không “chính thức” tự hôm thi vấn đáp mà đợi đến bây giờ.
Chap 12:
Tôi không đợi đến chiều mới gặp dì tôi.
Trên đường từ trường về, tôi ghé qua chỗ làm của dì.
Nghe tôi báo tin thi đậu, chị Kim khen:
- Giỏi quá hén!
Còn dì tôi thì cuống quít lên:
- Vậy dì phải đi đánh điện cho mẹ cháu ngay bây giờ!
Tôi cười:
- Làm gì mà dì quýnh lên vậy! Hồi nào đánh điện chẳng được!
Dì tôi trợn
mắt la:
- Chuyện vậy mà để từ từ!
Nói xong, dì tôi nhờ chị Kim coi giùm tủ thuốc rồi vội vã đạp xe ra bưu điện.
Tôi chạy về nhà, gặp Lan Anh, chưa kịp khoe, nó đã hỏi:
- Anh thi đậu rồi phải không?
Tôi trố mắt:
- Sao em biết?
Nó cười:
- Dòm nét mặt tươi rói của anh là em biết liền!
Tôi cốc nó một cái:
- Quỷ!
Lan Anh chìa tay ra:
- Anh thưởng công em đi chứ!
- Công gì?
- Công em phục vụ anh trong thời gian ôn thi.
Tôi vỗ vai nó:
- Tối anh sẽ dẫn em ra Ngã Sáu ăn bánh cuốn, chịu không?
- Không!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao không chịu?
Lan Anh nheo mắt:
- Biết anh thi đậu, tối nay thế nào mẹ cũng khao cả nhà, làm sao ăn bánh cuốn được nữa!
Tôi gãi đầu:
- Vậy thì tối mai.
Lan Anh lắc đầu:
- Tối mai lâu quá!
Tôi chép miệng:
- Chứ em muốn gì? Hay là anh mua cho em mười lăm cây kẹo dừa như bữa trước?
Lan Anh dẩu môi:
- Thôi, em không ăn kẹo dừa nữa đâu! Em ăn yaourt!
Tôi thở phào:
- Tưởng gì chứ yaourt anh sẽ mua cho em mười hủ!
Nó sáng mắt lên:
- Chắc không?
Nghe nó hỏi lại, tôi hơi ngập ngừng:
- Kh…kh…ông chắc lắm! Anh sẽ mua cho em năm hũ!
Lan Anh cười khúc khích:
- Nói vậy chứ em chỉ ăn một hũ thôi. Nhưng em ăn ngay bây giờ!
Tôi liền chạy ra đường mua một hũ yaourt.
Lan Anh một tay cầm hũ yaourt, tay kia thủ sẵn cái muỗng. Nó hỏi tôi:
- Anh không ăn hả?
- Không! Anh còn phải qua nhà bác Tám!
Nó vọt miệng:
- Chị Quỳnh đi mất rồi!
Tôi đỏ mặt:
- Anh đâu có tìm chị Quỳnh!
- Chị Trâm cũng đi luôn!
Tôi ngơ ngác:
- Đi đâu mà đi hết ráo vậy?
- Đi bán hột vịt ở dưới chợ chứ đâu!
- Vậy thì anh đi xuống chợ.
Chợ gần, tôi thả bộ một lát đã tới nơi.
Không biết Trâm và Quỳnh ngồi bán ở đâu, tôi vừa len lỏi giữa các hàng quán vừa dáo dác tìm.
Đi gần suốt chiều dài chợ, tôi mới nhìn thấy Trâm và Quỳnh ngồi trước mấy thúng hột vịt bày trên một sạp gỗ nhỏ.
Chen vào giữa những bà đi chợ, tôi cúi xuống hỏi:
- Hột vịt muối bao nhiêu một chục, chị?
Hai chị em giật mình ngẩng đầu lên.
Thấy tôi, đôi mắt Quỳnh dường như sáng lên:
- Anh Chương đi đâu vậy?
Trâm cười:
- Ảnh đi báo tin thi đậu cho tao với mày chứ đi đâu!
Quỳnh ngó Trâm:
- Sao chị biết?
Trâm lại cười:
- Sao không biết! Nếu thi rớt ảnh đã nằm khoèo trên gác chứ lò dò xuống đây chi?
Quỳnh quay sang tôi:
- Đúng vậy không anh Chương?
Tôi gật đầu mà mặt đỏ bừng.
Trâm chẳng để ý đến điều đó. Thấy tôi đứng lớ ngớ, nó xích vô, nói:
- Anh ngồi xuống đây nè! Đứng xớ rớ cản đường thiên hạ, người ta rầy chết!
Tôi vừa ngồi xuống đã nghe Quỳnh nhắc:
- Anh cẩn thận kẻo hột vịt muối dính dơ quần áo hết.
Trâm tỉnh bơ:
- Dơ thì giặt chứ lo gì! Phải tập ảnh làm quen lao động để mai mốt ảnh còn xuống đây bán phụ với hai đứa mình chứ!
Nó nói y như tôi là chúa làm biếng không bằng! Nhưng độ rày nghe những câu nói “bổ củi” của Trâm, tôi không còn thấy ngán ngẩm như trước nữa. Từ khi phát hiện ra Trâm có “bề trong” rất tốt, khác hẳn với “bề ngoài” ngang ngạnh của nó, tôi cảm thấy mến nó nhiều hơn. Vả lại những điều Trâm nói, dù là nói đùa, lại rất hợp với mong muốn của tôi. Được ngồi suốt ngày bên cạnh Quỳnh, dù là ngồi bán hột vịt giữa chợ, đối với tôi là một hạnh phúc vô biên. Vì vậy, Trâm vừa nói xong, tôi hí hửng gật đầu:
- Ừ, mai mốt anh xuống đây bán phụ cho!
Quỳnh nheo mắt:
- Thật không?
Tôi quả quyết:
- Thật chứ!
Trên thực tế, suốt ba năm ròng rã sau đó, những khi rảnh rỗi tôi thường xuống chợ ngồi chơi với Trâm và Quỳnh. Đối với tôi, đó là những ngày đẹp đẽ đáng nhớ mà mãi hàng chục năm sau mỗi khi hồi tưởng lại tôi đều cảm thây như mới hôm qua.
Ngồi trò chuyện một hồi, đột nhiên Trâm nói:
- Bây giờ tôi mua bún riêu đãi anh hén?
Tôi chưa kịp trả lời thì Quỳnh nhăn mặt, can:
- Ai lại ăn giữa chợ!
Trâm nhìn tôi:
- Có anh, con Quỳnh nó làm bộ làm tịch chứ mọi khi nó ăn một lèo tới ba tô, tôi đuổi theo trối chết không kịp. Hứng lên, nó còn “chơi” liền tù tì mười cái bánh giò…
Quỳnh cấu Trâm:
- Chị kỳ quá!
Trâm vẫn không tha:
- Ăn nhiều mau lớn, mai mốt còn lấy chồng, có gì đâu mà mày giấu!
Rôì không đợi tôi có bằng lòng hay không, Trâm chạy đi kêu ba tô bún riêu.
Chẳng biết làm sao, tôi đành phải bưng tô bún ngồi húp sì sụp giữa chợ. Quỳnh cũng ăn tỉnh, vừa ăn cô bé vừa cười với tôi bằng mắt. Tự nhiên, tôi chẳng thấy xấu hổ chút nào. Ngồi ăn như thế này, với Quỳnh, kể cũng vui!
Ngồi chơi đến trưa, tôi phụ Trâm và Quỳnh đẩy chiếc xe con bốn bánh chở hột vịt về.
Ba người đẩy một chiếc xe, Quỳnh đi giữa, Trâm bên trái, tôi bên phải. Cả buổi ngoài chợ bị Trâm ngồi cản mũi kỳ đà, bây giờ được đi bên cạnh Quỳnh, tôi khoái lắm.
Nhưng tôi vừa hạ giọng nói nhỏ bên tai Quỳnh:
- Ngày mai anh lại ra chợ chơi nữa hén?
Quỳnh chưa kịp trả lời, Trâm đã liếc xéo:
- Ở đây không chơi nói chuyện thì thầm à nghen!
Biết Trâm phá “cho vui” nhưng thú thật kể từ lúc đó đến khi về tận nhà, tôi chẳng còn dám “hạ giọng” thêm một lần nào nữa.
Chap 13:
Ngôi trường tôi học nằm trên một con đường thật đẹp. Hàng cây điệp chạy dài hai bên, cứ tới mùa khai trường, bông điệp rắc đầy trên lối đi như một cơn mưa màu vàng, bám cả vào áo, vào tóc của bọn sinh viên chúng tôi.
Trường trông có vẻ cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng. Mái ngói xám phủ đầy rêu lưu cữu nằm nấp dưới những tàng cổ thụ xanh um với những cành nhánh rậm rạp như muốn lợp kín cả bầu trời. Đằng trước dãy phòng học là một sân cỏ mềm, tươi mát nơi chúng tôi thường chia phe chơi cầu lông hoặc ngả lưng gối đầu trên cỏ ngắm trời xanh qua kẽ lá vào những trưa biếc.
Ngay từ những ngày đầu đi học, tôi đã yêu mến ngôi trường của tôi và tôi rất tự hào về vẻ đẹp lặng lẽ của nó.
Ba vị giám khảo trong kỳ thi vấn đáp hôm trước hóa ra là giáo sư của trường và năm nay đều dạy chúng tôi. Ông mập ngồi trong ba người, tôi yêu thầy dạy chữ Hán nhất, bởi thầy rất hiền lành, nho nhã và nhân hậu.
Trong lớp, Kim Dung ngồi kế bên tôi.
Hôm đầu tiên vào lớp, tôi không quen một ai nên ngồi thui thủi một mình dưới góc lớp. Số sinh viên Sài Gòn hầu hết đều học chung với nhau từ thời trung học nên bây giờ tụm lại nói chuyện tíu tít. Chẳng ai thèm để ý đến tôi.
Trong khi tôi đang ngồi ngơ ngơ ngác ngác giữa một đám đông xa lạ thì Kim Dung bước vào. Tấp vào đám bạn cũ nói chuyện dăm ba câu, chợt thấy tôi trong “xó” lớp, Kim Dung đi thẳng xuống:
- Sao ngồi buồn thiu vậy?
Tôi ấp úng:
- Có buồn gì đâu! Tại tôi không biết nói chuyện với ai!
Kim Dung ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi:
- Dễ thôi! Từ nay tôi sẽ ngồi chỗ này cho ông có người nói chuyện!
Nó tuyên bố như vậy và ngồi lì ở đó suốt bốn năm ròng rã, từ khi nhập học cho đến luc’ tốt nghiệp ra trường.
Nhà Kim Dung rất giàu. Ba nó là một thương gia cỡ lớn trong khi mẹ nó là một nghệ sĩ piano, dạy ở trường quốc gia âm nhạc. Sự kết hợp lạ lùng giữa hai con người này ảnh hưởng đến cuộc sống Kim Dung rõ rệt. Nó vừa có vẻ tài tử trí thức lại vừa có vẻ tay chơi bạt mạng.
Kim Dung đi học bằng xe honđda. Nó có thể đi học bằng ô- tô riêng, có tài xế đưa rước, như một số đứa nhà giàu khác nhưng nó không muốn. Nó bảo đi honđda tự do hơn, có thể đi chơi lông bông tùy thích.
Đi học chừng vài ngày, Kim Dung thực hiện cái phương châm “đi chơi lông bông” kia liền. Nó rủ tôi:
- Chiều nay ông đi chơi với tôi không?
- Đi đâu?
- Đi xi- nê.
Nhớ đến phim “Thằng khờ ra tỉnh” bữa trước, tôi đâm ngán:
- Thôi, tôi không đi coi phim đâu!
Kim Dung nhún vai:
- Xi- nê mà không đi! Vậy chứ ông muốn đi đâu?
Tôi ngập ngừng một lát rồi đáp:
- Đi sở thú.
Nó nhăn mặt:
- Ai lại đi sở thú! Đúng là nhà quê chúa!
Tôi đỏ mặt:
- Hồi nhỏ đến giờ tôi chưa thấy sư tử, cá sấu, đà điểu lần nào. Chỉ toàn xem trong sách!
Nó thở dài:
- Thôi được! Lát học xong tôi chở ông đi!
Tôi trố mắt:
- Còn chiếc xe đạp của tôi!
- Thì cứ để ở trường, chiều về lấy.
- Rủi mất sao?
- Chiếc xe cà tàng của ông ai lấy mà mất!
Chiếc xe tôi mới sơn phết láng coóng mà nó dám bảo xe cà tàng. Tôi giận thầm trong bụng nhưng không nói ra.
Thấy tôi có vẻ chưa yên tâm, Kim Dung lại nói:
- Ông cứ yên chí đi! Mất một chiếc tôi đền cho hai chiếc!
- Nhưng…
- Còn nhưng với nhị gì nữa?
- Trưa tôi còn phải về nhà ăn cơm rồi mới đi được.
Kim Dung phất tay:
- Khỏi ăn cơm! Mua bánh mì đem theo. Vô sở thú vừa coi sư tử vừa gặm bánh mì. Gọn chán!
Nó giải quyết mọi chuyện một cách dứt khoát, gọn gàng.
Khi Kim Dung dắt xe ra, tôi giành chở.
Nó không chịu:
- Thôi, để tôi chở! Ông đâu có rành đường sá trong này!
Tôi nhăn nhó:
- Ai lại ngồi sau lưng con gái! Kỳ lắm!
- Có gì đâu mà kỳ!
- Thôi, để tôi chở cho! – Tôi khăng khăng.
Kim Dung nhường tay lái cho tôi với vẻ nghi ngờ:
- Ông chạy được không đó?
Tôi mỉm cười:
- Ăn nhằm gì! Nhà tôi ngoài quê cũng có honđda!
Tôi chở Kim Dung chạy chầm chậm. Đường phố nhộn nhịp, xe cộ đan qua đan lại như mắc cửi, tôi vừa chạy vừa dáo dác dòm chừng, không dám phóng nhanh.
Kim Dung ngồi phía sau chốc chốc lại thét lên:
- Đèn đỏ!
- Quẹo trái!
- Tới luôn!
Tôi chỉ việc ngậm miệng làm theo.
Chúng tôi đi chơi đến xế chiều mới quay về trường.
Thấy tôi lò dò vô lấy xe, ông già gác cổng chửi om sòm. Biết mình lỗi, tôi vui vẻ đưa đầu chịu trận. Đôi co làm chi, miễn còn chiếc xe đạp là quý lắm rồi!
Trước khi chia tay, Kim Dung còn kéo tôi đi uống cà phê.
Lần này rút kinh nghiệm, thấy Kim Dung vừa đưa điếu thuốc lên môi, tôi vội rút chiếc Zippo ra châm lửa liền.
Kim Dung nheo mắt, khen:
- Thuộc bài lắm!
Về nhà, vừa thò đầu qua khỏi cửa, tôi đã thấy Quỳnh đang ngồi chơi với Lan Anh.
Quỳnh nhìn tôi cười:
- Bữa nay anh Chương đi chơi bỏ cơm trưa hén!
Lan Anh phụng phịu:
- Hồi trưa em đợi anh dài cổ luôn!
Tôi gãi đầu:
- Hồi trưa anh đi sở thú.
Lan Anh làm mặt giận:
- Anh không rủ em với chị Quỳnh đi mà đi một mình hén!
- Anh đâu có đi một mình.
- Chứ anh đi với ai?
Tôi bối rối:
- Anh đi với…anh bạn trong lớp.
Nói với Lan Anh nhưng mắt tôi lại nhìn Quỳnh.
Nhưng Quỳnh chẳng để ý đến điều đó. Cô bé day qua Lan Anh, nói:
- Vậy tối nay chị với Lan Anh đi coi hát, đừng rủ anh Chương đi hén!
Chap 14:
Nói đi coi hát với Lan Anh là Quỳnh nói chọc tôi chơi chứ tối đó cô bé ở nhà.
Tôi qua chơi, thấy Quỳnh và Trâm đang ngồi học bài.
Quỳnh đang học Pháp Văn, gặp chỗ bí, day qua nhờ Trâm giảng. Lúc tôi bước vào, hai chị em đang ngồi châu đầu trên cuốn tập, cãi qua cãi lại, không ai chịu ai.
Thấy tôi, Trâm ngoắc:
- Anh Chương lại làm trọng tài giùm đi! Con Quỳnh nó cãi dai quá!
Tôi dòm vô cuốn tập của Quỳnh. Đó là bài tập analyse.
Hai chị em đang cãi nhau về vai trò của chữ où trong câu thơ của Victor Hugo: “À l’heure où l’homme dort…”. Quỳnh bảo nó là adverbe. Đúng là cô bé chẳng hiểu gì hết. Trâm khá hơn, biết nó là pronom relatif nhưng thay vì complément de temps, Trâm lại bảo nó là complément de lieu!
Tôi liếc Quỳnh. Cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi.
Tôi mỉm cười, tuyên bố: Trâm được 6 điểm, Quỳnh 3 điểm! Lẽ ra Quỳnh đã bị điểm 0 nhưng vì cô bé thuộc…đối tượng ưu tiên nên tôi vớt thêm 3 điểm.
Sau đó tôi bắt đầu giảng giải.
Nghe tôi giảng, Trâm hích tay Quỳnh:
- Tao nói đúng được phân nửa, 6 điểm là phải! Còn mày nói trật lất, lại thêm tội cãi bướng, lẽ ra phải ăn hai con dê- rô mới đúng!
Rồi thình lình nó day qua tôi:
- Phải vậy không anh Chương?
Cái kiểu hỏi “bắt bí” này của Trâm bao giờ cũng khiến tôi lúng túng. Nhưng lần này Quỳnh đã cứu tôi.
Phớt lờ sự châm chọc của bà chị quỉ quái, cô bé đẩy cuốn tập đến trước mặt tôi, hỏi:
- Còn câu này nghĩa là gì, anh Chương?
Tôi nhìn vào tập: il naquit et grandit dans un village…
- Nghĩa là, tôi nói, ông sinh ra và lớn lên trong một làng…
- Naquit là sinh ra?
- Ừ, đó là passé simple của động từ naitre.
Tối đó tôi ngồi suốt buổi để chỉ cho Trâm và Quỳnh học. Càng chỉ, tôi càng nhận ra hai chị em mất căn bản trầm trọng về môn Pháp văn. Hỏi ra mới biết từ hồi những lớp dưới, lúc bác Tám trai bị tù, mấy chị em phải cùng mẹ chạy vạy, xoay xở, buôn gánh bán bưng nên học hành chẳng ra ngô ra khoai gì. Bây giờ muốn đi học thêm thì lại không đủ tiền.
Trâm và Quỳnh ù ù cạc cạc, tôi dạy một lúc, thấy mệt phờ.
Cuối cùng, tôi gấp cuốn tập lại, thở ra:
- Thôi nghỉ đi! Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ kèm Trâm và Quỳnh lại từ đầu!
Mặt Quỳnh rạng rỡ hẳn lên:
- Anh Chương nói thật chứ?
- Thật.
- Em học dốt, anh không cốc đầu chứ?
- Cốc! – Tôi cười.
Quỳnh vùng vằng:
- Vậy em không học nữa đâu!
Trâm hỏi:
- Có đóng tiền không?
- Không! – Tôi đáp.
Nó trố mắt:
- Sao lại không? Dạy tôi và con Quỳnh học, đúng ra anh phải đóng tiền chứ!
Con nhỏ này nó nói ngang như cua. Nhưng không phải không có lý. Rõ ràng ý nó muốn trêu tôi.
Nghe tôi nhận kèm cho Trâm và Quỳnh học, ba mẹ Quỳnh rất mừng. Dì dượng tôi cũng chẳng có ý kiến gì.
Học chung với Trâm và Quỳnh, còn có cả chị Kim. Chị bảo học cho vui. Vả lại làm nghề bán thuốc Tây, chị cũng muốn ôn lại tiếng Pháp để đọc toa thuốc.
Trước nay muốn đi học thêm không được, nay gặp ông thầy nhiệt tình qua dạy tận nhà, mấy chị em học rất chăm chỉ.
Tôi làm thầy, vừa giảng bài vừa…liếc học trò.
Mỗi lần bắt gặp đôi mắt lúc nào cũng long lanh và đầy vẻ ngạc nhiên của Quỳnh ngước lên, lòng tôi lại mềm đi trong một cảm giác dễ chịu và lời giảng bài cũng trở nên dịu dàng và ấm áp hơn. Vào những lúc đó, tôi hiểu rằng sau này, mãi mãi sau này, tôi khó lòng say mê một đôi mắt nào khác.
Thoạt đầu, tôi kèm mấy chị em một tuần ba buổi tối. Về sau, tối nào tôi cũng qua. Thật khó mà biết được nhu cầu dạy của tôi và nhu cầu học của ba chị em Quỳnh, cái nào mạnh hơn.
Những buổi học vui vẻ và thân mật đó thường kết thúc bằng hương vị ngọt ngào của chè, trái cây hoặc bánh kẹo – thường là kẹo đậu phộng bởi vì gia đình bác Tám biết tôi rất thích thứ kẹo này.
Tôi thường ngồi nhai kẹo và tán gẫu với “học trò” cho đến khi cả nhà đi ngủ hết, chỉ còn có Trâm và Quỳnh ngồi lại. Lúc đó tôi mới đứng dậy cắp sách ra về.
Từ lâu, gia đình Quỳnh đối với tôi đã trở thành thân thuộc. Những buổi dạy kèm càng khiến cho mối quan hệ giữa gia đình Quỳnh như là gia đình của mình. Và tôi cảm thấy điều đó rất tự nhiên. Ngược lại, ba má Quỳnh cũng coi tôi như con. Chị Kim coi tôi như em. Thằng Tạo coi tôi như anh. Trâm có lẽ cũng coi tôi như anh. Chỉ có Quỳnh, nhân vật quan trọng nhất, coi tôi như…thứ gì thì tôi lại không biết! Chừng nào em mới nói cho anh biết em coi anh là gì của em, Quỳnh ơi?
Nhưng Quỳnh chưa kịp nói thì mẹ Quỳnh đã nói trước.
Một hôm, dì tôi kêu tôi, nói:
- Bác Tám gái bảo cháu dễ thương, hiền lành, tốt bụng, lại sống xa gia đình, ý bác muốn nhận cháu làm con nuôi, cháu có bằng lòng không?
Lời đề nghị bất ngờ của bác Tám làm tôi rất cảm động. Tôi hỏi lại dì tôi:
- Dì nghĩ sao?
- Theo dì thì điều đó cũng tốt. Gia đình bác Tám là gia đình nề nếp, mấy đứa nhỏ cũng ngoan. Nhưng quyết định là do cháu.
Thấy tôi ngần ngừ, dì tôi lại hỏi:
- Cháu không chịu phải không?
Tôi ấp úng:
- Không phải không chịu nhưng nếu cháu làm con nuôi bác Tám thì mối quan hệ giữa cháu và chị Kim, Trâm, Quỳnh, Tạo sẽ như thế nào?
- Thì là anh chị em. Anh chị em nuôi!
- Nếu là anh em nuôi thì sau này lấy nhau được không?
Dì tôi trợn mắt:
- Đâu có được! Mà sao cháu lại hỏi vậy?
Tôi đỏ mặt, không trả lời.
Dì tôi nhìn tôi dò xét:
- Cháu thích đứa nào bên đó phải không?
Tôi vẫn im lặng.
Dì tôi lại hỏi, giọng dịu dàng:
- Trâm phải không, cháu?
Tôi lắc đầu. Chẳng hiểu dì tôi căn cứ vào đâu mà nghĩ tôi thích Trâm. Chắc là dì thấy nó bằng tuổi với tôị Trâm chuyên át giọng tôi, sống với nó, chắc nó quay tôi như quay dế.
Dì tôi gật gù:
- Vậy là cháu thích Quỳnh!
Lần này tôi cũng im re không đáp. Nhưng thấy tôi không lắc đầu, dì tôi biết tôi đã “nhận tội”.
Dì tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi:
- Cháu lớn rồi, chuyện đó cũng tự nhiên thôi! Miễn sao đừng để ảnh hưởng đến việc học tập!
Dì tôi đem chuyện đó nói với mẹ Quỳnh. Bác Tám gái chẳng tỏ ý gì cấm cản. Bác chỉ nói đợi tôi học xong đại học rồi tính.
Từ khi nghe dì tôi thuật lại như vậy, lúc nào tôi cũng mong chóng đến ngày ra trường.
Chap 15:
Ở lớp, Kim Dung “dính” với tôi như hình với bóng. Gần suốt năm học đầu tiên, tôi chẳng chơi thân với ai ngoài nó. Tuy nhiên cái tính bạt mạng của nó vẫn làm tôi ơn ớn.
Thỉnh thoảng, nó lại rủ tôi:
- Ngày mai “cúp cua” đi!
Ý nó xúi tôi trốn học. Tôi hỏi:
- Chi vậy?
- Đi chơi!
- Buổi sáng đi học, buổi chiều đi chơi cũng được vậy?
Nó triết lý:
- “Cúp cua” đi chơi mới thú!
Tôi lắc đầu:
- Thôi, tôi không đi đâu!
Nó “xì” một tiếng, vẻ khi dể:
- Ông đúng là con mọt!
Mặc cho nó khích, tôi ngồi yên cặm cụi chép bài.
Không rủ được tôi, Kim Dung bỏ học một mình.
Nó nghỉ ba ngày, tới ngày thứ tư lại ôm tập vô lớp đàng hoàng.
- Đi đâu lâu vậy? – Tôi hỏi.
Nó cười:
- Leo núi.
- Leo núi mà tới ba ngày?
Nó đẩy gọng kiếng trên sống mũi, đáp tỉnh:
- Một ngày leo núi cộng thêm hai ngày nghỉ ngơi.
Rồi nó khều tôi:
- Lát về ông cho tôi mượn tập nghen?
- Ừ.
Mượn tập chép bài là nghề của nó trước nay.
Kim Dung học hành rất tài tử. Nổi hứng lên, nó nghỉ liền tù tì hai, ba ngày. Những ngày đến lớp, nó cũng chỉ ghi bài qua loa. Về nhà, nó mượn tập của tôi chép lại. Nhưng bù lại, Kim Dung rất thông minh. Chỉ cần xem bài qua một lần, nó đã nắm vững những điều cốt yếu và nhớ khá kỹ.
Vì vậy, kỳ thi cuối năm, Kim Dung xếp hạng ba. Còn tôi học hết cơm hết gạo cũng chỉ xếp hạng tám, kém nó năm bậc. Đối với bạn bè trong lớp, tôi với Kim Dung chơi thân với nhau là một hiện tượng lạ. Thằng Bảo, một đứa chơi khá thân với tôi sau này, nhận xét: “Một đứa hiện sinh chúa, một đứa nhà quê chay, đúng là một cặp lý tưởng không hiểu nổi!”.
Tôi chẳng thấy có gì là không hiểu nổi. Tuy nhiên nghe tụi bạn xì xào tôi cũng hơi nhột.
Tôi “méc” với Kim Dung. Nó phẩy tay:
- Kệ tụi nó! Con...