* KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
* Shop bán Vàng, Ngọc Xanh tự động

Truyện Ngồi Khóc Trên Cây Full Chap

của mình. Lúc còn ở làng, tôi cũng như con Rùa, như thằng Thục, như những đứa trẻ thôn quê khác, cũng sung sướng khi trông
thấy một chiếc máy bay bay ngang bầu trời kéo theo một vệt khói trắng đằng sau đuôi hay một đoàn tàu kéo còi và phun khói đen sì chạy ngang con đường mòn dẫn xuống đường quốc lộ. Bây giờ, tôi không còn những niềm vui ngây thơ đó nữa. Tôi đã lớn, hoàn toàn đánh mất sự ngơ ngác đáng yêu tỏa ra từmột tâm hồn chất phác.
- Máy bay nữa kìa em! – Tôi vụt kêu lên, với sự háo hức chính tôi cũng ngạc nhiên, khi tiếng rì rầm bất thần vọng vào tai tôi từ chiếc máy bay vừa bỏ đi – Chắc chiếc máy bay khi nãy quay lại…
- Tiếng sấm đó anh. – Con Rùa cười, nó đáp mà không buồn ngước mắt nhìn lên. – Trời sắp mưa rồi.
Tôi lo lắng nhìn về phía cánh rừng xa nơi những ngọn đồi tạo ra vô số những con hẻm nhỏ phủ kín lá xanh. Bên trên các bụi cây thấp và mớ dây leo chằng chịt bọc kín chân đồi, những thân cây tôi không biết tên trông giống như những cánh tay khổng lồ đang rướn lên cao và quẹt điên cuồng cành lá vào những đám mây lúc này đã rất giống bùn lầy, ủ ê và xám xịt, càng lúc càng sà xuống sát đỉnh đồi.
- Mình có đi tiếp không? – Tôi nơm nớp hỏi, mong đến thắt ruột con Rùa sẽ đáp “Mình quay về nhà thôi anh”.
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi (hình như nó luôn luôn đọc được ý nghĩ trong đầu tôi), con Rùa tặc lưỡi:
- Mình không đi tiếp được đâu. Nhưng quay về nhà cũng không kịp.
Như phụ họa cho nó, những hạt mưa đầu tiên đã bắt đầu cào nhẹ lên cánh tay tôi.
Tôi quay đầu nhìn quanh:
- Thế mình đi đâu bây giờ?
Con Rùa nắm lấy tay tôi theo cái cách người lớn nắm tay một em bé và không nói không rằng nó dắt tôi chạy về phía bụi duối dại lấm tấm hoa vàng nằm dọc con đường mòn.
Trước vẻ mặt ngẩn ngơ của tôi, nó khom người vẹt cành lá um tùm, miệng giục:
- Mình chui vô đây nè anh.
Một cái tổ giữa bụi cây hiện ra trước mắt tôi.
- Nhà của em đó.
Tôi chưa kịp hỏi lại, con Rùa đã đẩy lưng tôi một cái thật mạnh rồi lật đật chui theo.
Chúng tôi vừa vào “nhà”, mưa đã đổ xuống sầm sập. Tiếng gió kêu u u, những hạt mưa to quất ràn rạt vào cành duối dại ngay trên đầu hai đứa khiến tôi có cảm giác ngoài kia trời đang bão.
Những cành duối chằng chịt, lá ken dày như một mái nhà được lợp khéo léo giúp tôi và con Rùa khô ráo một cách khó tin, trừ hai bàn chân con Rùa không biết từ bao giờ đã lót bên dưới một lớp lá khô. Thỉnh thoảng cái mông của tôi cũng bị ướt khi tôi vô tình muốn ngồi xệp xuống cho đỡ mỏi chân.
Ngồi thu lu bên con Rùa nhìn màn mưa mù mịt bên ngoài qua kẽ lá, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên đầu, nghe hơi nước ướp vào da thịt mát lạnh, hấp háy hai cánh mũi để hít hà mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt, tất cả những điều đó đánh thức mọi giác quan trong tôi khiến tôi ngỡ như tôi đang sống hai ba cuộc sống cùng một lúc và cảm giác đó thực vô cùng thú vị.
***
Em làm ngôi nhà này lâu chưa?
- Lâu rồi anh.
Con Rùa đáp, rồi nó khoe:
- Em có vài ngôi nhà như thế này rải rác từ đây đến trong rừng.
- Em chu đáo thật. – Tôi gật đầu, giọng tán thưởng – Sẵn nhà khắp nơi, khi nào cần là em có chỗ nghỉ chân.
Chúng tôi trò chuyện trên nền những tiếng mưa nhưng vì hai đứa tôi ở cạnh nhau trong chiếc tổ lá nên tiếng nói vẫn nghe rõ như phát ra từ một quả chuông.
- Em hay vào rừng lắm sao?
- Dạ. Nhưng thỉnh thoảng em mới đi buổi chiều như thế này. Em thích đi vào sáng chủ nhật hơn.
Tôi cười:
- Đi sáng chủ nhật thì em được tung tăng suốt ngày trong rừng chứ gì!
Đến lúc này tôi vẫn chưa biết tại sao con Rùa lại thích vào rừng. Tôi biết khu rừng này từ thời tôi còn bé nhưng tôi chưa bao giờ bén mảng tới đó. Người làng mỗi khi vào rừng lấy củi đều quấn xà cạp, chân đi ủng, trên người bôi thuốc kỵ rắn. Vào mùa mưa, họ giã tỏi thoa khắp tay chân đầu cổ để chống vắt, mỗi khi đi ngang tỏa mùi nồng nặc.
Con Rùa không có chút gì giống thế. Nó dắt tôi vào rừng như dắt tôi đi hái hoa ngoài đồng nội, cứ quần áo phong phanh mà rảo bước.
Khi tôi quay sang con Rùa định hỏi nó vào rừng làm gì mà vào hoài vậy, đôi môi tôi vô tình chạm phải má nó khiến tôi giật nảy một cái, câu hỏi đột ngột nghẹn ngay cổ.
***
Mặt nóng ran, tôi hấp tấp ngó lơ chỗ khác và lúng búng nói:
- Trời ngớt mưa rồi đó…
Câu nói và thái độ của tôi chẳng ăn nhập gì với nhau, giống như người ta lắp nhầm cán búa vào lưỡi rìu, nhưng con Rùa dường như không nhận ra sự khập khiễng đó.
Nó có vẻ không để ý gì đến sự đụng chạm vừa rồi, cũng không nhận ra sự bối rối của tôi, hồn nhiên nói:
- Chờ thêm chút nữa đi anh. Tạnh hẳn rồi mình về.
Từ lúc đó, tôi không một lần quay sang con Rùa nữa. Tôi ngồi tư lự trên hai chân, không ngớt ngạc nhiên vì sự xấu hổ của mình. Chuyện cỏn con như thế, con Rùa chắc cũng chỉ coi đôi môi tôi như cành lá quẹt vào mặt nó trên đường đi, chẳng mảy may bận tâm, thậm chí chắc nó cũng chẳng có cảm giác tôi vừa chạm vào nó.
Thế mà tôi lại bắt gặp mình ngượng đến chín người. Tôi đưa tay dứt một sợi tóc, rồi hai sợi tóc rồi ba sợi và khi dứt đến sợi tóc thứ mười thì tôi đoán ra sở dĩ tôi có cảm giác đó vì tôi đã là người lớn mất rồi. Năm nay con Rùa chỉ mới mười bốn tuổi trong khi tôi lớn hơn nó bốn tuổi.
Mười tám tuổi, tôi đã biết tình yêu là gì, đã biết thế nào là nụ hôn mặc dù tôi chưa từng yêu ai và hôn ai.Con nhỏ Bích Lan, con một người bạn gái của mẹ tôi, lần nào tới nhà chơi cũng làm tôi sợ chết khiếp khi nó luôn tìm mọi cách để ngồi gần tôi và hễ không có ai thế nào nó cũng đòi tôi hôn nó.
Bích Lan lớn hơn tôi một tuổi, nhưng bạo dạn hơn tôi gấp một trăm lần. Mặt nó lấm tấm tàn nhang nhưng trông nó vẫn rất xinh nhờ cặp mắt lúng liếng và miệng cười tươi như hoa nở, và có lẽ biết thế nên nó cười suốt ngày.
Có thể tôi sẽ thích nhỏ Bích Lan nếu như nó đừng làm tôi hoảng vía. Mặc dù tôi theo gia đình dọn vào Sài Gòn đã được mười năm nhưng tôi vẫn không gột rửa được gốc gác nông thôn của mình. Tôi luôn nhút nhát trước con gái, coi việc đụng chạm vào cơ thể họ là điều không đàng hoàng cho dù trong những giấc mơ thầm kín tôi rất hay làm ngược lại.
Tất nhiên không phải đứa con gái thành phố nào cũng dạn dĩ như Bích Lan. Những đứa bạn học của tôi trên lớp đâu có tấn công ồ ạt như vậy. Dĩ nhiên một phần vì chẳng có đứa con gái cùng lớp nào thích tôi. Bích Lan thì khác, vừa gặp tôi lần đầu tiên nó đã nói ngay “Ui, trông anh dễ thương quá!”, lại nói bô bô ngay trước mặt mẹ tôi và mẹ nó, chẳng kiêng nể gì.
Hai bà mẹ nghe nó nói vậy, toét miệng ra cười trong khi mặt tôi chín nhừ như đang đút vào lò nướng.Đến nay tôi vẫn chưa hôn Bích Lan cái nào theo lời xúi bậy của nó, dù sau khi nói “Anh dễ thương ghê” nó còn nói thêm nhiều câu nóng bỏng khác nữa, đại để như “Lan thích anh rồi đó”, vài hôm sau lại “Chắc Lan yêu anh thật rồi”…
Dĩ nhiên Bích Lan rất thất vọng trước sự ù lì của tôi, nó bảo tôi là đồ nhà quê, và sau khi nói vậy nó vẫn kiên trì ngồi cạnh tôi mỗi khi có dịp và tiếp tục gạ gẫm tôi.
Gạ gẫm không được thì nó hỏi tôi có phải là pêđê không mà không chịu hôn nó, điều mà những bạn trai cũ của nó đứa nào cũng thích. Những lúc như vậy tôi chỉ biết cười trừ và nhìn ra màn mưa ngoài trời, ấp úng nói:
- Trời ngớt mưa rồi đó…
Bây giờ tôi phát giác ra mình vừa lặp lại mẫu câu đó với con Rùa. Chỉ khác là tôi đang ngồi cạnh con Rùa trong lòng một bụi duối dại giữa cánh đồng lướt thướt mưa và bối rối vì trót hôn nó chứ không phải vì từ chối hôn nó.
***
Hôm đó, khi về tới nhà con Rùa bất ngờ rút từ trong vạt áo ra một cuốn truyện tranh khoe tôi. Đi với nó cả buổi, tôi không phát hiện nó giắt theo cuốn truyện trong người.
Nhìn lướt qua cái bìa, tôi đã nhận ra đó là cuốn Asterix và lưỡi hái vàng trong xêri truyện về Asterix. ỞSài Gòn, tôi đã đọc gần hết bộ truyện này qua bản dịch.
- Em giắt cuốn truyện theo chi vậy? – Tôi tròn mắt nhìn nó.
- Em định đem vô rừng đọc.
Con Rùa thản nhiên đáp, như thể nó vẫn hay vô rừng để đọc sách. Mà sự thực đúng là như thế. Khi tôi hỏi “Em thích vô rừng ngồi đọc sách lắm sao?” thì nó xác nhận câu hỏi trêu của tôi bằng một cái gật đầu không nghĩ ngợi.
Trong khi tôi bắt đầu nghĩ thần kinh con Rùa chắc không được bình thường thì nó hồn nhiên nói tiếp:
- Ở trong rừng, em không đọc sách một mình đâu. Em đọc cho con Tập Tễnh nghe nữa.
Bây giờ thì tôi đã quen với cách con Rùa đặt tên cho đám bạn của nó. Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết:
- Tập Tễnh chắc là con khỉ vẫn hay chạy ra đây chơi với em?
Không ngờ tôi hố to. Con Rùa cười:
- Tập Tễnh là một con nai con.
Tôi không biết một con nai có thể nghe chuyện được không nhưng tôi nhớ hồi sáng con Rùa từng nói chuyện với con Cổ Dài và con ngỗng hung hăng đó đã lập tức bỏ đi khi nghe con Rùa xác nhận tôi không phải là kẻ trộm.
Để lảng tránh đề tài mù mờ này, tôi cầm lấy cuốn truyện tranh trên tay con Rùa và nhìn nó bằng cặp mắt nheo nheo:
- Em đọc hết cuốn truyện này chưa?
- Chưa. Anh đọc cho em nghe đi!
- Sao em không tự đọc? Tự mình đọc bao giờ cũng thích hơn em à.
- Em không biết tiếng Pháp.
Ánh mắt tôi lập tức rớt xuống cuốn truyện trên tay. Bây giờ tôi mới để ý các dòng chữ ngoài bìa. Toàn tiếng Pháp. Lật vào bên trong cũng vậy.
Tôi cười, nửa đùa nửa thật:
- Anh cũng đâu có biết thứ tiếng này.
- Anh là sinh viên mà.
Tôi là sinh viên nhưng tôi không giỏi tiếng Pháp. Tôi biết tôi không đủ sức đọc hết cuốn truyện này, nhưng do tôi gần như thuộc lòng bản tiếng Việt nên giờ đây tôi giả vờ đọc rồi kể lại cho con Rùa nghe là chuyện chẳng có gì khó.
Tôi mân mê cuốn sách:
- Làm sao em có cuốn sách này?
- Người ta cho ông ngoại em. Lúc em còn bé, ông em đọc rồi kể cho em nghe. Mỗi ngày ông kể một đoạn. Nhưng chưa kịp kể xong cuốn sách thì ông em mất.
Tôi không ngờ ông ngoại của con Rùa giỏi giang như vậy. Ông ngoại nó mất rồi, nó đang đi tìm một người giỏi ngang ông ngoại nó để đọc và kể cho nó nghe phần sau của cuốn truyện. Bây giờ thì tôi đã biết tại sao hai hôm nay nó nấp ngoài hè để rình tôi. Có lẽ nó biết tôi là sinh viên, lại thấy tôi ham đọc sách, nó tin tôi có thể giúp nó được. Nhưng hôm đó không phải là ngày may mắn của con Rùa. Tôi đang lật cuốn truyện, định hỏi ông nó đã kể cho nó nghe tới chỗ nào thì tiếng thằng Thục đã vọng tới lồng lộng:
- Anh Đông ơi anh Đông!
Tôi chưa kịp lên tiếng, Thục đã tru tréo tiếp:
- Anh Đông ơi, anh đang ở đâu vậy?
- Tao ở đây nè!
Lúc đó tôi và con Rùa đang đứng cạnh hòn non bộ. Trời chưa tối hẳn nhưng mặt trời đã nấp sau những vạt sương mù khiến hai ông tiên đánh cờ trông như người ngủ gục. Trên chiếc bàn đá ẩm ướt, những hòn sỏi chắc chắn đã ngủ say, như đã ngủ như thế từ rất lâu rồi. Bầy cá vàng uể oải vẫy những chiếc vây dài dưới đám tai bèo, có vẻ cũng sắp sửa chui vào các kẽ đá để nằm mơ những giấc mơ về lũ loăng quăng.
Thằng Thục nhô đầu sau hàng giậu thưa:
- Anh đang làm gì đó?
- Tao đang ngắm hòn non bộ. Mày đi đâu đây?
- Mẹ em bảo em đi kiếm anh về ăn cơm.
- Mày về nói với mẹ tao ăn ở nhà cô Út Huệ. Tối tao ngủ trên này luôn.
Thằng Thục bứt một nhánh tơ hồng leo trên bờ giậu, vẻ không bằng lòng. Nó khẽ đánh mắt về phía con Rùa nhưng khi nói với tôi nó làm như không có con Rùa ở đó, hoặc cũng có thể nó nghĩ con Rùa là một gốc cây không có khả năng hiểu những gì nó nói:
- Trên xóm này có gì hay đâu mà anh ở lại.
Tôi chưa kịp trả lời, cũng chưa biết phải trả lời như thế nào, thằng Thục đã vạch hàng rào đi về phía tôi, miệng tiếp tục bô bô:
- Ở đây toàn những đứa chán phèo à.
Lần này thì con Rùa không làm thinh nữa. Nó hất mặt về phía thằng em tôi:
- Mày muốn đánh nhau hả Thục?
- Tao không đánh nhau với con gái.
Thục bĩu môi về phía con Rùa và nó nắm lấy tay tôi:
- Về thôi, anh!
Tôi quay nhìn con Rùa, đưa cuốn truyện tranh cho nó và mỉm cười:
- Em cất đi! Ngày mai anh sẽ đọc cho em nghe.
Tôi theo chân thằng Thục quay về nhà cô Út Huệ, lòng hoàn toàn để ngỏ cho sự áy náy tràn vào. Vẻ mặt ngẩn ngơ của con Rùa khi tôi chuẩn bị quay gót khiến tôi muốn ngoảnh lại cười với nó một cái nữa nhưng thằng Thục lôi tôi đi nhanh quá.
***
Về trước ngưỡng cửa, Thục đã hạch sách tôi ngay, theo cái kiểu cha mẹ vẫn rầy con cái chơi với bạn xấu:
- Sao anh lại chơi với con Rùa?
Đang bực mình, tôi hừ mũi hỏi lại:
- Sao tao lại không thể chơi với con Rùa?
- Vì tụi em không đứa nào chơi với nó.
Lý do của thằng Thục nghe rất chướng tai. Nhưng tôi không cãi, chỉ nói:
- Tao thấy bé Loan rất mến con Rùa.
- Chỉ mấy đứa con gái ngốc nghếch mới đánh bạn với nó thôi.
- Chị Rùa không thèm chơi với tụi anh thì có!
Tiếng bé Loan thình lình cất lên đằng sau lưng tôi, và tôi phải thú nhận là tôi hết sức khoái trá khi thấy gương mặt thằng Thục đột ngột méo đi.
- Mày… mày…
Thục ấp a ấp úng, trông nó như người vừa nuốt phải lưỡi.
Bé Loan bước lại chỗ Thục, thò tay véo thằng này một cái:
- Nói xấu chị Rùa nè!
Thằng Thục có vẻ rất ngán bé Loan, dù nó lớn hơn con bé đến bốn tuổi. Con bé này véo nó chắc là đau lắm nhưng Thục chỉ biết ôm cánh tay xuýt xoa.
Bữa đó, tôi chở thằng Thục về tới đầu cầu treo. Khi leo xuống khỏi yên và giao xe lại cho nó, tôi cười nói:
- Tao biết mày thù con Rùa chuyện nó giành nắp keng với mày nè.
Thằng Thục cầm lấy ghi- đông, mặt đột nhiên nghiêm trọng:
- Tụi em không chơi với nó vì nó là một đứa… một đứa…
- Một đứa gì?
- Một đứa… – Thục nhíu mày, nó lục lọi vốn từ trông vất vả như đang tìm một đồng xu đánh rơi trong bể cá – Nói chung nó là một đứa… một đứa không bình thường.
- Tao vẫn chưa hiểu một đứa không bình thường là một đứa như thế nào! – Tôi liếm môi, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Thục.
- Là nó không giống như tụi em. Nó không giống bất cứ ai ở trong làng.
Tôi nhún vai:
- Ai bảo mày vậy?
- Ông Hai Sắn bảo. Ổng bảo ông thường bắt gặp nó trò chuyện hàng giờ với các con vật.
Tôi vỗ vai Thục:
- Tao đã tận mắt thấy con Rùa nói chuyện với con ngỗng nhà nó.
- Đó! Anh thấy chưa? – Thục reo lên, giọng đắc thắng như thể điều tra viên vừa tóm được chứng cứ của tội phạm – Em đâu có bịa chuyện.
- Nhưng tao thấy chẳng có gì là không bình thường cả. Hôm nào mày thử nói chuyện với con ngỗng xem, biết đâu nó hiểu được tiếng mày. – Tôi đáp, giọng bỡn cợt. Bằng thái độ đó tôi muốn thằng Thục biết là tôi không đứng về phía nó.
Tôi cố ý bông đùa, nào ngờ Thục gật đầu:
- Em thử rồi.
- Mày thử rồi? – Tôi dựng mắt lên – Mày đã nói chuyện với con ngỗng nhà Rùa rồi hả?
- Dạ.
Thằng Thục làm tôi tò mò quá thể:
- Kết quả sao?
- Kết quả là nó rượt em và mổ vào mông em một phát bầm tím đến mấy ngày.
- Ha ha ha…
Tôi không muốn chế giễu thằng Thục nhưng tiếng cười vẫn cứ phát ra.
- Anh đừng cười nhạo em. – Thục sa sầm mặt – Em nói thật đó. Anh không nên chơi với con Rùa.
- Tao cứ chơi.
- Ông Hai Sắn còn bảo cứ vài ngày con Rùa lại vào rừng để làm chuyện mờ ám gì đó. Ông Bốn Lai cũng bảo thế.
- Chuyện mờ ám là chuyện gì?
Thục đột nhiên thấp giọng như sợ ai nghe lỏm:
- Có thể nó liên lạc với giặc cướp.
- Trong rừng có giặc cướp á?
Thục nhăn nhó, có vẻ không hài lòng về câu hỏi của tôi:
- Anh quên ba con Rùa chết là do rượt theo bọn cướp rồi sao. Sào huyệt của bọn chúng ở trong rừng chứ đâu.
- Ông Hai Sắn và ông Bốn Lai bảo thế à?
- Dạ.
- Mày tin mấy ông đó sao? – Tôi nheo một bên mắt, giọng đã bắt đâu bực bội.
- Tin chứ. – Thục gật đầu, phớt lờ vẻ mặt khó coi của tôi. – Họ đều là thợ săn, chuyện gì trong rừng mà họ chẳng biết. Ông Bốn Lai còn đề nghị thầy Điền cấm con Rùa ra khỏi nhà nữa kìa.
- Tao thì tao chẳng tin.
Tôi đá chân vào bánh xe sau:
- Trời tối rồi. Thôi, mày về đi kẻo mẹ mong.
Đợi thằng Thục chạy xe lên cầu treo, tôi quay mình lần về lối cũ.
Dĩ nhiên tôi không tin câu chuyện của mấy ông thợ săn, mặc dù tôi không hiểu tại sao họ lại bịa chuyện để nói xấu con Rùa.Trời tối dần trên vai, và tôi vừa đi vừa sung sướng căng ngực hít thở mùi vị của buổi chiều. Như một loại trái cây, khi chín dần thành đêm, buổi chiều cũng tỏa ra hương thơm đặc biệt của nó, trong đó có mùi gió, mùi cỏ, mùi lá cây và phảng phất cả thứ hương mọc kín đáo đâu đây khiến cánh mũi tôi không ngớt phập phồng.
Tôi lại nghĩ đến con Rùa khi đá chân vào bụi mắc cỡ bên đường để thấy những chiếc lá khép lại như rèm mi dài của nó.
***
Tối đó, tôi không qua nhà con Rùa chơi như dự định. Vừa ăn cơm xong, trời đổ mưa ríu rít. Ngồi trong nhà nhìn ra, thấy mưa dày như vải mùng. Những hạt nước to rơi xuống sân bắn ngược trở lên tung tóe, tưởng như ông trời đang vãi thóc. Có lẽ đây là lượng nước hồi chiều những đám mây giữ lại giữa không trung, dành cho một trận mưa khác vào ngày khác. Nhưng tối ngủ quên, những đám mây lỡ tuột tay đánh rơi mưa xuống. Xưa nay những con mưa trái mùa bao giờ cũng đến từ những đám mây lơ đễnh.
Bé Loan ngồi thu lu bên cạnh tôi trên ngách cửa, nói:
- Chạy ra tắm đi anh!
- Trời tối thui à.
- Trời tối tắm mới thích.
- Nhưng lạnh lắm.
Tôi nói, bắt gặp mình xấu hổ. Hồi còn ở làng, tôi rất thích tắm mưa. Tôi không sợ lạnh, dù là ban ngày hay ban đêm. Mưa, với trẻ con nông thôn, bao giờ cũng kéo theo niềm vui, sự hân hoan và phấn khích. Cởi truồng, hoặc để nguyên quần áo nếu lớn lên tí nữa, chạy nhảy dưới mưa là niềm thích thú khó tả.Tôi hỏi bé Loan, cố lảng đi đề tài tắm mưa:
- Em biết ông Hai Sắn, ông Bốn Lai không em?
- Biết. Em cũng biết cả ông Bảy Thành và chú Ngãi nữa.
- Bọn họ là thợ săn à?
- Dạ. Họ sống bằng nghề đi săn và bẫy thú.
- Nghe nói họ ghét chị Rùa lắm hả?
- Dạ.
- Tại sao vậy?
- Tại chị Rùa ghét họ.
Tôi nhớ ra con Rùa rất yêu các con vật. Tôi nhớ đến đám bạn của nó: con ngỗng, con sóc, con nai, con chim, con khỉ… Trong khi phường săn là kẻ thù của các con vật.
Theo lời bé Loan kể thì vào mùa thả diều năm ngoái, ông Hai Sắn bẫy được một con nai con. Con nai bị bẫy kẹp què giò. Con nai còn bé, lại rất đẹp, ông Hai Sắn
không muốn xẻ thịt. Có người xúi ông đem vào phương Nam bán cho các sở thú. Nhưng con nai đang bị què, ông Hai Sắn chưa đem bán vội. Con Rùa bảo ông Hai Sắn nó có thể chữa lành cho con nai con. Nghe nó kể vanh vách tên các cây thuốc và công dụng...

<< 1 2 3 4 5 ... 17 >>

Facebook Google Plus

• Bài Viết Cùng Chủ Đề
Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197 Truyện Năm Ký Tự - Cậu Đừng Bỏ Tớ Nhé Jun197
Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197 Truyện Niềm Hạnh Phúc Của Một Thằng Nghèo - Jun197
Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap) Truyện Dòng Đời Xô Đẩy - Hiếu Sky (Full Chap)
Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx Yêu Người IQ Cao - Tác Giả DoiThayxx
Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full Truyện Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị Full

Quy định sử dụng | Thông tin liên hệ
Thế Giới Giải Trí Di Động
© 2017 Tai Game Java DMCA.com Protection Status