-
KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
Hướng Dẫn Chụp Ảnh Đẹp Trên Các Điện Thoại
Với một chiếc camera điện thoại, phong cảnh là chủ đề dễ chụp nhất. Bản thân phong cảnh là một trong những chủ đề phổ thông nhất của chụp ảnh. Phong cảnh vốn tĩnh, người chụp có nhiều thời gian để lựa chọn góc máy và khung ảnh phù hợp. Hơn nữa, quanh năm chủ đề phong cảnh đều có thể chụp, vừa phong phú vừa có sự khác biệt do thời tiết, ánh sáng từng thời điểm trong ngày, theo mùa… Nhưng, vì nó phổ thông và quá nhiều người chụp, những cảnh nổi tiếp và đẹp thì càng nhiều người tìm chụp, nên để tạo ra khung ảnh đẹp hơn, mới lạ hơn thì rất khó. Thành ra, “ảnh phong cảnh lại chính là thử thách lớn nhất và cũng dễ là nỗi thất vọng lớn nhất” (Ansel Adam).
Để có những khung ảnh về phong cảnh tốt, ngoài điều kiện thiết bị ghi hình còn cần một số kiến thức cần thiết. Về thiết bị, với tính chất chủ đề phong cảnh, người chụp cần dùng ống kính nhiều tiêu cự và có thể linh hoạt khép khẩu độ. Thế nhưng với điện thoại, camera cố định một tiêu cự và cả khẩu độ, nên chắc chắn có nhiều hạn chế. Vì vậy, để phần nào có được bức ảnh phong cảnh đỡ “hạn chế”, chúng ta sẽ phải khai thác nhiều hơn về những yếu tố khác. Đó là mục đích của bài này, dành cho các bạn mới chơi.
Phần 1: Chọn, tìm hiểu, làm chủ thiết bị điện thoại.
Phần 2: Chụp ảnh cơ bản và xác định chủ đề chụp bằng điện thoại
Phần 3: Những yếu tố quyết định cho một khung ảnh trước khi bấm chụp bằng điện thoại
Phần này chúng ta thử trao đổi về chụp ảnh chủ đề phong cảnh bằng điện thoại.
Lumia 1020 – Nhà thờ Đức Bà Saigon
Với cái máy chụp ảnh, mọi hiện tượng và sự việc đều không hề có cảm giác, ý nghĩa hay giá trị gì ngoài giá trị đồ hoạ của những hình khối, kết cấu các thành phần, màu sắc, độ đậm nhạt…; không hề có chuyển động hay sự sống, chỉ là rõ nét hay mờ nhoè kéo vệt mà thôi; không hề có ánh nắng chói chang hay bóng tối mù mịt, chỉ là một dải sắc độ mà thôi. Bởi vậy, người chụp sẽ phải xem xét những tính chất ấy với con mắt nhiếp ảnh, là xem xét về bố cục, ánh sáng, màu sắc, phối cảnh. Kiểm soát càng tốt các yếu tố ấy, ấn tượng của bức ảnh càng được mạnh mẽ.
A. Xem xét bố cục
Chúng ta đã bắt đầu với việc tập tành bố cục kinh điển khô cứng thế này rất nhiều rồi:
Khi đưa máy điện thoại lên, bạn sẽ phản xạ chọn khung ảnh theo bố cục phù hợp, để đối tượng cần chụp được nổi bật hoặc ấn tượng. Bước sơ khởi vẫn là tuân theo “Bố cục theo tỷ lệ vàng 1/3″. Khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. . Khi quen dần, điều này sẽ gần như trở thành hoạt động vô thức khi mắt bạn đưa vào khung ngắm và lúc đó mới nghĩ đến các kiểu phá bố cục.
1. Tự hỏi mình xem điểm tập trung của bố cục (điểm mạnh) ta muốn sẽ nằm ở đâu trong khung ảnh. Điểm mạnh sẽ nằm trên cao hay dưới thấp, bên trái hay bên phải, rìa ảnh hay giữa tâm?
Càng gần chính giữa thì bố cục càng mang tính chất tĩnh.
Càng xa / lệch tâm thì càng mang tính chất động.
Zenfone 5 – Đồi cát Phan Thiết
2. Tự hỏi hình dáng nào sẽ làm chủ đạo cho khung hình? Hình thẳng đứng hay nằm ngang? Hình dáng nào làm xương sống cho bố cục để sắp xếp các thành phần khác dựa theo khung sườn đó? Bức hình sẽ sẽ vuông, dài hay hẹp hay rất hẹp và cao? Trên khung điện thoại ta chọn 6×9 hay 3×4 và quyết định tỷ lệ hình ảnh trước khi bấm.
Lumia 1020 – Dầu Tiếng Tây Ninh
3. Ta tự hỏi chủ đề này có quen thuộc không và nếu có thì ta có bố cục mới lạ chưa, táo bạo chưa cho chủ đề quen thuộc đó? Ta phải tập xem chủ đề với những sáng tạo của mảng màu, hình dáng, đường nét… và trong sự hỗ độn cảnh vật, ta phải chọn một cách sắp xếp hài hoà nhất hoặc hiệu quả nhất.
Lumia 930 – Vườn Thanh Long – Phan Rí
* Ảnh toàn cảnh (panorama)
Hầu hết các điện thoại đều có chế độ tự động chọn chụp pano khá dễ dàng. Người cầm máy chỉ việc chọn chế độ pano, cầm máy dịch chuyển theo chiều ngang hoặc dọc chậm rãi và máy sẽ tự nối các khung ảnh thành khung pano.
Tỷ lệ ảnh pano dễ tạo ấn tượng khác biệt cho loại ảnh phong cảnh, hiệu quả với cảnh vật mênh mông của không gian hơn tỷ lệ bình thường. Màu sắc, hình dáng và những điểm mạnh trong ảnh pano cũng là yếu tố quan trọng để cấu trúc ấn tượng.
Find 7 – Làng chài Lăng Ông Bình Thuận
B. Xem xét ánh sáng
Chúng ta đã trao đổi về hướng sáng và lượng sáng ở Link . Với máy ảnh ống kính rời, người chụp quan tâm đến lượng sáng, ánh sáng đủ mạnh để chụp với tốc độ màn trập đủ nhanh, máy không rung làm mờ nhoè hình ảnh. Với điện thoại, những hạn chế của cảm biến nhỏ, ống kính tiêu cự và khẩu độ cố định, ta cố gắng quan tâm thêm đến tính chất của ánh sáng. Lượng sáng ảnh hưởng đến thời chụp, tính chất ánh sáng ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của bức ảnh.
Đó là ánh sáng định hướng hay toả đều, trực diện hay tạt ngang, hay ngược từ sau tới, thẳng đứng hay có màu sắc, một nguồn hay nhiều nguồn? Chúng sẽ tạo sự khác biệt lớn cho khung ảnh.
Đó là ánh sáng có độ tương phản sáng tối nhiều hay ít? Ánh sáng có phù hợp với ý muốn không, chụp hay chờ thời điểm ánh sáng thay đổi?
Đó là nguồn sáng có cường độ sáng mạnh hay yếu hay trung bình? Nguồn sáng toả rộng hay gom tại một điểm? Ánh sáng chiếu trực tiếp vào chủ đề hay gián tiếp? Màu sắc của ánh sáng?
HTC M8 – Phan Rang
C. Đo sáng (Xem cơ bản đo sáng bằng điện thoại ở Link)
Khi đo sáng để chụp phong cảnh, khu vực cần phải cân nhắc là bầu trời. Nếu điện thoại có cho phép chỉnh các thông số Manual như các loại Lumia, HTC One, Samsung, Zenfone, Oppo … thì mình thường đo sáng ngay mặt đất và tăng EV 1 hoặc 2 tuỳ hoàn cảnh.
Nếu chủ ý muốn tạo bóng đen (silhouette) cho cảnh vật chân trời thì đo sáng ngay ở phần bầu trời. Một số tình huống muốn silhouette mạnh hơn thì đo sáng bầu trời và giảm EV -1 hoặc -2 hoặc nhiều hơn tuỳ hoàn cảnh cụ thể.
Với nguồn sáng có độ tương phản trung bình thì đo sáng vào vật thể cần nét và nhấn mạnh nhất.
Với cảnh có sự phản chiếu ánh sáng mạnh như bãi cát thì thường đo sáng vào chính nó.
LG G3 – Gành Son Phan Rí
* HDR
Camera điện thoại hầu hết có chế độ HDR tự động, là chế độ phù hợp với chủ đề phong cảnh. Máy sẽ tự động chụp hai hoặc nhiều tấm có sự cân bằng sáng khác nhau và tự động ghép lại tạo thành bức ảnh có ánh sáng hài hoà hơn. Người chụp chỉ việc bật chế độ này và giữ vững máy lấy nét và bấm chụp.
Galaxy A5 – Biển Cần Giờ
HTC M8 – Nam Cát Tiên
* Sử dụng kính lọc để “phơi sáng” lâu hơn
Với camera điện thoại, khẩu độ ống kính cố định, có nhiều máy không có giao diện chỉnh các thông số bằng tay (Manuel), hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thông minh của thuật toán Auto Full. Và, trong “phơi sáng”, người ta sẽ dùng kính lọc ND (Neutral Density) là loại kính lọc giảm độ sáng xuyên qua đi vào ống kính, khi đó tốc độ màn trập sẽ giảm đến rất chậm. Nếu chụp “phơi sáng” ban ngày và chủ đề thác nước, bạn sẽ phải dùng loại kính lọc này gắn phía trước camera của điện thoại. Máy ảnh lớn cũng phải vậy thôi.
Nếu điện thoại không cho chỉnh tốc độ màn trập, thì chất lượng ảnh sẽ không tốt lắm.
Nếu điện thoại có cho chọn tốc độ thì chọn tốc độ chụp: 4s – 32s tuỳ theo hoàn cảnh.
Thiết bị cần:
Điện thoại
Kính lọc ND. Trên thị trường có các loại ND 400, ND 800, ND 1000 …
Chân máy 3 càng
Cách chụp:
Gắn kính lọc ND vào trước camera
Gắn máy ảnh cố định vào chân máy
Canh khung ảnh, bố cục
Chạm vào vùng đo sáng và canh nét
LG G3 – Thác Dambri Bảo Lộc
Find 7 – Cổ Thạch
D. Thời điểm ánh sáng
Với ảnh phong cảnh, thời điểm chụp rất quan trọng. Người chụp thường tận dụng giờ vàng, là thời gian mặt trời nằm ở vị trí thấp, tạo ra ánh sáng ngược hay ánh sáng xiên nghiêng. Thường ánh sáng sẽ tốt nhất khi mặt trời mọc và kéo dài sau đó khoảng 15 phút, và từ trước khi mặt trời lặn 15 phút cho đến khi lặn hẳn.
Buổi sáng:
Buổi sáng, trời quang thì ngay sau bình minh sẽ có ánh sáng dát vàng mọi cảnh vật làm mọi màu sắc đều ấm lên rực rỡ.
Không có kính lọc màu nào có thể so sánh được với màu sắc ấm của ánh sáng bình minh. Các cảnh vật nổi bật đường nét và lộ rõ hình khối với độ tương phản sáng tối quyến rũ trong nguồn sáng tạt nghiêng.
Phải chụp thật nhanh, bởi vì ánh sáng này không kéo dài lâu và mặt trời lên cao thì màu sắc chuyển sang màu trắng dần.
Ai thích chụp bình minh thì phải chịu khó dậy sớm, mặt trời không chờ người ngủ nướng. Chuẩn bị máy móc và chờ đợi khoảnh khắc bình minh. Rất nhiều bạn đã bỏ công đi xa và hụt khoảnh khắc vì dậy muộn.
N1 – Biển Quy Nhơn
GL 640 – Hồ Đại Ninh Lâm Đồng
Buổi chiều:
Ánh sáng xế chiều cũng nhuộm cảnh vật trong màu vàng ấm nóng nhưng chiều càng xuống thì màu sắc càng đỏ dần cho đến khi trời tối.
Ánh áng không mạnh để nổi bật chi tiết cảnh vật dưới đất như buổi sáng, nhưng bầu trời hừng sáng tạo nền cho chủ đề ảnh silhouette tuyệt đẹp.
Đừng bỏ về khi trời chưa tối hẳn. Lúc mặt trời lặn là lúc nhiều cơ hội chụp ảnh hơn khi bắt đầu lặn. Ánh sáng phản chiếu lên trên đám mây dễ tạo tia sáng biến động tạo ra hiệu ứng màu đỏ, cam, xanh, tím rất đẹp.
Hoàng hôn rất dễ chụp. Chỉ việc canh nét ở vô cực, tại đám mây hoặc gần cạnh mặt trời hoặc ngay chính mặt trời và bấm máy. Nếu muốn lấy thêm chi tiết mặt đất hay mặt nước thì đo sáng xa mặt trời một chút hoặc nếu điện thoại có chỉnh Manual thì giảm tốc độ màn trập một hai nấc.
Lumia 630 – Bà Rịa
iPhone 5 – Namkar
E. Xem xét màu sắc
Màu sắc là một thành phần trong bố cục chung, ta ũng cần phải xem xem màu sắc hoà trộn hay tách biệt giữa các thành phần và chủ đề chính thế nào.
Màu sắc hài hoà hay xung đột nhau, nóng hay lạnh, tươi sáng hay mờ đục? Chụp một người dưới ánh sáng xuyên qua lá cây thì gương mặt hơi xanh lá, một con bò trắng trong bóng râm của cánh đồng cỏ và bầu trời xanh thì con bò cũng hơi xanh lơ, bóng của toà nhà trên nền cát trắng trong ánh nắng chiều hoàng hôn thì cũng sẽ có màu hồng hồng…
Màu sắc đó không phải là màu sai lệch, mà trong hoàn cảnh ánh sáng đó sự vật mang màu sắc như vậy. Người xem cho là bất bình thường bởi người ta vốn quen nhìn màu theo ký ức mọi sự trong nguồn sáng trắng ban ngày chứ không phải xem chúng với màu sắc đích thực của từng hoàn cảnh sáng.
Màu sắc mang tính chất độc lập, không có màu nào là màu thực cả. Màu da không phải cứ luôn hồng hào, sạm nắng hay trắng ngà… chúng thay đổi theo sự thay đổi của màu sắc ánh sáng của từng cảnh huống cụ thể. Một vật dưới ánh sáng vàng bình minh thì sẽ có màu thiên vàng là đúng thực như thế.
Màu sắc bị lạm dụng quá sặc sỡ chưa chắc là màu tạo hiệu quả, trái lại màu dịu nhạt, đục, hiếm khi được sử dụng lại thu hút sự chú ý. Người chụp dám vứt bỏ những tiêu chuẩn bình thường vì đam mê sáng tạo.
Zenfone 2 – Bờ Thủ Thiêm Q.2
Lumia 830 – Cần Giờ
F. Xem xét về phối cảnh
Phối cảnh tuỳ thuộc vào ý đồ của người chụp và mục đích, không hề có một phối cảnh duy nhất hay phải tuân theo khuôn khổ bất dịch nào. Chẳng hạn nhìn một cảnh có những đường dẫn song song kéo dài sẽ gặp nhau ở một điểm hội tụ nào đó, trong khi thực tế là song song, và máy ảnh sẽ ghi nhận đúng sự hội tụ này.
Khi chụp phong cảnh, ta thường chụp những vật thể rất lớn và cuối cùng thấy khó chiu khi thấy những vật thể ấy trong ảnh rất nhỏ và không ấn tượng. Ta phải dịch chuyển vị trí bấm máy, ở khoảng cách đủ xa hoặc đủ gần để vật thể hay hình người tương đối đủ nhỏ thì phong cảnh có vẻ lớn rộng hơn. Tương phản tỷ lệ các thành phần trong khung ảnh là điều cần xem xét khi chụp.
LG G3 – Đồi chè Lâm Đồng
G. Hình thành phong cách riêng
Mỗi người đều phải cố gắng khai thác tối đa khả năng của từng chiếc điện thoại có thể làm và khả năng của chính mình. Dù bạn cầm trên tay chiếc điện thoại hãng nào hay đời nào, chúng đều có thể tạo những khung hình ưng ý nhất định. Ngược lại, có rất nhiều hội tập thể đồng hoá với nhau một kiểu chụp ảnh mà không hề kích thích phát triển phong cách cá nhân.
Thường thường ta vẫn nghe hoặc thấy những tác động kiểu: dư luận ảnh hưởng phong cách “Người xem sẽ nói gì?”, phù phiếm cá nhân “ước gì mình được như ông ấy?”, kiểu sức ì bản thân “việc gì phải vất vả thế cho mệt? Cứ chơi vui như mọi người, chả ai cần thấy sự khác biệt”, kiểu bắt chước khung ảnh của người khác “nói cho cùng tụi nó đều ăn cắp ý tưởng của nhau cả mà!” … Phong cách cá nhân phân biệt chính mình với đám đông.
• Bài Viết Cùng Chủ Đề
• Symbian (s60)
• iPhone (iOS)
•