* KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
* Shop bán Vàng, Ngọc Xanh tự động

Truyện Ngồi Khóc Trên Cây Full Chap

mất bất ngờ quay về đậu trên vai tôi khiến tôi không muốn trì hoãn một phút giây nào dọc đường.
Với chiếc ba lô nhún nhảy trên lưng, tôi vội vã đi lướt qua những đàn bò đang thong thả gặm cỏ, những hàng rào dâm bụt đỏ chói, những chiếc chong chóng quay vù vù trên tay đám con nít đứng trước các hiên nhà ngó ra. Tôi đi lướt qua nắng, qua gió, qua mùa chong chóng của bọn trẻ làng, qua bà mẹ mùa đông người chị cánh đồng, qua hờn tủi buồn đau để cảm nhận một cách rõ rệt tôi đang bỏ lại sau lưng những ngày ảm đạm.
Đón tôi về là yêu thương, là hạnh phúc giấu giữa những bụi duối dại, dưới bóng dây leo, là những chiếc lá bướm bạc hứng đầy ánh sáng, là hoa huỳnh anh ươm vàng thềm giếng, là hoa dong riềng nhuộm đỏ bờ sông Kiếp Bạc. Khi bước vào nhà, ôm lấy thím Lê, lần đầu tiên trong đời tôi bật khóc trên vai thím. Khóc vì sung sướng, khóc vì rốt cuộc tôi đã trở về, và khóc vì vừa hờn giận vừa biết ơn số phận đã thử thách và hành hạ tôi quá mức nhưng đến phút chót đã kịp nghĩ lại để hào phóng bù đắp cho tôi tất cả.
- Con về dịp này hay quá. – Thím Lê nói, cũng sụt sịt giống như tôi – Tuần tới là đám giỗ chú con.
Tôi quên mất ngày đám giỗ chú Thảo nhưng tôi nhớ chú mất vào một mùa mưa lê thê trời lạnh đến mức bọn chồi non rủ nhau trốn biệt trong các nách lá.
Thằng Thục đi học trong Tam Kỳ chưa về, trưa đó tôi ăn qua loa một chén cơm rồi leo lên phản nằm một mình. Tôi không ngủ trên xe một phút nào vậy mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi
trằn trọc một lát rồi ngồi dậy đi loanh quanh trong sân. Khi tôi ngước mặt lên tàng me trước ngõ, hình ảnh con Rùa ngồi khóc trên cây đêm nào chợt hiện ra trong tâm trí khiến tôi tự dưng nhớ nó da diết.
Thế là tôi đi ra cổng.
- Con đi đâu đó con?
Tôi ngoảnh lại, thấy thím Lê đang đứng vịn tay trên cửa ngó ra.
- Dạ con lên thăm cô Út Huệ. – Tôi ngần ngừ một chút rồi nói thêm – Tối con ngủ trên nhà cô Út luôn nha thím.
Nghe tôi trả lời, thím chỉ “Ờ” một tiếng rồi không nói gì thêm. Đi một quãng xa, tôi ngoảnh lại thấy thím vẫn đứng chỗ ngách cửa nhìn theo.
Khi đi qua cây cầu treo bắc ngang sông Kiếp Bạc, tôi nhận ra đây không phải là cây cầu cũ. Những miếng ván lát dưới chân, những dây vịn đã được thay mới hoàn toàn. Ờ, thay cây cầu là đúng rồi. Nhưng sao người ta không đúc cầu bê tông nhỉ? Tôi vừa đi vừa nghĩ, không dám nhìn xuống dưới vì sông Kiếp Bạc mùa này nước đầy ắp và phi như ngựa tế tạo cảm giác cây cầu đang trôi nhanh đến chóng mặt.
Dãy bìm bìm vẫn tím ngát bên kia sông khiến tôi cảm thấy lòng dịu đi giữa cái nắng chói chang. Lúc đi ngang bụi cúc tần, tôi cúi xuống bứt một nắm lá me chua đất nhét vào túi áo. Tối nay tôi sẽ tặng con Rùa những chiếc lá hình trái tim này. Tôi sẽ nhai một chiếc và xúi nó nhai một chiếc để nhớ lại ngày đầu tiên hai đứa tôi quen nhau.
Cô Út Huệ có lẽ đang ở ngoài đồng khi tôi đến. Bé Loan trọ học ngoài thị trấn nên nhà vắng hoe. Trên các bức vách chong chóng cắm chi chít: chong chóng tre, chong chóng lá dừa, chong chóng dán giấy kính màu, chong chóng làm từ bao thuốc lá… Nhiều chiếc đang quay tít trong gió đông.
Tôi ra nhà sau nhấc ấm chè đang bắc trên bếp rót một ly uống cho đỡ khát rồi bước sang nhà con Rùa.
Mặc dù biết nó không có nhà vào giờ này, tôi vẫn thấy hồi hộp lạ lùng. Khi những éo le của cuộc đời đã được rũ bỏ, thế giới dường như được sinh ra lần nữa, kể cả chuyện tình của hai đứa tôi. Có lẽ đó là lý do tôi đang bắt gặp mình đi trên những bước chân xao xuyến của lần hẹn hò đầu tiên.
Bà nội con Rùa đang ngồi bên thềm giếng với rổ rau xanh như hình ảnh tôi nhìn thấy hôm nào. Vẫn những cành huỳnh anh đó đang nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà và lên chiếc nón lá bà đang đội để che nắng.
Bà không ngước lên nhưng không hiểu sao bà vẫn nhận ra tôi.
- Đông mới về hả con?
Tôi nghe tiếng bà hỏi, dịu dàng và thân mật như hỏi một đứa cháu trong nhà. Và tôi khẽ gật đầu, cảm động:
- Dạ.
Tôi lại bối rối gí gí những mũi chân xuống sàn giếng, không biết phải nói thêm gì nữa. Lần trước tôi đã thú nhận với bà chuyện tình cảm của tôi và con Rùa. Nhưng lần đó sở dĩ tôi liều lĩnh như vậy vì tôi đang ở thế cùng đường: tôi đang ấm ức khi đột ngột trở thành anh họ của con Rùa theo cái cách mà tôi không cam chịu. Bây giờ khi tất cả đã suôn sẻ, tôi lại trở lại là một đứa con trai nhút nhát và cảm thấy thật bé nhỏ trước bà.
Bà nội con Rùa bỗng ngừng tay và nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi cảm thấy lo lắng:
- Có chuyện gì thế bà?
Có cảm giác thời gian ngưng lại một lúc lâu sau câu hỏi của tôi. Và khi thời gian bắt đầu tôi trở lại, tôi nghe tiếng bà thở hắt ra:
- Con về trễ quá!
Trong một giây, ruột gan tôi quặn lại. Tôi về trễ ư? Mới có năm tháng trôi qua, chẳng lẽ con Rùa đã đi lấy chồng rồi sao? Nó hẹn tôi mùa thả diều sang năm về chơi với nó mà. Tự dưng tôi nhớ đến thái độ lạ lùng của thím Lê lúc nãy. Xưa nay chưa bao giờ thím Lê hỏi tôi đi đâu khi tôi ra khỏi nhà. Thím đã làm tôi ngạc nhiên, ngay cả cái cách thím đứng bên cửa nhìn theo tôi lúc tôi đi lên xóm trên cũng làm reo một cái chuông báo động trong đầu tôi nhưng lúc đó tôi vẫn chưa hình dung ra điều gì đang chờ đợi tôi.
Tôi nhìn bà, giọng run run:
- Em Rùa đi lấy chồng rồi hở bà?
- Nó chết rồi, con à.
Câu trả lời của bà nội con Rùa như vẳng lại từ một chốn nào đó mông lung lắm và người tôi đột nhiên lạnh đi. Kèm theo câu nói là những giọt nước mắt ứa ra từ đuôi mắt nhăn nheo và lăn một cách khó nhọc trên gương mặt được chạm trổ bởi chi chít đau thương, đã nhàu đi, như lăn trên một vách đá khô và xám.
Gương mặt héo hắt đó bỗng lùi ra xa tít trước mắt tôi. Cả rổ rau xanh, cả bụi huỳnh anh, cả cái giếng đá cũ kỹ cũng trở nên xa xăm như khuất sau một màn sương dày dù trời đang nắng gắt.
Tôi vịn vào thềm giếng để đừng khuỵu chân xuống nhưng đôi tay tôi bỗng trở nên yếu ớt, cuối cùng tôi đành ngồi bệt xuống nền giếng trơn ướt, trong một giây thấy thế giới thi nhau rạn vỡ: phiến đá, bầu trời, trái tim tôi…
***
Tại sao em lại bỏ tôi ra đi vào lúc này, khi mà tất cả những bi kịch của đời tôi đã được số phận dỡ bỏ?
Tại sao người từ giã cõi đời là em, cô bé ngây thơ, mà không phải là tôi?
Nếu định mệnh giật cái chết ra khỏi tay tôi để trao nó cho em thì liệu điều đó có khác gì trừng phạt tôi suốt đời tìm quên trong chén đắng?
Ở làng Đo Đo, mùa chong chóng đã về và đầu tôi cũng đang quay cuồng trong muôn nỗi rối ren.
Từ khi biết mình không bị ung thư máu, tôi tưởng tôi được sống lại lần thứ hai nhưng giờ đây tôi chua xót hiểu rằng số phận đã lừa tôi, đã vờ làm cho tôi tin rằng lưỡi rìu định mệnh sẽ không bao giờ chém hai lần vào cùng một vết thương để cuối cùng tung ra một cú đánh úp khiến tôi ngã quỵ.
Theo lời bà nội con Rùa, cháu bà chết vào đầu mùa mưa, ngay sau đợt lũ quét đầu tiên tràn qua làng cách đây nửa tháng.
Chiếc cầu treo cũ kỹ bị lũ cuốn trôi nên bọn học trò xóm trên muốn đến lớp trong thời gian đó phải gói cặp sách trong áo mưa đội lên đầu để bơi qua sông mỗi ngày.Con Rùa là đứa bơi giỏi nhất. Nhưng một hôm nước xiết, trong lúc cứu các đứa bé hơn bị nước cuốn, con Rùa đã kiệt sức vào phút chót nên không thể bơi được vào bờ.
Khi người làng chạy tới, nước đã cuốn nó đi xa.
Ba nó đã chết dưới dòng sông này. Bây giờ tới lượt nó.
Ba nó chết vì cứu bầy khỉ trong rừng. Con Rùa chết vì cứu những đứa trẻ trong làng.
Từ khi thành lập làng, đã nhiều người bỏ mạng dưới dòng sông này vào mùa nước lớn và chưa có ai bị nước cuốn trôi mà tìm được xác. Có phải vì vậy mà con sông quê tôi có tên là Kiếp Bạc?
Hôm đó, tôi và nhà đốt cho con Rùa một nén nhang rồi lảo đảo ra về, cảm giác mặt đất đang nghiêng đi.
Tôi không dám ngồi lâu ở nhà con Rùa vì mỗi khi nhìn lên tấm ảnh của nó, tôi như nghe tiếng nó thì thầm “Sao bây giờ anh mới về?” và mỗi lần như thế tôi lại run run sờ tay lên mớ lá me chua đất nằm im lìm trong túi áo, nước mắt âm thầm ứa ra.
Cô Út Huệ ôm lấy tôi khi tôi vào nhà. Và cô khóc:
- Tội nghiệp con, tội nghiệp con Rùa!
Tôi đã cố nén tiếng khóc vào lòng khi ở trước mặt bà nội con Rùa nhưng lúc này thì tôi không kềm được nữa. Tôi bật khóc theo cô. Tôi biết cô đã đọc bức thư tôi gửi hôm nào nhưng khi cô thay đổi thái độ với chuyện tình cảm của tôi thì con Rùa đã ra đi mãi mãi. Buồn đau xen lẫn uất ức, nước mắt tôi trào ra như suối.
Tôi khóc rất lâu. Nếu thời ấu thơ có lần nào tôi từng khóc dai dẳng vì bị mẹ đánh đòn thì cũng chẳng thấm tháp gì so với lúc này. Trong màn lệ mờ ảo tôi nhìn thấy con Rùa đứng bên kia bờ giậu lôi cuốn Asterix và lưỡi hái vàng từ trong vạt áo ra huơ qua huơ lại trên đầu và háo hức gọi tôi “Anh đọc cho em nghe đi”.
Hình ảnh rõ mồn một đến mức tôi phải quay đầu về phía nhà nó để xem có thực là nó đang đứng đó gọi tôi không. Nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài bóng lá lắt lay nhưng đang vẫy những chiếc khăn buồn vào mắt tôi.
Đằng sau hàng giậu đó, lời hứa hẹn thơ ngây của con Rùa đêm hôm nào từng đuổi theo tôi “Anh đừng buồn nhé! Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!” và khi nghe những lời tha thiết đó vang lên trong đầu, đã sắp nín tôi lại òa ra nức nở.
***
Bé Loan và thằng Thục về làng khi tôi đã bị nỗi đau nướng sắp thành than.
Hôm biết tin con Rùa qua đời, tôi đã không ngủ lại nhà cô Út Huệ như dự tính.
Tôi sợ kỷ niệm dắt tôi đi. Tôi sợ tôi sẽ lang thang qua nhà con Rùa, sẽ lại ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc nghe những lời yêu thương thao thức vọng về. Tôi sợ khi nhìn thấy con Cổ Dài bên ao rau muống, tôi sẽ nhớ lại hình ảnh con Rùa chở che tôi trong ngày đầu tiên tôi đặt chân qua nhà nó. Tôi sợ cả đàn cá lượn lờ dưới đám bèo tai chuột trong hòn non bộ. Chắc chắn chúng sẽ gợi tôi nhớ lại lời con Rùa trêu tôi khi tôi đứng ì bên con gà bằng đất nung chờ xem nó có gáy hay không.
Tôi cũng không dám đi qua cây cầu treo chòng chành vắt ngang sông Kiếp Bạc. Dòng sông cay nghiệt đó đã cuốn theo nó bao nhiêu người, đã đem người tôi yêu thương đi mất.
Ngay cả cây sầu đông bên này sông nơi tôi từng ngồi, tôi cũng tránh xa. Chính dưới gốc cây này, tôi đã lần đầu tiên chứng kiến con Rùa trở thành thiếu nữa trong tà áo trắng thướt tha khi nó đạp xe đã đến giữa cầu mà linh tính còn giục nó quay trở lại tìm tôi.
Trong ba ngày tiếp theo, tôi ngồi trong nhà thím Lê nhìn mưa lướt thướt kéo ngang cửa sổ. Tôi chạy trốn khỏi vùng yêu thương.
Nhưng tôi tưởng thế thôi. Cây me trước ngõ nhà thím, con Rùa đã từng vắt vẻo và nước mắt nó từng hóa thành sương đêm rơi xuyên qua cành lá để đến đậu trên tóc tôi. Rồi tấm liếp che trước cửa, đôi mắt con Rùa từng lấp ló nhìn trộm tôi hai ngày liền qua khe hở bé xíu. Cửa sổ kế chiếc bàn học là nơi lần đầu tiên tôi trò chuyện với con Rùa và phát hiện ra bên dưới mái tóc xấu xí là một gương mặt vô cùng khả ái với đôi mắt long lanh như hai giọt nước – đôi mắt sáng đến mức mỗi khi chúng chuyển động tôi cứ ngỡ hai vì sao đang sắp sửa đổi ngôi.
Những kỷ niệm vây bọc tôi đến tức thở dù trong ba ngày liền tôi không đặt chân lên xóm trên. Con Rùa đã không còn trên đời nữa nhưng hình ảnh của nó luôn đầy ắp trong tôi. Nhìn đâu tôi cũng thấy nó, điều đó làm tôi tin rằng tình yêu đã tự động dán tất cả những gì liên quan đến con Rùa vào đầu tôi như người ta dán ảnh vào album. Những bức ảnh đó sẽ theo tôi đến lúc tôi cũng chết đi như con Rùa – luôn luôn tươi mới, không bao giờ ố vàng hay mốc meo. Thời gian chỉ đánh bóng chúng lên, làm cho chúng lấp lánh hơn trong tâm tưởng.
Thím Lê có lẽ rất xót xa khi thấy tôi héo đi từng giờ nhưng thím không nói gì với tôi trong những ngày đó. Tôi nghĩ thím vừa muốn an ủi tôi lại vừa muốn tỏ ra không biết gì về chuyện tình cảm của tôi và thím loay hoay giữa hai cảm xúc đó bằng cách ít ra khỏi nhà hơn, chăm sóc tôi nhiều hơn và thường kín đáo quan sát tôi qua khóe mắt.
Các biểu hiện của thằng Thục rất giống mẹ nó. Chiều thứ bảy vừa về tới, thấy tôi ngồi cạnh bàn học, nó chạy ào tới reo lên mừng rỡ “Ồ, anh Đông về hồi nào vậy?” nhưng ngay sau đó nó lập tức khựng lại khi nhận thấy tôi vừa nặn ra một nụ cười gượng gạo để đáp lời nó.
Kể từ lúc đó, thằng Thục cố ép mình làm những chuyện trái với bản tính hiếu động của nó. Nó đi lại rón rén, nói năng khe khẽ và mặc dù không muốn khuấy động tôi, nó vẫn tìm mọi cách để lượn lờ quanh tôi như vờ lục lọi trong ngăn bàn để tìm một cái gì đó, liên tục dời một chiếc ghế từ chỗ này qua chỗ khác chẳng với lý do gì hay thậm chí ngồi yên lặng hằng giờ ngay sau lưng tôi với cuốn sách trên tay.
Cuối buổi chiều, trong khi tôi và thằng Thục đang ngồi buồn thiu trước sân thì bé Loan đột ngột xuất hiện ngay trước cổng. Trở về từ thị trấn, con bé chắc đã biết tất cả những gì đã xảy ra với tôi qua lời kể của cô Út Huệ. Nó biết tối nay tôi không lên xóm trên nên xuống đây tìm tôi.
- Anh Đông!
Nó gọi, và bước lại chỗ tôi ngồi. Nó không ôm tôi như mọi lần mà nắm lấy tay tôi:
- Anh đi lại đằng này với em đi!
Tôi đứng lên theo đà kéo của nó, ngơ ngác:
- Đi đâu vậy em?
- Đi ra bờ sông em chỉ anh xem cái này!
Tôi sợ ra bờ sông. Từ hôm trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi không bao giờ bén mảng ra sông, thậm chí không đủ can đảm đi về phía đó.
Nhưng lúc này tôi để mặc bé Loan lôi tôi đi. Tôi chẳng biết ngoài bờ sông có gì đáng xem, nhưng có bé Loan bên cạnh và thằng Thục lẽo đẽo phía sau dù sao tôi cũng không đến nỗi quá buồn như khi một mình đối diện với dòng sông.
Từ xa tôi đã thấy nhiều bóng người thấp thoáng trên cầu, không rõ họ là ai và đang làm gì.
Chỉ khi đi đến chỗ cây sầu đông, tôi mới nhận ra đó là những người thợ săn trong làng. Ông “Asterix” Hai Sắn, ông “Panoramix” Bảy Thành, ông “Obelix” Bốn Lai và chú Ngãi đứng túm tụm giữa cầu.
Họ đứng đó, đã không còn cây súng nào trên tay, thay vào đó là những bó hoa vạn thọ, hoa sen, hoa bìm bìm và các loại hoa dại như cúc tần, mào gà, chút chít…
Trong bóng chiều chập choạng, họ lặng lẽ rút từng nhánh hoa thả xuống dòng sông, chậm rãi, nghiêm trang và buồn bã.
- Hồi trước mấy người này ghét chị Rùa kinh khủng! – Bé Loan thì thầm bên tai tôi – Nhưng từ ngày chị Rùa bị nước cuốn trôi, chiều nào họ cũng đến đây, cũng rải hoa xuống dòng sông này.
Tôi hiểu tại sao như vậy. Thằng Thục cũng biết nguyên nhân làm thay đổi thái độ của những người thợ săn đối với con Rùa. Nhưng cũng như tôi, Thục không nói gì, chỉ lặng thinh dõi mắt theo những cánh hoa đang bập bềnh trên sóng và trôi mãi về phía xa, nơi có lẽ giờ này con Rùa đang chìm vào giấc ngủ quạnh hiu.
Tự nhiên tôi hỏi:
- Sáng mai tụi em đi vô rừng chơi với anh không?
- Vô rừng á? – Bé Loan reo lên, nhưng rồi nó chợt xịu mặt xuống – Mẹ em không cho đi đâu!
Tôi đặt tay lên vai nó, trầm ngâm:
- Anh sẽ xin mẹ dùm em.
Thằng Thục rụt rè hắng giọng:
- Trước đây anh từng vô rừng với bạn Rùa…
- Ờ. Vì vậy mà anh muốn đi thăm lại những nơi tụi anh đã đi. Ngày mốt anh về lại Sài Gòn rồi.
Lần này vào lại Sài Gòn, không biết chừng nào tôi mới quay về lần nữa. Xa làng dĩ nhiên tôi rất bịn rịn, nhưng làng gợi cho tôi quá nhiều ký ức đau buồn. Tôi đành làm con đà điểu, rúc đầu vào phương Nam để hy vọng một ngày nào vết xước trong lòng tôi sẽ kéo da non.
Dường như hiểu được tâm trạng của tôi, thằng Thục và bé Loan không kêu ca như thường lệ “Sao anh đi sớm thế?”.
Mỗi đứa đứng một bên, im lặng thò tay ra nắm tay tôi.
Đằng trước mặt, những người thợ săn tiếp tục rải hoa xuống dòng sông, vẫn im lìm như trong một khúc phim câm.
Mặt trời đã khuất hẳn sau núi. Bên trên những ngọn đồi, dãy ráng chiều bị hồi quang nhuộm thành màu đỏ bầm khiến bầy chim về tổ ngỡ chân trời đang bốc cháy.
Chúng nháo nhác bay về phía cánh rừng xa, vừa bay vừa kêu thảng thốt.
***
Tôi hy vọng ngày mai trời sẽ khô ráo như chiều nay. Sau đợt lũ quét đầu mùa, mưa rơi cầm chừng để chờ trút nước vào những ngày đông chí.
Cuối buổi chiều, khi những người thợ săn ra về, tôi và thằng Thục đưa bé Loan quay lại xóm trên.
Sau vài mẩu chuyện vu vơ, rời rạc và gượng gạo, ba anh em lặng thinh rảo bước bên nhau.
Khi tôi đi ngang qua vùng dạ lý hương, mùi hương quen thuộc mách tôi rằng trái đêm sắp chín. Bất giác tôi nghe cay cay nơi sống mũi khi nhớ lại đêm nào tôi đưa con Rùa từ nhà thím Lê trở về sau khi nó trèo xuống khỏi cây me trước ngõ.
Tối đó, tôi không ngủ lại nhà cô Út Huệ, cũng không bước chân qua nhà con Rùa.
Nhưng sáng hôm sau, trước khi dẫn thằng Thục và bé Loan vào rừng, tôi nôn nao băng hàng rào giậu, xin phép bà nội con Rùa đặt cuốn Tâm hồn cao thượng và dăm cuốn truyện tranh lên đầu tủ, ngay trước bức ảnh thờ của nó.
Đây là những cuốn sách tôi đem về cốt để tặng con Rùa nhưng nó đã không kịp đọc.
Tôi đốt một nén nhang, cố đừng khóc trước mặt thằng Thục và bé Loan. Nhưng khi tôi bước ra cửa, đã thấy nước mắt nhòe trên mặt hai đứa em tôi.
Trời hửng nắng lúc ba đứa tôi đặt chân lên con đường mòn dẫn vào rừng. Hôm qua trời chỉ mưa nhẹ lúc đầu ngày nên sáng nay cảnh vật khô ráo, cỏ hai bên đường tốt tươi và trong không khí phảng phất gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Thằng Thục đeo trên vai một cái túi bằng vải gai bó theo ba nắm xôi đậu phộng và một hũ muối mè. Nó cũng nhét theo mấy nhánh tỏi, nhúm vôi bột và vài quả chanh để phòng vắt bám.
Không biết nghe ai bày, trước khi ra khỏi nhà, nó và bé Loan đều quàng khăn kín cổ, nón kéo sụp xuống trán, ống tay áo và ống quần cột túm lại bằng dây thun.
Tôi nhìn bộ dạng hai đứa em, không khỏi phì cười:
- Đã gần một ngày nay trời không mưa, vắt không bò ra đâu!
Bé Loan lỏn lẻn:
- Mẹ em dặn thế mà.
Tôi kéo cái nón vải của nó cao lên khỏi trán:
- Nếu mẹ em có dặn thế thì cũng phải để cho con mắt thấy đường chứ! Hơn nữa, đã tới cửa rừng đâu.
Ba anh em men theo con đường đất đi mãi về phía tây, nơi những đỉnh núi xanh mờ quấn mây ngang đầu một cách điệu đàng như các cô gái chít khăn voan trắng.Lúc đi ngang bụi duối dại lấm tấm hoa vàng, tôi đã định chỉ cho thằng Thục và bé Loan xem “căn nhà” của con Rùa và khoe với tụi nó tôi và con Rùa từng chui vào nấp mưa trong đó nhưng sau một...

<< 1 ... 13 14 15 16 17 >>

Facebook Google Plus

• Bài Viết Cùng Chủ Đề
Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197 Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197
Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197 Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197
Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap) Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap)
Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx
Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full

Quy định sử dụng | Thông tin liên hệ
Thế Giới Giải Trí Di Động
© 2017 Tai Game Java DMCA.com Protection Status