lớp, nó mới chịu thôi một cách tiếc rẻ. Trong khi đó những vết kiến cắn dưới chân tôi phát ngứa râm rang rất khó chịu, nhưng dù vậy tôi cũng rất ngạc nhiên về kiến thức của Quang. Không biết chuyện kiến ở đâu mà nó lôi ra lắm thế.
Lần khác, trong giờ ra chơi tôi đang đứng dựa cột coi tụi lớp 6 chơi đá dế thì Quang
lò dò lại. Nó đứng dòm một hồi rồi tự nhiên hỏi tôi:
- Đố mày, dế gáy bằng cái gì?
Tôi nhìn nó lạ lùng:
- Sao mày hỏi ngốc vậy? Không gáy bằng miệng thì bằng gì?
Nó cười:
- Nó gáy bằng cánh mày ạ.
Tôi nhăn mặt:
- Đừng có xạo!
Nó vẫn bình tĩnh:
- Thiệt đó! Ven bìa đầu: Dt của cặp cánh trước của dế đực có những đường gân đậm, phía dưới có những răng cưa nhỏ hình ba góc. Còn phía trên mặt nhám. Khi cánh cọ vào nhau thì răng cưa cà qua mặt cánh nhám y như nhạc sĩ kéo đàn vậy. Chuyển động đó liên tục làm cho cánh rung đến năm ngàn lần trong một giây và phát ra âm thanh mà mình gọi là tiếng gáy. Có loại dế phát ra âm thanh vang xa đến một cây số rưỡi lận nghen mày!
Tôi đang bàng hoàng trước chuyện dế gáy bằng cánh thì Quang đã bắt đầu kể ra hàng lô hàng lốc những loại dế như dế lửa, dế than, dế: D dế cơm, dế cúc, dế ốc tiêu, dế hộp quẹt, dế trọc đầu v.v… rồi họ hàng nhà dế như cắn tóc, bọ ngựa, châu chấu, bù cào, gián, vạt sành. Tôi nghe muốn: Dng cả mặt. Té ra thằng Quang biết rất nhiều chuyện. Tôi có cảm giác như đang tiếp xúc với một pho tự điển sống. Phát hiện này làm tôi thắc mắc:
- Mày giỏi vậy mà sao bị lưu ban?
Quang rờ gáy:
- Giỏi gì mà giỏi! Tao chỉ mê mỗi môn sinh vật thôi. Nhà tao có cả lô sách báo nói về đời sống động vật, đọc khoái lắm! Tao còn nuôi cả một cặp thỏ để nghiên cứu nữa nha mày. Khi nào mày đến chơi tao cho mày coi. Lớn lên tao định sẽ trở thành nhà sinh vật học, tao cóc khoái các nghề khác!
Tôi “vặn sườn” nó:
- Mày cứ lưu ban hoài biết chừng nào mới trở thành nhà sinh vật học nổi!
Quang thở dài, chép miệng:
- Biết làm sao bây giờ! Sinh vật thì tao rất khá, toàn điểm chín, điểm mười. Còn các môn kia thì… Nhất là toán với ngữ pháp, tao cứ hết điểm 3 lại tới điểm 2. Chẳng hiểu sao càng học tao lại càng dốt thêm. Hình như cái đầu tao nó sao sao ấy.
Tôi liếc thử đầu nó, thấy vẫn đủ tóc tai như mọi người, có sao sao ấy gì đâu. Tôi nhủ bụng: Hay là nó cũng làm biếng như mình?
Đó là những điều tôi biết về Quang. Ngồi kế Quang là nhỏ Hiền. Nhỏ Hiền cũng là học sinh lưu ban. Nó lớn hơn tôi hai tuổi, vóc người đầy đặn ra dáng một thiếu nữ. So với đám con gái trong lớp, nhỏ Hiền có vẻ chững chạc, trầm tĩnh hơn. Giờ ra chơi, Hiền không chơi nhảy dây, rượt bắt hoặc mút kem như những đứa khác mà ngồi lại trong lớp cùng với nhỏ Hoa, nhỏ Liên đem kim chỉ ra thêu. Tôi chưa trò chuyện với nhỏ Hiền lần nào, một là nó vốn chẳng phải con trai, hai là vì có thằng Quang ngồi chen giữa tôi với nó.
Ngồi ở rìa bàn, trong góc lớp là thằng Đại. Ngồi kế nhỏ Hiền, thường bị tụi bạn “cặp đôi”, Đại ức lắm nhưng không nói. Tính nó vốn lầm lì xưa nay. Điều đó cả lớp 8A3 đều biết. Năm ngoái nó học 7A3, đáng lẽ năm nay lên thẳng 8A3 như những đứa khác nhưng không hiểu sao nó lại lọt vào lớp tôi.
Thường thì tính lầm lì đi đôi với chậm chạp. Thằng Đại cũng vậy. Hôm khai trường, mặc cho chúng tôi chen nhau vào lớp và giành chổ đến đỏ mặt tía tai, có đứa đứt cả nút áo, nó cứ đủng đa đủng đỉnh đi đằng sau. Khi nó vaò tới nơi thì các dãy bàn đã kín người, chỉ còn mỗi chổ trống ở bàn: Dt, trong góc lớp, không đứa nào thèm giành. Đại thản nhiên ôm cặp đi tới chổ trống, ngồi xuống, không cằn nhằn một tiếng.
Hôm xếp laị chổ ngồi cũng vậy. Mặc cho tụi bạn nhao nhao yêu cầu, khiếu nại, nó cứ lặng lẽ như không, hệt như không có chổ ngồi nào tốt hơn chổ đó.
Cái thằng tính tình đến lạ! Lúc bầu tổ trưởng học tập, thằng Bảy và thằng Quang đề nghị bầu tôi, tôi giẫy đành đạch:
- Trời ơi, không được đâu! Tao mà làm tổ trưởng có nước tổ mình cầm đèn lái sớm!
Điều này tôi nói thật. Tôi vừa kém toán vừa có tật làm biếng, học một mình còn chưa xong làm sao “quản lý” cả tổ được. Tôi liền đề cử thằng Bảy. Bảy lắc đầu:
- Chân cẳng tao vầy!
Thằng Bảy có cái chân “lợi hại” thiệt! Mỗi lần muốn từ chối điều gì, nó đưa cái chân ra là không ai dám ép.
Quang với Hiền, hai đứa lưu ban thì tất nhiên không thể làm tổ trưởng được rồi. Cuối cùng tụi tôi đùn cho thằng Đại.
Đại nãy giờ ngồi im, không có ý kiến gì về chuyện bầu bán của tụi tôi, nay thấy tụi tôi không ai nhận chức tổ trưởng, hết người bầu rồi nên bầu cho nó, nó nhoẻn miệng cười.
Tôi cứ tưởng nó sẽ từ chối vì tự ái hoặc ít ra cũng làm bộ làm tịch, ai dè nó gật đầu cái rụp:
- Các bạn bầu tôi thì tôi sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng các bạn cũng phải cố gắng học tập, thực hiện tốt nội quy kỷ luật thì tổ mình mới tiến bộ được. Bạn nào mà lơ mơ, tôi trừ điểm thi đua ráng chịu à nghen!
Hôm qua nhỏ Kim Hà hăm, hôm nay tới phiên thằng Đại dọa. Đúng là cóc mở miệng. Con cóc quanh năm nằm yên không hó hé nửa tiếng, nhưng hể mở miệng là trời gầm. Thằng Đại này cũng vậy, lúc nào thì cũng im ỉm mà hễ mở miệng thì cứ y thầy hiệu trưởng nói trước sân cờ. “Lơ mơ thì tôi trừ điểm thi đua”, nghe dễ ghét. Nếu biết nó ăn nói như vậy thì khi nãy tôi nhận chức tổ trưởng quách cho rồi.
Tôi ngồi yên coi có đứa nào lên tiếng phản đối thằng Đại không nhưng tụi nó tỉnh bơ, thậm chí thằng Bảy còn gật gù:
- Tất nhiên là tụi mình sẽ cố gắng rồi.
Tôi nổi sùng thúc vô hông Bảy một cái khiến nó kêu oai oái. May mà thầy không nghe thấy.
Năm ngoái cô Dung chia cả lớp ra thành năm tổ. Hai bàn một tổ. Đó là cách chia xưa nay. Năm nay, thầy Dân lại chia mỗi bàn một tổ. Như vậy là lớp tôi có tới mười tổ lận. Thầy nói chia như vậy để sinh hoạt cho chặt chẽ. Tôi tặc lưỡi tiếc rẻ: Nếu chia như cô Dung thì tôi cóc bầu thằng Đại mà bầu thằng Tuấn ngồi bàn trên làm tổ trưởng rồi. Tuấn vừa học giỏi lại vừa hiền lành, không hề lên giọng với bạn bè bao giờ.
Tôi càng tức thằng Đại hơn nữa khi ngay ngày hôm sau, vừa ra chơi vô, nó đã kêu tôi:
- Bạn Huy bỏ aó vô quần đi chớ!
Thật ra thì ở hai tiết đầu, tôi có bỏ aó vô quần đàng hoàng. Nhưng lúc ra chơi, tôi rượt nhau vơi thằng Chí nên aó tuột ra ngoài lúc nào không hay, bây giờ nghe Đại nhắc tôi mới để ý. Nếu tự tôi phát hiện ra thì tôi đã nhét aó vô rồi nhưng đằng này là do thằng Đại nhắc. Nhắc thì cũng như ra lệnh. Nghe theo thì nhục quá, tôi đâm bướng:
- Tao cứ bỏ ra ngoài cho mát!
- Mát kiểu gì kỳ vậy? Nội quy cấm học sinh bỏ aó ngoài quần mà!
Cái thằng ăn nói thật cù lần! Tôi nghinh mặt:
- Mày làm như có mình mày biết nội quy vậy!
Đại nhướng mắt:
- Bạn biết sao bạn còn vi phạm?
Tôi nhếch môi:
- Tao nói rồi! Cho mát!
Đại giở sổ ra:
- Tao trừ điểm tác phong mày à nghen!
Nó nổi sùng không thèm kêu tôi là “bạn” nữa. Tôi cũng nổi điên:
- Cho mày trừ. Tao cóc cần!
Vậy là mất đứt hai điểm thi đua, tôi nhủ thầm và chán nản ngồi phịch xuống ghế. Nhưng Đại chưa chịu thôi:
- Bây giờ mà mày không bỏ aó vô quần tao méc cô à!
Lúc này, lớp đang học tiết sử của cô Thu Ba. Cô Thu Ba lúc nào cũng hiền lành, nhỏ nhẹ, tôi không ngán. Nhưng tôi sợ cô báo lại với thầy Dân thì kẹt. Thầy Dân đã từng dặn chúng tôi bao nhiêu lần về cái khoản bỏ aó vô quần này rồi.
Tôi đang ngần ngừ, tiến thoái lưỡng nan thì thằng Bảy thấy tình hình găng quá liền xen vô:
- Thôi, bỏ aó vô quần cho rồi mày ơi! Nãy giờ đủ mát rồi!
Tôi liền chộp ngay câu nói của thằng Bảy như người sắp chết đuối gặp được cái phao:
- Bỏ thì bỏ! Tại đủ mát rồi nên tao bỏ vô chớ không phải tao ngán thằng Đại đâu! Đừng có ham!
Tôi vừa nói vừa cố ý nhét vạt aó vô quần một cách cẩu thả, ra cái điều không quan trọng lắm. Còn thằng Đại cũng thôi quấy rầy tôi. Nó ngồi im, chăm chú nhình lên bảng y như không có chuyện gì xảy ra. Nó làm bộ vậy chứ tôi đoán là nó căm tôi lắm.
Lần khác, nó lại chỉnh tôi chuyện bảng tên:
- Bảng tên mày đâu sao không đeo?
Tôi liền thò tay vô túi quần móc ra tấm bảng tên bằng vải nhàu nát rồi lấy kim băng cài lên ngực aó. Xong, tôi liếc nó:
- Còn thắc mắc gì nữa không?
Nó lắc đầu: – Ai lại đeo bảng tên luộm thuộm như mày. Hai bên mép rũ xuống che lấp cả mặt trước, có đọc ra chữ gì đâu! Phải may dính vô aó hoặc it’ ra cũng phải ép ni-lông như thằng Bảy chớ!
Tấm bảng tên của Bảy ép ni-lông phẳng phiu, phía trên còn đính thêm một miếng rẻo hình tam giác, lại có cả nút cài nữa mới ngon lành chớ. Hôm trước, nó rủ tôi đi ép ni-lông nhưng tôi lười nên đến nay mấy tấm bảng tên của tôi vẫn còn nằm nhăn nheo trong các túi quần, túi aó. Khi nào có ai kiểm tra, tôi lại lôi ra và lấy kim băng cài lên áo.
Tôi làm vậy trước giờ có ai nói gì đâu, vậy mà thằng “cậu ông trời” này (con cóc là cậu ông trời mà!) cứ khó dễ tôi đến cùng. Nhưng lần này ỷ mình có đeo bảng tên trên ngực như ai, tôi cóc ngán nó. Tôi quay lưng bỏ đi sau khi buông thỏng một câu:
- Nhà tao nghèo không có tiền đi ép ni-lông như thiên hạ đâu!
Tôi nói là nói lẫy với Đại cho bỏ ghét. Hổng dè nhỏ Hiền nghe thấy. Đến giờ về, nó đến gần tôi, nhỏ nhẹ:
- Huy không có tiền đi ép ni-lông thì hôm nào đến nhà tui chơi, tui may bảng tên vô áo dùm cho.
Tôi ngớ người ra, chưa biết trả lời sao thì nó bỏ chạy mất. Đến khi tôi “tỉnh” lại thì nó đã trà trộn vào giữa đám con gái mất rồi.
Nó tên Hiền hèn gì nó hiền thiệt! Chắc nó tưởng nhà tôi nghèo rớt mồng tơi!
Chương 3:
Chiều nay tôi đến nhà nhỏ Hiền. Nhà nó nằm ở cuối chợ Cầu Ván, kế bên rãnh thoát nước đen ngòm. Đó là một căn nhà lụp xụp, tồi tàn, mái bằng tôn, cửa cũng bằng tôn, những tấm tôn cũ kỹ, gỉ và thủng lỗ chỗ.
Từ hôm nó đề nghị may bản tên cho tôi đến nay, hai đứa đều tránh nói chuyện với nhau. Tôi chẳng phải là đứa hiền lành gì nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi gặp nó tôi đều đâm ra lúng túng. Còn Hiền thì thấy tôi không nói gì về vụ đó, tấm bản tên nhàu nát vẫn lủng lẳng bướng bỉnh trên ngực áo, lại càng né mặt tôi. Có lẽ Hiền nghĩ là tôi tự ái.
Đang làm mặt lạ với nhau, đùng một cái tôi lò mò đến nhà Hiền, thiệt kẹt! Hơn nữa, con trai bọn tôi có “truyền thống” không chơi thân với đám con gái. Mặc dù trong lớp ngồi chung bàn nhưng khi ra chơi thì nam đi đường nam nữ đi đường nữ, rạch ròi. Tụi nó mà biết chiều nay tôi “đơn phương độc mã” tới “thăm” Hiền thì tụi nó chọc quê đến nước tôi phải độn thổ chứ không phải chơi. Thiệt khổ! Trăm sự cũng tại cái môn địa quái quỷ. Học mấy tuần rồi mà tôi cũng chưa vẽ nổi cái bản đồ Châu Âu. Thậm chí tôi còn không hình dung nổi nó hình vuông hay hình tam giác nữa là. Hổm rày ngồi trong lớp tôi cứ lo cãi nhau với thằng Đại riết, hết áo tới quần, hết tai tới tóc, có để tâm nghe giảng gì đâu.
Hồi trưa, lật thời khóa biểu coi tôi mới nhớ ngày mai có tiết vẽ bản đồ, vẽ xong còn phải ghi ký hiệu vùng nào có than, vùng nào dầu lửa, ôi thôi đủ thứ rắc rối trên đời! Tôi vội vàng phóc ngay qua nhà thằng Bảy nhưng nó đi thăm bà cô tít trên Nhà Bè tối mới về. Như vậy thì hỏng bét, không thể đợi nó được! Tôi nghĩ tới nghĩ lui một hồi và quyết định tới nhà Hiền. Hiền giữ cuốn sách địa lý duy nhất của tổ tôi. Hôm phát sách giáo khoa, không đứa nào thèm lấy cuốn địa. Đứa nào cũng thi nhau giành giật sách ngữ pháp, vật lý, hóa học và các cuốn bài tập toán.
Bảy đưa cuốn địa cho tôi, tôi gạt phắt:
- Tao lấy cuốn này làm gì! Đổi cho tao cuốn vật lý đi!
Cuối cùng nhỏ Hiền lãnh cuốn địa.
Tôi vừa len lỏi giữa mớ rau cải cá cua, hấp tấp nhảy tránh các bà đi chợ vừa tặc lưỡi tiếc rẽ: “Phải chi hôm đó mình lãnh cuốn địa cho rồi!”
Hiền không có nhà. Má nó đon đả:
- Ngồi chơi đi cháu! Cháu học chung lớp với Hiền hả! Tìm nó có chuyện chi không?
Nghe tôi nói đi mượn sách má nó bảo:
- Vậy thì cháu ngồi chơi chờ nó một chút! Nó cũng sắp về rồi!
Rồi bà đi rót nước mời tôi uống.
- Hiền đi đâu vậy bác? – Tôi hỏi.
- À, nó đi bán chè.
- Ủa, chè gì, bác? -Tôi ngạc nhiên.
Má Hiền cười:
- Thì chè ăn chớ chè gì, cháu! Chè đậu đen, đậu đỏ, xôi nước, đủ thứ vậy mà!
Tôi chưng hửng. Nhỏ Hiền lớp tôi đi bán chè? Ngộ thiệt! Học trò mà đi bán chè! Tôi cứ nghĩ đã là học trò thì chỉ đi học hoặc đi chơi thôi chớ. Như tôi và thằng Tin chẳng hạn, từ nhỏ tới lớn có bán chác gì đâu! Thằng Tin siêng thì chúi đầu vô tập, tôi làm biếng thì chạy rông ngoài đường, ngoài bãi bóng. Ai lại đi bán chè! Đó là chuyện của người lớn. Mình mà ngoác mồm rao “Ai ăn chè không?” rủi đứa bạn nào nghe thấy nó cười thúi đầu.
Dường như không để ý đến vẻ mặt ngơ ngác của tôi, má Hiền nói tiếp:
- Con Hiền đi bán từ một giờ đến bốn giờ chiều. Sau đó tới phiên bác bán tơi khuya. Cháu nghĩ coi, từ hồi bác trai sưng gan nghỉ hát tới giờ, một mình bác xoay xở sao nổi. Thành ra con Hiền nó phải phụ với bác một tay. Tội nghiệp, nó siêng học lắm, tối nào cũng thức học bài tới khuya. Năm ngoái, bác bệnh lên bệnh xuống, nó phải gồng gánh mọi việc nên bài vở bỏ bê, rốt cuộc không lên lớp nổi với người ta, nghĩ mà thương!
Nói xong, má nó chép miệng thở dài. Còn tôi thì nghe ngùi ngùi trong bụng. Té ra nhỏ Hiền cực thiệt. Ở lớp, nhìn bộ tịch chững chạc, mặt mày lúc nào cũng tươi cười, ai biết nó về nhà phải bán phụ gia đình vất vả như vậy.
Tôi tò mò quan sát căn nhà. Hình như nhà Hiền còn nghèo hơn nhà Bảy. Bảy còn có bàn học chớ ở đây chẳng có gì ráo. Có mỗi cái bàn con con thì đã dùng làm bàn thờ mất rồi. Ở góc nhà có cái giường tre, lủng lẳng phía trên là cái kệ nhỏ cột ép vô vách bằng dây kẽm, chứa đầy sách vở. Có lẽ đó là chỗ ngủ đồng thời là chỗ ngồi học của Hiền. Nãy giờ, chủ khách đều ngồi trên những chiếc ghế con, giống như loại ghế bày ở các quán cóc, và ở giữa cũng là một cái ghế con cùng loại giả làm bàn, trên để hai ly nước.
- Uống nước đi cháu! – Má Hiền giục tôi.
- Dạ!
Tôi cầm ly nước lên nhưng chưa kịp uống đã vội vã đặt ngay xuống. Hiền, với quang gánh trên vai, xuất hiện thình lình ngay trên ngạch cửa.
- Huy tới chơi hả? Bạn tới lâu chưa?
Hiền hỏi mà như reo. Nó hấp tấp bước lại góc nhà đặt gánh chè xuống. Chắc nó không ngờ tôi tới nhà nó hôm nay.
- Cũng mới tới! – Tôi cười, trả lời.
Má Hiền hỏi:
- Bán hết không con?
Hiền vui vẻ:
- Hết sạch, má!
Không hiểu sao tôi cảm thấy vui lây cái vui của Hiền.
Trong khi má nó đem gánh chè xuống nhà dưới chuẩn bị cho buổi bán tối thì nó lại ngồi sát bên tôi. Dang nắng cả buổi nên mặt Hiền đỏ bừng, những sợi tóc mai dính bết vào hai bên thái dương. Nó hỏi nhưng mắt thì nhìn chổ khác:
- Huy có mang bản tên tới không?
Tôi đoán đằng nào Hiền cũng hỏi câu đó. Thiệt y chang! Tôi tươi tỉnh móc từ túi áo ra tấm bảng tên ép ni-lông đàng hoàng, đẹp không thua gì cái của thằng Bảy:
- Mình có mang đây nè!
Hiền trố mắt:
- Ủa, Huy ép ni-lông rồi hả? Hay quá hén! Tưởng chưa thì Hiền may giùm cho!
Mặt Hiền lộ vẻ thất vọng pha lẫn ngạc nhiên. Tôi không để Hiền ngạc nhiên lâu:
- Mình tới mượn Hiền cuốn sách địa.
Nói xong, tôi hơi ơn ớn. Tôi sợ nó móc ngoéo việc tôi tẩy chay cuốn địa bữa trước. Nhưng hình như Hiền đã quên chuyện đó, nó lục trên kệ lấy cuốn địa đưa tôi:
- Huy vẽ bản đồ chớ gì?
- Ừa.
Hiền rụt vai:
- Bản đồ Châu Âu khó lắm đó. Năm ngoái Hiền vẽ rồi mà năm nay vẽ còn sai.
- Vậy hả?
Tôi nói mà mắt thì nhìn quanh.
- Huy tìm gì vậy? – Hiền thắc mắc.
Tôi hạ giọng:
- Ba Hiền đâu rồi?
- Ổng đi nhậu rồi. Ổng nhậu tối ngày. Huy hỏi ổng chi vậy?
Tôi tò mò:
- Hồi trước ổng là ca sĩ hả?
- Đâu có! Ổng đóng tuồng.
- Tuồng gì?
- Cải lương đó!
Tôi xuýt xoa:
- Má tôi mê cải lương lắm! Ba bạn giỏi quá hén?
Hiền thở dài:
- Đó là hồi xưa! Ổng nhậu riết, sưng gan, nghỉ hát luôn. Vậy mà bây giờ ổng cứ xỉn hoài, can không được!
Tôi lại hỏi, không quan tâm đến lá gan cho lắm:
- Đi nhậu về, ổng có ca cải lương cho bạn nghe không?
Hiền lắc đầu:
- Có gì đâu mà ca! Ổng chuyên đóng vai nịnh không hà!
Rồi dường như không thích nói chuyện về cha mình, Hiền lảng sang chuyện khác:
- Huy giỏi toán không?
Tôi giật thót người. Sao khi không con nhỏ này hỏi câu độc vậy cà! Đang nói cải lương tự nhiên lại quay sang toán, thiệt lãng xẹt! Tôi khụt khịt mũi, nói lấp lững:
- Cũng tàm tạm!
Chữ “tàm tạm” ngó vậy mà rất hay. Nó vừa có nghĩa không giỏi lắm (ai mà dám vỗ ngực tự xưng là giỏi?) vừa có nghĩa không dở lắm, tóm lại là vừa đủ sức đua tài với thiên hạ. Nó còn toát ra vẻ khiêm tốn kiểu bề trên, như ẩn giấu một sứ mạng bí mật đáng sợ.
Tôi tưởng Hiền hỏi cho biết vậy thôi, ai dè nó lại thò tay vô kệ lôi cuốn bài tập toán ra. Nó rút sách mà tôi cảm giác như nó rút gươm.
Nó “vung gươm lên”:
- Hôm qua học đại số. Hiền chưa hiểu lắm phương pháp dùng hằng đẳng thức, Huy giảng lại dùm Hiền nghen!
Tôi “né”:
- Thôi để hôm khác đi. Hôm nay mình phải vô bệnh viện thăm đứa em bị bệnh. Phải đi sớm không thì bệnh viện đóng cửa.
Thế là tôi phóng một mạch, quên cả chào mẹ Hiền. Còn Hiền thì chưa kịp hỏi thăm bệnh tình em tôi đã thấy tôi mất hút trong chợ. Chắc nó thắc mắc dữ lắm, tôi nhủ bụng, nhưng thôi, kệ nó, mình phải lo cái mạng mình, khi nãy mà nán lại thì rắc rối to! Chỉ tội là tội thằng Tin, tự nhiên bị tôi “trù”, rủi nó bệnh thiệt thì nguy. Mà không hiểu sao khi nói dối, miệng tôi trơn như thoa mỡ, không vấp lấy một chữ. Thiệt lạ lùng! Tôi thở dài một tiếng, không biết là nên vui hay nên buồn.
* * *
Tôi kể cho má tôi nghe chuyện nhỏ Hiền. Rồi kết luận:
- Tội nó ghê hén má?
- Ừ.
Má tôi đồng tình với nhận xét của tôi, nhưng dường như thấy còn thiếu nên má tôi bổ sung:
- Con cái người ta thì như vậy đó. Đi học về phải phụ giúp gia đình. Thằng Bảy con bác Tám Ngữ cũng vậy, về nhà là giúp má bán kẹo, trông em. Còn mày thì chẳng được cái tích sự gì, nội chuyện lặt vặt trong nhà cũng làm không xong, lúc nào cũng đùn cho thằng Tin.
Thằng Tin đứng cạnh vỗ tay hét ầm lên:
- Lêu lêu, mắc cỡ! Lêu lêu!
Tôi phụng phịu:
- Tại má không kêu con làm!
- Hơi đâu việc gì cũng kêu! Hễ thấy cái gì trái con mắt thì tự động dọn dẹp chớ! Lớn rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa!
Bị má rầy, tôi...