với một chân và dăm xương sườn bị gãy. Riêng con Nhi thì vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ mở mắt nhìn đời cùng với tụi tôi lần nữa.
Ngoài thở mong manh, yếu ớt đang chờ tắt, tất cả các phần khác trên người nó có vẻ như đã chết. Hơi nóng trên cơ thể nó lịm dần. Các bác sĩ lắc đầu. Cuối cùng, ông Tám Tàng ủ rũ ẵm nó về nhà, vừa đi vừa tắm nước mắt như mưa trên mặt con.
75. Nỗi Lòng Của Ông Tám Tàng
Ông Tám Tàng dời nhà xuống xóm Miễu ngay ngày hôm sau. Ông đặt con Nhi trên chiếc xe bò, cạnh mớ đồ đạc chẳng nhiều nhặn gì, lặng lẽ kéo đi giữa những ánh mắt u buồn từ trong các cửa sổ nhìn theo.
Ông bảo ông muốn con ông được yên nghỉ ở một nơi chốn yên tĩnh và ông dĩ nhiên không muốn rời khỏi con ông một phút giây nào.
Ông Tám Tàng không tổ chức đám tang con Nhi như thông lệ nhưng trong tâm tưởng của tôi và lũ bạn, con Nhi đã qua đời từ lúc nó nằm thiêm thiếp lắc lư trên xe bò, từng phút một rời xa con đường lộ, băng qua nghĩa trang, đi mãi về phía đồi Cỏ Úa đang bị hoàng hôn nhuộm tím.
Bạn cũng biết đó, ngay cả những người còn sống nhưng nếu lâu ngày không gặp, họ cũng thu mình lại và dần dần mất hẳn dấu vết trong trí nhớ của chúng ta, huống gì người đã khuất.
Con Nhi không những đã chết, mà còn chết được ba năm, vì vậy không có lý do gì để tôi thỉnh thoảng nghĩ về nó, thậm chí tôi không hình dung được từng có một đứa con gái như thế đi qua cuộc đời này.
Lúc nãy, nghe công chúa gọi ông Tám Tàng là “phụ vương” và nghe ông gọi công chúa là “hoàng nhi”, trong đầu tôi vẫn không nảy ra một mối liên hệ nào giữa cô công chúa trước mặt và con Nhi ngày nào. Cách xưng hô và lối ăn mặc kỳ quái của hai cha con cũng góp phần làm tâm trí tôi lãng đi cho tới khi ông Tám Tàng tự cởi bỏ lốt vua để nói một câu hết sức dân dã “Con gái bác mắc bệnh ngớ ngẩn. Kể từ ngày nó bị té trong rạp xiếc…”.
Chỉ tới lúc đó tôi mới bàng hoàng biết con Nhi chưa chết. Mặc dù cố lục lọi ký ức để tìm lại khuôn mặt của nó cách đây ba năm tôi vẫn chỉ mường tượng một cách mơ hồ, và tôi cũng biết nếu tôi nhớ chính xác các chi tiết trên khuôn mặt con Nhi thì bây giờ tôi vẫn không thể nhận ra nó, bởi khuôn mặt một đứa bé lúc chín tuổi so với lúc nó chuẩn bị trở thành một cô gái tuổi mười ba hẳn là khác nhau nhiều lắm.
Vì tất cả những lý do đó mà cả tôi lẫn thằng Tường đều không hề bắt gặp trong đầu cái ý nghĩ rằng cô công chúa nhỏ bé tinh
nghịch kia là con Nhi trước đây.
Nói ra thì dông dài như vậy, nhưng trên thực tế đoạn phim hồi tưởng đó diễn ra rất nhanh, gần như đồng thời với câu hỏi cà lăm của tôi:
- Con gái của bác vẫn… vẫn… còn sống?
- Ờ, nó vẫn còn sống, con à. Lúc đó bác cũng tưởng nó không thể nào qua khỏi. Buổi tối, ông Xung lò dò đến xóm Miễu, bắt mạch cho con bé, cạy miệng nó đổ nhân sâm rồi hốt mấy thang thuốc gì đó…
Giọng ông Tám Tàng lẫn vào tiếng gió và tiếng lá reo, không rõ buồn vui nhưng người nghe là tôi cảm thấy lòng nao nao.
Tôi đưa mắt nhìn lên những tàng cây chảy tràn ánh nắng và không hỏi nữa. Bắt ông Tám Tàng thuật lại câu chuyện mà ông không muốn đối diện kia chắc ông khổ tâm lắm. Tôi không hỏi nhưng tôi vẫn đoán ra được phần sau của câu chuyên: Con Nhi thoát chết nhưng trở nên ngớ ngẩn, do cú ngã từ trên cao, lại bị tay lái của chiếc mô tô va mạnh vào đầu.
Hình ảnh cuối cùng in vào trí não con Nhi trước lúc nó mê man là đức vua và công chúa, có lẽ vì vậy mà sau khi tỉnh dậy nó luôn đinh ninh nó là công chúa còn ông Tám Tàng là vua cha.
Con Nhi dở tỉnh dở điên, nhưng dù sao tôi thấy nó vẫn sống hạnh phúc trong thế giới riêng của nó. Ông Tám Tàng chắc cũng nghĩ vậy nên ông mày mò may những bộ trang phục hoàng gia cho hai cha con, thậm chí ép mình thay đổi cả cách xưng hô để con gái ông được chìm đắm một cách yên bình trong cõi lãng quên.
Khi chọn cách kỳ dị đó để chở che cho con gái, chắc ông Tám Tàng đau lòng lắm, tôi bùi ngùi nghĩ, và có thể đó là lý do câu chuyện cọp thành tinh ở xóm Miễu ra đời.
Câu chuyện về con ma cọp do ông Xung (hoặc một người nào đó) nghĩ ra để đám con nít trên đường lộ không bén mảng đến xóm Miễu trêu chọc, quấy rầy con Nhi.
Người lớn trong làng có lẽ không phải ai cũng rõ đầu đuôi nhưng những người biết được sự tình hẳn đã toa rập với ông Xung trong chuyện này để cuộc đời bất hạnh của cha con ông Tám Tàng không bị số phận ném đá thêm lần nữa.
Bữa đó, tôi ra về với những bước chân đầy tâm tư. Ong ong trong tai là lời dặn dò tha thiết, gần như cầu khẩn của ông Tám Tàng: “Con thương bác, thương con Nhi thì đừng kể với ai chuyện này nghe con!”.
76. “Bao Giờ Em Cũng Thích Gặp Công Chúa”
Dĩ nhiên là tôi không kể với ai bí mật của cha con ông Tám Tàng. Trừ thằng Tường.
Thằng Tường đã được công chúa tuyển làm phò mã, nó cần phải biết công chúa là ai. Ngoài ra, sự hồi phục kỳ diệu của nó rất có thể bắt nguồn từ sự xuất hiện của nàng công chúa bên cửa sổ.
- Tường này. Tao vừa gặp công chúa…
Tôi nói, sau khi trở về từ xóm Miễu, cố chọn cách mở đầu thế nào cho câu chuyện ít đột ngột nhất nhưng sau một hồi loay hoay trong vô vọng tôi đành tặc lưỡi nói thẳng.
Tường không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Nó cười bẽn lẽn:
- Em cũng mới gặp công chúa sáng nay.
Tôi hít vào một hơi để đủ bình tĩnh nói tiếp câu thứ hai:
- Nhưng tao gặp công chúa ngay chỗ ở của cô ấy. Tao gặp cả ba của công chúa nữa.
- Anh gặp cả nhà vua? – Cảm thấy câu chuyện quan trọng hơn nó nghĩ, đôi lông mày đẹp của Tường dựng lên – Tòa lâu đài của nhà vua ở đâu hả anh? Nó có đẹp như em nhìn thấy trong truyện không?
Tôi nhớ đến căn nhà lá xiêu vẹo của cha con ông Tám Tàng, khẽ chép miệng:
- Chậc… chỉ là một căn nhà bình thường giống như nhà mình thôi.
- Nhà vua và công chúa mà sống trong nhà lá sao, anh Hai? – Tường gần như kêu lên.
Tôi đặt tay lên vai Tường như sẵn sàng ấn nó xuống nếu nó nhảy dựng lên vì kinh ngạc, ngập ngừng hỏi:
- Mày biết nhà vua là ai không? – Và tôi nói luôn – Là ông Tám Tàng mổ lợn đó.
Đôi môi Tường vẽ thành hình chữ A:
- Ông Tám Tàng…
- Ừ. – Tôi gật đầu – Và công chúa chính là con Nhi.
Tường nhớ ngay ra con Nhi. Bây giờ thì tới lượt đôi mắt nó vẽ hình chữ O:
- Con Nhi sao? Con Nhi chết rồi mà, anh Hai.
- Nó không chết. – Tôi nhún vai – Nhưng bây giờ nó hơi… hơi…
Hai tiếng “ngớ ngẩn” tự nhiên nghẹn ngang họng tôi. Tôi không muốn Tường biết sự thật đó. Con Nhi là công chúa của nó, thậm chí đã chọn nó làm phò mã và điều đó đang nuôi nấng cả tâm hồn lẫn thể xác nó, giúp cây mơ mộng trong hồn nó trổ hoa những ngày này. Nếu biết công chúa của nó là một cô gái điên, Tường hẳn đau khổ lắm.
- Sao nữa anh? – Thấy tôi bỏ dở câu nói và không có vẻ gì sẽ tiếp tục, Tường nôn nóng giục – Anh nói tiếp về con Nhi đi!
Tôi gãi cổ, ấp úng:
- Ờ, ý tao muốn nói là bây giờ nó hơi… hơi… không được khỏe.
Tôi vừa nói vừa nhìn Tường dò xét. Tôi không sợ nó phát giác tôi nói dối. Tôi chỉ lo khi biết được cô công chúa trong tâm tưởng của nó rốt lại chỉ là con gái ông Tám Tàng mổ lợn, Tường sẽ hụt hẫng.
Nhưng em tôi không có vẻ gì giống một con tàu vừa bị đánh chìm. Nó hỏi tôi, giọng mơ màng:
- Thế thời bây giờ không có công chúa thật hả anh?
- Chắc là không có đâu! – Tôi nói, giọng vỗ về – Tao đã nói với mày hôm trước rồi mà.
- Thì ra công chúa là con Nhi.
Tường thở hắt ra, và trong khi tôi thấp thỏm nhìn nó như nhìn một quả mìn sắp phát nổ, câu nói tiếp theo của nó làm tôi nhẹ cả người:
- Hồi con Nhi còn sống, à quên, hồi chưa bị tai nạn, nó thích chơi với em lắm. Đi đâu, làm gì, bao giờ em cũng là người bảo vệ nó.
Tôi nheo mắt:
- Nó có học chung lớp với mày đâu.
- Không học chung nhưng chơi chung.
Tường khom người chỉ tay xuống chân:
- Anh thấy cái gì đây không?
Tôi nhìn theo tay chỉ của Tường, thấy một vết sẹo lờ mờ vắt ngang bắp chân nó:
- Thấy. Vết sẹo.
Một nụ cười rất khẽ trôi qua trên môi Tường, nhưng dường như không phải nó cười với tôi. Tôi đoán nó đang mỉm cười với chính những hình ảnh vừa hiện ra trong đầu nó.
- Hôm đó con Nhi khóc sướt mướt vì bị một đám trẻ vây quanh chọc ghẹo. Em vừa tới nơi, lập tức nhảy xổ vào.
Tôi nhướn mắt lên, thay cho câu hỏi “Rồi sao nữa?”.
- Em gạt tay cả bọn, quát lớn “Buông ra! Không đứa nào được bắt nạt bạn tao!”. Em quát vừa dứt câu, tụi kia lập tức xúm vào đánh em tới tấp. Có một đứa cầm cây phang em tét cả chân, máu chảy ròng ròng. Con Nhi thấy vậy, không những thôi khóc mà còn khóc to hơn.
- Ra vậy. – Tôi khụt khịt mũi – Mày không kể thì tao đâu có biết lai lịch vết sẹo của mày.
Có vẻ thằng Tường không muốn nói nhiều về chuyện này. Nó nhìn ra cửa sổ, giọng đột nhiên bâng khuâng:
- Con Nhi không được khỏe hở anh? Tội nó quá há!
- Ờ.
Tôi đáp cụt ngủn. Thực sự tôi cũng không biết phải nói gì.
- Nó bị bệnh gì vậy, anh Hai? – Tường lại hỏi, giọng quan tâm.
Tôi định bịa ra một chứng bệnh hợp lý nhưng không nghĩ ra, đành lắc đầu:
- Tao cũng chẳng biết.
Tường làm thinh, có cẻ đang suy nghĩ, tôi thấy mày nó nhíu lại một lúc lâu. Bất chợt nó cầm lấy tay tôi:
- Nhà nó ở đâu hả anh?
Tôi biết sớm muộn gì thằng Tường cũng hỏi câu này, nhưng khi nó mở miệng tôi vẫn thấy bụng mình thót lại. Khó khăn lắm hai tiếng “xóm Miễu” mới lọt ra được khỏi đôi môi tôi.
- Anh xuống xóm Miễu? – Tường trợn mắt lên, không giấu một cái rùng mình khi biết tôi vừa gặp con Nhi ở một nơi không ai dám bén mảng – Thế con cọp thành tinh…
- Tao chẳng thấy con cọp thành tinh nào hết. – Tôi vội vàng ngắt lời – Chuyện đó chắc người ta bịa ra.
Sợ thằng Tường thắc mắc người ta bịa ra chuyện đó để làm gì, tôi lảng sang chuyện khác:
- Bây giờ mày có thích gặp công chúa nữa không?
Tường đáp không nghĩ ngợi, mặt nó ửng lên như đang phản chiếu ráng chiều:
- Thích chứ, anh Hai. Bao giờ em cũng thích gặp công chúa.
77. Phò Mã Sốt Ruột Đi Tới Đi Lui
Thằng Tường vẫn thích gặp công chúa, dù nó đã biết công chúa là con Nhi con ông Tám Tàng. Điều đó làm tôi ngạc nhiên một cách cảm động.
Nhưng lần này, đã nhiều ngày trôi qua con Nhĩ vẫn không thấy xuất hiện, dù ngày nào tôi và thằng Tường cũng đứng tựa người bên cửa sổ, ngóng về phía đồi Cỏ Úa.
Lúc này Tường đã có thể đi quanh quẩn trong sân trước vẻ mặt hoan hỉ của mẹ tôi. Nó chưa chạy nhảy được nhưng tôi nghĩ nó có thể đi bộ băng ngang đường lộ sang nhà chị Vinh, thậm chí có thể đi tới tận nhà cũ của con Mận, nhưng tôi không khuyến khích nó đi xa quá, sợ nó mệt.
Đến ngày thứ năm thì Tường đã bắt đầu sốt ruột. Nó đi ra sân, vịn tay lên hàng rào giậu, đứng ngó bâng quơ một lúc lại quay vào ngồi trên giường, giở truyện Cóc Tía ra đọc. Đọc vài trang, nó lại đặt cuốn sách xuống, lò dò bước ra sân.
Nhìn thằng Tường loay hoay đi tới đi lui, tôi chép miệng:
- Mày làm gì như con lật đật vậy, Tường?
Nó không trả lời tôi, lo âu nói:
- Chắc con Nhi bệnh nặng rồi, anh Hai.
- Không có đâu! – Tôi phác một cử chỉ như muốn nói là mày yên tâm đi, chẳng có chuyện gì xảy ra với con Nhi hết á.
Thằng Tường làm như không nhìn thấy cái khoát tay của tôi hoặc thấy mà làm như không hiểu. Nó vẫn dàu dàu:
- Thế sao nó không đến thăm em nữa?
- Tao nghĩ chắc nó bận chuyện gì đó? Khi nào hết bận, chắc chắn nó sẽ đến.
Tôi nói dối. Tất nhiên tôi biết tại sao mấy hôm nay con Nhi không xuất hiện. Ông Tám Tàng có lẽ đã canh chừng con Nhi gắt gao hơn kể từ hôm tôi bất thần mò đến tận nhà ông khiến ông hoảng sợ. Công chúa Nhi chắc nhớ phò mã Tường lắm nhưng nó không lẻn ra ngoài được đó thôi.
- Hay là anh dắt em đến nhà nó để em thăm nó?
Tường đột ngột đề nghị làm tôi giật bắn. Tôi xua tay rối rít:
- Không được! Không được!
- Được mà, anh Hai!
Tôi nghiêm mặt:
- Chân cẳng mày như thế làm sao đi xa được.
- Em sẽ đi chầm chậm.
Tường vừa nói vừa nhìn tôi, tha thiết, van vỉ nhưng đầy quyết tâm. Tôi thấy như có một ngọn lửa vừa cháy lên trong đáy mắt nó.
- Để tao nghĩ xem. – Tôi véo môi, sờ cằm rồi véo môi cái nữa, ngần ngừ nói – Chậc, leo qua đồi Cỏ Úa không phải chuyện đơn giản đâu!
- Em leo được!
Tường nói ngay, giọng khẳng khái, cứ như thể ngày nào nó cũng leo qua ngọn đồi này vài lần.
Ánh mắt Tường vẫn bám cứng khuôn mặt tôi nôn nao chờ một cái gật đầu khiến tôi phải quay nhìn ra sân để không bị lung lạc.
- Thôi, thế này! – Một lát, tôi thở dài nói – Tao sẽ dắt mày xuống xóm Miễu…
- Thiệt hả anh?
Tường reo lên, ánh mắt nó bừng lên nhưng rồi cụp ngay xuống khi tôi nói tiếp:
- Nhưng không phải ngay hôm nay. Mày phải tập đi lại thêm vài ngày cho chân cẳng cứng cáp đã.
- Thế ngày mai anh nhé?
Tôi lắc đầu:
- Ngày mai chưa được đâu.
- Ngày mốt vậy. – Tường nài nỉ – Chiều nay và cả ngày mai em sẽ tập đi. Em sẽ tập cho đến tối mịt, thế nào sáng mốt em cũng thừa sức đi xuống xóm Miễu.
Tôi không tin chỉ sau một ngày rưỡi thằng Tường có thể leo qua đồi Cỏ Úa sau đó vượt qua khoảng rừng thưa ở xóm Miễu để đến được chỗ ở của con Nhi. Nhưng không muốn làm nó thất vọng, tôi gật đầu:
- Ừ, nếu mày chăm tập thế nào ngày mốt mày cũng sẽ đi được.
78. Ngày Dài Lê Thê
Trưa ăn cơm xong, vừa buông đũa Tường đã đứng lên khỏi ghế, háo hức kéo tay tôi:
- Đi, anh!
- Đi đâu?
- Anh đưa em ra nhà ông Xung.
- Mày đi xa vậy? Mới tập đi, mày chỉ nên đi tới nhà ông Cả Hớn thôi.
Nhà ông Cả Hớn tức là nhà con Mận trước đây.
- Không. Bữa nay em nhất định ra tới nhà ông Xung.
Tường bướng bỉnh, một phản ứng hiếm thấy ở một đứa hiền lành như nó, có lẽ lúc này trong đầu nó không có một ý nghĩ nào khác ngoài chuyện đi thăm con Nhi.
- Anh Hai con nói đúng đó. Ngày đầu, con nên đi quãng ngắn thôi. Từ từ rồi hãy đi xa hơn.
Mẹ tôi chép miệng nói, dĩ nhiên bà không biết động cơ nào khiến Tường nôn nao đến vậy.
Tôi nháy mắt với Tường khi thấy mặt nó xịu xuống:
- Nghe lời mẹ đi, mày!
Hôm đó, Tường đi tới tận nhà ông Xung thật. Lúc đầu tôi định cầm tay nó dắt đi nhưng nó giật ra: “Em tự đi được mà, anh Hai!”. Tôi buông tay ra nhưng không ngừng dán mắt vào nó, yên tâm khi thấy nó đi chầm chậm nhưng vững chãi, trông như nó đang cẩn thận đo từng mét đường.
Sự thực thì lúc đi tới nhà ông Cả Hớn, Tường đã đuối lắm rồi. Tôi nhìn mồ hôi ướt đẫm lưng áo nó, cất giọng lo lắng:
- Hay quay về đi mày. Sán mai tao và mày đi tiếp.
Tường khăng khăng:
- Em chưa mệt. Em còn đi được.
Thằng Ghế chở thằng Dưa chạy ngang, reo ầm:
- Mày đi được rồi hả Tường?
Con Xin thấy tôi và Tường dọ dẫm tới trước cổng, cũng chạy ra, kêu inh ỏi:
- Ba ơi, thằng Tường đi được rồi nè ba!
Đối với Tường, sự ngạc nhiên hoan hỉ của tụi bạn chẳng khác nào những cơn mưa rào. Vẻ mệt mỏi trên mặt nó nhanh chóng được gột sạch. Tôi nhìn Tường, ngờ rằng nó đang hăm hở xâu từng tiếng reo của thằng Ghế và con Xin trong đầu và o khi làm điều đó chắc là nó cảm thấy phấn khích như vừa leo lên tới đỉnh Everest.
Và mặt Tường rạng ra khi ông Xung đặt tay lên vai nó, vui vẻ khen:
- Con giỏi lắm!
Dĩ nhiên ông Xung không biết được động cơ thực sự của Tường khi nó lặn lội lết ra tới nhà ông trong khi cơ thể nó chưa cho phép. Cũng vì vậy ông hoàn toàn không biết câu nói tiếp theo của ông vô tình quét lên mặt Tường một dải cầu vồng lấp lánh:
- Con siêng tập như thế này chừng một hai ngày nữa con lại chạy như ngựa cho coi!
79. “Bà Điên Bà Khùng”
Thằng Tường tỏ ra vô cùng hào hứng, sau khi từ nhà ông Xung trở về.
Tôi sờ tay lên tay nó, hỏi:
- Mệt không mày?
- Có gì đâu mà mệt, anh Hai. – Tường đáp, cố tình chìa vào mắt tôi vẻ mặt của một đứa coi chuyện đi một quãng đường xa như thế chỉ là chuyện vặt.
- Xạo đi mày! – Tôi cốc khẽ lên đầu nó – Tao còn mệt mà mày không mệt!
Tường lỏn lẻn, có lẽ nó cũng nhận thấy không nên tỏ ra là người hùng trước mặt tôi:
- Ờ, mệt. Nhưng em mệt sơ sơ.
Nó ngước nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh:
- Ngày mai anh đi với em nữa nha, anh Hai?
- Ra nhà ông Xung nữa hả?
- Không, ngày mai em sẽ tập băng qua nghĩa trang. Em sẽ đi đến đồi Cỏ Úa. – Tường đáp lời tôi nhưng lần này ánh mắt nó dời khỏi mặt tôi để nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ.
- Mày đừng có điên! – Tôi kêu lên khi biết ý định của nó – Mày chưa lên đồi được đâu!
- Em chỉ đi tới chân đồi thôi. Rồi quay lại.
Tường nói bằng giọng điềm tĩnh nhưng tôi vẫn cảm nhận được sức nóng trong câu nói có vẻ thờ ơ của nó. Tôi nhìn nó thở dài, biết mình không thể và cũng không nên ngăn cản.
Sáng hôm sau, chờ mẹ tôi đi khỏi, hai anh em tôi lò dò men ra nghĩa trang.
Nhưng hôm đó Tường không băng hết chiều dài của nghĩa trang nổi. Bãi cỏ nghĩa trang mấp mô, không bằng phẳng như đường lộ, Tường té lên té xuống.
Lần này không đợi tôi lên tiếng, Tường đã mở miệng trước. Nó ngồi bệt trên cỏ, đưa tay xoa mông, nói giọng cam chịu:
- Mình quay về thôi, anh Hai!
- Mày không tập nữa à? – Tôi hỏi, ngạc nhiên một cách sung sướng.
- Chiều em tập tiếp. – Tường quẹt mồ hôi trán, cứng cỏi đáp.
Nhưng đến buổi chiều thì biến cố xảy ra ngay khi hai đứa tôi vừa đặt chân lên rìa nghĩa trang.
Lúc đó khoảng bốn giờ, nắng đã bớt gắt và trên bãi cỏ xanh ngắt của nghĩa trang đã thấp thoáng bóng trẻ con đuổi bắt nhau.
Khi tôi và Tường vừa rời khỏi đường lộ đã nghe những tiếng reo hò ở phía trước vọng lại.
- Tụi nó chơi trò gì thế anh?
Tôi nhìn bọn trẻ lô nhô túm tụm trước mặt, chép miệng:
- Chắc lại trò đánh nhau.
Tường vẫn nhìn chằm chằm về phía trước, chân dọ dẫm trên lớp cỏ nghĩa trang óng ánh nắng chiều.
Đột nhiên Tường la hoảng:
- Con Nhi, anh Hai!
- Con Nhi á?
Tôi sửng sốt lặp lại, vừa kịp nhìn thấy tà áo đầm xanh thấp thoáng trong đám đông phía trước.
Đúng là con Nhi rồi. Sao nó lại xuất hiện vào giờ này nhỉ? Tôi nhớ trước nay con Nhi chỉ đến thăm thằng Tường vào buổi sáng, lúc gần trưa, khi nghĩa trang hoàn toàn vắng bóng người.
Chưa bao giờ con Nhi trốn khỏi nhà vào buổi chiều. Nhưng thắc mắc chỉ lóe lên trong đầu tôi chút xíu thôi, rồi tôi hiểu ngay. Thời gian gần đây con Nhi không thể tự ý rời khỏi xóm Miễu như trước, có lẽ vì vậy mà nó buộc phải trốn đi bất cứ lúc nào ba nó chểnh mảng trong việc canh chừng nó. Nó quyết định băng qua nghĩa trang vào thời khắc bất thường như vậy chắc là nó nhớ thằng Tường lắm.
Lúc này những tiếng trêu ghẹo của bọn trẻ phía trước xát vào tai hai...