Logo Apple là một trong những logo nổi tiếng nhất trên thế giới. Các fan hâm mộ thậm chí còn dán logo Apple lên xe, hay xăm luôn lên mình, một sự yêu quý cuồng nhiệt mà chỉ rất ít thương hiệu mới có được. Logo của Apple được ngưỡng mộ bởi sự đơn giản, cùng nhiều tầng nghĩa vây quanh. Đã 30 năm trôi qua, nó vẫn y như thế, và tôi đồ rằng, 30 năm sau nữa, sẽ vẫn chẳng có tác động to lớn nào làm ảnh hưởng đến nó.
Khi Jean Louis Gassée (Giám đốc điều hành của hãng Apple, từ năm 1981 đến năm 1990) được hỏi về cảm nghĩ của mình đối với logo Apple, ông đã nói:
Một trong những bí mật lớn nhất đối với tôi chính là logo của chúng tôi, biểu tượng cho lòng ham muốn và sự hiểu biết, bị cắn mất một góc, phủ đầy các dải màu cầu vồng, sắp xếp theo một trật tự ngẫu nhiên. Bạn không thể mong đợi một logo nào hoàn hảo hơn: Ham muốn, Hiểu biết, Hy vọng và Nổi loạn.
Vì sự xuất hiện quá nhiều giai thoại về logo này, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với Rob Janoff, tác giả của logo để được biết thêm sự thật. Ông sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều về nó.
Phiên bản “Cầu vồng” của logo Apple
PV: Ông đã thiết kế phiên bản logo quả táo nhiều màu khi nào?
RJ: Đầu năm 1977. Chúng tôi tiếp xúc với công ty Apple vào khoảng tầm tháng 1 năm đó. Logo này sau đó được cho ra mắt cùng với dòng sản phẩm Apple II vào tháng Tư.
PV: Thời gian khi đó ông vẫn còn đang làm việc cho công ty thiết kế chứ?
RJ: Đúng vậy, tôi là việc cho công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện có tên Regis McKenna, chức danh của tôi khi đó là Giám đốc Thiết kế.
PV: Anh có gặp Steve Jobs không?
RJ: Có, trước cả khi công ty Apple chính thức đi vào hoạt động. Họ là 3 doanh nhân trẻ, bao gồm Steve Jobs, Steve Wozniak và Mike Markkula. Steve là người nhiều tuổi nhất và là thủ lĩnh. Lý do khiến công ty tôi nhận được dự án này là bởi Mike Markkula chơi rất thân với sếp của tôi – Regis McKenna.
PV: Ông đã nhận mô tả công việc từ họ?
RJ: Thực sự không có bản mô tả công việc nào cả. Thật thú vị khi chỉ dẫn duy nhất mà tôi nhận được từ Steve Jobs là “Đừng làm nó trông dễ thương“. Chỉ có thông tin về trình tự công việc cần làm: Đầu tiên là logo, kế đó là mẫu quảng cáo giới thiệu, rồi đến brochure. Nhưng nói chung, công việc được tiến hành khá tự do. Có một logo trước đó của Apple làm tham khảo cho thiết kế của tôi, logo do Ron Wayne – người làm việc về thiết kế với 2 ngài Steve từ buổi đầu, về sau cũng có phần hùn trong công ty – thiết kế. Ron đã vẽ theo phong cách bút sắt bức hình của nhà khoa học Isaac Newton đang ngồi dưới cây táo, cùng với một đoạn thơ trên đường viền xung quanh bức tranh. Tôi nghĩ, có lẽ Steve Jobs cảm thấy logo này không phù hợp lắm khi đặt lên vỏ máy dòng sản phẩm Apple II, nên đã yêu cầu thiết kế một logo khác
Phiên bản Apple II
Rob Janoff vào năm 1977
PV: Có bao nhiều phương án được trình bày ?
RJ: Chúng tôi đã giới thiệu 2 phương án. Một có và một không có miếng cắn, để phòng hờ trong trường hợp phương án có miếng cắn trông “quá dễ thương” trong mắt của Steve. May mắn thay, Steve đã lựa chọn phương án quả táo có miếng cắn vì nó trông cá tính hơn. Thành thực mà nói, phương án quả táo sẽ không dễ được thông qua nếu không có thêm nhiều phương án thiết kế xoay quanh nó. Chúng tôi đã cho ông ta xem nhiều biến thể khác nhau của quả táo, bao gồm: quả táo nhiều sọc màu, quả táo một màu, quả táo giả kim loại. Tất cả đều cùng chung một hình dáng.
PV: Vậy là ngay khi đó, anh đã biết phải cần có phương án quả táo dạng một màu và giả kim loại?
RJ: Vâng, đại loại là thế. Khi in ấn, dù logo có một hay 2 màu, bạn đều phải lưu ý đến yếu tố kỹ thuật nhằm giúp logo được in ra dễ dàng. Tôi nhận thấy rằng, phương án logo có sọc nhiều màu sẽ rất khó cho in ấn, ngoài ra nó cũng gặp vấn đề khi ở dạng đơn sắc.
Steve Jobs lúc còn trẻ
PV: Phải chăng các sọc màu của logo phản ánh chất hip-py, một trào lưu thời trang và lối sống khi đó?
RJ: Nó chỉ bị ảnh hưởng phần nào thôi ! Cả tôi và Steve đều cùng sống trong giai đoạn đó, nhưng lý do chính dẫn tới ý tưởng “sọc cầu vồng” nằm ở chính bản thân sản phẩm: Apple II là dòng máy vi tính dành cho cá nhân và gia đình đầu tiên sử dụng màn hình màu. Vì thế dải màu trên logo tượng trưng cho dải màu trên màn hình. Ngoài ra, “sọc cầu vồng” cũng là nỗ lực giúp cho logo trở nên gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang ngồi trên ghế nhà trường.
PV: Vào thời điểm mà hầu hết logo đều có từ 1-2 màu, phương án logo “sọc cầu vồng” của Apple chắc chắn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều người?
RJ: Steve thích ý tưởng logo này, vì ông luôn thích những gì được nghĩ khác đi. Dù không hẳn là một cuộc cách mạng, nhưng logo đã cho thấy sự khác biệt. Tuy vậy, tôi đã nhận được rất nhiều sự phản đối từ một người quản lý cấp cao trong công ty tôi, ông ấy thậm chí còn chống lại tôi trong buổi thuyết trình phương án trước Steve, khi cho rằng nếu phương án này được thông qua, việc in ấn sẽ làm công ty Apple bị phá sản trước cả khi nó chính thức đi vào hoạt động. Nhưng Steve vẫn mặc kệ. Ông thể hiện mình có óc cảm thụ tốt và yêu thích sự độc đáo. Một điều tôi muốn bổ sung, ý tưởng biến máy tính trở nên dễ tiếp cận hơn cho các hộ gia đình đã là một ý tưởng điên rồ, bởi vì máy tính khi đó chỉ dành cho các công ty lớn, có tầm nhận thức cao về công nghệ hay đại loại là như vậy. Hầu hết các máy tính cá nhân được bán ra lúc này đều có một cái tên rất ư là công nghệ, đại loại như TRS-80. Cái tên Apple trở nên có giá trị, nó đơn giản lại không mang tính công nghệ, vì vậy việc nó phải có nhiều màu là cực kỳ quan trọng (giảm bớt sự tẻ nhạt, bổ sung thêm cá tính)
Adam và Eve – Tác giả: Reubens
PV: Miếng cắn trên quả táo tượng trưng cho điều gì? Có phải nó đang ám chỉ tới thuật ngữ “byte” (1 byte = 8 bit | ND)? Hay tượng trưng cho câu chuyện kinh thánh lúc Eva ăn phải quả cấm? Hay nó ám chỉ tới quả táo đã rơi vào đầu Newton khi ông đang ngồi bên cây táo, giúp ông sau đó phát hiện ra lực hấp dẫn?
RJ: Những câu chuyện trên thật thú vị, nhưng tôi e rằng không có mối liên hệ nào tới chúng cả. Nếu là một nhà thiết kế, đặc biệt là thiết kế logo, bạn sẽ hiểu được cảm giác này, đó là khi tự nhiên bạn thiết kế ra một hình tượng chẳng vì ý nghĩa nào cả, vài năm sau khi nhìn lại, bạn tự hỏi tại sao mình lại có ý tưởng như vậy? Một vài người vẽ ra, để sau đó những người khác khẳng định “Nó chắc chắn có ý như thế !” (Nếu từng học văn trong nhà trường, được nghe phân tích tác phẩm của giáo viên dạy môn Văn, bạn chắc cũng sẽ hiểu phần nào ý nghĩa của tâm sự này, có những nhà văn thậm chí sau khi nghe phân tích tác phẩm của mình còn giật mình tự hỏi không biết lúc viết, mình thật sự có nghĩ tới điều đó không nhỉ? | ND)
Alan Turing
PV: Rất có thể bạn vô tình bị ảnh hưởng bởi chúng mà không biết chăng?
RJ: Tôi là người không theo tôn giáo nào cả, nên chắc Adam và Eve đã không là gì ảnh hưởng tới tôi. “Miếng cắn vào tri thức”, nghe cũng hay đấy nhưng đáng tiếc không phải như vậy ! Tôi có biết tới một lời đồn khác rất thú vị liên quan tới logo: Turing nổi tiếng vì là cha đẻ của ngành khoa học máy tính, ông là người Anh, sau đó đã tự tử vào đầu những năm 50, vì bị buộc tội là người đồng tính, thực tế ông ấy đúng là người đồng tính, vì không muốn đối diện với án tù, ông đã tự tìm đến cái chết. Vì vậy, tôi đã nghe nói tới một lời khẳng định khi cho rằng logo nhiều màu của Apple được thiết kế để tưởng nhớ tới ông. Mọi người nghĩ rằng, các sọc màu gợi nhắc tới lá cờ 7 màu của phong trào đồng tính thế giới. Tin đồn này kéo dài cũng khá lâu và không ít người đã tin vào nó. Liên quan tới câu chuyện, có một chi tiết rất thú vị khác, dường như Turing đã tự sát bằng một quả táo tẩm chất cực độc xy-a-nua. Tôi đã tìm thấy một đoạn trong tiểu sử của Alan Turing, viết về câu chuyện cổ tích ưa thích nhất của ông là “Bạch tuyết và bảy chú lùn”. Khi tôi nói ra lý do tại sao tôi vẽ thêm miếng cắn lên quả táo, có thể bạn sẽ thấy thất vọng, nhưng sự thật vẫn là sự thật, logo Apple khi thu nhỏ lại hay nhìn từ đằng xa, nó sẽ trông giống với trái cherry hơn là trái táo nếu như không có miếng cắn ở bên hông. Việc cắn vào quả táo cũng trở thành một hành động quen thuộc với nhiều người, bất kể họ đến từ nền văn hóa nào, nếu bạn đã từng cầm trên tay một quả táo, bạn đều cắn vào nó mỗi khi ăn vì đó là việc làm đương nhiên. Sau khi thiết kế xong logo, Giám đốc sáng tạo của tôi đã nói với tôi: “À anh biết không, từ “bite: cắn” cũng trùng âm với từ “byte: 8bit” là một thuật ngữ trong lĩnh vực tin học đấy!”. Tôi liền hỏi lại: ” Anh có đùa không đấy?”. Tôi thật sự bất ngờ trước trùng hợp ngẫu nhiên này. Chỉ khi đó tôi mới được cho biết về các thuật ngữ ngành vi tính
PV: Vậy là anh chưa từng thiết kế logo bằng máy tính?
RJ: Vâng, điều này được thấy ở rất nhiều nhà thiết kế trẻ khác. Tôi nhận được rất nhiều email từ khắp nơi trên thế giới hỏi về logo của tôi, làm tôi thật sự mãn nguyện, bởi không phải nhà thiết nào cũng có cơ hội nói chuyện với mọi người về tác phẩm của mình. Một vài trong số đó đã hỏi: Anh thiết kế nó trên máy tính đúng không? Thực tế trong thời gian đó máy tính vẫn chưa thông dụng. Chỉ vài năm sau khi máy Mac được sản xuất và hoàn thiện, tôi mới bắt đầu sử dụng máy tính trong công việc. Còn trước đó, chỉ toàn là bút chì và giấy, keo và kéo, bút và nhiều thứ khác liên quan.
Máy PowerBook của Mac trong bộ phim “Sex and the City”
PV: Anh có cảm giác như thế nào khi thấy thiết kế của mình xuất hiện tại rất nhiều nơi?
RJ: Đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Bạn xem phim thì thấy, các nhân vật chính phần lớn đều sử dụng máy tính có logo quả táo ở trên, như Meryl Streep trong phim “Yêu nữ thích hàng hiệu”. Tôi đã đi nhiều nơi, lúc logo còn ở dạng nhiều màu, khi đến Trung Quốc tôi thấy nó xuất hiện trên bảng quảng cáo khổ lớn. Có nhiều từ Trung Quốc dĩ nhiên tôi không đọc được, nhưng tôi cảm thấy rất tự hào khi thấy đứa con tinh thần đang ở trên đấy, để mọi người cùng xem và cùng tưởng tượng theo cách riêng của mình.
PV: Bạn thấy những thay đổi mà Apple tiến hành trên logo trong nhiều năm qua như thế nào?
RJ: Tôi thấy thích! Các sọc màu đã hoàn thành xong nghĩa vụ, và trở nên lỗi thời. Apple đã thể hiện sự cải cách liên tục cho kịp với thời thế, Steve Jobs rõ ràng rất chú ý đến điều này, ông có trong tay nhiều nhà thiết kế tài năng trong cả hai mảng Thiết kế công nghiệp và Thiết kế đồ họa. Logo Apple hầu như vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu dù trải qua nhiều lần nâng cấp, chỉ thay đổi một chút ít so với phiên bản đầu tiên. Các phiên bản sau của Apple do công ty Landor thực hiện. Họ làm cho màu sắc sáng hơn, đồng thời sửa lại hình dạng logo cho đối xứng và hợp lý về mặt hình học hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì phiên bản do tôi thiết kế được vẽ bằng tay. Những thay đổi trên là cần thiết và tôi rất vui khi họ đang làm khá tốt việc này.
Vấn đề lớn nhất là khi bạn có một tác phẩm thành công từ quá sớm trong sự nghiệp thiết kế, thời gian sau đó, bạn cảm thấy mình như đang đi xuống ở phía bên kia con dốc !
PV: Ngoài logo Apple, anh còn có tác phẩm nào cũng làm anh tự hào?
RJ: Nhiều người quả quyết rằng tôi là một họa sĩ chuyên về thiết kế logo, và tôi đã thiết kế ra rất nhiều logo khác. Đúng là tôi có thiết kế logo, nhưng công việc của tôi lại thiên về quảng cáo nhiều hơn, nhưng chúng không có được thành công hay được nhiều người biết tới như logo của Apple. Vấn đề lớn nhất là khi bạn có một tác phẩm thành công từ quá sớm trong sự nghiệp thiết kế, thời gian sau đó, bạn cảm thấy mình như đang đi xuống ở phía bên kia con dốc. Tôi tự hào về tất cả những gì đã làm. Làm sao tạo ra một mẫu quảng cáo TV, bạn phải học hỏi và tìm tòi thêm. Điều này đã giúp tôi cảm thấy thú vị với công việc. Trong ngành quảng cáo, bạn làm việc với từ ngữ, hình ảnh và làm việc với nhiều người khác. Bạn có nhiều cơ hội hơn để được đưa ra một hình ảnh có nhiều ẩn ý, nhưng cũng phải hợp với bình dân đại chúng.
PV: Anh có sử dụng máy MAC không? Ông vẫn còn làm nghề chứ?
RJ: Tôi thích được nghỉ hưu, nhưng trong ngành công nghiệp này tôi thực sự không thể. Tôi làm việc trên máy Mac, đó là phương tiện làm việc chủ yếu. Tôi là fan trung thành của máy Mac, thậm chí giá của chúng giờ có hơi cao, và không nghĩ tới việc sẽ dùng sản phẩm thay thế khác. Hơn nữa, Mac là sản phẩm tốt nhất sử dụng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa.
PV: Ông có thể kể cho chúng tôi biết một logo thiết kế bởi tác giả khác mà ông thích nhất?
RJ: Có nhiều hơn MỘT đấy. Tôi thích các thiết kế theo phong cách cổ điển như logo Volkswagen, vì nó rất đơn giản lại tồn tại qua một thời gian lâu như vậy. Với các logo có nhiều màu, tôi thích logo của NBC. Tôi thích logo có tạo hình mảng đặc, rỗng sáng tạo, làm người xem bất ngờ.
PV: Giống như logo của FedEx phải không?
RJ: Vâng, đúng thế, đó cũng là logo ưa thích của tôi.
PV: Ông có thể cho chúng tôi biết điều gì là quan trọng nhất cần phải lưu ý mỗi khi thiết kế một logo?
RJ: Điều quan trọng nhất là nó phải đơn giản, vì các nhà thiết kế, đặc biệt là các nhà thiết kế trẻ tuổi, rất thích sự biến tấu, còn khách hàng lại muốn có thật nhiều thứ trong logo của mình. Tôi nghĩ mọi người đều nỗ lực hết sức khi thiết kế logo, để đặt vào đó nhiều ý nghĩa, khiến nó trở nên quá phức tạp. Logo thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau, từ rất đơn giản đến rất phức tạp, kiểm soát được chúng vốn không bao giờ là việc đơn giản. Vì vậy tôi nghĩ, sự đơn giản và dễ hiểu sẽ là chìa khóa của vấn đề. Luôn nghĩ rằng, người xem không bao giờ dành nhiều thời gian bận tâm đến logo đó nhiều như bạn, nên cái nào không làm họ bị thu hút họ sẽ nhanh chóng phớt lờ nó. Tính dễ đọc cũng là một yếu tố quan trọng. Kích thích óc tưởng tượng của người xem bằng một cái gì đó thú vị ngay tức thì có tầm quan trọng không kém. Ngoài ra, bạn cũng cần phải thể hiện được cá tính hay cái tôi của bạn trên các tác phẩm của mình, đây là điều mà tôi vẫn cố gắng thực hiện.
PV: Phần đông các nhà thiết kế đều do tự học. Dẫu vậy, một vài trong số họ vẫn đang làm việc rất tốt. Ông có nghĩ, học hành bài bản là điều cần thiết?
RJ: Tôi không nghĩ thế, vì phần nhiều kiến thức mà tôi có được là từ khi tôi bắt đầu làm việc, không phải từ trường học. Tôi luôn nghĩ, để trở thành một nhà thiết kế thành công phải có khả năng thiên bẩm. Cá nhân tôi thuộc típ người có khả năng làm việc về thị giác, đó là một tiêu chuẩn thật sự quan trọng. Không may là, ngày nay mọi người được hỗ trợ bởi nhiều công cụ đến mức họ không cần quan tâm là mình thực sự có năng lực về thiết kế hay không? Ai cũng nghĩ mình là nhà thiết kế khi làm thành thục các hiệu ứng trong Photoshop. Nói tóm lại, có thể không cần học hành chính quy, nhưng bạn nhất thiết phải có tố chất để làm công việc thiết kế.
Rob Janoff, năm 2009
PV: Câu hỏi cuối cùng, ông có lời khuyên nào dành cho bạn đọc trẻ, họ nên chú trọng tới điều gì để trở thành một nhà thiết kế LỚN?
RJ: Đây là điều tôi thường hay nói với các con tôi: Cha có thể làm được công việc này thậm chí có thể không nhận được đồng nào, vì cha quá yêu nó. Thời buổi bây giờ, điều kiện trang thiết bị đầy đủ hơn xưa nên nhiều người muốn trở thành nhà thiết kế, đến làm việc tại các công ty thiết kế, môi trường vì thế càng trở nên cạnh tranh. Cách thông thường để có được công việc là mọi người phải trở thành người học việc, và làm việc không lương cho đến khi họ chính thức được nhận vào. Canh tranh khốc liệt nên phải vậy.
Tổng Hợp