bướm.
Đúng như tôi nghĩ, cô nhón chân đi về phía cửa sổ, đưa mắt nhìn vào bên trong. Tôi không rõ cô có cười với Tường hay không hay đang nói gì, chỉ thấy dáng điệu trông cô rất vui vẻ và một lát sau tôi thấy em tôi nhô đầu bên cửa sổ.
Có vẻ như cả hai đang trao đổi với nhau một điều gì đó, rất ngắn, có thể mỗi người chỉ nói đúng một câu, vì ngay sau đó tôi thấy Tường biến mất nơi khung cửa sổ. Tôi đoán nó lại ngồi xuống giường vì mệt hoặc vì mỏi chân, nhưng ngay lập tức tôi biết mình sai lầm.
Tường lại hiện ra, nhưng lần này ở khung cửa lớn bên hông nhà. Tôi phải đưa tay lên dụi mắt hai, ba lần để tin rằng Tường đã đi lại được và điều đó khiến tôi mừng rỡ đến mức tôi cảm nhận rõ rệt trái tim tôi đang bắt đầu nhảy múa.
Tường chỉ đứng một chỗ, tay vịn vào khung cửa, có lẽ nó chưa thể đi xa hơn. Trong khi tôi nghĩ cô công chúa nhỏ sẽ bước về phía Tường thì cô chỉ đưa tay lên vẫy chào em tôi (chắc là có mỉm cười) rồi quay mình đi về phía hàng rào.
Sau thoáng giật mình vì bất ngờ, tôi choàng tỉnh, lập tức bật dậy và co giò đuổi theo.
71. Nơi Trú Ngụ Của Công Chúa
Tôi bị công chúa bỏ một quãng xa.
Lẽ ra tôi đã đến gần cô hơn nhưng vì Tường còn đứng bên khung cửa nhìn theo, tôi không thể đuổi theo công chúa bằng đường ngắn nhất.
Tôi phải vòng qua phía nhà cũ của con Mận để tránh tầm mắt của Tường và đến khi tôi đặt chân lên thảm cỏ ở bìa nghĩa trang thì công chúa chỉ còn là một chấm nhỏ ở tít đằng xa.
Như vậy, cô không đến từ nghĩa trang. Cô không phải là một hồn ma. Ý nghĩ đó sưởi ấm tôi được một chút nhưng khi gò má tôi vừa có được một ít sắc hồng thì ý nghĩ tiếp theo khiến mặt tôi trắng bệch trở lại.
Tôi chợt nhớ bên kia nghĩa trang là đồi Cỏ Úa, đi xa hơn sẽ tới xóm Miễu, một nơi chốn xem ra còn đáng sợ gấp nghìn lần nghĩa trang.
Tôi chưa bao giờ đặt chân tới xóm Miễu. Ba mẹ tôi chẳng quen ai ở đó. Và sự thực cũng chẳng có ai cả gan cất nhà ở xóm Miễu, trừ ông Tám Tàng thầy cúng nay hành nghề mổ lợn thuê trong làng.
Thằng Sơn từng nơm nớp kể tôi nghe về con cọp
thọt chân biết nghe tiếng người đang ngụ trong khu rừng thưa ở xóm Miễu. Lúc đầu tôi không tin, sau đó nghe chính miệng chú Đàn xác nhận tôi bắt đầu ngờ ngợ và đến khi tôi phát hiện tụi bạn tôi đứa nào cũng bị ba mẹ cấm ngặt chuyện léng phéng xuống xóm Miễu thì sự ngờ vực đã bị xóa tan.
Có bao giờ công chúa là do ma cọp này hóa ra để dẫn dụ em tôi? Câu hỏi nóng bỏng như một cái que cời than cắm trong đầu tôi khiến tôi phải xộc tay vào tóc, một cử chỉ như để dập tắt nỗi sợ trong khi chân tôi vẫn không ngừng bước.
Thực sự thì khi thấy cô công chúa kỳ lạ lên tới đỉnh đồi Cỏ Úa và không có vẻ gì muốn dừng lại, chân tôi đã muốn thối lui. Nhưng tôi chỉ phân vân có một lát, sự hiếu kỳ lại chiếm lấy cặp giò tôi, tiếp tục khua về phía trước.
Lần đầu tiê tôi lên tới đỉnh đồi Cỏ Úa. Xưa nay, tôi vẫn cùng tụi bạn chơi đùa, chạy nhảy trên bãi cỏ mênh mông của nghĩa trang, rủ nhau thi thả diều hoặc lượm phân bò khô hun khói để dụ bọ rầy vào những chiều trời đong đầy gió. Nhưng chưa bao giờ tôi leo lên đồi.
Lúc đó tôi chưa nghe về truyền thuyết xóm Miễu, nhưng cứ mỗi lần hướng mắt lên đồi Cỏ Úa hoang vu, tôi vẫn bắt gặp mình gây gây sốt. Khung cảnh trơ trụi với những vạt cỏ cháy khô, xen lẫn màu xanh thưa thớt của những bụi chà là nhọn hoắt gieo vào đầu tôi một ý nghĩ không tên, nhưng âm u và buồn tẻ.
Xóm Miễu là một bức tranh hiu quạnh theo kiểu khác, nó nhiều màu xanh hơn so với đồi Cỏ Úa tắm trong màu vàng của đất cằn và cỏ cháy.
Nhưng dù đổi màu, nó vẫn là bức tranh mô tả về sự hoang vắng và tạo cảm giác rờn rợn với một co cọp thành tinh đang rình rập đâu đó trong một góc tối của bức tranh. Điểm sinh động duy nhất mà tôi nhìn thấy là nàng công chúa đang dạo bước giữa những hàng cây thưa.
Lúc này cô đã đi chậm lại, không biết cô hái khi nào mà trên tay cô bây giờ là một bó hoa dại nhiều màu.
Trong khi cô tung tăng hái hoa bắt bướm giữa rừng xanh, tôi đã có cơ hội thu ngắn khoảng cách giữa hai người và đến một lúc tôi tự dặn mình phải thận trọng nếu không muốn bị cô phát hiện.
Đột nhiên tôi nhận ra sự sợ hãi đã rời bỏ tôi. Quá chú tâm đến công chúa, trong một lúc tôi quên bẵng con ma cọp, hơn nữa cho đến lúc này con cọp thành tinh đó chưa tỏ dấu hiệu gì cho thấy nó đang có mặt trong khu rừng này, trừ trường hợp nó chính là công chúa. Nhưng trực giác của tôi mách bảo rằng đó là điều không đáng tin.
Mãi rồi công chúa cũng ra khỏi khu rừng, hay khu rừng ra khỏi công chúa thì cũng thế, vì những hàng cây không thể kéo dài mãi.
Một ngôi nhà tranh, giống như mọi ngôi nhà khác trong làng, lọt vào tầm mắt tôi khi tôi theo chân công chúa ra khỏi rừng.
Công chúa đi chưa tới cửa nhà, đã có tiếng quát bên trong vọng ra, ý nghĩa thì âu yếm nhưng ngữ điệu giận dữ, có lẽ phát ra từ một cái miệng đang phân vân giữa hai thái độ:
- Con đi đâu về đó con?
72. Đức Vua Và Công Chúa
Tiếng quát làm tôi giật bắn mình, vội lẩn vào sau một gốc cây.
Tôi giật thêm một cái nữa khi liền sau tiếng quát, người đàn ông trong nhà đã tiến ra trước khung cửa.
Tôi há hốc miệng. Đó đích thị là một đức vua.
Ngài đang đội một cái vương miện bằng bạc, vương miện nhỏ hơn đầu ngài nên có vẻ chỉ bám hờ trên chỏm, tóc ngài xổ ra bốn phía như những túm bờm. Ngài mặc một chiếc áo trắng dài tận gót, quấn quanh ngực là tấm khăn choàng có vẻ như làm bằng lông thú và mặc dù không lâm chiến với kẻ địch, tay ngài vẫn vung vẩy một thanh báu kiếm.
- Tâu phụ vương, con chỉ đi chơi loanh quanh trong rừng thôi ạ.
Câu trả lời của công chúa khiến quai hàm tôi cứng đờ vì không thể há to hơn nữa. Chẳng lẽ cô là công chúa thật và người đàn ông kia là đức vua thật?
- Hoàng nhi! – Đức vua hạ thanh kiếm xuống – Đây không phải là lần đầu con không nghe lời ta.
- Con xin lỗi phụ vương.
Công chúa đáp, trông cô không có vẻ gì sợ hãi hay hối lỗi, có lẽ cô biết rõ tình yêu bao la của vua cha dành cho cô. Nói xong, cô nhảy chân sáo vào nhà. Trông cô thật vui tươi, giống như những bông hoa đang đong đưa trên tay cô.
Đức vua nhìn theo, thở dài:
- Khổ thân con bé!
Lần này, tôi bỗng nhận ra giọng của đức vua rất quen, và đến khi tôi nhớ ra chỉ có một người dám cất nhà ở xóm Miễu thì tôi nhận ra ngay đức vua chính là ông Tám Tàng mổ lợn.
Như bị ai đánh mạnh vào đầu, óc tôi ngừng suy nghĩ mất một lúc. Đến khi tôi choàng tỉnh, đức vua – à không, bây giờ là ông Tám Tàng – đã biến mất sau khung cửa.
Năm phút sau tôi đã ở bên hông nhà ông, hồi hộp dán mắt vào khe hở giữa các tấm ván ghép, cảm giác y hệt lúc tôi cùng tụi bạn chen nhau coi cọp các gánh hát lưu diễn thỉnh thoảng vẫn về làng dựng rạp trên những bãi đất trống.
Ở phía trong, ông Tám Tàng lúc này đã ngồi xuống ghế, vương miện vẫn còn trên đầu nhưng thanh kiếm đã đặt ngang trên mặt bàn. Bây giờ, nhìn ông ở khoảng cách gần, tôi thấy mặt ông có vẻ nhàu nhò, mệt mỏi, trông ông không giống đức vua nữa. Ông giống một kép hát về chiều hơn.
Công chúa đang lui cui đằng góc bếp, thỉnh thoảng trả lời những câu hỏi của vua cha trong khi vẫn không ngừng giở các nắp nồi để kiếm thức ăn.
Những tiếng “phụ vương”, “hoàng nhi” đệm trong câu đối đáp của hai cha con không còn làm tôi ngạc nhiên nữa, chỉ khiến tôi buồn cười.
- Tâu phụ vương, con vừa nhìn thấy phò mã.
Công chúa bỗng nói, lần này thì cô quay hẳn người lại để có thể nhìn vào mắt đức vua.
Bên ngoài bức vách, tôi phải cắn chặt môi để tâm trí đừng lãng đi.
- Phò mã à? – Ông Tám Tàng thờ ơ hỏi lại, dường như ý nghĩa của lời thông báo nghiêm trang kia chưa kịp ngấm vào tai ông.
- Dạ. – Công chúa đáp bằng giọng hớn hở như thể cô vừa tìm thấy một thứ ăn được trong chạn – Phò mã đẹp trai lắm, tâu phụ vương.
Như sực hiểu ra cô con gái đang nói gì, đôi mày ông Tám Tàng lập tức cau lại:
- À, ra là phò mã!
Đôi mắt ông xoáy vào mặt công chúa, vẻ căng thẳng:
- Con gặp hắn ở đâu?
- Dạ, ở bên kia nghĩa trang…
Tôi thấy quai hàm ông Tám Tàng đột ngột bạnh ra, dấu hiệu không nhầm được của sự tức giận. Nhưng khi nói với công chúa, ông cố tìm một giọng điệu thật kềm chế để cô không sợ hãi:
- Hoàng nhi! Ta đã dặn con bao nhiêu lần rồi. Là con không được vượt khỏi ngọn đồi.
Công chúa biết vua cha không hài lòng. Cô cụp mắt xuống, đứng yên.
Tôi nhìn kỹ cô và nhận ra chiếc áo của cô đã cũ, và chắc may bằng thứ vải rẻ tiền nên màu xanh nhiều chỗ đã bợt đi, nhìn gần trông nó giống như một tấm vải nhuộm dối.
Xâu chuỗi cô đeo trên cổ có lẽ cũng không phải là ngọc, cũng không được là đá, đó là loại vòng đeo cổ kết bằng những hạt nhựa nhiều màu người ta vẫn bày bán lềnh khênh trước cổng trường huyện.
- Ta đã nói cho con biết bên kia ngọn đồi là vương quốc của kẻ thù. Nếu con để họ bắt gặp, con sẽ bị họ giết hại ngay lập tức…
Đầu tôi kêu ong ong. Một cảm giác buồn bã và thương cảm chiếm lấy người tôi từng phút một. Rõ ràng, cho con ông Tám Tàng đã bị điên. Ông Tám Tàng mổ lợn nhiều quá nên chắc bị ma lợn trả thù. Ma lợn ám cả hai cha con, biến căn nhà ông thành một gánh hát kỳ dị. Dù cố gắng tôi vẫn không sao gạt bỏ được ý nghĩ hai cha con ông đang bị số phận đẩy vào một thế giới khác, âm u và xa vắng, tách biệt hẳn với thế giới loài người – không chỉ về mặt địa lý.
Bị sự thẫn thờ nhấn chìm, tôi bất giác để một tay rơi xuống, chạm vào một cán cuốc dựng hờ bên vách làm chiếc cuốc ngã ra va vào một chiếc thau nhôm móp méo treo lủng lẳng kế đó.
Tôi hoảng hồn đưa tay bụm miệng, như thể nếu không phải tôi đang rên lên với những ngón tay thì có lẽ tôi đang tưởng những tiếng lanh canh kia vừa phát ra từ miệng tôi.
Trong lúc tôi cố tin những người trong nhà không ai nghe thấy hoặc nếu nghe thấy cũng chẳng để ý thì ông Tám Tàng đã lướt đi rất nhanh bên kia vách. Đến khi tôi ngoảnh lại đã điếng người thấy ông đứng sững ngay cửa, giương cặp mắt kinh ngạc ra nhìn tôi.
Tiếp theo sự kinh ngạc là sự giận dữ, chắc thế, vì tôi thấy ông lắp bắp, những cơ mặt không ngừng co giật làm mặt ông méo đi:
- Ngươi… ngươi…
73. Thanh Kiếm Của Đức Vua
Khuôn mặt tôi chắc cũng đang biến dạng vì sợ hãi.
Tôi cũng nghe mình lắp bắp, giống như tôi vừa đánh rơi tiếng nói ở ngoài bìa rừng:
- Bác… bác…
Tôi định nói “Bác tha cho con” mặc dù tôi cũng không biết tôi xin tha về tội gì. Nhưng cái lưỡi tôi đột ngột thụt đi đâu mất.
Ông Tám Tàng có vẻ định làm gì đó, tôi thấy thanh kiếm ông đang cầm trên tay rung bần bật, nhưng ngay lúc đó công chúa hiện ra bên cạnh ông. Cũng như đức vua, cô giương mắt ra nhìn tôi. Tôi thấy mắt cô đen láy, và đôi mắt đó lúc này đang mở rất to, dĩ nhiên là cô cũng rất kinh ngạc, hẳn vì đã lâu cô không thấy bóng người lai vãng ở khu vực này.
Thái độ ông Tám Tàng lập tức thay đổi khi cô con gái bước ra.
Như bị ai chùi, vẻ giận dữ trên mặt ông biến mất không còn một dấu vết, và khi nói tiếp câu thứ hai thì ông đã kịp tròng vào mặt vẻ tôn nghiêm của một đức vua:
- Ngươi yết kiến trẫm có việc gì?
Tôi đực mặt ra một lúc. Vẻ ngẩn ngơ của tôi chỉ tan đi một nửa khi tôi thoáng thấy cái nháy mắt của ông, rồi tan nốt phần còn lại khi tôi ngờ ngợ đoán ra ông muốn gì.
Tôi không chắc lắm sự phỏng đoán của mình, nhưng vẫn nói, hết sức cung kính, đầu cúi thấp:
- Muôn tâu bệ hạ, thần đến đây…
Đột nhiên tôi nhận ra mình cũng hóa thành một vai tuồng và ý nghĩ đó khiến tôi dở khóc dở cười.
- Thần đến đây… đến đây…
Tôi bối rối lặp lại, không biết phải bịa ra mục đích gì. Đang phân vân, tôi chợt bắt gặp cái nhìn hiếu kỳ của công chúa, liền nói:
- Thần được biết bệ hạ treo bảng tuyển phò mã…
Tôi mới nói tới đó, ông Tám Tàng chưa kịp đáp, công chúa đã phản ứng ngay. Cô xua tay, rối rít:
- Khỏi, khỏi. Ta không tuyển ngươi làm phò mã đâu. Ta đã chọn phò mã rồi.
- Đúng rồi! – Ông Tám Tàng phụ họa – Trẫm đã kén phò mã cho công chúa rồi.
Thình lình ông hét lớn, tay giơ cao thanh kiếm lên khỏi đầu:
- Ngươi đến đây quấy rầy, trẫm quyết không tha mạng cho ngươi.
Vừa nói ông vừa xông ra khỏi cửa khiến tôi bất giác thối lui một bước, trái tim muốn rớt khỏi lồng ngực.
Ông Tám Tàng nháy mắt với tôi lần nữa trước khi bổ kiếm xuống.
Tôi hơi hoàn hồn khi nhác thấy cái nháy mắt ra hiệu của ông nhưng khi thanh kiếm chém đánh vù qua tai, tôi vẫn phải nghiêng đầu tránh rồi co giò bỏ chạy.
Tôi nghe tiếng chân ông Tám Tàng thình thịch phía sau, tiếng lưỡi kiếm chém soàn soạt vào cây lá, và tiếng của ông nữa. Ông vừa khua thanh kiếm vừa quát:
- Chạy đi đâu! Trẫm đã ra tay thì ngươi đừng hòng thoát!
Phía trước, tôi vẫn chạy vắt chân lên cổ. Cho đến lúc đó, tôi không biết những cái nháy mắt của ông là tín hiệu của người tỉnh hay là dấu hiệu của người điên.
74. Con Nhi
Tôi chạy cuống cuồng, miệng thở dốc, ngực áo phồng lên xẹp xuống gấp gáp, chỉ hãm đà phi lại khi nghe tiếng ông Tám Tàng cất lên sau lưng:
- Dừng lại đi con! Bác chỉ giả vờ thôi!
Giọng ông lạ hoắc, như mượn của ai. Và tôi không còn nghe tiếng chân ông nện lên mặt đất nữa.
Khi tôi quay mặt lại thì ông Tám Tàng đã không còn giống đức vua nữa. Cái vương miện rơi mất tự lúc nào. Tấm khăn choàng cũng không còn trên cổ. Tóc ông xổ tung, rối bời, đỏ và vàng – như rơm khô. Chiếc áo dài trắng nhìn gần đã ngả sang một màu rất khó gọi tên, nó nằm giữa màu mỡ tra bánh xe và màu khói thuốc, và có vẻ được may từ một tấm drap giường cũ kỹ, càng tang thương hơn khi nó bị các cành cây đâm thủng và móc rách vô số chỗ trên đường ông đuổi theo tôi.
Trước mặt tôi lúc này, ông Tám Tàng không giống một đức vua đã đành, ông cũng không giống ông Tám Tàng mổ lợn hoạt bát thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên đường làng. Trong tia nhìn dò xét của tôi, đó là một người đàn ông nhếch nhác, tiều tụy như vừa thoát ra một đám cháy, nếu là vua thì giống một ông vua vừa bị quân phiến loạn cướp ngôi và truy sát đã nhiều ngày.
- Bác… bác…
Tôi lắp bắp, giương to mắt nhìn người đàn ông lúc này đã đứng gần đến mức tôi nghe rõ cả tiếng thở hổn hển của ông.
Ông Tám Tàng chống thanh kiếm xuống đất, thở dài sầu não, bây giờ tôi đã nhận ra thanh báu kiếm của ông chỉ là một cây kiếm gỗ được sơn phết sặc sỡ nơi chuôi, giống như đồ chơi của trẻ con:
- Con gái bác mắc bệnh ngớ ngẩn. Kể từ ngày nó bị té trong rạp xiếc…
” Con Nh i!”, tôi sửng sốt kêu lên trong đầu.
Tôi biết con Nhi con ông Tám Tàng.
Nó bằng tuổi với thằng Tường nhưng học sau em tôi một lớp. Cách đây ba năm, đoàn xiếc mô tô bay về dựng rạp ở sân trường làng, con Nhi mê tít, nửa đêm trốn khỏi nhà chạy tới chỗ đoàn xiếc xin làm chân quét dọn (chỉ với mơ ước ngày nào cũng được coi xiếc không tốn tiền), bị ông Tám Tàng rượt theo bắt lại.
Các đoàn xiếc ít khi về diễn ở làng tôi vì người xem không đông bằng trên huyện. Năm đó, đoàn xiếc về làng là nhờ chú Đàn năn nỉ. Chú quen biết với ông trưởng đoàn, người rất mê tài thổi acmônica bằng tay trái của chú và năm lần bảy lượt đề nghị chú gia nhập đoàn của ông nhưng lần nào chú cũng từ chối, với lý do phải ở nhà chăm sóc bà nội tôi.
Rạp xiếc mô tô bay giống như một cái lồng hình trụ, bằng ván, cao khoảng mười mét hoặc hơn nữa, phía trên có mái che bằng vải bạt để khán giả tránh nắng. Chu ng quanh miệng lồng là một bao lơn cũng bằng ván được chống đỡ bằng các cây cọc và có cầu thang hình xoắn ốc để khán giả leo lên bao lơn đứng xem.
Đám trẻ làng tôi rất mê xiếc mô tô bay. Khi chàng trai hoặc cô gái từ một cánh cửa bí mật nào đó lái mô tô ra giữa khoảng đất trống dưới đáy lồng và rú ga ầm ĩ, trái tim trong lồng ngực tụi tôi đã đập dồn. Đến khi người cưỡi xe chạy vài vòng dưới đất rồi bất thần rồ máy phóng vọt lên vành lồng chạy vòng quanh, cả người lẫn xe nằm song song với mặt đất thì trái tim của khán giả đã muốn văng ra ngoài.
Tôi còn nhớ rõ tai nạn của con Nhi. Chu yện đó xảy ra sau hôm nó trốn theo đoàn xiếc mô tô bay một ngày. Trước đó, con Nhi đã được ba nó dắt vào rạp rồi. Có lẽ sợ nó mê xiếc tiếp tục bỏ nhà trốn đi, ông Tám Tàng bấm bụng mua vé dắt nó đi xem lần nữa cho nó đỡ thèm.
Hôm đó, hai chiếc mô tô chạy trên vành lồng cùng lúc. Người con trai đeo râu giả, mặc hoàng bào của nhà vua, người con gái mặc trang phục công chúa. Hai chiếc xe rượt bắt nhau quah chiếc lồng, lúc vọt lên cao lúc sà xuống thấp, trông vô cùng ngoạn mục. Đức vua chạy sau, thỉnh thoảng gào lên “Hoàng nhi, con về nhà đi”. Công chúa rạp mình trên xe, ngúng nguẩy đáp “Con không về đâu, tâu phụ vương”.
Lũ trẻ chúng tôi giật mình thon thót, cứ sợ đức vua và công chúa va vào nhau. Chỉ có con Nhi là không sợ. Giữa những gương mặt đang tái đi vì lo lắng, nó cứ cười khanh khách một cách thích thú.
Mỗi lần chiếc mô tô đến gần, nó còn hào hứng đưa tay vẫy nhà vua và công chúa. Biến cố bất ngờ xảy đến lúc công chúa tinh nghịch phóng xe lên cao, đầu nhô lên khỏi mép lồng và nhoẻn miệng cười với con Nhi. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, hay do phấn khích quá mức, con Nhi rướn người khỏi bao lơn thò tay nắm tay công chúa, nắm thật chặt.
Tôi chỉ kịp thấy ánh mắt của cô diễn viên xiếc lóe lên đầy hoảng sợ và miệng cô há ra, nhưng tiếng la của cô chưa kịp rời khỏi đôi môi, cô đã rớt khỏi yên xe và cùng với con Nhi bàn tay vẫn còn nắm chặt tay cô, cả hai cùng rơi xuống. Trong khi đó, chiếc mô tô không người lái vẫn tiếp tục lao đi thêm gần một vòng rồi văng ra khỏi vành lồng, rơi xuống theo.
Sự nhốn nháo, kinh hãi bùng lên và nhanh chóng lan ra trong người xem như một đám cháy. Tiếng la hét, tiếng kêu gào lập tức biến thành một cơn bão âm thanh nhấn chìm mọi người dưới một nỗi khiếp đảm chưa từng có.
Ở tít phía dưới, nhân viên của đoàn xiếc túa ra từ chiếc cửa ngách bí mật, cuống quýt bu quanh hai thân người đang nằm bất động. Như muốn thảm kịch được tô đậm hơn nữa, chiếc mô tô rơi đánh “uỳnh” như động đất, tay lái va vào đầu con Nhi một cú như trời giáng.
Bây giờ hồi tưởng lại khung cảnh của ngày hôm đó, người tôi vẫn còn run lên. Những hình ảnh lướt qua trong trí nhớ làm tôi cảm thấy đau đớn như ai đang kéo một lưỡi cưa trong đầu tôi.
Những ngày sau đó, cô diễn viên xiếc hồi tỉnh lại trong bệnh viện...