mắt chàng lại sáng lên những tia hy vọng.
Đông tới, mặt nước đóng băng, mọi thứ như bị chôn vùi trong giá lạnh, chết chóc. Nhưng khi xuân về, khi con tàu đầu tiên lại ra khơi, Knud bỗng thấy muốn lang thang xa khắp thế giới, bất cứ nơi nào miễn không phải là nước Pháp của Joanna. Và chàng gói ghém lên đường, hành trình đầu tiên xuyên qua nước Đức. Hết thành phố này sang thành phố khác, nhưng không đâu Knud tìm thấy sự thanh thản, bình yên. Mãi khi đến thành phố Nuremberg, chàng mới thấy bình tĩnh lại được đôi chút. Chàng dừng lại trên đôi chân rã rời và quyết định lưu lại đây.
***************
Nuremberg là một thành phố cổ kính diệu kỳ, hệt như nó được lấy ra từ một cuốn truyện tranh cổ vậy. Nơi đây phố xá cứ tùy ý mà chạy ngoằn ngèo, ngang dọc, nhà cửa thì mọc chẳng cần theo hàng lối gì. Những đầu hồi có kèm thêm một ngọn tháp nhỏ, những mái lượn, trụ nghiêng có thể thấy ở khắp nơi, kể cả ở cổng thành. Những mái nhà dị thường, vòi nước hình rồng hay hình những chú chó ngộ nghĩnh đua nhau vươn ra cả đường phố.
Knud vai khoác ba lô, dừng chân gần một cái vòi nước cũ đang phun lên dòng nước lấp lánh. Bên tường được trang trí rất đẹp bằng vài hình vẽ các nhân vật lịch sử hay trong kinh thánh. Một người hầu gái xinh đẹp vừa đổ nước vào đầy đôi thùng, liền mời chàng uống một chút nước mát. Chị tặng Knud một bông trong bó hoa hồng đang cầm trên tay, như đem đến cho chàng một điềm lành. Từ ngôi nhà thờ lớn gần kề vẳng đến tiếng nhạc, giai điệu quen thuộc chợt nhắc chàng nhớ đến tiếng organ nhà thờ ở Kjoge quê nhà. Chàng muốn cầu nguyện nên băng qua đường đến đó. Ánh nắng xuyên qua những
cửa sổ bằng kính sơn màu, chiếu sáng đôi cây cột cao mảnh dẻ. Đức tin tràn ngập tâm trí Knud và bình yên về lại trong tâm hồn chàng.
Người ta ngăn đường hào cũ bao quanh bức thành cổ và chuyển chúng thành một số vườn rau nhỏ, nhưng những bức tường thành cao thì vẫn sừng sững với những ngọn tháp nặng nề. Mé trong những bức tường, những người bện thừng đang xoắn dây thừng dọc lối đi, hệt như trong một triển lãm. Trong kẽ nứt của những bức tường, cây cơm cháy mọc thành từng đám xanh rậm rạp, vươn cành lên trên nóc những mái nhà nhỏ. Một trong những ngôi nhà ấy là nhà ông chủ vừa nhận thuê việc Knud.
Một cây cơm cháy vươn cành qua ô cửa sổ nhỏ ở cái gác xép nơi chàng ngồi. Knud lưu lại đấy suốt mùa hè và mùa đông. Nhưng khi xuân đến, chàng bỗng thấy cái cảm giác dường như không chịu đựng được một thứ gì đó trong tim. Cây cơm cháy trổ hoa, cái mùi hương thơm ngát bỗng gợi nỗi nhớ nhà. Nó làm cho Knud nhớ về hai mảnh vườn nhỏ ở Kjoge. Thế là chàng từ giã nơi ấy đi tìm một người chủ khác xa hơn trong thành, nơi không có những cây cơm cháy.
Nơi làm việc mới của chàng kề ngay bên một cây cầu đá cũ, phía dưới là một dòng suối ngày ngày chảy làm quay một chiếc cối xay nước ầm ĩ. Đối ngược với khung cảnh ấy, gần kề đó là những căn nhà cũ kỹ với ban công đổ nát, như sẵn sàng rơi xuống nước bất kỳ lúc nào. Ở đây không có những cây cơm cháy, thậm chí chẳng có lấy một cái chậu cây cảnh. Nhưng ngay đối diện xưởng làm việc là một cây liễu già bám rễ vào vườn nhà như để khỏi bị dòng nước cuốn đi. Cây liễu rủ nhánh xuống suối, hệt như cây liễu trong vườn ở Kjoge tỏa bóng xuống dòng sông. Đúng là Knud định tránh “mẹ cơm cháy” thì lại gặp phải “cha liễu già”. Những tối sáng trăng chàng cảm thấy có cái gì đó buốt lạnh chạy thẳng vào tim. Vẫn cái cảm giác không thể chịu đựng được nữa ấy, thứ tình cảm mà chỉ có cây cơm cháy đương hoa hay cây liễu già kia biết rõ! Sau tất cả những chuyện này, chàng đành tạm biệt Nuremberg để đi tiếp cuộc hành trình.
Knud đơn độc giấu câu chuyện về Joanna tận sâu trong tim chàng. Giờ chàng cũng đã hiểu rõ cả những ý nghĩa ẩn sâu trong câu chuyện hai chiếc bánh xưa. Tại sao chàng trai bánh gừng lại có một hạnh nhân đắng bên tay trái? Knud biết mình mang hương vị đắng của hạnh nhân. Trái lại, Joanna lúc nào cũng ngọt ngào, vì nàng cũng bằng đường và mật hệt như cô gái trong câu chuyện ngây thơ kia. Trong hành trình của mình, mỗi khi ý nghĩ của chàng dừng lại ở đây, Knud bỗng thấy chiếc quai ba lô như xiết chặt lồng ngực đến nghẹt thở. Chàng nới chiếc quai ra một chút, nhưng chẳng thấy đỡ hơn. Chàng nhìn thấy thế giới tách thành hai nửa, một nửa hiện hữu xung quanh, nửa còn lại đeo nặng theo chàng suốt đời vào trong từng ý nghĩ. Chính cái nửa bên trong ấy là thứ đã khiến chàng phải rời bỏ Nuremberg.
Một lần chàng thấy trước vẻ hùng vĩ của những đỉnh núi cao, thế giới trở nên nhẹ nhàng hơn đôi chút. Chàng thấy dãy núi Alps giống như đôi cánh của trái đất đang gấp lại. Khi xòe ra, chúng sẽ là một bức tranh với các sắc màu của bóng tối, biển cả, mây mù và băng tuyết. “Cuối cùng, trái đất rồi cũng xòe đôi cánh rộng ấy để bay vút lên cao, nổ tung ra như bong bóng xà phòng trước ánh sáng chói lòa của đấng Chúa trời”, chàng nghĩ lan man, rồi thở dài “Cuối cũng thì hôm nay đã là ngày tận thế chưa nhỉ?”
Chàng lặng lẽ lang thang qua một miền lạ thuộc dãy Alps. Cả một miền rộng lớn trông như một vườn cây ăn quả được phủ đất mềm. Từ trên ban công những căn nhà gỗ, các thiếu nữ đang ngồi thêu áo gật đầu chào khi chàng đi qua. Những đỉnh núi cao bừng sắc đỏ trong buổi chiều hoàng hôn, phản chiếu xuống những hồ nước nằm ngay dưới những vòm cây tối sẫm. Ý nghĩ trong chàng quay về với bờ biển trên vịnh Kjoge. Đó là thứ đẹp đẽ duy nhất vẫn nằm trong trái tim chàng mà chẳng gây ra nỗi đau. Ở đó, là nơi con sông Rhine đổ ra như một con sóng lớn rồi tan thành những bông tuyết trắng, nơi những cụm mây ngũ sắc lung linh như thể nó vừa được sinh ra ngay trên sóng, nơi những chiếc cầu vồng run rẩy như một dải ruy băng trước gió. Chàng có thể đã sẵn lòng lưu lại ở một trong những thành phố đâu đó bên bờ sông Rhine tươi đẹp. Nhưng ở đó có quá nhiều những cây cơm cháy, quá nhiều những cây liễu.
Chàng tiếp tục ra đi, qua những con đường như mạng nhện chằng chịt trên vách núi. Những con đường trên cao đến mức mây cũng ở dưới chân người. Chàng lang thang qua nơi có giống hoa hồng Alps, nơi có những cây kế sữa, nơi có tuyết lạnh mùa đông, nơi có ánh nắng mùa hè. Từ giã những xứ phương Bắc, chàng đi theo những con đường rợp bóng nho quấn quít lấy những cây hạt dẻ, chàng đi tới những cánh đồng ngô. Giờ thì núi non hiểm trở như một bức tường thành vĩ đại giúp ngăn cách chàng với những gì có trong ký ức, như chính chàng vẫn thường mong tự mình có thể làm được.
Cuối cùng chàng thợ giày của chúng ta đến thành phố Milan rộng lớn huy hoàng. Một ông chủ người Đức thuê chàng làm việc. Cả hai vợ chồng ông lão đều thật hiền lành. Hai người rất mến anh thợ ngoan đạo, lặng lẽ, nói ít mà làm nhiều. Knud tưởng như Chúa đã giải thoát gánh nặng cho tâm hồn chàng. Chàng thường leo lên tận cùng trên nóc giáo đường làm bằng cẩm thạch trắng, để ngắm nhìn xung quanh. Knud thấy trong khung cảnh ấy những hình vẽ, những tháp nhọn, tường cao của quê hương chàng ở phương Bắc. Từ mỗi góc nhà, hốc tường xa xa, những pho tượng như luôn mỉm cười với chàng. Phía trên là trời cao xanh biếc, phía dưới là thành phố và đồng bằng trải rộng bát ngát xứ Lombardy, xa nữa là những ngọn núi cao tuyết phủ. Chàng nhớ tới nhà thờ Kjoge, nhớ tới những bức tường đỏ phủ đầy hoa trường xuân. Nhưng giờ chàng không còn muốn về lại nơi ấy. Chàng muốn được chết đi và chôn vùi ở dưới những núi cao của chốn này.
Thấm thoắt đã ba năm trôi đi kể từ ngày rời bỏ xứ sở, cũng là một năm trên đất Millan.
Một hôm ông chủ nhà đưa chàng đi chơi phố, đến một rạp hát trong một tòa nhà lớn với phong cảnh nguy nga tráng lệ. Rạp hát được bày trí với sân khấu ở chính giữa, những tầng ghế trải từ mặt đất đến tận gần trần nhà, rèm cuốn bằng lụa mỏng, những ghế ngồi sang trọng cho các quý bà có hoa hồng cài sẵn. Các quý ông ăn mặc xa hoa và lịch lãm. Khung cảnh bên trong sáng rực như dưới mặt trời, nhạc điệu hoành tráng vang lên khắp tòa nhà. Knud liên tưởng đến khung cảnh đơn sơ trong rạp hát ở Copenhaghen quê nhà, liên tưởng một chút đến Joanna. “Chắc nàng vẫn thường hát ở những chốn như thế này…”
Thế rồi, cứ như một phép màu, quả đúng là nàng cũng đang ở đó. Khi tấm màn sân khấu được vén lên, Joanna nghiêm trang trong bộ đồ diễn lụa là gắn đầy vàng bạc, chiếc vương miện lộng lẫy trên đầu. Nàng đứng đó, cất tiếng hát như giọng của một thiên thần. Rồi nàng bước lên phía trước mỉm cười, vẫn là nụ cười ấy, dường như nàng nhìn thẳng vào Knud. Knud tội nghiệp bám vào tay ông chủ, chàng nghẹn ngào “Joanna”, nhưng chẳng ai nghe thấy tiếng chàng trừ ông chủ nhà, vì nơi đây âm nhạc đang ở bên trên tất thảy.
“Phải rồi, đó là cô Joanna”, ông chủ nói, tay giơ ra tờ giấy mời và chỉ vào tên nàng được in rõ ràng đầy đủ. Vậy là không phải trong mơ. Tất cả cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt, tung từng vòng hoa lên sân khấu về phía nàng. Mỗi khi nàng lui vào trong, người ta lại tung hô tên nàng, rồi cứ thế nàng lại ra diễn những tiết mục của mình.
Ra đến ngoài đường phố, đám đông vây kín quanh cỗ xe ngựa của nàng, cứ thế họ đẩy cho cỗ xe đi. Knud đứng ngay hàng đầu, chàng hét lên sung sướng. Khi cỗ xe dừng trước ngôi nhà rực rỡ ánh đèn, chàng len vào đứng ngay cửa xe. Cửa mở, nàng nhẹ bước ra, ánh sáng chiếu trên gương mặt thân quen, nàng mỉm nụ cười dịu dàng như để cảm ơn những người hâm mộ. Knud nhìn thẳng vào gương mặt nàng, và nàng nhìn lại chàng, nhưng ánh mắt ấy không nhận ra chàng. Một quý ông trong trang phục xa hoa với ngôi sao lấp lánh trên ngực giơ tay ra đón nàng. Người ta nói họ đã đính hôn.
Knud về nhà gói ghém lại ba lô. Chàng thấy cần phải trở về ngôi nhà của tuổi thơ, với cây cơm cháy, với cây liễu già. Phải rồi, dưới bóng liễu già ấy, người ta có thể sống lại cả cuộc đời chỉ trong một giờ.
Vợ chồng ông cụ chủ nhà giữ chàng ở lại với họ, nhưng vô ích. Họ nhắc chàng mùa đông sắp đến, tuyết đã bắt đầu rơi trên núi. Nhưng chàng trả lời, rằng chàng sẽ lần theo vết xe ngựa để thấy đường, rằng chẳng cần gì ngoài chiếc ba lô trên lưng, lối đi nằm trên đầu cây gậy, chàng sẽ nhanh chóng về được đến nhà. Rồi Knud bắt đầu hành trình qua các núi đèo, hết lên rồi lại xuống. Chàng đi mãi về phương bắc cho đến khi bắt đầu kiệt sức mà không thấy nhà cửa, làng mạc. Những vì sao sáng mãi trên đầu chàng, ánh sáng tỏa xuống thung lũng lấp lánh, như có một bầu trời khác ngay dưới chân chàng. Chàng thấy mình hoa mắt, bước chân vấp ngã. Ánh sao phản chiếu dưới thung lũng ngày nhiều lên và sáng hơn, chàng thấy chúng chuyển động qua lại, và đoán chắc rằng có một ngôi làng xa đâu đây. Thu hết sức tàn, chàng cố đi về hướng ấy và tìm được chỗ trú chân tại một quán trọ nghèo. Chàng ở lại đó đêm ấy và suốt cả ngày hôm sau. Chàng cần được nghỉ ngơi cho hồi phục, khi ấy trong thung lũng cũng đang có mưa và băng tuyết tan. Nhưng đến sáng sớm ngày thứ ba, một ông già đi tới với cây organ, ông chơi một giai điệu quê nhà thân quen. Knud không thể nào lưu lại lâu hơn nữa, chàng lại lên đường đi về phương Bắc. Ròng rã bao ngày chàng vội vã như sợ rằng tất cả mọi người thân nơi quê nhà sẽ chết trước khi chàng kịp về tới nơi. Những tâm sự cứ lặng lẽ trong lòng. Không ai tin, không ai hiểu được nỗi buồn trong tim chàng, một nỗi đau sâu nhất có thể thấy được từ con người. Nỗi đau ấy không dành cho thế giới, không dành cho sự chia sẻ của tình bạn. Và chàng, một người đàn ông không bạn bè, một con người đơn độc lang thang trên những miền đất lạ mong tìm về quê hương. Knud nhận được duy nhất một lá thư từ gia đình, đã vài năm trước. “Con không phải là một người Đan Mạch như chúng ta đang ở nhà. Chúng ta yêu miền đất của mình, còn con chỉ yêu những miền đất lạ”
Một buổi đêm chàng đi theo con đường rộng, miền đất quanh chàng bằng phẳng hơn, có ruộng nương và đồng cỏ. Tiết trời đang rét đậm. Một cây liễu to mọc ngay bên đường, mọi thứ gợi cho Knud cảnh vật chốn quê nhà. Mệt mỏi, chàng ngồi xuống gốc cây và gục đầu nhắm mắt ngủ thiếp đi. Chàng vẫn nhận ra cây liễu vươn cành tỏa bóng bên trên mình. Trong cơn mơ cây liễu dường như một người lớn tuổi khỏe mạnh – “cha liễu già” đang ẵm trên tay đứa con trai mệt mỏi của mình và đưa nó về nhà, về mảnh vườn tuổi thơ bên bờ biển Kjoge yên tĩnh. Và chàng mơ thấy đây thực sự là cây liễu trong vườn nhà Kjoge của chàng. Chính nó đã đi khắp thế giới để tìm chàng, giờ đã thấy chàng và sẽ mang chàng về ngôi vườn nhỏ bên dòng sông thơ ấu. Ở đó có Joanna thiên thần, với chiếc vương miện vàng trên đầu giống như lần cuối chàng nhìn thấy, nàng đang đứng dang tay đón chàng trở về. Và chàng cũng thấy xuất hiện đôi tình nhân ấy, trông giống con người hơn rất nhiều so với hình ảnh của họ ngày chàng còn ấu thơ. Họ đã thay đổi nhiều, nhưng chàng vẫn nhận ra đó là hai chiếc bánh, một người đàn ông, một người phụ nữ. Họ đang phơi bày ra gương mặt tốt nhất của mình trước thế giới muôn màu, họ thật đẹp.
“Cảm ơn anh”, họ nói với Knud, “Anh đã dạy cho chúng tôi biết, hoặc là những ý nghĩ cần được nói ra thành lời, hoặc là sẽ chẳng có gì đến với ta. Và giờ tình yêu đã đến, chúng tôi đã đính hôn”. Nói rồi họ bước đi, tay trong tay, băng qua những đường phố của Kjoge. Trông họ thật đáng trân trọng, trong gương mặt tốt đẹp nhất mà họ đã phơi bày ra trước đời. Họ rảo bước về phía nhà thờ, Knud cùng với Joanna theo sau, hai người cũng tay trong tay. Và ở đó, là ngôi nhà thờ cổ kính tường đỏ, phủ đầy những bụi hoa trường xuân màu xanh.
Cửa nhà thờ lớn mở rộng. Họ bước trên lối giữa vào giáo đường, trong tiếng nhạc mềm mại từ cây organ. “Mời ông bà chủ lên trước”, rồi đôi tình nhân bánh nhường chỗ cho Knud và Joanna. Khi họ quỳ trước bệ thờ Chúa, Joanna ngả đầu về phía Knud, khóe mắt nàng lăn ra những giọt lệ lạnh buốt rơi trên mặt chàng.
Đó thực sự là những giọt lệ băng giá trong tim Joanna được tình yêu quật cường của chàng làm tan chảy. Những giọt lệ trên má làm chàng bừng tỉnh.
“Đó là giờ phút hạnh phúc nhất trong đời ta, dẫu chỉ là một giấc mơ”, chàng nói, “Nào, hãy để ta mơ lại lần nữa”. Rồi chàng nhắm đôi mắt một lần nữa, bắt đầu lại một cơn mơ.
Gần về sáng, tuyết bắt đầu rơi nhiều, tuyết theo gió phủ lên mình chàng. Nhưng chàng vẫn ngủ. Dân làng bắt đầu đi lễ nhà thờ sớm, họ trông thấy bên đường một người thợ ngồi yên. Người thợ đã chết, cái chết đóng băng dưới bóng cây liễu già…
****** HẾT ******