Vì nhiều lí do như lơ đễnh, vội vàng hoặc thậm chí là chủ quan mà chúng ta hay tiện tay vứt một số thứ vào đường ống nước, bồn cầu... Hành động tưởng chừng như “vô thưởng vô phạt” này đôi khi lại gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí có thể dẫn đến hư hỏng nặng. Cùng điểm qua 10 thứ tuyệt đối không được bỏ xuống đường ống nước, bồn cầu để tránh ”tiền mất tật mang” bạn nhé!
Vỏ trứng
Thật sai lầm khi chúng ta “xem thường” những mảnh vỏ trứng bé nhỏ và vô tư ném chúng xuống đường ống nước. Vỏ trứng tuy nhỏ nhưng khá cứng và không tan trong nước. Nếu tích trữ một lượng lớn sẽ tạo thành khối cứng gây tắc nghẽn đường ống nước nhà bạn đấy nhé.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Vỏ trứng tuy "nhỏ nhưng có võ", chúng dễ dàng gây tắc nghẽn đường ống chứ chẳng chơi.
Bột mì
Bột mì gặp nước sẽ nở ra và hòa quyện lại với nhau tạo thành một hỗn hợp có tính kết dính khá cao. Chưa kể rác thải khi trôi xuống vướng phải chất keo bột mì này sẽ bị dồn đọng lại, tạo thành nút tắc lớn trong đường ống.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Bột mì khi gặp nước sẽ tạo thành hồ với độ kết dính cao.
Thuốc
Trên thực tế không phải thuốc nào cũng tan trong nước cho nên nếu bạn tiện tay vứt chúng xuống cống, các viên thuốc này vẫn có khả năng gây tắc nghẽn. Chưa kể đến việc thuốc tan ra và theo dòng chảy đi ra ngoài còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Vứt thuốc xuống cống có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Gạo và mỳ
Gạo và mỳ đều có tính hút nước khá tốt. Khi ngập trong môi trường nước thuận lợi chúng sẽ trương phình lên, lấn chiếm hết kích cỡ của đường ống. Bên cạnh đó, thời gian phân hủy tương đối lâu của những thực phẩm này cũng dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn giao thông” trong đường ống.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Gạo và mỳ chiếm thời gian phân hủy khá lâu trong đường ống nước.
Đầu lọc thuốc lá
Trong đầu lọc thuốc lá chứa nhiều chất có hại nên nếu vứt xuống đường ống sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Những sợi nhân tạo có trong đầu lọc không có khả năng phân hủy, khi gặp nước chúng sẽ nở to ra và gây tắc nghẽn đường ống là điều không thể tránh khỏi.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Trong đầu lọc thuốc lá chứa chất nicotine có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
Bao cao su
Bao cao su được làm từ cao su và không có khả năng tự phân hủy. Có thể những lần đầu, sau khi sử dụng bao cao su bạn vứt xuống cống thoát nước, mọi thứ vẫn lưu thông bình thường. Nhưng dần dà sự tích lũy này sẽ gây cản trở dòng nước lưu thông và dẫn đến tình trạng tắc nghẽn.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Bao cao su không có khả năng tự phân hủy trong nước.
Băng vệ sinh
Cũng như bao cao su, nhiều người có thói quen sử dụng băng vệ sinh xong tiện tay vứt chúng xuống bồn cầu. Việc làm này không hề được khuyến khích chút nào cả! Băng vệ sinh khi gặp nước sẽ phình to lên và choáng hết diện tích của đường ống. Nước không lưu thông được sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Chưa kể việc vứt băng vệ sinh xuống bồn cầu, ống nước... còn gây ra tình trạng bốc mùi vô cùng khó chịu.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Băng vệ sinh cũng như tampon không được phép vứt xuống nước.
Tóc
Những sợi tóc bé tí xíu và vô cùng mảnh dẻ này lại có sức phá hoại vô cùng ghê gớm đấy! Sau mỗi lần tắm gội mà vô tư không thông cống, tóc sẽ trôi xuống đường ống và nằm chờ ở đó “phục thù”. Dần dà, khi sự tích hợp này ngày càng nhiều hơn, chúng sẽ kết dính với nhau tạo thành búi lớn như một chiếc lưới. Vậy là vô số rác thải trôi xuống đều không thoát khỏi lưới tóc này, chính vì vậy mà gây ra tắc nghẽn.
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
"Lưới tóc" sẽ gây ra việc tồn đọng rác thải trong đường ống nước.
Dầu mỡ, các chất béo
Mặc dù đều là chất lỏng nhưng khi đổ vào nước, dầu mỡ và các chất béo vẫn không thể hòa tan hết. Chính vì đặc tính đó mà chúng dễ tạo thành từng mảng, đông cứng và khó cuốn trôi, lẫn trong các loại nước thải gây ra mùi khó chịu. Thật phiền phức khi phải nghĩ đến viễn cảnh thông cống đúng không nào!
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Dầu mỡ và các chất béo không tan trong nước, dễ bám bẩn vào thành ống nước.
Bã trà, bã cà phê
Sau khi pha thành nước uống, chúng ta hay có thói quen đổ các bã trà, bã cà phê cũ xuống bồn cầu. Việc làm này cần nghiêm cấm thực hiện ngay thôi. Vì mặc dù có kích thước nhỏ thôi nhưng chúng rất dễ đọng lại và gây tắc nghẽn. Hãy tận dụng bã cà phê để làm đẹp thay vì đổ chúng xuống cống bạn nhé!
(hình ảnh chụp màn hình bởi gamehub)
Bã trà, bã cà phê lâu phân hủy trong nước và có khả năng gây tắc cống cao.
Khi đường cống, ống nước bị tắc thì bạn biết chúng sẽ gây ra những rắc rối gì rồi đấy. Không những mất mỹ quan mà còn tốn của bạn kha khá chi phí để sửa chữa. Nếu không muốn gặp phiền toái với công việc nhà, hãy dừng ngay những hành động trên để chất thải được lưu thông dễ dàng bạn nhé!
Theo Tổng Hợp