Việt nọ đã đánh cặp chiếc ba lô của bọn mình và thoát thân cách đây hơn hai tiếng đồng hồ, lẽ ra anh ta phải có mặt tại quán
kem Bốn Mùa từ lâu rồi mới đúng chứ! – Nhỏ Hạnh thắc thỏm nhủ bụng – Thế tại sao cho đến lúc này anh ta vẫn chưa về tới? Hay là anh ta đã bị tai nạn gì đó dọc đường? Ý nghĩ u ám đó làm nhỏ Hạnh muốn rét run. Nó ngước nhìn anh thủ lĩnh, giọng bất an:
- Theo anh, anh Việt có gặp chuyện gì không ạ?
- Chuyện gì là chuyện gì?
Nhỏ Hạnh ngần ngừ:
- Nhỡ như lúc băng qua đường…
Nhỏ Hạnh không nói hết câu nhưng tất nhiên người nghe thừa hiểu nó đang lo lắng chuyện gì. Anh thủ lĩnh đặt tay lên vai nó, dịu dàng:
- Em đừng lo! Không xảy ra chuyện gì đâu!
- Thế sao đến giờ ảnh vẫn chưa về tới?
- Có thể ảnh đang la cà đâu đó! Không chừng ảnh đã chạy về nhà và đang đánh một giấc thẳng cẳng cũng nên!
Anh thủ lĩnh vừa nói vừa cười. Ba chữ “đánh một giấc” lọt vào tai Qúy ròm có tác dụng hệt như một liều thuốc ngủ cực mạnh. Hai mi mắt nặng chịch, nó định nói với các anh chị nhóm Hải Âu là cho tụi nó về nhà thằng Mạnh trước, còn ba lô quần áo từ từ lấy lại sau cũng được. Nhưng lời nói chưa kịp thốt ra khỏi miệng, Qúy ròm bỗng khựng lại.
Vẻ mặt vốn tươi tỉnh của anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu trước mặt nó tự dưng trở nên rất khó coi. Nụ cười vừa nở ra trên môi anh thình lình biến mất, thay vào đó là vẻ căng thẳng khiến các thớ thịt trên mặt như đột ngột cứng lại một cách kỳ dị.
Qúy ròm ngạc nhiên nhìn theo hướng mắt của anh. Và vừa quay đầu, nó nhận ngay ra một bóng người đang hớt hải băng qua lối đi rải sỏi giữa các bồn hoa, xồng xộc tiến vào quán.
Chương 7:
Tuy không nhớ rõ mặt mày nhưng chỉ cần nhìn bộ quần áo mặc trên người, Tiểu Long, Qúy ròm và nhỏ Hạnh đã nhận ngay ra người thanh niên vừa bước vào quán là ai. Câu hỏi của anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu càng củng cố thêm phán đóan của tụi nó. Ðợi cho người thanh niên tới gần, anh thủ lĩnh mới nơm nớp hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế Việt? Chiếc ba lô đâu?
Ðến lúc này, bọn Qúy ròm mới tái mặt phát giác ra anh thanh niên tên Việt chỉ đi ta không. Trước những đôi mắt tròn xoe của tất cả những người có mặt quanh bàn, anh chàng tên Việt lắp bắp đáp, không cả kịp gạt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên cổ:
- Mất rồi!
Trong khi Tiểu Long, Qúy ròm và nhỏ Hạnh giật bắn như ngồi phải lửa thì anh thủ lĩnh đứng bật dậy, sửng sốt:
- Cậu nói gì thế? Sao lại mất?
Mặt anh Việt méo xệch:
- Tôi cũng chả rõ sao lại mất!
- Bạn định đùa tụi này đấy hả! – Cô gái đội nón trắng trong nhóm cười cười lên tiếng – Bạn giấu ở đâu thì đem ra đây! Ðừng làm cho các bạn trẻ của chúng ta lo lắng nữa!
Anh Việt kéo ghế ngồi xuống giọng thiểu não:
- Tôi đùa với các bạn làm gì! Tôi đã đánh mất chiếc ba lô đó thật rồi!
Nhìn nét mặt sượng sùng của anh Việt, nhỏ Hạnh biết ngay là anh không đùa.
- Thế thì chết tụi em rồi! – Nó bật kêu lên hốt hoảng – Toàn bộ quần áo của tụi em đều bỏ cả trong chiếc ba lô ấy đấy!
- Em đừng lo! – Anh Việt cười gượng – Thế nào rồi anh cũng sẽ tìm ra cho tụi em!
- Nhưng làm sao cậu lại để mất chiếc ba lô ấy được? – Anh thủ lĩnh lại nóng nảy hỏi tiếp – Ai đã lấy mất của cậu?
Anh Việt bứt tai:
- Nếu biết ai lấy thì còn nói làm gì! Tôi đã thăm hỏi và lùng sục suốt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn không biết được ai là thủ phạm!
Nếu anh Việt bứt tai thì anh thủ lĩnh vò đầu, mặt anh nhăn như bị:
- Thật không hiểu nổi! Chiếc ba lô to tướng như thế, người ta giật ngay trên tay cậu mà cậu không nhìn thấy kẻ nào động thủ qủa là kỳ quái!
- Hắn không giật chiếc ba lô trên tay mà giật từ trên….mặt đất! – Anh Việt phân trần bằng giọng ảo não.
Mọi người ngồi quanh bàn bây giờ đã chồm cả tới trước. Lời thanh minh của anh Việt khiến câu chuyện càng lúc càng trở nên ly kỳ. Anh thanh niên tóc rẽ giữa ngồi kế anh thủ lĩnh như không nhịn được nữa. Anh ngọ nguậy cổ:
- Tụi này chả hiểu gì cả! Chiếc ba lô đang ở trên vai bạn cơ mà! Hay là lúc ấy bạn đang kéo lê chiếc ba lô trên mặt đường?
Câu hỏi của anh thanh niên rõ có ý bông đùa. Nhiều người mỉm cười. Riêng anh Việt không cười. Dường như anh cũng muốn cười nhưng không cười nổi. Anh nói, bằng giọng của một bị cáo khai báo trước toà:
- Trong hẻm có một sợi dây.
- Một sợi dây?
Cả ba, bốn cái miệng cùng hỏi.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của họ, anh Việt biết ngay là họ không hiểu cái sợi dây có vai trò quan trọng như thế nào trong câu chuyện ba lô này. Vì vậy anh tặc lưỡi nói thêm:
- Một sợi dây thừng chăng sát mặt đất!
Vẫn một câu nói không đầu không đuôi. Phải vất vả lắm người nghe mới lờ mờ hiểu ra sự liên quan giữa sợi dây với chiếc ba lô. Anh thủ lĩnh liếm môi:
- Và cậu vướng phải sợi thừng chết tiệt đó?
Anh Việt nhún vai:
- Tôi vướng phải sợi thừng hay sợi thừng vướng phải tôi thì cũng chẳng có gì khác nhau! Kết thúc ắt nhiên là một cú lộn mèo!
- Và chiếc ba lô lập tức văng tuốt ra xa?
- Không sai! Xa đến mức không thể nào xa hơn!
Anh thủ lĩnh thở dài:
- Và khi cậu lóp ngóp bò dậy và ngoảnh đầu ra phía sau…
- Thì chiếc ba lô đã biến mất! – Anh Việt rầu rĩ tiếp lời.
Trong khi mọi người đang ngẩn ra trước diễn biến bất ngờ của câu chuyện thì Qúy ròm vùng kêu lên:
- Vô lý! Cực kỳ vô lý!
Anh thủ lĩnh đánh mắt sang Qúy ròm:
- Em không tin câu chuyện vừa rồi sao?
- Không phải là em không tin! – Qúy ròm nuốt nước bọt – Nhưng nếu qủa thật sự việc diễn ra đúng như vậy thì khó mà hiểu nổi!
Anh chàng tóc rẽ giữa khịt mũi:
- Em cho là tên giật dọc ra tay qúa nhanh?
- Ðúng thế! – Qúy ròm gật đầu – Nhưng nếu chỉ có vậy vẫn còn có thể hiểu được! Ðằng này anh Việt không chỉ chạy một mình. Ðằng sau anh khoảng vài chục mét là Tiểu Long đang cật lực đuổi theo. Thủ phạm ra tay đánh cướp chiếc ba lô ngay quãng giữa, lại giữa ban ngày ban mặt, mà kẻ chạy trước không hay kẻ chạy sau không thấy thì qủa là khó tưởng tượng nổi!
Nhận xét của Qúy ròm khiến những người có mặt đều có cảm giác lành lạnh sau lưng. Ừ nhỉ, nếu trên đời có một kẻ trộm ra tay thần tốc như thế thì những người lương thiện đến méo mặt với hắn ta mất! Và công an có lẽ cũng đành bó tay!
- Qủa nó khó tưởng tượng nổi thật! – Anh Việt tiu ngỉu nói – Nhưng dù vậy cái chuyện không thể tưởng tượng được ấy cũng đã xảy ra!
Thần sắc khổ sở của anh Việt làm động mối từ bi bác ái trong lòng nhỏ Hạnh. Nó đẩy gọng kính trên sống mũi và day sang Qúy ròm, thủng thỉnh nói:
- Nhưng Quý đừng quên rằng tên giật dọc ra tay ngay khi anh Việt vừa ngoặt vào hẻm, lúc đó Tiểu Long còn ở ngoài đường lộ chưa kịp vào tới…
Nhỏ Hạnh định phản bác lập luận của Qúy ròm để bênh vực cho anh Việt. Nhưng nó mới nói nửa câu, Qúy ròm đã nhún vai cắt ngang:
- Vấn đề không phải là tại sao không ai nhìn thấy tên trộm lúc hắn ra tay, mà tại sao không ai nhìn thấy bóng dáng hắn lúc hắn bỏ chạy! Ðằng trước có anh Việt, đằng sau có Tiểu Long, sau nữa là tôi và Hạnh, tên trộm tẩu thoát ngả nào cũng không thể qua mắt mọi người được, trừ phi hắn biết tàng hình cùng chiếc ba lô!
Cô gái mặc áo pull vàng ngồi cạnh anh Việt ngập ngừng lên tiếng:
- Có thể có một ngã rẽ nào đó!
Qúy ròm lắc đầu:
- Em đã quan sát kỹ! Con hẻm tụi em chạy qua không có bất cứ ngã rẽ nào! Ngã rẽ nằm ở phía trước, chỗ có bức tường chắng ngang!
- Ðúng vậy! – Anh Việt gật đầu xác nhận – Chỗ tôi bị vấp té không hề có ngõ ngách nào cả! Tôi đã quan sát hiện trường cả buổi vẫn chẳng khám phá ra dấu vết gì!
Anh thanh niên tóc rẽ giữa mỉm cười:
- Hay đó chỉ là sợi thừng bọn trẻ chơi nhảy dây?
Biết anh thanh niên nói đùa, Qúy ròm tủm tỉm:
- Không phải đâu! Em chẳng nhìn thấy đứa trẻ nào lảng vảng ở đó. Chỉ có tụi em nhưng tụi em lại không biết chơi nhảy dây. Hơn nữa trò nhảy dây không có tiết mục làm biến mất đồ đạc của người khác.
Không khí căng thẳng như chùng xuống một chút sau những câu bông đùa. Nhưng nó đã lại nóng bỏng lên ngay với thắc mắc của Tiểu Long:
- Em cũng không hiểu tại sao tên giật dọc kia lại biết trước anh Việt sẽ chạy vào ngõ hẻm đó!
Một lần nữa, mọi người lại ngơ ngác nhìn nhau. Sự thông minh đột xuất của Tiểu Long khiến ai nấy đều cảm thấy như mình vừa sa xuống lầy.
- Ừ nhỉ! – Anh Việt ngây mặt lẩm bẩm – Làm sao tên giật dọc lại biết tôi sẽ ngoặt vào con hẻm đó mà chăng dây thừng đón sẵn?
Cô gái đội nón trắng băn khoăn tiếp lời:
- Thậm chí hắn cũng không thể tiên đoán sẽ có một vụ trộm ba lô xảy ra ở bến xe!
Anh chàng tóc rẽ giữa rụt cổ:
- Thế mà chuyện lại xảy ra cứ như trong mơ! Hắn ta đã tính toán tỉ mỉ thời gian, địa điểm và đã hành động gọn gàng, chính xác và vô cùng nhanh nhẹn!
- Các cậu đừng thần thánh hóa tên trộm như thế! – Anh thủ lĩnh nhăn nhó – Có thể tất cả chỉ là chuyện tình cờ! Một sợi dây chăng giữa đường có thể là một trò nghịch ngợm! Nhưng khi chiếc ba lô của Việt văng ra, kẻ nghịch ngợm kia bỗng nảy ra ý định đánh cắp! Ở đây chẳng có sự tính toán hay sắp đặt sẵn gì sất! Tình cờ, hoàn toàn tình cờ thôi!
Anh thủ lĩnh nhấn mạnh những chữ cuối câu như cố xua tan sự lo lắng của mọi người trước tên trộm vô hình nọ. Phỏng đoán của anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu không phải là những suy luận vớ vẩn. Qúy ròm nghe rõ những tiếng thở phào chung quanh. Qúy ròm cũng thở, nhưng không thở phào. Nó thở dài:
- Giả dụ mọi việc xảy ra đúng như thế thì tên trộm đột xuất nọ cùng chiếc ba lô đã biến đi đâu trong con hẻm chật hẹp đó?
Câu hỏi oái oăm của Qúy ròm kéo mọi người về với thực tại. Và ai nấy đều nhanh: Dng hiểu rằng câu chuyện về chiếc ba lô bị đánh cặp chưa có gì sáng tỏ cả. Một con người và một chiếc ba lô không phải là những cây kim hay những hạt cát. Vậy thì con người đó và chiếc ba lô đó đã bốc hơi đằng nào? Anh thủ lĩnh trầm ngâm một lúc rồi tặc lưỡi đứng dậy:
- Chúng ta đi! Thế nào chúng ta cũng phải đến tận nơi quan sát mới xong!
Rồi anh nói thêm, giọng qủa quyết:
- Từ giờ cho đến tối chúng ta phải bằng mọi cách đem về chiếc ba lô cho các bạn trẻ!
Chương 8:
Lời nói của anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu nghe chắc như đinh đóng cột. Nhỏ Hạnh tuy không tin tưởng lắm nhưng nó không dám hỏi lại. Chuyện đánh cặp chiếc ba lô của tụi nó do nhóm Hải Âu bày ra, không ngờ cuối cùng “lộng giả thành chân”: “Trời chơi hấp dẫn” này đang diễn tiến suôn sẻ, nửa chừng bỗng hóa thành chuyện thật khiến ai nấy dở khóc dở cười. Con hẻm khi mọi người kéo nhau đến vẫn vắng vẻ như lúc xảy ra sự cố. Tuy hẻm nằm không xa bến xe là bao nhưng do trái đường nên thưa thớt người qua lại. Tọa lạc cuối hẻm có lẽ là một cơ quan quan trọng nào đó nên khuôn viên có bờ tường dài bao quanh. Trên bức tường lúc này vẫn còn bài thơ “Rẽ vào trong hẻm vắng. Tìm trái chín trên cành…” nằm ngơ ngác.
Hai bên hẻm là nhà. Nhưng hai dãy nhà hai bên đâu lưng vào con hẻm, mặt tiền nhà quay ra hướng ngược lại, điều đó cũng góp phần giải thích tại sao con hẻm này ít người lai vãng. Tất nhiên nhà nào cũng có cửa sau, loại cửa một cánh, nhưng mọi cánh đều đóng im ỉm. Có lẽ buổi tối người ta mới mở cửa ra ngoài khi cần đổ rác vào những chiếc thùng đậy nắp kê dọc tường nhà.
- Cậu bị vướng dây chỗ nào đâu? – Anh thủ lĩnh hỏi.
Anh Việt chỉ tay xuống đất:
- Ngay ở đây nè!
Sợi dây thừng bây giờ hẳn nhiên không còn ở chỗ củ nhưng mọi người đều có thể đoán ra sợi dây quỉ quái nọ được cột vào đâu. Mé bên trái có một thân cây cụt, mé bên phải nhô lên một cây cọc sắt được chôn sát chân tường, chủ nhà dùng để buộc thùng rác vào đó, sợ lũ chó hoang ban đêm sục sạo làm đổ thùng hoặc thậm chí tha cả chiếc thùng đi.
Sau khi xác định vị trí “hiện trường”, anh thủ lĩnh chắp tay sau lưng đi lu đi tới, mắt không ngừng đảo quanh dò xé như cố tìm xem cái tên cướp cạn đó sau khi đánh thó chiếc ba lô đã chui vào xó xỉnh bí mật nào. Tiểu Long, nhỏ Hạnh, Qúy ròm và các anh chị còn lại trong nhóm Hải Âu cũng vội vàng tản ra bốn phía, láo liên dòm dỏ. Trông bộ tịch lúc này của mọi người, tưởng như tên giật dọc đang còn ẩn nấp đâu đó để chờ bị tóm cổ chứ không phải đã cao chạy xa bay.
- Ðúng là chẳng có một ngóc ngách nào để tên trộn lẩn đi được! – Anh chàng tóc rẽ giữa nhíu mày nói.
Anh Thủ lĩnh hẳn nhiên nghe rõ lời nhận xét của bạn. Nhưng anh không tỏ phản ứng gì, mặt mày vẫn tiếp tục trầm tư.
Tiểu Long chép miệng:
- Chẳng lẽ hắn có thuật phi thân?
- Phi thân? – Anh Việt ngạc nhiên.
Tiểu Long gật đầu:
- Người có thuật phi thân có thể nhảy qua nóc nhà!
Trong khi anh Việt bán tín bán nghi không rõ Tiểu Long nói thật hay nói đùa thì Qúy ròm bĩu môi:
- Có mày phi thân thì có!
Tiểu Long nheo mắt:
- Mày không tin con người ta có thể phi thân?
- Thuật phi thân chỉ có trong phim Hồng Kông thôi! – Qúy ròm khụt khịt mũi – KHông ai có thể nhảy qua mái nhà! Tên nọ chỉ có thể chuồn vào trong này thôi!
Vừa nói Qúy ròm vừa chỉ tay vào cánh cửa kế cây cọc sắt buộc thùng rác.
- Anh cũng nghĩ thế! – Anh thủ lĩnh đột ngột lên tiếng – Con đường duy nhất mà kẻ trộm ba lô có thể tẩu thoát chính là cánh cửa này! Chỉ có điều đó mới giải thích được tại sao hắn biến mất một cách nhanh: Dng như vậy!
Lúc này mọi người đã đứng tụm lại một chỗ. Nghe anh thủ lĩnh nói vậy, anh Việt mừng rỡ “à” lên một tiếng:
- Ðúng rồi! Có thế mà tôi chẳng nghĩ ra!
Nhỏ Hạnh nói giọng an ủi:
- Thì bây giờ chúng ta đã nghĩ ra rồi!
Anh Việt đưa tay lên cốc đầu, tất nhiên là đầu anh chứ không phải đầu nhỏ Hạnh, giọng tiếc rẻ:
- Bây giờ thì e rằng đã muộn! Nếu nghĩ ra điều này ngay lúc đó thì khi các em đọc xong bài thơ và bỏ đi, anh xộc ngay vào ngôi nhà này có khi đã tìm thấy chiếc ba lô rồi không chừng!
Nhỏ Hạnh bất giác nghe bụng mình thót lại:
- Anh cho rằng chiếc ba lô của tụi em bây giờ không còn ở trong ngôi nhà này hay sao?
- Anh nghĩ thế! – Anh Việt đáp bằng giọng buồn rầu – Chẳng tên trộm nào dại dột cất giữ “tang vật” kè kè bên người trong một thời gian dài như thế!
- Ta cứ vào đó thử xem! Biết đâu lại chẳng tìm thấy một dấu vết nào đấy!
Anh thủ lĩnh khoát tay nói. Rồi anh quay sang Tiểu Long và nhỏ Hạnh:
- Hai em đi với anh!
Tiểu Long thao láo mắt:
- Ði đâu ạ?
- Thì đi vào trong ngôi nhà này chứ đi đâu! – Nhỏ Hạnh thúc vào hông bạn.
- Làm thế sao được! – Tiểu Long kêu lên – Ai người ta chịu nhận mình là kẻ cắp! Và người ta cũng chẳng đời nào trả lại chiếc ba lô cho tụi mình đâu!
- Rõ là đồ ngốc tử! – Qúy ròm đứng bên gầm gừ, không được anh thủ lĩnh gọi đi cùng, nó đã ấm ức sẵn – Ai bảo mày là vào đó để đòi lại chiếc ba lô?
Tiểu Long lại giương mắt ếch:
- Không phải thế ư?
- Tất nhiên là không phải! – Anh thủ lĩnh mỉm cười – Anh em mình chỉ giả vờ vào đó hỏi thăm nhà người quen rồi nhân tiện dò xét thôi!
Như hiểu ra, Tiểu Long gật đầu cười lỏn lẻn và cùng với nhỏ Hạnh lẽo đẽo đi theo anh thủ lĩnh.
Tất nhiên để “xâm nhập” được vào ngôi nhà khả nghi đó, cả ba phải đi ngược ra đường lộ, vòng tới phía cửa trước. Những người còn lại kể cả Qúy ròm cũng nhanh: Dng rút lui theo. Cả bọn kéo ra ngồi trên chiếc jeep lùn của nhóm Hải Âu đỗ ngoài đầu hẻm, chờ kết qủa.
Trái với suy đoán của anh thủ lĩnh, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, “ngôi nhà khả nghi” cửa mở toang. Từ xa, ba người đã nhìn thấy một cụ già đang ngồi đánh cờ một mình trên chiếc đi- văng kê trước hiên. Có lẽ ban trưa trời nóng cụ không ngủ được nên ra đây ngồi, vừa nghịch cờ vừa hóng gió.
Ông cụ rất đẹp lão, tóc râu bạc trắng nhưng da dẻ lại hồng hào, nom giống hệt những ông tiên trong tranh vẽ. Phong thái đĩnh đạc, vẻ tiên phong đạo cốt của cụ già khiến ba người bọn Tiểu Long tuy không nói ra nhưng ai nấy đều biết ngay là mình nhầm. Một ông tiên thanh nhã như vậy không thể nào là kẻ trộm, cũng không thể nào là người chứa chấp hoặc đồng lõa với kẻ trộm. Anh thủ lĩnh định bảo hai đứa trẻ quay gót thì ông cụ bỗng ngước lên:
- À, ba cháu nhỏ! Các cháu định đi tìm ai phải không?
Ông cụ tuổi tác hẳn trên tám mươi, ông gọi bọn ba người trước mặt là “cháu nhỏ” không có gì sai. Nhưng thấy anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu tự dưng được liệt hàng “cháu nhỏ” ngang với mình và Tiểu Long, nhỏ Hạnh không nhịn được, bật cười khúc khích. Anh thủ lĩnh khẽ trừng mắt nhìn nhỏ Hạnh, rồi quay về phía cụ già, lễ phép:
- Dạ, tụi cháu định tìm nhà người quen!
Ông cụ vẫn vui vẻ:
- Người quen của các cháu tên gì?
- Dạ, tụi cháu tìm nhà ông Sáu Giảng ạ!
Dĩ nhiên Sáu Giảng là cái tên hoàn toàn bịa đặt. Ông cụ không rõ có biết được “âm mưu” của bọn trẻ không mà thấy ông cau mày lẩm bẩm:
- Sáu Giảng hả? Ừ, cái tên này nghe quen đây!
Tuy ông cụ tự nói với mình nhưng vì đứng gần, bọn Tiểu Long đều nghe rõ. Và vì nghe rõ, ba người liền ngơ ngác ngó nhau. Tất nhiên mỗi người ngơ ngác mỗi kiểu. Tiểu Long ngơ ngác nghĩ: Anh thủ lĩnh nhóm Hải Âu bảo sẽ bịa ra tên một ai đó để hỏi thăm sao bỗng dưng ảnh lại đổi ý hỏi thăm người thật vậy không biết? Anh thủ lĩnh ngơ ngác nghĩ: Không ngờ cái tên mình bịa ra lại trùng với người thật, thế có chết không cơ chứ! Nhỏ Hạnh thì ngơ ngác nghĩ: May mà Sáu Giảng là một người khác, chứ nếu ông cụ ngồi trước mặt đúng tên Sáu Giảng thì cả bọn chắc khóc thét!
Trong khi cả ba đang ngơ ngác đứng ngay cán cuốc chờ ông cụ nói tiếp thì một thằng bé từ trong nhà lơn tơn chạy ra. Ðang định nói gì đó với ông cụ, sực nhận ra bọn Tiểu Long đứng lố nhố trước cửa, thằng bé khựng lại một thoáng rồi quay nhìn ông cụ, rụt rè hỏi:
- Khách của nhà ta hở nội?
Hóa ra đây là cháu nội của ông cụ. Bọn Tiểu Long thầm nghĩ và tò mò quan sát thằng bé. Thằng bé trạc mười một, mười hai tuổi, mặc đồng phục học sinh, có lẽ đi học về từ trưa đến giờ lười thay ra. Mặt mũi nó sáng sủa, lanh lợi, ánh mắt đen láy và hàng mi hay chớp chớp cho biết nó là chúa nghịch ngợm, nhưng dù vậy nó vẫn không giống một tên trộm cắp chút nào.
Ông cụ lắc đầu trả lời cháu:
- Không phải! Các anh chị này tìm nhà người quen! Cháu biết ở xóm ta có ai tên là Sáu Giảng không?
- Sáu Giảng ư?
Thằng bé hỏi lại, vừa hỏi nó vừa liếc trộm về phía những người lạ. Ông cụ gật đầu:
- Ừ, Sáu Giảng! Ông cứ thấy ngờ ngợ…
Thằng bé nhíu mày một...