối với Hồng Hoa đã bất ngờ thay đổi. Điều đó tuy có khiến tôi bối rối nhưng tôi vẫn không muốn trở lại cách xưng hô cũ một chút nào.
Tôi đứng bất động bên giường Hồng Hoa như vậy khá lâu. Mãi đến khi ra về, tôi mới nhẹ nhàng và âu yếm gỡ tay nó ra. Suốt trong thời gian đó, ba mẹ Hồng Hoa cũng không nói một lời. Họ không biết tôi là ai nhưng họ tỏ ra hoàn toàn tin cậy vào tình bạn thắm thiết giữa tôi với Hồng Hoa và họ có vẻ hy vọng tình cảm đó sẽ giúp cho Hồng Hoa thêm nghị lực để vượt qua cơn hiểm nghèo. Vì vậy khi tôi ngỏ ý ra về, cả hai người đều nắm chặt tay tôi, vẻ cảm kích:
- Cảm ơn cháu.
Tôi nói với ba mẹ Hồng Hoa là chiều mai tôi sẽ trở lại rồi ngậm ngùi bước ra khỏi phòng.
Nhưng tôi vừa mới bước dọc hành lang được mấy bước đã nghe có tiếng gọi giật:
- Ê, thằng kia!
Tôi giật mình quay lại và nhận ra người vừa kêu tôi một cách xấc xược chính là thằng nhỏ khi nãy ngôi trên chiếc ghế đẩu trong phòng.
Nó thọc hai tay vào túi quần và thong thả tiến lại gần tôi, hất hàm:
- Mày là ai mà đến đây?
Không biết thằng này là người như thế nào, tôi vẫn cố giữ giọng ôn hòa:
- Tao là bạn của Hồng Hoa.
- À thì ra mày là bạn nó! – Thằng nhóc nheo mắt quan sát tôi một hồi rồi gật gù hỏi – Chính mày là đứa thường cho nó mượn sách phải không?
- Ừ! – Tôi gật đầu, và bỗng nhớ ra – Còn mày có phải tên là Quý không?
Thằng Quý nghe tôi gọi đúng tên nó, liền trố mắt:
- Sao mày biết?
Tôi nhún vai:
- Thì Hồng Hoa nói.
Nếu như gặp lúc khác, tôi đã hỏi tội nó và có khi cho nó một trận đòn dằn mặt. Nhưng bây giờ Hồng Hoa đang nằm lả người trong kia nên tôi không muốn gây gổ lôi thôi, đành phải dằn lòng lờ đi mọi chuyện.
Nhưng thằng Quý quả là đứa cô hồn. Nó phun nước bọt:
- Con nhỏ này đúng là lắm mồm! Chó cắn nó là đáng!
Lối ăn nói độc địa của thằng Quý khiến tôi nóng mặt:
- Mày là đồ…vô lương tâm! Hồng Hoa bị chó cắn gần chết mà mày nỡ nói như vậy hả?
Quý cười hề hề:
- Nỡ với không nỡ quái gì! Chó cắn là tại nó chứ đâu phải tại tao! Mẹ nó bảo nó không đước bén mảng về nhà, ai bảo nó cãi lời chi cho chó cắn!
Tôi ngơ ngác:
- Mày nói gì? Mẹ nó không cho nó về nhà ai?
- Thì nhà nó chứ nhà ai!
- Nhà nó ở dưới quê kia mà?
Quý nheo mắt, vẻ giễu cợt:
- Ai bảo mày vậy?
- Hồng Hoa! – Tôi đáp, giọng không được quả quyết lắm.
Quý nhún vai hừ giọng:
- Nó nói dóc với mày đó! Nhà nó chính là cái nhà có khu vườn nơi nó bị chó cắn vừa rồi kìa!
Lời tiết lộ bất ngờ của thằng Quý khiến tôi bàng hoàng như đang ở trong mơ. Tôi ngỡ ngàng hỏi:
- Nhà nó sao nó không ở mà lại ở nhà mày?
Quý nhếch mép, giọng khinh khỉnh:
- Thật tao chưa thấy đứa nào ngu như mày! Tao nói nhà nó là tao nói trước đây kìa! Hồi trước nó ở nhà đó. Ông ngoại nó buôn bán đồ gỗ, cách đây mấy năm bị đánh tư sản. Thế là nhà nước tịch thu hết nhà cửa, tài sản. Cả nhà nó phải đi kinh tế mới, sống không nổi mới chạy về ở nhà tao.
Thằng Quý nói với tôi bằng một giọng trịch thượng đáng ghét, nhưng lúc này tôi không buồn để ý đến thái độ cha chú của nó. Tôi hoang mang hỏi:
- Vậy ông ngoại Hồng Hoa đâu rồi?
- Ông ngoại nó chết rồi! Đi kinh tế mới được vài tháng là ông ngoại nó đã bịnh chết. Nhưng gần đây thì nhà nước bảo là nhà nước đánh lầm. Ông ngoại nó không phải là tư sản mà chỉ là tiểu thương thôi.
- Vậy thì nhà nước phải trả nhà lại cho gia đình Hồng Hoa chứ?
- Thì chứ sao! Nhưng dễ gì đòi lại được! Nhà cửa bây giờ toàn các ông lớn ở, sức mấy họ chịu trả! Ba nó cầm đơn chạy tới chạy lui cả năm nay mà có được gì đâu!
Nói xong, Quý lại nheo nheo mắt, gật gù:
- Chắc chẳng bao giờ con Hồng Hoa kể cho mày nghe những chuyện này phải không?
Lòng đờ đẩn, tôi chẳng buồn trả lời thằng Quý mà quay lưng đi thẳng một mạch.
- Ê, thằng kia!
Mặc nó gọi, tôi cứ cắm đầu chạy, chạy mãi. Tôi muốn chạy thật xa nơi tôi đã tình cờ biết được câu chuyện về cuộc đời nghiệt ngã của Hồng Hoa, nơi tôi đã biết được toàn bộ sự thật trong sự gắn bó giữa Hồng Hoa với khu vườn của tôi. Hóa ra từ trước đến nay, Hồng Hoa đã cố tình che giấu tôi tâm sự u uẩn của nó. Những nan hoa cửa sổ hình ngôi sao và chiếc cầu thang vòng cung hai mươi bốn bậc mà Hồng Hoa nhắc tới hôm nào chính là những hình ảnh trong ngôi nhà Hồng Hoa sống trước đây và hiện nay tôi đang sống chứ chẳng phải ở nhà một người bạn nào. Và cái hình vẽ nguệch ngoạc trên cây mận kia là do chính bàn tay bé bỏng của Hồng Hoa khắc lên hồi nhỏ chứ không phải ai khác, cũng như không có một ngôi mộ nào khác hơn ngôi mộ trong vườn là nơi Hồng Hoa đã tự tay chôn cất con mèo nhỏ Mi- mi. Vậy mà em đã giấu anh! Tôi tê tái nói thầm và nghe những giọt lệ mằn mặn trên môi.
Và vừa khóc vừa đi, không buồn chùi nước mắt, tôi lang thang qua hết đường phố này đến đường phố khác, lòng thẫn thờ nghĩ đến Hồng Hoa, ngôi sao bé bỏng và bất hạnh của cuộc đời. Anh đâu biết khu vườn của anh chính là khu vườn của em, nơi em bị chiếm đoạt nhưng em vẫn luôn luôn tha thiết quay về, dù là quay về trong lén lút, để say sưa và hồn nhiên đắm mình trong kỷ niệm ấu thơ. Mà em đâu có cần gì to tát, ngôi nhà của em, em không hề nhắc một lời. Nỗi khát khao nhỏ nhoi của em chỉ là được chạy chân trần trên cỏ, được âu yếm vuốt ve một thân cây hay thẫn thờ nhặt trên tay một bông khế rụng. Hẳn ngày xưa em đã sống vui vẻ và vô tư với những niềm vui trong sáng và nhẹ nhàng như thế, cũng như anh những ngày xưa quê ngoại.
Chiều đã tắt nắng nhưng chân tôi vẫn cứ bước, mặc dù tôi không biết mình đang đi đâu. Những ngã tư và những ngã tư. Những hè phố và những hè phố. Tất cả lần lượt trôi qua như ảo ảnh. Trong khu vườn của tôi, hẳn giờ này những chiếc lá đã đi ngủ và những vạt nắng cuối ngày đã bắt đầu rời khỏi ngọn cây cao. Và trong bệnh viện, trên chiếc giường trải drap trắng, trong bộ quần áo trắng, với cánh tay băng trắng, Hồng Hoa hẳn giống như một thiên thần tội nghiệp. Không biết giờ này em đã tỉnh dậy chưa, và khi nhìn thấy những vì sao lung linh bên cửa sổ, em có bâng khuâng nghĩ đến khu vườn đang giãy chết ngoài kia. Và em có bao giờ biết, đối với tôi, em luôn luôn hồn hậu và đáng yêu như...