Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
(Đất nước - trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Có lẽ khi viết hai câu thơ giản dị mà thấm thía nhường này, linh hồn và bản sắc dân tộc Việt Nam, dòng sữa văn hoá dân gian đã khởi nguồn, thấm sâu trong cảm thức thơ Nguyễn Khoa Điềm, ám ảnh tới mức trở thành máu thịt. Ca dao dân ca có từ thủa “ngày xửa ngày xưa ấy” nhưng vẻ đẹp của nó vẫn tồn tại mãi như con thuyền chở nặng hồn dân tộc đã neo đậu nơi bến bờ tâm linh của mỗi người dân Việt. Đó là những vẻ đẹp từ ngàn xưa của đất nước, của lao động, của hồn người... nguyên sơ và tự nhiên như hơi thở... Những nhà thơ lớn của dân tộc bao giờ cũng là người tiếp thu gìn giữ và sáng tạo từ kho tàng thơ ca dân gian ở nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, đặc biệt là những biểu tượng nghệ thuật.
Ca dao có nhiều biểu tượng nghệ thuật, như : cái cầu, thuyền và bến, cái áo, dòng sông, cây tre, con bống, con cò, cây đa, bến nước, mái đình ... những biểu tượng này xuất phát từ cuộc sống dân dã của người bình dân Việt Nam. Từ những câu ca dao dân ca viết về những hình ảnh ấy, ta hiểu được đời sống tình cảm phong phú mãnh liệt nhưng duyên dáng, tế nhị của người dân lao động. Các tác giả văn học viết đã hút nhuỵ văn hoá dân gian để làm giàu có cho trữ lượng thơ ca của mình. Hình tượng trong thơ ca xưa khi được tái sinh trong các thi phẩm về sau vừa mang dấu ấn truyền thống vừa có những nét mới mẻ, độc đáo, đặc sắc. Hình tượng “Con cò” trong ca dao dân ca đã trở thành thân thuộc gần gũi với người Việt đến khi cánh cò bay đi bay về trong những thế giới nghệ thuật thơ, nó đã mang những hình sắc linh động cho tứ thơ, lời thơ. Tú Xương ở nửa cuối thế kỉ XIX đã mượn hình ảnh “thân cò” để kí thác tấm lòng thương yêu, ân tình sâu nặng đối với người vợ của mình. Sang thế kỉ XX thi sĩ Chế Lan Viên đã viết bài thơ Con cò như một khúc hát ru cho em nhỏ bằng lời người mẹ thương con.
Ca dao dân ca - “đó là tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng”. (Vũ Ngọc Phan), vì vậy, điệu hồn dân tộc đã đọng lại, thấm sâu vào những bài ca dao và kết tinh thành ý nghĩa biểu tượng. Diện mạo dân tộc Việt Nam “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà” (Huy Cận), in dấu bản sắc vào những hình ảnh mang tính tượng trưng, ước lệ như con bống, con cò ... biểu hiện cho nhân sinh quan, thế giới quan của người dân lao động. Trong ca dao dân ca Việt Nam có rất nhiều bài nói đến con cò.
Theo Vũ Ngọc Phan : “Những câu ca dao hay của ta và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết đều mở đầu bằng” con cò... “con cò bay lả bay la, con cò bay bổng bay cao, con cò lặn lội, con cò trắng bạch như vôi, con cò vàng, con cò kì, con cò quăm ... vv”. Con cò đã làm bạn với người nông dân bao đời : con cò lội ruộng, con cò đứng trên bờ rỉa lông rỉa cánh, con cò bay trên đồng lúa bát ngát ... Bạn thân nhất gắn bó với cuộc sống con người, trong lao động và sản xuất là con trâu. Nhưng con trâu phải sống cuộc đời vất vả, cực nhọc, lầm lụi, nặng nề, nên thường được người nông dân liên hệ với thân phận cơ khổ của mình. Còn cánh cò trắng muốt, tinh khiết đẹp một vẻ thanh cao, trong sạch, vẫy vùng trên trời cao cùng mây gió như là hình ảnh về một cuộc sống thảnh thơi êm đềm mà vẫn chăm chỉ cần mẫn như người dân lao động xưa hằng mong ước. Nội dung những bài ca dao viết về con cò rất phong phú, gắn với đời sống và cảm thức nhân sinh trong xã hội phong kiến nước ta.
Nhạc điệu bài ca khêu gợi nhiều xúc cảm trữ tình, khắc khoải, da diết hoặc du dương mềm mại ... Trong những bài hát ru em, bài lý giao duyên, cũng như hát trống quân, nam nữ đối đáp, trước khi đưa ra những lời tình tứ mặn nồng thì thường giáo đầu bằng những câu có hình ảnh cánh cò bay bổng như muốn nâng hồn người cất cánh :
Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam bên nữ ta cùng hát lên ...
Hình ảnh đàn cò trắng tương trưng cho sự đoàn tụ, sum họp. Những người thưong nhau mà phải chịu cảnh xa xôi cách trở khi thấy đàn cò bay lượn có bầu có bạn trên cánh đồng, lại hát lên những lời nhớ nhung thắm thiết :
Một đàn cò trắng bay quanh
Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ Trăng
Trí tưởng tượng của người nông dân thật lãng mạn. Nỗi nhớ của “mình” với “ta” như “loan nhớ phượng” như “Cuội nhớ Trăng”, nhưng cũng hết sức đời thường : được ví “Mình nhớ ta như cà nhớ muối”. Đó cũng chính là hai nét tâm hồn người lao động.
Hình ảnh con cò cùng với những con chim đồng loại với nó như con vạc con bồ nông ... là những loại chim phải kiếm ăn ngày đêm trên cánh đồng khiến người nông dân chạnh nghĩ, chạnh thương cho những cuộc tình duyên trắc trở mà ngay cả những người cùng máu mủ cũng không đồng cảm bằng những người trong cảnh ngộ :
Cái cò, cái vạc, cái nông
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca
Muối kia đổ ruột con gà
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình
Ngoài giọng điệu trữ tình, những bài ca dao có hình ảnh con cò còn mang giọng điệu châm biếm đã kích cái xấu. Bài ca dao “con cò quăm” phê phán người chồng rượu chè, gia trưởng. Bài ca dao sau lại nhằm vạch trần bộ mặt tham lam độc ác của những kẻ giàu có, thất đức, bóc lột người dân nghèo :
Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo vặt lông cái nào
Vặt lông cái vạc cho tao !
Hành, răm, mắm, muối bỏ vào mà thuôn.
Hình ảnh con cò trong ca dao có thể đi kèm với những nội dung khác nhau, nhưng thông thường người nông dân vẫn cảm thấy thân phận mình, số kiếp mình gần gụi, tương đồng với con cò. Cũng như thân cò lớn lên giữa bao la hệ lụy mà vẫn giữ được cốt cách trong sạch, thanh cao, phải vật lộn mưu sinh trong nắng nôi giông bão của đời mà không tìm được chốn cho mình nương náu chở che :
Trời mưa quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn ...
Cảnh mưa gió làm cho mọi vật đều bất an, bị động : con ốc co mình vào vỏ, con tôm nhảy bật lên, quả dưa như không giữ được hình trạng bình thường... Nhưng chỉ có con cò vẫn miệt mài lặn lội trong nương dâu bãi bể, trong cuộc mưu sinh, trong nỗi quanh quẽ âm thầm ... Đó cũng là hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó, “ăn gió nằm mưa”, gặp giông tố không sờn để có thể tồn tại, nâng cao đời sống và đấu tranh cho sự sống của mình.
Có thể nói, trong ca dao dân ca, hình ảnh con cò gắn với tư duy hình tượng của người nông dân Việt Nam về cuộc sống của mình, nói lên những đức tính truyền thống lao động tốt đẹp và cả những thói tật xấu, gửi gắm ước mơ và tình cảm, đồng thời cũng dùng hình ảnh con cò để khêu gợi hồn thơ.
Hình ảnh con cò đã mang chở một mảnh hồn quê hương một mảnh hồn làng. Đó là hình ảnh thi vị nhất, nên thơ và truyền cảm nhất, đã nằm sâu trong tâm thức người Việt về một cái đẹp thanh bình, yên ả. Những bài ca dao nói về con cò cũng ẩn chứa tình đời, tình người, niềm vui và nỗi buồn nhân thế. Hình ảnh con cò trong lớp sương mờ kí ức còn trong veo những giọt nước mắt thương về bà, về mẹ, về chị, về quê hương xứ sở, về căn cốt bản địa của mỗi người ... Có ai đã từng được nghe hát ru lại có thể quên được bài ca dao bao đời nay vẫn giữ cái nguyên uỷ sâu xa về tình nghĩa cội nguồn. Thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương của những đứa con hành hương tìm về quê Cha đất Tổ :
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh ...
Và có ai không thương xót ngậm ngùi cho thân phận người nông dân thủơ xưa, sống lầm lụi, cần mẫn, chăm chỉ mà phải chịu cảnh ngộ oan khiên. Nhưng trong cảnh hiểm nghèo con cò vẫn giữ tiết tháo trong sạch, đó cũng là thái độ trung thực và minh bạch của người nông dân, là lẽ sống cao cả, giàu đức hy sinh của người phụ nữ :
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Bài ca dao đã trở thành bài hát ru con của người phụ nữ Việt Nam bao đời nay. Gợi những ám ảnh lắng đọng và thao thức khôn nguôi về kiếp chúng sinh nhỏ nhoi tội nghiệp, với một nỗi lo âu khắc khoải cho sự sống trong không gian nhân thế đầy bất trắc. Những buổi chiều đời tàn muộn như phủ xuống lòng người một nỗi buồn thê lương. Con người lại lênh đênh chiếc bóng giữa trần ai, biết đâu những cơn giông tố bão bùng, những tưởng có nơi nương tựa chở che nào ngờ cũng chứa chất đầy hiểm hoạ. Con người lưu lạc như con cò xa tổ dự cảm về những cành mềm định mệnh làm cho cuộc đời mình lỡ dở, làm sao không hoảng sợ, bất an. Người mẹ bao giờ cũng là người nhiều lo âu, linh cảm về nỗi đời bất trắc có thể xảy ra đến với đứa con thân yêu của mình. Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên có hình tượng nổi bật là con cò và đứa trẻ được mẹ hát ru, nhưng hình ảnh người mẹ cứ phảng phất trong từng câu từng chữ. Câu ca dao xưa làm đau lòng người trước những lời than van nhỏ máu của cò mẹ, trong khoảnh khắc tuyệt vọng cuối cùng cò mẹ chỉ nghĩ về cò con.
Những câu thơ nghẹn ngào của một linh hồn đẫm lệ được lọc qua hồn thơ Chế Lan Viên, gạn chắt đi bao nỗi đau đớn và để lại nhiều ý vị đằm thắm. Chi tiết “cành mềm” như một thứ bóng chập chờn trong cảm thức, trở đi trở lại hai lần ở bài thơ. Nhưng không gây cảm giác ớn lạnh. Hay đúng hơn là mẹ đã giấu kín những linh cảm lo âu, mẹ đã dang rộng vòng tay che chở cho đứa trẻ mỏng mảnh non nớt của mẹ. Mẹ hát cho con nghe về “cành mềm” - một giấc mơ đời thoáng chốc, hư ảo, mẹ nâng trên tay bao nỗi phiền muộn cho con trên mỗi bước đường. Con “ngủ chẳng phân vân”. Để con không biết những cành mềm, những con cò con vạc tội nghiệp trong lời mẹ hát. Con cò ở khổ một là con cò trong câu ca dao xưa mẹ ru, là “con cò ảo”, - con cò của trí tưởng tượng trong sáng, kì diệu. Sang khổ hai con cò đã biến thành “con cò thật”. Cò đã thoát thai từ những lời ru đến làm quen với con. Con cò được nhân cách hoá - một biện pháp nghệ thuật thường xuyên xuất hiện trong ca dao dân ca. Những câu thơ bỗng trở nên sinh động, ngộ nghĩnh như một câu chuyện ngụ ngôn về loài vật : “cò trắng đến làm quen”, “cò đứng ở trong nôi”, “cò vào trong tổ”, cò ngủ cùng con, “cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”, cò theo chân con đi học ... Trong thơ ca Việt Nam chưa có bài thơ nào viết về con cò sinh động, tỉ mỉ và đầy thân ái như thế. Và cũng chưa bao giờ, trong thơ ca Đông Tây kim cổ lại có một ước mơ kì lạ như của người mẹ trong bài thơ này : “Lớn lên, lớn lên, lớn lên ... con làm gì ? Con làm thi sĩ”.
Nếu ta biết rằng người mẹ của một nhà thơ nước ngoài đã chỉ lên trời xanh mà giận trời đã bắt con mình làm thi sĩ, hoặc ngay cả nhà thơ Nguyễn Bính cũng ngậm ngùi vì cái nghiệp thi sĩ đầy khổ lụy đến nỗi phải dặn dò con : “Mai sau đừng lấy chồngthi sĩ” hoặc tự thán “ Còn tôi trời bắt làm thi sĩ”. Bởi có người mẹ nào lại muốn con mình bị đầy đoạ vì cái nghiệp thơ ca khổ ải cho đến cùng đời mãn kiếp bao giờ ? Ta hiểu rằng ngoài yếu tố riêng tư, người mẹ trong bài thơ của Chế Lan Viên đã có một ước mơ nhân văn nhất cho con mình. Những lời ca dao mẹ ru đã thấm sâu vào máu thịt tâm hồn con, nuôi nấng trong lòng con một tình yêu bền bỉ và thắm thiết với thi ca. Con sẽ làm thi sĩ để biến cánh cò tuổi thơ thành vĩnh cửu : “cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ...”, cánh cò hoá thân trong những trang thơ đầy hương sắc “trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn” ... Sang đến khổ ba, giữa cò và con đã có mối thâm tình chung thuỷ : “Cò sẽ tìm con, cò mãi yêu con”. Đoạn thơ theo đà để gieo xuống một triết luận : “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Bài thơ về con cò đã trở thành câu chuyện của nhân sinh. Đó là bóng dáng của một cái đẹp trinh khiết viên mãn đôi khi bay qua cuộc đời người để lại niềm luyến nhớ mênh mông : “một con cò thôi - con cò mẹ hát - cũng là cuộc đời - vỗ cánh qua nôi”.
Từ bài thơ của Chế Lan Viên, ta hiểu được một điểm quán xuyến trong tâm hồn người Việt : tình yêu cuộc sống và khát khao được hoà hợp với vạn vật thiên nhiên. Con cò đã bầu bạn với con người, cò đã mang hơi ấm vào những trang thơ. Ngay từ buổi đầu của nền văn học viết bằng chữ Nôm đã có hình ảnh con cò. Trong phần thơ Nôm của Nguyễn Trãi - tác gia đặt nền móng cho văn học viết, hình ảnh con cò hiện lên thật gần gũi thân thương :
Cò nằm, hạc lẩn nên bầu bạn
ủ ấp cùng ta làm cái con
Người và cò ủ ấp nhau, người coi cò như con cái, như bầu bạn của mình khuya sớm.
Trong văn học trung đại, những tác giả lớn thường là những người có ý thức rất cao về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, không để nền văn hoá, văn học của mình bị đồng hoá bởi những yếu tố ngoại lai. Hình ảnh con cò trong thơ trung đại Việt Nam không phải là con cò tượng trưng ước lệ trong thơ Đường Tống mà là con cò của quê hương làng cảnh Việt Nam. Trong bản dịch khúc ngâm “Chinh phụ ngâm” - thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn sang thơ Nôm, Đoàn Thị Điểm đã đặt hình ảnh con cò như một nét điểm xuyết trong bộ tranh tứ bình (đây là bức tranh thứ nhất) :
Trông bến nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm ...
Nền văn học trung đại Việt Nam kéo dài từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XX, Tú Xương là một trong những nhà thơ thuộc giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phát triển ấy. Tú Xương được biết đến như là một bậc thầy của thơ trào phúng với những lời thơ linh hoạt, sâu sắc, có tính chất phê phán mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của những thi phẩm trữ tình làm xúc động lòng người. ở mảng thơ này nổi bật bài Thương vợ. Bài thơ kí tác tâm sự thương yêu và biết ơn của ông Tú đối với người vợ tảo tần hiền hậu. Nhà thơ đã mượn hình ảnh con cò làm ẩn dụ cho người vợ phải dãi dầu mưa nắng :
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông ...
Trong ca dao dân ca, hình ảnh con cò cũng được ví với thân phận người phụ nữ, nhưng đôi khi còn chỉ cả đối tượng là nam giới (cái cò kì, cái cò quăm). Nhìn chung con cò là hình ảnh tượng trưng cho người dân lao động. ẩn dụ cho người phụ nữ, một hình ảnh cũng thường được nhắc đến trong ca dao dân ca, đó là hình ảnh con bống. Con bống xinh xẻo, hiền lành, dịu dàng nên thường được mượn để nói về người thiếu nữ hay người thiếu phụ Việt Nam (Cái bống đi chợ..., cái bống cõng chồng..., cái bống nấu cơm, nấu nước, cái bống lấy chồng Kẻ Chợ..). Nhưng xét về mức độ biểu cảm, hình ảnh con cò vẫn in sâu vào cảm thức người Việt một niềm xót thương cho thân phận người phụ nữ hơn là con bống. Con cò lặn lội nơi bờ sông bãi vắng không ngại nắng mưa có khác nào người vợ tảo tần chẳng quản gì vất vả mệt nhọc, lặn lội giữa dòng đời để gánh vác gia đình. Người vợ của Tú Xương một mình phải “nuôi đủ năm con với một chồng”, phải dấn mình vào cái chợ đời chìm nổi bộn bề với những lo toan. ở bến sông quê hương đã nghẹn ngào tiếng khóc từ thủa ca dao “con cò lặn lội bờ sông - gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” hình như đến thế kỉ XIX này vẫn chưa dứt nỗi đoạn trường.
Trong câu thơ của ông Tú nó âm thầm hơn, là nước mắt lặn vào trong của hành trình giông bão đời người : “lặn lội ... quãng vắng” “eo sèo mặt nước...”. Bài thơ không trực tiếp nói về tính cách bà Tú nhưng ta hiểu đó là một người vợ hiền hậu chịu đựng rất mực, không bao giờ có một lời oán trách, âu cũng là duyên, là nợ, là nghĩa, là tình. Duyên nợ, nghĩa tình. Những từ ghép ấy tồn tại trong Tiếng Việt bởi người Việt ta vốn trọng tình cảm. Và hình ảnh con cò, một vẻ đẹp dịu dàng man mác buồn, gợi thương gợi cảm rất hiếm hoi trong thơ Tú Xương - phải chăng cũng là biểu tượng để giữ gìn cái duyên sâu lắng cho một hồn thơ chừng như có nguy cơ chông chênh giữa tính chân thực sâu sắc với sự gay gắt thái quá.
Bài thơ Thương vợ của Tú Xương với hình ảnh con cò làm ẩn dụ cho người vợ hiền thảo, kì diệu thay, lại đồng thanh khí với một bài thơ của thi sĩ hiện tại. Ta như cảm thấy cái hơi thơ đằm thắm, phảng phất nỗi ngậm ngùi xót xa của nhà thơ giành cho người vợ truyền từ đầu cho đến cuối thế kỉ XX. Xin đọc những câu thơ sâu lắng của Thu Bồn :
Mong em về trước cơn mưa
Mây giăng kín núi đò chưa cập cầu
Thương em nhiều nỗi nông sâu
Truân chuyên con nước biết đâu anh dò
Ba mươi năm một chuyến đò
Chưa xong chuyến, lại thân cò sang sông
Trăm năm một chuyến bềnh bồng
Chua chanh chát muối vẫn nồng trầu cau ...
( Mong em về trước cơn mưa )
Thơ hiện đại tiếp thu, đồng thời triển khai ca dao theo chiều ý nghĩa mới mẻ. Hình ảnh “con cò” trong thơ còn mang tính giáo dục sâu sắc nhưng nhuần nhụy. Những khúc hát ru có hình ảnh con cò đã lưu giữ cội nguồn nhân bản truyền thống trong tâm linh con người về tình mẫu tử, tình yêu quê hương, gia đình, thiên nhiên, đất nước... Trong các nhà thơ hiện đại, Nguyễn Duy mang điệu hồn truyền thống đậm đà. Ông có nhiều bài viết về lời ru : “Lời ru con cò biển”, “Lời ru trong bão”, “Tập ru con”, “Ca dao vọng về”. Trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, bóng cò cũng khắc chạm theo nỗi nhớ miên man về lời ru của mẹ :
Cái cò ... sung chát ... đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau lớn con còn nhớ chăng.
Đó là hình ảnh con cò trong những bài thơ từ xưa đến nay biểu tượng cho người phụ nữ, người vợ, người mẹ Việt Nam. Đất nước ta thuộc loại hình văn hoá gốc nông nghiệp, nên con cò còn là biểu tượng của quê hương xứ sở. Cánh cò bay trên những cánh đồng thơm ngát của làng quê trù phú :
Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
( Tiếng hát mùa gặt - Nguyễn Duy)
Cánh cò tươi mát bay bổng như hứa hẹn và ấp ủ niềm mơ ước về ngày mai tưoi đẹp hoà bình và...