-
KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
Văn Mẫu Lớp 9 : Hình ảnh Tú Xương trong bài thơ Năm mới chúc nhau
Lặng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen naỳ ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu.
Lặng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước, đứa mua quan,
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Nó lại mừng nhau cái sự giàu,
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu ?
Phen này ắt hẵn gà ăn bạc,
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.
Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bé nhau lên nó ở non.
BÀI LÀM
Một năm mới lại đến nhưng là một năm mới khác hẳn, nhất là ở chốn thị thành. Bên cạnh “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” cổ truyền có tiếng bật nút rượu sâm banh, mở nắp hộp sữa bò ... Những cụ già khăn đóng áo the, những cô yếm đỏ, răng đen, váy lụa sồi lặng lẽ đi bên cạnh gái tân thời “chí cha chí chát khua giầy dép”. Và nếu như những “năm mới” trước đây, người ta chúc mừng nhau đầm ấm, nhuần nhị, khiêm nhường theo phong tục á-Đông thì bây giờ nhiều kẻ phởn phơ, nói cười chúc tụng lẫn nhau oang oang theo kiểu Tây phương. Đây chả là năm mới của một “thời mới”.
Thời có mùi thực dân đô hộ mà ! Giữa cái năm mới của một loại “xu thời”, nhố nhăng ấy, có một người quan sát và sau đó ghi lại thành một kí sự - giai phẩm để đời. Người ấy có tên là Tú Xương, còn thiên “kí sự” kia là một bài thơ - bài Năm mới chúc nhau. Bài thơ lẽ dĩ nhiên nổi lên nội dung đả kích, châm biếm cái xã hội cùng bọn người chướng tai gai mắt nọ. Nhưng điều đáng nói và ta sẽ nói ở đây là bài thơ còn cho ta thấy hình ảnh con người đã viết nên bài thơ - Hình ảnh Tú Xương.
Bài thơ có 4 khổ, tả cái cảnh “năm mới chúc nhau” của bọn người hãnh tiến trong xã hội thực dân nửa phong kiến lai căng. Cái đám “tôm tép văng mình đã sướng chưa”. Nhưng gần như thái độ “người tả” là thái độ “im lặng” đến tuyệt đối. Có chăng ông chỉ nhếch miệng cười mỉa, “ngẫm nghĩ” cách mình đáp trả lại chúng mà thôi. Qua bài thơ, ta chỉ thấy Tú Xương “lẳng lặng” nghe và chăm chú “nhìn” đấy thôi ! Nào là “lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau” hoặc “Nó lại mừng nhau cái sự giàu”. Ông Tú có nói một lời nào đâu. Dẫu cho sau khi nghe và nhìn, ông có viết “phen này ông quyết”, “phen này ắt hẳn” thì đó cũng chỉ ông “tự nghĩ” khi được chứng kiến, khi chính ông “tai nghe, mắt thấy”. Nhưng cùng với thái độ im lặng, ông Tú có một “cái nhìn soi mói chết người” cái đám nhố nhăng kia. Ông không “đánh tiếng” cho chúng biết. Ông chỉ nghe, chỉ nhìn, song cái gì ông cũng nghe, cũng nhìn và đã thấy hết, hiểu hết về chúng. Vì vậy, người ta thấy qua bài thơ, hiện lên một con người dám “đơn thương độc mã”, một mình gườm gườm nhìn bọn ầm ĩ, xô bồ, đối đầu, đương đầu với chúng trong cái năm mới ấy. Để ông châm biếm, đả kích, mỉa mai, bình luận sâu cay. Ông không dùng đại từ số nhiều “chúng” để gọi bọn ấy. Ông dùng “nó” : “nó chúc nhau” “nó mừng nhau”... ấy là ông gộp chúng lại, chỉ cả một loại người thị dân hãnh tiến ... Không nói, im lặng, ông chỉ nhìn và nghe những “đứa” những “nó” om sòm chúc tụng nhau nhân dịp năm mới. Với thái độ khinh bỉ, ông ném ra một tiếng cười lớn như muốn tung hê tất cả. Nhưng ở chiều sâu của cõi tâm mình, ông cảm thấy thật buồn đau. Đây là trường hợp mà Nguyễn Công Trứ từng nói đến : “khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”.
Hình ảnh Tú Xương với cái nhìn ấy, với tiếng cười ấy sẽ còn sống mãi trong văn chương để giúp người đời sau hiểu được thực trạng xã hội Việt Nam một thời và để biết đau buồn cái đau buồn lớn của nhà thơ.
• Bài Viết Cùng Chủ Đề