tay nắm ghi- đông, một tay giữ yên sau, Quỳnh từ từ lui xe lại. Đôi mắt anh nhìn chăm chăm vào líp xe nơi vạt áo bị mắc kẹt của Nga đang
được nhả ra từng chút một.
Nga ngồi trên xe, lòng rối bời. Nó có cảm giác mình là đứa bé được người lớn dắt đi chơi. Đang lúng túng, Nga bỗng nghe Quỳnh thở phào:
- Xong rồi!
Nga tưởng như mình vừa trút được một gánh nặng. Nó chống chân xuống đất, kéo vạt áo ra đằng trước và nhìn Quỳnh, ấp úng:
- Cám ơn anh nghen!
Nói xong, Nga cảm thấy xấu hổ về sự bất cẩn của mình và để che giấu nỗi bối rối, nó vội vã đạp xe đi.
Quỳnh đứng chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ nhìn theo.
Ngày hôm sau, Quỳnh tỏ ra vui vẻ khác thường. Anh tiếp nhận sự trêu chọc của đám bạn quỷ quái với nụ cười tươi tỉnh trên môi. Anh mặc kệ cho tụi thằng Luận làm tình làm tội hai vành tai “phản chủ” và không màng đòi lại cái nón đang được chuyền nhoang nhoáng giữa đám đông. Thậm chí, Quỳnh còn cao hứng thực hiện những cú “trồng cây chuối” ngoạn mục và biễu diễn trò đi hai tay vòng quanh trong lớp khiến đám bạn vỗ tay đôm đốp và hò hét ầm ĩ.
Nga đến trường. Vừa tới cửa lớp, nghe náo nhiệt, Nga không vào ngay. Nó đi vòng lại cửa sổ, đứng nhìn vào. Thấy Quỳnh đang say sưa làm trò, Nga khẽ mỉm cười. Khung cảnh trước mắt Nga hệt như trong rạp xiếc, chỉ thiếu những con khỉ mặc quần áo và các tấm bạt căng chung quanh nữa thôi.
Nga cứ đứng tựa người vào cửa sổ. Nó chưa muốn vào lớp vội. Không hiểu sao Nga có cảm giác hắn thấy Nga, Quỳnh sẽ mất tự nhiên và những trò vui của anh sẽ lập tức chấm dứt. Nghĩ vậy, Nga cứ đứng yên. Nó đứng đợi chuông reo.
Nhưng Qùnh cũng chỉ bộc lộ niềm hứng khởi của mình đến thế thôi. Vào lớp, ngồi kế bên Nga, Quỳnh trở lại là anh chàng nhút nhát và lầm lỳ muôn thuở.
Có lẽ Quỳnh cũng muốn nói chuyện với Nga nhưng dường như anh chẳng biết nói gì và phải mở đầu câu chuyện ra sao. Thỉnh thoảng anh lại len lén liếc Nga một cái rồi vội vã quay mặt đi chỗ khác. Bằng sự nhạy cảm đặc biệt của phụ nữ, Nga nhận ra ngay dấu hiệu mới mẻ đó. Nó cảm thấy vui vui. Và trong một lần bắt gặp ánh mắt thập thò của Quỳnh, Nga mỉm cười với anh một cách thân thiện.
Nụ cười tươi tắn của Nga khiến Quỳnh cảm thấy dạn dĩ hơn lên. Anh đằng hắng hai, ba tiếng như để lấy can đảm rồi rụt rè hỏi:
- Chiếc áo Nga mặc hôm qua có bị rách không ?
Nga lắc đầu:
- Không! Nhưng dầu mỡ dính đen thui, Nga giặt hoài không ra!
Quỳnh lại đằng hắng. Nhưng lần này anh ngồi im. Mặc dù quan hệ giữa anh và Nga đã dễ chịu hơn nhưng anh chẳng biết phải trò chuyện tiếp tục như thế nào. Từ hồi vào lớp đến giờ, nghĩ mãi, Quỳnh mới nói được một câu. Về chiếc áo. Nếu hôm qua, vạt áo của Nga không vướng vào líp xe, hẳn hôm nay Quỳnh lại ngồi trơ như phổng. Mặc dù Nga đã mỉm cười với anh. Và nụ cười ấy dường như muốn bảo “Anh trò chuyện với tôi tự nhiên đi chứ!”.
Quỳnh không làm sao cảm thấy tự nhiên được. Anh quen bị xem là một tên hề. Với hình dung cổ quái và hai vành tai “nhạy cảm” cộng thêm những tài vặt của mình, anh chuyên đóng vai kẻ gây cười cho đám đông. Bạn bè thường xúm quanh anh nhưng chỉ để trêu chọc hoặc bắt anh trổ những trò lạ. Bạn gái cũng vậy. Họ xem anh như trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc lấp đầy những phút giây nhàn rỗi. Những lúc ấy, họ cười với anh, họ vỗ tay, thậm chí hò reo tán thưởng anh nhưng chẳng bao giờ họ trò chuyện tử tế với anh. Khi những trò khỉ của anh chấm dứt, họ vội vàng lảng đi chỗ khác như những khán giả nôn nóng về nhà để lo bữa cơm tối. Họ nhanh : Dng quên mất anh. Và anh, anh hiểu tất cả những điều đó.
Chỉ có Nga là khác. Nga xem anh như một người bạn. Quỳnh cảm nhận được điều đó ngay hôm đầu tiên gặp Nga. Nga đã nhìn anh “trổ tài” bằng ánh mắt ngỡ ngàng, có vẻ gì đó như trắc ẩn. Nga không cười, cũng không lộ vẻ thích thú như những người khác. Bắt gặp tia nhìn đó, lần đầu tiên Quỳnh cảm thấy bối rối. Nỗi bối rối ấy đến bây giờ vẫn chưa tan. Vì vậy, sau khi hỏi thăm về số phận chiếc áo, Quỳnh lại im thin thít, vành tai khẽ động đậy. Bao giờ xúc động, chẳng cần ai “ra lệnh”, vành tai của Quỳnh cũng động đậy. Trước đây, chẳng khi nào Quỳnh bận lòng đến chuyện vặt vãnh đó. Nhưng lúc này, anh cảm thấy khổ sở về vành tai phản chủ của mình. Nga ngồi kế bên mà chúng lại ve vẩy hoài, thật chả ra làm sao! Đúng là đồ… tai lừa! Quỳnh nghiến răng, rủa thầm.
Nga chẳng biết đến nỗi khổ tâm của Quỳnh. Thấy anh ngồi im, nó cũng lặng thinh. Đôi lúc, nhớ tới việc Quỳnh giúp đỡ mình hôm qua, Nga cảm động quay sang định nói với anh một câu gì đó nhưng chợt thấy vành tai kỳ dị của anh khẽ động đậy, nó giật thót và vội vã mi’m chặt môi lại.
Hai ngày sau, trong lúc cả lớp lục đục kéo nhau ra sân khi tiếng chuông ra chơi vừa vang lên thì Quỳnh vẫn ngồi yên tại chỗ. Điều đó khiến Nga ngạc nhiên. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Nga thấy Quỳnh ngồi lại trong lớp vào giờ ra chơi. Nhưng hôm nay, Quỳnh có vẻ như không nghe thấy tiếng chuông reo. Anh ngồi nhấp nhổm trên ghế và đang loay hoay lục lọi cái gì đó trong ngăn bàn, thỉnh thoảng lại liếc sang Nga như muốn nói điều gì.
Lát sau, chờ cho Hạnh rời khỏi chỗ ngồi và đi ra cửa, Quỳnh mới ngập ngừng lấy ra từ trong ngăn bàn một cái lọ nhỏ và rụt rè đưa cho Nga, nói:
- Cho Nga cái này nè!
Nga cầm lấy cái lọ từ tay Quỳnh, trố mắt hỏi:
- Lọ gì vậy?
- Benzine.
Nga vẫn ngơ ngác:
- Benzine là thứ gì?
Quỳnh mỉm cười. Lần đầu tiên Nga thấy anh cười. Khi cười, mặt mày anh trông dễ coi hơn. Quỳnh cười, và nói:
- Benzine là một loại dầu dùng để tẩy dầu mỡ rất tốt.
Nói xong, Quỳnh bỗng thấy ngượng ngùng. Anh cúi nhìn xuống đất, mũi đỏ ửng. Tuy nhiên lần này cái mũi kỳ dị của Quỳnh không khiến Nga sờ sợ nữa. Nga chỉ thấy lòng mình xúc động trước sự quan tâm của Quỳnh. Nó xoay xoay lọ benzine trong tay, dịu dàng nói:
- Cảm ơn anh nghen! Anh tử tế quá!
Quỳnh càng bối rối tợn. Chưa bao giờ anh nghe thấy một người bạn gái nào nói với anh những lời êm ái như vậy. Vì thế, mũi anh đã đỏ lại càng đỏ, màu đỏ lan ra khắp mặt, lan xuống tận cổ.
Trong lúc Quỳnh đang lúng túng một cách tội nghiệp thì mội chuỗi cười khanh khách bỗng vang lên và tiếp theo là một giọng nói oang oang:
- Ha ha, tụi mày lại xem thằng quỷ nhỏ kìa! Nó cũng biết e lệ trước phụ nữ! Ha ha!
Nga và Quỳnh giật mình ngó ra và cả hai thấy Luận đang đứng tì người bên cửa sổ nhìn vào với vẻ mặt thích thú.
Câu châm chọc của Luận như một mũi dao chích vào người Quỳnh khiến anh co rúm người lại. Trong khi đó lại thêm bốn, năm đứa bạn xúm lại quanh Luận và đứng lố nhố ngoài cửa sổ.
Nga đang ngỡ ngàng chưa kịp nói gì thì Luận lại ngâm nga bằng một giọng độc địa:
- Giờ chơi mà chẳng ra chơi
Có hai anh chị cứ ngồi bên nhau.
Nga nghe mặt mình nóng ran. Nó vừa ngượng lại vừa tức. Nga định “trả đủa” Luận bằng một câu gì đó nhưng nó vẫn chưa nghĩ ra được một câu nào đích đáng.
Thấy Nga và Quỳnh đỏ mặt làm thinh, Luận khoái lắm. Nó vẫn không làm sao quên được “mối thù” trước đây, lần nó định chơi trội với Nga và bị Nga phản công tối tăm mày mặt. Đây là dịp may để nó thanh toán nợ nần. Nghĩ vậy, Luận sướng rên. Nó mở miệng định buông tiếp một câu tai ác. Nhưng lần này, Luận chưa kịp nói đã phải im bặt. Một bàn tay đã thộp lấy cổ áo nó.
Luận giật mình. Nó ngước lên và thấy Khải đứng sững ngay trước mặt.
- Mày làm gì vậy?
Luận vừa kêu lên vừa gạt tay Khải ra. Nhưng cánh tay rắn chắc của Khải vẫn không nhúc nhích.
- Mày có buông ra không? – Luận lại kêu lên.
Khải gằn giọng:
- Tao chỉ buông ra nếu mày không nói bậy nữa!
Khải to con nhất lớp, lại là lớp phó trật tự, giọng anh đầy đe dọa. Biết đụng phải… lửa, Luận đành xuống nước:
- Được rồi! Mày buông ra đi!
Khải vẫn chưa chịu:
- Được rồi là sao?
Luận khẽ liếc đám bạn đứng chung quanh, giọng lúng túng:
- Được rồi là… là tao không chọc Nga với thằng quỷ nhỏ nữa!
Khải nheo nheo mắt:
- Nhớ nghen!
Và anh bỏ tay xuống.
Mặt Luận đỏ gay. Nó tức oanh ách nhưng không dám làm gì Khải. Nó biết nếu đánh nhau, nó sẽ thua. Trước khi bỏ đi, Luận chỉ biết đưa mắt nhìn Nga và Quỳnh một cách căm tức. Chỉ tại hai đứa này, Luận nhủ bụng và kể từ lúc đó, nó luôn luôn nuôi ý nghĩ trả thù.
Nga không thèm để ý đến vẻ mặt hằn học của Luận. Nga nhìn Khải, khẽ gật đầu ra dấu cám ơn. Và nó bỗng đâm ra hoang mang khi thấy Khải cũng đang mỉm cười nhìn mình, ánh mắt long lanh như muốn nói bao điều thầm kín.
***
Trong lớp, ngoài Hạnh và Quỳnh, thỉnh thoảng Nga vẫn trò chuyện với Khải. Nhà Khải ở cùng phố với Nga, cách căn nhà Nga mới dọn về khoảng vài căn. Thoạt đầu, Nga không phát hiện ra điều đó.
Một hôm đi chơi với chị Ngàn về, vừa dắt xe vào cổng, Nga bỗng nghe ai gọi mình:
- Nga!
Ngoảnh lại, Nga thấy Khải đang đứng trước cổng nhà hàng xóm ngó sang. Nó ngạc nhiên:
- Anh đi đâu vậy?
Khải cười:
- Tôi đâu có đi đâu! Nhà tôi ở đây!
Vừa nói, Khải vừa chỉ tay vào căn nhà có hàng rào bông giấy. Nga trố mắt:
- Ủa, anh ở đó hả ?
- Ừ.
- Anh ở đó sao Nga không biết ?
Vừa buột miệng, Nga chợt thấy câu hỏi của mình kỳ cục và ngớ ngẩn làm sao. Nó chưa biết chữa lại như thế nào, Khải đã đáp:
- Tại Nga không để ý đó thôi! Còn tôi, tôi biết Nga từ hồi Nga mới dọn về.
Câu nói của Khải khiến Nga bối rối vô cùng. Nó chỉ biết mỉm cười bẽn lẽn.
Khải lại hỏi:
- Nga đi đâu về đó?
- Nga đi chơi với chị Ngàn.
Nga quay lại định giới thiệu chị Ngàn với Khải. Nhưng chị Ngàn không có ở đó. Chị bỏ vào nhà tự lúc nào. Trong khi Nga đang còn loay hoay chưa biết nói gì, Khải bỗng lên tiếng:
- Tôi vào nhà chơi được không ?
Không hiểu sao Nga lại lúng túng buột miệng:
- Nhà nào ?
- Thì nhà Nga ấy! – Khải mỉm cười – Nếu tôi vào nhà… tôi, tôi đâu cần phải xin phép làm gì!
Câu pha trò của Khải khiến Nga bất giác phì cười. Nó không hiểu sao mình lại vụng về đến mức ấy. Nó nhìn Khải, gật đầu:
- Mời anh tự nhiên.
Thực ra, Khải “tự nhiên” hơn Nga tưởng nhiều. Anh vừa bước qua, vừa gật gù nhận xét:
- Lẽ ra Nga phải mời tôi vào nhà chơi trước khi tôi đề nghị kìa!
Nga biết Khải nói đùa. Nhưng cái giọng trịch thượng của anh thật đáng ghét. Nga định nói “còn khuya” nhưng cuối cùng nó kềm lại được. Nó mi’m môi, lặng lẽ dắt xe vào nhà. Khải đủng đỉnh theo sau.
Khải vào chơi không lâu. Và anh cũng chẳng trò chuyện gì nhiều. Khải chỉ hỏi Nga hồi trước học trường nào, tại sao lại chuyển về đây. Nga trả lời là Nga không biết, gia đình đi đâu Nga đi đó.
Khải nói:
- Trong lớp hình như Nga không chơi với ai?
- Tại mới về, Nga còn lạ.
- Nga vào học nửa tháng rồi, lạ gì nữa?
Nga cười:
- Thì Nga vẫn trò chuyện với Hạnh và Quỳnh đó chứ!
Nghe nhắc đến Quỳnh, Khải khụt khịt mũi:
- Nga nói chuyện với Quỳnh, chắc Quỳnh sung sướng lắm!
Nga nhíu mày:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Thấy Nga có vẻ khó chịu, Khải thoáng bối rối:
- Thì tại vì… trước nay Quỳnh ít trò chuyện với bạn gái.
Nga không nói gì. Nó ngồi im một hồi, rồi khẽ nói:
- Quỳnh là một người bạn đáng mến.
Khi nói, Nga không nhìn Khải nhưng nó vẫn cảm thấy anh đang cựa mình trên ghế. Nga chờ đợi Khải phản đối ý kiến của mình. Nhưng không, Khải chỉ nói:
- Quỳnh làm trò thật hay!
Nga lại khẽ nhăn mặt. Khải không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều Nga nói. Sự đáng mến của Quỳnh không phải ở chỗ anh biết ve vẩy hai tai hoặc biểu di- n trò đi hai tay ngoạn mục. Nga muốn nói đến sự tốt bụng của anh bạn kỳ dị và lúc nào cũng rụt rè này.
Nhưng Khải không hiểu điều đó thật. Cũng như anh không hiểu tại sao mình khen Quỳnh mà Nga lại tỏ vẻ không hài lòng. Tự nhiên Khải cảm thấy cuộc trò chuyện bắt đầu trục trặc và anh biết rằng mình đã đánh mất thái độ tự tin khi mới bước vào nhà. Vì vậy, Khải vội vã cáo từ.
Nga đưa Khải ra tận cổng, và nói:
- Khi nào rảnh, anh cứ ghé chơi.
Khải gật đầu, nhưng anh không biết chắc khi nào mình mới thực hiện được lời mời hấp dẫn đó.
Nga vừa quay vào đã thấy chị Ngàn đứng ngay trước cửa. Chị Ngàn nhìn Nga, chớp chớp mắt, trêu:
- Bữa nay Nga kiếm ở đâu ra một anh chàng đẹp trai thế?
Nga đỏ mặt:
- Chị đừng có nói bậy! Đó là anh Khải, bạn cùng lớp với em.
Chị Ngàn nheo mắt:
- Bạn cùng lớp mà dẫn về nhà, chắc là thân lắm!
Nga nhún vai:
- Em đâu có thân. Nhưng nhà anh ấy ở kế đây nè. Nhà có hàng rào bông giấy đó.
- À, vậy thì chị nhớ ra rồi! – Chị Ngàn gật gật đầu – Chị có gặp anh chàng đó đi ngang nhà mình mấy lần. Lần nào chạy ngang, anh ta cũng nhìn vào đây, chắc là… tìm em.
Chị Ngàn vừa nói vừa cười khúc khích. Còn Nga thì vùng vằng bỏ vào nhà, giọng giận dỗi:
- Chị lúc nào cũng chọc em!
Nga quen Khải chỉ có thế. Sau lần đó, Khải không ghé chơi nhà Nga thêm lần nào nữa. Gặp nhau ngoài đường, Khải chỉ mỉm cười chào Nga và hỏi thăm vớ vẩn vài câu. Nga cũng đáp lại qua loa, thế thôi. Mãi cho đến khi Nga và Quỳnh bị Luận “tấn công”, Khải đã xuất hiện kịp thời để “cứu bồ” trong cơn khốn đốn. Và hôm đó, Nga đã bắt gặp trong ánh mắt của Khải một thứ ánh sáng lạ lùng nửa muốn phơi bày nửa như che giấu. Và từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, Nga đã cố quên đi. Mặc dù biết ơn Khải, Nga vẫn không có tình cảm nhiều với anh, có lẽ do những ấn tượng chẳng ngọt ngào gì trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Còn Quỳnh, sau lần đó, lại càng im thin thít. Anh như một con chim bị đạn, bây giờ thấy cái gì cũng sợ. Ngay cả khi Nga bắt chuyện, Quỳnh cũng ậm ừ. Trong khi trả lời nhát gừng, anh cứ lấm lét nhìn ra cửa. Anh sợ Luận bắt gặp. Anh sợ nó lại ông ổng trêu chọc như bữa trước.
Thái độ chết nhát của Quỳnh khiến Nga bực mình. Nó gắt lên:
- Nói chuyện với tôi có gì mà anh phải hoảng lên vậy ?
Thấy Nga nổi sùng, lại xưng “tôi” thay vì xưng tên như mọi ngày, Quỳnh càng lúng túng. Anh cứ ngồi đực mặt ra, mũi đỏ ửng.
Nga thấy tội tội, liền nói:
- Anh đừng sợ! Luận không dám chọc Nga và anh nữa đâu!
Được Nga trấn an, Quỳnh không đảo mắt ra cửa nữa. Nhưng anh vẫn ngậm tăm. Thấy vậy, Nga bèn tìm cách gợi chuyện. Nó dịu dàng nói:
- À, anh có thấy cái áo của Nga mặc hôm nay không?
Quỳnh gật đầu:
- Thấy! Mà sao?
Nga mỉm cười:
- Cái áo hôm trước đấy!
Thấy Quỳnh vẫn chưa hiểu, Nga nói thêm:
- Cái áo bị vướng vào líp xe ấy mà. Hôm trước dầu mỡ dính đen thui, nhờ lọ benzine của anh, hôm nay cái áo trắng tinh lại rồi.
Vừa nói, Nga vừa kéo vạt áo sau lên cho Quỳnh xem. Quỳnh khẽ liếc vạt áo, mỉm cười không nói gì. Nhưng ánh mắt anh lộ rõ vẻ sung sướng.
Thấy Quỳnh vui vẻ, Nga cười nói:
- Bây giờ Nga hỏi anh câu này, anh đừng giận nghen ?
Quỳnh ngước nhìn Nga, thoáng ngạc nhiên:
- Câu gì ?
- Thì anh hứa là anh không giận Nga, Nga mới hỏi.
- Tôi hứa.
Mặc dù Quỳnh đã hứa, Nga vẫn chưa dám hỏi ngay. Sau một lúc ngần ngừ, nó mới khẽ hạ giọng:
- Tại sao mọi người lại gọi anh là… thằng quỷ nhỏ?
Hỏi xong, bất giác Nga cảm thấy áy náy. Nó sợ Quỳnh xấu hổ. Và anh sẽ giận nó. Nhưng không, Quỳnh chỉ cười. Và nói:
- À, đó là cái biệt hiệu… hồi trước.
- Hồi trước là hồi nào? – Nga trố mắt.
- Hồi học lớp bảy ấy mà! – Quỳnh khẽ hắng giọng – Hồi đó, có một hôm lớp nghỉ hai tiết đầu. Trong khi chờ vào học hai tiết sau, tụi bạn thách tôi đi hai tay dọc theo hành lang. Khi tôi “đi” ngang qua lớp 7A, tụi học sinh lớp này liền chồm hết ra cửa sổ. Lập tức thầy Công dạy toán chạy ra. Thấy tôi đang làm trò, thầy liền bước lại và…
Đang kể, Quỳnh bỗng ngập ngừng. Nga sốt ruột:
- Và sao nữa?
Quỳnh đưa tay lên gãi đầu, ấp úng:
- Và… và thầy xoắn lấy tai tôi, hét lên: “Mày làm cái trò gì vậy, thằng quỷ nhỏ?”. Tụi bạn đứng chung quanh cười ầm và thế là từ hôm đó… từ hôm đó…
Nói chưa hết câu, bỗng dưng Quỳnh im bặt và anh khẽ đưa tay sờ lên vành tai của mình. Cử chỉ vô tình của Quỳnh khiến Nga bật cười:
- Bộ thầy Công bẹo tai đau lắm hả?
Câu chòng ghẹo của Nga làm Quỳnh đỏ mặt. Anh lúng túng bỏ tay xuống:
- Đâu có!
Trong một thoáng, Nga cảm thấy sự bối rối thật thà của Quỳnh thật đáng mến. Nó nói:
- Vậy mà lúc đầu Nga cứ tưởng anh phải nghịch phá ghê lắm, bạn bè mới đặt cho anh cái biệt danh… dễ sợ như thế chứ!
Quỳnh mỉm cười:
- Đâu có!
Anh lặp lại câu nói vừa rồi với vẻ hiền lành.
Đúng lúc đó, Hạnh bước vào. Nó đặt cặp lên bàn một cái “oách” và liếc Quỳnh:
- Quỳnh biết chuyện gì xảy ra mấy ngày nay chưa?
Câu hỏi đột ngột của Hạnh khiến Quỳnh giật thót. Anh chợt nghĩ đến Luận. Chắc là nó lại rêu rao gì đây. Anh nhìn Hạnh, hồi hộp:
- Chưa! Chuyện gì vậy?
- Chuyện này nè!
Vừa nói, Hạnh vừa cầm lấy cạnh bàn lay lay. Cái bàn lắc lư, chao qua chao lại. Thấy vậy, Quỳnh thở phào:
- Giờ thì biết rồi!
Hạnh nheo nheo mắt, cười nói:
- Ngày mai Quỳnh nhớ đem “đồ nghề” theo nghen!
- Ừ.
Nga ngồi ở giữa, nghe hai người nói qua nói lại, chẳng hiểu mô tê gì cả. Nó quay sang Quỳnh, khều nhẹ:
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện gì đâu?
- Chuyện anh và Hạnh nói với nhau nãy giờ đó!
- À, cái bàn của mình bị long chân. Hạnh bảo tôi ngày mai đem búa đinh theo đóng lại.
Nga tròn mắt:
- Bộ nhà anh làm nghề mộc hả?
Quỳnh cười:
- Đóng lại cái chân bàn cần gì phải nghề mộc! Những chuyện lặt vặt như vầy, tôi làm hoài!
Ngày hôm sau, Nga thấy Quỳnh không ôm cặp như thường lệ. Anh đeo trên vai một cái túi bằng vải dày.
Quỳnh bước vào lớp, đặt cái túi xuống trước mặt Nga và sau khi lấy tập vở nhét vào ngăn bàn, anh lôi từ trong túi ra một cây búa cũ xì và một bó đinh lớn. Xong, anh khom người xuống và trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, anh bắt đầu đóng lại chân bàn.
Tiếng búa “lộp cộp” vang lên khiến những đứa đi học sớm quay đầu lại dòm. Và chẳng mấy chốc, cả một đám đông hiếu kỳ xúm lại quanh Quỳnh.
- Chà, hôm nay thằng quỷ nhỏ lại đóng vai thợ mộc, tụi mày ơi! – Một đứa la lên.
- Trời, coi nó đóng đinh kìa! Trông thiện nghệ làm sao! – Một đứa khác xuýt xoa.
Lại một giọng khác vang lên, giọng này “thực tế” hơn:
- Lát nữa mày sửa giùm cái chân bàn của tụi tao chút nghen, thằng quỷ nhỏ!
Cái giọng “dụ khị” này lập tức được nhiều đứa hưởng ứng. Cả bọn nhao nhao hùa theo:
- Cái bàn của tao cũng vậy, lát...