phồn vinh :
Quê hương ta nghe phấp phới trong lòng
Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông
( Trên đường thiên lí - Tố Hữu)
Hình ảnh con cò tô điểm cho bức tranh quê hương đất nước. Cánh cò bay như đưa hồn người trở về với bản tâm mình. Cội nguồn quê hương chính là cội nguồn sáng tạo, và hình ảnh cánh cò đã khơi dậy cảm hứng và men say thi tứ ngọt ngào :
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu ...
( Nguyễn Đình Thi - Bài thơ Hắc Hải )
Trong tuyệt tác Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, cánh cò bay lên từ những câu thơ đầu tiên :
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về.
Cánh cò về trong những lời mẹ gọi, cánh cò mang chở những mộng mơ thi vị trong tiếng Việt yêu dấu ân tình. Cánh cò chính là một vẻ đẹp trong đời sống nội tâm của dân ta.
Hình ảnh con cò ghi lại những nét trữ tình đằm thắm bằng thơ trong bản lí lịch tâm hồn dân tộc Việt Nam. Con cò trở thành một biểu tượng tinh thần của người Việt. Cánh cò trắng tựa như tấm lụa bạch thấm những giọt mồ hôi, nước mắt, lắng những tiếng cười niềm vui của bao thế hệ. Có phải vì thế mà những biểu tượng văn hoá Việt Nam thường không thể thiếu hình ảnh cánh cò (trên trống đồng, những bức tranh dân gian ...). Cánh cò thấm đượm tình dân tộc, đậm đà sắc dân gian lưu truyền trong thơ ca Việt Nam từ nền thơ ca dân gian cho đến nền văn học bác học. Hình ảnh con cò là ẩn dụ cho những nét tính cách, tâm hồn, là một nét diện mạo thế giới quan, nhân sinh quan của người dân lao động. ... Những câu thơ nói về con cò đã kết tinh lòng yêu quê hương đất nước, tình thân ái thăm thẳm tiếp nối bao đời. Cánh cò sẽ mãi mãi như một lời nhắc nhở cho sự trở về của mỗi hồn thơ, hồn người, như một sự tô điểm cho sắc diện tâm hồn thi sĩ. Những vần thơ của Tú Xương, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ ... có hình ảnh con cò sẽ còn vỗ đập trong lòng người những nhịp rung cảm thương yêu.