-
KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
Văn Mẫu Lớp 9 : Phân tích truyện Bến quê để thấy tài năng của Nguyễn Minh Châu
Đề: Phân tích truyện Bến quê để thấy tài năng của Nguyễn Minh Châu trong việc miêu tả tâm lí nhân vật.
BÀI LÀM
Nguyễn Minh Châu (1930-1989), quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một nhà văn quân đội có nhiều đóng góp cho nền văn học chống Mĩ. Sau năm 1975, sáng tác của Nguyễn Minh Châu đặc biệt là truyện ngắn, đã thể hiện được những tìm tòi đổi mới quan trọng về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần đổi mới văn học nước ta.
Truyện ngắn Bến quê của ông được viết sau chiến tranh, hướng vào đề tài thế sự. Truyện không có những tình huống gay cấn nín thở, không có những pha tình cảm sướt mướt mùi mẫn, mà hấp dẫn người đọc bởi ngòi bút phân tích tâm lí nhân vât tinh tế. Chứng tỏ tấm lòng đôn hậu, sự am tường tâm hồn con người, sự trăn trở về cuộc đời của nhà văn. Truyện được kể theo cái nhìn và tâm trạng của nhân vật Nhĩ.
Qua khung cửa sổ của gian gác xép nhà anh, Nhĩ quan sát và cảm nhận cảnh vật từ gần đến xa tạo thành một không gian có chiều sâu, rộng : từ những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng lúc đã vào thu, đến vòm trời và sau cùng là bãi bồi bên kia sông. Nhĩ đã nhận ra vẻ đẹp riêng của thiên nhiên. Đó là những chùm hoa bằng lăng cuối mùa như đậm sắc hơn, cánh hoa tím thẫm như bóng tối, là con sông Hồng màu đỏ nhạt, là vòm trời cao hơn, và đặc biệt anh đã nhận ra vẻ đẹp đơn sơ mà đầm ấm trù phú của bãi bồi bên kia sông. \"Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cưả sổ nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ\".
Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, nhưng lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh nhìn thấy và suy nghĩ về nó. Tác giả đã miêu tả đúng tâm lí của một người ốm lâu ngày không được ra ngoài nên thấy cái gì cũng lạ, cũng ngỡ ngàng như trẻ nhỏ. Hơn thế, Nhĩ còn biết thời gian của đời mình chẳng còn được bao lâu nữa, nên anh muốn thu nhận tất cả vẻ đẹp giản dị, gần gũi vào lòng.
Tác giả không chỉ miểu tả tinh tế những cảm nhận của Nhĩ trước thiên nhiên mà còn thể hiện rất chính xác những cảm giác và suy ngẫm của Nhĩ để rồi vào những ngày cuối cùng, anh phát hiện ra quy luật giống như một nghịch lí của đời người.
Hoàn cảnh của Nhĩ thật trớ trêu. Cả đời đi không thiếu một xó xỉnh nào trên thế giới, thế mà cuối cùng lại bị cột chặt vào giường bệnh, mọi sự phải trông cậy vào vợ con. Trong buổi sáng được Liên, vợ anh, đỡ cho ngồi dậy, bón cho từng thìa cháo, anh đã nhận ra bằng trực giác rằng thời gian của đời mình sắp hết. Chính vì thế anh rất nhạy cảm với sự trôi nhanh của thời gian. Mấy bông hoa bằng lăng cuối cùng trên cành, cái ánh nắng chói loà của mùa hạ ngoài bên sông đã nhạt dần báo cho anh biết mùa hạ sắp hết, mùa thu đang đến, cũng có nghĩa là cuộc sống của anh đang ngắn dần.
Đặc biệt là tiếng đất lở ở bờ sông do những cơn mưa nguồn báo hiệu một mùa dông bão sắp đến cứ dội vào giấc ngủ hằng đêm như nhắc nhở anh những bước đi của thời gian, cũng là những bước chân đưa anh vào cõi vĩnh hằng. Anh đang đếm từng ngày sự sống nên thường hỏi vợ \"Đêm qua lúc gần sáng em có nghe thấy tiếng gì không\", và \"Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ\". Trong những ngày ấy, Nhĩ đã cảm nhận được nỗi vất vả của vợ qua tấm áo vá cô đang mặc mà lần đầu tiên anh để ý thấy, cảm nhận được hết tình yêu thương, sự tần tảo, đức hi sinh của Liên qua những ngón tay gầy guộc cô vuốt ve vai chồng, qua bước chân cô rón rén xuống cầu thang mòn lõm. Lúc này Nhĩ mới thấu hiểu vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của tâm hồn Liên với lòng biết ơn sâu sắc \"...Cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm...Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này\".
Những trớ trêu trên đường đời Nhĩ gặp phải không hoàn toàn là một đòn giáng của số phận đối với anh. Trái lại từ hoàn cảnh của mình, anh nhận ra giá trị của những gì gần gũi nhưng bền vững đối với mỗi con người. Hoàn cảnh đã giúp anh khám phá hết vẻ đẹp của vợ, cũng giúp anh khám phá ra vẻ đẹp của cái bãi bồi bên kia sông nơi bến quê thân thuộc. Đó là \"một chân trời gần gũi\". Vậy mà cả đời, anh đã không đoái tưởng đến, để bây giờ anh cảm thấy nó thân thiết nhưng lại xa lắc vì không bao giờ anh còn có thể đặt chân lên đó được nữa. Đây là phút độc thoại tự phê phán của nhân vật. Trong tâm lí nhân vật, đây không phải là trạng thái nặng nề của sự cắn rứt lương tâm, vì không một lời nào trong tác phẩm phủ nhận những gì anh đã đi qua, đã sống và hiến dâng cho sự nghiệp. Đây chỉ là một niềm hối tiếc pha chút ân hận.
Sao trong những năm tháng tuổi trẻ, trải bước khắp mọi chân trời xa lạ, ta lại không một lần ngoái nhìn cái bến quê thân thuộc, nơi ta đã sinh ra, lớn lên thành người và giờ đây lại sắp đón ta về trong lòng đất mẹ. Chính vì vậy, trong Nhĩ bừng lên niềm khao khát vô vọng là được đặt chân một lần lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy là sự thức tỉnh những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của cuộc sống. Nguyễn Minh Châu đã dẫn dắt câu chuyện qua diễn biến tâm trạng nhân vật Nhĩ. Từ việc nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, Nhĩ khát khao được đến đó nhưng không thể thực hiện được, anh phải nhờ đến cậu con trai. Nhưng Tuấn không hiểu ý bố, nên miễn cưỡng nhận lời. Thế rồi trên đường đi cậu sa vào đám chơi cờ thế trên phố, để lỡ mất chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Do con trai sa đà, bỏ lỡ mất chuyến đò ngang mà Nhĩ nghiệm ra cái quy luật phổ biến của đời người \"con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình\". Anh không trách đứa con trai, bởi vì cũng như anh thời trai trẻ \"nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu\". Từ chiêm nghiệm đó, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã cố hết sức dồn vào một cử chỉ có vẻ kì quặc. \"Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh gầy guộc ra ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó\". Hành động cuối cùng của Nhĩ có thể hiểu anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Nhưng nó còn gợi ra ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý muốn thức tỉnh mọi người : hãy cố gắng tránh những cái vòng vèo, chùng chình trên đường đời, những cái mà chúng ta rất dễ vô tình sa vào, để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững của cuộc sống.
Bằng cách đặt nhân vật vào những tình huống trớ trêu như một nghịch lí (người đi rất nhiều, đi khắp mọi nơi trên thế giới thì cuối cùng lại không thể tự mình dịch chuyển vài chục xăng ti mét trên giường bệnh, đi nhiều nơi, biết đủ mọi vẻ đẹp của các miền đất nhưng có một cái bến quê gần gũi thì anh lại không biết đến, lúc bị bệnh toàn thân bất toại, anh mới nhận ra vẻ đẹp của nó, muốn tự mình khám phá thì niềm mong muốn ấy đã trở nên vô vọng), Nguyễn Minh Châu đã miêu tả những suy ngẫm của Nhĩ một cách lô gích, tự nhiên.
Đó là sự đúc kết về những giá trị nhân bản trong cuộc sống, cái được, mất của đời người. Như vậy nhân vật Nhĩ trong truyện là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau năm 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lí về cuộc đời và con người. Nhưng nhân vật không bị biến thành cái loa phát ngôn cho tác giả. Những chiêm nghiệm, triết lí đã được chuyển hoá vào trong đời sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến của tâm trạng dưới sự tác động của hoàn cảnh được miêu tả tinh tế, hợp lí.
• Bài Viết Cùng Chủ Đề