nhiều bạn mới, lúc đó anh sẽ không chới với em nữa!
Tôi hừ mũi:
- Cần gì phải mai mốt! Bây giờ tao cũng có cả đống bạn vậy! Nhưng tao vẫn thích chơi với mày hơn.
Hồng Hoa lộ vẻ sung sướng:
- Thật không?
- Thật.
- Tại sao anh lại thích chơi với em? – Hồng Hoa nheo mắt tinh nghịch hỏi.
Tôi chép miệng:
- Tại vì mày thích dạo chơi trong vườn như tao. Mày cũng thích nhặt hoa khế thả vào lòng giếng. Mày biết…trèo cây. Rồi…rồi mày cũng thích nằm lăn ra trên cỏ như tao, không sợ dơ quần áo…
Nghĩ ngợi loay hoay một hồi, tôi đâm ra bối rối chẳng biết phải kể thêm gì nữa. Tôi ú ớ vài ba tiếng rồi tắc tịt, đành quay sang Hồng Hoa, nhe răng cười.
Hồng Hoa chắc cũng chẳng cần tôi kể nhiều thêm nữa. Chỉ riêng việc tôi thú nhận tôi thích chơi với nó, và khen nó có nhiều điểm giống tôi, đủ khiến mặt mày nó rạng rỡ lên rồi. Vì vậy, vừa thấy tôi quay sang cười với nó, nó liền đáp lại bằng một nụ cười còn tươi gấp mấy lần nụ cười…ruồi của tôi.
Nhìn nụ cười xinh như hoa của nó, tôi chợt nhớ ra:
- Tao thích chơi với mày còn vì nụ cười lúm đồng tiền của mày nữa. Mày cười dễ thương ghê!
Đang cười, nghe tôi khen, Hồng Hoa lập tức mím môi lại. Nhưng rồi không nhịn được, nó lại bật cười khúc khích. Nhưng lần này, nó ngó lơ đi chỗ khác. Tôi vẫn đứng yên, lặng lẽ nhìn Hồng Hoa từ phía sau. Bất giác tim tôi như thót lại khi những tia nắng
chiều đột ngột xuyên qua kẽ lá và phủ quanh mái tóc Hồng Hoa một đường viền sáng lung linh và rực rỡ đến nao lòng. Trước mắt tôi, mái tóc Hồng Hoa dường như đang bốc cháy. Xa hơn nữa mới là hoàng hôn.
Một hôm, Hồng Hoa đến chơi với tôi với một vết bầm trên má.
Thoạt đầu tôi không để ý. Vừa thấy nó ló đầu qua hàng rào, tôi đã mừng rỡ chạy lại, khoe:
- Lẹ lên, tao cho mày xem cái này nè!
- Cái gì vậy? – Hồng Hoa tò mò hỏi, giọng thích thú.
- Con sáọ
- Con sáo sao?
- Thì lại đây đi!
Vừa nói tôi vừa nắm tay Hồng Hoa hấp tấp kéo lại chỗ gốc khế. Chúng tôi chạy chưa tới nơi, con sáo đã nhanh nhẩu cất tiếng chào. Nhưng nó chỉ chào mỗi Hồng Hoa, còn tôi thì nó chẳng thèm đếm xỉa tới. Tôi đã quen với cái trò “nịnh đầm” của nó nên chẳng buồn giận dỗi. Tôi chỉ nhắc:
- Còn tao nữa chi!
Con sáo vừa nhảy nhót vừa liếc tôi, ý chừng đang cân nhắc xem có nên chào tôi không. Sau một hồi lưỡng lự, nó tỏ ra biết điều:
- Chào anh Kha!
Tôi khoái chí, nhắc tiếp:
- Còn cái câu gì tao mới dạy mày hôm qua đó!
Con sáo đứng nghệch mặt, ra chiều ngẫm nghĩ. Dòm bộ tịch của nó, tôi đoán chắc nó đứng tới già cũng không nhớ ra cái câu tôi vừa dạy. Tôi đành phải gỡ bí cho nó:
- Dễ…dễ…dễ…gì?
Như sực nhớ ra, con sáo liền buột miệng:
- Dễ thương ghê!
Chỉ đợi có vậy, tôi quay sang Hồng Hoa, cười toe:
- Nó khen mày đó!
Hồng Hoa nửa thinh thích nửa mắc cỡ. Nó lườm tôi:
- Anh dạy nó câu gì đâu không!
- Vậy mà gì đâu! Nó…
Đang nói, thốt nhiên tôi nhìn sững gương mặt Hồng Hoa, ngạc nhiên hỏi:
- Mặt mày bị sao vậy?
- Bị gì đâu?
Tôi chỉ tay vôi vết bầm trên má nó:
- Vậy mà kêu không! Bầm tím đây nè!
Hồng Hoa đưa tay xoa xoa vết bầm, lúng túng:
- À, cái này là…do em bị té.
Tôi bán tính bán nghi:
- Thật không? Mày té ở đâu vậy?
- Em té ở nhà.
Câu trả lời của Hồng Hoa khiến tôi càng thắc mắc:
- Ở nhà mà té? Tao không tin!
- Thật mà.
- Mày nói xạo! Chắc là mày đánh nhau với ai!
Hồng Hoa chớp mắt: – Em đâu có biết đánh nhau.
Tôi tặc lưỡi:
- Nếu vậy chắc có ai đánh mày.
Lần này Hồng Hoa không cãi. Nó đứng im. Tôi càng nghi:
- Ai đánh mày phải không?
Hồng Hoa vẫn không hé môi. Chỉ có đôi mắt nó rưng rưng. Như vậy đúng là nó bị ai đánh rồi! Tôi nhủ thầm và lo lắng hỏi:
- Ba mày đánh mày phải không?
Hồng Hoa khẽ lắc đầu.
- Hay mày bị mẹ đánh?
Hồng Hoa vẫn lắc đầu.
Tôi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của nó, giọng hoang mang:
- Vậy chứ ai?
Hồng Hoa im lặng một lúc rồi thẩn thờ đáp:
- Anh Quý em.
Tôi thở dài:
- Hóa ra là anh mày! Mày có một ông anh mà tao đâu có biết!
Hồng Hoa khịt mũi:
- Anh Quý không phải là anh ruột em. Anh Quý là con ông bác.
Tôi gật gù:
- Thì ra vậy! – Rồi tôi mím môi, hỏi – Bộ thằng đó hung hăng lắm hả?
Hồng Hoa nhăn mặt:
- Anh em mà anh gọi là thằng đó!
Tôi hừ mũi:
- Tao cứ gọi nó là thằng! Ai bảo nó đánh mày chi! – Tôi liếc Hồng Hoa, mắt nheo nheo – Nó đánh mày thì lần sau nó đến chơi, mày đừng cho nó vô nhà.
- Nhà nào?
- Thì nhà mày chứ nhà nào! Mày hỏi lãng xẹt!
Giọng Hồng Hoa bùi ngùi:
- Em đâu có nhà! Gia đình em hiện nay đang ở đậu nhà ông bác kia mà!
Tôi sửng sốt:
- Chứ nhà mày đâu?
- Thì em đã nói anh nghe rồi! – Giọng Hồng Hoa thoáng lộ vẻ bối rối – Nhà em ở…dưới quê!
Tôi sực nhớ ra:
- À, mày có nói mà tao quên! – Rồi tôi thở dài, chép miệng – Nhà mày khổ quá hén!
Câu nói của tôi có lẽ khiến Hồng Hoa động lòng. Những giọt nước lệ nãy giờ kềm giữ bỗng trào ra khỏi mắt và chảy thành giòng trên má nó. Trước tình cảm đó, tôi không dám nhìn Hồng Hoa mà vội đưa mắt ngó vẩn vơ lên tàng cây mận. Trên đó, những chiếc lá nằm im phắt, không buồn cựa mình, dường như chúng đang lặng lẽ lắng nghe câu chuyện buồn bã của Hồng Hoa.
Mắt vẫn không rời những chiếc lá trên cao, tôi bồi hồi hỏi:
- Sao nó đánh mày?
Tiếng Hồng Hoa sụt sịt bên tai tôi:
- Ảnh giật sách của em, em không cho. Thế là ảnh đẩy em đập mặt vào cạnh bàn.
Tôi nghe Hồng Hoa nói mà bụng cứ tức sôi lên. Không biết làm gì cho nguôi ngoai, tôi quay ra cằn nhằn Hồng Hoa:
- Nó giật sách của mày thì mày cứ đưa đại cho nó! Ai bảo mày giật lại chi cho nó đánh mày!
- Thì những lần trước ảnh giật em đâu có cản. Nhưng đây là cuốn “Cu li lùn” anh cho em mượn.
Tôi hắng giọng:
- Mày ngốc quá! Sách của tao thì cũng như sách của mày thôi. Đọc xong, nó trả lại chứ lo gì!
Hồng Hoa đưa tay quệt nước mắt, nói:
- Ảnh không có trả lại đâu!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại không trả? Không trả thì nó làm gì?
- Ảnh toàn là đem vứt ở đâu đâu! – Hồng Hoa buồn bã đáp – Có khi ảnh xé đôi cuốn sách rồi ném vào thùng rác.
Tôi nghiến răng:
- Đồ mất dạy!
Khi nỗi tức tối đã lắng dịu bớt, tôi nhìn thẳng vào mặt Hồng Hoa, giọng băn khoăn:
- Chắc là thằng đó nó không ưa mày phải không?
Hồng Hoa lặng lẽ gật đầu.
- Mày có gây sự gì với nó không?
- Không! Em có làm gì ảnh đâu!
Tôi phân vân hỏi:
- Vậy sao nó ghét mày dữ vậy?
Hồng Hoa có vẻ ngần ngừ trước câu hỏi của tôi. Nó ấp a ấp úng định trả lời nhưng rồi cuối cùng nó im bặt. Tôi càng sốt ruột:
- Sao vậy?
Hồng Hoa đỏ mặt, giọng ngập ngừng:
- Ảnh bảo em là đồ…không nhà không cửa, sống bám gia đình ảnh.
Tôi tặc lưỡi:
- Chỉ vậy mà nó ghét mày?
Hồng Hoa cắn môi:
- Ảnh bảo gia đình em dọn đến ở làm nhà ảnh chật chội. Rồi bác em lại hay mua quà cho em. Thế là ảnh bảo bác em thương em hơn ảnh.
Tôi phấp phỏng:
- Như vậy chắc là nó đánh mày hoài?
Hồng Hoa chớp mắt, không trả lời. Nhưng nhìn vẻ mặt dàu dàu của nó, tôi cũng có thể hình dung ra những trò hiếp đáp mà nó phải chịu đựng trong thời gian qua. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp Hồng Hoa vô cùng. Tuy nhiên, tôi không thể giúp đỡ gì nó được, ngoài nỗi xót xa dâng ngập lòng tôi. Mãi một lúc lâu, tôi mới ngậm ngùi hỏi:
- Sao mày không nói cho ba mày biết?
- Em có nói.
Tôi hồi hộp:
- Ba mày bảo sao?
- Ba em bảo em phải tập nhường nhịn và chịu đựng.
Tôi thất vọng ra mặt:
- Chịu đựng thế quái nào được! Thế mày có nói với mẹ mày không?
- Có.
Tôi thấp thỏm:
- Mẹ mày có bảo mày chịu đựng không?
Giọng Hồng Hoa nghẹn ngào:
- Mẹ em không nói gì cả. Mẹ em chỉ ngồi khóc.
Nghe Hồng Hoa đáp, tôi vừa buồn vừa giận. Nếu như tôi là ba mẹ của Hồng Hoa, tôi đã đánh thằng khốn nạn kia một trận nhừ xương rồi. Chẳng hiểu sao ba mẹ Hồng Hoa lại hiền lành quá xá như vậy! Đang rầu rĩ, chợt tôi nghĩ ra một kế liền reo lên:
- Sao mày không méc với bác mày? Nếu bác mày biết chuyện, chắc chắn thằng mất dạy kia sẽ nhừ đòn và nó sẽ hết dám hành hạ mày.
Tôi tưởng Hồng Hoa sẽ mừng rỡ trược diệu kế của tôi, nào ngờ nó lắc đầu:
- Em không dám.
Tôi nhún vai:
- Gì mà không dám! Mày cứ méc đại đi!
Hồng Hoa vẫn lắc đầu nguậy nguậy:
- Thôi, em không dám đâu! Ảnh mà bị đòn, ảnh sẽ trả thù em chết!
Tôi hùng hổ:
- Mày đừng sợ! – Vừa nói tôi vừa nắm chặt tay lại – Nó mà trả thù mày, tao sẽ cho nó mền xương!
Thấy tôi lăm le nhảy vào vòng chiến, Hồng Hoa sợ xanh mặt. Nó nói giọng khẩn khoản:
- Thôi, thôi, anh đừng có đánh nhau với ảnh! Ba mẹ em không bằng lòng đâu! Ba em bảo ở nhờ nhà người ta, không nên gây gổ. Ba hay nói với em là một sự nhịn chín sự lành.
Tôi gầm gừ:
- Nhịn sao được mà nhịn!
Mặc dù nói vậy nhưng nhìn vẻ mặt hốt hoảng của Hồng Hoa, lòng tôi cũng dần dần bình tĩnh lại. Ừ hén, mình đánh thằng con ông bác nó, rủi ông bác nó nổi sùng đuổi cả nhà nó ra đường thì gia đình nó biết ở đâu! Nghĩ loay hoay một hồi, lòng tôi bỗng xìu như bún và tôi ngán ngẩm nói:
- Nếu mày sợ thì thôi, tao không thèm đánh nhau với nó đâu!
Nghe tôi tuyên bố “tha tội” cho ông anh của nó, Hồng Hoa mừng lắm. Nó còn hỏi:
- Anh nói thật chứ?
- Trước giờ tao có nói dối mày lần nào đâu! – Tôi đáp với giọng uể oải.
Trong khi tôi chán nản bao nhiêu thì Hồng Hoa lại tỏ ra tươi tỉnh bấy nhiêu. Nó quên mất vết bầm trên má. Nó cũng quên cả nỗi buồn bị hành hạ. Đối với nó, chỉ cần tôi hứa không can thiệp vào chuyện gia đình nó là nó vui rồi. Vì vậy, trong khi những giọt nước mắt chưa kịp khô trên má, Hồng Hoa đã mỉm cười nhìn tôi, vẻ cảm kích.
- Chẳng hiểu sao sống vậy mà mày sống được! Tao mà là mày, tao bỏ nhà đi quách!
Hồng Hoa “hứ” một tiếng:
- Nói như anh!
Tôi nói là nói cho bỏ tức thôi chứ thật ra, nếu rời khỏi nhà tôi cũng chẳng biết đi đâu. Cùng lắm, tôi bỏ về dưới quê ở với ngoại tôi. Nhưng sống với ngoại, đằng nào ba mẹ tôi cũng lần ra và bắt tôi về. Thế thì cũng như không. Hồng Hoa chắc chẳng khác gì tôi. Thậm chí nếu bỏ nhà đi, nó còn gặp khó khăn nhiều hơn tôi gấp bội, bởi nó là con gái. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi vẫn chẳng tìm ra được cách nào giúp nó và điều đó khiến tôi khổ sở ghê gớm. Chẳng lẽ nó cứ phải chịu đựng, chịu đựng hoài như lời khuyên của ba nó? Tôi tự hỏi và bỗng dưng cảm thấy mũi lòng trước câu hỏi của mình. Và bất giác, tôi quay lưng chạy vào nhà. Thấy tôi vùng chạy, Hồng Hoa cuống quít gọi theo:
- Anh Kha! Anh đi đâu vậy?
Tôi vừa chạy vừa ngoái đầu lại, đáp:
- Mày chờ tao chút xíu!
Tôi vào nhà lục lọi tủ thuốc của mẹ tôi và lát sau tôi cầm ra đưa cho Hồng Hoa một lọ dầu nóng:
- Cho mày nè!
Hồng Hoa rụt rè cầm lấy chai dầu và trố mắt hỏi:
- Chai gì vậy?
- Dầu nóng! – Tôi nhìn nó bằng ánh mắt dịu dàng – Khi nào bị đánh đau, mày xoa dầu này lên vết bầm là nó hết đau ngay.
Hồng Hoa cầm khư khư chai dầu trên tay. Và không biết nó nghĩ ngợi điều gì mà mắt nó lại rưng rưng. Còn tôi, tôi cũng nghe cay xè nơi sống mũi. Rồi vừa nói vừa cố khụt khịt để che giấu sự xúc động, tôi dặn nó:
- Còn sách của tao, mày thích cuốn nào thì cứ đem về đọc. Thằng kia có giật thì mặc nó giật, đừng giằng co với nó làm chi.
Hồng Hoa ngước nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:
- Ảnh sẽ vứt sách của anh mất!
- Kệ nó! Mất thì tao mua cuốn khác! – Tôi mỉm cười trấn an – Với lại, những cuốn sách này tao đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng rồi.
Hồng Hoa nhìn tôi với vẻ tin cậy và đột ngột nó cầm lấy tay tôi. Tôi từng nắm tay Hồng Hoa dắt nó đi chơi tha thẩn trong vườn hàng trăm lần nhưng phải đợi đến bây giờ, tôi mới ngạc nhiên nhận ra sự mềm mại của bàn tay nó. Và bàn tay mềm mại đáng yêu đó hiện đang nằm khép nép và run rẩy trong tay tôi như một con chim non lạc tổ đang cần vô cùng sự ấm áp chở che.
Thế là đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi gặp Hồng Hoa. Quãng thời gian ngắn ngủi đó không ngăn cản tôi và Hồng Hoa tin rằng chúng tôi đã quen nhau từ rất lâu và hôm nay chúng tôi đã trở thành một đôi bạn rất đỗi thân thiết, mặc dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết chỗ ở của Hồng Hoa. Hồng Hoa không muốn tôi đến chỗ nó, một phần do nó nghĩ đó chỉ là nơi ăn nhờ ở đậu, phần khác chắc nó sợ tôi cao hứng gây sự với ông anh quí hóa của nó.
Tuy nhiên, tôi không cảm thấy phiền lòng nhiều về điều đó. Bởi vì từ sau cái tuần lễ tránh mặt tôi vì bị tôi bắt gặp ngoài chợ đến nay, trong những buổi chiều tôi nghỉ học, chiều nào Hồng Hoa cũng đến chơi với tôi trong vườn. Những lúc đó, ngôi vườn đối với chúng tôi chính là ngôi nhà ấm cúng của tuổi thơ, nơi chúng tôi mê mải chơi đùa quên cả giờ giấc hoặc ngồi im lặng bên nhau hằng giờ ngắm một chú chim lơ láo tìm mồi trong vòm lá hay ngắm một đàn kiến đang xếp hàng và nối đuôi nhau đi không đứt dưới những bụi cỏ rậm, cũng có khi chúng tôi chỉ ngóng cổ ngồi chờ một chiếc lá rơi.
So với tôi, cuộc sống của Hồng Hoa lắm vất vả và phiền muộn. Tuy nhiên chúng tôi chưa đủ lớn để suy tư về những éo le của cuộc đời và để nhận ra rằng trong cuộc sống những niềm vui thường bay mau còn nỗi buồn thì luôn luôn trở lại. Những âu sầu của Hồng Hoa hôm nào chỉ là những giọt lệ thoáng qua. Sau đó chúng tôi quên đi rất nhanh những vết bầm của số phận để say sưa đắm mình trong khung cảnh êm ả của cây lá chung quanh, trong những thú vui nhẹ nhàng mang đầy âm hưởng của đồng nội và trong một tình bạn chân thành, hồn nhiên, bao giờ cũng lấp lánh một thứ ánh sáng rạng rỡ và dịu dàng của hạnh phúc.
Mê mải vui chơi trong khu vườn cổ tích thơ mộng, tôi và Hồng Hoa không hề chú ý đến chuyện thời gian đã trôi qua như thế nào. Đối với chúng tôi, những buổi chiều trong vườn không hề khác nhau, đó là những giây phút êm đềm và đẹp đẽ được lặp đi lặp lại, đó là món quà tuyệt vời mà cuộc sống đã hào phóng và âu yếm trao vào tay chúng tôi. Và chúng tôi vẫn hồn nhiên tin rằng không ai nỡ tước đoạt của chúng tôi niềm hạnh phúc thân thuộc đó.
Nhưng mặc dù chúng tôi không ngó ngàng tới, thời gian vẫn âm thầm và đều đặn đi những bước đi vững chải của mình. Nó lướt qua khu vườn làm rụng những chiếc lá và nở những bông hoa. Nó ngăn cách tôi với Hồng Hoa bằng những buổi chiều đi học xen kẽ. Nó phủ lên mặt đất những lớp cỏ dày và nó dịch chuyển nhựa sống từ dưới lòng đất lên tới ngọn cây với một sự kiên trì, khoan thai và bền bỉ.
Tôi chỉ ý thức được sự có mặt của thời gian trong khu vườn khi một hôm buồn buồn hái một trái mận cho vào miệng cắn, tôi bàng hoàng và sung sướng nhận ra vị ngọt thấm tê trên đầu lưỡi. Nếu không kể những trái mận đầu mùa lác đác hôm tôi mới dọn về, thì đây là mận chín đầu tiên khu vườn tặng tôi. Vô cùng thích thú, tôi vừa đu đưa trên cây vừa quay mặt xuống đất hét toáng lên với Hồng Hoa:
- Mận chín rồi, mày ơi!
Hồng Hoa ngước mặt lên khỏi trang sách và khi kịp hiểu ra ý nghĩa trong lời reo của tôi, nó vội vàng vứt sách trên bụi cỏ, nhỏm ngay dậy, mặt mày rạng rỡ:
- Hay quá hén! Anh hái xuống cho em đi!
- Tao không xuống bây giờ đâu! – Tôi vừa nhai rau ráu vừa nói – Mày leo lên đây đi!
- Em leo không được!
- Xạo đi mày! Mày leo còn nhanh hơn khỉ mà kêu không được!
Hồng Hoa nhăn nhó:
- Nhưng hôm nay em bị đau chân.
- Sao vậy? – Tôi lập tức ngừng nhai, tái mặt hỏi – Thằng du côn kia lại giở trò với mày nữa hả?
Hồng Hoa giả vờ không nghe câu hỏi của tôi. Nó dậm chân, ngúng nguẩy:
- Anh hái xuống cho em đi!
Tôi đang tức cái chuyện nó bị đau chân, thấy nó cố ý lờ đi, tôi lại càng tức. Tôi liền cau mặt, gắt:
- Không có hái xuống gì hết! Tao ở trên này tao liệng xuống, mày chụp được thì chụp!
Hồng Hoa vẫn tươi tỉnh, thậm chí nó còn tỏ ra khoái cái trò “liệng chụp” này. Nó xòe tay ra:
- Rồi! Anh liệng xuống đi!
Không thèm đáp, tôi lẳng lặng hái từng trái mận liệng xuống. Hồng Hoa đứng dưới chụp, trái được trái không. Có lần tôi ném hơi mạnh tay, trái mận lao thẳng xuống giữa mặt nó. Hồng Hoa quýnh quíu, nó không kịp chụp, cũng không kịp né. Trái mận rơi “bốp” một cái giữa trán nó khiến nó phải đưa tay ôm trán xuýt xoa.
Tôi nhấp nhổm trên cây, hốt hoảng hỏi:
- Có sao không, mày?
Hồng Hoa vừa xoa trán, vừa ngẩng lên:
- Không sao đâu! Chỉ đau sơ sơ thôi! Anh cứ liệng xuống đi!
Thấy nó không khóc, tôi hơi yên tâm nhưng trong lòng áy náy kinh khủng. Tôi chép miệng:
- Thôi, mày khỏi chụp nữa! Để tao hái xuống cho!
Tôi cởi áo ra và loay hoay cột thành một cái túi. Xong, tôi chuyền thoăn thoắt qua các cành nhánh trĩu trái và hái mận bỏ một túi đầy.
Bữa đó, tôi và Hồng Hoa ăn mận thỏa thích đến nỗi buổi tối cố lắm tôi cũng chỉ ăn được nữa chén cơm một cách uể oải.
Tất nhiên không phải chỉ mình tôi quan tâm đến những trái mận. Sau những ngày dài chờ đợi, anh Khánh tôi cũng đã phát hiện ra mận đã chín. Thế là cùng với những túi ni- lông to tướng, anh trèo lên cây hái lấy hái để. Anh truy quét những trái mận hăm hở đến mức ba ngày sau khi anh xuất hiện ngoài vườn, những trái mận đã biến sạch sành sanh và cây mận bây giờ nom tội nghiệp như một con gà đã bị vặt trụi hết lông.
Dù sao tôi cũng lấy làm mừng là anh chỉ lùng sục trên cây mận vào những buổi sáng, vì vậy anh đã không phát hiện ra sự có mặt của “tên trộm” Hồng Hoa trong khu vườn. Nếu không, chẳng biết những rắc rối nào sẽ xảy ra và trong tình huống đó tôi sẽ phải hành động như thế nào. Sự may mắn đó đã an ủi tôi rất nhiều mỗi khi tôi buồn bã ngắm nhìn vẻ tiêu điều của cây mận.
Hồng Hoa không biết chuyện gì đã xảy ra. Không nhìn thấy những trái mận nõn nà quen thuộc, nó ngơ ngác hỏi tôi:
- Những trái mận biến đâu hết rồi?
Tôi thở dài:
- Người ta hái hết rồi!
Hồng Hoa chẳng buồn hỏi người ta là ai. Nó lặng lẽ đưa mắt nhìn lên cây mận và nó cứ nhìn như vậy rất lâu. Mặc dù nó không nói gì nhưng tôi vẫn đọc được trong mắt nó nỗi nuối tiếc sâu xa.
Tôi đặt tay lên vai nó, khẽ nói:
- Mày đừng buồn! Ít hôm nữa cây mận sẽ cho ra lứa trái khác.
Hồng Hoa chớp mắt, giọng mơ màng:
- Ừ, em đã nhìn thấy những nụ hoa mới trổ trên cây. Khi nói như vậy, Hồng Hoa không bao giờ ngờ rằng đó là đợt ra hoa cuối cùng của cây trái trong vườn và những lứa mận tương lai kia sẽ mãi mãi chỉ là mơ ước. Cả tôi cũng vậy. Tôi không hề nghĩ rằng đến một ngày nào đó khu vườn yên tĩnh và thơ mộng của chúng tôi sẽ biến mất khỏi mặt đất. Vì vậy, tôi như chết điếng cả người khi một hôm, trong bữa cơm, ba tôi tuyên bố về việc thực hiện dự định của...