Ngạc Thần hậm hực nói:
- Mi hiểu ta thế nào được? Lậy y làm thầy thì lậy chứ sao? Ðời nào ta chịu tiếng xấu làm quân chó đẻ?
Nói xong lão quỳ ngay xuống lạy Ðoàn Dự bốn lạy, đầu dập “binh binh” bốn lần xuống đất rồi kêu lên:
- Thưa sư phụ! Ðệ tử là Nhạc lão tam kính bái sư phụ.
Ðoàn Dự đứng ngây người ra mà nhìn, chưa kịp trả lời thì Nam Hải Ngạc Thần đã vụt dậy, nhảy vọt lên nóc nhà bỏ đi.
Bỗng một tiếng kêu “ối” thê thảm nổi lên, rồi từ trên nóc nhà lăn xuống đánh “huỵch” một tiếng.
Mọi người nhìn ra thì là tên vệ sĩ trong phủ Trấn Nam Vương, trước ngực máu chảy đầm đìa. Tim gan gã đã bị Nam Hải Ngạc Thần móc đem đi mất, chân tay gã giãy giụa mấy cái rồi nằm chết thẳng cẳng.
Sự việc xảy ra thần tốc kinh người. Tên vệ sĩ này võ công tuy còn kém bốn gã Ngư, Tiều, Canh, Ðộc nhưng cũng vào hạng khá, vậy mà Nam Hải Ngạc Thần chỉ giơ tay ra một cái móc mất tim gan.
Ðoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái cũng ở gần đó nhưng không cứu kịp.
Mọi người nhìn nhau cả kinh thất sắc.
Mộc Uyển Thanh tức giận nói:
- Lang quân! Chàng thu được tên đồ đệ hung ác, hỗn láo đến thế là cùng. ở nhà thầy ra mà dám giết cả người nhà thầy. Lần sau lang quân có gặp hắn phải trừng trị hắn cách nào mới được chứ?
Ðoàn Dự đáp:
- Tôi may mà thắng cuộc là toàn nhờ ở gia gia ám trợ. Sau này gặp lão, tôi e rằng đến trái tim sư phụ này vị tất còn giữ nổi với lão nói chi đến chuyện nghiêm trị lão hung đồ đó?
Trong lúc đang trò chuyện Tiêu Ðốc Thành cùng Lăng Thiên Lý khiêng thân thể gã vệ sĩ ra ngoài.
Ðoàn Chính Thuần sai đem đi an táng và cấp đỡ rất hậu cho gia đình kẻ bị nạn.
Hoắc tiên sinh mười phần ba tỉnh, bảy say vâng dạ luôn mồm từ từ lui ra.
Bảo Ðịnh Ðế hỏi Ðoàn Dự:
- Dự con! Bộ pháp đó con đã được bậc cao minh nào truyền thụ cho? Theo đúng phương vị 64 quẻ của vua Phục Hy đời xưa. Ðoàn Dự đáp:
- Bộ pháp đó con tự luyện quấy quá một mình trong sơn động chả hiểu có đúng không? Xin bá phụ chỉ giáo cho!
Bảo Ðịnh Ðế lại hỏi:
- Con tự luyện lấy ở trong sơn động đầu đuôi thế nào? Nói rõ cho ta nghe!
Nguyên hôm đó ở trên đỉnh núi, Mộc Uyển Thanh bị Nam Hải Ngạc Thần cướp đem đi, Ðoàn Dự cuốngquít chạy theo. Mới đi được vài bước, loạng choạng thế nào chân giẫm lên mình một con trăn lớn tròn trùng trục mà trơn như mỡ, chàng trượt chân ngã, mình cứ tuột dần dần xuống khe núi.
Trong cơn nguy cấp thập tử nhất sinh, chàng đưa hai tay ra kều cào thì may sao vớ được một cành cây. Chàng liền níu lấy, đưa cả hai chân ra sờ soạng, chợt đặt được lên một mỏm đá sườn núi nhô ra. Bên tai nghe tiếng sóng vỗ bì bòm, nước sông chảy cuồn cuộn kêu ầm ầm như sấm rền ở phía dưới chân.
Chàng định thần nhìn khắp xung quang, sườn núi cao chót vót và dựng đứng như bức tường thành không còn cách nào trèo lên được nữa, đi xuống lại bị lăn vào dòng sông nước chảy xiết cũng chết mất mạng. Chỉ còn cách theo mé tả bò đi thì còn có chỗ đặt chân, chẳng hiểu bước đường trước mắt ra sao, chàng dùng cả chân lẫn tay lần mò, sờ soạng trong lòng nơm nớp lo sợ.
Chàng bò đi có lúc mệt quá phải ngồi nghỉ, gặp chỗ hiểm trở phải cố gắng lắm mới bò qua được. Dò lần cho đến lúc trời đã hoàng hôn, trước mặt hiện ra vô số tảng đá lởm chởm, không sao tìm ra được lối đi phẳng phiu một chút. Sau mấy hồi cực kỳ gian lao, vất vả chàng chợt thấy cảnh tượng quen quen hiện ra. Dường như có lần chàng đã qua quãng đường này rồi thì phải? chàng định thần cố nhớ lại, hết nhìn non xanh lại ngắm nước đục, bất giác buột miệng kêu lên:
- A ha! Phải rồi! Ðúng là bữa trước ta ở trong thạch động ra đã qua chỗ này rồi, cảnh vật hãy còn y nguyên như cũ.
Ðoàn Dự nhận ra rồi trong lòng hớn hở vui mừng, tự nói một mình: “từ chỗ này đi qua mấy chân trái núi cao và vượt qua mấy khe vực nữa thì ra đến một con đường ven núi, chừng mười bảy mười tám dặm nữa là đến cầu “Thiện nhân độ”. Nhưng chàng lại sực nhớ đến pho tương ngọc mỹ nhân tư dung tuyệt thế. Chânchàng muốn đi nhưng dạ không đành, chàng tặc lưỡi lẩm bẩm: “¢u là ta hãy vào thăm ngọc tượng, dù có suốt đời bị giam cầm trong hang động, ta cũng cam tâm”. Thế là chẳng đắn đo gì nữa, chàng lần theo lỗi cũ, chỉ hơn mười trượng đã đến cửa hang nhỏ. Chàng chui ngay vào, rồi cứ theo đường hầm vào tới thạch thất.
Lúc đó trời đã hoàng hôn nhưng bốn mặt tường đều có giát những hạt minh châu toả ra một thứ ánh sáng huyền ảo. Ðoàn Dự run run đứng ngắm pho tượng ngọc nhủ thầm: cũng may đây chỉ là pho tượng bằng ngọc chứ không phải người thật.
Giả tỷ trên thế gian có cô gái mỹ lệ nhường này thì Ðoàn mỗ có phải vì nàng màtan nát thân danh hay phải chết nửa đời nửa đoạn cũng chẳng chút chi hối hận! Bất luận nàng ra lệnh cho làm gì, dù là việc đại nghịch vô đạo hay việc gian ác hiểm độc đến đâu đi chăng nữa, mình há dám từ nan?
Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Trên đời không có người này tưởng cũng là cái may lớn trong những cái không may đó.
Ðoàn Dự đứng trước người ngọc đã chồn gối run chân mà không biết mỏi mệt là gì. Nào đâu Nam Hải Ngạc Thần? Nào đâu Mộc Uyển Thanh? Chàng bỏ rơi vào cõi hư vô hết, chẳng còn lo còn nghĩ gì tới nữa. Hồi lâu quay về thực tại, chàng cảm thấy mỏi quá, không tài nào đứng được nữa liền nằm quay ra chân pho tượng ngọc ngủ thiếp đi.
Trong lúc mơ màng, Ðoàn Dự thấy pho tượng quả nhiên cử động, cầm một thanh bảo đao đưa cho và sai chàng đi giết 36 người vô tội, bất luận nam hay nữ. Chàng chẳng ngần ngừ chút nào, khẳng khái vâng lời cầm đao ra đi, bất cứ gặp ai cũng giết. Chém giết một hồi đến bảy tám mươi người, đầu lâu lăn long lóc ngổn ngang trên mặt đất, chàng hăm hở trở vào phục mệnh.
Tượng ngọc mỉm cười, trầm trồ khen giỏi rồi bảo chàng:
- Ngươi hãy về nhà lấy đầu phụ thân đi!
Chàng nhất quyết không dám tuân mệnh. Tượng ngọc chau mày nói:
- Ngươi không tuân lệnh ta thì lập tức ra ngoài kia tự chặt đầu ngươi đem vào đây ra mắt ta.
Ðoàn Dự không do dự chút nào, cầm đao tự đâm vào bụng, kêu to lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm. Chưa hết kinh sợ, trống ngực đánh thình thình.
Bỗng chàng thấy ánh dương quang chiếu vào, nhớ lại chuyện vừa xong thì ra suốt đêm rồi mình đã trải qua một cơn ác mộng.
Chàng nhỏm dậy nhìn pho tượng, nghĩ vẩn nghĩ vơ một hồi, sực nhớ ra điều gì tự hỏi: “Ðây là một toà thạch thất sâu dưới đáy hồ từ đâu mà ánh dương quang lại chiếu vào được?”.
Ðoạn nhìn theo phía có ánh sáng để tìm cho ra lẽ thì thấy trên nóc nhà có treo một tấm gương đồng, ánh sáng do tấm gương này phản chiếu xuống. Chàng chú ý nhìn kỹ tấm gương hồi lâu, nhận ra có những chữ tròn trĩnh.
Chàng bỗng giật mình tự hỏi tiếp: “Khắp trong toà thạch thất này chỗ nào cũng để gương đồng, hay là có điều chi kỳ dị ở đó?”.
Nghĩ vậy tiện tay chàng với ra góc nhà bên phải nhặt lấy một tấm, lau hết bụi bặm cùng rỉ xanh đi để xem. Quả nhiên trên có khắc những đường ngang vạch dọc. Cạnh những nét này có chua “một bước”, “hai bước”, “nửa bước”. Ngoài đầu những nét vạch có ghi bằng chữ nhỏ: “đồng nhân”, “đại hữu”, “quy muội”, “khiêm”....
Ðoàn Dự biết ngay những chữ như “đồng nhân”, “đại hữu” v.v. là tên những quẻ trong 64 quẻ tuỳ theo phương vị ở kinh dịch. Chàng lật mặt dưới tấm kính lên thấyđề bằng lối chữ triện bốn chữ “LĂNG BA VI BỘ”.
Dó đó chàng liền nhớ lại lõm bõm được ít câu trong bài Lạc Thần Phủ tả điệu lăng ba:
Lăng ba nhón gót,
Chẳng nhiễm bụi trần.
Chuyển mình lấp loáng,
Mặt tựa hoa xuân,
Miệng cười chúm chím,
Lặng lẽ xuất thần,
Nhìn người yểu điệu,
Quên ngủ quên ăn
Ðoàn Dự cầm trong tay tấm gương đồng lật lên lật xuống, xem đi xem lại, ngồi thừ ra một lúc lại nhớ đến những dòng chữ khắc trên tấm gương đồng đặt dưới chân pho tượng mà mình đã xem bữa trước: “Ngươi đã lạy đủ ngàn lạy, vậy ta nhận ngươi làm đệ tử. Từ đây sắp tới ngươi còn gặp nhiều tai nạn thê thảm, nói không xiết được, cũng đừng hối hận. Võ công hơn đời của phái ta ở khắp nơi trong thạch thất này. Mong rằng ngươi ráng lĩnh tâm nghiên cứu cho ra”.
Rồi chàng nhớ lại bữa đó, trong lúc từ biệt pho tượng, chàng đã nói: “Thần tiên nương tử ơi! Tôi chả làm đồ đệ nương tử mà cũng chẳng học cái võ công hơn đời của nương tử đâu”. Nhưng hôm nay chàng ngó pho tượng thần mấy hồi nữa thì tâm hồn như ngây như dại, chẳng còn tự chủ được nữa.
Rồi chàng tựnhủ: “Thần tiên nương tử bảo ta học tập võ nghệ thì không thể không học được rồi. Nhưng câu võ công hơn đời của phái ta ở khắp nơi trong tòa thạch thất này, sao ta xem khắp cả có thấy gì đâu? Phải chăng võ công ghi trên tấm gương đồng ta vừa coi xong?”.
Nghĩ vậy chàng lật đi lật lại để xem cho kỹ phương vị 64 quẻ trong kinh dịch rồi bắt đầu tập bước thử.
Ban đầu chàng chỉ chiếu theo phương hướng, độ số bước cho đúng cách, chưa lĩnh hội gì đến phần ảo diệu bên trong. Nhưng đến chỗ khó khăn, kỳ cục, nếu cứ theo chữ khắc trên tấm gương thì đi bước trước xong không biết làm thế nào để bước tiếp cho đúng. Sau chàng phải xoay mình chân không chấm đất mới bước vào đúng khuôn phép, cũng có lúc phải nhón gót vọt lên hay co chân nhảy lùi lại mới hợp với phương vị, độ số trong chỉ thị.
Mỗi khi gặp vấn đề nan giải, Ðoàn Dự cố gắng nghiên cứu, tìm được lối giải quyết chàng cảm thấy khoan khoái vô cùng và công nhận học võ cũng nhiều chỗ thích thú chẳng kém gì đọc sách.
Có lúc chàng hối hận: “trước kia mình không hiểu, chỉ quan niệm võ nghệ là môn học để hại người, giết người nên không chịu học. Giờ xem bộ pháp này chẳng hại đến ai mà lại tránh được kẻ hung ác muốn đánh giết mình, như thế chẳng những không hại mà còn có ích nữa. Bất luận mônvõ nào dùng để cứu người hay tự vệ đâu có phải việc dở”. Kết luận như vậy chàng lại càng cần cù hăng hái luyện tập.
Tập suốt một ngày, mười phần Ðoàn Dự đã học được hai, ba. Tối đến, chàng đói quá bèn mở nắp hộp ngọc để đôi mãng cổ chu cáp kêu lên mấy tiếng cho rắn kéo đến nằm phục trước mặt. Chàng lựa giết mấy con rồi ra bờ sông nhặt củi đốt lên nướng ăn.
Mấy ngày liền chỉ trừ những lúc ngủ đi hay lúc giết rắn làm bữa còn bao nhiêu thì giờ chàng để hết vào việc nghiên cứu và luyện tập “Lăng Ba Vi Bộ”, không chểnh mảng một phút nào. Có lúc chán nản, chàng ngẩng đầu lên nhìn pho tượng ngọc thì lạ thay: Thần nương tiên tử tựa hồ có vẻ buồn bực thống trách chàng không chịu gắng sức hết lòng, thì chàng sợ hãi vô cùng, đứng bật dậy như chiếc lò xo, hăm hở đem hết tâm trí vào việc rèn tập “Lăng Ba Vi Bộ”.
Ðến giữa trưa hôm thứ tư, Ðoàn Dự đã thuộc lòng toàn bộ môn lăng ba ghi trên gương đồng và cách bước lên, lui xuống, diễn tập lại được một cách rất thuần thục.
Chàng sực nhớ đến chuyện Mộc Uyển Thanh bị Nam Hải Ngạc Thần bắt trong một thời gian khá lâu rồi, chàng cần trở về để cứu mạng cho nàng. Nhưng lúc diễn tập xong, chàng vào ra mắt Thần tiên nương tử thì chẳng khác gì kẻ bị ma làm, tâm hồn như ngây như dại, chẳng nghĩ gì đến chỗ nguy khốn của Mộc Uyển Thanh nữa.
Có lúc chàng quyết tâm “ta phải về cứu Mộc cô nương rồi sẽ trở lại đây cũng chưa muộn gì”. Chàng liền đặt tấm gương đồng vào chỗ cũ, chợt ngó đến một tấm gương khác loang lổ, sặc sỡ, trên khắc vô số chữ nghĩa. Chàng biết rằng nếu rèn luyện thêm món này nữa thì ít ra cũng mất mấy ngày, vội nhủ thầm: “Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Mộc cô nương bị ác nhân giam giữ, một ngày xem bằng ba thu. Nếu mi không kịp trở lại cứu nàng thì còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa?”.
Tuy chàng lẩm bẩm như vậy nhưng lại bị một ý nghĩ khác đả phá: “mình ở đây bên con người ngọc vui thú biết là chừng nào, huống chi mình chẳng có lấy một chút bản lãnh thì làm sao mà đánh lại được Nam Hải Ngạc Thần, chỉ có cách là thờ lão làm thầy. Như thế thì thà chịu chết còn hơn”.
Hai luồng tư tưởng xung đột nhau dữ dội trong đầu óc chàng. Phân vân hồi lâu rồi chàng nhất quyết: “dù sao bỏ mặc Mộc Uyển Thanh cũng là một điều địa bất nghĩa, đâu phải tư cách của bậc đại trượng phu? Ðừng có mình ở vào trường hợp bị giam cầm hoặc trường hợp bất khả kháng nào khác không trở về được chả nói làm chi”.
Quyết định như vậy, chàng lại trước mặt pho tượng ngọc mỹ nhân, lạy xụp xuống đất khấn rằng:
- Thần tiên nương tử ơi! Nếu nhờ được phép Lăng Ba Vi Bộ mầu nhiệm của nương tử vừa truyền cho mà tôi thoát khỏi tay Nam Hải Ngạc Thần thì sau này mỗi năm tôi tình nguyện đến ở đây với nương tử nửa năm. Khấn xong, chân trái chàng đạp bước “Trung phu”, chuyển sang bước “Kỷ tế” rồi toan tiếp tục theo phép Lăng Ba Vi Bộ chạy ra khỏi động. Nhưng vừa bước sang vị “thái”, chàng xoay mình một cái, chân phải bước đến vị “cổ”, đột nhiên một luồng hơi nóng ở huyệt “đan điền” bốc lên cao độ khiến cho toàn thân tê nhức, không thể chịu nổi rồi lăn kềnh ra đất nằm cứng đơ người.
Ðoàn Dự thất kinh, toan chống tay xuống đất để nhỏm dậy nhưng tứ chi cũng như các bộ phận khác không chịu phục tùng ý chí của mình nữa. Ðừng nói muốn ngồi lên mà ngay muốn cử động một đầu ngón tay cũng không thể được. Chàng chịu nằm trơ như phỗng đá, càng nóng nẩy lại càng không nhúc nhích được tý nào.
Nguyên phép Lăng Ba Vi Bộ khắc trên tấm gương đồng là một môn võ để cho những người đã có bản lĩnh vào hạng thượng thừa rèn luyện.
Ðoàn Dự tuyệt không có một chút căn bản võ công nào, lúc tập chàng tiến lên một bước rồi dừng lại suy nghĩ, hoặc lùi xuống một bước lại nghỉ giây lát, huyết mạch trong người chu lưu một cách bình thường nên không việc gì. Ðằng này chàng vừa thuộc hết bài, đột nhiên toan dông thẳng một lèo, các mạch máu trong người không thể luân lưu từ từ như thường mà chạy ngược lên một cách cấp bách nên toàn thân bị tê liệt, thiếu chút nữa biến thành cái xác không hồn. May mà chàng mới đi có mấy bước, vả không đi mau lắm nên chưa đến nỗi đứt mạch máu.
Lâm vào tình trạng sống dở chết dở, Ðoàn Dự cuống cuồng, cố sức vận động nhưng chàng càng cố gắng bao nhiêu ruột gan càng cồn cào bấy nhiêu, tựa như người buồn nôn mà không nôn ra được.
Chàng nghĩ thầm: “tấm đồng đặt dưới chân nương tử đã khắc rõ ràng từ đây sắp tới ngươi còn gặp nhiều tai nạn thê thảm, nói không xiết được cũng đừng hối hận”. Bây giờ mình nằm ỳ ra đây để mà chịu chết đói, há chẳng là một cảnh tượng thê thảm nói không xiết được ư?
Ánh dương quang buổi chiều chênh chếch chiếu xuống. Vào khoảng giờ thìn, ánh sáng soi vào giữa tấm gương đồng và phản chiếu xuống mặt Ðoàn Dự. Chàng thấy chói mắt, muốn quay đầu ra phía khác nhưng cổ cứng đơ không sao quay điđược. Chàng nhìn tấm gương thấy có khắc những chữ “Vị tế”, “Tiểu quá”, “chấn”, “truân”. Không còn cách nào quay đi chỗ khác, chàng chăm chú nhìn vào những chữ trong gương rồi đâm ra suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán thì ra tấm gương thứnhất chàng đã luyện xong mới được có 32 trong 64 quẻ, còn 32 quẻ nữa ở tấm gương này, lại vừa khéo hiện ra đúng lúc trước mặt chàng. Tuy chân không bước được nhưng chàng vẫn nằm ngẫm nghĩ, tính toán các bước chân, tưởng tượng ra bộ số, phương hướng. Chàng cứ lẩm nhẩm tính toán như vậy đến chiều thì được hơn mười bước, tâm hồn đã thấy được cởi mở và dễ chịu hơn trước nhiều.
Trưa hôm sau Ðoàn Dự nhập tâm được nốt 32 quẻ, chàng nằm ôn lại cả 32 quẻ học trước hợp lại với 32 quẻ mới. Khi đầu từ “Minh di” rồi tuần tự sang “bí”, “kỳtế”, “gia nhân”. Bước theo độ số, chuyển theo phương vị cho đủ 64 quẻ thì về đến vòng tròn “Vô vọng” là xong.
Ðoàn Dự mừng quá, vỗ tay reo rồi vùng dậy la lên:
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!
Dứt lời chàng mới biết rằng mình đã cử động lại được như thường, thì ra hơi thở và kinh mạch trong người cũng chuyển vận theo tâm niệm. Tâm niệm đến vòng tròn, chỗ để nối các kinh mạch cởi mở trở về cương vị bình thường.
Ðoàn Dự mừng rỡ khôn xiết, nhưng còn lo lỡ ra quên mất thì nguy, chàng ôn đi ôn lại nhiều lần cho nhớ thật kỹ. Lúc bắt đầu diễn lại chàng bước rất thong thả, cẩn thận cho khỏi sai trật. Ði xong 64 quẻ chàng cảm thấy tinh thần phấn chấn, khí lực dồi dào. Tuy đã mấy ngày chẳng được ăn uống gì mà trong bụng vẫn không thấy đói lắm.
Chàng vào vái ngọc tượng nói:
- Ða tạ Thần Tiên Nương Tử!
Rồi trở gót đi ra khỏi toà thạch động, tìm theo đường cũ qua cầu “Thiện nhân độ”, lên núi Vô Lượng, tìm đến chỗ Mộc Uyển Thanh.
Ðoàn Dự đem chuyện luyện Lăng Ba Vi Bộ trong sơn động thuật lại đầu đuôi cho Bảo Ðịnh Ðế nghe. Nhưng chàng dấu nhẹm việc pho tượng ngọc mỹ nhân không đả động gì đến vì chàng biết rằng trước mặt bao nhiêu người mà đem chuyện mình say mê một pho tượng ngọc nữ thì thật là một điều lố bịch, lại khiến cho Mộc Uyển Thanh phải nổi trận tam bành.
Nghe Ðoàn Dự kể xong Bảo Ðịnh Ðế nói:
- Bộ pháp 64 quẻ này dường như ở trong có ẩn hiện một căn bản nội công vào hạng thượng thừa. Con thử diễn lại từ đầu đến cuối cho ta coi!
Ðoàn Dự vâng lời, nhẩm lại một lúc rồi bước ra biểu diễn. Bảo Ðịnh Ðế, Ðoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái đều là những tay bản lĩnh cao siêu về phần nội công thế mà những chỗ tuyệt diệu về nội công trong bộ pháp này cũng chỉ nhìn nhận ra được vài phần mà thôi.
Ðoàn Dự diễn xong 64 quẻ, cuối cùng quanh một vòng tròn rồi trở về nguyên vị. Bảo Ðịnh Ðế cả mừng nói:
- Bộ pháp “Lăng Ba Vi Bộ” này ảo diệu vô cùng, trên đời có một không hai, con ta phải có phúc phân thế nào mới được gặp đó. Nay má con mới lại trùng phùng, thôi ta về để mẹ con hàn huyên với nhau.
Ðoạn nhà Vua quay sang bảo Hoàng hậu:
- Ta về thôi!
Vua cùng Hoàng hậu đứng dậy lên kiệu về Hoàng cung. Bọn Ðoàn Chính Thuần tiễn đưa ra khỏi cổng lớn rồi mới trở vào Vương phủ truyền mở tiệc ăn mừng.
Vợ chồng Trấn Nam Vương cùng Ðoàn Dự và Mộc Uyển Thanh ngồi một bàn có đến mười mấy tên thị nữ đứng bên hầu hạ.
Mộc Uyển Thanh từ nhỏ đến lớn có bao giờ được dự bữa tiệc vinh hoa phú quý như hôm nay. Những món trân tu nàng chẳng những chưa từng thấy mà cũng chưa nghe ai nói đến bao giờ. Nàng được vợ chồng Trấn Nam Vương coi như người nhà thế là nghiễm nhiên thành hai cặp vợ chồng, cặp già, cặp trẻ ngồi chung trò chuyện vui vẻ nàng đã mừng thầm.
Ðoàn Dự thấy mẹ chàng đối với cha vẫn ra chiều lãnh đạm, đã không uống rượu lại chẳng ăn ngon, chỉ dùng mấy món rau đậu nhạt nhẽo, liền đứng lên rót một chung rượu...