-
KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
Truyện Chiếc Đèn Mẫu Đơn Kinh Dị
Họ Phương sau khi chiếm được Chiết Đông, hằng năm đến ngày rằm tháng Giêng, cho châu Minh được treo đèn năm ngày, trai gái trong thành đều được đi xem thỏa thích. Năm Canh Tý niên hiệu Chí Chính (một ngàn ba trăm sáu mươi), có Kiều Sinh nhà ở dưới núi Trấn Minh, mới góa vợ, ở một mình buồn tẻ nên không đi chơi, chỉ tựa cửa đứng xem mà thôi. Cuối canh ba hôm rằm, người đi chơi vắng dần, chợt Kiều Sinh thấy một a hoàn cầm cây đèn lồng hình hai bông hoa mẫu đơn đi trước, cô gái đẹp đi sau, tuổi chừng mười bảy, mười tám, quần hồng áo biếc, yểu điệu thướt tha, theo chân nhau đi về phía tây. Đứng ngắm dưới trăng, chàng thấy nàng trẻ trung, thật là bậc quốc sắc. Hồn phách bay bổng, chàng không sao kiềm chế nổi, bèn bước theo nàng, lúc đón trước, lúc theo sau. Đi chừng mấy chục bước, cô gái đẹp bỗng ngoảnh mặt lại mỉm cười bảo.
- Không có lời hẹn trong dâu mà lại có cuộc gặp gỡ dưới nguyệt, hẳn không phải ngẫu nhiên đâu nhỉ?
Kiều Sinh vội chạy lên trước, chắp tay mà rằng:
- Tệ xá ở gần gang tấc, chẳng hay giai nhân có đoái đến chăng?
Cô gái không tỏ vẻ khó chịu, gọi a hoàn bảo:
- Kim Liên, hãy cầm đèn cùng đi!
Rồi cùng với Kim Liên quay trở lại. Chàng dắt tay cô gái vào nhà, vui mừng cùng cực, tự cho chẳng kém gì cuộc gặp gỡ ở Vu Sơn, Lạc phố. Chàng hỏi tên tuổi và chỗ ở, cô gái nói:
-Thiếp họ Phù, tên là Lệ Khanh, tên chính là Thấu Phương, con gái Phán quan châu Phụng Hóa trước kia. Cha mẹ thiếp đều mất cả, gia cảnh sa sút, đã không anh em lại ít bà con, chỉ có một thân, cùng Kim Liên tạm ở phía tây hồ.
Kiều Sinh giữ nàng ở lại qua đêm. Nàng cử chỉ đáng yêu, nói năng diệu dàng, bèn buông màn kê gối, vui thú hết mực. Trời sáng, nàng từ biệt ra về, tối lại đến, cứ như thế gần nửa tháng. Ông hàng xóm sinh nghi, chọc vách nhòm sang thì thấy một bộ xương trang điểm phấn son ngồi dưới đèn cùng Kiều Sinh. Ông sợ quá, ngay sáng ra sang căn vặn chàng nhưng chàng giấu không chịu nói. Ông bèn bảo:
- Ôi, cậu nguy rồi! Người ta là khí thuần dương cực thịnh, ma quỷ là khí tà uế chốn âm ty. Nay cậu cùng cùng ở với con ma nơi u âm mà không hay, cùng ngủ với vật tà uế mà không tỉnh, một mai khi chân nguyên cạn kiệt, tai họa ắt đến. Tiếc thay, người đang tuổi thanh xuân mà thành khách nơi suối vàng, há chẳng đáng buồn sao?
Kiều Sinh bấy giờ mới thất kinh, kể hết nguyên do. Ông hàng xóm bảo:
- Nó bảo con tạm ngụ ở phía tây hồ, cậu nên đến đó tìm thì sẽ biết ngay.
Chàng nghe lời đi thẳng đến mé tây Nguyệt Hồ. Đi quanh quẩn mãi trên đê, dưới cầu, hỏi cả cư dân lẫn khách qua đường, họ đều nói chẳng có ai như thế. Mặt trời sắp lặn, chàng bèn đi vào chùa giữa hồ nghỉ chân, dạo hết hành lang phía đông lại ngoặt sang hành lang phía tây, đến tận cùng hành lang thì thấy một gian buồng tối, trong buồng đặt một quan tài của khách qua đường, giấy trắng trên nắp ván thiên viết: “Quan tài Lệ Khanh, con gái Phán quan họ Phù châu Phụng Hóa trước kia”. Trước linh cữu treo một cái đèn lồng hình hai bông mẫu đơn, dưới đèn có con hầu bằng đồ mã, sau lưng đề hai chữ Kim Liên. Kiều Sinh nhìn thấy thế, râu tóc dựng ngược, khắp người sởn gai, chạy bổ ra khỏi chùa không dám ngoái lại. Đêm ấy chàng ngủ nhờ bên ông hàng xóm, sắc mặt hiện rõ vẻ lo lắng sợ hãi. Ông hàng xóm bảo:
- Pháp sư họ Ngụy ở quán Huyền Diệu vốn là học trò của Vương chân nhân ở Khai Phủ, nổi tiếng về bùa chú hiện thời. Cậu nên đến ngay đấy mà cầu xin.
Sáng hôm sau, Kiều Sinh đến ngay, pháp sư trông thấy chàng kinh ngạc nói:
- Khí yêu ma đầy đặc thế kia, làm sao đến đây?
Chàng sụp lạy trước chỗ ngồi, kể hết chuyện mình. Pháp sư bèn cho hai lá bùa đỏ, bảo để một lá ở cửa, một lá ở giường, lại dặn không được đến ngôi chùa giữa hồ nữa. Chàng cầm bùa trở về đặt như lời dặn, từ đấy cô gái kia quả nhiên không thấy đến nữa.
Hơn tháng sau, chàng đến thăm người bạn ở chùa Cổn Tú, bạn giữ lại uống rượu, say quá quên mất lời dặn của pháp sư, rẽ ngay vào con đường qua ngôi chùa giữa hồ để về nhà. Gần tới cửa chùa đã thấy Kim Liên đến trước mặt lạy chào, thưa rằng:
- Cô đợi tôi mãi, sao cậu lại bạc tình như thế?
Bèn cùng Kiều Sinh đi tới hành lang phía tây, rồi đi thằng vào phòng. Lệ Khanh đã ngồi ở đấy, kể tội chàng rằng:
- Thiếp cùng chàng vốn không quen biết, tình cờ gặp nhau dưới đèn, cảm ý của chàng mà thờ chàng hết lòng, đêm đến sáng đi, không bạc bẽo với chàng, cớ sao chàng lại đi tin lời lão đạo sĩ yêu ma đó mà sinh bụng nghi ngờ, lại còn toan đoạn tuyệt hẳn nữa sao? Bạc tình thế cho nên thiếp hận chàng lắm đấy! Nay may được gặp, thử xem chàng có bỏ được nữa hay không?
Lập tức nàng nắm lấy tay Kiều Sinh cùng đến trước quan tài. Quan tài tự mở nắp, cô gái kéo chàng cùng vào. Quan tài tự mở nắp, cô gái kéo chàng cùng vào, nắp liền đậy ngay lại. Thế là Kiều Sinh chết trong quan tài.
Ông hàng xóm thấy chàng không về lấy làm lạ, tìm hỏi khắp nơi xa gần, tới khi tìm đến căn phòng quàn linh cửu trong chùa thì thấy vạt áo của Kiều Sinh thò một mẩu ngoài áo quan. Ông bèn xin với sư trụ trì mở ra thì Kiều Sinh chết đã lâu, nằm úp vào xác cô gái, còn mặt mày cô gái vẫn tươi như lúc sống. Sư than thở:
- Đây là con gái ông họ Phù làm Phán quan châu Phụng Hóa, khi chết mới mười bảy, tạm quàn ở đây. Cả nhà cô ta đã đi lên miền Bắc, không được tin tức gì, đến nay đã mười hai năm, không ngờ lại tác quái như thế!
Sư bèn cho chôn quan tài của cô gái cùng Kiều Sinh ở ngoài cửa tây. Từ đấy trở đi, ngày nào mây âm u, đêm nào trăng mờ tối, thường thấy Kiều Sinh cùng cô gái dắt tay nhau đi, con hầu cầm đèn mẫu đơn đi trước dẫn đường, ai gặp phải đều ốm nặng, hết nóng lại rét. Nếu biết mà làm việc công đức, cúng rượu thịt thì có thể khỏi, bằng không thì ốm liệt giường. Dân chúng sợ hãi, đều đến quán Huyền Diệu kêu với pháp sư họ Ngụy. Ngụy pháp sư nói:
- Bùa chú của ta chỉ trừ được khi chúng chưa tác quái. Nay đã đến thế, không biết làm sao! Nghe nói có đạo nhân Thiết Quân ở trên đỉnh núi Tứ Minh dẹp được quỷ thần, pháp thuật linh nghiệm lắm, các ngươi nên đến đó mà cầu xin.
Mọi người bèn lên núi, vịn dây bám rễ, lội suối vượt khe. Lên đến tận núi, quả có một am cỏ, đạo nhân đang ngồi tựa kỷ, xem tiểu đồng điều khiển con hạc. Mọi người sụp lạy trước am, nói lý do phải tìm đến. Đạo nhân bảo:
- Ta là người ở ẩn chốn rừng núi, chẳng bao lâu cũng sẽ chết, làm gì có thuật lạ? Các người quá nghe đó thôi!
Thấy đạo nhân nghiêm nét mặt từ chối, dân chúng thôi:
- Chúng tôi vốn không biết, đó là do pháp sư họ Ngụy ở quán Huyền Diệu chỉ giáo cho như vậy! Bấy giờ đạo nhân mới tươi nét mặt nói:
- Ta không xuống núi đã sáu chục năm nay, tên học trò bẻm mép làm phiền ta phải ra đi rồi!
Bèn cùng tiểu đồng xuống núi, bước đi thoăn thoắt, đến thẳng ngòai cửa tây, kết đàn phương trượng, ngồi xếp bằng ngay ngắn trên chiếu rồi vẽ bùa đem đốt. Bỗng thấy mấy thiên tướng được bùa gọi đến, áo gấm khăn vàng, giáp sắt giáo nhọn, đều cao hơn trượng, đứng sừng sững dưới đàn, khom lưng chờ lệnh. Đạo nhân ra lệnh:
- Ở đây có tà ma gây họa, quấy nhiễu sinh dân, các người há không biết hay sao? Mau mau xua chúng đến đây!
Mấy thiên tướng vâng lệnh đi, chốc lát đã gông cổ, cùm tay cô gái, Kiều Sinh cùng Kim Liên giải tới, rồi roi hèo tới tấp đánh xuống, máu túa dầm dề. Đạo nhân quát mắng một hồi, bắt phải cung khai. Thiên tướng lấy giấy bút đưa cho, ba người cung khai đến mấy trăm lời, nay chép đại lược như sau:
Kiều Sinh khai:
- Trộm nghĩ, góa vợ, cô đơn một mình tựa cửa, phạm vào lời răn chữ sắc, động tới ý muốn đa dâm; chẳng quyết đoán khi gặp rắn hai đầu như Tôn Sinh, để đến nỗi yêu con chồn chín đuôi như Trịnh Tử. Việc đã trót rồi, hối không kịp nữa.
Cô gái họ Phù khai:
- Trộm nghĩ, lúc lìa đời, ban ngày không bạn; sáu phách tuy rời, một hồn chưa nát. Trước đèn dưới trăng, gặp kẻ oan gia vui thú năm trăm năm về trước; trên đời, trong dân, làm câu chuyện kể phong lưu cho ngàn vạn người sau. Mê muội chẳng biết quay về tội thật không còn thể trốn.
Kim Liên khai:
- Trộm nghĩ, cật tre làm cốt, bôi trắng thành hình. Mồ mả chôn vùi, chẳng biết ai đem dùng làm đồ mã; tinh nhanh mặt mũi, tựa hình thể người nhưng thấp kém hơn. Đã có tên để gọi, chỉ còn thiếu tính linh; nhân đó mà được thể, đâu dám làm yêu tinh!
Khai xong, thiên tướng cầm lên đưa trình. Đạo sĩ cầm cây bút to phê rằng:
- Mảng nghe, Vua Vũ đúc vạc đỉnh mà dâm thần, gian quỷ chẳng kẻ nào giấu được hình; Ôn Kiều đốt sừng tê mà phủ nước cung rồng đều phải hiện ra hình trạng. Nghĩ rằng, u minh khác nẻo, ngụy trá đa đoan; người gặp phải bất lợi cho người, vật gặp phải có hại cho vật. Cho nên quỷ Đại Lịch vào trong cửa mà Tấn Cảnh Công băng, lợi yêu ma kêu ngoài đồng mà Tề Tương Công chết. Giáng họa làm yêu gieo tai gây nghiệt; cho nên, trên trời đặt ra viên tướng chém tà, dưới đất bày ra các ti phạt ác. Khiến cho, bốn loài quỷ quái không được dung thứ làm điều gian; dạ xoa, la sát chẳng được tha hồ gieo bạo ngược. Huống hồ, nay thuở thanh bình, ấy thời phẳng lặng. Thế mà, biến hóa hình hài, dựa vào cây cỏ; sớm sao xế trăng tàn, đêm gió mưa mờ tỏ, kêu trên xà mà thành tiếng, nhòm vào buồng mà vô hình; nhặng lượn, chó vờn, bê dữ, sói tham, nhanh như gió vút, nóng tựa lửa hun. Trai họ Kiều do còn tham dâm, sống đã biết đấy! Kim Liên kia thàng quái, mượn vật chôn dối càn; lừa đời hại dân, trái luật phạm pháp. Chồn cáo thong dong mà dâm đãng, cun cút bay nhanh mà bất lương, thói ác đã quá, tội lỗi không dung! Hố hãm người từ nay lấp kín, trận mê hồn từ nay mở tung; thiêu hủy cây đèn hai ngọn, áp giải tới ngục âm cung! Lời khai đầy đủ, kẻ nọ chấp hành! Cấp cấp như luật lệnh!
Tức thì ba người khóc lóc dùng dằng, bị tướng nhà trời vừa xua vừa lôi đi. Đạo nhân phất tay áo trở lên núi. Hôm sau dân chúng lên núi tạ ơn thì không thấy đạo nhân đâu nữa, chỉ còn am cỏ mà thôi. Vội đến quán Huyền Diệu gặp pháp sư họ Ngụy để hỏi thì ông ta vừa bệnh thành câm, không nói được nữa.
• Bài Viết Cùng Chủ Đề