Nguyên có kiểm tra và chọn lựa chủ cho những con chó lạc không. Dù không có ý định giữ con Lem lại nhưng tôi vẫn có chút lo lắng cho số phận của nó, mong nó tìm được một người chủ tốt như Nguyên.
- Anh Minh chú ý bảo
bác sĩ là tâm trạng nó không được tốt nhé. Nó hay giật mình và sợ hãi nên có thể lao vút đi đó. Anh giữ nó chắc vào.
- Ừ, cảm ơn Nguyên. Khi nào Lem ổn thì anh gọi lại nhé!
- Dạ, chào anh!
Vị khách tên Minh ra về, Nguyên đóng cửa rồi vào rửa tay và ăn nốt bữa sáng. Nhìn khuôn mặt sầu thảm của Nguyên sau khi chia tay Lem khiến tôi cũng không muốn trách cứ gì nhỏ việc cho địa chỉ nhà riêng của tôi. Vừa nãy bí mật đổi cho Nguyên phần trứng ốp la nhiều hơn, ngắm Nguyên ăn ngon lành thấy vui vui. Con Nô Đen và mèo Mướp đang đùa nhau ở ban công. Mà Nguyên lại làm mà không xin phép rồi. Quả bóng tennis của tôi Nguyên đã tự lấy tặng cho hai đứa làm đồ chơi để con mèo Mướp không vào phá tan hai cái ghế salong trong phòng khách. Tôi quay ra ăn nốt bữa sáng, vừa ăn vừa chọc Nguyên.
- Nè!
- Gì?
- Không ‘‘dạ’’ nữa à?
- Không, được đặc cách sướng quá. Phải tận dụng mọi lúc mọi nơi
- Có ai nhận nuôi con mèo Mướp chưa?
- Có một vài người, nhưng em không tin tưởng lắm nên không nhận lời.
- Để đó nuôi đi. Cho Nô Đen có bạn.
- Thật á?????
Nguyên đứng phắt dậy nhìn tôi, làm đổ cả ghế ngồi và văng thìa ra bàn. Tôi cũng giật mình do hành động bất ngờ quá khích của nhỏ. Trông cái dáng đứng như sắp vồ lấy tôi ôm hôn để cảm ơn đề nghị vừa rồi. Sợ quá!
- Ngồi xuống hộ tôi đi. Trông cô ghê ghê…
- Anh nói thật chứ.?
- Thật, trông cô ghê ghê thật.
- Không, chuyện nuôi bé mèo Mướp cơ?
- Đùa đấy!
- Cái gì?
Để đề phòng Nguyên có những hành động quá khích hơn thì tôi đã kịp phản ứng ngay lập tức.
- Tôi đùa thôi. Nuôi thêm con mèo thôi mà.
- Cảm ơn anh… Em không biết nói gì nữa.
- Thôi đừng nói, tôi sợ phát ngôn gây sốc lắm. Nuôi thì nuôi. Nhưng cô đừng có đem thêm con chó mèo nào về nữa đấy. Mẹ tôi thỉnh thoảng sang thăm, phiền bức lắm. Bà sợ chó mèo.
- Dạ…
Nguyên cười chúm chím cho đến lúc ăn hết bữa sáng. Tôi bảo Nguyên đi rút hộ tôi bộ quần áo. Đợi tạnh mưa sẽ sang thăm bố mẹ. Dù sao sang nhà thăm mẹ cũng ổn hơn việc để mẹ sang thăm và nhìn thấy lũ chó mèo Nguyên mang về.
…
Mưa làm Hà Nội sạch hơn. Không khí trong và không bụi. Tôi có thói quen lượn vòng vòng trên đường không mục đích, đến khi xăng tụt một vạch mới quay về nơi mình định tới.
Bố mẹ vẫn khỏe. Cảm ơn trời đất! Mẹ nấu bữa tối sớm hơn hai tiếng để tôi ăn và về sớm. Lớn rồi nhưng mẹ lúc nào cũng lo nếu con cái ra đường khi trời tối. Bố hỏi tôi vài việc về công việc. Mẹ hỏi về chuyện ăn uống, người làm, hỏi về cả Ly. Bao nhiêu lần tôi nhắc mẹ về mối quan hệ đã rạn nứt và đi đến điểm dừng này nhưng mẹ vẫn vờ như chưa nghe thấy. Vẫn hỏi khi có dịp và khuyên bảo khi có cơ hội. Người lớn nhiều khi có những suy nghĩ áp đặt nặng đến mức choáng váng.
Tôi rời nhà bố mẹ khi trời vừa sập tối. Không biết tối nay Nguyên ăn gì. Một mình ở nhà có chịu nấu cơm không. Rẽ qua cửa hàng Hải Hà mua vài cái bánh ngọt về tráng miệng. Chọn hai bánh hoa quả hình thuyền rồi về nhà. Lòng không khỏi lo Nguyên lại đem thêm một rắc rối nào đó khiến tôi phải khóc thét khi mở cửa.
Rẽ vào con đường nhỏ cách nhà một đoạn, tôi nhìn thấy một dáng người quen quen, không biết đang làm gì, cứ lúi húi ở cột điện bên đường. Lại gần mới nhìn rõ. Là Nguyên mà. Không sai chút nào. Nguyên đang quỳ bên cạnh cột điện, chúi đầu vào chân cột mà chọc chọc gì đó.
- Cái gì đó Nguyên?
Nguyên giật mình ngước lên. Dưới ánh đèn đường, mặt nhỏ thêm đỏ, mồ hôi thì mướt trán. Nhìn thấy tôi như nhìn thấy cứu tinh, nhỏ đứng lên cầu cứu.
- Anh Nhật có gì mèo ăn được ở đó không?
- Hử? Có bánh ngọt thôi. Đây. Làm gì thế?
- Em đi mua giấy vệ sinh, có con mèo lạc chạy loăng quăng ngoài đường, bị người ta cầm gậy xua đánh. Nó sợ quá chạy ra đây rồi chui vào hốc cột điện. Gọi meo meo thế nào cũng không ra.
Tôi bẻ cho Nguyên một mẩu bánh ngọt. Nguyên vừa meo nhẹ vừa vứt vào cho con mèo trong hốc ăn. Tôi mở cốp xe lấy bộ tô vít có đèn pin rồi soi vào trong xem. Đúng là trong hốc đó có một con mèo lông vằn. Nhỏ tẹo mà dữ. Nguyên cứ thó tay vào là nó đưa tay cào phập phập. Hồi lâu Nguyên đứng dậy thở lấy hơi. Mồ hôi chảy ướt một vạt tóc bên má phải. Tôi lục túi đưa cho Nguyên một cái giây thun tôi hay đùng buộc tập bản thảo.
- Buộc tóc lên đi.
- Cảm ơn anh. Không biết làm sao nữa. Vì bị đuổi bằng cây từ trong công trường nên sợ, đâm ra đề phòng luôn. Nằm ở trong hốc dứt khoát ko ra. Dụ cỡ nào cũng không. Còn khè khè, xù lông rất dữ dằn nữa. Thò tay vô, phập luôn. Bằng mọi giá cố thủ.
Nói xong Nguyên lại cúi xuống dụ con mèo. Chạy qua chạy lại, ngồi nói chuyện với nó, dụ nó bằng mỹ nhân kế, thức ăn kế, bạn bè kế, gần 30 phút, vẫn ko xi nhê. Cũng tội Nguyên. Phía bên kia là bãi rác, bên này là cái đống khai rình do thằng mắc dịch nào đái bậy. Thế mà Nguyên vẫn phải chịu, quỳ rạp xuống dỗ dành con mèo. Tay Nguyên xước dài mấy vết do túm mèo rồi bị cào.
Tôi bảo Nguyên đợi một lúc, chạy ra quán tạp hóa gần đó, mua một đôi găng tay khá dày. Chạy lại cột điện bảo Nguyên đứng dẹp sang bên, tôi đeo găng tay vào rồi thò tay tóm gọn con mèo nhỏ trong hốc cột điện. Lôi được con mèo ra. Nguyên vồ lấy ngay, mặc kệ bị cắn bị cào. Vừa vuốt vuốt đầu nó Nguyên vừa dọa: “Mày làm chị mệt quá. Về nhà chết với chị!”. Sau đó Nguyên chạy về luôn. Quên luôn tôi đứng đó như trời trồng với cái tô vít và đôi găng tay thủng lỗ chỗ. Dù vui vẻ mừng rỡ đến mức nào, cũng không nên quên ân nhân cứu mạng con mèo cũng là tôi mới phải chứ.:( .
Chạy ra xe cất tôvit rồi phóng về nhà. Mua hai cái bánh ngọt thì dụ con mèo mất nửa cái rồi. Về nhà tôi với Nguyên chắc tranh nhau cái còn lại quá. Vừa đi vừa nghĩ xem có nên tức giận không. Con mèo con lông vằn chắc chắn Nguyên lại đem về nhà mà không xin phép trước. Lúc nãy gặp tôi ở đó cũng không hề ngỏ lời. Vốn tôi không phải người khó tính, nhưng trong cuộc sống, và nhất là trong phạm vi gia đình – cho dù tôi và Nguyên không có mức quan hệ thân thiết như thế – nhưng sống trong một nhà, ít ra cũng nên biết trên dưới, phép tắc đúng sai để hành xử khuôn phép. Hành động tự tiện của Nguyên có lẽ tôi phải chấm dứt ngay từ bây giờ thôi, để tránh những rắc rối xảy ra sau này với cuộc sống của mình.
Chap 4:
Trời lại bắt đầu mưa nhỏ. Tôi cảm tưởng những cơn mưa lạ đầu tiên của tháng Chín như báo hiệu trước cho tôi một điều gì đó. Tôi chưa bao giờ biết quan tâm đến gì khác ngoài công việc, vậy mà gần đây đầu óc tôi lẫn lộn nhiều mảng màu, khi xám xịt khi tươi mát. Về Nguyên chăng? Tôi cũng không biết nữa. Như đang đi lạc trên một con đường trắng xóa cát hai bên là cánh đồng hoa lưu ly. Những cánh hoa mỏng tang, nhỏ xíu, màu xanh lam. Chẳng nhìn thấy điểm dừng đâu cả, nhưng vẫn cứ đi. Đơn giản vì vẻ đẹp dịu dàng của hoa lưu ly và cái ấm áp của nắng đã khiến người ta chẳng còn lo lắng và sợ hãi gì nữa.
Phi xe về đến sân tập thể, tôi thấy Nguyên đứng đó cùng chú chó Nô Đen. Nguyên cúi xuống làm cử chỉ gì đó với Nô Đen còn Nô Đen thì cứ sủa váng lên – giống như đang nói chuyện vậy. Nguyên và Nô Đen làm ầm ỹ cả một góc sân. Tôi đến gần. Đoán là Nguyên vẫn chưa lên nhà vì tôi thấy tay Nguyên vẫn ôm con mèo nhỏ vừa cứu được trong hốc cột điện. Nó lúc này đã bình tĩnh hơn, nằm gọn trong tay Nguyên, mắt trố ra nhìn con Nô Đen đang đứng sủa. Định nói gì đó với Nguyên thì nhỏ đã quay sang chỗ tôi. Nhỏ đưa cho tôi con mèo con và năn nỉ:
- Anh Nhật đem nó lên nhà cẩn thận giúp em. Em phải chạy qua đây một chút!
Chẳng hiểu có chuyện gì nữa. Nguyên dúi con mèo vào tay tôi rồi chạy đi luôn luôn. Khổ cho tôi. Con mèo dường như không thích tôi lắm, giơ tay cào cho tôi mấy nhát đau tê tái. Giận quá nên tôi bỏ nó vào cốp xe rồi đóng nắp lại. Mặc kệ nó trong đó, tôi nổ máy chạy theo Nguyên chậm chậm. Nguyên chạy nhanh lắm. Con Nô Đen chạy trước, Nguyên chạy bám ngay phía sau. Cả hai đều có vẻ vội vã. Mà tôi đang làm gì thế? Sao không đi về nhà nằm ngủ đi? Chạy theo Nguyên làm gì? Tôi bị dở à? >_<
Chạy khoảng 1km, Nguyên đi chậm lại. Tôi ngó quanh. Phía bên kia đường là công trường đang thi công. Bên này là nhà dân. Dãy nhà cấp 4 lụp xụp. Dường như công nhân dựng tạm để ở. Nguyên rẽ cỏ đi bước vào phía trong chút xíu. Tôi dừng xe đi theo. Lúc Nguyên cúi xuống trước một bức tường lưới B40 thì cũng là lúc tôi nhìn thấy những gì bên trong đã quen thuộc đối với tôi. 5 em kiki bị xích quanh năm suốt tháng ngoài trời. Ngày nào đi làm qua tôi cũng trông thấy. Trời nắng thì ko sao, trời mưa thì đứa nào cũng ướt như chuột, nằm co ro trong cái xe ngổn ngang đồ đạc. Thỉnh thoảng có đồ thừa tôi cũng chỉ chạy qua thưởng cho chúng nó được vài ba bữa. Tôi biết một bạn tên Fang cho mấy bé ăn gần ba năm nay, mỗi ngày chỉ có thể ăn được một khúc bánh mì. Đứng từ ngoài thò tay qua lưới B40 ném vô, có khi ném trật nó chỉ đứng nhìn khều khều mà ko ăn được. Hôm nay chẳng hiểu sao xuất hiện một cái hố nhỏ, tối quá ko thấy đường nên bánh mì vứt vào ném lọt vô cái hố, nó cứ cúi xuống cố lấy khúc bánh mì mà bất lực. Có một con đuối sức đến nỗi tối hôm trước còn cho nó ăn, hôm nay đã thấy nó nằm đó chết. Không biết cách nào giải thoát cho chúng.
Nô Đen đứng cùng Nguyên ngoài tấm lưới, kêu ư ử nhìn vào bên trong. Tôi thấy loài vật có mối liên hệ tình cảm nào đó mà con người không thể hiểu. Nô Đen có đôi mắt ướt và buồn buồn, giờ lại thêm tiếng kêu rên của nó khi thấy bạn mình đã chết. Nghe là xót lòng. Nhìn Nguyên là tôi biết nhỏ muốn xé toạc tấm lưới mà lao vào bế 4 con chó còn sống về nhà. Nhưng làm sao được. Người quanh đây dữ lắm. Không cẩn thận người ta tưởng mình trộm chó, ra gô cổ mình rồi đánh chết. Tôi cầm chiếc bánh ngọt còn lại tới gần, bảo Nguyên:
- Dẹp ra đi. Tôi ném cho chúng nó ăn tạm.
Nguyên ngoan ngoãn đứng dậy cho tôi lấy chỗ. Chỉ một cái bánh ngọt nhỏ chẳng vừa bụng mấy con chó đang trong cơn đói khát đến tuyệt vọng. Nhưng ít ra cũng an ủi chúng nó rằng trên đời này vẫn có người yêu thương chúng nó tới mức sẵn sang làm bất cứ thứ gì để chúng có được bữa cơm hằng ngày.
- Thôi về đi. Mai qua cho chúng nó ăn tiếp!
Nguyên nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lắm. Lấp lánh ánh đèn in trong đáy mắt. Tôi bị lạc trong đôi mắt ấy hồi lâu. Cũng chẳng muốn nói gì nhiều nữa, tôi dắt Nguyên đi về. Con Nô Đen nhìn vào trong vườn lần nữa rồi theo hai đứa tôi ra đường lớn. Trời vẫn mưa. Nhỏ nhưng cũng đủ ướt vai áo.
Ra xe Nguyên mới sực nhớ điều gì đó. Nhỏ hỏi tôi:
- Anh để con mèo đâu rồi?
- À, suýt quên. Nhốt trong cốp xe!
- Cái gì? Anh bị điên à? Mở ra cho tôi ngay. Anh có biết mèo con sợ nhất là bị nhốt trong hộp tối không hả?
Nguyên gần như hét lên, làm mấy người đi đường nhìn qua chỗ tôi tò mò. Thì mở ra thôi. Làm gì mà tự nhiên khùng lên. Nó là mèo chứ là gì. Ngày xưa bé mỗi khi mắc lỗi tôi vẫn bị bố mẹ nhốt trong phòng tối suốt. Có sao đâu?
- Nhanh lên! Khéo nó tắc thở chết vì anh rồi đó
- Cô từ từ xem nào. Đừng có hét lên nữa
- Anh nhanh lên đi. Đừng lằng nhằng.
Lấy chìa khóa mở cốp xe ra. Chưa kịp định thần thì con mèo nhỏ trong bóng tối lao vút ra. Vượt qua mặt tôi mà chạy. Nhanh như cắt. Vậy là sổng mất nó. Nguyên nhìn theo như mất hồn. Rồi quay sang nhìn tôi thất thần. Mắt nhỏ long lên như muốn lao vào xé xác tôi vậy. Sợ thật. Sổng thì đi bắt lại. Gì mà nhìn tôi căm tức như nhìn quân giặc ấy.
- Anh thấy chưa? Tôi bắt nó cả buổi chiều nay mới được đó
- Không có tôi thì nó vẫn ở trong hốc cột điện đằng kia kìa
- Anh đừng cãi nữa. Anh đem về hốc cột điện đi rồi tôi tự bắt lại. Đừng có kể công.
- Tôi kể gì đâu. Nhưng cũng vì theo cô mà phải nhốt nó trong cốp xe.
- Tôi đâu thuê anh chạy theo tôi làm gì? Sao không đem nó lên nhà tôi anh cũng ở quách nhà đi. Anh xem xem anh có làm gì có ích được cho tôi không?
- Cô…
Bực lắm! Nhưng nhìn Nguyên vừa nói vừa khóc tôi lại cố kìm lại. Khóa cổ xe rồi chạy theo hướng con mèo lông vằn vừa phi ra. Thực tình, sao nó không nhận ra nơi nào an toàn nơi nào nguy hiểm à. Nguyên vừa kêu meo meo vừa vén cỏ tìm. Con Nô Đen ngửi theo hơi rồi chạy loăng quăng. Tôi chú ý theo nó. Về việc tìm kiếm thì nên tin tưởng vào Nô Đen hơn.
Mưa ngày một nặng hạt. Bãi cỏ đã ướt sũng nước mưa. Lúc sau Nô Đen sủa váng lên ở một góc. Tôi với Nguyên chạy vội ra xem. . Dùng đèn pin rọi hết mà vẫn không thấy mèo đâu. Thò tay tạt mấy bụi cỏ vươn cao ra, lúc này thật sự là tôi có chút sợ hãi, vì cỏ um tùm, tối thui, sợ có rắn. Nhưng nhìn ánh mắt hi vọng của Nguyên, tôi lại gạt đi mà tìm kiếm tiếp. Một hồi mới thấy rõ một cái hố sâu chừng 1m đến 1m5, miệng hẹp, hố do người ta đào để đóng cọc, bên dưới là nước và rác. Không biết em mèo chạy kiểu gì mà rớt xuống đây hả trời.
Tôi và Nguyên xem xét và chia nhau ra giải cứu bé. Vì hố nằm bên trong rào chắn B40, nên một mình tôi không thể làm được gì vì không có sức vừa đẩy và giữ lưới quá lâu. Nguyên thì phải đứng giữ xe máy nổ cho có thêm đèn sáng. May sao lúc đó có một anh đi bộ đi ngang, nhìn nhìn, hỏi hỏi, Nguyên nhờ luôn. Anh dùng sức đẩy và giữ lưới, tôi dùng tay bạt cỏ ra và rọi đèn pin xuống hố. Nước đen thui. Một cảnh tượng hãi hùng. Bé mèo chỉ còn ló được cái miệng và hai con mắt lên khỏi mặt nước, chân bám vào một cái hộp xốp. Lâu lâu em bị chìm, rồi lại vùng vẫy ngoi lên thở, rồi lại chìm… Không có cách gì có thể với tới bé được. Sâu quá. Anh thanh niên sau khi quan sát, nhìn Nguyên lắc đầu: “Không cứu được đâu, sâu lắm”. Nguyên mặc kệ xe, chạy lại nhìn, dứt khoát: “Em đã nói là được mà!”. Tuy nói vậy, nhưng lúc đó Nguyên cũng gần như bất lực rồi. Và Nguyên gần như…sắp khóc òa lên.:( Tôi cũng thế. Vì cái gì không biết nữa. Nhưng lúc này trái tim tôi đang dội từng hồi thổn thức. Muốn cầm búa đập chát chát vào ngực cho nó dừng lại mà không thể được. Không hiểu tại sao. Tôi đứng lên bảo Nguyên. Chắc chắn!
- Cứu được! Em bảo anh ấy ra giữ xe đi. Anh và em lôi nó lên!
- Dạ!
Nguyên dạ một cách thật lòng. Còn tôi thì vẫn khổ sở với nhịp tim của mình. Một nửa lo cho bé mèo. Một nửa lo cho Nguyên. Sợ bé mèo làm sao, chắc Nguyên cũng không sống nổi. Nhìn bé lóp ngóp, cứ sợ bé sẽ tụt chân và chìm. Lại may, có thằng bé nhà gần đó tò mò chạy ra. Nguyên bắt lấy thêm cơ hội, nhờ em vô nhà tìm cho cái cây nào dài dài. Chẳng hiểu nhà thằng nhóc làm gì mà lại có sẵn luôn cái cây dài chừng 1m5, thon gọn, ở một đầu còn có một cái móc sẵn nữa. Nguyên vén cỏ cho tôi đưa cây xuống, định rằng bé sẽ bấu vào đó và tụi mình kéo lên. Nhưng do bé lạnh, lại quýnh quáng được cứu, nên cứ bấu vô là trượt rồi rớt tủm xuống.
Tôi đành đứng lên vơ bịch ni lông vứt gần đó, cột vô một đầu, rồi thả xuống lại. Lần này bé mèo lông vằn bấu vô bịch ni lông có vẻ dễ hơn. Chắc biết sắp được thoát khỏi cái hố hay sao đó, càng lúc càng kêu to và gấp, làm tôi cũng mém chút là mất bình tĩnh theo. Cứ kéo lên đến 2/3 miệng hố, bé lại loay hoay rồi rớt xuống, khiến tôi và Nguyên 2 lần cảm thấy đau thắt tim, hơi mất bình tĩnh, hơi mếu máo, vì sợ cứ như vậy hoài thì bé sẽ đuối sức và không còn giữ được cái hộp xốp và bị chìm.
Chưa kể, thằng nhóc đứng cầm đèn pin giúp, cứ thấy kéo bé mèo gần lên, em lại chĩa đèn pin sang hướng khác để… vỗ tay nhảy tưng tưng. Mấy lần liên tục như vậy. Nguyên phải nhắc là em cầm nguyên cây đèn pin dùm chị cho đến khi nó lên tới nơi nha, thằng nhóc mới dạ dạ. Lần cuối cùng, tôi đạp và giữ lưới, cậu bé phụ giữ lưới và rọi đèn pin, Nguyên từ từ kéo bé lên vừa nói vọng xuống là bé bình tĩnh, đừng quẫy – mà không biết bé mèo có hiểu được không.
Thành công! Hai mắt bé dính đầy bùn, mở không ra. Người run bần bật, nhỏ thó như một em chuột. Nguyên dùng khăn quấn bé lại, ôm chặt trong lòng. Giờ thì nó đã chịu ngoan ngoãn nằm trong tay Nguyên sau những gì sợ hãi và khủng khiếp vừa qua.
Tôi cảm ơn anh bộ đội và em trai soi đèn pin giúp rồi đèo Nguyên cùng Nô Đen và bé mèo về nhà. Nguyên có bé mèo trong tay, lại quên hết bực tức mà ngoan ngoãn để tôi cầm tay dắt ra xe. Tôi biết nhỏ lúc này chỉ chú ý đến bé mèo mà chẳng nhìn đường đâu, nên dắt đi không nhỏ lao đầu vào đâu hay rơi xuống hố nốt thì khổ. Trời hơi lạnh, lại thêm ngấm mưa, tay tôi run lên, nhưng trong lòng thì vui như đang hát. Về đến chung cư, Nguyên chạy vội lên nhà, vừa mở cửa đã lao vô bật nóng lạnh tắm cho bé mèo. Còn tôi, mặc kệ quần áo ướt lướt thướt vì mưa. Lết vào sopha nằm vật ra đó. Có lẽ ngủ đi một lát. Trong đầu tôi, những dòng suy nghĩ cứ chạy ngang chạy dọc.
Nếu bạn cùng Nguyên chứng kiến cảnh bé hấp tấp bấu víu vào bịch ni lông để được kéo lên và vẻ mặt ngơ ngác khi bị rớt xuống lại giữa chừng, bạn sẽ hiểu rất rõ, các bé cũng cần và khao khát được sống như thế nào. Còn tôi, ngoài những thứ đó, tôi đã kịp nhận ra một sự khác lạ trong trái tim mình. Đó là những nhịp đập dữ dội khi nhìn thấy Nguyên khóc, khi nhìn thấy Nguyên dùng hết thảy yêu thương để cứu lấy những sinh linh bé nhỏ… Những nhịp đập mạnh đến mức tim tôi muốn nổ tung thành ngàn mảnh, muốn đưa tay lau những giọt nước mắt trong veo khi cô gái ấy nghẹn ứ trong bất lực, hay nắm chặt tay cô ấy dưới trời mưa ướt cho ấm áp và bình tâm hơn. Tất nhiên, tôi không dám! Tôi chưa đủ mạnh mẽ và dũng cảm để làm điều ấy.
***
Thức dậy sau một đêm đi lạc trong những giấc mơ không đầu không cuối, tôi cố nghiêng người về phía cửa sổ nhìn ánh nắng để đoán biết giờ giấc. Bên ngoài hình như vẫn mưa. Không có một chút nắng nào tràn vào phòng. Rèm cửa sổ được kéo kín hơn bình thường. Hình như đã có bàn tay nào đó khác tôi thay đổi những thói quen sắp đặt đồ đạc trong phòng.
- Anh dậy rồi à?
Tôi giật mình ngó nghiêng xung quanh. Nguyên ngồi cạnh giường tôi từ bao giờ. Mắt nhìn tôi chờ đợi câu trả lời.
- Cô đang làm gì trong phòng tôi thế?
- Em… Em… ngồi!
Tôi ngồi bật dậy. Phía sau đầu đau buốt như bị ai đánh. Mắt hoa lên và quay cuồng.
- Anh nằm xuống nghỉ đi, em gọi điện xin phép công ty cho anh...