rồi!
Người thầy thuốc nhận ra ngay cái giọng the thé của Diana Pabsi.
Ông bắt gặp người hầu gái trước cửa phòng bếp mở rộng. Cô ấy la khóc và mặt mũi ướt đẫm nước mắt.
- Cô chủ về phòng và bảo: “Cái mùi thuốc… chà, sao mà nó thối đến thế!” sau đó cô ấy ngã xuống. Rồi cô ấy không động đậy được nữa! Trời ơi là trời!
Ông Baster Brown
đã nhìn thấy cô Skinner nằm xỉu trên nền gạch nung trắng đỏ; cặp kính của cô văng xa vào một góc đã vỡ vụn.
Gương mặt cô chủ nhà méo mó một cách thảm hại.
- Cô ấy không động đậy nữa, ông thấy đấy! Cô hầu gái nức nở.
“Cô ấy sẽ không bao giờ động đậy được nữa” người thầy thuốc tự nhủ, bởi vì ông đã xác định được rằng kẻ bất hạnh đã chết.
Ông ngồi viết một tờ kết luận ngắn gọn cho các chuyên viên y tế của sở cảnh sát thành phố rồi lên gác về phòng mình, sau đó ông cất cả túi da vào chỗ cũ. Vì ông là người đầu tiên xác nhận cái chết của cô Skinner cho nên theo luật pháp ông sẽ phải tham gia điều tra, và với cả hai tư cách ấy ông sẽ được một khoản tiền thù lao là ba bảng sáu shilling.
Với số tiền ấy ông có thể ung dung kéo dài cuộc sống thêm mấy ngày nữa.
Vì sao kể từ ngày đó ông cứ luẩn quẩn với ý nghĩ phải bán đi cái ông điếu Polli?
Cái ống điếu ấy đối với ông dần dần trở nên một cái gì tựa như một cô bạn gái mà trong thời độc thân khốn khó của mình ông không thể nào có được, còn bây giờ thì ông lại gắn bó với nó đến mức không muốn tìm vật thay thế, thậm chí ông đã không còn ham muốn hút nữa.
Nhưng mối quan tâm bé nhỏ ấy chẳng bao lâu đã bị che lấp đi bởi những điều phiền toái lớn lao hơn: chẳng những ông ngồi không không kiếm được đồng nào, mà hơn thế nữa ông còn mắc nợ đầm đìa đến nỗi ông chẳng còn hy vọng nuôi nổi thân mình.
Những khách bệnh nhân trước kia thỉnh thoảng còn đến thì nay hết hẳn; một bọn du đãng nào đó ban đêm đã gỡ đi khỏi cửa cầu thang tấm biển kẽm có ghi họ tên ông và giờ tiếp khách.
Ông cũng chẳng nghĩ đến chuyện gặp lại nó nữa, vì chưng ông đã tin điều ấy vô bổ.
- Chao ôi, Stenton Miller, ông lẩm bẩm, tôi lại phải nhớ đến anh, người anh em sống hèn chết khổ của tôi.
Ông lại lấy từ trong ngăn kéo ra túi đựng những dụng cụ bằng thép bóng loáng.
Bên cạnh đó, trong cái túi riêng bằng lụa đỏ là chiếc gương của bác sĩ John Dee.
Ông ném sang bên ấy một cái nhìn bực dọc và khinh bỉ.
- Mày đấy à! ông càu nhàu, mai ngày kia thì mày xuống đáy sông mà tác oai tác quái!
Từ trước tới nay, trong những lần trộm vặt ban đêm, ông gần như toàn tâm toàn ý tin vào một ngôi sao hạnh phúc vô hình nào đó. Nếu có ngoại lệ thì chỉ là chuyến làm ăn đổ máu ở Estis Road khi ông cướp trắng gương đen này.
Còn chuyện hành nghề lần này nhằm cứu ông khỏi rơi vào cảnh khốn cùng thì ông đã chuẩn bị cẩn thận hơn thế.
Ông đã tìm thấy một ngôi nhà ở Blumsfild không có người ở. Chủ nhân của nó, bà Aberllou đang phải điều trị trong bệnh viện Kosuell Road và mang tất cả đầy tớ theo mình. Ông biết được tất cả những điều đó qua cuộc trò chuyện của các bác sĩ đồng nghiệp, họ không hề chú ý hoặc quan tâm đến việc ông lắng nghe câu chuyện một cách chăm chú.
Một trong những cửa sổ tầng dưới không được đóng kín, còn ông thì lại có thừa kinh nghiệm để biết rằng nó không gây trở ngại gì lớn cho một cuộc đột nhập về đêm.
Khi ông rời xe buýt trên đường Cornhill thì trời đã lạnh và tối. Khi ông đi bộ tới London Wall, một đường phố u ám và sầu muộn đấn nỗi ông thấy như chính mình là quỷ uất hận, thì đường phố đã dần dần tràn ngập sương mù. Ở chỗ này chỗ kia những cây đèn đường thỉnh thoảng lại nhỏ xuống những giọt nước mắt màu nâu đỏ vào trong cái lớp sương mù đầy những bóng ma ấy; thậm chí ở đây những tiếng động cũng âm u đi và những tiếng còi tàu dọc đường bờ sông Victoria cũng tựa hồ bị sương mù nhét giẻ vào mồm, chỉ u u rền rĩ ở phương xa.
Ông Baster Brown thở một hơi dài khoan khoái. Cho dù ông có bịt kín mắt bằng vải đen ông cũng tìm ra được đường đi tới phố Blumsfild, nhà bà Aberllou, tới cái cửa sổ có cánh cửa đóng không chặt.
Ông lẻn vào được trong nhà không mấy khó khăn, cây đèn pin nhỏ hắt ánh sáng trắng trên những tấm vải bao giường màu trắng như màu tang tóc và những tấm thảm cuộn lại trong cái phòng khách nghiêm trang thời Victoria.
Ông bước lên cầu thang xoắn ốc khổ rộng dựa tít lên trên cao, tới một nơi nào đó trong bóng tối, ở tầng hai ông thấy một cái cửa, xem ra thì hình như nó dẫn vào phòng ngủ của bà Aberllou. Ông mở cửa và đứng khựng lại vì cơn khiếp đảm đột ngột, dường như trước mắt ông có con quái vật nào đó vùng dậy.
Thực ra căn phòng làm ông khiếp sợ chỉ vì một lẽ là nó sáng quá.
Ngọn đèn chùm mười hai bóng với các loại râu tua vẫn rực rỡ, đằng sau chiếc ghế nhưng vàng là cây đèn đứng có chao hồng. Người khách không mời mà đến, tức là ông, không thể dự liệu được rằng khi ra đi những người trong nhà đã quên không tắt đèn, căn phòng vẫn nguyên trống vắng, và mặc dù có ánh sáng như trong một ngày hội, nó vẫn hoàn toàn là không có người ở.
Ông Baster Brown lắc lắc đôi vai tựa hồ có một gánh nặng đang khiến ông nghẹt thở trong lồng ngực.
- Thôi, cứ thế, cứ thế. Ông lẩm bẩm, cần phải làm vậy… nếu không thì hỏng hết.
Cái nhìn của ông gắn vào một tấm gương trong xanh kiểu Venise, treo ở tường hậu. Ông bước tới và nhấc lên: có bốn chiếc nút đồn hiện ra như bốn con mắt trên cánh cửa nhỏ một chiếc két chìm trong tường.
Những dụng cụ bằng thép liên tiếp được sử dụng và chẳng mấy nỗi ông đã vượt qua được chướng ngại vật.
- Có thế chứ… có thế chứ, ông Baster Brown đắc chí, và quả thật trên má ông ướt nhòe những giọt nước mắt sung sướng không gì tả nổi khi ông nhìn thấy trước mắt những gói ngân phiếu lớn và ba đồng tiền vàng.
Ông nhét đầy chặt các túi rồi đắc thắng khua lên cái que thép đã giúp ông phút cuối cùng mở khóa.
Bỗng nhiên toàn thân ông bị một cơn co giật: ở tầng dưới một cánh cửa đóng sầm lại, có những bước chân vội vàng đi lên cầu thang; thậm chí ông còn nghe thấy tiếng cò súng lên đạn.
Toàn thân ông hóa đá. Ông không nhích được một bước ngay cả khi có bóng một người đàn ông lực lưỡng, nặng nề xuất hiện trong khuôn cửa mở rộng, ngay cả khi cái nòng dữ tợn, tròn trặn và bé nhỏ của khẩu súng lục tự động đã đặt vào trán ông.
Thế nhưng cái tiếng nổ khốc liệt đã không vang lên, còn người đàn ông thì không kịp kêu bắt cướp hoặc kêu cấp cứu.
Cây gậy thép rời khỏi tay ông Baster Brown, nó rít lên cái tiếng xé gió của tên lửa trong không khí rồi văng vào một nơi nào đó trong bóng tối. Ông Baster Brown không đụng đậy nữa, cái cơ thể kia đổ rụi xuống sàn, mặt úp sấp, từ một mảng đầu máu tuôn xối ra.
Căng thẳng đến khủng khiếp, ông nhón chân khỏi sàn nhà, chân ông tựa như mắc trong đám sình lầy vô hình. Nhưng rồi ông lấy lại được sức mạnh và nhẩy đại một cái qua được xác chết.
Đến chiếu nghỉ cầu thang ông mới nhìn lại.
Mười hai ngọn đèn vẫn đang rót những ánh sáng chói lòa vào cái tủ két đã bật mở và cái hộp sọ đã vỡ óc của người gác cổng bị đập chết, trong ánh sáng dịu dàng của chiếc đèn cây…
Trời ơi! Baster Brown, con người mà đến cảnh ghê sợ của cái chết bạo tàn cũng gần như không làm động tâm, thì đúng giây phút này lại suýt bật kêu lên vì khiếp đảm: ở cái khoảng không gian giữa chao đèn và mấy cái gối đi văng, đang treo lơ lửng cái ống điếu Polli của ông ở cái tư thế như có một người hút thuốc vô hình cắn chặt vào răng.
Ông nhận ngay ra nó một cách chính xác nhờ cái mỏm đầu của nó bị cháy đen và ba cái dấu thập ác.
Bây giờ ông bỗng khát khao được quay ngược lại chỗ cũ, được nhẩy ngược trở lại qua xác chết máu me và được giằng lấy cái ống điếu yêu quý của mình, cái ống điếu bị mất đi một cách kỳ quặc, thì bỗng nhiên đúng lúc đó từ cái ống điếu bay ra một vòng khói tròn, rồi đến vòng thứ hai, thứ ba, và giờ đây cái ống điếu được hút hết sức, nó tỏa vào không khí một đám sương mù xanh đặc; nó tự hút một mình… trong căn phòng trống vắng đến rợn người.
Và thế là ông Baster Brown cắm đầu cắm cổ chạy, ông lao vào bóng tối và sương mù, ông lạc đường trong bóng đêm mỗi lúc một đặc quánh lại, phải mất suốt ba tiếng đồng hồ ông mới mò về được Clissold Park, về căn phòng lạnh băng của mình.
Trong lúc ông đi vắng một cơn gió mạnh đã mở toang cửa sổ, và bây giờ xung quanh ngọn đèn là một quầng sương mù bao bọc và di động như trong một điệu luân vũ ma quỷ.
Mười năm sau, làm quen với bác sĩ Baster Brown, liệu ai có thể nghĩ được rằng trong cái ngăn kéo chứa đầy những thứ tạp pí lù kia ông lại vẫn còn đang lưu giữ cái thứ vũ khí hùng mạnh nhất và dữ dội nhất mà hồi trước những sinh thể từ thế giới vô hình đã để lại cho mọi người, chiếc gương đen của bác sĩ John Dee?
Dù chúng ta có nói gì đi nữa về chiếc nhẫn của Tot, về những cuốn sách kỳ bí của Salon, về những chiếc ống nghiệm cao cổ của Carpenter, thì chỉ riêng chiếc gương đen cũng đã khiến mọi người phải thoát ra khỏi cái lồng xác thịt thô thiển của mình để hòa vào những đám mây đậm đặc căm thù, yêu đương hay trí tuệ mà bay đi khắp nơi không hề lạc bước, những đám mây mà Đấng trí tuệ tối cao đã dùng để tạo ra các loại ma quỷ và những thần linh bất tử.
Ông Baster Brown đã mua được ở Kemdeltown một phòng nhỏ dùng để khám chữa bệnh. Ở tuổi bên kia dốc núi, người thấy thuốc cấp quận huyện chỉ mơ ước có một căn nhà nhỏ ở một nơi nào đó cạnh một dóng sông có cá hồi tại quê hương Devolshear của ông.
Bây giờ ông thấy hoàn toàn hạnh phúc và yên tĩnh.
Ông béo đẫy ra, để ria mép theo kiểu gall, da mặt bóng nhẫy, bởi lẽ ông đã quen ăn uống ngon lành.
Ông mặc những bộ quần áo kẻ carô của anh em nhà Kerzon, ăn ở nhà hàng Bakki, nơi ông rất thích nhắm món thỏ rừng với thịt lươn rán và rượu mạnh.
Ông cũng tham gia vào hội chơi bài uýt ở quán “Kingfisher” và ông chơi không đến nỗi tồi.
Trong suốt những năm tháng ấy chỉ có ba bốn lần ông phải rút gương đen kỳ diệu khỏi chiếc bao màu đỏ.
Không tò mò và cũng không sợ hãi ông lại cúi mình trước vật kỳ bí câm lặng ấy và ông cũng không hề tỏ ra có ham muốn cầu xin sức mạnh ẩn tiềm trong lòng khối đá đen kia.
Mặc dù thờ ơ như thế nhưng ông không hề quên điều gì, và đôi khi trước đôi mắt vô hình của ký ức ông lại thấy thoáng hiện về hình bóng lạ kỳ của con người hiệp sĩ mang khiên và mặc giáp.
Còn về phần Polli thì có một số sự cố rất đáng quan ngại làm ông không sao quên được.
Đầu tiên là câu chuyện đau buồn của Slamber.
Ở Kemdeltown ông Baster Brown thuê được một trong những căn nhà nhỏ xinh xắn, mà những ông chủ cho thuê thường lấy làm tự hào vào khoảng năm một ngàn tám trăm hai mươi và họ đã giữ được trong từng viên đá hiền lành cũ kỹ của mình khá nhiều những điều ma giáo và lần nào họ cũng thông minh không để bị rơi vào tay những bọn làm ăn hám lợi, những kẻ thướng phá đi những ngôi nhà cũ để dựng thay vào đó những tòa nhà mới cao tầng.
Tầng một là dãy phòng liên thông trần thấp gồm có tiền sảnh để chuẩn bị đón khách, một phòng tiếp khách và một phòng thí nghiệm nhỏ xíu, trong đó chính tay ông Baster Brown đã chế ra gần một tá các loại thuốc cao và thuốc xirô khá là nổi tiếng và được nhiều người ưa dùng.
Trên tầng hai có một phòng khác với những đồ gỗ mới tinh bóng loáng và những thứ đồ kim loại giả theo kiểu dinan, tại đây ông thường nghỉ ngơi thoải mái trong khu nội thất tuyệt vời của mình.
Ông rất ít tiếp khách ở đây, bởi vì mặc dù là một con người cường tráng và luôn luôn thành đạt, nhưng ông vẫn cứ là kẻ cô đơn ẩn dật như xưa.
Trong số rất ít những người bạn mà ông vui lòng mở cổng khu thiên đàng nhỏ bé nơi trần thế của mình có ông Slamber hết sức đáng yêu mà ông đã được làm quen ở “Kingfisher”.
Trước đây ông Slamber là giáo viên trung học, sống nghèo khổ và lần hồi kiếm sống bằng nghề sửa bài cho các nhà xuất bản loại xoàng. Ở quán ăn không bao giờ cho phép mình bỏ ra quá hai đồng bạc để ăn bữa tối, còn nếu như ông uống đến đồng tiền thứ ba thì đó là lúc ông Baster Brown trả thay.
Người ta nói rằng khi ăn tối ở nhà ông cũng ít khi từ bỏ những món ăn quen: một quả trứng luộc duy nhất hoặc món kipper chính vì thế ông bác sĩ thường phải mời ông đến để cùng chia sẻ những bữa ăn đầy ắp thức ăn, món thịt gia súc hoặc gia cầm ướp muối lạnh mà bác sĩ đặt một nhà hàng gần đó mang đến tận nhà.
Trong lúc đó chuyện ông Slamber ít có gì nổi bật, nếu như câu chuyện không lái sanng một chủ đề đặc biệt, những phương thức chiếu sáng thời xưa. Ông Slamber thật thà tốt bụng đã trở thành hết sức lãng mạng khi nói đến những ngọn nến, những đĩa đèn hoặc những cây đèn của Karsel. Vì thế, trong con mắt mờ đục của ông giáo về hưu ông Baster Brown gần như trở thành thượng đế vào cái ngày mua được của lão bán hàng tạp hóa ở Triside một chiếc đèn cây thật cao bằng kính to màu xanh có lắp một thấu kính chứa nước đặt trên một đòn tay bằng đồng và tỏa ra một thứ ánh sáng màu xanh mướt mát.
- Tôi cam đoan với ông rằng đó là Kanterpruk! ông Slamber phấn khích kêu lên.
- Kanterpruk?
- Đó là tên của một nghệ nhân hàng thiếc nổi tiếng, ông Slamber tự hào đáp, ông ta sống ở Borough khoảng năm một ngàn bảy trăm chín mươi và đã được vang danh vì tài chế tạo những cây đèn như thế.
Ông Baster Brown chẳng có gì để nói về chuyện ấy, và từ đó cứ mỗi lần ông giáo cũ tới thăm thì cây đèn Kanterpruk lại khiến trái tim nhân hậu, dịu dàng kia vui sướng vì thứ ánh sáng như ánh trăng huyền ảo của nó.
Một lần vào ban đêm, ông Baster Brown bị đánh thức dậy vì những đợt sóng lạ kỳ báo hiệu nguy hiểm.
Đã từ nhiều năm ông không dám ngủ trong phòng tối thui và vẫn để ở đầu giường một ngọn đèn đêm nho nhỏ có cả phao dầu; ánh lửa màu vàng mơ hồ của nó có sức chiến đấu chống lại những đạo quân âm thầm của bóng tối.
Ngọn lửa bé nhỏ ấy bỗng rọi sáng trước mắt ông Baster Brown vừa tỉnh ngủ một hình bóng tan loãng đầy đe dọa trong bóng tối và saÜn sàng tấn công ông; trong những tia sáng của nó loáng lên một hình lưỡi dao lạnh và dài.
Ông Baster Brown nhìn thấy con dao sáng loáng ấy được giơ cao lên một cách hung tợn và từ trong bóng tối có một khuôn mặt bịt băng đen hiện ra như hân hoan đón chờ cơn hấp hối của ông sắp đến.
Ông cảm thấy mình đã chết, nhưng bỗng có một điều khó hiểu xảy ra.
Con dao bỗng rơi xuống, cắm phập vào sàn gỗ, rung lên bần bật, từ bên trong mặt nạ thoát ra một tiếng xì nhỏ, sao tiếng xì là tiếng rên đau đớn và tuyệt vọng rồi cả cái thân hình dữ dội kia đổ vật xuống sàn.
Ông bác sĩ nhảy một bước tới chỗ tên dạ khách, lột chiếc mặt nạ đen, và một giọng hấp hối thều thào cất lên:
- Tha lỗi cho tôi. Tôi muốn lấy Kanterpruk…
Tên cướp tắt thở ngay sau lời thú nhận đáng thương, người ấy không phải ai khác, mà chính là ông Slamber xấu số.
Ông bác sĩ đã gần đoán ra được điều kỳ diệu nào đã gây ra cơn đau tim quật chết ông bạn cũ và cứu sống cuộc đời cho chính ông thì bỗng ông nhìn thấy Polli.
Cái ống điếu treo lơ lửng trong không khí bên trên ngọn đèn đêm đang nhả ra những vòng khói ở ngang chỗ đầu ông có hình ba dấu thập ác. Những vòng khói rất đẹp, đầy đặn và tròn trặn, tựa như chính chúng cũng thấy hài lòng với cái dáng tròn tuyệt vời của mình.
Ông Baster Brown kêu lên một tiếng gằn giọng và đưa tay về phía ông điếu, động tác của ông không được khéo léo khiến ngọn lửa nhỏ bé yếu ớt trong cây đèn đêm tắt ngấm. Khi ông châm lại được thì ống điếu không còn nữa, tuy vậy cả căn phòng vẫn còn đậm mùi thuốc cháy khét lẹt.
Ông phải mất nhiều thời gian để cứu lại thanh danh cho ông Slamber; ông cất dấu đi mặt nạ và con dao của ông bạn rồi kéo xác ông ấy đi cách nhau một trăm bước đến chiếc ghế đá ngoài khuôn viên.
Cô Eddy Bronks có thể đã là xinh đẹp, thậm chí là rất xinh đẹp, nếu như căn bệnh bướu cổ không làm cho đôi mắt màu xanh nhan nhát của cô có vẻ như là hơi dọa nạt người khác một chút.
Ông Baster Brown quen với cô tại nhà người bán hàng thuốc ở Korihill tên là Littelwood, người mà ông hứa chuyển cho cả phòng thí nghiệm và cả những công thức thuốc cao của mình.
Cô Eddy thích nói chuyện tào lao với cả hai người, và như cô thường nói ra không kém phần tự hào, cô là người “chuyện trò chuyên nghiệp”.
Trên thực tế cô là hộ lý trong bệnh viện “New Charte”.
Ông Baster Brown chưa bao giờ chú ý đặc biệt đến phụ nữ, nhưng hình ảnh cô Eddy Bronks chẳng mấy chốc đã không buông tha ông.
“Lần sau gặp nàng ta sẽ xin cưới nàng làm vợ”, nhiều lần ông đã tự nói như vậy.
Lần gặp sau, rồi sau đó là nhiều lần gặp trôi qua, nhưng lời cầu hôn vẫn không sao thoát ra khỏi miệng ông, và mọi câu chuyện đều chỉ qui về việc xem xét các loại thuốc viên nhà Littelwood, các phương thức điều trị bệnh bướu cổ và các trường hợp mắc bệnh đặc biệt mà bác sĩ đã từng gặp trong thực tế.
Một buổi tối mùa thu, ông Baster Brown bắt gặp Littelwood ủ rũ tỳ tay trên quầy thuốc, môi run lên, bàn tay lạnh ngắt.
- Ông biết không, Littelwood rền rĩ, cô Bronks khốn khổ vừa mới ở đây, tâm thần hoảng loạn. Cô ấy mới bị đuổi khỏi bệnh viện sau một cuộc cãi cọ với thượng cấp. Cô ấy bảo rằng cô ấy muốn chết đi cho rồi… Không, không, ông Brown, tôi hiểu những chuyện này… Ông đừng quên rằng bệnh tình của cô ấy có thể dẫn đến thần kinh hỗn loạn. Cô ấy vừa chạy ra phía hồ nước.
Ông Littelwood có một chân tập tễnh nặng nên không thể chạy đuổi theo cô gái tuyệt vọng.
Như điên, ông Baster Brown cắm đầu chạy trên đường phố dài và tối, vừa chạy ông vừa thở dốc, tim đập thình thịch. Ông dừng lại khi thấy trước mặt mình làn nước hồ phẳng lặng dưới ánh trăng.
-Eddy! Eddy! Ông gào lạc giọng.
Và ông thấy cô cúi gập mình qua cái hàng rào ọp ẹp, đầu nghiêng xuống mặt nước tối đen.
- Cô Eddy yêu quý ơi… tôi hết lòng mong muốn…
Chính ở cái nơi không bình thường này, trong cái hoàn cảnh hết sức không bình thường này ông đã tỏ tình với cô và xin đính hôn.
Cô Eddy Bronks đã theo ông về, người phờ phạc và mắt đẫm lệ.
Ông nhóm lửa trong lò sưởi phòng khách, thắp hết mọi đèn, kể cả cây đèn mặt...