KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
10 thủ thuật giúp bạn sử dụng OS X hiểu quả
Sau 4 tháng thử nghiệm, cuối cùng thì chúng ta đã có thể tải về phiên bản chính thức của hệ điều hành OS X 10.10 Yosemite. Bản cập nhật miễn phí này mang lại rất nhiều tính năng mới, trong đó nổi bật nhất là giao diện phẳng theo phong cách của iOS, tính năng chuyển cuộc gọi/tin nhắn từ điện thoại sang máy Mac, trình tìm kiếm Spotlight tốt hơn, trao đổi tập tin bằng AirDrop với thiết bị di động… Những thứ được Apple công bố rộng rãi thì ai cũng biết cả rồi, còn trong bài này mình sẽ chia sẻ với anh em các thủ thuật nhỏ trong Yosemite mà không phải ai cũng biết. Hi vọng chúng sẽ giúp anh em dùng máy tốt hơn, thuận tiện hơn nhé.
1. Ghi chú vào hình ảnh ngay trong ứng dụng Mail
Có một tính năng mới rất hay mà mình muốn nhắc đến ở Mail, đó là khả năng chỉnh sửa, ghi chú lên ảnh hoặc điền biểu mẫu PDF ngay trực tiếp trong app. Trước đây chúng ta thường hay xài các app như Skitch hoặc Preview để chú thích, chỉnh sửa ảnh trước khi gửi, còn bây giờ mọi thứ đã được đưa thẳng vào Mail. Bạn không cần phải thoát app ra rồi đính kèm lại nếu lỡ quên ghi chú ảnh, cũng chẳng cần đến những app bên thứ ba để làm việc đó.
Để sử dụng tính năng này:
Mở ứng dụng Mail trong OS X
Tạo một thư mới, đính kèm tập tin ảnh hoặc PDF cần gửi vào
Nhấp chuột một lần vào tấm ảnh, nhấn tiếp nút mũi tên nhỏ ở góc phải ảnh > “Mark up”
Các công cụ chỉnh sửa sẽ xuất hiện ngay phía trên tập tin của bạn
2. Gửi tập tin lớn qua email dễ dàng hơn
Mail mới còn hỗ trợ Mail Drop, một tính năng đính kèm tập tin sử dụng iCloud làm bộ máy trung gian. Bình thường tập tin đính kèm của chúng ta sẽ đi chung với email, tuy nhiên file bị giới hạn dung lượng chỉ vài chục MB mà thôi. Còn với Mail Drop, thư sẽ được gửi đi riêng, tập tin đính kèm thì được upload tạm lên máy chủ iCloud. Khi nhận thư, người nhận nếu dùng Mac sẽ thấy file ngay trong mail như bình thường, còn nếu không dùng Mac mà dùng web mail thì sẽ có được link để tải tập tin về. Chính vì cách này mà bạn có thể attach một tập tin với dung lượng tối đa lên đến 5GB vào email.
Cách dùng:
Mở ứng dụng Mail trong OS X
Tạo một thư mới, đính kèm tập tin kích thước lớn bạn muốn gửi cho người khác bằng cách kéo thả hoặc nhấn biểu tượng kẹp giấy trong cửa sổ Mail
Soạn nội dung thư và nhấn nút gửi
Mail sẽ hỏi bạn có muốn dùng Mail Drop hay không, nếu có thì chọn vào nút “Use Mail Drop”
3. Chuyển sang theme màu đen
Chán giao diện sáng sủa của OS X và muốn thứ gì đó đen hơn, ngầu hơn? OS X 10.10 cho phép bạn kích hoạt một theme mới có khả năng biến thanh menu và thanh dock thành màu đen. Để bật theme này, bạn vào > System Preferences > General > Apperance > “Use dark menu bar and dock”. Ngoài ra, anh em cũng có thể cài thêm ứng dụng mang tên Lights Out có tác dụng kích hoạt theme Dark này vào một khoản thời gian nhất định trong ngày.
4. Vô hiệu hóa các khu vực bán trong suốt
Một trong những đặc điểm của OS X 10.10 (cũng như iOS) đó là Apple sử dụng rất nhiều khu vực bán trong suốt nhằm tạo ra cảm giác nhẹ nhàng cho hệ điều hành của mình. Bạn có thể thấy hiệu ứng này khi mở menu, khi chạy các ứng dụng như Notes, Reminders, Messages, Calendar và rất nhiều những cửa sổ khác. Nếu không ưa thích kiểu đó, chúng ta vẫn có thể giảm hiệu ứng bán trong suốt đi bằng cách vào > System Preferences > Accessibility > chọn “Reduce transparency”.
5. Hiển thị lại địa chỉ web đầy đủ trong Safari
Trong trình duyệt Safari mới đi kèm theo OS X 10.10, Apple đã không còn cho hiển thị cả địa chỉ web đầy đủ trong hộp thoại địa chỉ nữa. Ví dụ, nếu bạn vào một bài viết chi tiết trên Tinh tế thì address bar chỉ hiện chữ tinhte.vn mà thôi, không phải dạng https://www.tinhte.vn/threads/….. Nếu cảm thấy cần thiết phải xem đầy đủ URL, nhất là với những bạn làm lập trình web, thì bạn vẫn có thể kích hoạt lại tính năng này bằng cách:
Chạy Safari
Vào menu Safari > Preferences (hoặc nhấn Command dấu phẩy)
Chuyển sang thẻ Advanced > tùy chọn Smart Search Field
Đánh chọn vào ô “Show full website address”
6. Đổi tên tập tin hàng loạt
Trước đây chúng ta phải dùng đến plugin hoặc các phần mềm bên thứ ba để làm việc này, còn trong Yosemite thì Apple đã trang bị sẵn công cụ cho chúng ta rồi. Để sử dụng:
Mở Finder, chọn lấy hàng loạt tập tin mà bạn cần thay đổi tên
Nhấp phải chuột vào một trong các file đó, chọn “Rename items”
Một hộp thoại nhỏ sẽ xuất hiện, nhấn vào chữ “Replace”, sau đó chọn “Format”
Trong ô Custom Format, nhập tên của tập tin, theo sau đó sẽ là các số thứ tự do máy tự động đánh. Bạn có thể chỉ định số bắt đầu, nơi đánh số… tùy nhu cầu của mình
7. Nhập liệu giọng nói bằng tiếng Việt
Trên OS X 10.10 còn hỗ trợ chúng ta nhập liệu giọng nói bằng tiếng Việt. Điều này có nghĩa là khi bạn nói, máy sẽ nhận diện rồi chuyển chúng thành văn bản cho chúng ta. Bạn có thể gõ nó ở nhiều nơi, từ khung chat trong Messages cho đến Spotlight hoặc ô nhập liệu nền web. Trước khi thực hiện tính năng này thì chúng ta sẽ phải download gói ngôn ngữ Việt về trước, và nhìn chung thì việc nhận diện diễn ra khá nhanh và chính xác. Bạn có thể xem thêm bài này để biết cách Apple xử lý giọng nói tiếng Việt và chuyển thể thành văn bản như thế nào nhé.
8. Sử dụng widget trong trung tâm thông báo
Đây là tính năng mới của iOS 8, và OS X 10.10 cũng có. Khi bạn cài đặt một số phần mềm có hỗ trợ widget, bạn có thể thêm chúng vào trung tâm thông báo của hệ điều hành để việc thao tác được tiện hơn. Ví dụ, phần mềm PCalc cho phép thêm widget máy tính vào Notification Center, nhờ vậy mỗi khi bạn cần tính toán gì đó thì chỉ việc trượt ngón tay để trung tâm thông báo xuất hiện và thao tác ngay trên đó, không nhất thiết phải mở app ra.
Cách kích hoạt widget như sau:
Mở trung tâm thông báo bằng cách nhấn vào biểu tượng nằm ngoài cùng bên phải trên thanh đồng hồ
Chuyển sang thẻ “Today”, nhấn nút “Edit” nằm ở dưới cùng
Trong bảng Items mới xuất hiện, nhấn dấu màu xanh để thêm widget mới
9. Nhấn nút tròn màu xanh để chuyển sang chế độ full screen
Trước đây OS X sử dụng một nút mũi tên nằm ở góc trên bên phải màn hình để kích hoạt chế độ chạy full screen cho các ứng dụng. Lên Yosemite, nút này không còn nữa nên nhiều bạn sẽ thắc mắc là chế độ toàn màn hình đã bị bỏ đi rồi hay sao? Câu trả lời là không, full screen mode vẫn còn nhưng lần này, chúng ta sẽ kích hoạt nó bằng cách nhấn vào nút tròn màu xanh ở góc trên bên trái cửa sổ phần mềm.
10. Chạy chế độ duyệt web riêng tư trong cửa sổ riêng
Khi kích hoạt chế độ Private Browsing trên Safari phiên bản mới, app sẽ tự động mở ra một cửa sổ riêng để cho phép bạn duyệt web riêng tư. Trước đây nếu chuyển sang riêng tư thì cả Safari sẽ được kích hoạt Private Browsing khiến các cửa sổ hiện tại của bạn không còn hoạt động đúng (do bạn không còn đăng nhập nữa), giờ thì mọi thứ đã tiện lợi hơn nhiều rồi.
Bonus 11. Kích hoạt lại Dashboard
Khu vực Dashboard đã có mặt trên OS X từ rất lâu, tuy nhiên không nhiều người sử dụng tính năng này bởi vì nó không thật sự hữu ích cho số đông. Chính vì thế, lên tới OS X 10.10, Apple đã mặc định vô hiệu hóa Dashboard đi. Thế nhưng không phải nó mất đi hoàn toàn, bạn vẫn có thể chạy khu vực này lên bằng cách vào > System Preference > Mission Control > Show Dashboard as a Space.
Nguồn duy luân
• Bạn đả xem chưa ?
• Bài Viết Cùng Chủ Đề