gầm gừ, vậy mà bây giờ nó chịu mở miệng khen đối thủ của mình, chứng tỏ cái trò ghép tên này quả là một “độc chiêu” chứ không phải chơi.
Quả nhiên, khen Ngữ xong, Bá hất hàm hỏi tôi:
- Vậy thì mày cứ chơi trò ghép tên. Thằng Ngữ dám chơi, mình sợ gì! Hơn nữa, mày thuận lợi hơn nó, Khoa với Khanh cùng phụ âm “Kh”, rõ ràng có duyên tiền định. Còn chữ Ngu Kha đọc lên sao thấy nó… ngu ngu!
Bá nhận xét giống hệt tôi. Hôm trước, tôi dại dột nói lên điều đó trước mặt Ngữ, bị nó chửi một trận nên thân. Lúc đó, tôi tưởng chỉ mình tôi có cảm giác vớ vẩn như vậy, nào ngờ thằng Bá “nhạy cảm” không kém gì tôi. Thật chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đứa tôi chơi thân với nhau. Tôi nhìn Bá bằng ánh mắt trìu mến và thỏ thẻ hỏi:
- Vậy bây giờ tao phải ghép làm sao? Chẳng lẽ ghép thành “Khoa Khan” hoặc “Kho Kha”?
Bá hừ mũi:
- Không được! Cả hai bút hiệu đó đều “không giống ai”. Mày phải để là Kh.Kh. Bút hiệu này nó vừa bí ẩn lại vừa rõ ràng. Nó ỡm ờ như chính tình yêu! Thằng Ngữ, thằng Hòa, thằng Nghị sẽ phải phát ghen với nhà thơ mới nổi Kh.Kh!
Bá vẽ vời thật hấp dẫn. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lo:
- Bút hiệu Kh.Kh. đọc lên sao tao thấy “khờ khờ”. “Khờ khờ” thì cũng từa tựa như “ngu ngu”, có hơn gì bút hiệu của thằng Ngữ đâu!
Phát hiện của tôi khiến Bá giật mình. Nó gãi đầu, bối rối:
- Ừ hén! Tao quên để ý chuyện đó! – Rồi nó ngập ngừng bảo – Vậy thôi, mày bỏ chữ “h” đi! Lấy bút hiệu là K.K.!
Tôi lại nhăn mặt:
- “Ca ca” nghe mất vệ sinh quá! Trong tiếng Pháp, “ca ca” có nghĩa là…
Bá cười hề hề:
- Mày lo xa quá! Gia Khanh nó học tiếng Anh chứ đâu có học tiếng Pháp. Nó có biết “ca ca” là cái quái gì đâu! Nó sẽ hiểu “ca ca” theo nghĩa chữ Hán. “Ca ca” là anh, là “đại huynh”. Mày là đại huynh, nó là tiểu muội, còn muốn gì nữa!
Nghe Bá thuyết một hồi, tôi nức lòng nức dạ, đồng ý ngay. Từ hôm nay, tôi là K.K., mặc dù cái tên đó có vẻ điệp viên hơn là thi sĩ. Nhưng không sao, miễn tôi được làm đại huynh thương nhớ. Khi bài thơ đăng lên, tôi sẽ thủ thỉ bên tai Halley tiểu muội: “Gia Khanh đã đọc bài thơ của K.K. trên tờ báo lớp mình chưa? Gia Khanh có biết nhà thơ K.K. lãng mạn kia là ai không?”.
Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Và tôi không cần phải giải đáp. Gia Khanh học tiếng Anh, hẳn nó sẽ thừa thông minh để hiểu “ai” tức là “I”, đại từ ngôi thứ nhất số ít, tức là “tôi”, tức là đại huynh của nó đây chứ còn ai nữa!
Chương 12:
Chủ bút Ngu Kha đón nhận bài thơ của tôi với vẻ sửng sốt:
- Mày lại… quay về với thi ca?
Tôi làm bộ hiền lành:
- Ừ, tính tao vậy! Bao giờ tao cũng thích thơ hơn những thứ khác.
- Tốt lắm!
Ngữ gật gù. Nó chưa vội đọc ngay bài thơ của tôi. Mà đủng đỉnh gặng hỏi:
- Thơ mày lúc này có gì mới không?
- Mới chứ! – Tôi đáp.
- Mới sao?
Tôi liếm môi:
- Tiến bộ hơn trước. Lần này trước khi sáng tác, tao nghe lời mày, kiếm thơ tiền chiến về đọc tới đọc lui để… học tập.
Ngữ lại gật gù:
- Khá lắm!
Mặc dù khen tôi, Ngữ chưa có vẻ gì muốn xem bài thơ. Thấy vậy tôi liền giục:
- Mày đọc đi! Đọc xong, góp ý cho tao!
Trước sức ép của tôi, Ngữ không hỏi han lòng vòng nữa. Nó dòm xuống tờ giấy trên tay, lẩm nhẩm đọc. Bài thơ có bốn câu mà Ngữ đọc lâu lắc. Chắc thơ hay nên nó đọc đi đọc lại! Tôi hớn hở nhủ bụng và lặng lẽ quan sát Ngữ. Vẻ mặt nó sao đăm chiêu quá chừng. Đọc xong bài thơ của tôi, nó ngồi im như đá, không thốt một lời. Chẳng lẽ ý tứ của bài thơ khiến nó xúc động đến đờ người? Ngữ còn bị ép-phê như vậy, huống hồ gì Gia Khanh! Đọc những lời tình tứ của tôi, dám Gia Khanh xỉu ngay trong lớp. Thốt nhiên tôi cảm thấy lo lo. Tôi cầu trời cho Gia Khanh đừng mắc bệnh tim. Mắc bệnh tim nó sẽ không chịu nổi tình cảm mãnh liệt của tôi. Nó sẽ chết vì xúc động. Lúc đó, tôi sẽ can tội cố sát. Tôi sẽ can tội giết người bằng… thơ, dù đó là thơ thằng Bá “gà” cho tôi. Hẳn nhiên sau đó tôi phải đi tù. Nghĩ đến chuyện tù tội, tôi hãi quá, liền chộp lấy vai Ngữ lay lay:
- Sao vậy mày?
- Sao cái gì?
- Sao đọc thơ tao xong, mày ngồi im re vậy?
Ngữ
nhát gừng:
- À, à, tao bị mỏi…
Tôi càng quýnh:
- Mỏi… tim hả?
Ngữ cười tủm tỉm:
- Không phải mỏi tim. Mà mỏi cổ.
- Mỏi cổ?
- Ừ, đọc thơ mày mỏi cổ thấy mồ!
Tôi ngạc nhiên:
- Thơ tao ngắn ngủn, đọc nhoáng một cái là hết, làm gì đến nỗi mỏi cổ?
Ngữ chép miệng:
- Ở đây không phải chuyện thơ ngắn hay thơ dài. Tao mỏi cổ vì phải gật đầu chào nhiều quá!
Ngữ nói sao nghe mù mịt. Tôi chẳng hiểu gì cả:
- Mày gật đầu chào ai?
Ngữ vẫn úp úp mở mở:
- Thì chào những người quen.
Tôi bắt đầu nổi cáu:
- Những người quen nào? Ở đâu? Bữa nay mày ăn nói sao rắc rối rù rờ quá vậy?
Ngữ nhấp nháy mắt, giọng giễu cợt:
- Tao gặp những người quen ở trong bài thơ của mày chứ ở đâu! Gặp Xuân Diệu, tao phải gật đầu chào một cái. Gặp Huy Cận, chào một cái. Gặp Hồ Dzếnh, lại chào cái nữa. Chào một hồi, cổ tao mỏi nhừ.
Nói xong Ngữ cười hì hì và đưa tay lên xoa cổ một cách đểu cáng. Còn tôi thì lờ mờ hiểu ra điều nó nói. Ý nó bảo tôi ăn cắp thơ của các nhà thơ tiền chiến. Nó bảo tôi “đạo văn”. Nhưng tôi không tin mặc dù bụng dạ hoang mang vô kể. Tôi nhẩm lại bài thơ trong đầu cả chục lần nhưng vẫn không lần ra mối quan hệ ám muội giữa những câu thơ thằng Bá sáng tác với tác phẩm của các nhà thơ Ngữ vừa kể tên. Tôi nghi Ngữ “hù” tôi. Thấy thơ tôi hay quá nên nó ghen ghét tìm cách nói xấu. Nó không muốn ai làm thơ hay hơn nó. Nó muốn một mình một cõi. Nó muốn múa gậy vườn hoang. Nhưng tôi không chịu thua Ngữ phen này. Vườn thơ lớp tôi thênh thang, “hai mình một cõi” cũng còn rộng chán, vậy mà thằng Ngữ nó ích kỷ quá chừng, nó cứ muốn tống cổ tôi ra khỏi lãnh địa thi ca. Tôi hậm hực hỏi:
- Mày phịa chứ thơ tao làm gì có Xuân Diệu, Huy Cận ở trỏng!
Ngữ nheo mắt ngó tôi:
- À, tao nói thật mà mày không tin há! Mày có muốn tao dẫn chứng ra không? Bài thơ của mày chỉ có bốn câu mà đã tới ba ông ngồi chồm hổm trong đó rồi, vậy mà mày còn cãi chày cãi cối!
Tôi cứng cỏi:
- Mày ngon thì dẫn chứng đi!
- Chà, chà, lại còn thách thức nữa! – Ngữ khịt mũi và cúi đầu dòm vô bài thơ – Đây nè! Xuân Diệu viết “Cứ đến mùa này anh thêm yêu” thì mày nhại thành “Biết đến bao giờ em biết yêu”. Câu thứ hai thì mày ăn cắp thơ Huy Cận. Huy Cận viết “Cho tôi theo với, kéo tôi gần”, mày sửa thành “Cho tôi theo với, kéo tôi nhiều”. Mày chôm nguyên câu, chỉ sửa có một chữ. Mà khổ nỗi, sửa xong, câu thơ lại đâm ra dở hơi, chẳng bằng một góc câu thơ gốc. Hai câu cuối cùng khá hơn “Tôi biết tình em e ấp lắm, bên nhau mà xa cách bao nhiêu”, tuy nhiên…
Ngữ nói đến đâu, mồ hôi tôi chảy ra đến đó. Hóa ra thằng Bá chỉ giỏi tài ăn cắp thơ người khác. Nó ăn cắp tinh vi nhưng làm sao qua mắt được thằng Ngữ. Ngữ thuộc thơ như cháo. Một bài thơ chỉ cần nghe thoáng qua một, hai câu, nó đã biết ngay tác giả là ai. Bá múa rìu qua mắt thợ mà không biết. Nó chỉ lừa được đứa “khờ khờ” là tôi. Còn cái đứa “ngu ngu” kia chẳng ngu chút xíu nào.
Chỉ đến khi Ngữ khen hai câu thơ cuối cùng “có khá hơn”, tôi mới cảm thấy đỡ ê mặt được một chút. Đang nói nửa chừng, Ngữ đột nhiên bỏ lửng khiến tôi thấp thỏm hỏi:
- Tuy nhiên sao?
Ngữ nhún vai:
- Tuy nhiên hai câu thơ này cũng xuất xứ từ hai câu của Hồ Dzếnh “Tôi biết tình cô u uất lắm, xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi”. Bây giờ thì mày tin là tao mỏi cổ sau khi đọc thơ mày chưa?
Dĩ nhiên là tôi tin. Nhưng tôi không trả lời Ngữ. Tôi nhìn xuống đất, mặt mày méo xẹo. Rõ ràng thằng Bá hại tôi. Tôi cứ ngỡ nó là thiên tài, trong khi thực ra nó chỉ là… thiên tai. Nó chuyên gieo rắc hiểm họa cho người khác. Khi nghe nó khoe thơ nó chứa một trời thương nhớ, tôi tưởng thật. Đến bây giờ tôi mới biết thơ nó chỉ chứa toàn “người quen” của Ngữ. Nó làm tôi xấu hổ chín người.
Ác một nỗi, Ngữ đâu có biết bài thơ đó do Bá “sáng tác”. Nó cứ đinh ninh tôi chuyên nghề photocopie thơ của thiên hạ. Ánh mắt chế nhạo của nó khiến tôi nhột quá chừng.
Nhưng những lời đàm tiếu xung quanh bài thơ tôi không dừng lại ở đó. Ngữ nói:
- Dù sao, chuyện tao mỏi cổ vì đọc thơ mày cũng không phải là chuyện quan trọng. Tao đã gặp cả khối đứa làm thơ kiểu đó. Chuyện quan trọng nằm ở chỗ khác!
- Chỗ khác là chỗ nào? – Tôi hỏi, giọng hoang mang.
- Ở chỗ… – Ngữ kéo dài giọng với vẻ tinh quái – ở chỗ qua bài thơ này, tao phát hiện ra mày đang… yêu say đắm.
Tôi giật mình:
- Say đắm đâu mà say đắm! Tao chỉ yêu chơi thôi! Yêu để làm thơ!
Bài học trên lớp tôi tụng hoài không thuộc mà chẳng hiểu sao những gì Ngữ dạy tôi đều nhớ như in. Tôi trả lời đúng bài bản. Nhưng Ngữ chẳng màng nghe tôi. Nó cười khảy:
- Mày đừng có bịp tao! Tao là người sáng tác ra cái mốt “yêu chơi”, chẳng lẽ tao không phân biệt được thế nào là yêu chơi, thế nào là yêu thật sao? Không những tao biết mày đang yêu thật mà tao còn biết mày yêu ai nữa kìa!
Tôi hỏi và nghe tim mình thót lại:
- Yêu ai?
Ngữ dang rộng hai tay:
- Thì còn ai ngoài nhỏ Gia Khanh! Cái bút hiệu K.K. của mày được cấu tạo theo phương pháp “ghép mô” của tao, lẽ nào tao không biết! – Rồi Ngữ hắng giọng nói thêm – Nhưng thằng Nghị, thằng Hòa mê em Gia Khanh, tao không thắc mắc, còn mày đi đứng loạng quạng thế nào mà lại sa chân vào đường tính ái, tao lấy làm lạ lắm Khoa ơi!
Thấy Ngữ ngân nga châm chọc, tôi tìm cách chống chế:
- Thì tao giống như mày thôi. Thoạt đầu là yêu chơi, rồi dần dần chuyển qua… yêu thiệt.
Ngữ hừ giọng:
- Mày giống tao sao được mà giống! Tao mắc bệnh yêu mãn tính, mày mang tư chất thầy chùa, đứa thăng niết bàn, đứa sa địa ngục, khác nhau xa! Tự dưng mày ăn phải bùa mê thuốc lú của ai, bỗng đâm đầu chạy theo con gái. Nội công thâm hậu như tao, nhaao vô em còn trầy vi tróc vảy, cỡ thầy tu mới hoàn tục như mày sức đâu mà đòi “cho tôi theo với, kéo tôi nhiều”. Nếu chẳng may nó nể lời mày, nó thẳng tay “kéo” mày một phát, chắc mày sẽ té đập đầu xuống đất, chảy máu mồm máu mũi lênh láng chứ chẳng chơi!
Ngữ vẽ lên trước mắt tôi một bức tranh toàn màu xám. Chắc nó muốn tôi chết khiếp bỏ cuộc nửa chừng để nó rộng đường săn đón Gia Khanh. Tôi liền ấm ức nói:
- Mày “hù” tao để tao rút lui chứ gì?
Ngữ cười ha hả:
- Trời đất! Thằng Nghị, thằng Hòa tao còn không sợ, không lẽ tao sợ mày! Nhà thơ thiệt đi sợ nhà thơ dỏm? Mày có điên không hả Khoa?
Trong khi tôi đứng chết trân thì Ngữ vỗ ngực, hùng hồn nói tiếp:
- Để mày khỏi nghi kỵ, tao sẽ đăng bài thơ của mày, mặc dù vị trí của nó lẽ ra nằm ở sọt rác. Còn tao và mày, từ nay mỗi đứa phải tự lo lấy “mạng sống” của mình. Mỗi đứa chiến đấu trên một trận tuyến, khỏi cần ai giúp ai!
Sau khi tuyên bố một câu “đứt bóng”, Ngữ nhét bài thơ của tôi vào túi áo và khệnh khạng bỏ đi, không kịp để tôi nói một lời từ giã.
Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo nhà thơ đàn anh. Ngữ không cáu chuyện tôi thương Gia Khanh. Nó chỉ điên tiết chuyện tôi dám coi tôi là đối thủ ngang tầm với nó. Nó giận tên đồ đệ hỗn hào, chuyên đi ăn cắp thơ người khác, trong khi đó lại sợ sư phụ “ăn cắp” tình yêu của mình.
Nhưng Ngữ có giận tôi hay không, đối với tôi điều đó chẳng quan trọng gì. Tôi chỉ lo một điều, không biết cuối cùng Ngữ có chịu đăng bài thơ “tổng hợp” của tôi như nó đã hứa hay không. Tôi hy vọng nếu không nể tôi thì ít ra Ngữ cũng nể mặt ba nhà thơ tiền chiến đang “tạm trú” trong thơ tôi. Nếu Ngữ là sư phụ tôi thì ba ông kia là sư phụ nó. Sư phụ của nhà thơ Ngu Kha tức là sư tổ của nhà thơ K.K. Thằng Bá không biết điều đó nên khi chạy lại gần tôi, thấy tôi đang lim dim mắt, lẩm nhẩm cầu nguyện: “Sư tổ ơi, phù hộ con với!”, nó hoảng hốt sờ tay lên trán tôi, lắp bắp:
- Mày bị chó dại cắn hả Khoa?
Chương 13:
Ba tổ sư Xuân Diệu, Huy Cận và Hồ Dzếnh hẳn đã nghe thấy lời khẩn cầu tha thiết của tôi nên vào ngày tờ báo tường sắp lên khuôn, tôi tìm thấy trong xấp bản thảo Ngữ đưa bài thơ “Biết đến bao giờ” của tôi.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng và kể từ giây phút đó, tôi chúi mũi vào chăm chút minh họa bài thơ của mình.
Trình bày và trang trí tờ báo, ngoài tôi ra, còn có thằng Vinh rỗ. Nhưng Vinh rỗ chỉ là “thợ phụ”. Nó là lính của tôi. Trước nay, bài vở mười phần, tôi giành vẽ hết bảy phần. Vinh minh họa ba phần ít ỏi còn lại. Nhưng lần này, do tôi đầu tư hết thời gian và công sức vào bài thơ của tôi nên Vinh tha hồ múa cọ. Nó khoái lắm. Vừa khoái, nó vừa thắc mắc:
- Bài thơ của ai mà mày vẽ kỹ vậy?
Tôi vờ vịt:
- Nó ký tên tắt làm sao tao biết được!
Vinh tò mò cầm bài thơ lên xem. Xem xong, nó bĩu môi:
- Thơ dở ẹc!
Giọng lưỡi của thằng Vinh làm tôi giận muốn ứa gan. Nếu nó là em tôi thì tôi đã đá đít nó rồi. Kẹt một nỗi, nó là bạn của tôi và mặc dù mặt nó rỗ hoa, tay chân nó lại to như cẳng voi. Tôi đành tự an ủi: nó đâu có biết K.K. là tôi, nếu biết hẳn nó đã bốc “sếp” của nó lên tận mây xanh rồi. Nghĩ vậy, tôi chỉ mím môi, hậm hực:
- Nhưng mà tao thích bài thơ này!
Thấy tôi đột ngột nổi quạu, Vinh không dám bình luận thêm nữa. Nó cúi xuống hí hoáy làm phận sự.
Trong những bài thơ Vinh minh họa, có cả bài thơ của Ngu Kha. Dạo này, Ngu Kha vẫn tiếp tục làm thơ tình cho Gia Khanh. Nó vẫn ra rả cái điệp khúc “Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh không?”. Nhưng con chim quỷ quái kia dường như nhất định không chịu hiểu nên trong bài thơ nào Ngữ cũng nhắc tới nhắc lui cái ý đó, hệt như thông báo “coi chừng mất cắp” mà người ta vẫn lặp đi lặp lại trên loa phóng thanh ở các bến xe liên tỉnh.
Tụi bạn trong lớp lúc này cũng thôi chọc Ngu Kha. Chọc hoài, thằng Ngữ cứ giở đòn lì, ai nấy đâm chán. Hơn nữa, đòn thằng Ngữ như gió vào nhà trống nên cũng chẳng ai buồn quan tâm. Nó tung thơ ào ào như Tôn Ngộ Không tung thiết bảng. Gia Khanh vẫn một mực trơ trơ.
Cho đến nay, chỉ có tôi, Bá và có lẽ cả Gia Khanh biết Ngu Kha là ai. Nhưng cả ba đều ngậm tăm. Gia Khanh thì vậy, như chiếc lá khoai, bao nhiêu thơ đổ ra ngoài bấy nhiêu. Bá thì nhìn Ngữ bằng nửa con mắt. Nó bảo tôi: Ngu Kha là tên vô hại. Bá chỉ đề phòng Nghị.
Tôi không coi thường Ngữ. Nhưng tôi không tin nó sẽ nắm được đuôi sao chổi. Thơ ca dù sao cũng là vũ khí tầm xa. Trong khi đó, để giải quyết chiến trường, người ta không những cần đại pháo mà còn cần cả súng trường và lưỡi lê cho những màn đánh xáp lá cà.
Tôi khác Ngữ. Ngữ ngồi xa lắc xa lơ, trong khi tôi ngồi sát ngay sau lưng Gia Khanh. Tôi từng trò chuyện với nó. Tôi cho nó mượn thước, mượn gôm, mượn viết. Nó cười với tôi. Tôi cười với nó. Nụ cười ngớ ngẩn của tôi là lưỡi lê, là súng ngắn. Tôi chỉ thiếu đại pháo.
Nhưng hôm nay tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy. Tôi nạp bài thơ “Biết đến bao giờ” vào nòng đại bác và sắp sửa giật cò.
Hôm khẩu đại bác của tôi khai hỏa, tôi không dám đến lớp sớm. Tôi không đủ can đảm chứng kiến cảnh Gia Khanh đứng trước tờ báo tường và run rẩy đọc từng dòng thơ của tôi. Gia Khanh xúc động một, tôi sẽ xúc động mười. Và bao giờ cũng vậy, hễ xúc động quá mức, tôi không làm sao ngăn được những cú nhảy mũi quái ác, tôi sẽ “hắt xì hơi” thật to và những tấm cửa kính trên tường sẽ rung lên loảng xoảng. Mà một nhà thơ có giọng điệu trữ tình nhỏ nhẹ như nhà thơ K.K. thì không được phép “hắt xì hơi” sấm sét như thế, nhất là vào thời điểm tôi đang cố tỏ ra đáng yêu nhất trong những người đàn ông đáng yêu.
Tôi chỉ ôm cặp vào lớp sau khi tiếng trống vào học đã vang lên được năm phút. Chào cô xong, tôi lò dò đi về chỗ ngồi, đầu cúi xuống nhưng mắc thì liếc về phía Gia Khanh. Tôi ngạc nhiên khi thấy nó tỉnh bơ, chẳng tỏ vẻ gì là một người con gái vừa nhận được “thông điệp” của “người yêu”. Cặp mắt nó vẫn đẹp như thường lệ, nhưng ráo hoảnh. Hay là nó chưa đọc bài thơ của mình! Tôi thấp thỏm nhủ bụng.
Suốt buổi sáng hôm đó, tôi hồi hộp chờ xem Gia Khanh có hỏi mượn tôi một món đồ gì không. Nếu nó quay xuống, tôi sẽ tìm cách dò xem thái độ của nó. Trước đây, chuyện thằng Ngữ tôi còn hỏi được. Chuyện tôi, chẳng lẽ tôi làm thinh. Nhưng mặc cho tôi nghển cổ chờ thời, gần hai tiếng đồng hồ đằng đẵng, Gia Khanh tuyệt nhiên không ngoảnh mặt lại đằng sau lấy một cái. Nó cứ cắm cúi chép bài, ra vẻ ta đây ham học lắm. Thật dòm bắt ngứa con mắt!
Cuối cùng không kiên trì hơn được nữa, vả lại đã sắp đến giờ ra chơi, tôi đành chồm lên bàn trên, gọi khẽ:
- Gia Khanh!
- Gì vậy Khoa?
Gia Khanh nhìn tôi bằng đôi mắt mở to.
Tôi ấp úng:
- Gia Khanh cho Khoa mượn… cây thước đi!
- Chứ cây thước của Khoa đâu?
Tôi liếm môi:
- Bữa nay Khoa để quên ở nhà.
Nói xong, tôi bỗng tái mặt khi nhác thấy cây thước “để quên ở nhà” của tôi đang nằm sờ sờ trên bàn. Tôi định lấy cuốn tập che lại nhưng lại sợ Gia Khanh phát hiện ra hành động đáng ngờ của tôi. Chẳng biết làm sao, tôi đành dán người xuống mặt bàn, lấy ngực đè lên cây thước. Cây thước cấn vào xương sườn đau nhói nhưng tôi chỉ biết cắn răng chịu trận.
- Khoa làm gì vậy? – Gia Khanh ngơ ngác hỏi.
- Khoa có làm gì đâu! – Tôi cười gượng gạo.
Gia Khanh vẫn nhìn tôi chăm chăm:
- Sao Khoa lại nằm trên bàn?
- À, à… tại Khoa sợ cô giáo trông thấy.
Vừa đáp, tôi vừa giật vội cây thước trên tay Gia Khanh. Khi nãy tôi mong nó quay xuống bao nhiêu thì bây giờ tôi lại mong nó quay lên bấy nhiêu. Nhưng Gia Khanh chẳng bao giờ thèm làm ý muốn của tôi. Nó thích làm theo ý muốn của nó hơn. Nó lại tiếp tục “trò chuyện”:
- Khoa kẻ đi!
Nếu như bình thường, sự quan tâm của Gia Khanh sẽ khiến tôi cảm động đến ứa nước mắt. Nhưng bây giờ tôi đang ứa nước mắt vì… đau. Tôi có cảm giác cây thước khốn nạn kia đang ngọ nguậy dưới ngực tôi một cách thích thú và lúc nào cũng lăm le chĩa các mũi nhọn vào xương sườn tôi. Vì cái lý do chết tiệt đó mà dù yêu Gia Khanh không để đâu cho hết, tôi vẫn phải tiếc nuối từ chối cái cơ hội mà tôi hằng mong đợi. Tôi thở dài đáp:
- Ừ, lát nữa Khoa kẻ! – Và cố không lộ vẻ đau đớn, tôi nhìn lên bảng, phịa – Chết! Cô ngó xuống kìa!
Đòn của tôi quả là đòn độc. Gia Khanh hốt hoảng quay phắt lên. Hên cho tôi, ngay lúc đó cô Vĩnh Yên nhìn xuống, vì vậy Gia Khanh chẳng mảy may nghi ngờ. Nó tưởng tôi báo động thật.
Cô Vĩnh Yên dạy...