Điện thoại di động đã ra đời và phát triển được nhiều năm rồi, nhưng rõ ràng là không phải ai cũng hiểu hết được mọi thứ về nó. Đến sử dụng hết chức năng, biết mọi tác dụng, ngóc ngách trong máy chưa chắc đã xong, nói gì đến những kiến thức sâu xa khác liên quan đến hoàn cảnh sử dụng trong cuộc sống nữa.
Và từ đó, nhiều hiểu lầm về smartphone cứ dần nổi lên, truyền miệng nhau mà ít ai chịu tìm hiểu rằng sự thật có khi đối lập hoàn toàn. Và sau đây là 6 điều cần được lý giải càng nhanh càng tốt trước khi càng ngày càng có nhiều người nhầm lẫn tai hại hơn.
1. Pin có số to hơn là sẽ dùng lâu hơn?
Đừng quá phụ thuộc vào những con số ghi trên bao bì hoặc lời quảng cáo. Trên thực tế, một chiếc smartphone có dung lượng pin 4000 mAh chưa chắc đã dùng lâu hơn nhiều và thuyết phục so với một chiếc 3000 mAh đâu. Đơn giản, tốc độ hao pin trung bình của từng chiếc smartphone, từng thiết bị là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong thiết kế nữa.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Lấy ví dụ rõ ràng nhất mà nhiều người vẫn không nhận ra dù nó rất quen thuộc: iPhone chưa bao giờ được đánh giá cao về pin, chỉ kéo dài không quá một ngày 24h với nhu cầu bình thường. Nhưng các dòng Nokia "huyền thoại" chỉ có pin khoảng dưới 1000 mAh thì có thể dùng liên tục đến mấy ngày liền đó thôi.
2. Bật smartphone trên máy bay gây ra trục trặc hệ thống?
Hành động này vẫn thường được cho là rủi ro và có biển cảnh báo ở máy bay. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào được ghi nhận là có sự cố xảy ra khi hành khách nào đó bật điện thoại để dùng. Hơn nữa, nếu nó thực sự có khả năng gây nguy hiểm một cách chắc chắn, cơ quan kiểm tra đã bắt giao nộp chúng để riêng, tắt nguồn và chờ đến khi hạ cánh mới trả lại rồi, chứ không cung cấp cả Wi-Fi công cộng trên máy bay như nhiều hãng đang làm đâu.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Về cơ bản, nhiều người cho rằng một phần lý do cơ quan hàng không hạn chế tối đa điện thoại đi động là vì nếu ai cũng sử dụng để liên lạc thì không gian máy bay sẽ rất loạn vì tiếng ồn, gây gián đoạn các công việc và thông báo cần chú ý khi cần thiết, khẩn cấp.
Dù sao thì vẫn cứ luôn đảm bảo tắt điện thoại khi đi máy bay, vừa không vi phạm nội quy, vừa giúp mình nghỉ ngơi thư giãn, đỡ làm phiền người khác nhé.
3. Cháy nổ bùng lên vì dùng điện thoại di động tại trạm xăng?
Xăng dầu là chất rất dễ cháy, chỉ cần một tia lửa bé tí cũng đủ - đó là sự thật. Nhưng lưu ý là smartphone không nằm trong danh sách chắc chắn gây ra tia lửa chết chóc nào.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Việc cấm nghe gọi, thậm chí rút điện thoại ra sử dụng tại trạm xăng là dựa trên giả thuyết khả thi rằng: Có thể một viên pin xuống cấp, không đạt chuẩn nào đó sẽ tạo ra tia lửa điện nguy hiểm.
Nhưng cũng giống như trường hợp về máy bay, chưa hề có một vụ việc liên quan nào được nói đến mà nguyên nhân là dùng điện thoại di động cả, chỉ toàn là những yếu tố khác.
Dẫu vậy, kể cả nó rất hi hữu đi chăng nữa, chúng ta vẫn cần tuyệt đối hạn chế dùng điện thoại tại đây.
4. Sạc điện thoại qua đêm là chai pin, hỏng nhanh?
Trình độ công nghệ hiện nay đã cho phép tự ngắt điện khi sạc đầy smartphone và nhiều thiết bị tương tự. Vì thế, không còn có chuyện lo nơm nớp khi một đêm lỡ quên rút sạc, hoặc nghĩ rằng pin sẽ bị chai khi làm thế nhiều lần. Trên thực tế, nguyên nhân gây ra hiện tượng chai pin phổ biến nhất là cách dùng và sạc không hợp lý, chẳng hạn như sạc quá lâu, hoặc sử dụng smartphone quá kiệt đến hết sạch pin...
5. Nghe điện thoại khi đang sạc có khiến điện thoại bị nổ hay không?
Đúng là đã có không ít vụ nổ điện thoại khi đang sạc, và phần nhiều trong số đó là lúc nghe hoặc thực hiện cuộc gọi. Thế nhưng, hãy thông thái và tìm hiểu kỹ, vì nguyên nhân nằm ở chất lượng pin/củ sạc/dây sạc kém (có thể là mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng thay thế từ cửa hàng trôi nổi...), chứ không phải vốn điện thoại hay smartphone sinh ra đã có nguy cơ đó.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Cách phòng ngừa duy nhất: Luôn dùng đồ chính hãng, có uy tín, và luôn cảnh giác các dấu hiệu chất lượng xuống cấp của thiết bị (nếu có).
6. Bức xạ sóng của điện thoại nguy hiểm cho cơ thể con người?
Sự thực không phải ai cũng biết là gần như bất kỳ một chiếc điện thoại chính thống nào đều phải vượt qua bài kiểm tra SAR - thử nghiệm tiêu chuẩn đảm bảo nó sẽ không phát ra lượng bức xạ quá nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. "Đỗ" bài kiểm tra này đồng nghĩa với việc điện thoại đó sẽ không gây tác động đáng kể nào do bức xạ sóng cả.
Theo Tổng Hợp