* KAIO.PRO - Hệ thống Bán Vàng, Ngọc Xanh, Đồ Item Tự Động 100% của GameHub.Pro
* Shop bán Vàng, Ngọc Xanh tự động

Văn Mẫu Hay 12 : Phân tích nhân vật Huấn Cao

Sống giữa buổi giao thời của hai thời đại, con người ta như có một sự chuyển biến khác lạ. Con người bị giằng xé giữa hai xã hội Tây – Tàu nhố nhăng, họ cảm thấy phẫn uất với xã hội đương thời. Là một con người khác với mọi người, Nguyễn Tuân có phong cách nghệ thuật thật nổi bật, là người say mê cái đẹp, suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật. Trước cách mạng tháng Tam, Nguyễn Tuân thành công với tác phẩm “ Vang bóng một thời”. Truyện viết về những con người đẹp tài danh trong quá khứ mà nay ra chỉ còn “vang bóng”. Họ tự đặt cho mình lên trên cái xã hội phàm tục ấy bằng thái độ ngông nghênh, khinh bạc, bằng thú chơi tao nhã, đầy tính nghệ thuật, thiên lương, trong sang hơn người. Một trong những con người tài hoa ấy là Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Huấn Cao không chỉ là người nghệ sĩ tài hoa mà còn là một anh hung tuấn kiệt, có tâm hồn cao đẹp. Huấn Cao là mẫu người lí tưởng được tác giả xây dựng với cảm hứng ca ngợi theo bút pháp lãng mạn.

Phân tích nhân vật Huấn Cao
Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Mỗi trang viết của ông đều muốn thể hiện sự tài hoa uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật. Ông thường đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại. Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tìm cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thẳm, thác ghềnh dữ dội… Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả quần chúng nhân dân. Chất giọng khinh bạc vẫn được duy trì và chủ yếu để dành cho kẻ thù của dân tộc hay những khía cạnh tiêu cực của xã hội.

Trước hết, Huấn Cao hiện lên với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử. Đây cũng là vẻ đẹp chung của các nhân vật trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời. Nếu như ở Hương cuội, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơm,…, nhà văn họ Nguyễn say mê đi vào phân tích gợi lên hứng thú thẩm mĩ cho độc giả từ những thú chơi tao nhã như thú thưởng trà, uống rượu “thạch lan hương”, “thả thơ”… thì ở Chữ người tử tù, ta lại có cơ hội được hiểu và yêu thêm một nghệ thuật cổ truyền của người phương Đông nói chung, của dân tộc nói riêng, qua tài năng của Huấn Cao: nghệ thuật thư pháp. Đây là một môn nghệ thuật rất độc đáo. Nó đòi hỏi ở người tham gia những phẩm chất đặc biệt, một tay bút tài hoa, điêu luyện, một trình độ uyên bác, một học vấn uyên thâm. Đối với các nhà thư pháp, mỗi lần đặt bút là một lần sáng tạo. Hơn thế nữa, thư pháp còn là ngành nghệ thuật của nhân cách, của tinh thần. Người viết thư pháp đòi hỏi phải có một cái tâm trong sáng, vững bền, một cốt cách thanh cao, đáng kính trọng. Với Huấn Cao, mỗi nét chữ “vuông tươi tắn” trên khuôn lụa trắng, với mùi mực thơm, nó “nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người”. Nói cách khác, ở đây, chữ cũng là người; chữ phập phồng hơi thở, linh hồn con người trong đó.

Tài viết chữ “nhanh và đẹp” của ông Huấn hầu như không được miêu tả trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua những “tiếng đồn”, những lời khen và qua cuộc trò chuyện của những nhân vật khác. Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã để cho hai nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại bàn luận về tử tù Huấn Cao: đó là “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen về cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, danh tiếng khắp một vùng. Còn với quản ngục, ông suốt đời ao ước “có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết” bởi “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Như vậy, bằng thủ pháp “vẽ mây nảy trăng”, lấy “bóng” làm lộ “hình”, Nguyễn Tuân đã tạo nên một “vòng hào quang” huyền thoại về nhân vật Huấn Cao, một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử với tài năng thư pháp có thể nói là phi phàm, siêu việt.

Không chỉ là một nghệ sĩ thư pháp tài hoa, Huấn Cao còn hiện diện với tư cách của một người tử tù. Những nhân vật khác trong tập truyện Vang bóng một thời đa phần là các nho sĩ cuối mùa, những ông Tú, ông đồ… sống ở buổi loạn lạc, nhiễu nhương đã tìm cách chối bỏ hiện thực xã họi đương thời bằng cách trở về với những thú chơi cao quý ngày xưa, coi đó như một hình thức “di dưỡng tinh thần”, đồng thời cũng ngầm ẩn thái độ bất đắc chí, bất hợp tác với chế độ, đặt mình lên trên thiên hạ bằng tài hoa hơn người và thiên lương bền vững. Giữa thế giới nhân vật có phần yếu đuối, bất lực ấy, Huấn Cao nổi bật lên với một dũng khí mạnh mẽ và cốt cách hào hùng, thể hiện qua hành động thực tế dám cầm đầu đám phản nghịch chống lại triều đình. Qua lời bàn bạc của quan coi ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao là một tử tù “văn võ song toàn” bởi “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục”. Còn bọn lính canh ngục thì lưu ý đây là “thủ xướng” đám phản nghịch, là kẻ “ngạo ngược và nguy hiểm nhất”. Tuy nhiên, để khắc chạm nổi bật nét vẻ đẹp khí phách ở ông Huấn, Nguyễn Tuân phát huy thế mạnh của lối miêu tả trực tiếp. Mỗi cử chỉ, lời nói, hành động, phong cách của nhân vật đều được miêu tả nổi hình nổi nét trên những trang văn. Cái khí phách ấy được thể hiện ở thái độ bất khuất, không nao núng, run sợ trước cường quyền.

Ống kính nghệ thuật của nhà văn tập trung vào giây phút đầu tiên, khi ông Huấn bị áp giải vào nhà lao cùng năm người bạn tù. Trước mặt lính áp giải và cánh cửa đề lao mở rộng, ông dường như vẫn bình thản lạ lùng, coi như ở chốn không người. Từ một lời đề nghị: “Rệp cắn tôi, đỏ cả cố lên rồi. Phải dỗ gông đi”; đến hành động “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”, bất chấp những lời nói đùa có tính dọa nạt của tên lính áp giải…, ngay từ đầu, ấn tượng của người đọc về nhân vật đã hình thành rất sâu đậm. Đó là con người của tự do, ngông nghênh, kiêu bạc, con người đúng ngoài mọi thứ luật lệ.

Dù là một “con hổ đã sa cơ”, bị trói buộc bởi gông cùm, bị đe dọa bởi án tử hình, nhưng ở Huấn Cao, ta vẫn thấy toát lên cái khí phách oai phong của đấng “hùm thiêng”. Trong suốt thời gian ở đề lao, ông Huấn lúc nào cũng giữ vẻ lạnh lùng, bình thản. Không một khó khăn, gian khổ nào tác động được đến con người này. Dường như đối với ông, việc vào ngục chỉ giống như một điểm dừng chân của con đại bàng lớn. Vậy nên khi được ngục quan biệt đãi, ông “vẫn thản nhiên nhận rượu và thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm.” Với đấng anh hùng này, có vẻ như giữa bữa cơm tù với sự biệt đãi kia cũng chẳng khác nhau là mấy, bởi ông chẳng mấy để tâm đến chuyện áo cơm như những kẻ phàm phu tục tử thông thường.

Chưa hết! Khi viên quản ngục – người đứng đầu nhà lao, bước vào buồng giam, khúm núm hỏi ông Huấn có cần gì nữa không, ông đã lạnh lùng đáp: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Một lời nói đầy kiêu ngạo và thách thức! “Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục”. Nhưng “đến cái cảnh chém chết, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiêu nhân thị oai này”. Huấn Cao hiện lên với tầm vóc sừng sững, uy nghi của người anh hùng Từ Hải “chọc trời khuấy nước mặc dầu – dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ông đã biến bốn bức tường của nhà lao trở thành một thứ vô nghĩa, biến luật lệ của nhà tù trở thành con số không.

Thiết tưởng chỉ với vẻ đẹp tài hoa và khí phách của một trượng phu, Huấn Cao đã đủ tạo nên ấn tượng sâu đậm, bất tử trong lòng độc giả. Nhưng Nguyễn Tuân chưa dừng lại ở đó. Ông tiếp tục hoàn thiện bức chân dung về nhân vật bằng vẻ đẹp của thiên lương bền vững. Đây cũng là nét đẹp làm nên tầm vóc cao quý của ông Huấn, làm cho Huấn Cao “người” hơn, mà cũng phi thường, đẹp đẽ hơn, bởi đó không phải là một “người khổng lồ không tim” mà hơn ai hết, đó chính là con người biết nâng niu, trân trọng những nhân cách sáng đẹp, “những tấm lòng trong thiên hạ”.

Ta đã bắt gặp một Huấn Cao tỏ rõ thái độ lãnh lùng, kiêu bạc, thậm chí coi khinh những trò “tiểu nhân thị oai” của bọn lính lệ cũng như hành động kì lạ của viên quản ngục. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Sự biệt đãi và thái độ nhịn nhục của người coi tù thực chất đã khiến cho ông Huấn phải nghĩ ngợi nhiều, “ông Huấn Cao còn phải bận tâm nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục”. Có thể xem đó là biểu hiện đầu tiên của một người không vô tình, nhẫn tâm như mọi người nhầm tưởng. Rồi sau khi nghe câu chuyện của thầy thơ lại, nhận ra sở thích cao quý và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ngục quan, Huấn Cao đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Nhà văn đã cho chúng ta gặp gỡ một Huấn Cao khác, rất chân thành, cởi mở và đầy thiện tâm. Lần đầu tiên từ khi xuất hiện, ông Huấn có một biểu hiện cảm xúc, đó là cái “mỉm cười với thầy thơ lại”. Những lời mà ông nói ra sau đó là những lời gan ruột. Huấn Cao đã chân thành bày tỏ sự cảm động của mình: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Câu nói dường như vừa thoáng một chút ân hận vì đã đối xử khinh ngạo với quản ngục, lại vừa rưng rưng niềm cảm động. Đó là cách ứng xử đầy tôn trọng và trân trọng của một tấm lòng trước một tấm lòng, của một thiên lương trước một thiên lương. Là một người tài hoa, độc đáo, sống mạnh mẽ, phóng khoáng, vậy mà ông Huấn lại dành cho “kẻ thù” của mình những lời tri ân cảm động như thế, quả là hiếm thấy và đáng quý! Nói như Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, ở đây, Huấn Cao cũng đã “cúi đầu” trước nhân cách và sở thích cao quý của quản ngục và thơ lại. Cái cúi đầu ấy làm cho con người trở nên lớn lao, đẹp đẽ và giàu chất nhân văn hơn.

Cũng qua lời tâm sự của Huấn Cao với thầy thơ lại, ta biết thêm về nhân cách đáng trọng của con người này. Ông đã nói: “Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường

Facebook Google Plus

• Bài Viết Cùng Chủ Đề
Văn Mẫu Hay 12 : Để có hạnh phúc Văn Mẫu Hay 12 : Để có hạnh phúc
Văn Mẫu Hay 12 : Đậm đà chất sử thi Rừng Xà nu Văn Mẫu Hay 12 : Đậm đà chất sử thi Rừng Xà nu
Văn Mẫu Hay 12 : Đất Nước qua dòng suy tưởng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Văn Mẫu Hay 12 : Đất Nước qua dòng suy tưởng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Văn Mẫu Hay 12 : Đoạn 3 bài Tây Tiến Văn Mẫu Hay 12 : Đoạn 3 bài Tây Tiến
Văn Mẫu Hay 12 : Điều gì khiến bạn sợ nhất khi phân tích tác phẩm ''Vợ Nhặt' Văn Mẫu Hay 12 : Điều gì khiến bạn sợ nhất khi phân tích tác phẩm ''Vợ Nhặt'

Quy định sử dụng | Thông tin liên hệ
Thế Giới Giải Trí Di Động
© 2017 Tai Game Java DMCA.com Protection Status