Này! – Tiếng gọi đằng sau làm tôi giật mình.
Tôi đang chênh vênh, chân đung đưa, nghe tiếng gọi đằng sau, làm mất căn bằng rớt cái uỳnh xuống cát. Do gấp gáp nên vừa tiếp đất không vững, tôi té nhúi nhủi, cát chui vào người khó chịu. Ngẩng đầu lên thì thấy Thương đang cười hí hứng, tóc xoã dài bay trong làn gió, nom quỷ dị thật chứ chẳng đùa.
- Giật mình! – Tôi nhảy lên mặt tảng đá, rũ những hạt cát bướng bỉnh dính lúc nãy vì trò đùa của cô bạn.
- Vậy mà cũng sợ!
- Vậy Thương soi gương xem Thương có đáng sợ hay không? – Tôi phủi cát ở cánh tay ngại ngùng.
Cô bạn tự nhiên đang ngồi ăn bánh, rót nước đưa lên miệng nháy mắt:
- Có nghĩa khí ghê ha!
- Người tốt thường không được đáp lại mà! – Tôi ngồi phịch xuống bên cạnh, lấy bánh ra ăn.
Hai
chúng tôi cũng chẳng biết vì sao, cứ im lặng mãi, im lặng mãi, cứ như cả hai đều bị sóng biển đánh cho tan ra thành vô hình ấy. Cho đến khi cả hai chẳng ai nói ai câu nào, lững thững đi vào trại.
Gần ba năm sau, biển đêm lại chứng kiến tôi đi bên cạnh một cô gái, và cũng tình cờ như có sự sắp đặt của bàn tay tạo hoá, tôi đi bên cạnh một cô bạn cùng lớp. Có lẽ vì thế, trong đầu tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ bắt đầu một thứ tình cảm mới. Có lẽ vì nó quá thân quen, cứ như kiểu bạn đang sống trong một vòng lặp mà mọi thứ cứ quay đi quay lại không lối thoát vậy. Nhưng tình cảm vốn nó không có quy luật, đã vượt qua quy luật ấy, chỉ có điều, tình cảm của tôi đang bị lý trí kìm nén mà thôi.
“ Đơn giản, Thương chỉ là bạn, trong một sự ngẫu nhiên tình cờ mà thôi!”. Tôi thầm nghĩ trong bụng.
Hai người đi mãi đi mãi trên bờ biển dài, tối đen. Cứ như thế khi tảng đá không còn nhìn thấy hai người bạn ấy đâu nữa, nó cứ như sự kết thúc đầu tiên mà tôi kể cho Bông Xù nghe.
- Nè anh Tín! – Bông Xù khẽ gọi khi tôi đang định quăng mình vào trại đánh một giấc.
Tôi theo cô em gái ra bên đống lửa trại lúc nãy, cả đám đông lớp tôi đang chầu chực một thứ gì đó, đứa thì chu miệng thổi phà phà, đứa thì dùng cái que khều thứ gì đó trong đống than hồng ra.
- Khoai lang nướng đó!
Thương và tôi ngồi xuống, cũng nhập chung với lũ lén lút. Tôi giành cái cây của thằng Hùng khều củ khoai lang ra. Kéo lê nó trên cát, cúi người thổi phù phù. Cát bay lên dính hết lên cả trán, đâm cả vô mắt.
- Thằng ngu này! – Thằng Hùng cười sằng sặc.
- Kệ tao!
Tôi đưa tay nhấc củ khoai lang nướng đã nguội bớt lên bẻ làm đôi, chìa ra cho Thương.
- Ngồi im! – Thương nghiêm mặt nhìn tôi, tôi ngu ngơ ngồi theo yêu cầu của bạn.
Bàn tay Thương khẽ đưa lên trán tôi, cái băng đô trên cổ tay làm cho những hạt cát rớt xuống. Tôi rùng cả mình, cứ như ai đó đang kề dao vào cổ tôi vậy. Không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác này. Tôi đứng dậy, mang nửa của khoai lang ra cái xích đu gần đó, ngồi nhấm nháp. Hình ảnh khuôn mặt Thương ở gần, rất gần cứ mãi ám ảnh tôi.
Sáng dậy, chương trình tập thể dục trên biển, và tắm biển diễn ra rất nhanh. Đây là thời gian mọi người được tự do nên hầu như ai cũng đi kiếm một khung cảnh đẹp để chụp hình. Tôi cũng bị Bông Xù và cả lớp lôi đi, chắc có lẽ trong khung hình, ai cũng cười rạng rỡ, chỉ có tôi là mặt trầm ngâm ưu tư.
Một giờ chiều, thu dọn mọi thứ, vệ sinh xung quanh khu trại, chúng tôi tạm biệt biển để trở về với cuộc sống đời sinh viên với tài liệu và giảng đường. Ai nấy cũng mệt phờ nên xe vừa lăn bánh là đã thiếp đi. Vẫn như cũ, Thương ngồi ngoài, tôi ngồi trong, cô bạn ấy lại gục đầu lên vai tôi yên bình giấc ngủ.
Tôi ngồi im, đưa mắt nhìn cảnh vật đang lướt đi rất nhanh. Tiếng nhạc vàng nhẹ nhàng trên xe của bác tài xế mở vang lên du dương.
- Không ngủ à, cậu thanh niên?
- Dạ không! – Tôi nhìn vào cái gương chiếu trên xe, khuôn mặt bác tài xế đang cười tươi vui vẻ.
- Người yêu à? – Bác vẫn chăm chú nhìn đường đi, hỏi tôi.
- Không, bạn thôi ạ!
- Đúng là thanh niên! – Bác ấy lại cười.
- Bài bác mở là bài gì thế ạ?
- Riêng một góc trời ấy mà, được không?
Bác tài xế đầy tự hào về bản nhạc mà chính tay mình mở, còn lắc lư người, khe khẽ hát theo nữa chứ. Nhưng tôi cũng phải đồng tình với bác tài về bản nhạc ấy, nó rất hay, rất tâm trạng, hợp với tôi.
“Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi…”.
Trong khi ấy, tiếng sóng biển nhỏ dần nhỏ dần, rồi biến mất. Tất cả những gì với biển đều ở lại, hãy để nó mãi là những kỉ niệm ngọt ngào nhất.
CHAP 15: NHỮNG NGÀY THI CỬ.
Chúng tôi trở về từ đợt cắm trại khoa, mà theo thằng Hùng thì không khác gì xổ trại giam.
Vừa về đến phòng, thằng Tuấn đã vật cổ tôi ra đòi quà, mặc cho cái thân tôi đã mỏi nhừ, cảm giác như cát đang có mặt khắp nơi trên thân thể.
- Từ từ, mày làm như…?
- Quà tao đâu! – Thằng Tuấn ngồi một mình ở phòng, không biết nó cô đơn quá hoá rồ không nữa.
- Đây quà mày này! – Tôi móc cái khăn của khu du lịch khoa ra đưa cho nó, còn nguyên cái logo khu du lịch to tướng.
- Con khỉ…!
- Rồi, bớt nóng, chờ tao tắm cái đã!
Mặc kệ thằng bạn mặt nhăn hơn quả táo thuốc Bắc, tôi ào vào phòng tắm, xối nước ầm ĩ, hát hò ỏm tỏi.
- Mày im miệng dùm tao được không!
- Đang vui…! – Tôi lại vu vơ hát tiếp.
- Có gì mà vui vậy, cua được em nào à?
Thực chất, tôi cũng chả hiểu tôi vui bởi cái gì nữa, nên chẳng trả lời thằng bạn, cứ thế mà lẩm nhẩm lại mấy câu trong bài Riêng một góc trời vừa nghe.
- Mấy thằng kia đâu? – Tôi nhấp ngụm nước ngọt, thắc mắc hỏi thằng Tuấn.
- Đi hết rồi, đứa lên bác chơi, đứa đi đâu tao cũng không rõ.
- Ờ,thế mày không đi chơi à? – Tôi đẩy cái dĩa trái cây sang trước mặt nó, coi như làm quà đi chơi về.
- Chơi bời con khỉ, sắp thi rồi mày!
Nghe đến chữ gần thi tôi mới sực nhớ ra, không khác gì sét đánh ngang tai giữa buổi trưa.
- Chết mồ, giờ cũng tháng mười hai rồi!
- Ừ, nửa tháng nửa thi, học hành gì chưa?
- Chưa! – Tôi thở dài ngao ngán.
Vị chi, tôi phải thi sáu môn và có tổng thời gian là mười lăm ngày để ôn thi. Mỗi môn sẽ ngốn của tôi thời gian hai ngày rưỡi, nghe có vẻ khó khăn khi trên lớp, tôi hay ngủ gục đến nỗi không biết kiến thức mình hổng ở đâu nữa.
- Mặt mày sao nghệt ra thế?
- Đang tính…!
- Mày tính cái gì? – Thằng Tuấn nhăn mặt khó hiểu.
- Tính xác suất tao đậu tất cả! – Tôi nhe răng cười khà khà.
Thằng Tuấn đành lắc đầu, bó tay trước cái vẻ tự tin giả tạo của tôi. Nó nào biết, tôi cũng đang lo sốt vó cả lên chứ đâu.
Về đến phòng, tôi leo lên giường, ngủ mộ tgiấc. Dù sao việc bồi dưỡng sức khoẻ là điều đầu tiên cần phải làm lúc này.
Tiếp theo, tôi nhắn tin cho Thương xin sự viện trợ.
- Này, Thương ghi hết trong này, có gì không hiểu cứ hỏi nhé!
Thương chìa ra sáu cuốn vở, tôi lật sơ qua, có vẻ đúng như lời quảng cáo của cô bạn, không thiếu sót một bài nào. Đúng là con gái có khác, chả bù cho tụi con trai chúng tôi. Tôi sáu môn thì ghi chép vào ba cuốn vở, thiếu đầu thiếu cuối, còn vẽ nhăng cuội cả lên, đến nỗi, học gần hết một học kì, mà có khi cuốn vở còn mới tinh nữa là.
- Có gì mà suy tư vậy?
- À, không, có gì Tín sẽ hỏi!
Tôi nói rồi vẫy tay chào Thương, phóng thẳng ra cửa hàng photo ở hội quán kí túc. Hùng dũng, hiên ngang, đặt chồng vở lên mặt bàn.
- Photo hết dùm con cô ơi.
Bà chủ quán mở chồng vở ra, rồi quay lại nhìn tôi, với cái vẻ mặt khó chịu. Chắc là không ưa mấy thằng học hành cẩu thả, để giờ gần thi rồi mới vắt chân lên cổ mà chạy đua.
Tôi hoàn trả tất cả cho Thương, cầm đống photo về và bước vào chương trình chuẩn bị thi cử. Phòng tôi cũng chẳng thằng nào khác tôi là mấy, cứ lầm rầm như đọc kinh. Thằng Việt thì treo cái tờ giấy:“Quyết tâm học thi” lên bức tường ở khoảng giường nó. Đúng là tinh thần võ đạo có khác, làm cái gì cũng ngút trời chí khí.
Phòng chúng tôi chẳng thằng nào bảo thằng nào, cứ thế cắm cúi học. Bình thường thì cứ thong thả, thong dong mãi đến tối mới chịu ngồi vào bàn chong đèn, thì nay, cứ xong giờ cơm tối là nháo nhào ngồi nghiêm túc, viết lách, chau mày, bóp trán. Đến hai ba giờ sáng thì thằng đầu tiên mới chịu lăn ra ngủ.
- Này, sao mặt thâm quầng vậy? – Thương nhìn tôi sau một tuần tu luyện.
- Luyện công quá độ, tẩu hoả nhập ma!
- Luyện công…!
- Chứ còn gì nữa, sắp thi rồi!
- Ồ! – Thương gật gù ra vẻ thông cảm.
Bình thường, Phong và Thương học rất chăm chỉ nên đến sát kì thi, hai người bạn tôi rất vững tâm. Họ tỏ ra thoải mái, chẳng lo sợ điều gì cả. Còn tôi với Bông Xù thì cứ rối hết cả lên, đúng là anh em có nạn cùng chia.
- Giờ Phong kèm Vi, còn Tín chịu khó hỏi Thương nhé!
- À, ừm…!
- Sắp thi rồi, có gì hỏi thôi, đừng ngại!
Thằng Phong có vẻ hiểu rõ cái lòng tự trọng của một thằng con trai là như thế nào, nên động viên tôi. Tôi ầm ừ cho qua chuyện.
- Này,Tín có hiểu hết không vậy?
- Không!
- Sao không hỏi Thương?
- Thì cái gì cũng không hiểu, hỏi không kịp nữa! – Tôi tỏ vẻ bình thản, nhún vai.
Thương lắc đầu liên tục, trên quãng đường đi về kí túc, cô nàng nhất quyết bảo tôi cái gì không hiểu thì phải hỏi, vì thi cử là quan trọng. Nhưng tôi thuỷ chung cứ lắc đầu cho qua, cứ làm cái mặt
“Thi cử thôi, có gì quan trọng!”.
Khiến Thương phải chịu thua.
Đó là trước mặt tỏ vẻ, chứ lúc trong phòng, tôi hoàn toàn tập trung hết công suất, suốt ngày ngồi bên máy tính mày mò những điều chưa hiểu. Cũng chẳng biết có phải vì lòng tự trọng như thằng Phong dự tính, hay là do tôi không muốn mất mặt với cô bạn phòng đối diện hay không, tôi tuyệt nhiên chẳng bao giờ đi cầu đạo bao giờ. Một mình tôi giữa đống tài liệu, giữa những con số thống kê, đầu óc hoa lên, nhưng ý chí lì lợm khiến tôi vẫn sống sót.
Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
Tôi thi môn cuối cùng thì lúc đó cũng là gần giữa tháng một. Môn này đối với tôi hơi khó, vì tôi chưa kịp tìm hiểu cho kĩ.Đề bốn câu, làm đúng hai câu thì tôi qua môn, nhưng đến câu thứ hai thì tôi tắc tị, không viết thêm được gì nữa.
“Ba câu còn lại cứ lạ hoắc, chẳng biết Thầy có ra đề vượt kiến thức không nữa?” – Tôi cắn bút làu bàu, bắt đầu cố ghi tất cả những cái gì gọi là manh mối ra nháp, hi vọng trong cơn quẫn trí, sẽ có chút gì đó quen thuộc hiện lên.
Nhưng có lẽ đến khi tôi cắn nát cả đầu bút, trên tờ giấy thi của tôi cũng chỉ vọn vẹn được một câu.
Thương ngồi ngang với tôi, hai đứa đều ngồi đầu bàn nên cô nàng nhìn vào bài thi của tôi là đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra với cái thằng “đã dốt không chịu hỏi?”.
- Này,bí câu nào vậy? – Thương nhỏ giọng, mắt không rời bài thi.
- Bí tất! – Tôi vươn người ra dựa vào bàn thở dài.
Thương nheo mắt nhìn tôi, rồi lại cắm cúi làm bài. Thời gian chín mươi phút trôi qua nhanh chóng, trong khi tờ giấy thi thì chưa thêm được chữ nào, còn tờ giấy nháp thì chi chít biết bao nhiêu là chữ, lần những cái gạch ngang thể hiện cho sự bất lực.
- Này…!
- Gì?
Tôi nhìn xuống đầu bàn của cô bạn, tờ giấy nháp với những dòng chữ nắn nót. Đó là câu trả lời cho bài tập số hai, nếu tôi không nhầm. Thương đang tỏ lòng hào hiệp cứu vớt tôi. Chỉ cần ngoan ngoãn chép hết những dòng chữ này vào, tôi sẽ chẳng phải rớt môn.
Giữa rớt một môn học, với bản tính tự trọng của một thằng con trai, đúng là đáng để cân nhắc. Nếu bây giờ mà chép thì tôi cũng chẳng phải sợ điều tiếng, bởi trong thi cử, cái chuyện bạn giúp bạn cũng đâu phải là chuyện gì mới mẻ.
Tôi cầm bút lên, chuẩn bị đưa mắt nhìn sang tờ giấy nháp của Thương. Rồi bất chợt tôi bỏ bút xuống, khoanh tay trước ngực. Thương nhìn sang tôi, nhìn sang giám thị rồi quay sang:
- Sao thế?
- Không sao cả?
- Sao không…?
- Không, khỏi đi, học lại cho chắc! – Tôi cười hề hề.
Mặt Thương nhăn nhó khó chịu khi lòng tốt bị tôi từ chối, cô bạn giữ nguyên khuôn mặt ấy cho đến khi hai đứa tôi ra khỏi phòng thi.
- Sao không chép đi?
- Làm gì! – Tôi thản nhiên hỏi ngược lại.
- Thì đậu chứ sao!
- Nhưng mà đậu rồi thì sao, có phải Tín làm đâu.
Tôi nói cứng trước mặt Thương, nhưng thực chất đúng lúc tôi bỏ bút xuống, thì có lẽ lòng tự tôn của một thằng con trai là điều duy nhất tôi nghĩ. Nhưng dù cho là lý do gì, thì tôi cũng đã nghĩ mình làm đúng. Trước giờ, ngoại trừ môn Văn, có lẽ chưa môn nào tôi dùng đến sự trợ giúp của bạn bè, hoặc tài liệu cả. Coi như lì hoặc ngu cũng được, nhưng điều đó làm tôi thoải mái.
Tôi vươn vai, hít một hơi dài:
- Thi xong rồi, thoải mái quá!
Thương lắc đầu, đi đằng sau, Bông Xù với Phong cũng lại nhập bọn. Bốn đứa kéo xuống căn – tin trường như một thói quen khi thi xong bất kì một môn gì. Dọc đường đi, chỉ có Phong và Thương là tích cực trao đổi về bài thi, còn tôi và Bông Xù thì tuyệt nhiên chẳng đả động gì cả, đúng rồi, ai mà muốn khơi dậy nỗi đau cơ chứ.
- Tín, đậu bao nhiêu môn vậy? – Thương đột nhiên quay sang hỏi tôi.
- Ờ, thì hên xui, hên thì năm môn, xui thì rớt hết! – Tôi thản nhiên nhún vai.
- Ờ!
Thương tỏ vẻ không hài lòng trước thái độ bình chân như vại, coi thường học hành của tôi. Dù sao, đó cũng chỉ là vẻ bên ngoài thôi, tôi cũng đã dành hết sức ôn thi nên năm môn trước, tôi tự tin dư sức vượt qua, thậm chí điểm số có thể nằm ở mức khá hẳn hoi.
Dù sao, cái cảm giác áp lực thi cử cũng hoàn toàn tiêu tan, tôi cảm thấy cái gông trên cổ biến đâu mất.
- Bao giờ về vậy Tín?
- Không biết nữa, có khi mấy ngày nữa!
- Về sớm vậy à? – Thằng Phong ngậm cái ống hút, ngước lên.
- Ờ, dù sao cũng nhớ nhà rồi!
Đúng thật là không khí Tết đang ùa về rạo rực khắp mọi con đường. Cái không khí mà người người tất bật, nhà nhà tất bật chuẩn bị khiến cho tôi có cảm giác nhớ nhà một cách khủng khiếp. Nếu không phải ghé qua nhà thăm Bác trước khi về thì có lẽ tối nay tôi đã yên vị trên xe về quê rồi.
- Vậy trước khi về anh lì xì cho em nhé? – Bông Xù nở nụ cười tươi, làm công cụ dẫn dụông anh nó.
- Không, lớn rồi, lì xì gì nữa! – Tôi cốc lên trán cô em gái.
- Này, cậu kia, sao lại đánh con gái thế…!
Cả bốn chúng tôi ngước lên, nhìn cái người vừa mới phát ngôn.
Tôi trợn tròn mắt, lắp bắp không thành tiếng, người vừa xuất hiện quá đột ngột sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.
- Ơ…!
- Ơ cái gì, cậu bao nhiêu tuổi rồi còn đi đánh con gái thế! – Người vừa ra tay nghĩa hiệp thẳng thừng quát lại tôi.
- …!
- Xem ra tính tình chẳng thay đổi là bao!
Cả ba đứa bạn của tôi đều há hốc mồm nhìn nhau, chắc là lần đầu tiên thấy tôi có vẻ thất thế như thế, đồng thời đưa mắt nhìn tôi muốn dò hỏi xem đó là thần thánh phương nào.
- Không mời ngồi à?
- Vâng, nào dám ạ, mời hai chị ngồi! – Tôi xuôi xị đứng dậy kéo hai cái ghế tới.
Miệng Thương và Phong lẫn Bông Xù lần này há hốc ra.
- Mấy đứa là bạn của Tín à?
- Dạ! – Ba đứa bạn thấy tôi như vậy, cũng ngoan ngoãn theo, không dám manh động.
- Giới thiệu cho chị coi!
Tôi ngoan ngoãn giới thiệu từng người bạn một. Đến đoạn giới thiệu người vừa tới, thì tất cả đều im lặng lạ thường.
- Đây là chị Xuyến, chị…à…ờ…!
- Con trai mà ấp úng, thua cả con gái, chị là Xuyến! – Bà chị Nữ tặc nở nụ cười duyên dáng, chào ba người bạn tôi.
Chị đi cạnh bà chị Nữ tặc thì khều bà chị rồi nói nhỏ vào tai, chắc là có liên quan đến tôi nên thấy bà chị Xuyến lừ mắt sang nhìn tôi, mặt sáng quắc.
- Là cậu em học chung trường cấp ba mình đó, sau mình một khoá!
- Có phải là cậu nhóc mà đánh nhau với thằng…! – Nói đến đó, bà chị bên cạnh vội đưa tay bịt miệng.
“Cậu nhóc ư?” – Tôi lầm rầm trong lòng, không dám thốt ra thành tiếng.
Có lẽ ba đứa bạn của tôi không hề đề phòng với bà chị Nữ tặc nên tỏ ra rất thích thú. Cũng phải thôi, chị Xuyến luôn là nhưthế, luôn tạo ra cảm giác cực kì gần gũi, thân thiết dù mới lần đầu tiên gặp mặt, một con người có sức hút với đám đông. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu rõ sự“tàn ác” đằng sau khuôn mặt thánh thiện ấy.
- Rồi sao hả chị?
- À,bạn em ấy hả, chuyên gia ngồi sổ đầu bài! – Bà chị lại liếc tôi một cái nữa, có lẽ là do lâu quá chưa có cơ hội nên hôm nay dồn hết vào một lượt thì phải.
- Cái này em nghe rồi! – Bông Xù háo hức, muốn nghe chuyện mới hơn.
Tôi kịp xen ngang, trước khi cái chuyện tôichui rào vào trường bị lộ ra.
- Sao chị xuống đây!
- À, xuống thăm bạn, lâu rồi chị cũng không thấy mặt nó rồi, không ngờ được gặp ở đây nhỉ?
Cái nháy mắt đầy ý nhị, lẫn vào đó là giọng điệu hơi có vẻ giận khiến tôi chột dạ, ngồi im ngậm ống hút. Bà chị cũng chẳng thèm truy đuổi tôi nữa.
Sau khi hỏi han vài chuyện với mấy đứa bạn, chị Xuyến với bà bạn đứng dậy chào tôi ra về.
- Này, ra chị nói cái này!
Tôi ngoan ngoãn đi theo, ra cái ghế đá cạnh đó, ngồi cạnh bà Nữ tặc. Bà chị kia ý tứ nên đứng ra xa chờ.
- Làm gì mà đổi số điện thoại không báo?
- Ơ, em quên mất!
- Lúcnào cũng đãng trí nhỉ, tuổi chưa bao nhiêu mà đã…! – Chị Xuyến thở dài, dường như xả hết nỗi bức xúc bấy lâu nay thì phải.
- Tại lúc đó em mất máy nên không có số chị.!
- Khỏi giải thích, còn không biết đường cho chị lại số nữa!
Tôi chậm rãi đọc từng chữ số, bà chị Nữ tặc nhá qua, rồi lắc lắc cái điện thoại cười tươi rạng rỡ:
- Vậy nhé, có số rồi đấy, đừng có làm mất nữa không thì liệu hồn!
- Dạ…! – Tôi lí nhí lưu số điện thoại bằng cái tên C. Nữ Tặc.
- Cho cơ hội chuộc tội, Tết lên nhà chị chơi!
- Vâng! – Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Bà chị vỗ vai tôi chạy ra chỗ chị kia đang đứng đợi. Không quên bỏ lại một câu:
- Ăn uống nhiều chút nhé, trông gầy hơn rồi đấy!
Tôi toe toét đưa tay lên vẫy chào. Chào sự bất ngờ trùng hợp.
- Này, chị đó là ai vậy? – Thằng Phong sốt sắng.
- Chị ấy vui tính thiệt! – Thương nhấc gọng kính nhận xét.
- Dễ thương nữa! – Bông Xù hí hứng.
Tôi nhấp ngụm nước, kể lại chuyện xưa cho mấy người bạn nghe. Chuyện về một thằng học sinh đi học muộn chui rào vào trường, bị bà chị Cờ đỏ bắt gặp.
- “Con trai gì mà yếu ớt vậy?”.
Tôi mỉm cười khi nhớ lại cái cảnh tôi vác cái chân đau leo lên từng bậc cầu thang, bà chị Nữ Tặc đi trước, luôn miệng quát tháo. Nhớ đến cả cái việc tôi và thằng Huy phải dùng tay chân giải quyết, cũng vì nó nghĩ tôi đang tán tỉnh cô chị hơn tuổi.
Thời gian trôi qua nhanh thật, cũng đã là ba năm rồi. Và ba năm qua, vẫn có người không hề thay đổi. Vẫn còn cái tính khí vui vẻ đến...