tưởng thằng Sơn sẽ lúng túng ghê lắm, nào ngờ nó làm nhiệm vụ nhanh nhoay nhoáy. Nó rút lá thư trong túi áo ra, ném xoẹt ngay trước mặt con Xin, hất hàm, giọng cụt ngủn:
- Của mày nè, Xin!
- Thư gì vậy? – Con Xin rụt rè nhìn lá thư.
- Thằng Thiều gửi cho mày đó.
Nói xong, thằng Sơn lật đật lui ra, nhường lối cho tôi vô. So với nỗi vất vả của Tường khi đưa thư giúp chú Đàn, công sức thằng Sơn bỏ ra trong chuyện của tôi bé như hạt cát. Thái độ của nó lại lất ca lất cấc trong chả ra làm sao. Việc một đứa con trai lần đầu gửi thư cho một đứa con gái ý nghĩa trọng đại là thế mà cử chỉ của nó ngang phè phè, lời ăn tiếng nói thì cứ như đấm vào tai người nghe.
Nhưng tôi không có thì giờ để tiếc mấy viên bi ve.
Tôi len lén ngồi vào chỗ, không dám nhìn con Xin. Nhưng qua khóe mắt tôi vẫn hồi hộp theo dõi nó và gần như nín thở khi thấy nó sè sẹ mở phong bì rút lá thư ra đọc.
Tất nhiên là tôi hoàn toàn không biết được con Xin sẽ làm gì sau khi đọc hai câu thơ tôi viết cho nó. Tôi còn quá bé để có thể hình dung những bước đi của một câu chuyện tình, nếu lá thư của tôi có thể mở ra một chuyện tình bé con.
Tôi chỉ bắt chước chú Đàn. Và chỉ bắt chước nửa vời.
Tôi cóp py bài tập tình yêu của chú, nhưng chỉ cóp py được phần nhập đề. Phần thân bài và phần kết luận bị chú lấy tay che mất. Do đó, tôi không đoán được những diễn biến tiếp theo. Tôi vẫn vơ nghĩ: Chắc con Xin sẽ viết cài gì đó trong mẫu giấy và gửi lại cho tôi?
Tôi nghĩ và nghĩ, véo môi và véo môi. Tôi phỏng đoán con Xin sẽ làm thế này hoặc làm thế kí. Tôi mường tượng đến cả hậu quả tệ hại nhất: con Xin sẽ vò lá thư thành một quả cầu giấy và ném vào mặt tôi.
Tôi nhấp nhỏm trên băng ghế, tưởng tượng lang mang đủ thứ. Trừ một thứ tôi không tưởng tượng nổi: Con Xin không chửi tôi, nó cầm lá thư bước ra khỏi chỗ và đi thẳng lên bàn thầy. Xui một nỗi, lúc đó lớp tôi đang học giờ văn của thầy Nhãn cộc tính.
Kết quả nhãn tiền: thầy Nhãn kêu tôi lên bảng và trước những cặp mắt tò mò của lũ bạn, thầy bẹo tai tôi đau điếng, gần như xách hẳn người tôi lên khiến tôi xuýt rớt cả tai, răng nghiến ken két:
- Yêu với chả đương! Làm tập làm văn chính tả còn viết sai be sai bét mà bày đặt lăng nhăng!
17. Em Ơi Nếu Mộng Không Thành Thì Sao?
Sau tai nạn đó, tôi giận con Xin cả tháng trời.
Vô lớp tôi không nhìn mặt nó, nói chuyện lại càng không. Ngồi chép bài, nó vô tình chạm khuỷu tay tôi, tôi lập tức hất tay nó ra một cách lạnh lùng, thô bạo.
Tôi cũng không đến nhà nó chơi nữa, dù nhà nó có cái sân phơi thóc lớn gần bằng cái sân gạch nhà chị Vinh. Đó là một trong hai sân chơi của bọn trẻ con trong làng. Những đêm trăng sáng, nếu không qua nhà chị Vinh, tôi và lũ bạn lại tụ tập ở sân nhà con Xin chơi u, chơi bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ, chơi thả đỉa ba ba… đến khuya lơ khuya lắc, lần nào cũng đợi ba mẹ xách roi đi tìm, tụi tôi mới co giò chạy tứ tán và men theo các bờ giậu chuồn về nhà.
Con Xin biết tôi giận nó, nó buồn lắm.
Thỉnh thoảng liếc qua bên tay phải, tôi hả hê thấy mặt nó như sắp khóc, những nốt tàn nhang lấm tấm trên gò má nó như đang run lên.
Đôi lúc nhìn vẻ thẫn thờ của nó, lòng tôi không nén được cảm giác nao nao nhưng tôi nhất quyết không chịu làm hòa.
Lúc tôi vác bộ mặt đẫm nước mắt quay về chỗ ngồi sau khi bị thầy Nhãn trừng phạt, con Xin đã lo lắng quay sang tôi, giọng ngập tràn hối hận:
- Mình xin lỗi bạn nhé. Mình không ngờ thầy Nhãn lại phạt bạn.
- Xin lỗi cái đầu mày! – Tôi điên tiết – Mày nghĩ sao mà đem là thư của tao nộp cho thầy vậy hả?
- Mình có nghĩ gì đâu. Mình tưởng bạn chọc phá mình nên mình méc với thầy thôi.
- Mày đui hả? – Tôi càng cáu – Tao chọc phá mày hồi nào?
Con Xin sợ xanh mặt, chắc nó thấy quai hàm tôi bạnh ra như sẵn sàng nhai xương nó. Nó cụp mắt xuống, ấp úng:
- Thế bạn gửi lá thư đó cho mình làm gì?
Tới đây thì tôi tắc tị. Tôi không biết phải giải thích với nó như thế nào. Tôi đoan chắc chị Vinh không bao giờ hỏi chú Đàn một câu ngu ngốc như thế.
- Mày đúng là đồ con nít! – Cuối cùng, tôi thở hắt ra, giận dỗi tuyên bố – Tao không chơi với mày nữa!
Đúng ra thì tôi không giận con Xin lâu như thế. Tôi biết nó không cố tình hãm hại tôi. Nhưng những lời chọc ghẹo của lũ bạn trong lớp khiến tôi không thể ép mình làm hòa với con Xin được.
Gặp tôi ở đâu là những cái mồm độc địa lại nghêu ngao: “Bà già lấy le ông già/ Chiều chiều dắt ra bờ sông…”.
Ngay cả thằng Sơn cũng ra rả khoét vào vết thương lòng của tôi: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao / Mua chai thuốc chuột uống vô cho rồi đời”.
Suốt một thời gian dài như vậy.
18. Thầy Nhãn
Tôi chỉ hết giận con Xin từ ngày thầy Nhãn xách con roi mây đi lùng sục chú Đàn và chị Vinh.
Thầy đi lòng vòng quanh hè nhà tôi, miệng sang sảng:
- Thằng Đàn đâu, ra đây tao bảo!
Lúc đó là buổi tối, tôi và thằng Tường đang ngồi chồm hổm dưới nền nhà.
Cả hai đang ngóc đầu nhìn vô gầm giường gọi con Cu Cậu ra ăn cơm vãi thì giọng thầy Nhãn bất thần dội vào tai rào rào như vãi đạn.
Ăn cơm xong, mẹ tôi qua nhà bà tôi để bàn chuyện chuẩn bị đám giỗ ông tôi nên chỉ có hai anh em tôi ở nhà.
Bụng thắt lại, hai đứa tôi sợ hãi ngó nhau.
- Mày biết chú Đàn ở đâu không? – Tôi thì thầm.
Tường lo lắng không kém gì tôi. Giọng nó bẹt đi như phát ra từ một cái loa bị hỏng:
- Giờ này chắc chú Đàn và chị Vinh đang ngồi ngoài bờ mương.
Cái mương Tường nói nằm ngay sau nhà thầy Nhãn, kế ruộng lúa. Tôi và nó thỉnh thoảng vẫn qua đó câu cá và xoi bờ chắn giữa các đám ruộng để đặt lờ.
Tôi nói và nghe ruột gan đang tan ra:
- Ngồi chơi ngoài đó, thầy Nhãn bắt gặp thì chết!
- Anh đừng lo! – Tường trấn an tôi bằng giọng run run – Thầy Nhãn làm ầm thế này, chú Đàn và chị Vinh đã kịp bỏ chạy rồi.
- Thằng Đàn nấp đâu? – Tiếng thầy Nhãn lại vang lên lồng lộng ngoài sân – Tao mà tóm được thì mày chết với tao!
Tôi rúm người lại, tâm trạng lúc đó chẳng khác nào một anh lính nhút nhát đang bị bao vây. Đã thế, súng hết đạn, dao găm lại rơi đâu mất trong kho quân địch loa kèn ầm ĩ, sắp sửa tấn công.
Quân địch tấn công thật. Hò hét một hồi không thấy động tĩnh gì, thầy Nhãn ập vào nhà như một cơn bão. Giọng thầy ầm ầm, có cảm giác mái nhà rung rinh sắp sập xuống:
- Mày dắt con Vinh trốn đâu rồi hả Đàn?
Thầy đứng giữa nhà, giận dữ quét mắt sang phải sang trái, tôi thấy rõ gò má thầy giần giật, và nếu lúc đó người thầy đột ngột bốc khói tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.
Bắt gặp tôi và Tường đang ngồi thu lu dưới đất, thầy gằn giọng:
- Hai đứa bây ngồi đây làm gì? Có đứa nào thấy thằng Đàn đâu không?
Tôi nuốt nước bọt, cố tỏ ra ngoan ngoãn:
- Thưa thầy con không biết ạ.
- Hừm, không biết!
Gầm gừ một câu, nhác thấy thằng Tường thầy sực nhớ ra tội đồng lõa của thằng này, liền cáu tiết vung roi vụt lên lưng nó:
- “Chim xanh” nè!
Thầy ra tay nhanh và mạnh đến mức Tường không kịp né. Tôi nghe một tiếng “Bộp” và thấy thằng Tường giật nảy một cái, nó không kêu lên tiếng nào nhưng trông bộ tịch biết là đau lắm.
Đang điếng người, tôi chợt thấy thầy lia mắt sang tôi. Trong ánh đèn, tôi vẫn kịp thấy mắt thầy vằn những những gân đỏ. Nhờ vậy tôi kịp vọt mình ra cửa trước khi ngọn roi của thầy quất xuống kèm theo tràng mắng mỏ:
- Còn thằng này nữa! “Gió mưa là bệnh của trời” nè!
Sau lần đó, tôi hiểu ra hôm trước thầy Nhãn bẹo tai tôi đau điếng không phải vì thầy ghét bỏ gì tôi mà vì thầy đang tức chú Đàn.
Chắc thầy đã đọc được hai câu thơ Nguyễn Bính trong lá thư chú Đàn gửi cho chị Vinh. Hành động của con Xin chỉ vô tình kích nổ quả bóng giận dữ trong lòng thầy thôi.
19. Thầy Nhãn Đánh Chú Đàn
Tôi nhớ hồi tôi tám tuổi, có một lão thầy bói ghé vào nhà tôi xin nước uống.
Áo quần bạc phếch, dáng người gầy gò khắc khổ, râu cằm ngắn và thưa, mặt mày xám xịt như suốt ngày chỉ sực củ cải muối, lão ngồi tréo chân trên ghế uống từng ngụm nước trong chiếc ca nhựa vừa đưa mắt ngắm nghía hai anh em tôi.
Ca nước đó tôi chỉ uống vài tợp là hết, nhưng lão ngồi uống tì tì cả buổi. Trong khi uống, lão chẳng hé môi tiếng nào.
Nhưng trước khi đi, lão chỉ tay vào tôi, gật gù nói với mẹ tôi:
- Thằng bé này cẩn thận kẻo sau này chết đuối!
Tôi nghe lão phán, chẳng có cảm xúc gì nhưng mẹ tôi mặt xanh như tàu lá. Trán mẹ tôi chỉ giãn ra khi lão nói thêm:
- Qua mười tám tuổi, nếu không chết sông chết suối thì nó sẽ sống rất thọ.
Lão quay sang thằng Tường, ngoẹo cổ nhìn:
- Còn thằng bé này đẹp quá, nên bị con tạo ganh ghét. Số nó vất vả, nhưng có quới nhơn phò trợ. Bà đừng lo, đời nó gặp nhiều tai nạn nhưng rốt cuộc đều vượt qua được hết.
Tôi chẳng biết những gì lão thầy bói phán chính xác được bao nhiêu phần trăm. Nhưng riêng chuyện thằng Tường gặp nhiều tai nạn thì bây giờ nhớ lại, tôi công nhận là lão nói đúng.
Thằng Tường hết bị ba tôi vụt gậy vô người đến bị tôi ném đá vỡ đầu, bây giờ lại bị thầy Nhãn nổi cộc quất roi lên lưng, toàn tai bay vạ gió.
Tôi nghịch ngợm hơn nó, quậy phá hơn nó, lại chuyên bày trò, nhưng nhờ nhanh chân nên hầu như trận đòn nào tôi cũng thoát.
Bữa đó tôi nấp ngoài hè một lúc lâu, đợi thầy Nhãn ra về mới rón rén chui vô.
Thằng Tường vẫn ngồi dưới đất. Nó và con Cu Cậu đang đối diện nhau. Con cóc mãi đớp mồi còn nó mãi khóc.
Nhìn nó thút thít, tôi cầm lòng không đậu. Tôi ngồi xuống bên cạnh, ôm vai nó, dỗ:
- Nín đi, em!
Xưa nay tôi vẫn gọi Tường bằng “mày”. Tự nhiên nghe tôi gọi nó bằng tiếng “em” ngọt lịm, Tường mủi lòng lại càng nức nở.
Tôi rờ tay lên lưng nó, nhẹ nhàng và thận trọng như chạm vào thứ gì dễ vỡ:
- Đau lắm hả em?
- Bớt đau rồi, anh Hai. – Tường sụt sịt.
- Thế sao em khóc hoài vậy?
- Ai biểu thầy Nhãn vô cớ đánh em. – Tường ngước gương mặt nhòe nhoẹt lên nhìn tôi, nó chùi nước mắt bằng cả hai tay, ấm ức đáp – Khi bắt quả tang em đem thư cho chị Vinh, sao lúc đó thầy Nhãn không đánh em, bây giờ lại đánh?
Tôi thở dài:
- Không phải thầy Nhãn đánh em đâu. Thầy đánh chú Đàn đó.
20. Mùa Bắt Ve Sầu Chưa Tới
Thầy Nhãn đánh chú Đàn, nhưng chú Đàn chẳng hề hấn gì. Trong khi đó lưng thằng Tường bầm tím.
Sáng hôm sau tôi vén áo nó lên xem, thấy vết bầm đã nhạt đi nhưng vẫn còn con lươn xanh mờ vắt ngang lưng nó
- Tường nè. – Giọng tôi chùng xuống.
- Gì hở anh?
- Sắp đến mùa hè rồi đó.
- Dạ.
- Khi nào mùa hè tới, lũ ve sầu trở lại, tao sẽ dẫn mày đi lùng bắt ve ve.
- Ôi, thích quá! Bắt bằng mủ mít hả anh?
- Ờ, bằng mủ mít. Tao sẽ vót hai cái que thật dài. Mày một cái, tao một cái. Rồi mình bôi mủ mít lên đầu que.
- Em biết rồi. Như năm ngoái chứ gì!
Năm ngoái, hai anh em tôi trưa nào cũng dọ dẫm quanh bờ rào rình bắt ve ve dưới cái nắng chói chang. Nắng mùa hè rơi xuống từng bựng, hong vàng lá gòn nhà ông ba Huấn, lá nhãn lồng nhà thầy Nhãn, lá vú sữa trong vườn nhà bà tôi và hong vàng tóc hai anh em tôi.
Chiều nào đi bắt ve về, mặt mày tôi và Tường cũng đỏ lơ đỏ lưỡng, đầu tóc xác xơ và đỏ quạch như hai cây chổi rơm. Mẹ tôi la một trận, dọa méc ba khiến tôi và Tường sợ xanh mặt nhưng qua hôm sau hai anh em lại trốn ngủ trưa lẻn ra sau hè cầm que đi rảo dọc các bờ rào để ngóng tìm lũ ve đang đồng ca râm ran trên các tàn cây.
Nhưng mùa hè năm nay không hoàn toàn giống hệt như mùa hè năm ngoái. Năm ngoái, và những năm trước nữa, người vót que luôn luôn là thằng Tường.
“Anh Hai học bài đi, để em làm cho!”, thằng Tường luôn nói thế khi vung vẩy cây rựa trên tay. Những lúc như vậy, tôi sung sướng để mặc nó lo liệu mặc dù thi học kì hai xong, tôi chẳng còn bài gì để học, chỉ mải chơi.
Nhưng mùa hè năm nay, tôi sẽ giành phần vót que. Tôi muốn bù đắp cho nó. Thầy bói đã nói rồi, số nó vất vả, gặp nhiều tai nạn. Tôi muốn gánh cho em tôi một phần vất vả, và trong những chuyện vất vả thì chuyện ít vất vả nhất là vót que đi rình bắt ve sầu.
Nhưng cây phượng trước sân nhà chị Vinh chưa trổ hoa, mùa hè còn lâu mới đến. Tôi tặc lưỡi nhìn Tường:
- Bây giờ tao sẽ đi tìm cỏ gà giùm mày.
- Chơi đá gà hở anh?
- Ừ.
- Em biết chổ nè. – Tường reo lên – Để em dẫn anh đi.
Nói xong Tường nắm tay tôi kéo ra khỏi nhà, lần về phía giếng đá sau vườn.
Tôi lẽo đẽo đi theo nó, lòng buồn thỉu buồn thiu. Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần tôi động lòng định giúp Tường điều gì thì y như rằng người được giúp cuối cùng lại là tôi. Hoài hoài như vậy.
21. Chuồn Chuồn Cắn Rốn
Những vạt đất quanh giếng đá lúc nào cũng ẩm ướt nên cỏ dại quanh năm tốt tươi. Cỏ lá gừng, cỏ xuyến chi mọc lẫn với rau dền, rau sam, thỉnh thoảng chen vào một cây hoa mào gà đỏ tía.
Cỏ mọc dày, lan cả lên thềm giếng.
Phía xa xa là vạt rau muống, lá sum xuê và xanh ngăn ngắt. Cỏ gà mọc lên chỗ tiếp giáp giữa cỏ và rau. Tôi không biết từ khi nào thằng Tường phát hiện ra chỗ đó. Mọi lần tôi vẫn hái cỏ gà ở chân rào.
Trong khi tôi loay hoay lựa những cọng cỏ gà thật dai thật khỏe, chốc lát đã hái được cả nắm, thằng Tường dường như chưa hái được cọng nào.
Tôi thấy nó ngồi lom khom một chỗ, săm soi cái gì đó trong tay.
- Mày ngồi làm gì đó, sao không hái cỏ gà đi, Tường?
- Anh xem này! – Tường xoay người về phía tôi, chìa tay ra, vẫn ngồi chồm hổm trên hai chân.
Tôi nhìn gương mặt rạng ngời của nó, liếm môi hỏi:
- Dế lửa hả mày?
- Không.
Tôi lại gần, cúi xuống nhìn, thấy con sâu cuốn chiếu đang nằm co trong lòng bàn tay Tường.
- Ghê quá! – Tôi nhăn mặt – Mày chơi sâu à?
- Sâu cuốn chiếu mà, anh Hai. Nó hiền khô à.
Tôi phun nước bọt phèo phèo:
- Cuốn chiếu cũng là sâu. Mày chơi dơ quá, tao không chơi với mày nữa.
Nó xong, tôi cầm mớ cỏ gà quay vào nhà, mặc Tường mải mê lấy ngón tay khều khều con cuốn chiếu để thích thú ngắm nó sợ hãi cuộn tròn người lại.
Trẻ con thôn quê là bạn của các con vật. Con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng. Tôi cũng thế. Tôi có những hộp diêm và những hộp các- tông dùng để nhốt dế, cánh quýt, ve sầu và bọ rầy. Nhưng tôi khác thằng Tường.
Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.
Cái cách thằng Tường thân thiện với mọi con vật khiến đôi lúc tôi có cảm giác nó hơi khùng khùng. Chỉ với một cái que trên tay, nó có thể say sưa đùa giỡn hàng giờ với một con sâu róm ngo ngoe trên thân gỗ mục. Nó bênh vực, mỗi khi tôi bĩu môi vào đám bạn của nó: “Anh không biết đó thôi. Nhền nhện giăng tơ để mình có thứ cầm máu khi bị đứt tay. Còn chuồn chuồn cắn rốn giúp mình biết bơi”.
Về tơ nhện thì Tường nói đúng. Trước nay mỗi lần đứt tay chảy máu, tôi thường ngậm ngón tay trong miệng rồi ba chân bốn cẳng chạy vô nhà kho hoặc chái bếp để tìm mạng nhện. Tơ nhện quấn quanh vết đứt, máu ngưng chảy liền, chẳng rõ vì sao. Một thời gian dài, đó là thuốc tiên của tuổi thơ lắm trầy xước của bọn tôi.
Nhưng tôi chẳng tin chuyện chuồn chuồn cắn rốn tẹo nào.
Tôi nheo mắt nhìn Tường:
- Mày ngốc quá. Chuồn chuồn cắn rốn mà biết bơi á?
- Dạ.
- Ai bảo mày vậy?
- Chú Đàn bảo.
- Chú Đàn bảo à. – Tôi hạ giọng, ngập ngừng – Mày nói thật không đấy? Để tao chạy đi tìm chú Đàn tao hỏi.
- Thật mà.
Tường nói, và nó chạy vụt ra sau vườn.
Lát sau, nó chạy vô với con chuồn chuồn ớt trên tay.
- Anh vén áo lên đi! – Tường nhìn lom lom vô bụng tôi, hào hứng giục.
- Thôi. – Tôi bước lui một bước – Mày phanh rốn cho nó cắn trước đi!
Tường vạch áo, đặt con chuồn chuồn vào giữa rốn.
Tôi chống tay lên hai đầu gối, ngoẹo đầu nhìn. Tôi thấy con chuồn chuồn đột ngột vểnh đôi cánh mỏng, đuôi cong vòng, chưa kịp nhìn kỹ đã nghe thằng Tường hét lên bài hãi, tay hấp tấp kéo con chuồn chuồn ra xa
- Sao thế? – Tôi giật bắn – Đau lắm à?
Tường cười lỏn lẻn:
- Đau sơ sơ. Như kiến cắn thôi.
- Đau sơ sơ mà mày la muốn bể nhà như thế?
Tôi nhìn Tường nghi ngờ, thậm chí tôi thấy có vẻ nó đang ứa nước mắt vì đau.
Cho nên khi Tường chìa con chuồn chuồn cho tôi, nói “Tới lượt anh nè”, tôi đưa tay gạt phắt:
- Tao không chơi trò ngu ngốc này đâu!
- Ngu ngốc á?
- Chứ gì nữa! – Tôi nhún vai – Khi nào tao thấy mày bơi được, tao mới tin.
Chiều đó, hai anh em kéo nhau ra suối.
Tôi đứng trên bờ theo dõi, còn thằng Tường dọ dẫm khúc suối cạn, tìm chỗ nước ngập ngang ngực để tập bơi.
Kết quả buổi thực tập được đúc kết trong mẫu đối thoại buồn rầu sau đó giữa hai anh em:
- Bơi được không?
- Được.
- Chìm không?
- Chìm.
22. Ca Nô Một Tay
Tôi cười khì khì trên đường từ suối về nhà:
- Thấy chưa! Tao đã bảo đây là trò ngu ngốc mà.
Tường chống chế:
- Hay tại chuồn chuồn ớt không linh. Hôm nào em sẽ bắt một con chuồn chuồn ngô.
Nghe thằng Tường nói, tôi sởn cả gai ốc. Chuồn chuồn ngô to gấp hai, ba lần chuồn chuồn ớt, lại rất dữ tợn. Để chuồn chuồn ngô cắn rốn, thủng bụng như chơi.
- Mày đừng có chơi dại. – Tôi nạt Tường.
- Chú Đàn bảo thế mà.
Đúng là chú Đàn có bảo thế thật. Nhưng hôm sau chú Đàn bảo khác.
Tôi và Tường gặp chú, kể chú nghe chuyện thằng Tường tập bơi, chú xoa đầu thằng oắt, áy náy:
- Sao con khờ thế. Chú chỉ nói chơi thôi mà. Hồi bé chú từng cho chuồn chồn cắn rốn nhưng có bơi được đâu.
Hóa ra hồi bằng tuổi bọn tôi, chú Đàn cũng khờ như thằng Tường.
- Thế bây giờ chú đã biết bơi chưa? – Thằng Tường chớp mắt, ngẩn ngơ hỏi.
Chú Đàn trả lời bằng cách lôi hai anh em tôi ra suối. Trước cặp mắt kinh ngạc của tôi và Tường, chú cởi áo rồi lao mình xuống suối, thoáng mắt biến mất giữa làn nước xanh.
Chú lặn một mạch qua bờ bên kia, trồi đầu lên giữa bụi chuối nước nở hoa đỏ ối ven bờ, cười toe toét:
- Hay không?
Tường vỗ tay bôm bốp:
- Hay quá! Chú dạy tụi con bơi đi.
Chú Đàn bơi ngược trở lại. Tôi phục lăn khi thấy chú bơi nhanh như rái cá dù chỉ quạt nước bằng một tay.
Hôm đó, tôi và Tường thay nhau cưỡi lên tấm lưng trần trơn tuột của chú, thích thú và sợ hãi. Chú làm chiếc ca nô chở hai anh em tôi chạy qua chạy lại giữa hai bờ suối, cả chục lần như vậy.
Chú
không dạy bọn tôi bơi, nhưng chỉ như vậy tôi và Tường đã sướng mê.
Chú bảo:
- Bữa nay tụi con chỉ đi ca nô thôi. Bữa sau chú sẽ tập tụi con bơi.
Trước khi rời con suối, chú còn hái lá dứa dại ven bờ quấn thành chiếc kèn đưa cho thằng Tường thổi toe toe...