tập:
- Anh đang học bài.
Nhưng tôi không đánh lừa được Quỳnh. Cô bé chỉ cuốn tập:
- Anh giấu tờ giấy gì trong đó vậy?
Tôi nhăn nhó:
- Có gì đâu!
Quỳnh càng nghi ngờ:
- Không có gì sao anh lại giấu? Thư ai gởi cho anh phải không?
Tôi giật thót, vội chìa tờ giấy ra.
Đọc xong, Quỳnh hỏi:
- Thơ của anh hả?
Tôi gật đầu.
Quỳnh lại hỏi:
- Anh làm tặng Quỳnh phải không?
Tôi lại gật đầu.
Tưởng Quỳnh khen tôi như khen thằng Bảo, ai dè Quỳnh nói:
- Anh đừng làm thơ nữa! Thơ anh buồn cười quá!
Mặc dù tôi biết thơ mình chẳng ra gì nhưng nghe chính miệng Quỳnh nói ra điều đó, tôi chết
lặng người.
Thấy tôi rầu rĩ, Quỳnh rủ:
- Tối nay, anh đi coi hát với em không?
Tôi mừng rơn, quên béng mất nỗi buồn sáng tác:
- Đi.
Rồi sực nhớ tới thằng Bảo, tôi buột miệng hỏi:
- Hôm trước, anh Bảo dẫn em đi coi phim gì vậy?
Quỳnh trố mắt:
- Em đi coi hát với anh bảo hồi nào? Ai bảo anh vậy?
Như vậy là thằng Bảo nói xạo. Chẳng thèm đánh kẻ ngã ngựa, tôi trả lời lấp lửng:
- Anh tưởng vậy thôi!
Quỳnh nhăn mặt, trách:
- Tưởng gì kỳ vậy?
Rồi tự nhiên Quỳnh nói thêm:
- Ngoài anh ra, từ trước đến nay em chưa đi coi hát với bạn trai bao giờ!
Nói xong, không hiểu sao Quỳnh đỏ bừng mặt và chạy vụt về nhà. Còn tôi, ngồi trên gác mà tôi cứ tưởng như đang ngồi trên mây. Người tôi cứ lơ lơ lửng lửng như vậy suốt cả tuần lễ.
Kể từ bữa đó, tôi không thèm “coi chừng” thằng Bảo nữa. Tôi mặc kệ nó muốn làm gì thì làm.
Đúng như tôi nghĩ, sau một thời gian tấn công quyết liệt thấy không ăn thua, nó tự động rút lui có trật tự. Nó than với tôi:
- Con nhỏ bề ngoài trông dễ ăn quá nhưng trái tim nó bằng sắt, mày ạ!
Tôi chọc:
- Chứ mấy bài thơ tác chiến của mày đâu rồi?
Bảo thở dài:
- Nó khoái thơ tao nhưng lại không khoái tao, thế mới khổ!
Nghe nó nói, tôi cười hì hì. Nó trách:
- Tao đau khổ mà mày lại cười!
Tôi vờ vịt:
- Tại bộ tịch mày ngó tức cười quá!
Bảo chẳng nghi ngờ gì tôi, nó triết lý thêm mấy câu rồi tặc lưỡi bỏ đi. Cho đến lúc này, Bảo vẫn không hề biết tôi yêu Quỳnh. Nó cứ tưởng tôi “kết” Kim Dung. Mãi đến khi tôi làm mất chiếc xe đạp thì nó mới biết chuyện.
Chap 19:
Tôi mất xe trong một tình huống rất đáng…mất.
Đi học về, chạy ngang qua một hiệu sách, tôi ghé vào. Định bụng vào xem lướt một cái rồi ra liền nên tôi không khóa xe. Nhưng cũng còn sót một tí cẩn thận trong người, tôi dựng xe ngay trước cửa, chính giữa thềm, để tiện “trông nom”.
Tôi bước vào hiệu sách, cứ ba bước tôi ngoái đầu lại một lần. Khi lấy cuốn sách trên giá xuống cũng vậy, cứ đọc hai, ba dòng tôi lại quay đầu ra cửa dòm chừng chiếc xe. Tôi dòm chừng đến lần thứ mười thì chiếc xe biến mất.
Trưa đó, tôi đi xe lam về nhà.
Thấy tôi thả bộ từ ngoài đầu hẻm vô, Lan Anh hỏi:
- Xe anh đâu rồi?
Tôi cười:
- Mất rồi!
Nó tròn mắt:
- Giỡn hoài! Mất xe mà cười!
Tôi khịt mũi:
- Không cười thì biết làm gì bây giờ!
Kể từ hôm đó, tôi đi học bằng…chân.
Từ nhà tôi đến trường không xa lắm, đi bộ cũng chẳng mệt mỏi gì. Thả bộ tà tà ngoài phố, tôi lại được thưởng thức thú vui dạo mát, nhất là khi đi trên con đường đầy bóng mát chạy ngang trước cổng trường.
Nhưng khổ một nỗi, tôi đến lớp ngày nào cũng trễ.
Tới ngày thứ ba, Kim Dung hỏi:
- Lam` gì đi trễ hoài vậy?
Tôi cười:
- Tại tôi đi bộ.
Kim Dung ngạc nhiên:
- Xe ông đâu?
Tôi thở ra:
- Mất rồi!
- Làm sao mất?
Tôi kể lại đầu đuôi sự việc.
Nghe xong, Kim Dung gật gù:
- Mất là đáng!
Tưởng nghe tôi mất xe, nó sẽ an ủi tôi, ai dè nó phán một câu khiến tôi chưng hửng.
Ngồi học một lát, Kim Dung day sang tôi:
- Lát nữa, tôi cho ông quá giang về nhà.
Tôi gật đầu.
Kể từ hôm đó, ngày nào Kim Dung cũng ghé đón tôi đi học. Có bữa nó nổi hứng nghỉ học bất tử, không tới đón, tôi cũng đâm lười ở nhà luôn.
Hôm sau, tôi trách nó:
- Nghỉ học mà không báo trước, làm tôi bỏ mất một buổi!
Nó nhe răng cười:
- Vậy là ông tiến bộ được chút chút!
Tôi nổi sùng:
- Tiến bộ cái con khỉ!
Nó lại vỗ tay:
- Lần đầu tiên tôi thấy ông văng “con khỉ”. Vậy là ông tiến bộ được hai chút!
Nghe nó khen, tôi giật mình ngậm miệng lại. Mở miệng, lỡ tức mình văng bậy, nó lại khen tôi “tiến bộ được ba chút” thì nguy to.
Nhưng từ hôm đó trở đi, Kim Dung không nghỉ học thêm một ngày nào nữa. Nó đón tôi đều đặn.
Mọi chuyện tưởng là êm đẹp. Không dè một hôm Trâm trách khéo tôi:
- Bộ anh muốn con Quỳnh bệnh nữa hả?
Nghe thoáng qua, tôi biết Trâm muốn nhắc đến chuyện Kim Dung đón tôi đi học, tôi chép miệng:
- Có gì đâu!
Trâm có vẻ giận:
- Có gì hay không có gì, ai mà biết được!
Nói xong, nó bỏ đi mất, không cho tôi kịp giải thích lấy một câu.
Tôi đứng ngơ ngơ ngác ngác một hồi rồi quyết định chạy sang gặp Quỳnh.
Đang ngồi học bài trên bàn, thấy tôi qua, Quỳnh liền quay mặt đi chỗ khác. Tôi nhẹ ngàng ngồi xuống bên cạnh và kêu khẽ:
- Quỳnh!
Quỳnh không quay mặt lại.
Tôi lại hỏi:
- Em giận anh hả?
Cô bé vần ngồi im.
Thấy tình hình có vẻ gay go, tôi ngồi đực mặt ra, nghĩ kế. Nghĩ tới nghĩ lui nát óc chẳng được kế gì, tôi đành bấm bụng hỏi thẳng:
- Bộ em không thích chị Kim Dung đón anh đi học hả?
Quỳnh gật đầu. Nhưng cô bé vẫn không ngoảnh mặt lại.
Tôi nhăn nhó:
- Chuyện đó có gì đâu! Anh đã nói với em rồi…
- Anh nói sao?
- Anh chỉ thân với chị Kim Dung theo…kiểu bạn bè!
Quỳnh vùng vằng:
- Bạn bè gì mà ngày nào cũng chở đi học!
Tôi chống chế:
- Thì tại anh mất xe!
- Anh mất xe sao anh Bảo không chở anh đi? – Quỳnh bắt bẻ – Anh Bảo cũng bạn anh vậy!
- Anh Bảo nhà xa, không tiện đường. Với lại, ảnh đi xe đạp!
Quỳnh quay lại:
- Chứ còn em đi xe đạp thì sao?
Tôi ngơ ngác:
- Sao là sao?
Quỳnh lườm tôi:
- Em kêu anh đi chung với em, anh có đi không?
Tôi như không tin vào tai mình. Có lý nào Quỳnh lại đưa ra một đề nghị ác liệt như vậy, mà lại nói với một giọng tỉnh khô!
- Em nói thật hay nói chơi đó? – Tôi hỏi lại.
Quỳnh cười, mắt nheo nheo:
- Nói thật!
- Thật thì đi! – Tôi sốt sắng.
Quỳnh nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Vậy là anh không đi với chị Kim Dung nữa hén?
Tôi gật đầu:
- Ừ, không đi nữa!
Tối đó, một lần nữa tôi có cảm giác mình đang ngủ trên mây, lơ lơ lửng lửng. Nhưng lần này, dù đang đắm chìm trong nỗi hân hoan choáng ngợp, tôi vẫn giật mình khi nhận ra Quỳnh chẳng hồn nhiên như tôi tưởng.
Chap 20:
Không thể vừa đi học với Kim Dung lại vừa đi học với Quỳnh. Giữa hai trường hợp, tôi chọn trường hợp sau. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì tôi yêu Quỳnh. Còn với Kim Dung, chúng tôi chỉ là bạn. Ở cạnh Kim Dung, tôi cảm thấy niềm vuị Nhưng ở bên cạnh Quỳnh, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Niềm vui và hạnh phúc giống như hai bờ của một dòng sông, lẽ ra tôi có thể ung dung bơi thuyền ở giữa. Nhưng đằng này, Quỳnh bắt tôi phải cập một bờ, cập về phía Quỳnh.
Khi nỗi sung sướng trong lòng lắng xuống, tôi bỗng cảm thấy áy náy về quyết định của mình. Tôi có cảm giác đang phản bội lại Kim Dung, phản bội lại tình cảm chân thành của nó. Làm thế nào để giải thích với Kim Dung về mọi chuyện? Tôi loay hoay với ý nghĩ đó suốt đêm và chỉ chợp mắt khi trời gần sáng.
Hôm sau, Kim Dung vẫn đến đón tôi như thường lệ. Lòng đầy xáo trộn, dọc đường đến trường tôi không nói một câu.
Kim Dung tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bữa nay ông làm sao mà á khẩu vậy?
Tôi thở dài:
- Ngày mai trở đi, Kim Dung đừng đón tôi nữa!
Nó bĩu môi:
- Có vậy mà cũng làm mặt nghiêm! Ông mua xe mới rồi chứ gì?
Tôi lắc đầu.
Kim Dung nhướng mắt:
- Chứ tại sao?
Sau một thoáng do dự, tôi cắn môi:
- Ngày mai tôi đi với Quỳnh!
- Quỳnh nào?
Tôi đáp một cách khó khăn:
- Cô bé ở cạnh nhà.
Kim Dung bắt đầu hiểu ra:
- Người yêu ông, phải không?
Tôi gật đầu và thấy mặt Kim Dung tái hẳn đi. Trong một thoáng, tôi cảm thấy một cái gì đó đang tan vỡ trong tôi.
Nhưng Kim Dung quả là một cô gái biết tự chủ. Sau một chớp mắt sững sờ, nó bình tĩnh lại ngay. Nó gật gù:
- Vậy cũng được! Cái đó là quyền của ông!
Tôi nói với giọng của một người phạm tội:
- Kim Dung có giận tôi không?
Nó nhún vai, đáp gọn lỏn:
- Giận!
Từ lúc đó, Kim Dung không quay sang trò chuyện với tôi nữa. Còn tôi thì không đủ can đảm để gợi chuyện.
Tới giờ ra chơi, Kim Dung bỏ về, nghỉ luôn hai tiết sau.
Trưa đó, tôi đi bộ về nhà, ngực nặng như đeo đá.
Kim Dung nghỉ học suốt một tuần. Trong thời gian đó, tôi học không vô lấy một chữ, trong lòng luôn day dứt không hiểu hành động của mình liệu có đúng không.
Đến khi tôi đinh ninh Kim Dung bỏ học luôn, đang định ghé nhà nó thì nó lò dò tới lớp.
Thấy Kim Dung xuất hiện, tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Một niềm vui kỳ lạ tràn ngập khắp người tôi. Tôi nhìn nó như nhìn một người thân đi xa về, lúng túng không biết nói gì.
Ấp úng một hồi, tôi hỏi một câu cực kỳ vô duyên:
- Kim Dung khỏe chứ?
Nó liếc tôi:
- Làm gì mà không khỏe? Bộ ông tưởng tôi sắp chết đến nơi hả?
Tôi đỏ mặt:
- Đâu có!
- Không có sao ông định chiều nay ghé nhà tôi?
Tôi ngẩn người ra:
- Sao Kim Dung biết?
Nó cười:
- Sao lại không biết! Tính ông tôi còn lạ gì!
Tôi phục lăn:
- Kim Dung tài thật!
Nó tặc lưỡi:
- Chưa tài lắm đâu! Nếu tài, tôi đã biết ông có người yêu rồi!
Nghe Kim Dung nhắc chuyện đó, tôi chép miệng ngó lơ chỗ khác. Thấy vậy, nó hỏi lảng:
- Mấy bữa nay ông có chép bài đầy đủ không?
- Kim Dung mượn tập hả?
- Ừ.
- Lát nữa lấy.
Lúc ra về, Kim Dung rủ tôi đi uống cà phê. Hai đứa ghé vào quán nước quen thuộc trước cổng trường.
Thấy tôi đi bộ, Kim Dung hỏi:
- Lát nữa cô Quỳnh ghé đón ông hả?
- Không?
- Sao vậy?
Tôi ấp úng:
- Mấy bữa nay tôi đi học một mình.
- Sao lại đi một mình? – Kim Dung lại hỏi.
Tôi ngồi im, không trả lời.
Kim Dung nheo mắt ngó tôi:
- Tôi nghỉ học làm ông áy náy nên ông chưa đi chung với Quỳnh chứ gì?
Nó nói trúng phóc, tôi đành gật đầu:
- Ừ.
Kim Dung chạm khẽ vào vai tôi:
- Nếu vậy, ngày mai ông có thể đi chung với cô ta được rồi. Tôi không nghỉ học nữa đâu!
Giọng nó bỗng nhiên dịu dàng kỳ lạ, khác hẳn thường ngày. Tôi lặng lẽ nhìn ra đường. Buổi trưa, nắng chói chang trên những tàng cây điệp, in xuống mặt đất những bóng đen im sững. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ lướt qua, mơn man những nhánh cây làm rơi xuống những chiếc lá phản chiếu ánh sáng nom như những giọt nắng vàng lượn lờ trong khoảng không ngái ngủ. Tôi dõi theo những chiếc lá, lòng bồi hồi không biết Kim Dung có còn giận tôi nữa hay không.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Kim Dung bỗng nói:
- Tôi không giận ông nữa đâu! Hành động của ông không có gì sai, chỉ có điều nó hơi đột ngột, ít ra là với tôi.
Rôì Kim Dung nói tiếp – lần đầu tiên tôi nghe nó nói bằng một giọng tâm sự:
- Ông biết không, nhà tôi chỉ có hai chị em gái. Chị tôi đang du học ở Pháp. Từ lâu, tôi thèm có một người anh trai hoặc một người em trai kinh khủng. Tôi muốn được chăm sóc một người đàn ông. Đấy là một tình cảm tự nhiên, ông đừng hiểu lầm! Mà đám bạn trai của tôi toàn những tên láu cá…
Tôi quay lại và bắt gặp ánh mắt của Kim Dung. Tia nhìn của tôi có lẽ làm Kim Dung tự ái. Nó lúc lắc đầu như để xua tan đi những tình cảm mềm yếu và trở lại cái giọng khinh bạc cố hữu:
- Nhưng ông đừng nghĩ là tôi yêu ông. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng không phải bây giờ. Lúc này tôi chỉ coi ông như một người bạn thân hoặc như một đứa em cù lần mà tôi quý mến. Dù vậy khi đứa em đó chia sẻ tình cảm với một người con gái khác, tôi vẫn cảm thấy mất mát…
Dù trở lại kiểu ăn nói táo bạo, cuối cùng Kim Dung vẫn không che giấu được nỗi buồn của mình. Tôi nghe Kim Dung nói, không hỏi lại, không ngắt lời và tôi hoàn toàn tin những lời tâm sự của nó. Trong tâm trạng bâng khuâng khó tả, tôi nắm lấy tay Kim Dung siết chặt và thì thầm.
- Tôi hiểu. Kim Dung đừng buồn nữa!
Nó giằng tay khỏi tay tôi, nghinh mặt nói:
- Tôi có thèm buồn! Mà ông đừng làm bộ an ủi tôi như một ông anh tốt bụng. Ông chỉ là một đứa em khù khờ thôi! Một đứa em, ông hiểu chưa?
Tôi gật đầu, mặt nhăn nhó:
- Hiểu!
Chúng tôi rời khỏi quán và Kim Dung chở tôi về nhà. Lần này tôi không giành chở nữa mà lặng lẽ ngồi phía sau. Như một đứa em cù lần. Phải không, cô bạn thân mến của tôi?
Chap 21:
Thế là quan hệ giữa tôi với Quỳnh chuyển sang một thời kỳ mới. Bây giờ, ngày ngày chúng tôi đều đi học chung với nhau.
Trường Quỳnh học cách trường tôi gần một cây số. Mỗi sáng, bằng chiếc xe đạp của Quỳnh, tôi chở cô bé đến trường rồi mới quay lại lớp học. Buổi trưa tan học, tôi lại đến trường Quỳnh đón cô bé về.
Tính tôi hay thức học bài đến khuya, hôm sau thường dậy trễ. Hồi trước, đi với Kim Dung, dậy trễ cũng không sao. Xe honđda chạy vù một cái là đến nơi. Vả lại, tôi với Kim Dung học chung trường, xe chạy một mạch. Đi với Quỳnh, hai trường khác nhau, xe đạp lại chạy tà tà, dậy trễ đằng nào cũng lò mò vô lớp sau thiên hạ.
Biết thì biết vậy nhưng quen tật “ngủ nướng” lâu nay, tôi không tài nào dậy sớm được.
Sáng nào cũng vậy, trong khi Quỳnh quần aó đàng hoàng, sách vở xong xuôi thì tôi còn trùm mền ngáy khò khò trên gác, báo hại cô bé phải trèo lên gọi.
Thoạt đầu Quỳnh còn kêu khẽ:
- Anh Chương! Dậy đi học!
Thấy không ăn thua, Quỳnh thu nắm tay đấm bình bic.h vào chân tôi:
- Dậy đi! Trễ giờ rồi!
Tôi rụt chân lại, ngủ tiếp. Trong cơn mơ tôi thấy thằng Bảo đang cầm cái chân bàn gãy đánh vào chân tôi, miệng hô:
- Cho mày chừa cái tật chê thơ của ông!
Quỳnh đâu có biết tôi đang bị thằng Bảo ăn hiếp, cô bé cầm góc mền giật mạnh một cái. Tôi nghe lạnh khắp người liền mở choàng mắt dậy.
Thấy Quỳnh đang đứng thò đầu lên gác, mặt mày bí xị, tôi vội vàng tót xuống đất, hấp tấp chạy đi rửa mặt.
- Lần sau em cho anh ở nhà luôn! – Quỳnh nói.
Tôi dắt xe ra đầu hẻm, miệng phân bua:
- Tại tối hôm qua anh thức khuya.
- Em cũng thức khuya học bài nhưng đâu có trễ như anh!
Tôi đành cười giả lả và cắm cúi đạp xe.
Khoảng một tuần sau, tôi tiến bộ được chút chút. Khi Quỳnh dắt xe ra, tôi đã xong dxuôi đâu đó. Đến nỗi Quỳnh phải khen:
- Dạo này anh dậy đúng giờ ghê!
Tôi giở giọng nịnh nọt:
- Nhờ có em đó!
Quỳnh cười:
- Chứ gì nữa! Em phải rèn anh từ từ mới được!
Câu nói của Quỳnh đầy ý nghĩa. Tôi sung sướng đến đỏ mặt, tim nhảy loạn cào cào.
Trong thời gian này, cuộc sống đối với tôi thật đẹp đẽ, đáng yêu. Gần như tôi và Quỳnh gặp nhau suốt ngày. Buổi sáng đi học chung. Buổi chiều tôi thường xuống chợ ngồi chơi với Quỳnh và Trâm. Buổi tối tôi qua nhà dạy mấy chị em Quỳnh học.
Những buổi trưa đón Quỳnh về, chúng tôi thường ghé uống nước ở các quán dọc đường. Quỳnh thích uống nước dừa hoặc nước chanh muối, là hai thứ trước nay tôi rất ghét. Nhưng từ lúc đó, tôi nhanh chóng thay đổi khẩu vị và lập tức liệt kê hai loại nước này vào danh mục những thức ăn uống ngon nhất trên đời. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi ăn phở. Tôi vốn khoái phở tái. Nhưng Quỳnh lại thích phở chín. Vì lẽ đó, bỗng nhiên tôi phát hiện ra không có món ăn nào dở hơn…phở tái. Và khi phát hiện ra điều đó, tôi liền chuyển sang thích phở chín.
Thấy vậy, Quỳnh cười khúc khích:
- Anh buồn cười ghê!
Tôi cũng cười và lại nói một câu ngớ ngẩn:
- Ừ, buồn cười thật!
Dạo này, tôi thường đâm ra ngớ ngẩn như vậy. Dường như trong tình yêu, con người ta đôi khi giống trẻ con, có vẻ ngốc nghếch làm sao! Tôi vốn khờ khạo, lại đang đắm chìm trong tình yêu nên càng tỏ ra ngốc nghếch tợn.
Tôi đi học chung với Quỳnh một tuần, tụi trong lớp biết hết. Thằng Bảo kéo tôi đi uống cà phê, khen:
- Mày khá lắm! Công trình tao làm dở phần đầu thì mày hoàn tất phần cuối!
Nó nâng ly lên:
- Nhiệt liệt chúc mừng!
Không biết nó mừng tôi thật hay nó nói xỏ, tôi chối phắt:
- Tao với Quỳnh có gì đâu! Chỉ là bạn thôi!
Nó cười:
- Bạn cái mốc xì! Mày làm như tao là trẻ con không bằng!
Tôi khăng khăng:
- Bạn thật mà!
Nó nheo mắt:
- Mày làm gì mà chối lia vậy? Bộ mày sợ tao giành lại hả?
Không biết trả lời sao, tôi đành nhe răng cười hì hì.
Bảo nhún vai:
- Vậy là trước nay tao hiểu lầm mày!
Tôi giật mình:
- Hiểu lầm gì?
- Tao tưởng mày “kết” Kim Dung.
- Không có đâu! Hai đứa tao coi nhau như bạn!
Bảo gật gù:
- Lần này mày nói bạn thì tao tin!
Tôi yên tâm khi thấy nó không hề tỏ ra ấm ức gì về chuyện tôi với Quỳnh. Nó chỉ bình luận:
- Mày ở kế bên Quỳnh, tất nhiên lợi thế hơn tao!
Kim Dung thì không hề nhắc đến Quỳnh một tiếng nào. Tuy nhiên nó vẫn trò chuyện với tôi như thường lệ. Thỉnh thoảng, hai đứa tôi vẫn đi chơi với nhau thân mật và vui vẻ. Nét buồn thoáng qua hôm nào ở Kim Dung giấu nó ở đâu đó trong lòng, tôi không tài nào biết được. Dù sao, tôi cũng thầm cảm ơn nó.
Trong khi tụi bạn tôi chẳng để ý gì mấy đến chuyện tình cảm của tôi thì đám bạn của Quỳnh nhao nhao ngó phát ghét. Mỗi lần tôi đến đón Quỳnh, nguyên một đám đứng túm tụm lại với nhau, chỉ chỉ chỏ chỏ khiến tôi ngượng chín người.
Một hôm, tôi hỏi Quỳnh:
- Tụi bạn em chỉ chỏ gì anh vậy?
Quỳnh cười:
- Tụi nó nói anh là bồ em.
Tôi hồi hộp:
- Em trả lời sao?
Tôi hy vọng đây là dịp để Quỳnh chính thức thừa nhận mối quan hệ tình cảm giữa hai đứa mà từ trước đến nay cả tôi lẫn Quỳnh chưa ai dám lên tiếng trước.
Ai dè Quỳnh làm tôi cụt hứng:
- Em bảo anh là anh nuôi của em!
Tôi thở một hơi dài thườn thượt, chân đạp xe hết muốn nổi. Cái vai “anh nuôi” chết tiệt đó trước đây tôi đã một mực từ chối và quyết tâm quên bẵng nó đi, không dè bây giờ Quỳnh lại đem ra gán ghép cho tôi. Anh nuôi với chẳng anh nuôi! Tôi lầm bầm trong bụng và nóng tiết gắt lên:
- Thà anh chết còn hơn là làm anh nuôi của em!
Quỳnh ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy?
Nghe Quỳnh hỏi, tôi ngớ người ra, không biết làm sao giải thích cho cô bé hiểu những điều ngoắt ngoéo bên trong. Nghĩ ngợi một hồi, tôi đáp lấp lửng:
- Bởi vì làm anh nuôi thì đâu có làm…cái khác được!
Quỳnh cười khúc khích:
- Anh nói gì mà khó hiểu quá trời!
Tôi nói “dễ hiểu quá trời” vậy mà Quỳnh kêu khó hiểu. Thiệt ngốc! Hay là Quỳnh giả bộ cũng nên!
Chap 22:
Nhưng dù Quỳnh có giả bộ hay không thì chuyện của tôi và Quỳnh vẫn diễn tiến ngày càng thuận lợi, dù cái điều khó nói nhất vẫn chưa ai nói với ai. Nhưng tôi nghĩ, so với mối quan hệ gần gũi và sâu đậm trên thực tế thì cái điều kia không có gì quan trọng. Nó sẽ được nói ra vào thời điểm thích hợp và cần thiết...