thẹn thùa như vậy . Xuyến và Thục cứ ngồi với nhau là “cáp đôi” nó với hết người này đến người khác . Nhưng nó chẳng bao giờ để tâm, chỉ nhe răng cười hì hì, thậm chí còn cao hứng góp lời nhận xét, bình phẩm khôi hài về “đối tượng” hệt như đó là chuyện tiếu lâm hoặc chuyện trời ơi của ai, chẳng dính dáng gì tới mình. Vậy mà bữa nay Xuyến mới trêu nó qua loa trước mặt Vân kịp lái sang chuyện khác, chứ nếu anh cứ đăm đăm nhìn nó, chẳng biết nó sẽ còn xấu hổ đến đâu .
Tại sao lại như vậy, Cúc Hương cũng không rõ . Nó chỉ lờ mờ nhận ra so với chuyện Hùng quăn tán tỉnh nó trước đây, chuyện này đã khác lạ đi nhiều. Trước đây, nó chẳng bao giờ để Hùng quăn vào mắt, gặp Hùng quăn nó chỉ muốn tránh xa. Nhưng với Vân, chẳng hiểu sao nó cứ hay nghĩ về anh . Anh càng ung dung bình thản, càng ra vẻ phớt lờ, nó càng muốn anh phải để ý đến nó, phải chiều chuộng nó . “Hành
hạ” được anh, nó sung sướng lắm, một sự sung sướng ngọt ngào nó chưa từng nếm trải bao giờ . Lúc đầu có tưởng đấy là niềm vui của sự trả thù, về cái chuyện anh chọc quê nó hôm trước . Nhưng dần dần, nó nhận ra mọi sự không đơn giản như vậy . Nếu là trả thù thì chỉ trả một lần thôi đã đủ . Đằng này, nó cứ muốn “trả thù” anh hoài hoài . Đến khi nào chết thôi . Chẳng lẽ nó là một đứa thù dai ghê dớm đến vậy?
Không phải chỉ có Cúc Hương mới ngạc nhiên về tính tình ngày một thay đổi của mình.
Một hôm trên đường về, Xuyến bỗng cao hứng “phát pháo”:
- Thục nè, lâu nay mày có thấy trên thế giới vừa xảy ra một chuyện lạ không?
- Chuyện gì?
Thục hỏi lại, thừa biết là Xuyến định nói đến đề tài gì.
Xuyến gật gù:
- Từ hồi ba đứa chơi chung đến giờ, mày có thấy con Cúc Hương giận hờn ai đến mức dậm chân thình thịch và quit thẳng một mạch không?
Thục nín cười:
- Không .
Xuyến khịt mũi:
- Vậy mà bây giờ lại có.
Xuyến liếc Cúc Hương, thấy Cúc Hương vẫn tảng lờ đạp xe, liền tiếp tục:
- Mày có bao giờ thấy con Cúc Hương buồn bã u sầu cả buổi chỉ vì một người nào đó đột nhiên vắng mặt ở chỗ làm không?
Thấy Xuyến càng lúc càng “lấn tới”, Thục bắt đầu hoảng .
- Không!
Nó rụt rè đáp và lấm lét nhìn vào lưng Cúc Hương đề phòng Cúc Hương nổi cáu hất nó xuống xe, nhưng Cúc Hương chẳng tỏ phản ứng gì.
Trong khi đó, Xuyến vẫn tỉnh bơ:
- Vậy mà mà bây giờ lại có! Rồi mày có bao giờ thấy con Cúc Hương khi bị “cáp đôi” với người khác lại đâm ra lóng nga lóng ngóng như gái về nhà chồng không?
Lần này, Thục chưa kịp trả lời thì Cúc Hương đã hừ mũi:
- Quá đủ rồi nghen! Tao không thích giỡn à!
Thấy bạn nổi quạu, Thục xanh mặt ngồi im. Ngược lại Xuyến chẳng hề lộ vẻ nao núng.
- Trời ơi là trời! – Xuyến cười gập người trên xe – Một đứa nổi tiếng là chúa giỡn tự dưng lại không thích giỡn, nghe cứ như là chuyện lạ bốn phương! Hi hi!
- Ừ tính tao vậy đó! – Cúc hương vẫn gầm gừ .
- Thôi, thôi, cho tao xin! – Xuyến kêu lên – Mày đừng có nói nữa được không! Bộ mày không biết bữa nay quai hàm tao bị đau hả?
Nghe Xuyến nói vậy, Thục liền nhướm cổ dòm sang:
- Tao có thấy quai làm mày sưng chỗ nào đâu!
Xuyến quẹt quẹt tay lên má:
- Sưng bên trong làm sao mày thấy được Thục vẫn thắc mắc:
- Nhưng nếu quai hàm mày sưng thì tại sao mày không cho con Cúc Hương nói? Chính mày không nên nói nhiều mới đúng!
Xuyến nhún vai:
- Tao không ngờ một đứa thông minh như mày mà thỉnh thoảng cũng ngốc đột xuất!
Rồi trước cặp mắt thao láo của Thục, Xuyến chậm rãi giải thích:
- Nếu như bình thường thì con Cúc Hương nó muốn nói gì mặc nó . Nhưng bữa nay nó nói chuyện nghe tức cười quá . Nếu nó không ngậm miệng, tao cười riết sẽ trẹo quai hàm mất, mày hiểu không?
Thục rụt cổ quay lại dòm Cúc Hương, không dám nói hiểu cũng chẳng nói không.
Xuyến lườm Thục:
- Nó có tật, nó không sợ mày thì thôi, mắc mớ gì mày phải sợ nó!
Cúc Hương bỗng hắng giọng:
- Không biết ai có tật à nghen!
Xuyến giật mình:
- Vu khống gì đó mày?
Cúc Hương vẫn nói trống rỗng:
- Không biết ai rủ rỉ rù rì với ai suốt từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng à!
- Từ đêm dến sáng hồi nào? – Đòn phản công của Cúc Hương khiến Xuyến cau mày sừng sộ .
Cúc Hương cười hì hì:
- Á quên, tao lộn! Chỉ từ sáng đến chiều thôi!
- Từ sáng đến chiều cũng không có!
Cúc Hương nhếch mép:
- Xì! Tao đâu có đui!
Nhìn vẻ ung dung đắc thắng của Cúc Hương, biết có chối cũng vô ích, Xuyến đành nói thẳng:
- Nhưng Tao với Thiếu dù sao cũng chỉ là bạn thôi!
Cúc Hương bĩu môi:
- Bạn mà mày kêu gì Thiếu làm nấy?
- Chứ mày với anh Vân thì sao? Mày cũng “đì” anh ta sói trán vậy!
- Tụi tao khác!
- Khác sao?
Cúc Hương ngớ người:
- Tao cũng chẳng biết khác sao! Nhưng mà khác!
Xuyến cười mũi:
- Khác cái mốc xì!
- Thôi, thôi! – Thục kêu lên – Tụi này delete ba chuyện đó giùm tao đi! Nghe sao nhức đầu quá!
Sự can thiệp bất ngờ của Thục giúp Xuyến và Cúc Hương thoát khỏi cuộc “tố khổ” lẫn nhau một cách kịp thời, nếu không trận khẩu chiến sẽ có nguy cơ kéo dài đến tối mà vẫn không phân biệt được người thua kẻ thắng .
Chương 6
Kể từ bữa đó Xuyến không mở miệng trêu ghẹo Cúc Hương nữa. Chẳng phải nó “tu hành” gì mà dường như nó đang có một tâm sự sâu kín nào đó nên không muốn chọc giận Cúc Hương. Xét về phương diện mồm mép, Cúc Hương chẳng thua gì nó, cả hai một chín một mười. Nếu bây giờ nó “tấn công” Cúc Hương và Cúc Hương phát khùng phản kích lại, e rằng cả hai đều lâm vào cảnh “lưỡng bại cầu thương”!
Nhưng dù Xuyến đã thôi chọc ghẹo, Cúc Hương cũng nhất quyết không chịu dùng cụm từ “Anh Vân ơi anh Vân!” nhiều “tai tiếng” kia nữa. Chẳng phải nó sợ gì Xuyến hay Thục. Nó cũng chẳng ngán gì Thiếu. Nhưng từ ngày bị Xuyến đem câu đó ra trêu trước mặt Vân, nó đâm ra ngượng ngùng vó’i anh.
Bây giờ gọi anh, nó không kêu “Anh Vân ơi anh Vân!” nữa mà kêu “Anh Vân ới ời!”.
Xuyến nói khẽ bên tai Thục:
- Nó có đổi tới đổi lui thì cũng chừng đó chuyện thôi! Có gì khác đâu!
Thục cũng nghĩ như Xuyến, nhưng nó chỉ lặng lẽ mỉm cười. Thục không có những lý do riêng tư như Xuyến. Nó không muốn trêu Cúc Hương chỉ vì sợ sẽ châm ngòi cho những cuộc phân bua và tranh cãi bất tận, rốt cuộc chẳng kết luận được điều gì, chỉ tổ ảnh hưởng đến công việc. Mà công việc thì đã bắt đầu trôi chảy, nhịp nhàng.
Qua đến ngày thứ ba, các cô gái đã nhập xong toàn bộ cuốn “Kỹ thuật nấu nướng” dày cộm.
Khi nhận các dữ liệu từ đĩa mềm để chuẩn bị dàn trang, Thiếu mỉm cười khen:
- Tôi không ngờ các bạn lại hoàn thành nhanh như thế!
Cúc Hương lém lỉnh:
- Thầy giỏi, học trò cũng phải giỏi chứ!
Xuyến khịt khịt mũi:
- Nếu bản thảo không liên quan đến lãnh vực ăn uống khiến con Cúc Hương vừa đánh vừa nuốt nước bọt thì thời gian có thể đã rút ngắn hơn nhiều!
Thiếu rút từ trong ngăn kéo một xấp giấy kẹp trong một tấm bìa màu xanh đặt lên bàn:
Đánh cuốn này chắc các bạn thích hơn!
- Cuốn gì vậy? – Cả ba cái miệng cùng hỏi.
Thiếu không đáp, mà dúa xấp bản thảo cho Xuyến.
Ngay lập tức, Thục và Cúc Hương lật đật chụm đầu dòm.
Vừa nhìn thấy hàng chữ ngoài bìa, Thục đã thích thú reo lên:
- A, tập san Tuổi Hoa!
Cúc Hương xuýt xoa:
Đỡ quá! Mai mốt khỏi tốn tiền mua báo!
Thục tròn mắt ngó Cúc Hương:
- Nghĩa là sao?
Cúc Hương cười tươi:
- Nghĩa là mình sắp chữ cho họ thì mai mốt mình có quyền hỏi xin họ chứ sao!
- Trời đất! – Thục thè lưỡi – Chưa gì mày đã nghĩ đến chuyện trục lợi!
Cúc Hương tỉnh bơ:
- Có phải tao “trục” cho tao đâu! Tao mà “trục” được thì cả ba đứa cùng đọc chứ bộ!
Xuyến nhìn Thiếu, chặc lưỡi:
- Cuốn này còn nguy hiểm hơn cuốn “Kỹ thuật nấu nướng”! Tụi này mà chúi mũi vô coi, chắc anh đợi dài cổ luôn!
Thiếu cười:
Đã biết vậy thì đừng coi!
Nhưng mặc dù “biết vậy”, cả ba cô gái vẫn cứ “coi”. Tuổi Hoa là một tập san nổi tiếng dành cho tuổi mới lớn, có nhiều bài viết phù hợp với lứa tuổi của bọn Xuyến, vì vậy bọn Xuyến rất thích đọc.
Nhưng trước nay các cô chỉ đọc Tuổi Hoa dưới hình thức một tờ báo hoàn chỉnh, còn bây giờ được đọc ngay từ trong bản thảo với chi chít những nét tẩy xóa, những đoạn gạch bỏ, những lời chú thích hoặc viết thêm của chính tay các tác giả, cái kiểu thưởng thức này nó có một sự thú vị đặc biệt, cũng tương tự như cái thú ăn vụng một món bánh khi còn chưa được quết kem vậy.
Thiếu ngồi bên cạnh, sốt cả ruột khi cứ chốc chốc lại nghe tiếng bàn phím đang reo lách cách bỗng nhiên im bặt cả buổi. Ngó qua, thấy ba cô nhân viên thay vì đánh bản thảo lại cắm cúi đọc say sưa một bài văn hay một bài thơ nào đó, anh chỉ biết nhăn nhó lắc đầu.
Nhưng nếu các cô chỉ đọc suông thôi thì cũng còn đỡ. Đằng này, một hôm đang ngồi làm việc, Thiếu bỗng giật bắn cả người khi nghe có tiếng “híc híc” vang lên bên cạnh.
Quay sang, thấy Thục đang gục đầu trên bàn phím, đôi vai rung rung nức nở, anh càng tái mặt, vội xô ghế đứng bật dậy.
Cả phòng bỗng chốc nhốn nháọ Trong chớp mắt mọi người đã xúm xít vây quanh Thục.
- Thục sao vậy? – Thiếu lo lắng hỏi – Nhức đầu phải không?
Thục khẽ lắc đầu, vẫn không ngẩng mặt lên.
Vân đảo mắt quan sát màn hình, giọng hoang mang:
- Hay là máy bị hỏng?
Vừa nói anh vừa gõ thử mấy cái vào bàn phím và biết ngay mình đã đoán nhầm.
Thiếu gãi đầu:
- Hay là Thục xóa nhầm file nào rồỉ?
Vân cắn môi:
- Hay là Thục bị điện giật?
Mặc cho Thiếu và Vân tha hồ đoán, Thục cứ một mực lắc đầu.
Xuyến áy náy chép miệng:
- Thôi hai anh về chỗ đi! Để từ từ tôi hỏi nó cho! Có thể nó có chuyện gì đó khó nói!
Không biết làm sao, Vân và Thiếu đành phải lững thững trở về chỗ ngồi, lòng vẫn thấp thỏm không yên.
Chỉ còn ba đứa, Xuyến cúi sát vào đầu Thục:
- Gì vậy mày?
Lúc này Thục đã thôi “híc híc”, nhưng nó cứ ngồi làm thinh không đáp.
Cúc Hương nổi sùng:
- Bộ mày á khẩu rồi hả?
Xuyến thò tay ra:
- Mày không nói, tao nhéo à!
Đòn hăm dọa của Xuyến quả là hiệu nghiệm. Nó vừa “hù” một câu, Thục đã rối rít:
Đừng, đừng! Để tao nói!
- Rồi, nói đi! – Xuyến nghiêm giọng – Nhớ khai báo thành thật à nghen!
Nhưng rồi mặc cho Xuyến và Cúc Hương nín thở dỏng tai chờ đợi, Thục vẫn ngồi ngậm tăm.
Xuyến lại thò tay ra:
- Nói không?
- Nói, nói – Thục hốt hoảng.
- Nói lẹ đi! Sao mày khóc?
Thục ấp úng:
- Tại…tại…
Thấy Thục cứ “tại, tại” hoài, Xuyến cáu tiết:
- Tại ai? Tại anh Thiếu hay anh Vân?
- Không phải.
Cúc Hương nóng nảy:
- Vậy chứ tại aỉ?
Thục đỏ mặt:
- Tại cái truyện trong này nè!
Xuyến và Cúc Hương trố mắt dòm vào xấp bản thảo trước mặt Thục:
- Nó sao?
Thục bẽn lẽn:
- Nó cảm động quá!
- Vậy là mày khóc?
- Ừ.
- Trời đất cha mẹ ơi!
Xuyến và Cúc Hương ngả người ra ghế và đồng loạt mở miệng kêu trời khiến Thiếu và Vân hoảng hốt hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Xuyến không đáp mà đưa hai tay lên trời, lắc đầu than thở:
- Chỉ tại cái tật “mít ướt” kinh niên của nó mà bao nhiêu người phải lo sốt cả vó!
Thục đưa tay quệt nước mắt:
- Sốt vó gì đâu?
Xuyến trừng mắt:
- Anh Vân và anh Thiếu bỏ ghế bỏ bàn chạy nháo nhào cả lên mà không phải sốt vó hả?
- Thôi, đừng cãi nhau nữa! – Vân sốt ruột lên tiếng – Có chuyện gì vậy, Xuyến nói nghe coi!
- Có gì đâu! – Xuyến thở dài – Tại con quỷ này nè!
Vân mỉm cười:
- Con quỷ này sao?
Cúc Hương vọt miệng:
- Nó nhõng nhẽo chứ sao! Đánh máy không lo đánh, ngồi đọc truyện cho đã rồi tự dưng lăn ra khóc!
Đến đây thì hai chàng trai bắt đầu hiểu ra. Vân “à” một tiếng rồi cười cười hỏi:
- Bộ trong truyện có người chết hả Thục?
- Dạ không ạ! – Thục ngượng ngập.
- Hay là có ai bị xe cán hoặc té sông?
Thục vẫn không biết Vân trêu mình. Nó thật thà:
- Dạ làm gì có chuyện đó!
- Chứ sao Thục khóc?
Thục lí nhí:
- Dạ, tại trong truyện có con: D..
Thấy Thục ngập ngừng, Xuyến liền hỏi tiếp:
- Con chó sao?
Thục chớp mắt:
- Con chó nó đi lạc.
Vân và Thiếu lộ vẻ ngạc nhiên. Hai anh cứ tưởng câu chuyện khiến Thục phải khóc nấc lên giữa chốn đông người như vậy phải là một câu chuyện thương tâm ghê lắm, nào ngờ chỉ là câu chuyện về một con: D
Thiếu tò mò:
- Con chó đi lạc rồi sao?
- Dạ đâu có sao! – Thục liếm môi – Nó đi vòng vòng một hồi chắc cũng tìm được đường về nhà!
- Trời đất! Vậy thì đâu có gì đâu mà khóc! – Thiếu kêu lên kinh ngạc.
- Dạ, thì đâu có gì! – Thục vẫn hồn nhiên – Nhưng đọc tới chỗ nó đi loanh quanh, gặp chỗ nào cũng nhào vô lo lắng đánh hơi, tự dưng thấy … tội tội!
Thục vừa nói dứt câu, Xuyến đã ngoác miệng cảm thán:
- Khùng ơi là khùng!
- Cô nương này đúng là dư nước mắt! – Cúc Hương nhún vai – Hôm nào tao phải xin mày một ít để dành mới được!
Vân và Thiếu không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn nhau nhưng mặt người nào người nấy đều nửa cười nửa mếu.
Dĩ nhiên, Thiếu mếu nhiều hơn. Bởi Vân đã giao cho anh trực tiếp “phụ trách” ba cô, anh có trách nhiệm phải “uốn nắn” họ, giúp họ tập trung vô công việc. Hơn nữa, việc dàn trang của anh lại tùy thuộc vào tiến độ nhập dữ liệu của các cô gái. Nếu họ chậm, anh buộc phải chậm theo, và như vậy thì khó thể giao hàng đúng hẹn với khách.
Nhưng khổ nỗi, Thiếu vốn hiền lành. Trước những cô gái dịu dàng, anh còn lúng túng rụt rè, huống gì trước nhóm “tam đầu quậy” này. Trong ba cô nhân viên của mình, anh chẳng đủ sức để “lãnh đạo” hay “quản lý” nổi một ai, kể cả Thục. Ngược lại, anh bị các cô trêu cợt, châm chọc suốt. Xuyến dạo này đã thôi chọc anh. Nhưng cô sai anh tối mày tối mặt. Lạ một điều là anh chẳng lấy thế làm bực mình. Mỗi khi Xuyến nhờ anh điều gì, anh đều vui vẻ làm ngay. Thậm chí hôm nào Xuyến không có chuyện gì nhờ vả hoặc cô cặm cụi đánh máy không có thì giờ trò chuyện với anh, anh lại cảm thấy buồn buồn.
Thiếu biết mình đang rơi vào một trạng thái mâu thuẫn, nhưng anh chẳng hề có ý định thoát ra. Anh cứ một mặt muốn các cô gái làm việc một cách nghiêm túc, khẩn trương theo đúng tác phong “công nghiệp hiện đại”, mặt khác anh lại mong các cô vẫn chuyện trò khóc cười thoải mái để anh vừa sốt ruột nhăn nhó vừa tủm tỉm cười theo những câu chuyện muôn hình muôn vẻ của các cô.
Không hiểu Xuyến có đọc được ý nghĩ của Thiếu hay không mà một hôm đang gõ lóc cóc say sưa, nó bỗng dừng tay lại, miệng kêu toáng:
- Nè, nè, tụi mày nghỉ tay chút xiú đi! Nghe tao đọc cái này nè!
Cúc Hương và Thục lật đật dòm sang:
- Gì vậy?
- Thơ.
Cúc Hương liếm môi:
- Thơ trào phúng… điếu hả?
- Không! Thơ tình đàng hoàng. Nhưng nó lạ lắm!
Rồi không đợi hai bạn hỏi thêm, Xuyến hắng giọng đọc:
Xin em con mắt đỏ
Xin em con mắt vàng
Đường nhà em xa ngái
Chừa lối nào anh sang?
Thục ngẩn ngơ:
- Lạ gì đâu?
- Vậy mà không lạ – Xuyến khịt mũi – Người ta làm gì có mắt đỏ mắt vàng! Chỉ Tề Thiên bị nhốt trong lò bát quái mới có cặp mắt đỏ con ngươi vàng thôi! Tao nghĩ nhà thơ này bị cho leo cây nhiều lần nên tức mình rủa người yêu mình là… khỉ!
- Chưa chắc! – Cúc Hương phản đối – Mắt đỏ là bị nhặm, mắt vàng là triệu chứng đau gan. Theo tao, tay tác giả này có ý trù cho người yêu mình bị đau mắt hột hoặc bi viêm gan siêu vi B chết quách cho rồi để hắn đi kiếm người yêu mới!
Nghe cái kiểu “bình luận văn học” của Xuyến và Cúc Hương, Thiếu phải nén lắm mới khỏi phì cười.
- Sao? – Xuyến quay sang Thục – Cô học sinh giỏi văn này có ý kiến gì không?
- Tao nghĩ khác! – Thục đáp sau một thoáng trầm ngâm – Con mắt đỏ con mắt vàng trong bài thơ này có thể là chỉ đèn hiệu giao thông! Tác giả muốn xin hết đèn đỏ đèn vàng, chỉ để lại đèn xanh trên đường đến nhà cô gái. Vì vậy mới có câu “chừa lối nào anh sang?”!
Lối phân tích của Thục nghe rất là hợp tình hợp lý. nhưng Xuyến vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Không phải đâu! Tác giả viết “xin em con mắt đỏ” rõ ràng! Như vậy “mắt đỏ mắt vàng” trong bài thơ đích thị là mắt của cô gái. Chứ chẳng lẽ tác giả lại đi gọi cây cột đèn ngoài phố là “em”? Nhà thơ nào mà khùng dữ vậy?
- Ai lại nói như mày! – Thục nguýt Xuyến – “Em” ở đây dĩ nhiên là chỉ cô gái. Tác giả hỏi xin cô gái những ngọn đèn vàng đèn đỏ ý là muốn cô gái cởi mở tấm lòng đối với mình.
Xuyến nháy mắt trêu Thục:
- Chà, ba cái vụ yêu đương này, mày coi bộ rành quá hén!
- Dẹp mày đi! Có mày rành thì có!
Vừa kêu lên Thục vừa đấm thùm thụp vào lưng bạn.
- Tạm thời save cái vụ tai mắt mũi họng này lại đi! – Cúc Hương đề nghị – Chờ khi nào gặp tác giả mình sẽ hỏi cho ra lẽ.
- Nãy giờ mình đâu có biết tên tác giả! – Thục nhắc.
Xuyến nhìn vào tập bản thảo:
- Tác giả là Tóc Mây.
Thục gật gù:
- Cái tên này nghe quen quen. Hình như tao có đọc thơ của ông này rồi.
- Hèn gì mày bênh ổng chằm chập! – Cúc Hương chọc.
- Xí! Khi nãy tao đâu có biết tác giả là ai!
- Nhưng mà mày… linh cảm!
Thục bĩu môi:
- Cảm cúm thì có!
Cúc Hương không buồn cãi nhau với Thục. Nó nóng lòng chờ đợi ngày được gặp gỡ nhà thơ Tóc Mây.
Khoảng ba ngày sau, tòa soạn báo Tuổi Hoa cử người tới. Đó là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi nhưng cái đầu hói bóng lưỡng khiến ông ta nom cỡ… năm mươi.
Ông ta gặp Thiếu nói nhỏ gì đó. Thiếu liền chỉ qua bọn Xuyến:
- Chú trao đổi trực tiếp với mấy cô này nè!
Ông ta bước tới trước mặt Xuyến, niềm nở:
- Chào cô! Tôi là Bông ở báo Tuổi Hoa, có chút việc…
Thấy người đối diện có vẻ ngập ngừng, Xuyến nhoẻn miệng cười duyên:
- Dạ cần gì chú cứ nói!
Người đàn ông tên Bông chìa xấp giấy ở trong tay ra:
- Tôi muốn thay một số bài.
Xuyến cầm lấy xấp giấy và đẩy tấm bìa màu xanh đến trước mặt khách:
- Muốn thay bài nào bằng bài nào, chú cứ ghi vào đây!
Người đàn ông lúi húi ghi chép một hồi rồi đứng thẳng lên:
- Xong rồi, cảm ơn cô! Tôi đã ghi chú cụ thể hết trong này rồi! – Chú có cần lấy lại những bài đã thay không?
- Thôi khỏi! Tụi tôi đã có bản lưu ở toà soạn!
Thấy người đàn ông định cáo từ, Xuyến vội hỏi:
- Chú ơi! Ở tòa báo của chú có nhà thơ nào tên Tóc Mây không?
Người đàn ông giật mình:
- Tóc Mây hả? Ờ, ờ, có!
- Ổng ra sao hả chú?
- Sao là sao?
Xuyến thản nhiên:
- Nghĩa là ổng có đẹp trai như chú không?
Người đàn ông bối rối đưa tay vuốt cái đầu hói:
- Các cô đừng đùa tôi! Tôi mà đẹp trai gì!
Xuyến chưa kịp đáp thì Cúc Hương ngồi bên cạnh đã ngứa miệng lên tiếng:
- Đó là chú khiêm tốn chú nói thế thôi!
Không hiểu nghĩ sao, người đàn ông buột miệng:
- Nhà thơ Tóc Mây đẹp trai hơn tôi nhiều!
Cúc Hương chớp chớp mắt:
- Vậy hôm nào chú giới thiệu cho tụi này gặp gỡ nhà thơ Tóc Mây được không?
Người đàn ông gật...