nó có bỏ đi hay không.
Một hồi lâu, tôi vẫn không nghe thấy động tĩnh gì. Như vậy, con Rùa vẫn còn ở ngoài hè. Nó vẫn đang nhìn trộm tôi qua khe liếp. Tới đây thì tôi vô cùng bối rối, vì tôi không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi biết nếu tôi đứng lên, chắc chắn con Rùa sẽ bỏ chạy. Nhưng tôi cũng không thể ngồi trơ ra mãi như vậy.
Cuối cùng, tôi đánh liều lên tiếng, vẫn không ngẩng mặt lên, cố lấy giọng thật ngọt ngào, thân thiện:
- Em thích đọc sách lắm hả em?
Có tiếng sột soạt từ phía vách đáp lời tôi. Có lẽ con Rùa bị bất ngờ nên gây ra tiếng động nhưng rồi nó kịp dập tắt ngay.
Không thấy tiếng chân chạy, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm. Vẫn tư thế cũ, tôi lại dịu dàng hỏi:
- Em thích đọc sách gì hả Rùa?
Lần này bị tôi gọi đích danh, con Rùa biết là tôi đã phát hiện ra nó. Cũng như tôi, có lẽ nó đang lúng túng
không biết phải làm gì: bỏ chạy, vẫn đứng nguyên tại chỗ hay lên tiếng trả lời.
Ở bên trong, tôi cũng đang nín thở chờ đợi, vì thực ra tôi cũng không rõ con Rùa sẽ phản ứng ra sao.
Một bầu không khí khắc khoải chạy quanh căn nhà. Tiếng gió rít qua những tàng cây vọng vào tai tôi rõ mồn một. Tiếng cãi nhau giữa hai con chích chòe trên cành me trước ngõ nhà thằng Thục dường như cũng lảnh lót hơn ngày thường. Tóm lại, tôi nghe đủ thứ tiếng, kể cả tiếng cỏ xào xạc sau vườn lẫn tiếng lao xao mơ hồ vẳng lại từ ngọn đồi xa. Tôi nghe thấy tất, trừ tiếng con Rùa. Tôi đành phải liếm môi, nói mà chẳng có chút hy vọng gì:
- Vào nhà chơi đi em!
Tôi thở dài khi nghe tiếng chân con Rùa rời đi và trong khi tôi không trông mong gì nó sẽ quay trở lại thì mái tóc kỳ quặc của con Rùa thình lình hiện ra trước cửa sổ chỗ tôi ngồi.
Tôi ngước nhìn nó, mỉm cười và bây giờ tôi nhận ra mái tóc nó có màu hung đỏ, có lẽ do nó chạy nhảy ngoài nắng nhiều quá. Trái ngược với mái tóc xấu xí đó, con
Rùa có một gương mặt rất dễ coi, đặc biệt là đôi mắt nó sáng ngời và long lanh như hai giọt nước.
Hai giọt nước nhìn tôi và tôi nhìn hai giọt nước.
Một lúc lâu, chẳng ai nói gì. Trong tình thế đó, nụ cười trên môi tôi bỗng hóa thành gượng gạo và khi các cơ mặt tôi sắp sửa cứng lại như gỗ thì con Rùa chợt giải vây cho tôi. Nó hỏi:
- Đọc sách thích không anh?
- Thích! Thích lắm! – Tôi rối rít đáp, mừng rỡ một cách lộ liễu – Trên đời không có gì thú hơn đọc sách, em à.
Giọng điệu nhuốm màu quảng cáo của tôi lập tức tác động đến con Rùa. Nó liếm môi:
- Thật không anh?
- Thật mà! – Tôi cầm cuốn sách chìa ra cửa sổ, hào phóng – Em đem cuốn sách này về đọc đi. Anh cho em mượn đó.
Con Rùa cầm lấy cuốn sách, lật lật vài trang rồi đặt xuống bàn trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi:
- Thôi.
- Sao thế em?
Con Rùa trả lời tôi bằng một nụ cười bẽn lẽn:
- Em chỉ đọc truyện tranh à.
***
Hôm đó, tôi đi theo con Rùa lên nhà nó chơi. Nhà nó bên kia sông, cạnh nhà cô Út Huệ. Tôi bảo tôi đi thăm cô Út, sẵn dịp ghé nhà nó cho biết. Nghe tôi khoe tôi hồi bé tôi là học trò của ông nội nó, con Rùa có vẻ thích thú lắm.
Tôi chưa thấy ai đi qua cầu treo ung dung như con Rùa. Trên chiếc cầu không ngừng đong đưa đó, nó chạy nhảy tung tăng như đi trên mặt đất, chẳng thèm bám vào dây vịn.
Qua khỏi cầu, con Rùa chẳng chịu về nhà ngay. Nó rủ tôi di dọc bờ sông, la cà theo dãy bìm bịp hoa tím, hái trái dành dành và hoa dong riềng đỏ ối cầm tay. Trông con Rùa lúc này thật sinh động và đáng yêu. Nó chẳng giống chút gì với con Rùa rụt rè đứng trước cửa sổ tôi lúc nãy. Thậm chí mái tóc hung đỏ cắt vụng của nó cũng chẳng làm tôi buồn cười nữa.
Con Rùa ở trước mặt tôi đây, chẳng khác nào một con sóc nhỏ. Nó chạy vô bụi cây bên tay trái bứt một chiếc lá, lội qua bụi cây bên tay phải hái một bông hoa.
Có một lúc, nó ngồi xổm xuống ven đường quơ tay hái mấy nắm lá xanh đang mọc lan dưới chân bụi cúc tán.
Nó đưa tôi một chiếc lá, còn nó bỏ một chiếc vô miệng nhai:
- Anh ăn không?
Tôi cúi nhìn chiếc lá mỏng có ba cánh, mỗi cánh lá có hình trái tim, ngần ngừ một chút rồi bỏ vô miệng nhằn lấy nhằn để, thấy chua chua, giống như lá bứa. Hồi bé, tôi hay trèo cây bứa tìm trái, không có trái thì hái lá nhai cho vui miệng.
- Lá gì vậy em?
- Me chua đất. Em hái về cho bà nội em nấu canh chua.
Tôi nhìn con Rùa, tự nhiên thấy lòng dâng lên một cảm giác gì đó khó tả. Nó đi chơi, vẫn không quên hái lá về cho nội nấu canh. Chắc nó thương bà nó lắm.
Lúc tôi bước vào nhà con Rùa, thầy Điền đang ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu cói bạc màu, quay mặt ra cửa. Mắt thầy nửa nhắm nửa mở, miệng lầm rầm tụng kinh, tay gõ mõ bằng chiếc dùi trông giống như chiếc chày giã tiêu của mẹ tôi. Tôi ngần ngừ nhìn con Rùa, phân vân không biết có nên mở miệng không. Như biết ý tôi, nó kêu khẽ:
- Ông ơi ông! Có học trò cũ đến thăm ông nè!
Thầy Điền không mở hẳn mắt ra, chỉ nhướn lên một chút để nhìn tôi.
- Con là Đông, cháu ông Chín Ngạc, thưa thầy! – Tôi rụt rè nói.
Tôi thấy ánh mắt thầy Điền lóe lên như có một ngọn đèn pin vừa chớp lên trong đáy mắt. Ngọn đèn chỉ chớp lên trong tích tắc thôi, rồi tắt phụt. Đôi mắt thầy lại lim dim như cũ, miệng vẫn rì rầm tụng niệm, chiếc dùi trên tay thầy nhịp vào chiếc mõ những điệu buồn, khoan thai và đều đặn.
Tôi đứng chôn chân bên cạnh chiếc chiếu cói, xéo bên tay trái thầy, có cảm giác mình bị hoa mắt, miệng khô cứng. Tôi không biết thầy có nhận ra tôi không. Phải chăng thầy đã nhận ra đứa học trò ngày nào qua tia chớp vừa lóe lên trong mắt thầy? Nhưng có thực là tôi đã nhìn thấy tia chớp đó hay tất cả chỉ là do tôi tưởng tượng, tôi cũng không chắc lắm.
Bây giờ thì thầy Điền có vẻ đã quên phắt sự có mặt của tôi. Chỉ con Rùa là nhớ. Nó kéo áo tôi:
- Ra sau hè chơi đi anh!
Tôi lẽo đẽo theo nó rời khỏi phòng khách, sau lưng tôi tiếng mõ không ngừng đuổi theo với một âm điệu rầu rầu.
- Từ khi dời nhà về đây, ông em bắt đầu lẩn thẩn.
Tiếng con Rùa vang lên bên tai tôi, nó nói như thanh minh.
Tôi không nói gì, nhưng tôi tin lời con Rùa. Lúc còn dạy học, thầy Điền đã là ông giáo già nhất làng. Mười năm trước, lúc nhà tôi chuyển vào phương Nam, thầy Điền đã xấp xỉ sáu mươi tuổi. Lẽ ra, ở tuổi đó người ta đã nghỉ hưu. Nhưng vì trường thiếu giáo viên nên thầy được giữ lại.
Sau hè nhà con Rùa, cây bướm bạc khoe những chiếc lá trắng xanh với những đường gân mảnh còn ướt sương đêm nhờ những tàu lá chuối to bản phía trên quạt giùm hơi nóng. Tôi nhìn những chiếc lá, tưởng tượng đó là những bàn tay có làn da mỏng đến mức thấy rõ mớ gân xanh và tôi không kềm chế được ý định sờ tay vào một chiếc lá để ngắm những hạt sương âu sầu rơi xuống.
Kế cây bướm bạc là hòn non bộ với những nhành dương xỉ mọc ra từ kẽ đá, một cây cầu bắc qua khe nước nhỏ và một con gà trống bằng đất nung đang đứng nghển cổ ngay ven hồ nước. Ở bậc đá phía trên là một hang động huyền bí tối om om, ngay cửa hang một ngư phủ đang kiên nhẫn buông câu với chiếc nón rộng vành che gần hết gương mặt. Hai tiên ông ngồi đánh cờ trên một chiếc bàn đá vuông gần đó.
***
Quân cờ là những hòn sỏi, có lẽ đó là lý do khiến cả hai ngồi bất động vì không phân biệt được quân nào với quân nào. Hồi bé tới chơi nhà bạn, thấy hòn non bộ là tôi thích mê. Trừ bầy cá vàng bơi lội tung tăng bên dưới đám bèo tai chuột, những gì còn lại ở một hòn non bộ đều im lìm trầm mặc. Tôi từng đứng hàng giờ bên một hòn non bộ để hồi hộp chờ ông tiên đẩy quân cờ hay vung cây rìu bén vào thân gỗ trước mặt, với niềm tin ngây thơ nếu tôi kiên trì chờ đợi thế nào điều kì diệu đó cũng xảy ra.
Con gà bằng đất nung trước mặt tôi lúc này cũng vậy. Tư thế của nó sống động đến mức tôi có cảm tưởng sớm muộn gì nó cũng sẽ cất tiếng gáy và tôi cứ đứng lì ra một lúc lâu cho đến khi con Rùa kéo tay tôi:
- Đi chơi đi anh! Anh có đứng đến tối nó cũng không gáy đâu!
Tôi đỏ mặt khi con Rùa nói huỵch toẹt ý nghĩ trong đầu tôi.
- Đi đâu hở em? – Tôi hỏi, như để chữa thẹn.
- Ra đầm sen chơi! Đi hái sen với em!
Tôi chưa kịp hỏi đầm sen ở đâu, một con ngỗng không biết từ đâu lạch bạch lao tới chỗ tôi, vừa chạy vừa kêu quàng quạc khiến mặt tôi tái mét. Tôi rất sợ ngỗng. Từ bé tôi đã sợ ngỗng. Hồi đó mỗi lần mẹ tôi rủ tôi về thăm ngoại là tôi hãi. Ông ngoại tôi nuôi một bầy ngỗng thả rong trước sân để giữ nhà. Lần nào tôi tới thăm ông cũng bị bầy ngỗng rượt chạy trối chết, không ít lần tôi bị ngỗng mổ vào bắp chân. Ngỗng mổ rất đau, chẳng khác nào có ai lấy kèm kẹp vào da mình.
Thấy mắt tôi mở trừng trừng, bộ tịch như sắp lăn ra xỉu tới nơi, con Rùa cười:
- Anh sợ hả?
Nói xong, con Rùa đứng chắn trước mặt tôi và thò tay thộp trúng ngay cổ con ngỗng lúc này đã vươn ra rất dài và chiếc mỏ cứng như thép của nó suýt chút nữa đã chạm được vào đùi tôi.
Tôi chưa kịp thở phào, con Rùa đã buông con ngỗng ra khiến tôi muốn ngất, lần này chắc chắn là ngất thật.
Con Rùa dường như cũng biết điều đó. Nó ngồi thụp xuống, nói với con ngỗng bằng giọng nhẹ nhàng:
- Em đi chơi đi! Đây là anh Đông, bạn của chị đó.
Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, con ngỗng quay mình bỏ đi về phía ao rau muống.
- Nó hiểu được em nói gì ạ? – Tôi liếm môi hỏi, khi con ngỗng đã đi xa.
- Dạ.
Tôi nuốt nước bọt:
- Thế còn nó? Khi nãy nó nói gì vậy, lúc nó chạy về phía anh đó?
- Nó kêu “Kẻ trộm! Kẻ trộm!”.
Con Rùa khiến tôi dở cười dở khóc. Tôi liếc nó, nghĩ nó chơi xỏ tôi. Nhưng vẻ mặt con Rùa thản nhiên
đến mức tôi không tìm thấy một dấu hiệu gì tố cáo rằng nó đang trêu tôi.
- Thôi, anh qua nhà cô Út Huệ đây! – Đột nhiên tôi nói.
- Anh không ra đầm sen với em à? – Con Rùa nhìn tôi bằng ánh mắt nheo nheo.
- Chiều đi em! Bây giờ nắng lắm!
Tôi từ chối.
Trời nắng chỉ là cái cớ.
Tôi đang sợ ngỗng.
***
Ăn trưa nhà cô Út Huệ xong, tôi leo lên phản nằm nghe gió mơn man da thịt. Nhà cô Út Huệ cửa nẻo thông thốc, gió tha hồ ra vào chơi đùa chạy nhảy trên người tôi khiến tôi bị giấc ngủ cuốn trôi lúc nào không hay.Khi tiếng chim chèo bẻo kẹt trên cây sầu đông trước sân đánh thức tôi dậy, nhà đã vắng tanh. Cô Út Huệchắc đã đội nón ra đồng. Bé Loan, mười tuổi, con gái cô cũng chẳng thấy đâu, tôi đoán nó đang mải mê bắt chuồn chuồn ngoài vườn cải.Tôi ra sau hè, múc nước rửa mặt. Lúc đi vào, tôi nhác thấy bé Loan đứng chỗ cây ổi, đang loay hoay với cái lon sữa bò trên tay.
Tôi tò mò nhón chân lại gần, trố mắt quan sát. Hóa ra nó đang chơi trò gọi điện thoại.
Cái lon được đục rỗng hai đầu, một đầu bịt giấy, có sợi chỉ xuyên qua ngay chính giữa. Sợi chỉ từ cái lon này nối với cái lon kia. Khi bị kéo căng, sợi chỉ truyền được âm thanh.
Lúc tôi sè sẹ bước tới, bé Loan đang trò chuyện với con Rùa bên kia hàng rào.
Nó nói huyên thuyên gì đó vào cái lon, hình như đang hỏi về bài học ở lớp, xong úp cái lon vào tai để nghe con Rùa trả lời.
Tôi tưởng nó đang mải mê tán chuyện, không biết tôi đứng ngay sau lưng. Nào ngờ nó nói oang oang trong ống lon khiến tôi giật bắn mình:
- Chị nói sao? Có kẻ trộm đứng sau lưng em à?
Tôi chưa kịp phản ứng, đã giật mình thêm cái nữa khi bé Loan tiếp tục ông ổng:
- Con ngỗng tưởng là kẻ trộm chứ thực ra anh Đông không phải là kẻ trộm hả chị?
Tới đây tôi không nhịn được nữa, liền đưa tay cốc đầu con nhóc một cái:
- Đủ rồi nghe em!
Tôi giật phắt cái lon trên tay nó:
- Đưa đây cho anh!
Tôi áp cái lon vào miệng:
- Em nói xấu gì anh đó, Rùa?
Tôi liếc qua nhà con Rùa, thấy nó đang đứng tủm tỉm sau giờ giậu. Nghe tôi hỏi, nó lật đật nói vào ống loa:
- Bé Loan nói chứ em đâu có nói. Em chỉ bảo anh đang đứng sau lưng nó thôi.
- Vậy tại sao nó biết chuyện… “kẻ trộm”?
- Đó là en kể cho nó nghe. Kể lúc anh còn ở trong nhà kia.
Vậy là bé Loan trêu tôi chứ không phải con Rùa. Tôi quay lại tính cốc con nhóc này thêm cái nữa nhưng nó đã chạy mất.
Nhớ đến cuộc trao đổi về bài học giữa con Rùa và bé Loan khi nãy, tôi ngập ngừng hỏi:
- Em học chung lớp với bé Loan hả Rùa?
- Dạ.
- Sao anh nghe thằng Thục nói em… bằng tuổi nó.
- Dạ. Năm nay em mười bốn tuổi.
Mười bốn tuổi lẽ ra phải học lớp chín như thằng Thục. Nhưng con Rùa vẫn học lớp năm trường làng. Tôi tính hỏi nó tại sao nó lại học trễ như vậy, trong khi ông nội nó là thầy giáo, nhưng cuối cùng tôi quyết
định không đả đọng gì đến chuyện đó. Có hàng trăm lý do để một người học trễ, mỗi lý do là một nỗi buồn và thật là bất nhẫn nếu gợi lại nỗi buồn của người khác.
Con Rùa như đọc được thắc mắc của tôi qua sự im lặng đột ngột. Nó giải thích:
- Hồi bảy tuổi, em bị bệnh. Bệnh nặng lắm, em ốm giơ xương, rụng hết tóc, tưởng chết rồi. Em phải nghỉ học mất bốn năm.
***
Nghỉ học tới bốn năm là một điều kinh khủng với trẻ con. Một đứa lớn xác, lẽ ra học lớp chín lại ngồi chung với lũ nhóc tì, thế nào cũng bị bạn bè trêu chọc. Thế nhưng chuyện học trễ có vẻ chẳng phải là một gánh nặng đối với con Rùa. Khi đã chơi thân với nó, tôi thấy nó không hề mặc cảm gì về chuyện lớn tồng ngồng rồi mà ngày ngày vẫn ôm tập đến trường tiểu học ngồi lê la với lũ nhóc lên mười.
Con Rùa còn khoe tôi nhờ nằm nhà uống thuốc suốt bốn năm trời, nó biết thêm khối thứ về cái loại cây lá chữa bệnh.
Trong bốn năm đó, ngoài ông bà nội nó ra, con Rùa chỉ có một người bạn duy nhất là ông thầy thuốc bắc. Những đứa trẻ làng thỉnh thoảng cũng đến thăm nó nhưng con nít mải chơi, ngồi với con Rùa một lát đám trẻ buồn chân lại chạy ra đồng bắt dế, thả diều, bỏ mặc nó ngồi một mình trên chiếc phản lạnh tanh ngắm mặt trời chiều chín đỏ bên kia dãy núi xa mờ.
- Thế em không buồn à?
- Không. Em có nhiều bạn lắm.
Trước cái miệng há hốc của tôi, con Rùa long lanh mắt:
- Để em kể anh nghe nhé. Con Cổ Dài nè, thằng Đuôi Dài nè, con Đít Đỏ nè…
Lúc đầu tôi chẳng hiểu con Rùa nói gì. Mãi đến khi nó giải thích, tôi mới biết nó muốn nhắc đến con ngỗng thường quẩn quanh bên ao rau muống, con sóc hay trèo lên trèo xuống cây dừa sau vườn, rồi con chào mào mới về làm tổ trên ngọn tre trước ngõ nhà nó.
Con Rùa còn liệt kê thêm nhiều nữa. Nó còn một lô bạn trong rừng, trong đó có một con khỉ thỉnh thoảng vẫn chạy ra chơi với nó.
Tôi ù cả tai, vội vã cắt ngang:
- Chậc, chậc… anh biết rồi. Bạn em nhiều thật đó.
- Thế anh có thích chơi với bạn em không? – Con Rùa ngước nhìn tôi, cắc cớ hỏi.
- Thích. Anh thích lắm! – Đang hùng hồn, sực nhớ tới con ngỗng suýt mổ vào đùi tôi hồi sáng, tôi lập tức
ngắc ngứ – Ờ… ờ… nhưng để anh suy nghĩ lại đã…
Con Rùa đập lên tay tôi, cười khúc khích:
- Anh đừng lo! Con Cổ Dài không rượt anh nữa đâu. Em đã bảo nó rồi.
Con Rùa làm mặt tôi ửng lên như củ cải phơi nắng. Một lần nữa, nó đi xe đạp vào bụng tôi, dù trên thực
tế nó không biết chạy xe.
- Sao em không tập chạy xe hả Rùa?
- Em bị ốm mấy năm trời mà anh.
- Ờ há.
Tôi ngượng ngập đưa tay gãi đầu và chữa thẹn bằng cách đưa mắt nhìn lên tàng cây bướm bạc đang
chảy tràn ánh nắng, ân cần nói:
- Vậy mai mốt cần đi đâu xa em nói anh, anh lấy xe chở em đi.
- Em suốt ngày chỉ loanh quanh trong làng thôi à.
Tôi nheo mắt:
- Thế ai hôm trước đi xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng?
- Thỉnh thoảng em mớ đi xuống đó mà anh.
Tôi khua tay vô cành huỳnh anh um tùm cạnh giếng nước, tò mò hỏi:
- Em để dành nắp keng được nhiều chưa?
Con Rùa chớp mắt, khi nó chớp mắt tôi mới thấy đôi mi nó thật dài:
- Em nhặt giùm cho bé Loan.
- Nhặt giùm? – Tôi tròn xoe mắt.
- Ờ, bé Loan còn nhỏ, không tranh lại với các bạn khác nên em nhặt đem về cho nó.
Giọng con Rùa tỉnh khô như thể đó là chuyện bình thường, mặc dù khi những chiếc nắp keng trở thành thứ mà thằng Thục có thể để mua kẹo đậu phộng tôi nghĩ nó không bình thường chút nào.
Sau này tôi mới biết con Rùa vẫn thường làm thế với lũ bạn học lóc nhóc của nó.
Những đứa trẻ lớp năm mỗi khi bị những đứa lớn hơn bắt nạt đều được con Rùa chở che. Tự nhiên nó trở thành đứa con gái nổi tiếng ngang ngạnh, thậm chí sẵn sàng đánh nhau. Nhưng chuyện đó sau này nghe thằng Thục kể tôi mới biết. Còn ngay lúc này tôi và nó ngồi trên thành giếng trò chuyện với nhau dưới bóng mát của cành huỳnh anh không ngừng đong đưa trên đầu, trong mắt tôi nó vẫn là đứa con gái dịu hiền và tôi không giấu lòng rằng càng gần gũi với con Rùa, tôi càng thích nó.
***
Chiều đó, con Rùa rủ tôi đi chơi.
- Đi ra đầm sen hở em? – Tôi tỏ vẻ hiểu biết.
- Không. Đi đầm sen em chỉ thích đi vào buổi trưa.
Tôi nhướn mày:
- Ai lại đi hái hoa sen vào lúc nắng chang chang như vậy?
Con Rùa cười khì khì:
- Em đâu có hái hoa sen.
- Ủa?
- Em hái lá sen đó anh. Hái lá sen che đầu rồi đi về nhà, có cảm giác như đang che dù vậy. Thích lắm.
Tôi ngó sững con Rùa, không ngờ nó có những ý thích lạ lùng như vậy. Chờ đến khi hái được lá sen để che đầu, tóc nó đã cháy vàng như rơm, vậy mà nó vẫn thích. Lạ ghê! Hôm đó, đúng như con Rùa nói, chúng tôi không đi ra đầm sen. Hai đứa dọ dẫm theo con đường mòn dẫn vào rừng. Trên đầu chúng tôi, chim từng bầy nháo nhác bay về phía chân trời đang ngả màu mỡ gà.
Tôi đang tự hỏi không biết trong rừng có gì hay mà con Rùa nằng nặc đòi dẫn tôi đi thì nó đột ngột ngừng lại.
- Gì thế em? Sao không đi nữa?
Con Rùa nghiêng tai qua một bên:
- Anh nghe gì không?
- Anh có nghe gì đâu!
- Máy bay.
Thêm một lúc nữa, tôi mới nghe thấy tiếng rì rầm ở đằng xa vọng tới. Tôi ngước mắt lên cao, thấy một vệt khói trắng lờ mờ hiện ra ở một góc trời xanh. Vệt khói thoạt đầu như một dấu chấm, rồi dài ra một khúc, một khúc nữa, cứ thế dài thêm mãi giống như ai đang cầm một viên phấn trắng vạch ngang bầu trời khiến tôi và con Rùa phải quay đầu từ Đông sang Tây đến ngoẹo cả cổ. Tiếng rì rầm biến thành tiếng rít khi chiếc máy bay bay ngang đầu chúng tôi, chốc sau tiếng rít nhỏ dần và lại biến thành tiếng rì rầm khi chiếc máy bay bay xa, một lát sau thì tắt hẳn.
Thực ra, tôi không trông rõ chiếc máy bay. Nó bay cao quá, chỉ thấy một chấm đen. Nhưng tôi biết chấm đen đó là chiếc máy bay, vì nó giống như ngón tay thầy Điền lúc thầy đứng trên bục giảng. Nó đi tới đâu, vệt phấn
đi theo tới đó.
Con Rùa vẫn ngước cổ ngắm vệt khói lúc này đã bị gió đánh tơi đi, tỏa ra tứ phía, tan tác như lông ngỗng. Vẻ mặt thích thú đến đờ đẫn của nó khiến tôi bất giác nhớ đến tuổi thơ...