* KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
* Shop bán Vàng, Ngọc Xanh tự động

Truyện Thằng Quỷ Nhỏ Full - Nguyễn Nhật Ánh

chim ẩn mình chờ chết lại cho Quỳnh:
- Chiều nay, Nga sẽ đọc cuốn Nô tì Isaura. Còn cuốn này thì anh cầm về đi!
Quỳnh tái mặt:
- Tôi cầm về làm gì? Sao khi nãy Nga bảo là Nga nhận rồi mà!
Nga nheo nheo mắt, vẻ nghịch ngợm:
- Thì Nga nhận. Nhưng cuốn này Nga đọc xong rồi.
Quỳnh ngơ ngác:
- Đọc xong rồi thì Nga giữ chứ?
- Thì Nga giữ. Nhưng cuốn này chưa đóng gáy da, chưa có mạ chữ vàng.
Nói xong, Nga cười khúc khích.
Còn Quỳnh thì thở phào:
- Vậy mà Nga làm tôi hết hồn.
Nga nhăn mũi:
- Ai bảo anh khoe anh có nghề đóng sách chi!
Quỳnh không nói gì. Anh lặng lẽ nhét cuốn sách vào trong cặp.
- Anh nhớ đóng thật đẹp nghen?
- Ừ, thật đẹp.
Ba ngày sau, Quỳnh hớn hở đem cuốn sách đến cho Nga:
- Cuốn sách của Nga nè.
Nga cầm lấy cuốn sách, reo lên:
- Ôi, đẹp quá!
Nga ngắm nghía cuốn sách với vẻ thích thú không giấu giếm. Cuốn sách trên tay Nga bây giờ đã được đóng gáy da, bìa bọc xi- mi- li màu huyết dụ với những hàng chữ mạ vàng óng ánh. Ngoài dòng chữ mạ tên tác giả và tác phẩm, Quỳnh còn mạ thêm tên Nga vào bìa sách, ở bên dưới. Nga thích lắm. Nhưng nó làm bộ thắc mắc:
- Anh khắc thêm tên Nga vào đây

chi vậy?
Quỳnh tặc lưỡi:
- Khắc chơi vậy thôi.
- Khắc để chơi thôi hả?
Quỳnh gãi đầu, ấp úng:
- Với lại, cũng để… kỷ niệm.
- Để kỷ niệm sao anh không khắc tên anh vào đây mà lại khắc tên Nga?
Hỏi xong, Nga bỗng đỏ bừng mặt. Nga định bắt bẻ để ghẹo Quỳnh chơi, không ngờ buột miệng xong, Nga chợt nhận thấy câu nói của mình thật… kỳ. Nghe nó cứ sao sao ấy!
Không để cho Quỳnh kịp trả lời, Nga vội vàng đánh trống lảng:
- Mỗi ngày anh đóng được nhiều sách không?
Quỳnh ngập ngừng:
- À… à… nhiều. Nhưng cũng không nhiều lắm.
- Người ta đem sách đến cho anh hả?
- Ừ, người ta đem đến.
- Anh đóng một cuốn sách như vậy lấy bao nhiêu tiền?
Thấy Nga bắt đầu hỏi sâu vào nghề đóng sách, Quỳnh đâm ra chột dạ. Thực ra, Quỳnh chẳng làm nghề đóng sách bao giờ. Anh có đi làm thêm thật, nhưng không phải là đóng sách. Hôm trước, Nga hỏi đột ngột, Quỳnh đành bịa ra nghề đóng sách để trả lời lấp liếm cho qua vậy thôi. Không ngờ Nga tưởng thật, đưa cuốn Những con chim ẩn mình chờ chết kêu anh đóng. Mai mốt, hẳn anh lại phải đóng tiếp cuốn Nô tì Isaura cho Nga nữa.
Nhưng Nga nhờ đóng sách thì Quỳnh không ngại. Anh đem tới những tiệm đóng sách “thứ thiệt” thuê người ta đóng. Rồi cầm tới cho Nga. Chẳng làm sao Nga biết được những khúc mắc của anh. Nhưng hôm nay, Nga cắc cớ hỏi tới hỏi lui về nghề đóng sách, Quỳnh đâm ngán. Nga hỏi kỹ về giá cả, Quỳnh càng quýnh. Anh đáp lấp lửng:
- Cũng tùy cuốn.
Nga chìa cuốn sách trên tay ra:
- Như cuốn này thì bao nhiêu?
Quỳnh mau mắn:
- Như cuốn này thì năm ngàn.
Đó là số tiền Quỳnh đã thuê đóng cuốn sách.
- Mỏng hơn thì bao nhiêu? – Nga vẫn vô tình tiếp tục “làm khổ” Quỳnh.
Còn Quỳnh thì có cảm giác như đang ngồi trên ổ kiến lửa. Anh than thầm trong bụng “Có trời thì mới biết mỏng hơn là bao nhiêu, còn mình làm sao biết được!”. Tuy vậy, Quỳnh không thể không trả lời. Anh đành phải nói mò:
- Mỏng hơn hả? Mỏng hơn thì khoảng hai, ba ngàn.
Quỳnh đáp, và nghe mồ hôi rịn ướt từng chân tóc. Nhưng Nga vẫn không chịu chuyển đề tài. Nó có vẻ quan tâm đặc biệt về “vấn đề” giá cả:
- Thế nếu không in chữ mạ vàng thì bao nhiêu?
- Không in chữ mạ vàng hả? – Quỳnh khẽ hắng giọng để trấn áp nỗi bối rối – Không in chữ mạ vàng thì khoảng một ngàn.
Nga gật gù:
- Thế nếu…
Nga không biết là Quỳnh sắp sửa xỉu đến nơi. Nó cứ hỏi tới. Còn Quỳnh thì đang chờ cho Nga hỏi dứt câu để… ngã lăn ra bất tỉnh. May mà Hạnh can thiệp kịp thời.
Từ nãy đến giờ, Hạnh ngồi bên cạnh, im lặng chép lại bài học hôm qua, lúc Hạnh nghỉ. Đúng vào lúc Quỳnh chuẩn bị hôn mê trước đòn tra tấn của Nga thì Hạnh cũng vừa chép xong. Nó quay sang bên và bất chợt trông thấy cuốn sách trên tay Nga.
Hạnh liền chồm qua, mắt sáng lên:
- Cuốn sách gì đẹp vậy Nga?
Thế là Nga quên bẵng mất câu hỏi dang dở của mình. Nó quay sang Hạnh:
- Cuốn Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết đó.
Hạnh mân mê cái bìa xi- mi- li, trầm trồ:
- Đẹp quá hén! Nga đóng cuốn này ở đâu vậy?
Nga liếc Quỳnh, mỉm cười:
- Quỳnh đóng giùm Nga đó.
Hạnh tròn mắt nhìn Quỳnh:
- Ủa, Quỳnh cũng biết đóng sách nữa hả?
Quỳnh chưa kịp đáp, Nga đã vọt miệng:
- Sao lại không biết! Nhà Quỳnh là tiệm đóng sách mà!
Hạnh chép miệng, xuýt xoa:
- Vậy mà trước nay mình đâu có biết. Mình tưởng Quỳnh chỉ có nghề đóng… bàn thôi chứ!
Nghe Hạnh nhắc đến chuyện cũ, Quỳnh bỗng giật mình. Hạnh chỉ nói chuyện đóng bàn thôi, nhưng Quỳnh chợt liên tưởng đến vụ “cái đuôi” hôm nào. Bởi vụ “cái đuôi” xảy ra đúng vào hôm Quỳnh đem búa đinh đến đóng lại số bàn ghế hư hỏng trong lớp.
Hạnh không để ý đến vẻ ngượng ngập của Quỳnh. Nó bô bô:
- Vậy hôm nào Hạnh đưa sách nhờ Quỳnh đóng giùm nghen!
- Ờ…
Quỳnh ậm ừ.
Nga liếc Hạnh:
- Đóng trả tiền đàng hoàng chứ không có đóng giùm đâu nghen!
Hạnh cười:
- Ừ thì trả tiền.
Nga liến thoắng:
- Quỳnh đóng rẻ rề à. Đóng thường thường, không mạ chữ vàng, có ngàn đồng một cuốn hà.
Hạnh tươi tỉnh:
- Ừ, Hạnh chỉ đóng thường thường thôi.
Rồi Hạnh ngó Quỳnh:
- Mai mốt Quỳnh đóng giùm Hạnh nghen? Hạnh đóng chừng chục cuốn thôi.
Quỳnh thở dài:
- Ừ, mai mốt Hạnh cứ đem đến.
Hạnh nheo mắt:
- Đem đến đây hay đem đến nhà? Nếu đem đến nhà, Quỳnh phải cho biết địa chỉ chứ.
- Thôi, thôi, đem đến lớp đi! – Quỳnh hốt hoảng lắc đầu – Đem đến nhà làm chi cho… xa.
Quỳnh sợ Hạnh đến nhà sẽ phát hiện ra sự “gian dối” của mình. Và anh thở phào khi thấy Hạnh vui vẻ gật đầu:
- Ừ thôi, đem đến lớp cũng được!
Trong khi Nga và Hạnh hào hứng về chuyện mấy cuốn sách thì Quỳnh ngồi lặng lẽ nơi góc bàn, đầu óc loay hoay đoán xem giá tiền đóng một cuốn sách “thường thường” thật ra là bao nhiêu và trong những ngày sắp tới anh phải để dành bao nhiêu tiền mới có thể đóng cả chục cuốn sách cho Hạnh.
***
Sự “xích lại” giữa Nga và Quỳnh trong thời gian gần đây không lọt qua khỏi cặp mắt tinh quái của Luận.
Vụ “cái đuôi” hôm nào khiến Luận sướng mê luôn. Nhưng niềm sung sướng đó không kéo dài được bao lâu. Luận đã bỏ ra nhiều ngày liền để sáng tác những câu vè độc địa, chỉ chờ có cơ hội là rêu rao lên giữa đám đông để chọc Nga và Quỳnh.
Nhưng Nga và Quỳnh h- thấy mặt Luận là vội tránh xa. Không những tránh xa Luận, hai đứa còn tránh xa nhau. Cùng một bàn, nhưng Nga và Quỳnh ngồi xa lắc xa lơ, đứa nào đứa nấy lại im thin thít, tỏ ra biết thân biết phận, Luận muốn ghẹo cũng chẳng có cớ. Riết rồi Luận cũng chẳng buồn để ý đến đối phương nữa.
Nhưng những ngày gần đây thì tình hình khác đi nhiều. Nga và Quỳnh đã thân mật trở lại. Riêng Quỳnh, anh trở nên tươi tỉnh hẳn. Anh lại trổ những tài vặt để được lấy những tràng vỗ tay của bạn bè. Những lúc không có mặt Nga, anh để mặc cho bạn bè “điều khiển” hai vành tai của mình, không còn trốn chui vào xó lớp nữa. Bạn bè hào hứng trước trò vui, quên hẵn “vụ án cái đuôi” hôm nào.
Riêng Luận thì không quên. Nó vẫn nhớ như in “mối thù”. Thực ra, Luận chẳng “thù” gì Quỳnh. Luận chỉ “thù” Nga, cái con bé dễ ghét, nói một câu nó bắt bẻ một câu, nói hai câu nó bắt bẻ hai câu. Luận “quê” Nga từ hôm gặp gỡ đầu tiên, đến nay vẫn còn tức anh ách. Luận nổi tiếng là vua láu lỉnh, nghịch phá trong lớp, thế mà vừa “đụng độ” với Nga, nó đã bị Nga làm cho bể mặt, bảo nó không “thù” Nga sao được!
Quỳnh vô can, nhưng ai bảo chơi với Nga, vạ lây ráng chịu! Mấy hôm nay lại còn thập thò thập thụt đem sách cho Nga mượn, “tội trạng” như vậy có “chết” cũng chẳng oan.
Thế là Luận tìm cách cho Nga và Quỳnh “chết”.
Những nạn nhận chẳng hề hay biết gì. Giờ ra chơi, Nga và Quỳnh vẫn ngồi lại trong lớp trò chuyện như mọi lần. Chỉ đến khi nghe tiếng cười “hô hố” đột ngột vang lên ngoài cửa sổ, Nga và Quỳnh mới giật mình quay ra.
Luận và những đứa cùng cánh đã đứng lố nhố ngoài cửa sổ tự bao giờ.
Nó lại giở món cũ! Nga nhủ thầm. Và làm bộ phớt lờ, Nga quay mặt vô trong, không thèm để ý. Còn Quỳnh thì khụt khịt mũi và hai vành tai tự nhiên nóng bừng và bắt đầu động đậy.
Nhưng Luận không để cho Nga phớt lờ. Nó hắng giọng và bắt đầu “mở máy”:
- Cái đuôi tưởng đã đứt rồi
Nào ngờ nó lại lần hồi mọc ra!
Như đã sắp xếp sẵn, bốn, năm cái miệng đứng cạnh Luận lập tức “bè” theo:
- Lần hồi mọc ra! Lần hồi mọc ra!
Số nữ sinh ngồi rải rác trong lớp không nén được, bật cười khúc khích.
Thấy có khán giản hưởng ứng, Luận khoái chí, lên giọng ngâm nga tiếp:
- Anh chàng có cái tai voi
Nàng kia khờ khạo tưởng là quạt nan!
Dàn đồng ca lại hát đuổi:
- Tưởng là quạt nan! Tưởng là quạt nan!
Quỳnh nghiến chặt răng. Anh cúi gầm mặt xuống bàn. Khổ thay, càng xúc động, hai cái “quạt nan” của anh càng “quạt” lia lịa. Luận ngó thấy, liền reo ầm lên:
- Nó đang “quạt” cho Nga kìa!
Nga mím môi. Nó cố trấn tĩnh để nghĩ cách đối phó.
Thấy hai đối thủ không kịp phản ứng, Luận cười tít mắt, miệng vẫn không ngừng ông ổng:
- Quỷ kia mà thích bà chằn.
Ngó lơ một cái hàm răng không còn.
Lần này, khi dàn đồng ca vừa lên tiếng phụ họa “hàm răng không còn”, Luận bỗng nhác thấy Khải đang đi tới. Nó tái mặt nhớ lại chuyện “đụng độ” bữa trước. Lần đó, Luận đã hứa với Khải là sẽ không chọc Nga với Quỳnh nữa. Luận vẫn chưa quên cảm giác nghẹt thở khi Khải túm lấy cổ áo mình.
Nhưng Luận không bịt miệng đồng bọn kịp. Sự xuất hiện của Khải quá bất ngờ. Phe Luận chưa kịp hò dứt câu “hàm răng không còn”, Khải đã tới bên cửa sổ.
Sự nhốn nháo của bọn Luận khiến Khải ngạc nhiên. Anh nhướng mắt dòm vào trong lớp. Thấy Nga và Quỳnh đang ngồi cúi đầu chịu trận, Khải sực hiểu. Anh liền quay phắt lại phía Luận, mặt cau lại. Nhưng lời phàn nàn chưa kịp thốt ra, Khải bỗng nhíu mày nghĩ ngợi một thoáng rồi lặng lẽ bỏ đi, không nói một tiếng nào.
Thái độ phớt lờ của Khải khiến Luận ngơ ngác. Nhưng Luận chẳng thèm nghĩ ngợi lâu. Thấy Khải tỏ ý không muốn can thiệp vào trò đùa nghịch của mình, Luận khoái chí quay vào dòm Nga và Quỳnh lúc này đang ngồi ủ rũ như gà mắc mưa, chọc ghẹo tiếp. Lần này, Luận “xổ nho”:
- Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Anh xa lối trước, lại vòng lối sau.
Tới đây thì Nga không nhịn nổi nữa. Không đợi cho bọn cùng cánh với Luận kịp cất giọng hùa theo, Nga đứng bật dậy khỏi ghế, quắc mắt giận dữ:
- Mấy người có thôi đi không! Cả một đám con trai xúm vào chọc ghẹo một người con gái mà không biết xấu hổ hả?
Phản ứng bất thần của Nga làm bọn Luận chưng hửng. Dàn đồng ca chưa kịp cất lên đã vội vàng im bặt. Những khuôn mặt bối rối nhìn nhau. Không đứa nào biết phải đối phó như thế nào trước tình huống bất ngờ này.
Luận chứng tỏ mình là đứa đầu đàn. Nó trấn tĩnh trước tiên, và nhanh : Dng tìm ra lối thoát. Luận rỉ tai đồng bọn, và ngay lập tức, mũi dùi tấn công liền chuyển hướng. Chúng không đánh trực tiếp vào Nga nữa. Mà tập trung vào Quỳnh:
- Vẫy tai phải vẫy cho đều
Hỡi anh lầm lịt mà yêu suốt ngày.
Những lời châm chọc của bọn Luận như những mũi dùi đâm vào tai Quỳnh. Anh chẳng biết làm gì hơn là gồng mình chịu trận. Anh không được dạn dĩ như Nga. Anh chẳng bao giờ có ý định phản công lại đối phương. Từ xưa đến giờ vẫn vậy, mỗi khi bạn bè chọc ghẹo, Quỳnh chỉ nhe răng cười trừ hoặc làm thinh nhịn nhục.
Lúc nãy Nga còn “chia lửa” với anh. Nhưng từ khi Nga phản ứng quyết liệt, tụi thằng Luận tập trung hỏa lực vào anh. Nhưng Quỳnh chẳng sợ. Anh đã quen rồi. Lần đầu, Luận chọc, anh còn run. Tụi nó chọc riết, anh quen dần, chẳng run nữa. Lúc này, Quỳnh chỉ mắc cỡ. Không phải mắc cỡ với tụi thằng Luận, mà mắc cỡ với Nga. Chúng cứ lôi những khuyết tật của anh ra châm biếm thẳng thừng, anh không mắc cỡ sao được. Dù sao, anh cũng là người. Mà người thì như người ta nói, xấu che tốt khoe. Vậy mà tụi thằng Luận cứ đem cái “xấu” của anh ra “khoe” hoài, làm sao anh không ấm ức.
Nga cũng ấm ức giùm cho Quỳnh. Nhưng nó chưa biết làm thế nào để “cứu” anh. Vừa rồi, Nga đã mắng cho tụi thằng Luận về cái tội “ghẹo con gái”. Thì bây giờ tụi nó đã sửa chữa rồi. Chúng không ghẹo Nga nữa, mà ghẹo Quỳnh. Nếu bây giờ Nga lên tiếng bênh vực Quỳnh, hẳn tụi thằng Luận sẽ có cớ để bô bô bao nhiêu lời độc địa nữa.
Từ khi loại Nga ra khỏi vùng chiến, Luận tha hồ múa gậy vườn hoang. Nó tiếp tục ra rả:
- Mũi to như thể trái gì
Hễ thấy con gái tức thì đỏ lên.
Những đứa cùng cánh hùa theo liền:
- Tức thì đỏ lên! Tức thì đỏ lên!
Nga cắn chặt môi. Nó liếc nhìn Quỳnh với vẻ áy náy. Mũi Quỳnh đang đỏ lên thật. Nó vừa đỏ vừa lấm tấm mồ hôi.
Trước tình cảnh khổ sở của Quỳnh, Nga quyết định can thiệp. Nga không thể làm thinh được nữa. Tụi thằng Luận đã tỏ ra quá quắt. Nga phải bảo vệ Quỳnh mặc cho tụi kia muốn nói gì sau đó thì nói.
Nghĩ vậy, Nga quay phắt lại, mặt hầm hầm. Nhưng nó chưa kịp mở miệng, Hạnh đã bước vào.
- Chuyện gì mà ầm ĩ vậy? – Hạnh nhướng mắt hỏi.
Sự xuất hiện kịp thời của Hạnh khiến Nga mừng rỡ. Nhưng sự tức tối nãy giờ làm Nga nghẹn cổ. Nga chẳng thốt được tiếng nào. Nó chỉ biết mím môi chỉ ra cửa sổ.
Nhưng tụi thằng Luận đã biến mất, không còn một mống. Thấy Hạnh xuất hiện, tụi nó nháy nhau chuồn nhanh như chớp. Hạnh không sử dụng bạo lực như Khải nhưng nó chuyên môn báo với cô chủ nhiệm về những hành vi phá phách trong lớp, tụi thằng Luận “rét” lắm.
Hạnh nhìn theo tay chỉ của Nga nhưng chẳng thấy gì. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Nga hổn hển:
- Tụi thằng Luận.
Khi vừa đặt chân vào lớp, Hạnh đã nhìn thấy dáng ngồi ủ rũ của Quỳnh. Bây giờ nghe Nga nhắc đến tên Luận, Hạnh hiểu ngay. Nó hừ giọng:
- Lại những trò khỉ như bữa trước chứ gì?
Rồi Hạnh gật gù, hăm he:
- Được rồi, Nga đừng lo! Hôm nào Hạnh sẽ cho các ông tướng đó một bài học mới được!
Nga chẳng biết bài học mà Hạnh hứa cho tụi thằng Luận sẽ là một bài học như thế nào, nhưng nghe Hạnh nói vậy, Nga cảm thấy lòng mình dịu lại. Nó ngồi xuống và khẽ quay sang Quỳnh.
Quỳnh đã ngẩng mặt lên. Anh ngồi thừ người, mắt nhìn chăm chăm lên bảng.
Nga chẳng hiểu Quỳnh đang nghĩ gì.
Chắc anh buồn lắm. Nga hắng giọng, gọi khẽ:
- Anh Quỳnh.
Quỳnh quay lại, mặt vẫn còn bần thần.
- Anh buồn không ? – Nga rụt rè hỏi.
- Không! Tôi quen rồi!
- Anh không buồn thật hả?
- Ừ.
Nga chớp mắt:
- Anh bảo anh không buồn, sao mặt anh có vẻ thẫn thờ quá vậy?
Quỳnh thở dài:
- Tại tôi lo đấy thôi!
Nga trố mắt:
- Lo?
- Ừ.
- Anh lo gì vậy?
Quỳnh đáp, sau một thoáng đắn đo:
- Tôi lo Nga sẽ không nói chuyện với tôi nữa.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
- Tôi không nghĩ. Nhưng trước nay vẫn thế. Mỗi khi tụi thằng Luận giở trò, bao giờ sau đó Nga cũng không thèm trò chuyện với tôi.
Giọng Quỳnh buồn buồn.
Nga liếm môi:
- Ngay cả anh cũng vậy thôi. Anh cũng tránh nhìn mặt Nga.
Câu nói của Nga khiến Quỳnh lúng túng. Ừ, đâu phải chỉ riêng Nga, anh cũng nào có hơn gì!
Quỳnh ngập ngừng một hồi rồi hạ giọng nói:
- Nhưng bây giờ tôi sẽ không như vậy nữa.
Nga thừa biết Quỳnh muốn nói gì. Nhưng nó vẫn làm bộ hỏi:
- Không như vậy nữa là sao?
Quỳnh bối rối:
- Là… là tôi sẽ nói chuyện với Nga như thường. Tôi không sợ.
Nga mỉm cười:
- Thì bây giờ Nga cũng như vậy thôi. Nga cũng không sợ.
Quỳnh như không tin vào tai mình. Anh nhìn Nga, ngẩn ngơ:
- Nga nói thật đấy chứ?
Nga gật đầu, dịu dàng:
- Ừ, nói thật.
Khải không hiểu mình xử sự như vậy là đúng hay sai.
Vừa bước đến bên cửa sổ, với những gì mắt thấy tai nghe, Khải biết ngay chuyện gì đang xảy ra.
Trong kia, Nga và Quỳnh đang bị tấn công. Phía ngoài, cánh thằng Luận đang ra sức chọc ghẹo. Lại những trò quỉ quái ! Khải bực tức nhủ bụng và anh quay sang nhìn Luận. Vẻ lấc cấc của Luận khiến Khải cau mày. Anh định tóm cổ nó như lần trước. Nhưng Khải chưa kịp đưa tay lên, chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu như tia chớp. Ừ, có khi cứ để tụi thằng Luận phá đám như vậy lại hay ! Những ngày gần đây, Nga và Quỳnh lại tỏ ra thân mật một cách quá đáng. Cứ nhìn thấy cảnh cả hai ngồi trò chuyện bên nhau không buồn ra chơi, Khải muốn xốn con mắt.
Mặc dù đã xác định “chinh phục” những nhân vật phụ trước, “chinh phục” Nga sau, nhưng mỗi lần thấy Nga và Quỳnh cười nói vui vẻ, Khải cảm thấy khó chịu lạ lùng. Muốn “giải tán” cặp này không có cách nào tốt hơn là để mặc cho tụi thằng Luận ra tay.
Nghĩ vậy, Khải ngần ngừ một thoáng rồi lặng lẽ bỏ đi trước cặp mắt sửng sốt của Luận. Tất nhiên, nếu lúc đó Nga nhìn thấy Khải, hẳn Khải phải buộc lòng can thiệp. Nhưng Nga đang cúi đầu xuống. Vì vậy, Khải quyết định rời xa “chiến trường”. Anh bước vội vã, sợ Nga kịp ngẩng lên.
Khải bỏ đi. Nhưng lòng Khải không thanh thản lắm. Anh cảm thấy mình hành động như một kẻ tiểu nhân. Nhưng rồi Khải cố trấn an. Mình đâu có xúi tụi thằng Luận làm bậy. Tự tụi nó. Điều đó chẳng liên can gì đến mình. Nga thân thiết với thằng quỷ nhỏ thì Nga phải chịu búa rìu của dư luận. Chuyện đời là vậy. Gieo gió thì gặt bão, trách ai bây giờ!
Khải tự thanh minh với mình. Lòng Khải dần dần nhẹ nhõm. Và anh tự kết luận: chiến trường trong lớp là của thằng quỷ nhỏ, chiến trường của mình là ở nhà… Nga, chuyện ai nấy lo, mình không can thiệp vào chiến trường của người ta là đúng, không việc gì phải băn khoăn!
Khải hết băn khoăn thật. Bây giờ anh chỉ tập trung đầu óc vào việc thực hiện kế hoạch chông gai của mình.
Chiến trường ở nhà Nga là chiến trường thầm lặng. Ở đó không có đám “âm binh” như tụi thằng Luận. Khải chẳng sợ ai trêu chọc. Cũng chẳng sợ ai phá đám. Ở đó, chỉ có “phe mình”. Nga, chị Ngàn, thằng Ngoạn. Ông bố Nga, Khải ít gặp, nhưng Khải vẫn xếp vô diện “phe mình” nốt. Chỉ toàn là “phe mình” mà sao Khải thấy “khó ăn” ghê !
Trừ Nga, trong ba “nhân vật” còn lại, đến nay Khải chỉ mới chiếm được cảm tình của chị Ngàn.
Chị Ngàn thật dễ thương. Chị rất “hợp gu” với Khải, chẳng như Nga. Những băng nhạc Khải cho mượn, chị đều khen hay. Những cuốn sách cũng vậy, chị bảo đọc hồi hộp ghê. Nhưng khổ nỗi, những gì chị Ngàn thích, Nga đều chê. Nga chỉ thích những gì Khải không...

<< 1 ... 4 5 6 7 8 ... 12 >>

Facebook Google Plus

• Bài Viết Cùng Chủ Đề
Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197 Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197
Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197 Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197
Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap) Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap)
Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx
Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full

Quy định sử dụng | Thông tin liên hệ
Thế Giới Giải Trí Di Động
© 2017 Tai Game Java DMCA.com Protection Status