nhỏm dậy, lấy ra hai chục vuông vải đen, ba chục vuông vải đỏ nói với Cầm Vĩnh An: “Tôi được hân hạnh biết quan tri châu. Hôm qua còn mệt dâng quà biếu bất tiện, hôm nay mới có cơ hội”. An gật đầu. Phong lại nói: “Số muối ước định với quan tri châu là hai mươi tấn, việc này không làm đơm sai, ba ngày nữa số muốn còn lại sẽ lên đến nơi”. An cũng gật đầu. Phong lại nói: “Khi muối đến nơi, chỉ lấy tiền mười tấn, còn hai tấn xin biếu để nhà ăn dần”. An cũng gật đầu. Phong lại nói: “Tôi làm ăn với ông Tân Dân nhưng coi như kẻ thù. Ông Tân Dân mang thuốc phiện là việc không hay, xin quan tri châu nên báo với nhà chức trách”. An cũng gật đầu.
Hôm sau, Cầm Vĩnh An cưỡi ngựa đi sớm. Buổi chiều An về bảo Phong: “Ông Tân Dân đi đến Yên Châu thì bị tóm rồi”. Hai người cùng cười. An lấy ra một túi bạc trắng bảo Phong: “Ðây là tiền thưởng”. Phong bảo: “Quan tri châu chia làm ba
phần. Một phần để phụ nữ trong nhà sắm quần áo mới”. An bảo: “Nhà tôi nhiều đàn bà lắm”. Phong bảo:”Thế thì chia bốn”.
Ngày hôm sau, đoàn ngựa thồ chở số muối còn lại đến nơi, Phong ra xem xét, thấy không thất thoát gì, mừng lắm, thưởng hậu hĩnh cho bọn phu áp tải. Cầm Vĩnh An hài lòng, tiễn Phong ra về bằng một bữa tiệc rất to, thịt một con trâu. Trong bữa tiệc, An nèo Phong ăn món nậm pịa ( giống như phèo trâu ). Phong ăn nhưng ngậm trong mồm rồi ra đầu quản nhổ toẹt xuống sàn.
Về Hà Nội, Phong báo cho Thiều Hoa biết việc ông Tân Dân bị bắt. Thiều Hoa hỏi: “Liệu tù bao nhiêu năm?”. Phong bảo: “Cầm Vĩnh An hứa không dưới mười năm”. Thiều Hoa bảo: “Ra tù chết là vừa”.
Phong về Kẻ Noi bàn với cô Lan việc cưới Thiều Hoa. Cô Lan tức lắm, nhưng biết Phong nhẫn tâm, lắm thủ đoạn, nếu có gây sự thì chỉ thiệt mình, vì vậy đành nín nhịn. Ðám cưới Phong với Thiều Hoa rất long trọng. Phóng bán cơ ngơi của ông Tân Dân, sau khi ông Tân Dân bị tuyên án vỡ nợ và bị xử mười năm tù. Thiều Hoa có một đứa con với ông Tân Dân, thằng bé tên là Hạnh, đầu to tướng, có tật ở chân, đi đứng cứ nhảy như con cào cào.
Bấy giờ cô Lan đẻ thêm một đứa con gái nữa, đặt tên là Cúc. Còn Huệ, Phong đưa ra Hà Nội ở, sau này lấy chồng tên là Ðiềm. Ðiềm là họa sĩ chuyên vẽ minh họa cho tờ báo mà Phong hùn vốn. Cha mẹ Ðiềm làm nghề bán tạp hóa.
Rằm tháng bảy, Phong đưa Thiều Hoa về Kẻ Noi làm sinh nhật năm mươi tuổi. Phong bàn với cô Lan và Thiều Hoa làm cỗ to mời khách. Hôm ấy trăng sáng, Phong trải chiếu hoa ngồi bên hè nhẩn nha uống nước nụ vãi. Bà Cẩm nằm võng ru con bé Cúc, ru rằng:
“Ông giăng kia ông ở trên trời Hỏi ông có biết sự đời cho chăng?
Sự đời nhít nhít nhăng nhăng Nghe ra chẳng biết mà răng nực cười. . .”
Dưới nhà ngang, cô Lan đứng chỉ bảo những người trong họ đến làm giúp. Bà Cẩm lại ru, Ru rằng:
“Cái cô đi đón cơn mưa Tối tăm mù mịt, ai đưa cô về?
Cô về thăm quán cùng quê Thăm cha thăm mẹ, cô về thăm ai . . .”
Phong bảo: “Mười năm nữa, giời cho ta sống, làm ăn được, ta lên thượng thọ sẽ khao cả làng”. Thiều Hoa bảo: “Gớm! Cứ ăn chơi lắm thì liệu có sống được năm năm không?” . Bà Cẩm lại ru. Ru rằng:
“Làm giai cho đáng nên giai Phú Xuân cũng trãi, Ðồng Nai cũng từng”.
Phong hỏi bà Cẩm: “Cái con bé đang vặt lông gà kia tên là gì, con nhà ai?”. Bà Cẩm bảo: “Ðấy là cái Chiêm, con ông Mùa”. Phong hỏi: “Có phải ông Mùa hồi trước vẫn cõng tôi ra đê xem diều không?” Bà Cẩm bảo: “Phải”. Phong hỏi: “Ông Mùa dạo này thế nào?”. Bà Cẩm bảo: “Ông Mùa đông con, cơ cực lắm. Ðậu, tháng ba, ốm suýt chết”. Phong nói với con rể: “Mày là họa sĩ, mày thấy con bé Chiêm có đáng là hoa hậu của quê tao không?” Ðiềm bảo:”Con thấy bình thường”. Phong bảo: “Mày không biết nhìn. Mày chỉ thấy quần áo. Ðấy là vì mày kém từng trải”. Ðiềm gật gù: “Con chịu bố”. Thiều Hoa bảo: “Hai bố con, chuyện ấy chẳng ai kém ai”.
Ngày hôm sau, khách ở Hà Nội về hơn ba chục vị. Ô tô đậu kín một đoạn đê. Có các quan chức, nhà văn, nhà báo, nhà buôn. Một số bà vợ cũng đi theo chồng. Lễ vật bày ki;n trên tấm sập gụ kê giữa nhà thờ. Phong ra tận cổng đóng khách. Thiều Hoa lộng lẫy đứng bên. Cô Lan tất bật chỉ bảo công việc bếp núc.
Khoảng gần trưa, cánh hương lý trong làng đến chào. Cũng tới hơn hai chục người. Phong mời cả vào trong nhà tiền tế, pháo nổ ầm ĩ.
Ông Tô Phương, nhà buôn, đứng lên thay mặt quan khách chúc mừng. Võ tay ran lên. Phong bắt tay ông Tô Phương. bảo: “Cám ơn ông, cám ơn chư vị. Ðứng ở nhà mình, xung quanh có vợ con, hàng xóm, bạn bè, uống một cốc rượu cất bằng thứ gạo cấy trên mảnh ruộng nhà mình, thế là sướng, dẫu rằng biết đời cũng là phù du”. Mọi người gật đầu. Ăn uống đến hơn ba tiếng mới xong. Sau tiệc mặn là bánh ga-tô, trên đĩa bánh nào cũng có chữ Phạm Ngọc Phong bằng bơ. Mấy ông ký lục trong làng dùng tay nhón bánh bỏ vào mồm, dây bơ ra cả ngón tay, thấy bẩn lại bôi xuống chiếu.
Sau tiệc, Phong cho Thiều Hoa ra Hà Nội trước, còn mình ở lại Kẻ Noi nghỉ ba tháng. Thời gian nà Phong đi thăm thú trong làng, thấy có một số nhà giàu mới lên nhưng cũng có nhiều nhà nghèo lắm. Nhìn chung, tất cả là sự lam lũ nhếch nhác bao trùm. Có hôm Phong lên bờ đê hóng mát, nằm dài trên bãi cỏ xanh mà nhìn trời cao, thấy những cánh cò thấp thoáng bay về phía xa.
Một hôm, Phong đang ngồi trên đê thì thấy một đám xúm đông xúm đỏ. Ðến gần, thấy ông lão xẩm kéo nhị và đứa bé con đang hát. Phong lắng nghe, thấy lời lẽ mơ hồ nói về nhân, hiếu, lễ, nghĩa. Bên cạnh, có một anh ngồi nặn những con giống tò he xanh đỏ trên mẹt thúng với nắm bột nếp, nặn cả những anh hùng ngày xưa, vị nào cũng quắc thước. Phong thấy cô Chiêm đứng xem, gánh cỏ đằng sau, mắt long lanh sáng, đôi côi cắn chỉ nhay cọng đòng đòng, những giọt mồ hôi đọng ở hai bên thái dương.
Ði về, Lan hỏi Phong: “Ông sao buồn thế? Hay là tương tư con bé nào rồi?”. Phong bảo: “Tôi thích con bé Chiêm quá”. Cô Lan bảo:”Ðể tôi hỏi làm vợ bé cho ông. Con bé chịu khó. Tôi cũng mến nó”. Phong bảo: “Tôi đội ơn bà”. Cô Lan bảo: “Ơn huệ gì. Ông tuổi Dần, ông đã để ý đến ai thì trước sau gì ông chẳng ăn thịt người ta”. Vài ngày saụ cô Lan cho mối đến nhà ông Mùa đánh tiếng. Ông Mùa sợ lắm. Cô Chiêm giãy nảy, dọa đi tự vẫn. Phong thấy không ổn, mắng rằng: “Thân lừa ưa nặng, ông hỏi han tử tế không xong thì cho cả họ nhà mày khốn nạn”. Ông Mùa ra sức ép con, họ hàng xúm vào dỗ dành. Cuối cùng cô Chiêm phải chịu. Ðám cưới tổ chức linh đình, cô Chiêm đi về nhà chồng như người mất hồn. Vài năm sau cô Chiêm đẻ ra hai đứa con trai, đứa đầu đặt tên là Phạm Ngọc Phúc, đứa sau đặt tên là Phạm Ngọc Tâm.
Một thời gian dài, Phong ở Kẻ Noi, công việc ngoài phố giao cho Thiều Hoa và Ðiềm quản lý. Một hôm Thiều Hoa bảo Phong: “Có tay nhà thơ bán tập bản thảo hay hay, tôi định ghi tên cu/a ông rồi cho xuất bản”. Phong trừng mắt bảo: “Nhảm nhí! Rõ chuyện đàn bà. Danh hiệu nhà thơ là thứ danh hiệu nỡm người bạc phúc. Thơ chỉ là thứ du dương bất lực. Khi nào nó cui hơn hớn thì chẳng ra gì”. Thiều Hoa hỏi: “Thế tôi bảo nó chữa lại rồi ghi tên tôi được không?”. Phong bảo: “Ðàn bà không có thơ đâu. Thơ là những tâm sự lớn. Ðàn bà thì tâm sự gì. Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”. Thiều Hoa đỏ mặt. Chuyện này bỏ qua, không nói nữa.
Một hôm, trên tờ báo mà Phong hùn vốn có bức tranh vẽ một ông bị vợ cắm cái sừng hươu lên đầu, khách đi vào treo mũ lên đấy, khuôn mặt người này trông rất giống Phong. Phong xem báo, dò hỏi xem ai vẽ tranh. Nhân viên trong báo chối quanh, nói là không biết. Phong bựa mình, dọa đuổi cổ viên tri sự. Người này thú thật có kẻ đến đưa tranh cho in, hứa thưởng cho tiền. Phong hỏi: “Chuyện tôi mọc sừng có à?”. Người này bảo: “Nghe phong phanh khi ông ở quê, cậu Ðiềm với bà Thiều Hoa thân mật lắm”. Phong cười nhạt bảo: “Cám ơn ông. Ông về làm việc đi. Lần sau nhớ phải vì lợi ích của chủ. Không nhớ điều ấy thì đừng làm báo”. Người này băn khoăn: “Tôi tưởng báo chí chỉ phụng sự tự do, bình đẳng, bác ái”. Phong bảo: “Ông hay đùa nhỉ. Mời ông đi ra, tôi mà cáu lên thì ông ăn cứt”.
Phong về nhà, vô cớ đập tan cái gương treo tường. Thiều Hoa hỏi: “Ông chán cái mặt ông à?”. Phong không trả lời. Thiều Hoa bảo: “Ông mệt rồi, nên nghỉ đi”. Phong bảo: “Mai tôi về quê”.
Hôm sau trời mưa to, bong bóng nước nổi lềnh bềnh trước hiên nha. Phong ngồi gập chiếc thuyền giấy thả theo dòng nước. Bỗng đứng dậy, đòi đi về quê ngay giữa lúc mưa. Thiều Hoa và Ðiềm ngăn lại không được.
Phong lấy ô che đầu đi bộ ra đường. Một lúc ô ướt, nước thấm vào người. Phong tức mình vất cả ô đi. Càng ngày mưa càng to, Phong cứ đầu trần đi giữa lòng đường. Một chiếc xích lô đi ngang qua kêu “Úp, ếp!”.
Phong quay lại, không gọi cổng mà lấy chìa khóa riêng mở cửa vào nhà. Thiều Hoa và Ðiềm đang nằm hú hí với nhau, thấy Phong về, mặt cắt không còn hạt máu.
Phong bắt Thiều Hoa ngồi rồi cũng ngồi vào ghế. Ðiềm run như rẽ, đứng ở trước mặt. Phong hỏi: “Hai người ngủ với nhau mấy lần rồi?:. Thiều Hoa bảo: “Thưa, sáu lần”. Ðiềm bảo: “Một lần ở vườn hoa Bôn-bo là bảy”. Thiều Hoa bảo: “Lần ấy vội vàng thì tính làm gì”. Phong bảo: “Bảy lần hay bảy bảy lần? Thằng Ðiềm, tao nuôi dạy mày mà mày trả hiếu thế à? Mày quỳ xuống, liếm chân vợ tao với tao không thì mày chết”.
Ðiềm quỳ xuống đất, Thiều Hoa rụt chân vào, liếc mắt thấy Phong trừng mắt lại đưa chân ra. Ðiềm đưa tay đỡ chân Thiều Hoa đưa lên ngang miệng rồi bò sang phía chân Phong. Phong đạp chiếc giầy bết bùn vào giữa mặt Ðiềm rồi bảo: “Cút đi”.
Phong bảo Thiều Hoa: “Thằng hèn như thế mà đi hiến thân cho nó”. Nói xong lên gác, nằm lăn ra, úp mặt vào gối mà khóc. Chiều hôm ấy sốt li bì. Thiều Hoa một lòng săn sóc Phong, ngày đêm tận tụy bên cạnh không lúc nào rời. Ðược nữa tháng thì Phong khỏe lại, trở nên ít nói, tính tình thay đổi, cư xử với mọi người hết sức lạnh lùng.
Sau đợt ốm, Phong thường ngồi nhà tư lự. Một hôm bà Vân bán hàng khô ở chợ Ðồng Xuân đến thăm, biếu Phong hai cân mứt sen với mấy lạng chè. Phong hỏi: “Chợ búa dạo này thế nào?”. Bà Vân bảo: “Thời khó khăn, chúng em làm ăn cơ cực lắm”. Phong bảo: ” , tiền bạc không biết thương người có tâm”. Bà Vân bảo: “Em muốn giật nóng ông bà món tiền, định liều buôn chuyến cành kiến, có người đặt hàng, nhưng em không có đủ tiền”. Phong hỏi: “Bà vay bao nhiêu? Bao giờ trả?”. Bà Vân bảo: “Vay một tháng, lãi mười phân”. Phong bảo: “Dạo này tôi cũng cạn tiền. Thôi được”. Rồi thở dài: “Tôi không thích phụ nữ lăn lộn kiếm sống. Phụ nữ phải lành lặn, sạch sẽ”. Bà Vân bảo: “Ôi giời, em cũng biết thế, nhưng không lăn lộn thì lấy gì mà ăn. Ông mà cầm quyền thì bọn chúng em được nhờ”. Phong bảo: “Chính trị rặt trò mờ ám, bỉ ổi”. Bà Vân bảo: “Có bà Tôn Nữ Phương ở Huế ra chơi đang ở nhà em, bà Phương giỏi tướng số, bói toán, để em đưa đến xem hầu ông bà”.
Hôm sau bà Vân đưa đến một bà già mặc áo dài màu mỡ gà, trên ngực áo có thêu hoa. Bà Vân bảo: “Ðây là bà Phương, người trong hoàng tộc”. Phong gọi Thiều Hoa ra tiếp. Bà Phương bảo: “Xem cho ai trước?”. Phong bảo: “Xem nhà tôi trước”. Bà Phương ngắm nghía Thiều Hoa, bảo: “Bà vén tóc mai lên xem”. Lại bảo: “Bà cho tôi xem tai phải”. Lại bảo: “Bà đứng lên đi đi lại lại”. Nhìn ngắm một lúc rồi nói: “Thưa bà, bà cốt cách sang quý, mông to, đầu nhỏ, đây là tướng bậc mệnh phụ phu nhân, từ bé đến lớn không vất vả gì, đi đâu cũng được mọi người yêu kính. Bà hai đời chồng. Miệng cười tươi thắm là chuyện thị phi có nhiều. Nhưng dù có tội vẫn được chồng tha. Trên trán có vệt u tối, nhân trung méo xệch, tháng này đại hạn, sợ rằng khó toàn tính mạng”. Thiều Hoa giật mình, mặt tái đi, vội hỏi: “Liệu có cách nào giải hạn được không?”. Bà Phương bảo: “Thiên cơ bí mật. Biết nói ra sao. Số đã thế nào. Phải ai nấy chịu”.
Bà Phương bảo Phong: “Ông cho tôi xem tay trái”. Lại bảo: “Ông đứng lên đi đi lại lại”. Rồi bảo: “Ông là người cơ mưu, gian hùng, nhưng lòng rộng, trọng nghĩa khinh tài, cả đời không chịu thiếu thốn tiền nong, vinh hoa phú quý đủ cả. Cái gì ông cũng tinh tế. Ông là hổ vàng, người đời theo ông còn mệt. Tháng này ông cũng có hạn, xin ông giữ mình”.
Phong gật đầu, cũng không hỏi thêm. Sau đó pha trà, chuyển sang nói về Kinh Dịch. Phong hỏi: “Dịch chủ bốc phệ. Ðiều ấy thế nào?” Bà Phương bảo: “Ðúng đấy. Nhưng xem Kinh Dịch thoát được thì hóa thành thần, không thoát thì hóa ma quỉ. Trong vạn người, có khi cũng không có thần, chỉ có ma quỉ”. Phong thấy bà Phương nói năng lưu loát mới hỏi: “Hồi trước bà có học hành gì không?”. Bà Phương bảo: “Cũng có học hành đôi chút. Sống ở kinh đô, người tài có nhiều, cũng có cái may, nhưng mà họa nhiều hơn”. Phong gật đầu, giữ bà Phương lại ăn cơm, sau đó biếu một số tiền đi đường.
Thiều Hoa từ hôm ấy lo lắng, đứng ngồi không yên. Phong bảo: “Bói toán là trò nhảm nhí. Nghĩ ngợi làm gì”. Thiều Hoa bảo: “Tôi sợ lắm. Tôi nghe tin lão Tân Dân mới ra tù. Lão ấy nham hiểm, xin ông cẩn thận”. Phong hỏi: “Ai bảo Tân Dân ra tù?”. Thiều Hoa bảo: “Ðêm qua tôi nằm mơ thấy lão Tân Dân về gọi thằng Hạnh. Lúc ấy nữa đêm, thấy lão Tân Dân đưa cho thằng Hạnh một thùng sắt tây qua phía hàng rào”. Phong bảo: “Mọng mị vớ vẩn”. Nói thế nhưng Phong cũng đi xuống nhà ngang, thấy thằng Hạnh đang ngồi trên ghế ngủ gật hệt như mọi ngày, cái đầu to tướng gục ở trước ngực, cái chân què vắt đằng sau, Phong yên tâm đi lên nhà.
Ðêm ấy, Phong đang ngủ say bỗng nghe tiếng kêu. Mở mắt thấy lửa lem lém. Phong đạp cửa, thấy cửa khóa chặt. Sợ quá, Phong phá cửa sổ lao ra, bỗng thấy có một bóng đen nhảy múa như con cào cào, tay cầm can xăng tưới khắp nơi. Nhận ra thằng Hạnh, Phong nhảy bổ đến đè ra bóp cổ. Lửa cháy dữ dội, rát bỏng cả người. Phong bóp chặt cổ thằng bé đến lúc thấy hai mắt nó lồi ra rồi mới buông tay. Phong đứng lên, trông thấy cả căn nhà hai tầng đang cháy bùng bùng. Phong ném xác thằng Hạnh vào lửa rồi chạy ra ngoài thì bị một vật nặng giáng vào đầu, ngã lăn ra, mê man không biết tí gì.
Chuyện lão Tân Dân ra tù, đốt nhà Phong để trả thù ầm ĩ cả lên. Nghe nói lão Tân Dân sau đó trốn sang Cao Miên. Thiều Hoa ở trên gác hai, không xuống được, bị chết thiêu. Phong bị bỏng sau lưng, phải nằm chữa bệnh, rất khổ sở.
Bấy giờ ở Kẻ Noi bà Cẩm đã chết. Cô Lan thấy Phong ít về quê nên thậm thụt đi lại với lão Trương cũng làm nghề bán thịt. Thấy Phong bị nạn, cô Lan cũng chẳng ra thăm, chỉ cho người mang tiền và quà ra. Về sau, nghe tin bệnh Phong nặng lắm, lão Trương ngang nhiên đi lại với cô Lan giữa ban ngày ban mặt. Ba mẹ con cô Chiêm sống dưới nhà ngang, không dám hé răng nói gì.
Một hôm có người bà con cũng họ Phạm ở Kẻ Noi đến thăm Phong. Người này bảo: “Họ Phạm thất lộc rồi. Bà Lan với lão Trương chiếm nhà, lão Trương đã cho dọn đồ đạc sang kê giữa gian tiền tế”. Phong vùng dậy, khạc ra một bãi máu, bảo: “Tôi chưa chết đâu. Họ Phạm mất nhà thế nào được. Tôi còn thằng Tâm, thằng Phúc cơ mà”.
Vài hôm sau, Phong gượng dậy bảo người dìu đến nhà một viên luật sư quen biết. Ông này du học về, rất thạo pháp luật. Phong vào thấy ông luật sư đang ngồi tiếp một bà trạc bốn mươi tuổi. Ông luật sư bảo: “Chào ông Phong. Ông ngồi xơi nước, chời tôi một lát”. Phong gật đầu, ngồi nghe chuyện của ông luật sư với người đàn bà. Ðại để hai vợ chồng có đứa con trai mười hai tuổi, thằng bé rất hỗn, người vợ đánh con vô ý quật phải hòn dái thằng bé, thằng bé chết, người chồng vốn có tư tình với một bà khác, nhân thế kiện vợ giết con. Người vợ phân bua vô ý đả thương nên con chết, người chồng bác lại, muốn ghép vợ phải đi tù để ly dị, chia của cải. Người vợ bây giờ tìm đến luật sư giúp đỡ.
Phong nghe chuyện, thấy ông luật sư trích dẫn sách vở, đại để như điều 216, 217 thì ngán ngẩm, đứng dậy về. Ông luật sư hỏi: “Sao ông lại về!”. Phong bảo: “Tôi có cái nhà ở quê, mấy đứa khốn nạn định chiếm, muốn nhờ ông can thiệp”. Ông luật sư bảo: “Ðược thôi, theo điều 318 . . .”. Phong bảo: “Cám ơn ông. Chuyện này không có điều luật nào đâu. Tôi xử lấy thôi”.
Chiều hôm ấy, Phong cho gọi một tên anh chị khét tiếng tên là Tước sẹo đến bảo: “Việc thế này . . . thế này . . . Bao nhiêu tiền?”. Tước sẹo bảo: “Chúng tôi làm việc nghĩa, không mặc cả như bọn tầm thường”. Phong bảo: “Tôi hiểu rồi. Ông cứ cầm tạm ít tiền cho tôi yên lòng. Không sao đâu. Tiền bạc là một việc, nghĩa cử là một việc, tôi nhầm lẫn thế nào được”. Tước sẹo hài lòng ra về.
Ít bữa sau, lão Trương và cô Lan đang chuẩn bị dọn hàng ở chợ thì có một b.n người không biết ở đâu kéo đến gây sự. Lúc ấy đã chạng vạng tối. Bọn người kia xông vào đánh hai người, cô Lan chết ngay, còn lão Trương đưa về nhà ba hôm sau cũng chết. Khi nhà chức trách đến xem thì bọn người kia đã biến mất tăm.
Cuối năm ấy, Phong sức yếu nhiều, bèn lần lượt rút vốn buôn bán ở các nơi về.
Hai đứa con trai cô Chiêm cách nhau tám tuổi. Thằng Phúc lên mười, thằng Tâm lên hai. Phong có ý định cho Phúc đi học, bèn về nhà bàn với cô Chiêm.
Dịp ấy đầu hè, trời nóng như rang đến hơn chục ngày, bỗng mây vần vũ kéo đến, sấm chớp nhằng nhằng. Thằng Phúc lần đầu được đi xa nhà thích lắm, cứ sốt ruột hỏi: “Ðợi đến hết mưa thì đến bao giờ?”. Cô Chiêm không muốn cho con đi học, nhưng sợ Phong, không dám nói. Thằng Phúc hỏi: “Thế tôi đi học ở luôn ngoài Hà Nội à?”. Phong bảo: ” , tao gửi mày cho ông bạn tao là giáo sư văn chương nuôi dạy”. Thằng Phúc đứng lên, đi khắp các phòng một lượt, lên cả nhà thờ, xuống bếp như muốn ghi nhớ tất cả những gì dính líu đến kỷ niệm ấu thơ của nó. Sau đó, nó ngồi ở cửa, mắt nhìn lên trời, ngóng mưa.
Từ phía đằng đông, mây đen kéo đến ùn ùn. Không có tí ti gió nào. Một vài hạt mưa rất to lộp độp rơi xuống mái ngói. Cô Chiêm đang xếp quần áo cho Phúc vào cái hòm gỗ trong nhà. Phong ngồi ở trên sập gụ quạt cho thằng Tâm ngủ. Thằng Phúc reo lên “Mưa đá”. Reo xong nó chạy ra ngoài sân. Bỗng lòe một cái, rồi một tiếng sét long trời lở đất vang lên. Khói ở ngoài sân bốc lên một đụn đen ngòm khét lẹt. Cô Chiêm và Phong ngã lăn ra, mái ngói xô ầm ầm.
Lát sau, Phong tỉnh lại, tê dại cả...