lên nhìn Nghiêm và hỏi:
− Ủa, đi đâu giờ này mới về vậy? Mấy giờ rồi?
Nghiêm choàng cánh tay ôm lấy Huệ và đáp:
− Anh đi nhậu với mấy thằng bạn, tụi nó không cho anh về.
Huệ nhắc lại câu hỏi:
− Mấy giờ rồi?
Nghiêm vừa ngáp vừa nói:
− Chừng 3 giờ sáng, ngủ đi em.
Huệ nhắm mắt toan ngủ tiếp, nhưng sực nghĩ ra 1 điều lạ, cô mở mắt, xoay hẳn về phía Nghiêm và hỏi:
− Ủa, anh nói anh đi nhậu mà sao không
thấy mùi rượu gì hết vậy?
Nghiêm ú ớ đáp:
−…Thì hôm nay tại anh nhức đầu, uống có chút đỉnh à.
Huệ cằn nhằn:
− Uống có chút đỉnh mà lâu dữ, anh đó nha, không lo làm ăn gì hết trơn á. Tối ngày lo nhậu nhậu nhậu không à. Em hết tiền xài rồi đó, không còn đồng bạc nào hết. Từ ngày anh dọn vô ở với em nè, ba má em từ cái mặt em rồi, đâu có dám về nhà xin tiền nữa đâu. Nè, cái sợi dây má cho cũng bán luôn rồi, bây giờ anh tính làm sao anh tính đi.
Nghiêm gật gù nói bằng giọng tự tin:
− Em yên chí đi, mình sắp giàu to rồi. Tháng tới anh đi làm, bảo đảm với em tiền vô như nước, xài hoài, xài thả cửa.
Huệ ngờ vực hỏi lại:
− Trời đất, làm gì mà giàu, ăn trộm chắc? Thời buổi này làm ăn khó thấy mồ. Nè, anh à hay là…mình qua Miên đi. ở bển anh quen nhiều lắm phải hôn?
Vừa nói, Huệ vừa lòm khòm đi xuống nhà đi tiểu. Nghiêm mệt mỏi, nằm xích vô, nhắm cặp mắt cay xè, cố ngủ một giấc.
Bổng gả giật mình ngồi bật dậy vì tiếng hét quá lớn của Huệ dưới bếp. Hóa ra Nghiêm đã sơ ý quên nói cho Huệ biết là có Đào nằm ngủ dưới cái giường tre để đồ gia dụng, cho nên khi Huệ vừa bật đèn, nhìn thấy một người đàn ông nằm co quắp dưới bếp, cô kinh hoàng thét lên rồi bỏ chạy lên nhà. Nghiêm đỡ vai vợ và bảo:
− Em, thằng Đào nó đi nhậu với anh, nó say quá cho nên anh đưa nó về đây ngủ đỡ.
Huệ đưa tay lên ngực thở hồng hộc và trách:
− Trời ơi…vậy mà không nói trước gì hết, làm em hết hồn vậy đó. Tưởng là gặp ma chứ!
Đào nghe tiếng la cũng giật mình ngóc đầu dậy, nhe răng cười với Huệ rồi lại nằm xuống ngủ tiếp. Huệ đi tiểu xong trở lên chui vào mùng nằm bên Nghiêm. Cả hai không nói gì nữa vì cùng mệt mỏi giữa đêm về sáng, chỉ trong khoảnh khắc đã thiếp đi trong giấc ngủ êm đềm.
Chiều hôm sau Nghiêm một mình mò ra nghĩa địa nhìn ngôi mộ bà Năm Tước, Nghiêm đứng xa xa khuất sau cái mộ xây khá lớn chăm chú quan sát. Gã thấy hai người con trai của bà Tước đang xúc đất đấp lại. Cũng may là họ tin rằng đâm qua trời mưa lớn làm đất trôi đi, chứ không hề mảy may hình dung ra chuyện đào mả, chặt tay của Nghiêm và Đào và vì vậy họ không khai báo với công an mà chỉ hùn nhau mua xi măng, gạch cát khuân ra xây cho bà Tước ngôi mộ khá tươm tất có gắn bức hình trắng đen của bà trên mộ bia.
Thời gian trôi rất chậm, Nghiêm và Đào đếm từng ngày để bắt tay hành nghề ăn trộm. Tiền bạc càng ngày càng cạn, không còn chổ nào có thể vay mượn được nên hai gã càng nóng lòng trông vào sự linh nghiệm của bàn tay sét đánh. Chiếc honda của Nghiêm đã bán từ năm ngoái, chiếc cúp của Đào cũng bay từ ngày gã còn ở tù. Gia đình cần tiền cần tiền tiếp tế, tình hình tài chánh coi như kiệt quệ nếu như không có niềm hy vọng vào bàn tay bà Năm Tước.
Nhiều hôm lang thang ngoài thị xã, Đào đã toan yếu lòng ăn cắp một chiếc xe gắn máy để bán đi tiêu tạm. Mở khóa xe đối với gã quá dễ, huống chi gã có sẳn một đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp. Nhưng gã nhớ lại những ngày tù vừa qua rồi lại thêm lời căn dặn của Nghiêm là phải rán nhịn thêm một ít lâu nữa, Đào đành thắt lưng buộc bụng chờ ngày chính thức ra quân cùng Nghiêm mang theo bàn tay sét đánh. Đào tin rằng cái bửu bối hiếm hoi ấy sẽ đem lại sự phồn vinh cho hai gã đúng như lời Thầy Thạch Sen đã tỉ mỉ truyền dạy cho Nghiêm.
Bảy tuần lễ, mỗi tuần một lần, Nghiêm lấy cái bàn tay sét đánh đen đủi của bà Năm ra yểm bùa vào giờ Tý, thắp nhang khấn vái rồi lại dấu trong cái hộp sắt, dấu ở một chổ kín đáo dưới bếp. Huệ thì hoàn toàn không biết những việc Nghiêm làm, không biết chồng mình là một kẻ vừa mê tín, vừa ác độc, dám chặt tay người chết mang về để trong nhà Huệ.
Đến ngày thứ 49, ngày trọng đại cuối cùng. Đào đạp xe qua nhà Nghiêm theo lời dặn trước của đàn anh. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối, Nghiêm kiếm cớ đuổi vợ đi để hai đứa bày bàn thờ thắp nhang cúng tổ, đặt bàn tay sé đánh đã phơi khô đét lên khấn vái.
Trời cuối năm trời không trăng sao, gió hiu hiu lạnh từ con kinh thổi vào. Hai đứa đang lâm râm cầu khẩn thì ba cây nhang trên bàn thờ bổng cháy vụt lên như một bó đuốc, rồi tron glàn khói tỏa mù nghịt bốc lên, Đào thấy khuôn mặt bà Năm Tước mờ mờ hiện ra, Đào kinh hãi dụi mắt nhìn lại thì bà đã biến mất và ngọn lửa mới lúc nãy bùng lên cũng tắt luôn, chỉ còn lại ba que nhang tỏa khói nhoè nhoẹt. Đào hoảng hốt quay sang hỏi đàn anh:
− Anh Hai, sao kỳ vậy anh, sao tự nhiên lửa cháy lớn quá vậy?
Nghiêm trấn an:
− Trời đất ơi, như vậy coi như là Tổ đã chứng nhận lời cầu xin của mình rồi, điềm tốt chứ có gì đâu mà sợ.
Đào tin vào kinh nghiệm buà ngãi của đàn anh nên cũng yên lặng. Rồi hai đứa ngồi dưới bếp ngã nghiêng, hạ con gà xuống làm mồi, uống cạn một chai rượu trắng trước khi chia tay hẹn tối mai xuất hành chuyến thứ nhất đến nhà Nguyễn Văn Sanh, cán bộ hồi hưu giàu có tiếng trong huyện. Nghiêm dặn đàn em:
− Ê, nè tối mai nha, mày ở nhà chờ tao. Đừng có nhậu nghen mậy, xỉn là hư hết chuyện đó. Khoảng chừng 11 giờ tao qua là đi liền đó nha. Ê…ê..Nhớ mang cái túi mà bửa trước mày cầm ra nghĩa địa đó với cây đèn pin nghe hôn?
Đào gật đầu rồi thơi thới đạp xe ra về.
Tối hôm sau nhằm ngày thứ bảy, để đở sốt ruột chờ trời tối. Đào thả bộ ra quán hủ tiếu ở chợ huyện, đây là một tiệm ăn thuộc loại sạch sẽ nhất tong chợ huyện mà Đào là khách thường trực. Đã cả mấy tháng nay Đào không ghé vì gã còn nợ chủ nhân khá nhiều tiền. Hôm nay gã thấy lòng tự tin hẳn lên, bởi chỉ sau chuyến hàng đêm nay, sáng mai gã có thể ôm mớ tiền ra trả cho quán để lấy lại sự kính nể của chủ tiệm và mấy cô chạy bàn.
Nhìn thấy Đào bước vào, chủ quán đứng sau quầy thất vọng lắm vì chẳng biết bửa nay gã có trả đợc chút nào hay không. Nhưng vốn biết Đào là tay du đãng từng vào tù ra khám cho nên họ ngại không dám đuổi. Đào nghênh ngang kêu một tô hủ tiếu Nam Vang đặc biệt nhiều đồ biển và ly cà phê sữa đá cho nhiều sữa.
Chủ quán nhìn gã bằng bộ mặt lạnh như tiền để tỏ thái độ, nhưng Đào lờ đi. Giờ ăn tối đông khách, cả tiệm giờ chỉ còn một bàn trống, Đào ngồi sâu sát vách tường phía trong, dưới những ngọn đèn vàng úa có những con muỗi bay lượn xung quanh, lâu lâu rớt xuống sàn.
Đào phì phèo điếu thuốc, đăm chiêu nhìn ra cửa nghĩ đến chuyến ra quân trọng đại đêm nay, Lão Sanh có đến mấy trăm lượng vàng cất trong cái rương gỗ trên lầu, người ta đồn nhau như vậy, đêm nay Đào và Nghiêm sẽ ra tay khuân hết.
Ngoài cửa dăm ba người ăn mày ngồi tú tụm trước hiên chìa tay xin mỗi lần khách bước vào. Họ ngồi đó thì được, nhưng hễ xông vô tiệm thì chủ nhân đuổi ra ngay để khách ăn uống thoải mái. Cô hầu bàn mang hủ tiếu và cà phê ra đặt trước mặt Đào, Đào ngậm lệch điếu thuốc một bên mép, lấy thià khuấy mạnh ly cà phê rồi nhấp một ngụp nhỏ. Gã hài lòng thở phào khoan khoái rồi cầm muỗng đũa bắt đầu thưởng thức tô hủ tiếu. Đào ăn được chừng nữa tô, ngồm ngoàm nhai một cách sung sướng thì một bà ăn mày từ ngoài cửa lừ đừ tiến vào, đứng ngay trước mặt Đào nỉ non xin tiền:
− Xin cậu Ba làm phước bố thí, tôi già nua tật nguyền còn có một tay.
Người đàn bà gầy gò, khẳng khiu, áo quần dính bết bùn đất, chià cả hai bàn tay xương xẩu ra trước mặt Đào, bàn tay trái còn nguyên, bàn tay phải thì cụt, mất hẳn từ cổ tay mà vết thương hình như chưa lành. Đào bực bội nhìn lại quầy, toan bảo chủ tiệm lại đuổi vì tiệm này vốn nổi tiếng là không để ăn mày quấy rầy thực khách, nhưng chủ tiệm vừa vào bếp. Người đàn bà tiếp tục ỉ ôi nhắc lại:
− Tôi già nua tật nguyền, còn có một tay ; cậu Ba làm phước bố thí.
Đào ngẩng lên nhìn, rồi chỉ trong nháy mắt đã khựng lại, mồm há ra, mắt lạc thần, buông rơi đôi đũa xuống đất và gập người ói mửa luôn ra bàn. Bánh phở cùng với thịt heo thoăn thoắt tuôn ra, văng vải cả vào tô hủ tiếu lẫn ly cà phê sửa đá trước mặt bởi vì người ăn mày đang đứng trước mặt Đào chính là bà Năm Tước mà 49 ngày trước Đào đã cạy nắp quan tài chặt đứt bàn tay phải.
Dưới ánh đèn nhợt nhạt từ góc trần chiếu xiên xuống, khuôn mặt bà xanh xao và lạnh lẽo đến rợn người, khuôn mặt ấy chẳng khác gì 49 ngày trước Đào đã nhìn thấy trong ánh chớp chói loangoài nghĩa địa khi Đào quật mồ chặt đứt bàn tay phải của bà.
Đào tiếp tục ói mửa làm chủ quán cũng như mọi thức khách đều quay nhìn và nhăn mặt khó chịu, người đàn bà hành khất vừa quay lưng thừng thửng bước ra ngoài một cách chậm chạp.
Chủ quán chạy lại hỏi thăm Đào vì tưởng Đào trúng gió, nhưng Đào vẫn tiếp tục ói mửa rồi đứng dậy lom khom lê bước ra đường thất thểu về, quên cả chiếc xe đạp dựng trước cửa tiệm. Chủ quán trong tiệm bước ra tận lề đường đứng trông theo, ngơ ngác không hiểu vì sao bửa nay Đào lại hiền lành như vậy, bình thường gã hay nạt nộ mấy cô chạy bàn ra oai mà cô nào cũng phải vuốt ve gã bởi biết gã là tên du đảng có máu liều lĩnh. Dù sau đi nữa thì chủ quán cũng tha, không ghi sổ tính tiền nợ của Đào bửa nay.
Đào đi nhanh lại nhà Nghiêm, mặt tái xanh không còn hột máu, mồm nói lảm nhảm như bị ma nhập. Gã nhớ lại tối hôm qua khi gã và Nghiêm đặt bàn tay sét đánh lên bàn thờ đốt nhang cúng vái 49 ngày thì 3 cây nhang đã bất thần vụt lửa cháy lơn và khuôn mặt bà Năm đã hiện ra mờ mờ trong làn khói dày đặc. Đào hoang mang nghi ngại ngay từ phút ấy, nhưng Nghiêm lại bảo rằng đó là dấu hiệu bàn tay đã được nhập buà và Tổ đã nhận lời xin của Nghiêm, Đào tin đàn anh của mình nói thật. Nhưng hóa ra hôm nay mới biết là vong hồn bà Năm hiện ra trong làn khói xanh để cảnh cáo Đào. Với bất cứ giá nào, Đào phải ngăn cản Nghiêm chấm dứt trò chơi này, nếu Nghiêm không nghe thì Đào phải tự rút lui để tránh những hậu quả hải hùng chắc chắn sẽ xảy đến.
Tới nhà Nghiêm, Đào sồng sộc từ ngoài cửa đi thẳng vào sân sau, không chào hỏi gì cả. Vợ chồng Nghiêm đang ăn cơm dưới bếp trố mắt nhìn Đào bất ngờ xuất hiện, Đào mếu máo bảo đàn anh:
− Anh Hai ơi anh Hai, em mới vừa gặp..bả
Nghiêm ngơ ngác hỏi lại:
− Gì? Bà nào? Mày gặp ai?
Đào nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn ra sau nhà rồi lại nhìn lên nhà trên lo âu nhấn mạnh:
− Trời, bà Năm chứ bà nào. Bả hiện về rồi anh ơi.
Huệ đặt bát cơm, ngạc nhiên nhìn Đào rồi chen vào:
− Bà Năm nào? Đi đâu mà hiện về?
Rồi sực nhớ ra, Huệ nói luôn:
− Ờ ợ…cái bà Năm Tước hả, phải không chú? Bà Năm Tước mới bị sét đánh phải không? Tự nhiên bả hiện về với chú hả? Trời đất, chú mắc mớ gì mà bả hiện về với chú chứ?
Nghiêm nhìn Đào gắt nhẹ:
− Thôi đi, nói bậy nói bạ không à
Đào run run kéo cánh tay Nghiêm và trì triết nói:
− Anh Hai ơi anh Hai, em thấy anh nên đem đi chôn đi anh Hai ơi, mang ra nghĩa địa chôn lại đi anh Hai, trả lại cho bả đi anh. Nó không xài được đâu anh. Em sợ lắm rổi anh Hai ơi.
Trước cặp mắt ngơ ngác của Huệ, Nghiêm vội đứng dậy lôi Đào lên nhà và mắng:
− Cái gì, cái gì vậy, bộ mày xỉn rồi hả? Nói gì đâu không à, có bà xã của tao, mày làm ơn đừng có nói bậy nói bạ nghe chưa?
Hai đứa ra hẳn ngoài sân trước, Nghiêm nổi nóng nhắc lại:
− Tao thấy bửa nay mày khùng rối đó Đào. Trước mặt vợ tao nói gì kỳ cục vậy? Nó nghi bây giờ đó.
Đào lắc đầu mếu máo nói:
− Anh Hai ơi, bàn tay của bả…. anh để đâu rồi anh Hai?… Anh Hai….đem chôn lại đi anh Hai…anh Hai ơi em xin anh mà…cái vụ này em sợ quá à, không được đâu anh Hai!
Nghiêm lại cắt ngang:
− Cái gì vậy? Mày nói cái gì vậy? Tao không hiểu.
Đào vừa thở vừa kể:
− Anh biết hôn, em đang ngồi ăn hủ tiếu ở ngoài chợ, tiệm Thanh Xuân anh biết mà. Mới tức thì hồi nãy đó, bà ấy bước vô đứng ngay trước mặt của em xin tiền, em tưởng là con mẹ ăn xin, em định đuổi bả đi nhưng mà em nhìn kỷ lại là bả anh ơi! Trời đất ơi em sợ quá, bả đưa luôn cho em coi cánh tay cụt của bả nữa anh Hai, em thấy sợ quá ói tùm lum tùm la ra ngoài bàn rồi em chạy gấp về đây cho anh biết nè. Anh Hai nghe em nói nè, em với anh đem bàn tay chôn lại cho bả đi anh, trả lại cho bả mà, em năn nỉ anh đó.
Nghiêm nói ngay:
− Mộ của bả người ta xây rồi, làm sao đào xuống được nữa?
Đào khổ sở nói tiếp:
− Thì mình chôn gần đó cũng được mà, miễn mình có lòng trả lại cho người ta là được rồi, nếu không thì bả vật chết mình đó.
Nghiêm vẫn giậm chân lắc đầu:
− Chậc! Tao nghe mày nói không lọt tay chút nào hết à! Mày nói mày đang ăn hủ tiếu, bả hiện về? Tiệm đó lúc nào cũng đông người, ma nào hiện về chỗ đông người? Thôi dẹp đi mày!
Đào tha thiết nhắc lại:
− Em nói thiệt mà anh, nếu anh hổng tin hả, anh làm mình anh đi chư em không làm đâu, em không dám xía vô đâu.
Dứt lời Đào bỏ đi quên cả chào từ giã, Nghiêm bực bội nhìn theo rồi quay vào với vợ.
Nghiêm không nhục chí vì biết chắc thế nào Đào cũng quay lại vì Đào bây giờ còn đói hơn Nghiêm không còn đồng bạc dính túi. Có điều là Nghiêm không thể đi hành nghề một mình được bởi Nghiêm không có tài mở khóa, nhưng Nghiêm có bàn tay sét đánh làm buà hộ mạng, hễ vào được nhà nào là kể như xong.
Đào từ giã đàn anh xong, bước thất thểu như người mất hồn, đi được một quảng sực nhớ là mình còn quên chiếc xe đạp ngoài tiệm hủ tiếu nhưng gã không dám trở lại vì sợ hồn ma bà Năm vẫn còn lảng vảng trước cửa nhập vô một người hành khất nào đó để chờ đợi. Gã về nhà, đi thẳng xuống bếp rồi quay lên. Cha mẹ hỏi cũng không trả lời, chỉ lảm nhảm nói một mình. Chuyện ăn trộm giờ này đối với Đào không còn vương vấn chút gì trong đầu nữa, thậm chí gã hoàn toàn bị ám ảnh bởi bà Năm với cái ngoại hình gầy gò và xanh mét như con ma đói từ thế giới bên kia hiện về đòi ăn.
Đào ngồi thừ trên bực thềm ngoài hiên, nhìn ra khoảng không gian đen thẩm trước mặt, dãy nhà hàng xóm bên kia đường khuất sau những vườn cây dầy đặc lập loè ánh lửa như nhưng bóng ma trơi cố tình trêu ghẹo Đào trong một đêm tối trời. Gã cứ ngồi như thế rất lâu cho đến khi bà mẹ ra tận nơi kéo tay gã bảo vào ngồi, gã mới uể oải đứng dậy để nguyên quần áo lên giường nằm.
Nhưng nằm nhắm mắt được một lúc, Đào bổng nghe trong tai vang lên những tiếng gõ thật rõ, cứ 4 tiếng 1 lần rồi lại ngừng, rồi lại vang lên, lần nào cũng 4 tiếng. Những tiếng gõ ấy lúc đầu còn nhỏ. Từ từ mỗi lúc một lớn hơn, mạnh hơn và gã giật mình choàng bật dậy vì gã chợt nhận ra đó là tiếng búa gã đã bổ 4 nhát xuống cổ tay bà Năm Tước ngoài nghĩa địa.
Mồ hôi vãi ra như tắm, Đào ngồi lên, lò mò bước xuống tìm nước uống vì cổ họng đang khát khô, gã thấy không khí trong nhà ngột ngạt làm gã sắp nghẹt thở, cần phải ra ngoài. Bà mẹ cài then cửa trước, Đào không muốn mẹ biết mình còn thức nên gã ra ngồi ngoài sân sau dưới ngọn đèn 40qu, nhìn xuống con kinh thủy lợi mênh mông trước mặt. Gã thở hổn hển, lấy thuốc ra hút.
Những chiếc ghe thưa thớt di chuyển về đêm của những gia đình chài lưới ngủ luôn trên sông nước hoặc thuyền bè chuyên chở hàng hóa lướt ngang qua nhà Đào với ánh đèn mờ ảo không soi rõ mặt người. Đào hút gần tàn điếu thuốc, toan quay vào nhà ngủ thì bổng thấy từ xa có chiếc thuyền nhỏ bổng lướt nhẹ tới rồi tấp vô bờ nhà Đào và giọng con gái cất lên gọi:
− Anh Ba cho em hỏi thăm chút xíu được hôn? Đường ra chợ huyện đi hướng nào vậy anh Ba? Em chở hàng trái cây ra ngoài chợ huyện bán mà đi hoài hổng thấy tới à!
Đào đang ngồi trên cái băng két bằng mấy thân cây trâm bầu bên khóm chuối, ngẩng lên ngạc nhiên đăm đăm nhìn, giọng nói lạ lắm, chắc không phải một người quen trong chòm xóm mà chỉ là một cô gái đi bán hàng bị lạc đường. Từ trong khoang thuyền, cô gái cầm cây đèn bảo khá lớn đi ra hẳn ngoài mũi thuyền đứng chờ Đào. Đào lấy làm lạ lắm, dân vùng bốn đi ghe mà lạc đường là một chuyện thật hiếm hoi. Gã đứng dậy tiến lại gần vì không muốn nói lớn, sợ trong nhà nghe thấy, miệng gã vẩn ngậm điếu thuốc và nheo mắt vì khói.
Cô gái đứng trên thuyền có cái dáng thanh thanh thật đẹp, nên tuy chưa nhìn rõ mặt mà Đào đã thấy lòng rộn rã, khi Đào tới sát mũi ghe, cô gái nhắc lại:
− Dạ em bị lạc đường từ trưa tới giờ đói quá à, trên ghe thì không có cái gì ăn hết trơn đó..ơ..anh Ba..anh Ba có mì gói hay là cái gì đó, cho em xin một gói được không anh Ba?
Đào hăm hở đáp:
− Có chứ, cô chờ một chút nha, tôi vô nhà lấy cho. À mà nè, cô ăn khoai mì không, má tôi mới nấu đó, nấu hồi chiều ngon lắm. Thôi cô lên đây cô ngồi chờ chút xíu nha, tôi vô tôi lấy cho.
Cô gái gật đầu đưa tay ra để lấy thăng bằng bước lên bờ vì chiếc thuyền con tròng trành làm cô sợ té xuống nước. Đào vội đưa tay ra cho cô gái nắm lấy. Lạ thay, khi tay Đào vừa chạm vào tay cô gái thì một làn gió cực mạnh thổi từ làn nước lên sà vào người Đào làm gã run lên bần bật, đồng thời ngọn đèn trên tay cô gái bổng sáng rực hẳn lên như đèn măng song, soi rõ toàn thân và khuôn mặt cô, Đào ngước lên nhìn và kêu thét một tiếng lớn rồi lảo đảo buông tay cô gái, lao đầu té xuống nước bởi vì gã vừa nhận ra người con gái tước mặt gã mà gã nắm tay không phải là một thiếu nữ với tiếng nói trong trẻo mà chính là bà Năm Tước vừa đưa cái cánh tay cụt ra cho gã nắm. Đào ú ớ vùng vẫy dưới nước, chiếc thuyền con lui dần ra xa, lướt nhẹ trên mặt kinh và mất hút.
Trong lúc đó ở nhà Nghiêm, Huệ vừa rửa chén, vừa tò mò cật vấn chồng, cô vốn không ưa Đào, nên dù Đào là bạn của chồng, cô vẫn gọi bằng thằng, cô hỏi:
− Hồi chiều thằng Đào nó nói với anh là đem ra nghĩa địa chôn, là chôn cái gì vậy? Bộ anh với nó mới đi giết người phải không?
Nghiêm cười lớn để vợ khỏi nghi, gã nói:
− Hà hà, em nói gì vậy? giết ai? Làm gì có chuyện đó!
Huệ đứng thẳng dậy lau tay vào chiếc áo cũ và nhắc lại:
− Vậy chứ em nghe nó nói là anh Hai ơi mang ra nghĩa địa chôn đi, chông cái gì? Nói thiệt đi nghe, anh với nó vừa mới giết người phải không?
Nghiêm vẫn cố giữ nụ cười rồi ấp úng bảo:
− Cái thằng cà chớn thiệt, say nói tầm bậy tầm bạ không à. Còn em nữa, tự nhiên nghe nó nói làm cái gì?...