hồng. Phát muốn đến bên Kim Thư ôm chầm lấy cô mà hôn lên đôi mắt u buồn cho vơi niềm thương nhớ. Lòng anh xao xuyến lạ lùng.
Nhưng anh đã cưỡng lại nó, anh vẫn ngồi yên nhìn người yêu:
– Kim Thư đời đời kiếp kiếp ta vẫn là bạn của nhau nhưng xin em hãy tha thứ cho anh, em đừng yêu anh nữa. Anh sẽ đi bao giờ thành đạt anh sẽ về. Em đừng chờ anh nữa Thư à? Anh không biết nói sao cho em hiểu.
Kim Thư lặng lẽ ngồi yên, cô quẹt ngang dòng nước mắt còn đọng trên lông mi:
– Anh muốn thế ư? Thôi cũng được. Anh cứ làm theo ý mình đi, nếu anh chỉ xem em là một người bạn bình thường.
Phát lặng người, dạ anh xốn xang:
– Thư à! Anh chỉ vì đi xa mà phải xa em mong em hiểu cho anh.
– Anh đi đâu, anh làm gì mà chẳng lẽ anh không nói được với em một tiếng được ư?
– Không phải là không được, nhưng em biết em càng buồn thêm thôi. Em cứ xem là chúng ta chưa bao giờ gặp nhau, em sẽ thấy đỡ buồn hơn, được chứ Kim Thư?
Kim Thư cười chua chát:
– Anh nói nghe dễ quá, nên việc anh làm anh cũng chẳng thấy dễ làm sao. Có chuyện gì mà anh giấu, anh không muốn người khác thông cảm với anh hay sao? Hay là anh đã phạm tội gì … Phát ơi em sợ quá.
Nhìn Thư run rẩy Phát cũng run lây, nhưng anh vội vàng khỏa lấp:
– Anh chẳng làm việc gì bậy bạ. Anh chỉ lo sợ cho em thôi nên tạm thời mình chia tay nhau. Em đừng lo sợ cho anh.
– Thôi được anh cứ đi, nhưng anh hãy chỉ cho em biết nơi anh sẽ đến. Nếu cần em sẽ phải hỏi ai.
Phát lắc đầu:
– Em đừng tìm anh nguy hiểm lắm. Tất cả bạn bè em đừng nói với họ là anh đi đâu, làm gì.
– Tại sao anh giấu, em có biết anh làm gì mà nói vậy. Mấy hôm nay anh đã ở đâu?
Thư nghi ngờ chuyện gì đó, cô lại tìm cách hỏi khéo xem Phát có tiết lộ điều gì không. Phát nghe Thư không hỏi về chuyện của mình, anh mừng lên nên vội nói:
– Mấy hôm nay anh ở nhà thằng Vĩnh nơi rừng Trúc Phương, một thắng cảnh đẹp em biết ở đó không?
– Nghe nói Tú Mai và Vĩnh Hưng đã đến đó rồi. Em cũng định đi đến đó chơi, chị Hoàng Lan mới đến Trúc Phương cách một tháng.
– Vĩnh Hưng là ai hả Thư?
– Vĩnh Hưng là anh rể tương lai của em, anh ấy là công an. Hình như anh ấy đi công tác ở khu rừng Trúc Phương thì phải.
– Có phải anh ấy điều tra các vụ án ở Trúc Phương không?
– Em có nghe nói nhưng không rõ lắm ở Trúc Phương xảy ra chuyện gì hả anh Phát?
– Nhiều cô gái bị mất tích, thủ phạm vẫn chưa tìm được. Vì vậy anh không muốn em đến đó. Anh đã chứng kiến mấy vụ giết người nên anh sợ ….
– Vậy anh còn đến đó làm gì?
– Không anh không đến đó.
– Anh có thường gặp Vĩnh không?
– Có, anh từ chỗ nó về.
– Vậy ư.
– Thôi anh đi. Em nhớ lo cho mình. Đừng có tìm anh nghe chưa?
Thư đứng nhìn theo bóng người yêu khuất trong dãy phố đầu ngõ. Cô bỗng thấy bồn chồn một nỗi niềm khó tả dâng lên. Cô lo lắng cho Phát không biết anh chàng đi đâu làm gì. Mình phải hỏi Tú Mai và điều tra rõ ràng vụ này mới được.
Nghĩ thế, Thư trở vào ngồi thừ ra đó. Bên ngoài trời vừa đứng bóng. Ánh nắng vàng đổ hắt xuống sân như rực cháy nó giống như tâm hồn Thư đang rực nóng vì lo lắng việc không đâu.
Phát trở về nhà, ba mà anh thấy anh buồn chỉ hỏi hoa loa rồi anh đi thẳng vào phòng dặn nhỏ cha mình:
– Cha à! Nếu có ai tìm con cha bảo là con không có ở nhà.Con cảm thấy hơi mệt, con đi nghỉ đây.
– Ừ! Cha nhớ rồi. Con cứ nghỉ cho khỏe. Sao đi chơi ở đâu mà bơ phờ quá hả Phát.
Phát chối quanh:
– Dạ! Con đi hơi nhiều nên mỏi chân.
– Được rồi con vào nghỉ đi.
Phát đóng chặt cửa phòng. Anh mở cửa sổ cho thoáng. Bên ngoài trời chập choạng tối khi Phát mở mắt ra sau giấc ngủ dài.
Trời ập tối nữa rồi. Phát lo sợ. Anh đảo mắt nhìn quanh. Anh vội lấy gương soi, chiếc gương trong tay anh bỗng lung linh hình ảnh một chàng trai tươi tỉnh vẻ mặt khôi ngô. Anh đó ư? Vậy mà … Bỗng Phát rùng mình. Anh nhìn xuống tay chân, chân tay anh lại mọc đầy lông lá đen xù xì. Phát lại cầm chiếc gương soi lên, trước mắt anh là con đười ươi, miệng rộng ngoạc, đôi mắt trắng dã. Anh cố nói nhưng âm thanh như bị ngẹt tắt chỉ còn là tiếng khẹt khẹt của loài đười ươi. Thì ra anh đã biến thành đười ươi nữa rồi. Như vậy lời nguyện của lão già linh nghiệm. Lão đã dùng phép gì mà có thể biến anh thành quái vật. Chỉ ban đếm thôi, ban ngày anh sẽ trở lại thành người. Rồi từ đây anh sẽ xa lánh mọi người, xa lánh người thân. Anh phải sống kiếp sống nửa người nửa thú. Ban ngày là anh, ban đêm là thú, là của lão già, thân xác anh giờ đây chịu sự điều khiển của lão ta.
Phát lại lo sợ cha anh sẽ gọi anh ra ăn cơm thì sao. Lúc ấy cha anh sẽ vỡ tim mà chết, cả mẹ anh nữa. Họ đánh đuổi anh như Vĩnh đã từng đánh đuổi anh hôm qua.
Nhưng anh không thể trách họ vì họ đâu thể nhìn ra anh trông bộ mặt hình hài gớm ghiếc kia bên trong là anh. Họ làm sao tin chuyện kỳ lạ này lại xảy đến trên đời cũng như anh đã từng không tin Vĩnh. Nếu tin anh đâu chịu hậu quả như thế này. Tự trách mình, Phát ủ rủ hồi lâu, anh chợt thấy mình đói cồn cào.
Anh không ra.
Có tiếng gõ cửa, mẹ anh lên tiếng:
– Phát à ăn cơm chưa con.
Phát lên tiếng:
– Con không đói ba mẹ dùng đi.
– Ừ! Ăn một chút gì đi chứ. Cả ngày nay …
Phát lo sợ:
– Dạ! Không sao mẹ cứ để đó một lát con ăn sau.
– Con đi mấy bữa nay mới về. Ra đây cha mẹ bàn chuyện một chút làm gì mà nhốt mình như là con gái mới về nhà chồng vậy con.
– Dạ! Được rồi mẹ ạ. Cho con ngủ thêm một chút nữa là con khỏe ngay rồi con ra …
Tiếng bà mẹ Phát càu nhàu càng làm Phát thêm bối rối, nỗi lo sợ càng tăng, nếu mẹ anh sợ anh bệnh bà ấy dám cho người phá cửa vào lắm. Anh lo lo cố nói cho suôn. Tiếp dép của bà càng xa dần Phát nhìn qua ô cửa anh thở phào nhẹ nhõm.
Bảy tám giờ đêm, đang ngồi trong phòng Phát bỗng thấy lòng mình nôn nao.
Anh nghe văng vẳng trong đầu tiếng gọi như mệnh lệnh:
– Anh mau trở về … Mau trở về với ta.
Lời nói ấy phát ra văng vẳng bên tai ra lệnh anh càng lúc càng gấp gáp:
– Mau trở về suối mơ … Về rừng Trúc Phương chỗ ở của mi … Hãy mau trở về …
Phát nôn nao, lòng anh rộn rã, náo nức như hàng ngàn con kiến bò rọ rạy từ óc đến chân nhột nhạt, tê tái, nó châm chít khiến anh không yên. Hết đứng lại ngồi. Mệnh lệnh lại vang lên:
– Mi mau trở về … Trở về suối mơ … Trở về với ta.
Phát bịt chặt hai tai. Anh xua đi tiếng nói, nhưng tiếng nói ấy không phải vọng từ bên ngoài mà từ trong đầu anh vọng ra. Phát khốn khổ với nó. Anh buông tay ra. Tiếng nói lại văng vẳng.
– Mi mau trở về suối mơ … Trở về chỗ ở, trở về chỗ của mi …
Trời ơi, chỗ ở của mình là khu rừng Trúc Phương kia ư? Là cây cối, là đá lạnh, là cầm thú đi gây tội ác. Không, mình không đi.
Bỗng Phát thấy đầu óc mình lâng lâng u mê đi. Hình ảnh lão già với đôi mắt nhìn thấu suốt tâm gan anh. Phát lại ngoan ngoãn như chú bê con hiền lành.
Anh đứng dậy rón rén như tên trộm mở nhè nhẹ cửa. Cha mẹ anh đã vào phòng ngủ. Phát bước ra ngoài anh quấn chăn choàng kín người rồi định trở lại rừng Trúc Phương ngay. Nhưng trời đêm lồng lộng phố xá đông người. Phát sợ họ sợ hãi khi thấy anh. Bối rối anh vào nhà chui vào phòng … Mệnh lệnh vẫn thôi thúc anh trở về rừng Trúc Phương. Đêm ấy không tài nào anh ngủ được. Anh thức suốt ngồi chờ trời sáng.
Ben ngoài trời đã sáng, Phát trở thành người. Anh thở phào nhẹ nhõm.
Phát bước ra ngoài vẫn không giấu được vẻ mệt mỏi cả đêm không ngủ, mắt anh thâm quầng. Bắt gặp anh, mẹ anh hoảng hốt:
– Trời con làm gì mà hốc hác thế kia hả Phát. Con bệnh à!
– Không! Phát chối đây đẩy.
– Con chả có sao cả.
– Còn nói chẳng sao? Hình như cả đêm con không ngủ? Bà mẹ quan sát:
– Đâu có con ngủ cả đêm.
Phát cố cười cho mẹ không lo nhưng bà nói:
– Con giấu sao được mẹ. Ngủ cả đêm mà đôi mắt thế kia ư? Làm ơn nhìn vào gương đi cậu.
– Mẹ hay quá. Con bận làm bài thi mà.
– Ừ! Vậy thì được. Thôi con lo học đi.
– Không! Con sẽ đi ngay bây giờ cho kịp chuyến xe.
– Đi đâu?
– Con đến với Vĩnh bạn học của con để cùng làm bài thi.
Nghe Phát chăm học bà vui mừng dặn dò:
– Ô! Mẹ chỉ nhắc khéo cho con. Ráng chăm học kẻo mà thi trượt thì khổ nghe con.
– Vâng! Con đi nhe mẹ.
– Đi liền.
Nói xong Phát lại xách chiếc túi hôm qua khoác lên vai. Mẹ anh nhìn theo không nói gì. Chợt bà thấy dáng Phát thất thểu, gương mặt thất thần, bà cảm thấy lo lo, con bà hình như có chuyện gì không ổn. Phát thoắt đi thoắt về hỏi thì ấp a ấp úng, bà định chạy ra theo gọi anh lại nhưng ra đến đầu ngõ thì chẳng thấy Phát đâu. Bà mẹ trở vào vừa đi vừa lẩm bẩm:
Ôi, tụi trẻ bây gờ nó chẳng làm mình yên dạ chút nào. Bà lại thở dài mơ màng theo bóng Phát đã xa vời.
Phát đi một mạch vào khách sạn Thủy Tùng, anh đi tìm Vĩnh:
– Anh Lâm có thấy Vĩnh đâu không?
Lâm tươi cười:
– À. Cậu Phát tìm cậu Vĩnh đấy à? Cậu ở trong khách sạn.
Vĩnh xuất hiện cười tươi:
– Cậu lại đến đây à? Thế nào về có chuyện gì gấp đã làm xong chưa. Cậu ở đây chứ định bao giờ về.
Phát ngần ngừ:
– Mình cũng không biết. Về thành phố như có ma lực hút mình trở lại chốn núi rừng ma độc này.
Vĩnh lắc đầu:
– Mình bảo cậu động vào lão già độc ác đó nữa. Cứ ở lại phụ việc cho cha mình. Cậu sẽ thấy thoải mái ngay.
Phát lắc đầu:
– Mình không biết mình đến đây để làm gì, nhưng mình không cưỡng lại được.
Vĩnh cười:
– Chắc là cảnh đẹp người đẹp nó quấn chân cậu rồi chứ gì!
– Không! Cậu đừng nói bậy. Minh đã có người yêu rồi, cậu không nhớ sao Vĩnh?
– Nhớ chứ. Kim Thư cô bạn xinh đẹp, sao mà lúc đó bạn không chọn Tú Mai mà chọn Kim Thư. Tú Mai đẹp hơn mà.
– Tú Mai để ý cậu đấy. Nếu chọn được mình đã chọn rồi. Phát mỉm cười lắc đầu.
Vĩnh ngạo bạn:
– Chắc hôm qua về tìm Kim Thư phải không. Mới đi có mấy ngày mà đã nhớ tê tái vậy sao?
– Ừ! Có gặp Kim Thư nhưng để giã từ, bọn mình chia tay rồi.
Vĩnh ngạc nhiên trợn tròn mắt:
– Cậu nói giỡn hả Phát?
– Không mình nói thật. Cuộc sống mình đang rất bấp bênh. Đeo mang làm gì cho khổ hở bạn. Mình muốn Thư được tự do.
– Làm gì mà cậu bi quan quá vậy Phát. Hãy vui lên mà sống.
Phát nhìn bạn rồi lẳng lặng bước vào phòng đóng cửa lại, anh không muốn nói thêm gì, có nói Vĩnh cũng chẳng hiểu gì cả. Vĩnh hồn nhiên, con nhà giàu, anh ít nghĩ đến người khác. Phát nhớ lại hành động của Vĩnh, anh không phục và anh cũng chẳng muốn nói gì thêm làm cho Vĩnh thắc mắc. Phát lẳng lặng trong phòng nhìn ra ngoài tận phía xa dãy núi màu xanh lơ in trên nền trời sừng sững hùng vĩ như một chiếc mâm xôi. Anh thở dài … Đầu óc anh lại suy nghĩ miên man … Với trăm ngàn câu hỏi mà không lời giải đáp …
Bà Lâm nhìn cây chổi quét mấy là khô rơi trước sân. Nhìn bầu trời u ám, một cơn gió to ùa qua lá lại rơi đầy sân. Bà đứng dậy chép miệng thở dài:
– Lại uổng công nữa rồi.
Nói thì nói bà lại ngồi xuống gom nhặt từng chiếc lá khô. Ở bìa rừng mát mẻvì cây cối xanh tươi che khuất, nhưng lá khô cứ rơi đầy, rơi đầy cả lối đi. Bà Lâm đã có tuổi, chỉ có công việc quét tước dọn dẹp vào vui tuổi già đỡ bồn chồn đôi tay, đôi chân. Vả lại bà nhớ đến đứa cháu gái đi làm ở thành phố thỉnh thoảng nó mới về. Nhà lá đơn sơ, bàn ghế cũ kỹ, bước ra bước vào chỉ có mấy bước dọn qua là xong. Cả ngày bà ngồi ngóng mẹ của Mai Loan về. Cô ấy đi làm mướn tháng này qua tháng khác.
– Bà ngoại làm gì đó?
– Ôi! Mèn đét ơi … Mau cháu về đó hả? Lại đây cho bà coi.
– Bà khỏe không? Cháu có quà cho bà nè.
– Cái gì vậy? Cha mày, tiền bạc không có được mấy đồng bạc để dành nghe con, đừng có mua tầm bậy tầm bạ hết ráo rồi khổ.
Mai Loan cười toe giấu nét buồn thoáng qua:
– Bà khéo lo, con mua có một chút xíu cho bà một hộp thuốc bổ, cho người già bao nhiêu mà lo. Vả lại bà nuôi mẹ con bây giờ con cháu phải có chút gì …
Kẻo mai một bà ngoại già, lúc đó tiền cũng không biết nuôi ai.
Bà Lâm dân dấn nước mắt:
– Tội nghiệp cháu bà quá.
Mai Loan lại cười, kéo tay bà vào nhà.
– Bà nghỉ đi, quét dọn mà làm gì, lá khô cứ đổ xuống hoài mà bà.
Mai Loan cầm lấy cây chổi, một tay kéo bà vào nhà. Một cơn gió ào tới, từng chiếc lá khô xạc xào rơi đáp xuống sân. Sân gạch bỗng lại đầy lá. Bà Lâm lắc lắc đầu:
– Được rồi để chút xíu bà gom lại. Con về chơi bao giờ đi.
– Dạ mai mốt con phải trở về chỗ làm.
– Thôi vào nhà, bà làm cơm cho mà ăn, mẹ con về đưa con đi chơi.
– Ở đâu vậy bà?
– Về nhà nội con?
– Thôi con không về đâu? Con ở nhà với bà … Mai Loan hạ giọng, hôm nào rồi đi cũng được.
– Chứ con nói mai đi rồi mà.
Mai Loan nhỏ nhẹ:
– Dạ! Con chưa đi ạ. Con sẽ ở nhà khoảng nửa tháng rồi …
Mai Loan cúi đầu. Bà Lâm thấy thế hỏi dồn:
– Tại sao con không đi làm. Hay là con bị ai quấy rầy. Có chuyện gì vậy Loan.
Mai Loan buồn bã cúi đầu:
– Xí nghiệp con làm ăn thua lỗ. Chúng con không còn chỗ làm nữa.
– Hả! Lại mất việc. Thôi mà đừng buồn. Ở nhà rồi cố gắng tìm việc khác mà làm nghe chưa.
– Dạ! Con đâu có buồn chỉ tội cho bà và mẹ …. Thời buổi làm ăn khó khăn, mình lại không gặp chỗ may nên …
Mai Loan xếp đồ đạt từ vali ra ngoài, cô giũ sạch phơi lên sào. Bên ngoài nắng xế tà ngọn cây. Mai Loan ngồi chờ mẹ về.
Cô muốn đi chơi cho thoải mái nhưng chưa gặp mẹ nên còn ngần ngại do dự chưa đi. Mai Loan lại ngồi đếm lá rơi. Lúc buồn cô hay như thế. Nhặt một nắm lá khô trên tay Mai Loan lại thả nó rơi trong làn gió chiều hây hẩy. Cô lặng nhìn lá rơi tự dưng thấy lòng buồn lạ.
Mai Loan buồn cho cảnh gia đình mình. Cô được một người bạn của mẹ giới thiệu vào một xí nghiệp may xuất khẩu. Vất vả lắm họ mới cho vào làm. Làm hơn hai tháng họ lại tuyển công nhân tay nghề cao. Thế là cô bé bị thôi việc ngày hôm qua do trình độ học vấn thấp. Cô bé buồn bã ôm vali trở về quê ngay từ trưa.
Mai Loan rất sợ mẹ biết chuyện này, nhưng làm sao giấu được mẹ. Cô ngồi thẩn thờ chờ mẹ về. Buổi chiều gió càng to làm cho cây cối ngả nghiêng ào ào.
Có tiếng bước chân nhẹ nhàng đến bên cô:
– Ủa! Về hồi nào đó cô nương sao không cho mẹ hay trước để đi rước con.
Mai Loan giật mình ngẩng lên nhìn mẹ:
– Mẹ về!
– Làm gì mà con thẩn thờ thế kia? Về tự bao giờ?
– Con về lúc trời trưa chờ mẹ cả buổi nay rồi.
– Vậy à? Thôi vào nhà mẹ con mình vừa làm vừa nói chuyện.
– Tối đến rồi mẹ con mình nằm tâm sự. Bây giờ con đi dạo một chút nghen mẹ.
Mẹ Loan trố mắt nhìn con:
– Không được đi con à?
Mai Loan thật thà ngỡ mẹ mình không cho đi chơi nên nói:
– Mẹ ơi! Con đi lòng vòng bìa rừng này chứ có đi đâu mà mẹ lo. Lúc trước mẹ nhớ con vào rừng vào ban đêm, con còn đến suối mơ để tắm rửa. Có gì mà sợ.
Mẹ Loan hoảng hốt:
– Con ơi! Mấy tháng nay con đâu biết có ở nhà xảy ra rất nhiều chuyện ghê rợn. Rừng Trúc Phương bây giờ đầy ma quái, quái vật xuất hiện giết người. Đã có nhiều cô gái chết không toàn thây. Mẹ nghe đồn ma ăn mắt người, ăn cả óc.
Người bị hại không còn đôi mắt, khối óc. Họ gọi thủ phạm là con yêu tinh chuyên ăn óc, mắt người. Con không được đi ra khỏi nhà nhất là ban đêm nguy hiểm lắm.
Mai Loan cười lớn:
– Ôi! Mẹ ơi, mẹ lúc nào cũng mê tín dị đoan. Thời đại này bây giờ làm gì có ma với quỉ. Nếu có thì do con người giả dạng làm điều xấu, che mắt người khác mà thôi.
– Ối! Sao con lại nói vậy. Ma thật đó. Công an đã điều tra hơn tháng nay mà chưa thấy dấu vết gì. Con bảo không phải ma chứ là gì? Tóm lại con không được đi xa, nghe mẹ đi con.
Mai Loan không cãi mẹ nữa:
– Dạ! Con nghe rồi. Nhưng mẹ cho con qua nhà Ái Xuân gần đây được không?
– Được, chơi chút rồi về nghen.
Mai Loan nói xong, cô vội đi ngay. Ngang nhà Ái Xuân thấy đóng cửa then cài, cô đi thẳng vào rừng Trúc Phương.
Mai Loan chợt nhớ rừng da diết. Cô bé nhớ cây cổ thụ, nhớ cây lim già, nhớ cây dương, cây tùng bên suối mơ. Cô nhớ những hòn đá bên dòng suối trong veo, dòng nước âm ấm lâng lâng cả người. Nỗi nhớ da diết buột chân cô cứ đi tới, đi sâu vào rừng quên cả lời mẹ dặn.
Trời bắt đầu nhá nhem.
Màn đêm buông xuống dần phía núi Rặng núi xa làm mờ nhạt pha màu trắng sữa nhạt nhòa.
Mai Loan quay trở về bên suối mơ cô ngồi ngắm dòng nước trong veo. Gió thổi đều đều trên vòm cây cao tít ở đầu. Mai Loan thò chân xuống quẫy mạnh.
Dòng nước êm ả biến thành những vòng tròn lớn nhỏ đều đều rồi biến mất.
Mai Loan cứ đẩy dòng nước dưới chân ra xa rồi cô nhìn ngắm một mình. Cô vui đùa cho khuây khỏa nỗi buồn.
Trời tối hẳn.
Mai Loan vẫn chưa muốn về. Rừng đêm êm ắng không một tiếng động.
Bỗng Mai Loan nghe tiếng khẹt khẹt, khẹt khẹt. Cô giật mình lấy làm lạ vội đứng lên nhìn quanh quất. Rừng vẫn im lặng. Xa xa có tiếng hú dài của con vượn đi ăn đêm. Mai Loan chạy đến bên hòn đá nhìn thử. Không có ai. Cô hơi lo quay lưng lại định rảo bước về nhà.
Mẹ của Loan ngồi chờ cơm đến tám giờ vẫn chưa thấy về, bà ngoại lẩm bẩm hỏi:
– Cái con này đi đâu giờ này chưa về, lạ quá. Hồi chiều nó nói nó đi đâu hả Hai?
– Dạ nó bảo với con là nó vào rừng chơi, nhưng con không cho, bảo với nó là trong rừng có ma cho con Loan nó sợ. Con thấy hình như nó không tin.
– Rồi con cho nó đi à?
– Không con căn dặn kỹ rồi. Mai Loan cũng hứa với con không đi. Bây giờ vẫn chưa về con lo quá mẹ ơi.
– Con nhớ lại đi nó có thể đi đâu ngoài rừng Trúc Phương và suối mơ?
Mẹ của Loan bóp trán suy nghĩ:
– À! Nó bảo con là qua nhà Ái Xuân chơi mẹ ạ!
– Vậy con qua đó tìm xem sao? Thôi để kẻo khuya tối lắm không thấy đường đó.
Mẹ Loan dìu bà Lâm vào nhà:
– Thôi mẹ đừng lo, mẹ nghỉ đi con sẽ đem nó về đây cho mẹ mà.
Bà Lâm vội bước vào nhà. Đáng lẽ bà đi theo mẹ Loan nhưng vì lo sợ bà run rẩy tay chân đành vào nhà ngồi chờ. Bà Lâm râm khấn vái cho cháu mà mau trở về. Bà nấu cơm dọn sẵn chờ Mai Loan.
Me Loan đi một thoáng đã quay về dáng vẻ hớt hơ hớt hải:
– Mẹ ơi! Mai Loan không có qua nhà Ái Xuân … Trời ơi! Chắc nó vào rừng Trúc Phương rồi. Ôi! Trời ơi con tôi, sao con lại dại dột vậy hả Mai Loan.
Bà Lâm sợ hãi quá bà khuỵu xuống bên chiếc ghế dài không thở được:
– Cháu ơi là cháu. Sao cháu đi đâu mà không nói với bà một lời vậy hả Mai Loan.
Mẹ Loan lo sợ không kém, mặt mày xanh như tàu lá chuối, bà cũng run rẩy không ngớt:
– Mẹ ơi! Con lo cho Mai Loan quá, lỡ nó có bề gì sao mẹ con ta sống cho được.
Bà Loan chợt khóc hu hu:
– Mai Loan dại dột, bây giờ con ở đâu? Tại sao con lại bỏ nhà đi thế này?
Bà Lâm chợt ngừng lại nhìn vào...